Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 11 - Phần 1
Quyển VI
[1a]
Kỷ Nhà Trần
Anh Tông Hoàng Đế
Tên là Thuyên, con
trưởng Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu, ở ngôi hai mươi mốt năm,
nhường ngôi sáu năm, thọ bốn mươi lăm tuổi, băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên
Trường, táng ở Thái Lăng. Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái
bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là
bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức
dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?
Giáp Ngọ, Hưng
Long năm thứ 2 (1294), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31). Mùa xuân tháng 2,
ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc húy: chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông
là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng; của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa,
của Nguyên Tổ là Lý; các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng
hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là [1b] Hâm.
Tháng 3, lấy Nhập nội
phán thủ thượng vị Chiêu Hoài hầu Hiện làm Đô áp nha, coi giữ các sắc mục trong
ngoài cung Thánh Từ, lấy con Văn Túc Vương920 là Văn Bích làm Thượng vị Uy Túc hầu.
920 Văn Túc Vương: tên là
Đạo Tái, con của Trần Quang Khải.
Mùa thu, tháng 7, ngày
mồng 3, Thượng tướng thái sư Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải mất, thọ 54 tuổi.
Quang Khải lúc mới
sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh
gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo ông: "Nếu sống lại, sẽ ban cho
những thứ này".
Đến khi sống lại, Thái
Tông nói:
"Gươm báu truyền
quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi".
Quang Khải có học thức,
hiểu tiếng nói của các phiên921. Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang
Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông
gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:
"Thượng tướng đi
theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc".
921 Chỉ các dân tộc ít người
sống trên lãnh thổ Đại Việt thời đó. Nhật Duật còn biết tiếng của nước xung
quanh Đại Việt, như Hán, Chăm-pa.
Quốc Tuấn trả lời:
"Việc tiếp [2a] sứ
giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám
vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ
lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm
vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng
chưa muộn".
Đến khi Thánh Tông trở
về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau.
Một hôm, Quốc Tuấn từ
Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải
vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
"Mình mẩy cáo bẩn,
xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và
nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng".
Quang Khải cũng nói:
"Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho".
Từ đó, tình nghĩa qua
lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập
nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.
Quang Khải ham học hay
thơ, có Lạc đạo [2b] tập lưu hành ở đời. Con ông là Văn Túc
Vương Đạo Tái cũng nổi tiếng về văn học thời đó, được Thượng hoàng ưu ái hơn
các em thúc bá khác.
Bấy giờ, Thượng hoàng
đến Vũ Lâm922 vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng
ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc
Vương lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi.
922 Tức là xã Vũ Lâm huyện
Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Đến khi thượng hoàng
xuất gia, sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn
các món hải vị, làm thơ rằng:
Hồng thấp bác quy cước,
Hoàng hương chích mã an,
Sơn tăng trì tịnh giới,
Đồng tọa bất đồng xan.
(Quy cước923 bóc đỏ
ướt,
Mã yên nướng vàng thơm,
Sơn tăng giữ trai giới,
Cùng ngồi chẳng cùng ăn).
923 Quy cước, mã yên: là
hai món ăn. Quy cước là món sò huyết, mã yên: chưa rõ món gì.
Tin yêu, quý mến Đạo
Tái đến như vậy, định dùng ông vào chức to, nhưng trời không cho sống lâu.
Cháu (Quang Khải) là Uy
Túc công Văn Bích làm Thái bảo thời Minh Tông, chắt là Chương Túc quốc thượng
hầu Nguyên Đán là Từ đồ đời Nghệ Tông cũng có danh tiếng. Đức trạch (của Quang
Khải) thực sâu dày, cùng hưởng phúc với nhà vua từ trước đến sau.
[3a] Tháng 8, Thượng
hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết.
Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân
Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh
chiến, đánh bại quân Ai Lao. Ban kim phù cho Ngũ Lão.
Tháng 9, lấy ngày sinh
làm tiết Sùng Thiên.
Thiếu bảo Đinh Củng
Viên mất, vua tôn trọng không gọi tên ông.
Ất Mùi, (Hưng
Long) năm thứ 3 (1295), (Nguyên Thành Tông Mộc Nhĩ Nguyên Trinh năm thứ
1). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, sứ Nguyên Tiêu Thái Đăng sang.
Vua sai Nội viên ngoại
lang Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại
Tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành.
Mùa hạ, tháng 6, Thượng
hoàng trở về kinh sư. Vì (trước) đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về.
Bấy giờ, Tuyên Từ thái
hậu từ khi Khâm Từ băng, phải quản việc trong cung, tính người khó khăn nóng
nảy, dạy bảo rất nghiêm, mà vua vâng theo rất kính cẩn. Thượng hoàng [3b] nói
(với vua):
"Cha tự thẹn xưng
là Hiếu Hoàng, nên dùng danh hiệu ấy để gọi Quan gia thì phải".
Ngày 13, người đàn bà ở
phường Tây Nhai phía hữu kinh thành là Lê Thị Ta nghe tin chồng là Phạm Mưu đi
sứ nước Nguyên ốm mất, thương nhớ không ăn 3 ngày rồi cũng mất. Việc ấy tâu
lên, (vua) cho bạc lụa để viếng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng, kêu gào mãi rồi chết; Lê
thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ
hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa
chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Mấy người này đức hạnh thuần hiếu,
trinh tiết, trên đời thực không có nhiều. Các vua đương thời nêu khen họ để
khuyến khích đời sau thực là phải lắm! Nhưng Thiều Dương và Nguyễn thị chưa
được nêu khen, cho nên bàn chung cả ở đây.
Truy tặng Đinh Củng
Viên làm Thiếu phó.
Mùa thu, tháng 8, thi
con trai các quan văn từ miện sam924 trở xuống[4a] ở nha An Hoa, sung bổ làm thuộc
viên nha ấy.
924 Theo Cương mục thì miện
sam là chức hiệu thư quyền miện, người đỗ thám hoa được bổ chức ấy. Sam là chức
bạ thư mạo sam, người đỗ bảng nhãn được bổ chức ấy.
Bính Thân, (Hưng
Long) năm thứ 4 (1269), (Nguyên Trinh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3,
Thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, (vua sai) đánh chết.
Phan Phu Tiên nói: Luật
pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông lại công
nhiên làm bậy, gọi là những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong
nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc
mà rồi mất nước.
Nhân Huệ Vương Khánh Dư
từ Bài Áng vào chầu.
Người trong trấn kiện
Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư nhân đó tâu
vua:
"Tướng là chim
ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?"
Vua không hài lòng, Khánh
Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá bốn ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị
vua khiển trách.
Mùa thu, tháng 7, vua
[4b] ngự đến Đông Bộ Đầu xem đua thuyền. Được mùa to.
Đinh Dậu, (Hưng
Long) năm thứ 5 (1279), (Nguyên Đại Đức năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2,
duyệt định dân binh các xã trong cả nước, bắt đời đời làm lính, không được làm
quan theo quy chế cũ.
Đổi giáp thành hương.
Sai Chiêu Văn Vương
Nhật Duật đi đánh sách A Lộc. Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng đi đánh sách Sầm Tử.
Ai Lao xâm phạm sông
Chàng Long. Phạm Ngũ Lão đánh bại chúng, lấy lại được đất cũ. Ban vân phù cho
Phạm Ngũ Lão.
Mùa hạ, tháng 4, lấy
Trần Thì Kiến làm Kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ Kinh sư.
Thì Kiến tính người
cương trực, trước kia làm môn khách của Hưng Đạo Vương, Vương tiến cử ông, được
cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường. Có người trong hương, nhân ngày giỗ đem
biếu mâm cỗ, Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở
(nên đem biếu) chứ không kêu xin gì.
Mấy ngày sau, quả nhiên
có việc kêu xin. Thì Kiến [5a] móc họng mửa ra. Đến đây lại được thăng làm Kiểm
pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm
phương pháp để ứng phó. Người đời đều cho là giỏi xét đoán kiện tụng (Thì Kiến
người Cự Sa, huyện Đông Triều).
Sử thần Ngô Sĩ Liên
nói: Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy
giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của
Quan Trọng vậy.
Mùa đông, tháng 10, sai
phủ tông chính khảo chính phả hệ của họ nhà vua.
Mậu Tuất, (Hưng
Long) năm thứ 6 (1298), (Nguyên Đại Đức năm thứ 2). Mùa xuân, ban hai chữ
húy là Ngụy và Châu.
Mùa thu, tháng 8, cấm
mọi người không được xưng là "thần" với các nhà đại thần tôn thất.
Thi đánh gậy.
Tháng 9, gió lớn mưa
to.
Mùa đông, tháng 10,
đánh Ai Lao. Tướng Nguyên đầu hàng là Trương Hiển chết tại trận, được tặng tước
minh tự, cho thờ ở Thái Thường.
Lấy Phạm Ngũ Lão làm
Hữu kim ngô vệ đại [5b] tướng quân. Đặt (các quân hiệu) Thượng đô925, Thủy dạ xoa đô, Chân
kinh đô, thích các chữ như "Chân kim"… lên trán.
925 Cương mục chép là Thượng
chân đô.
Tháng 12, sao Chổi mọc
ở phương đông. Vua lánh không ở chính điện, giảm món ăn.
Lấy Ngự sử đại phu Trần
Khắc Chung làm Đại an phủ Kinh sư.
Lấy Trần Thì Kiến làm
Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu. Vua ban cho ông cái hốt có khắc bài
minh ngự chế.
Thái sơn trinh cao,
Tượng hốt trinh liệt, Linh trãi tiến giác, Vi hốt nam chiết. (Thái sơn rất
cao, Hốt ngà rất cứng, Linh trãi926 dâng sừng, Làm hốt khó gãy).
926 Theo truyền thuyết
Trung Quốc, trãi là loài thú không chân, có một sừng, hễ gặp người không chính
trực thì húc nên dùng trãi làm biểu tượng cho quan ngự sử giữ việc đàn hặc, hay
gián quan giữ việc khuyên can vua.
Kỷ Hợi, (Hưng
Long) năm thứ 7 (1299), (Nguyên Đại Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 4,
ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại Vương và Thiện Đạo quốc mẫu
(Khâm Minh tên húy là Liễu, Thiện Đạo tên húy là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân
của Liễu) khi làm văn không được dùng. Các các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô,
Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn phải viết bớt nét. Nhà Trần kiêng tên húy họ ngoại
bắt đầu từ đây.
Lấy Phạm Ngũ Lão làm
Thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng.
[6a] Tháng 5, lấy Đoàn
Nhũ Hải làm Ngự sử trung tán.
Bấy giờ Thượng hoàng từ
phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì
uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung
điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ.
Cung nhân dâng bữa,
Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu?
Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận
lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều
phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ Mùi vua mới
tỉnh, cung nhân đem việc ấy tâu lên. Vua sợ quá, đi rảo ra khỏi cửa cung không
thấy ai coi giữ; qua chùa Tư Phúc, thấy học sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa. Vua
hỏi:
"Sao ngươi lại ở
đây?"
Nhữ Hài vội vàng lạy
rạp xuống đất tâu:
"Thần vì mãi học,
đi lỡ ra đây".
Vua bèn dẫn Nhữ Hài vào
buồng ngủ và bảo:
"Vừa rồi trẫm vì
say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến [6b] trước mặt ngài tạ
tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu".
Nhữ Hài đứng trước mặt
vua, soạn xong tờ biểu. Vua bèn lấy thuyền nhẹ đi ngay, cho Nhữ Hài theo mình.
Sáng sớm hôm sau, vua
tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là
người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không
nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập
đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi:
"Người ở trong sân
có còn đấy không?"
Nội nhân đáp rằng còn.
Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào
bảo:
"Trẫm còn có con
khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi
sau này?".
Vua rập đầu tạ tội.
Thượng hoàng hỏi:
"Ai soạn biểu cho
ngươi".
Vua thưa: "Đó là
thư sinh Đoàn Nhữ Hài".
(Sử cũ chép việc này
vào năm Mùi đời Minh Tông nay xét nên để ở đây).
Thượng hoàng bèn gọi
Nhữ Hài vào và bảo:
"Bài biểu ngươi
soạn, rất hợp lòng trẫm".
Rồi xuống chiếu cho
Quan [7a] gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ.
Vua từ Thiên Trường trở
về (Kinh), phong Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Bấy giờ có người ghen Nhữ Hài tuổi
trẻ làm quan to, làm thơ chế giễu rằng:
Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ,
Khẩu tồn nhữ xú Đoàn trung tán.
(Ôn câu chữ cổ: Đài ngự sử,
Miệng sữa còn hôi: Trung tán Đoàn.)
Nhữ Hài là cận thần của
vua. Vua nói năng hành động gì đều được biết cả. Đến khi nhận chức này, xem
thực lục của sử thần chép, có chỗ lầm lẫn, bèn sửa lại cho đúng, rồi đốt bỏ bản
thảo cũ đi.
Vua bái yết sơn lăng.
Tháng 6, tế khắp các
thần kỳ núi sông.
Mùa thu, tháng 7, xây
am Ngự Dược trên núi Yên Tử.
Tháng 8, Thượng hoàng
từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Thượng hoàng có lần ngự
cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:
"Nhà ta vốn là
người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm
hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên [7b] xăm rồng vào đùi để tỏ là
không quên gốc".
Bấy giờ thợ xăm đã đợi
mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay
cung Trùng Hoa.
Một lúc lâu, Thượng
hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa.
Thượng hoàng bảo:
"Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy".
Quốc phụ có xăm hình
rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.
Lại hồi quốc sơ, quân
sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là "thái
long" (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng,
lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là
"thái long".
Vua thích vi hành, cứ
đêm đến, lại lên kiệu, cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy
mới trở về cung. Có đêm, ra đến quân phường, bị bọn vô lại ném gạch [8a] trúng
vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: "Kiệu vua đấy". Bọn chúng biết
nhà vua, mới tan chạy cả. Một hôm, thượng hoàng thấy đầu vua có vết thương, vặn
hỏi, vua cứ thực mà thưa. Thượng hoàng giận dữ hồi lâu.
In các sách Phật
giáo pháp sư, Đạo trường tân văn vàCông văn cách thức ban hành trong
cả nước.
Tháng 9, xuống chiếu
rằng từ năm Canh Dần (1290), Tân Mão (1291) đến nay, phàm bán ruộng đất và mua
gia nhân làm nô thì cho được chuộc, nếu để quá năm nay thì không cho chuộc nữa.
Xuống chiếu cho sĩ nhân
trong nước ôn luyện để đợi thi.
Lấy nội quan Trần Hùng
Thao làm Tham tri chính sự, đồng tri Thánh Từ cung tả ty sự. Sau Hùng Thao can
tội phê án tha người nên bãi chức.
Canh Tý, (Hưng
Long) năm thứ 8 (1300), (Nguyên Đại Đức năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng,
ngày 27, động đất ba lần, suốt từ giờ thân đến giờ tý mới thôi.
Tháng 3 nhuận, Trần
Quốc Khang chết.
Quốc Khang từng cai trị
Diễn Châu, chọn [8b] con gái đẹp trong châu làm vợ lẽ nàng hầu, nên các con thứ
như Huệ Nghĩa, Quốc Trinh đều do các bà Diễn Châu sinh ra. Về sau chức Tri châu
Diễn Châu đều do con cháu Quốc Khang làm cả. Đến khi dòng giống thiếu người nối
dõi, mới dùng người trong châu làm chức ấy.
Mùa hạ, tháng 4 (không
chép ngày), mặt trời rung động.
Tháng 5, ngày 16, xuống
chiếu rằng các quan văn võ trong triều ai mới có chữ phê mà không có ấn trướng
hạ927 thì phải giảm một tư, người có công đánh dẹp thì
không phải giảm (đó là xét những thiếp ban cho trong thời gian mất ấn).
927 Ấn trướng hạ: con dấu
đóng trong khi hành quân, đánh dẹp.
Người đàn bà lộ Hồng đẻ
một con trai có hai đầu.
Tháng 6, ngày 24, sao
sa.
Hưng Đạo Vương ốm. Vua
ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
"Nếu có điều chẳng
may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào".
Vương trả lời:
"Ngày xưa Triệu Vũ
dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế "thanh dã"928, đại quân ra Khâm
Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là
[9a] một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà
phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành
Bình Lỗ929 mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua
Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến
tận Mai Lĩnh930 là vì có thế.
928 Thanh dã: làm vườn
không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chổ
nào.
929 Thành Bình Lỗ: chưa biết
là ở đâu, nhưng có lẽ là nằm ở trong vùng hương Bình Lỗ hay quận Bình Lỗ đời Lê
Đại Hành, tức khu vực nằm giữa sông Cầu và sông Cà Lô, gần Phù Lỗ, nay thuộc
huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
930 Đèo Mai Lĩnh: tức đèo
Đại Du, phía nam huyện Đại Dũ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã
Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc
phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào
đoản binh. Dùng đoản (binh) chế trường (trận) là sự thường của binh pháp. Nếu
chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm
như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét
quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như
cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân [9b] để làm kế sâu rễ bền
gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Quốc Tuấn là con Yên
Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: "(Người
này) ngày sau có thể giúp nước cứu đời".
Đến khi lớn lên, dung
mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh
Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng931, mang lòng hậm hực,
tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Yên Sinh cầm tay
Quốc Tuấn giối giăng rằng:
"Con không vì cha
lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được".
931 Tức Trần Thái Tông.
Quốc Tuấn ghi điều đó
trong lòng, nhưng không cho là phải.
Đến khi vận nước lung
lay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là
Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:
"Làm kế ấy tuy
được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng
đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không [10a]
muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt
làm thầy mà thôi932.
932 Sở Chiêu Vương chạy loạn
ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương trở về
nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: "Nhà vua mất nước, tôi
không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế
là đủ còn thưởng gì nữa".
Quốc Tuấn cảm phục đến
khóc, khen ngợi hai người.
Một hôm Quốc Tuấn vờ
hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:
"Người xưa có cả
thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?".
Hưng Vũ Vương trả lời:
"Dẫu khác họ cũng
không nên, huống chi là cùng một họ!"
Quốc Tuấn ngẫm cho là
phải.
Lại một hôm Quốc Tuấn
đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến
lên thưa:
"Tống Thái Tổ vốn
là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ"933.
933 Cao Tổ nhà Hậu Tống
Tên là Lưu Dụ vốn là người làm ruộng, sau nhân dịp loạn lạc, nổi lên giành được
thiên hạ.
Quốc Tuấn rút gươm kể
tội:
"Tên loạn thần là
từ đức con bất hiếu mà ra", định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin,
vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn
Hưng Vũ Vương:
"Sau khi ta chết,
đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng".
Mùa thu, tháng 8, ngày
20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư [10b]
thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Thánh Tông có soạn bài
văn bia ở sinh từ (của Quốc Tuấn), ví ông với Thượng phụ (ngày xưa)934. Lại vì ông có công
lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho
người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau.
Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào
cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ
làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông kính cẩn giữ tiết làm
tôi như vậy đấy.
934 Thượng phụ: tức Lã Vọng,
giúp Chu Vũ Vương giành được thiên hạ, Vũ Vương tôn làm thầy, gọi là Thượng phụ.
Quốc Tuấn lại từng soạn
sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỷ Tín chết thay để cứu thoát
Hán Cao935, Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử936 Thế là dạy đạo
trung đó.
Khi sắp mất, ông dặn
con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong
vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào,
lại phải (làm sao cho) mau phục [11a].
935 Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ
Vương bao vây, bề tôi là Kỷ Tín giả là Hán Cao Tổ ra hàng. Cao Tổ do đó trốn
thoát, còn Kỷ Tín đã bị thiêu chết.
936 Do Vu: là bề tôi của Sở
Chiêu Vương thời Xuân Thu, Sở Chiêu Vương lúc lánh nạn bị kẻ cướp đâm. Do Vu đã
giơ lưng ra chịu đâm để cứu Chiêu Vương Sở Tử tức Sở Chiêu Vương.