Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 11 - Phần 3

Tháng 3, thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư; Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; tất cả bốn mươi bốn người đỗ thái học sinh.

Dẫn ba người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố ba ngày. Còn 330972 người khác thì ở lại học tập.

972 Nguyên bản in là tam bách tam thiên, hẳn là chữ “thiên?” in nhầm từ chữ “thập?”. Các bản in đời Nguyễn đã chữa lại là tam bách tam thập.

Trung Ngạn mới mười sáu tuổi, đương thời gọi là thần đồng.

Về phép thi: Trước hết thi ám tả thiên Y quốc và truyệnMục Thiên tử973 để loại bớt. Thứ đến kinh nghi974, kinh nghĩa975, đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về "vương độ khoan mãnh"976, theo luật "tài nan xạ trĩ"977, về phú thì dùng thể tám vần "đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm"978. Kỳ thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách.

973 Y thiên quốc, lấy ở Quốc ngữ, nội dung nói về đạo trị nước. Mục thiên tử truyện bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc, do Quách Phác đời Tấn chú giải, chép truyện Mục Vương đời Chu. Bản nhầm chữ thiên tử thành thái tử.

974 Kinh nghi: những điều nghi vấn trong kinh điển nho gia.

975 Kinh nghĩa: bàn về nghĩa lý trong kinh điển nho gia.

976 Chế độ rộng, ngặt.

977 Tài khó bắn trĩ.

978 Đức độ đế vương vốn ưa sự sống, phù hợp với lòng dân.

(Đĩnh Chi người Chí Linh [19b], Mộ người Thanh Oai, Phóng người Thanh Hóa).

Sư Du Già nước Chiêm sang ta, chỉ ăn sữa bò.

Thi các thủ phân (thủ phân tức là quan lại nắm việc hình pháp) hỏi phép đối án.

Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu rằng các chữ húy về miếu hiệu, tên vua, thì viết bớt nét.

Tháng 8, cấm chữ húy miếu hiệu nhà Lý tám chữ: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm, viết bớt nét.

Tháng 9, xuống chiếu rằng, khi áp tay vào giấy tờ hình án hay văn tự thì dùng hai đốt của ngón tay vô danh979 bên trái.

979 Cũng gọi là ngón đeo nhẫn, ngón áp út.

Mùa đông, tháng 11, xuống chiếu thi kẻ sĩ trong nước, hỏi về bảy khoa.

Tháng 12, sao Chổi mọc ở phương nam.

Trần Hùng Thao xin từ chức Tả bộc xạ, y cho.

Lấy Đoàn Nhữ Hài tri Khu mật viện sự.

Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng (không rõ tên) thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Còn như Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài, nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt.

[20a] Xuống chiếu cho phủ Tông chính soạn ngọc phả của họ vua.

Ất Tỵ, (Hưng Long) năm thứ 13 (1305), (Nguyên Đại Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, sách phong hoàng tử thứ tư là Mạnh làm Đông cung thái tử, (vua) làm bài Dược thạch châm980 ban cho.

980 Dược thạch châm: nghĩa là bài châm khuyên răn, có tác dụng như thuốc thang.

Tháng 2, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết.

Tháng 3, nước La Hồi981 sai người dâng vải liễn la và các thứ khác.

981 La Hồi: có lẽ là nước La Hộc (Lava) ở Laphuri, Thái Lan.

Lấy Trần Thì Kiến làm Tả bộc xạ.

Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi ngề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy.

Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy.

Có người hỏi [20b] cớ làm sao, Cụ trả lời: "Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?".

Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bong lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.

Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ "đinh" không thành, chữ "bát" không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: "Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?".

Nhà ông ta ở và thuyền ông ta đi, đều có hai cửa đối nhau, xếp đặt, bày biện các thứ cũng cân đối và phải ngay ngắn, vì là bản [21a] tâm như vậy, cho nên biểu hiện ở mọi việc làm cũng như vậy.

Cụ người Cứu Liên, vốn có mối hận với Cứu Liên, thề rằng chân không giẫm lên đất ấy nữa. Sau này trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu vào cửa, tới giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền… Cứ như thế cho đến hết đời, chưa hề giẫm một bước xuống đất (Cứu Liên). Ông ta giữ lòng bền rắn một mực như vậy đó, đời xưa gọi thế là người gàn.

Bính Ngọ, (Hưng Long) năm thứ 14 (1306), (Nguyên Đại Đức năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Thống chính thái sư Tá Thiên Đại Vương Đức Việp mất (thọ bốn mươi hai tuổi).

Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân.

Trước đây, Thượng hoàng vân du sang Chiêm Thành, đã hứa gã rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội [21b] nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngày xưa, Hán Cao hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho Thiên Vu 982.

982 Thiền Vu: tên gọi chúa Hung Nô.

Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn 983 sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ.

983 Họ Hàn: tức Hô Hàn Da, một thiền vu Hung Nô. Đời Hán Nguyên Đế, Hô Hàn Da sang chầu và xin làm rể nhà Hán, Nguyên Đế đem Vương Tường (tức Chiêu Quân) gả cho.

Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?

[22a] Mùa thu, tháng 9, ngày 15, giờ Tuất, nguyệt thực.

Sai thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố giảng Ngũ Kinh. Sĩ Cố thuộc dòng Đông Phương Sóc 984, giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm nhiều thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đó.

984 Đông Phương Sóc: tên tự là Mạn Thiến, người đời Hán, giỏi khôi hài, hoạt kê, từng làm Kim mã môn thị trung cho Hán Vũ Đế.

Hành khiển trí sĩ Nguyễn Kim Ngô về chầu, tự xưng là Liễu Nhiễu. Kiên Ngô tính thẳng thắn, vua ưu đãi, quý trọng, không gọi tên để khuyến khích những người tuổi già vẫn giữ quyền vị.

Lấy Trần Hùng Thao làm Thiếu bảo.

Sai Hàn lâm học sĩ Lê Tông Nguyên, Trung thị đại phu Bùi Mộc Đạc sang Nguyên đáp lễ.

Đinh Mùi, (Hưng Long) năm thứ 15 (1307), (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.

Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua [22b] sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý (của nhà vua) chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế ba năm để vỗ về.

Tháng 3, ngày 17, giờ Tỵ, mặt trời có hai quầng, như hình hai cầu vòng giao nhau.

Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết.

Mùa thu, tháng 9, nước to, vỡ đê Đam Đam.

Thế tử Chiêm Thành Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng.

Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về.

Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với (người Chiêm): "Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh [23a] hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu".

Người Chiêm nghe theo.

Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.

Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu:

"Thằng này là điểm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung985 thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?". Khắc Chung thường sợ hãi né tránh.

985 "Trần Khắc Chung" theo tiếng Hán có nghĩa là nhà Trần sắp chấm dứt.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thói gian tà của Trần Khắc Chung thực quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn vào hùa với Văn Hiến vu hãm quốc phụ thượng tể986 vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú quý.

986 Tức Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn.

Khổng tử nói: "Kẻ gian tà được sống sót là may mà thoát tội chăng?".

Song, sau khi hắn chết, gia nô của Thiệu Vũ (Vương)987 đào xác hắn lên mà vằm nhỏ ra thì lời thánh nhân càng đáng tin.

987 Thiệu Vũ Vương là con của Quốc Chẩn.

[23b] Đói.

Mậu Thân, (Hưng Long) năm thứ 16 (1308), (Nguyên Vũ Tông Hải Sơn, Chí Đại năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Trương Hán Siêu làm Hàn lâm học sĩ.

Mùa thu, tháng 11, ngày mồng 1, mặt trời có hai quầng.

Ngày mồng 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử.

Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ988. 988 Thượng hoàng Nhân Tông là tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm đời Trần.

Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo:

"Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay".

Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa989 các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên [24a] Thụy cũng mất vào hôm đó.

989 Sư Pháp Loa trước là đệ tử của Trúc Lâm đại sĩ, sau trở thành vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm.

Pháp Loa thiêu (xác Thượng hoàng) được hơn ba ngàn hạt xá lỵ990 mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới chín tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ ở trước ngự991, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ.

990 Xá lỵ: phiên âm tiếng Phạn sarira, nghĩa là thân thể, thuật ngữ Phật giáo, chỉ những phần còn lại sau khi thiêu xác, thường là những hạt nhỏ, được gọi là xá lỵ. Bản in khắc nhầm chữ Xá lỵ thành Xá sát.

991 Câu chuyện trên cũng được chép trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Theo sách này (chuyện Tô linh định mệnh), xá lỵ bay vào ống tay áo hoàng tử Mạnh.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả992.

992 Nguyên văn: "Hiền giả quá chi dã". Theo chúng tôi, có lẽ Toàn thư đã khắc nhầm từ câu: "Hiền giả chi quá dã", nên dịch như trên.

Sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi993 sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên.

993 Nguyên bản Toàn thư chép là An Lỗ Uy, nhầm chữ Khôi ra chữ Uy. Nguyên sử, Bản kỷ (Vũ Tông) chép rằng năm Chí Đại thứ 1 (1308), Lễ bộ thượng thư A Lý sang nước ta. A Lý Khôi hay A Lặc Khôi là những tên phiên âm khác nhau của người Mông Cổ Alqui.

Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho [24b] cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu.

Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:

"Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân".

Mọi người đều phục tài của ông.

Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:

"Lưu kim thước thạch,

thiên vị địa lô,

nhĩ ư tư thì hề,

Y Chu cự nho.

Bắc phong kỳ lương,

vũ tuyết tái đồ,

nhĩ ư tư thì hề,

Di [25a] Tề ngã phu.

Y! Dụng chi tắc hành,

xả chi tắc tàng,

duy ngã dữ nhĩ,

hữu như thị phù".

(Chảy vàng tan đá,

trời đất như lò,

ngươi bấy giờ là Y Chu994 đại nho.

Gió bấc căm căm,

mưa tuyết mịt mù,

ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo995.

Ôi,

được dùng thì làm,

bỏ thì nằm co,

chỉ ta cùng ngươi là thế ru!).

994 Y: Y Doãn, công thần khai quốc của nhà Thương; Chu: là Chu công, công thần của nhà Chu.

995 Di Tề: tức Bá Di, Thúc Tề hai bề tôi trung của nhà Thương, không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, bị chết đói ở đó.

Người Nguyên lại càng thán phục.

Kỷ Dậu, (Hưng Long) năm thứ 17 (1309), (Nguyên Chí Đại năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, đại xá.

Sách phong Đông cung thái tử Mạnh làm Hoàng thái tử. Truy tôn Khâm Từ Bảo Thánh thái hậu làm Thái hoàng thái hậu. Sách phong Thánh Bà phu nhân làm Thuận Thánh hoàng hậu.

Thứ phi của vua là Phạm thị, là con gái Phạm Ngũ Lão, không có con, xin xuất gia, vua cho.

Mùa đông, tháng 11, trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân.

Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu996, tên Trù ở cửa thành chợ Dừa997, tên Tổng ở cửa thànhh Tây Dương998, tên Dung ở cửa thành Vạn Xuân999. Tên Hân vì ngày trước có công lớn, được miễn tịch thu gia sản. Còn bọn tên Lệ sáu người bị đày ra châu Ác Thuy (Ác Thủy thuộc huyện Yên Bang1000. Người bị đày ra đó, [25b] không một ai sống nổi). Tên Lệ là dòng cuối trong họ nhà vua, được miễn thích chữ vào mặt. Bọn tên Đảo bốn người bị đày ra châu xa, tên Ma vì sai vợ là Thị Vĩnh ra thú trước, được tha tội. Theo lệ cũ, những kẻ có tội đều bị tước bỏ họ, chỉ gọi tên thôi. Tội đồ thì tuy còn đề họ, nhưng cũng chỉ gọi tên không.

996 Cầu Giang Khẩu: cầu ở vùng của sông Tô Lịch, thuộc phường Giang Khẩu, tức vùng phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay.

997 Cửa thành chợ Dừa: ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội ngày nay.

998 Cửa thành Tây Dương: ở cửa Ô Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay.

999 Cửa thành Vạn Xuân: ở phía ngoài phường Ông Mạc, tức Ô Đống Mác ở Hà Nội ngày nay.

1000 Nguyên bản chép là huyện Yên Bang, nhưng thực ra Yên Bang là tên lộ thời Trần và tên đạo thời Lê, tức đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn có nói: "Yên Bang là nơi hiểm ác, gọi là viễn châu (châu xa), các triều đại đều đày người đến ở đó".

Phu nhân Uy Túc công1001 là công chúa Thiên Trân mất. Vua thương xót, đến đưa đám.

1001 Uy Túc công: tức Trần Văn Bích, con Trần Đạo Tái, cháu Trần Quang Khải.

(Lệ cũ: Những người lấy công chúa, nếu mất mất hay bỏ nhau, thì đều không được lấy vợ khác, nếu có lén lấy vợ khác, thì phải giấu giếm vụng trộm. Thiên Trân mất, Uy Túc lăn ra đất khóc lóc không đứng dậy được. Vua đến đưa đám, phải người đỡ hai bên mới ra tiếp được, ai cũng bảo là (Uy Túc) nhất định sẽ không lấy vợ khác nữa, thế mà Uy Túc sau lại lấy Huy Thánh. Văn Huệ công Quang Triều1002 lấy công chúa Thượng Trân. Công chúa mất, Minh Tông đến điếu tang, Văn Huệ ra đón tiếp tâu bày, như không có vẻ gì đau buồn, mọi người đều cho là (Văn Huệ) thế nào cũng lại lấy vợ khác. Nhưng sau Văn Huệ đi tu đến trọn đời).

1002 Văn Huệ công: tức Trần Quang Triều, con Trần Quốc Tảng, cháu Trần Quốc Tuấn. Ở trên, đã chép.

Lấy Bùi Mộc Đạc làm Trung thư thị lang.

Canh Tuất, (Hưng Long) năm thứ 18 (1310), (Nguyên Chí Đại năm thứ 3). Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu thượng hoàng [26a] về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở đấy.

Trước đó, linh cữu Nhân Tông tạm quàn ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa rước, đã đến giờ rồi mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không giãn ra được. Vua cho gọi Chi hậu thánh chưởng Trịnh Trọng Tử tới bảo:

"Linh cữu sắp đưa rồi mà dân chúng đầy nghẽn như vậy thì làm thế nào? Ngươi hãy làm cho họ tránh ra".

Trọng Tử lập tức đến thềm Thiên Trì, gọi quân Hải khẩu và quân Hổ dực (quân do Trọng Tử trông coi) đến ngồi thành hàng trước thềm, sai hát mấy câu điệu Long Ngâm. Mọi người đều kinh ngạc, kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước (linh cữu thượng hoàng) về lăng Quy Đức.

Trọng Tử lo dọc đường thế nào cũng có chỗ cao thấp quanh co, nếu nghiêm túc im lặng, thì sợ có sự nghiêng lệch, nếu truyền gọi bảo ban thì lại e ồn ào, bèn đem những lời dặn về cách đi đứng dàn hàng, phổ vào khúc hát Long Ngâm, sai người hát lên để bảo nhau. Người thời ấy rất ca ngợi ông. Ý tứ khéo léo của ông đại loại như vậy. Vua gọi ông là con nhà trời, vì ông hiểu khắp mọi nghề, lớn nhỏ đều thạo, không việc gì là không biết [26b].

(Trọng Tử nhiều tài nghệ, như cưỡi ngựa lạ không cần người giỏi cưỡi ngựa chỉ bảo, chỉ nghĩ cách phòng giữ cho ngựa khỏi lồng chạy đá cắn thôi, thế mà thuật cưỡi ngựa không có gì là không biết.

Học thuốc thì không cần hỏi thầy thuốc, cứ theo bài thuốc trong sách, xét chứng xem mạch rồi bốc thuốc, mà cũng không sai lầm. Lại đựng vị xuyên khung trong túi vải, cho gia đồng mang theo để lấy hơi người, không sinh mối mọt.

Học đánh cờ thì vẽ bàn cờ và quân cờ lên trần nhà, rồi ngồi nhìn và suy tính kỹ càng, người đương thời khen là giỏi cờ.

(Trọng Tử) thường mời đạo sĩ làm phép trấn yểm, đạo sĩ vào chỗ ngồi, nhưng mọi việc đều do Trọng Tử làm cả, mà đạo sĩ thì không phải nói một lời nào. Khi công chúa Thiên Trân mất, các vương hầu đều tới điếu viếng, thầy cúng làm phép "hú vía", nhưng thiếu người trả lời. Trọng Tử cố hỏi là người trả lời phải đứng ở chỗ nào, rồi đến ngay chỗ khuất người để trả lời, mọi người đều che miệng cười. Đại khái, tài khéo léo của ông đều như thế cả).

[ 27a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Triều đình cốt phải nghiêm. Rước đưa linh cữu thì cần gì phải đến tể tướng dẹp người, hữu ty dùng kế mới đi được? Là bởi nhà trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ vậy!

Xá lỵ của Nhân Tông đưa cất vào bảo tháp, có sư Trí Thông phụng hầu. Trước đây, khi Nhân Tông xuất gia, sư chùa Siêu Loại là Trí Thông tự đốt cánh tay mình, từ bàn tay đến tận khuỷu tay, vẫn ung dung không biến sắc. Nhân Tông vào xem, Trí Thông đặt chỗ cho vua ngồi, lạy và nói: "Thần tăng đốt đèn đó! Đốt đèn xong, về viện ngũ kỹ, ngũ dậy, chỗ bỏng lửa phồng lên sẽ khỏi hết".

Đến đây, Nhân Tông băng, Trí Thông liền sai vào núi Yên Tử ở hầu bảo tháp chứa xá lỵ. Đến đời Minh Tông, ông tự thiêu mà chết.