Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 13 - Phần 4

Hành khiển đồng tri Đại tông chính tự Lương Nguyên Bưu đỡ gạch ngói, gỗ lớn ở các cung điện Thụy Chương, Đại An, giao hết cho các châu Từ Liêm và Nam Sách chở tới kinh đô mới, gặp bão chìm [31b] đắm mất quá nửa.

Nhà Minh sai đưa hai người tộc họ nhà Nguyên là Đại Hồ và Tiểu Hồ sang an trí ở nước ta. Cho Đại Hồ tên là Địa Phục Cơ, Tiểu Hồ tên là Địa Bảo Lang.

Tướng Chiêm Thành là Chế Đa Biệt cùng với em là Mộ Hoa Từ Ca Diệp đem cả nhà sang hàng. Ban tên cho Đa Biệt là Đại Trung, phong là Kim Ngô vệ tướng quân, Ca Diệp làm Cấm vệ đô, đều ban họ Đinh, lại cho trấn thủ Hóa Châu để chống giữ Chiêm Thành.

Mậu Dần, (Quang Thái) năm thứ 11 (1398), (từ tháng 3 trở đi là Thiếu Đế Kiến Tân năm thứ 1, Minh Hồng Vũ năm thứ 31). Mùa xuân, tháng 3, ngày 15, Lê Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An1266.

1266 Nguyên văn là chữ? không có loại từ nào có chữ này. Tên vua nhà Trần thường có bộ nhật, hoặc hỏa. Ở đây, tên vua là An và thêm bộ hỏa.

Quý Ly có ý cướp ngôi, nhưng đã trót thề với Nghệ Hoàng rồi, sợ trái lời thề, bèn ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục vua rằng:

"Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần, [32a] Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên. Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ1267, nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung1268 để giữ khí hư hòa".

1267 Hào Cửu ngũ của quê Kiền trong Kinh Dịch nói: "Long phi tại thiên, lợi kiến đại nhân" được coi là điềm xuất hiện vua giỏi, nên "ngôi cửu ngũ" là chỉ ngôi vua.

1268 Tức thái tử.

Vua nghe lời, rồi Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo vào cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại, mời vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho hoàng thái tử. Tờ chiếu nhường ngôi đại lược nói:

"Trẫm sớm mộ huyền phong1269, không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc1270. Đức kém lạm giữ ngôi cao, thực khó lòng kham nổi. Huống chi tâm bệnh thường hay phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Lời thề nguyền trước, trời đất quỷ thần đều đã nghe. Nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn, Hoàng thái tử An hãy lên nối ngôi Hoàng đế. Phụ chính thái sư Lê Quý Ly lấy danh nghĩa Quốc tổ1271 giữ quyền nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái Thượng Nguyên Quân Hoàng Đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa ý nguyền từ trước".

1269 Huyền phong: là phong cách thanh tao, ở đây chỉ đạo giáo.

1270 Hoàng ốc: loại xe vua ngự, ngoài bọc lụa sắc vàng. Nên hoàng ốc cũng dùng để chỉ ngôi vua.

1271 Quốc tổ: tức là tổ phụ (ông) của vua. Vợ Thuận Tông là con gái trưởng Quý Ly. Quý Ly là ông ngoại của Thiếu đế An.

[32b] Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ 1. Đại xá. Tôn Khâm Thánh hoàng hậu là Hoàng thái hậu.

Khi ấy thái tử mới lên ba tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho thái tử lạy theo.

Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương. Bản văn thì đề là Trung thư thượng thư sảnh phụng nhiếp chính cai giáo hoàng đế thánh chỉ…

Ngày hôm ấy, lên ngự điện ở kinh đô mới. Lễ mừng xong, ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai, con gái dạo xem ở cửa nam thành cả ngày lẫn đêm.

Ra lệnh cho những người có ruộng phải khai báo số mẫu ruộng.

Hành khiển Hà Đức Lân nói kín với người nhà rằng: "Đặt ra phép này chỉ để cướp ruộng của dân thôi". Quý Ly nghe được, giáng Lân làm Hộ bộ thượng thư.

Lại ra lệnh cho dân phải nêu rõ họ tên cắm ở trên ruộng. Quan lộ, phủ châu, huyện [33a] cùng khám xét, đo đạc, lập thành sổ sách, năm năm mới xong. Ruộng nào không có giấy khai sinh báo hay cam kết thì lấy làm quan điền1272.

1272 Quan điền: ruộng công.

THIẾU ĐẾ

Tên là An, là con trưởng của Thuận Tông, ở ngôi hai năm, Quý Ly cướp ngôi, phế làm Bảo Ninh Đại Vương.

Phụ: HỒ QUÝ LYHÁN THƯƠNG

Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý1273 sang làm Thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý, (có người) lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan, đến đời cháu thứ mười hai là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình.

1273 Ngũ Quý: còn gọi là Ngũ Đại, giai đoạn lịch sử Trung Quốc gồm 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, Hậu Hán (947 - 950) là tên một triều đại do Lưu Tri Viễn lập ra kế tiếp triều đại Hậu Tấn, đặt quốc hiệu là Hán, nên đời sau gọi là Hậu Hán.

Quý Ly là cháu bốn đời của Huấn. Đời Trần Nghệ Tông, từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng thăng lên Khu mật đại sứ, lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng bình chương sự, liên tiếp gia phong tới Phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương, Quốc Tổ Chương Hoàng, rồi thay ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, trở lại họ Hồ, chưa đầy một năm thì truyền ngôi cho con là Hán Thương. Hán Thương tên cũ là Hỏa, tiếm ngôi được hơn sáu năm. Sau hai cha con đều bị người Minh bắt. Sử sũ đem hai người họ Hồ1274 chép từng năm thành kỷ1275, nay truất bỏ và sửa cho đúng.

1274 Tức Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương.

1275 Theo phép chép sử truyền thống của sử gia phong kiến, chỉ những triều đại chính thống mới được chép riêng thành kỷ, như kỷ nhà Lý, kỷ nhà Trần, kỷ nhà Lê… những triều đại không chính thống (gọi là nhuận triều) thì không được chép thành kỷ.

[33b] Kỷ Mão, (Kiến Tân) năm thứ 2 (1399), (Minh Thái Tổ Kiến Văn năm thứ 11276). Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cương bức vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thôn Đạm Thủy1277, mật sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi. Vua hỏi rằng:

1276 Kiến Văn: là niên hiệu của Minh Huệ Đế, không phải là của Minh Thái Tổ, Toàn thư in lầm.

1277 Thôn Đạm Thủy: thuộc huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

"Người theo hầu ta muốn làm gì chăng?".

Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng:

"Nguyên Quân1278 không chết, thì ngươi phải chết!".

1278 Tức Thuận Tông. Sau khi truyền ngôi cho con, Thuận Tông tự xưng là Thái Thượng Nguyên Quân Hoàng Đế.

Lại làm bài thơ đưa cho Nguyên Quân rằng:

Tiền hữu dung ám quân, Hôn Đức cập Linh Đức. Hà bất tảo an bài, Đồ sử lao nhân lực. (Trước đó vua hèn ngu, Hôn Đức và Linh Đức. Sao không sớm liệu đi, Để cho người nhọc sức?). Cẩm bèn dâng thuốc độc. Vua không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn mà vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kỵ vệ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh thắt cổ chết. Chôn ở lăng Yên Sinh, miếu hiệu là Thuận Tông.

Bọn Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, bị giết.

Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn1279. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân [34a] để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa1280. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong.

1279 Đốn Sơn: là ngọn núi ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, thuộc tỉnh Thanh Hóa.

1280 Chữ "lệ"? ở nguyên bản là chữ "trắc"?, sửa lại là "lệ", chúng tôi cho là hợp lý.

Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu.

Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: "Chết uổng cả lũ thôi".

Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người [34b] ngủ trọ, thì phải báo nhà láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lĩnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.

Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Linh1281, ba đời làm thượng tướng quân. Người đời truyền Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau có hạn hán, cầu mưa thì ứng nghiệm ngay.

1281 Vĩnh Linh: tên huyện đời Trần, đời Lê đổi là Vĩnh Phúc. Nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên Bưu người Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung làm Toát Thông Vương kiêm phụ đạo ở triều Lý. Các con là Văn, Hiến, Quế đều được phong hầu. Con của Quế là Hiếu Bão vì có công đánh Toa Đô được phong Quan phục hầu; Hiếu Bão sinh ra Thế Tắc được phong Lặc Thuận hầu; Thế Tắc sinh ra Cúc Tôn làm Quan sát sứ; Cúc Tôn sinh ra Nguyên Bưu.

[35a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Quý Ly đến đây tội ác đã chất đầy rồi. Trần Hãng đã đi lại, hẹn ước với các tướng văn tướng võ từ trước, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch tội giết vua của Quý Ly, hiệp sức với Khả Vĩnh mà giết nó đi, thì danh chính ngôn thuận, mà việc cũng xong rồi. Đánh tiếc lại do dự, sợ sệt, đến nỗi chuốc lấy bại vong.

Tháng 6, Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, mặc áo màu bồ hoàng1282, ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thái tử1283, dùng 12 chiếc lọng vàng. Con là Hán Thương xưng là Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên. Nguyên Trừng làm tư đồ. Bảng văn thì đề là Phụng Nhiếp Chính Quốc Tổ Chương Hoàng, chỉ xưng là "dư" mà chưa dám xưng "trẫm"1284.

1282 Màu bồ hoàng: màu vàng như nhị hoa xương bồ.

1283 CMCB 11 chép là "thiên tử", có lẽ hợp lý hơn.

1284 "Dư" là đại từ ngôi thứ nhất, nghĩa làm "ta", dùng cho mọi người, còn "trẫm" là tiếng tự xưng, chỉ riêng vua được dùng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Công tử Ngữ nước Sở trước khi cướp ngôi, đặt phục chế, bày [35b] quân hầu, kết cỏ bồ như cung vua, ngang nhiên ngạo mạn, lộ vẻ hung hăng để làm nhụt chí mọi người. Thấy không ai dám chống lại, bấy giờ mới không còn kiêng sợ gì nữa mà trổ hết ngón ác1285. Việc làm của họ Hồ cũng cùng một duộc!

1285 Công tử Ngữ nước Sở khi hội thề với các nước ở đất Quắc, mặc áo đẹp như áo vua, có quân hầu cầm giáo mác hộ vệ, kết cỏ bồ làm chỗ ở tại nơi thề như cung vua. Sau này, giết Giáp Ngao, là vua Sở, lên làm vua tức Sở Linh Vương (xem Tả truyện, Lỗ Chiêu Công năm thứ 1).

Mùa thu, tháng 7, Nguyễn Dụng Phủ, người Cổ Đằng1286 phủ Thanh Hóa dâng thư đại ý nói rằng:

Chương Hoàng là hiệu gì? Bồ hoàng là sắc gì? Đối với việc phó thách của tiên đế thì thế nào?

1286 Cổ Đằng: là tên giáp, thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Quý Ly bắt giam mấy ngày rồi tha.

Tháng 8, tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy tiêu dùng. Gặp lúc Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, mới chiêu dụ dân lành được hơn vạn người, hoạt động ở các xứ Lập Thạch, sông Đáy, Lịch Sơn1287, sông Đà, Tản Viên, cướp bóc bừa bãi, các châu huyện không sao chống được.

1287 Lịch Sơn: thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay.

Tháng 9, dời các tội nhân giam ở Cảo Điền vào xã Tương Một,Thanh Hóa.

[36a] Sai Trần Ninh dốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang, vây quanh làm tòa thành lớn bọc phía ngoài. Dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử.

Dọc rừng rậm và đồng hoang dựng các quán xá, từ cầu Đại Tân đến bến Đàm Xá để tiện cho quân dân qua lại nghỉ ngơi.

Đặt sở tuần kiểm ở sông Đại Lại. Sai chăng dây chão to ở giữa sông phàm các thuyền trên sông phải kéo dây theo thứ tự mà đi, không được tranh nhau đi trước.

Mùa đông, tháng 10, đổi người có tội đi đày làm lính khơi mương, sai đi khơi các con kênh Vi, kênh Trầm, kênh Hào, đến tận cửa biển Hà Hoa để tiện thuyền bè qua lại.

Tháng 12, sai Nguyễn Bằng Cử, An phủ sứ Đông Lộ1288 đi đánh Nguyễn Nhữ Cái, dẹp yên được.

1288 Ở đây Toàn thư chép là Đông Lộ, nhưng ở đoạn sau (tờ 40b), chép rõ ràng Bằng Cử là An phủ sứ lộ Đông Đô.

(Bằng Cử người huyện Đông Ngàn, Bắc Giang).

[36b] Canh Thìn, (Kiến Tân) năm thứ 3 (1400). (Năm này nhà Trần mất, từ tháng 3 trở đi, Quý Ly cướp ngôi, xưng là Thánh Nguyên năm thứ 1; Minh Kiến Văn năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, Lê Quý Ly lập con là Hán Thương làm thái tử.

Trước đây, Quý Ly định lập Hán Thương nhưng chưa quyết, mới mượn cái nghiên đá mà nói rằng:

"Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vũ dĩ nhuận sinh dân" (Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân). Bảo con trưởng là Trừng đối lại để xem chí hướng ra sao.

Trừng đối lại rằng: "Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc" (Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường cột để chống nâng xã tắc).

Bấy giờ ý mới quyết định.

Tháng 2, ngày 28, Quý Ly bức vua nhường ngôi và buộc người tôn thất và các quan ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối nói: "Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa?".

Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu1289, đổi thành họ Hồ.

1289 Theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn; con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương phong co ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu.

[37a] Phan Phu Tiên nói: Khổng Tử nói: "Không phải ma nhà mình mà cúng là siểm nịnh". Vì thế Địch Thanh từ chối không nhận là dòng dõi Lương Huệ Công1290; Lưu Việp tạ từ không nhận là họ hàng Lưu thái hậu. Nhà Đường tế Đế Nghiêu làm tiên tổ mà tiên nho chê cười: Chiêu Liệt là con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương mà Ôn Công không thừa nhận1291. Đâu phải có riêng tư gì trong việc khen chê!

1290 Địch Thanh khi làm tể tướng nhà Tống, có người con cháu xa của Địch Nhân Kiệt tức Địch Lương Công (được phong là Lương Huệ Công) đem bức chân dung và bằng sắc của Lương Công đến dâng và bảo ông là con cháu xa của Lương Công. Ông từ chối nói: May gặp được phú quý nhất thời, đâu dám nhận là con cháu Lương Công.

1291 Chiêu Liệt là Lưu Bị, Trung Sơn Tĩnh Vương là con Hán Cảnh Đế, Ôn Công tức Tư Mã Quang, sử gia đời Tống, tác giả bộ sử Tư trị thông giám. Tư Mã Quang không thừa nhận Lưu Bị là dòng dõi vua Hán.

Là vì họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin chắc được. Quý Ly lại nhận là dòng dõi xa của Hồ Công Mãn, tế Ngu Thuấn làm thủy tổ, thì cái tội dối đời để tiếm ngôi thực không gì to bằng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phu Tiên theo thuyết của Ôn Công cho rằng nếu Chiêu Liệt là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương thì họ hàng xa xôi cũng khó mà tin được. Như vậy là không tin lời của Gia Cát Vũ [37b] hầu1292. Nhưng Gia Cát là bậc hiền tài, hơn nữa thế đại cũng chưa xa lắm, bảo Chiêu Liệt là dòng dõi nhà vua chả lẽ lại không có căn cứ mà nói bịa đặt hay sao? Chu Tử1293 đã theo thuyết ấy thì còn nghi ngờ gì nữa.

1292 Tức Khổng Minh Gia Cát Lượng, bề tôi của Lưu Bị.

1293 Chỉ Chu Hy.

Hồ Quý Ly phế vua làm Bảo Ninh Đại Vương, vì vua là cháu ngoại nên không giết.

Lộ Tam Giang dâng con chim đen đỏ mỏ, tên là chim yểng, có thể nói được tiếng người. (Người đàn bà hương ấy một hôm bắt được cái trứng chim, để lẫn vào trứng gà cho ấp, khi lớn lên, chim vẫn theo người đàn bà ấy đi cho lợn ăn, bắt chước tiếng gọi lợn, dần dần nói được tiếng người).

Người trong thành dâng chim trắng.

Quý Ly sai thuộc quan ở tam quán, chi hậu nội nhân, nội tẩm học sinh chia nhau đi các lộ, bí mật dò hỏi kẻ hay người dở trong quan lại, việc lợi việc hại ở dân gian để tiến hành việc giáng truất hay thăng bổ, quy định thành thể thức lâu dài. Từ đó, các chức thú lệnh1294 mới thay đổi luôn.

1294 Thú: thái thú, lệnh: lệnh doãn. Thú lệnh là tên gọi chung những chức quan đứng đầu ở phủ, châu hoặc ở huyện.

thu, tháng 8, Quý Ly mở khoa thi [38a] thái học sinh. Lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người. Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành đều đỗ kỳ này.

(Tử Tấn, Mộng Nguyên và Thành đều làm quan ở triều nay1295 đến chức Quốc tử giám tế tửu, Hiến làm đến Quốc tử giám giáo thụ).

1295 Chỉ triều Lê.

Đầu đề bài phú là "Linh kim tàng"1296. Các học trò xin giảng nghĩa đề thi. Quan trường hỏi: "Có lệ cũ như vậy không?" Duy có Bùi Ứng Đẩu trả lời rằng triều Tống có Tôn Hà Khoa đã hỏi nghĩa đề thi "Chi ngôn nhật xuất"1297. Cho nên quan trường đã giảng nghĩa đề này.

1296 Linh kim tàng: kho chứa gươm thiêng, lấy điển Lưu Bang dùng gươm chém rắn khi mới nổi lên chống nhà Trần.

1297 Chi ngôn nhật xuất (Chén rượu như câu nói mỗi lúc một khác) là câu trong sách Trang Tử. Chi là chén ở trong mà biến đổi tư thế, cũng ví như lời nói tùy theo sự vật mà đổi thay.

(Ứng Đẩu người Sơn Vi1298, làm giám thư khố đời Trần, đến đây bị giải chức, vào thi đã năm mươi tuổi, được bổ chức giám quan. Sau nói việc trái ý, bị giáng làm thái tử thuyết thư, không bao lâu bị giáng làm thái tử tân khách).

1298 Sơn Vi: tên huyện, nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Bùi Ứng Đẩu, người xã Xuân Dũng (làng Dóng). (BT).

Mùa đông, tháng 12, Quý Ly tìm phả hệ họ nôi, họ ngoại, bà là họ Chu, mẹ là họ Phạm, gọi là họ Họa thị.

Quý Ly lấy Hành khiển Đỗ Mân làm Thủy quân đô tướng; tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Trần Vấn (được ban họ Hồ) làm Đồng đô tướng; tướng chỉ huy quân Long Tiệp Trần Tùng (được ban họ Hồ) làm Bộ quân đô tướng; tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Đỗ Nguyên Thác làm Đồng đô tướng; [38b] đem mười lăm vạn quân đi đánh Chiêm Thành.

Quý Ly nhường ngôi cho con là Hán Thương, tự xưng là thượng hoàng, cùng coi chính sự.

Hán Thương phong bà phi của mình là Trần Thị làm Hiến Gia hoàng hậu, ở cung Phù Tang. Vì chữ "tang" (cây dâu) đồng âm với chữ "tang" (việc tang) nên đổi là cung Phù Cực.

Quý Ly sai sứ sang nhà Minh.

Trước kia, mẹ Hán Thương là Huy Ninh công chúa (truy tôn là Thái tử hoàng hậu), con gái của Trần Minh Tông, trước đã lấy Phò ký lang Trần Nhân Vinh, Nghệ Tông không cho giữ tiết (để tang chồng), đem gả cho Quý Ly, sinh ra Khâm Thánh hoàng hậu và Hán Thương.

Đến đây, sai sứ sang báo nhà Minh, nói rằng họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại Minh Tông, tạm trông coi việc nước.

Hán Thương đánh thuế các thuyền buôn, định ba mức thượng, trung, hạ. Mức thượng đánh thuế mỗi thuyền 5 quan, mức trung 4 quan, mức hạ 3 quan.

Năm ấy, chúa Chiêm Thành [39a] La Ngai chết, con là Ba Đích Lại lên ngôi.

Tân Tỵ, (1410), (Hồ Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 1, Minh Kiến Văn năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sét đánh điếm canh trên thành.

Hán Thương đổi lịch Hiệp kỷ của nhà Trần, dùng lịch Thuận Thiên.

Tháng 3, sét đánh vào Đông cung, chết mất ba người.

Mùa hạ, tháng 4, Hán Thương sai làm sổ hộ tịch trong cả nước, Hán Thương đổi lịch Hiệp kỷ của nhà Trần, dùng lịch Thuận Thiên.

Tháng 3, sét đánh vào Đông cung, chết mất ba người.

Mùa hạ, tháng 4, Hán Thương sai làm sổ hộ tịch trong cả nước, cho ghi họ Hồ có hai phái ở Diễn Châu và Thanh Hóa. Biên hết vào sổ những nhân khẩu từ hai tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm thực số, không cho phép người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán. Trước đây Quý Ly có lần nói với các quan: "Làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc?". Đồng tri khu mật sứ Hoàng Hối Khanh dâng kế sách này.

Đến đây, sổ làm xong, tính số người từ mười lăm tuổi trở lên, sáu mươi tuổi [39b] trở xuống được gấp bội so với trước. Cho nên năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) điểm binh càng nhiều.

Hán Thương lập phép hạn chế gia nô, chiếu theo phẩm cấp được có số lượng khác nhau, còn thừa phải dâng lên, mỗi tên được trả năm quan tiền. Người nào đáng được có gia nô phải xuất trình chúc thư ba đời. Nô người nước ngoài thì không theo lệ này.

Các nô đều thích vào trán để đánh dấu: quan nô thì thích hình viên ngọc hỏa châu, có khi lấy bổ sung vào quân điện tiền; của công chúa thì thích hình cây dương, cây đường; của đại vương thì thích hai khuyên đỏ, của quan nhất phẩm thì thích một khuyên đen; của quan nhị phẩm trở xuống thích hai khuyên đen.

Bấy giờ bọn sĩ đại phu tham phú quý, mong được lòng của họ Hồ, dâng thư khuyên giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số ruộng và nô để nén bớt thế lực của họ, như bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu, Đồng Thức, còn lại thì nhiều vô kể.

Hồ Tùng đi đánh Chiêm Thành, nghe lời Đình Đại Trung, cho quân bộ đi đường núi, [40a] tách xa hẳn quân thủy, gặp khi nước lũ, tướng sĩ ở giữa đường hết lượng đến ba ngày, phải nướng cả áo giáp bằng da để ăn. Quân trở về, Tùng do đi đường hiểm, lỡ mất quân cơ, đáng phải xử chém. Nhưng vì có công lao hồi còn tiềm để1299 được tha tội chết, đề làm xã binh.

1299 Tức là khi Hán Thương ở ngôi thái tử.

Hán Thương đặt kho thường bình1300, phát tiền giấy cho các lộ, theo giá cả mua thóc chứa vào kho. Bấy giờ số quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện có thay đổi, nên không làm được.

Hán Thương đặt hương đình quan, có chánh, có phó, sau chỉ dùng một viên.

1300 Thường bình: nghĩa là "luôn luôn cân bằng". Khi thóc hơn thì đong vào, khi thóc kém thì bán ra theo giá rẻ để giá thóc ổn định

Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá.

Hán Thương định quan chế và hình luật nước Đại Ngu.

Mùa đông, tháng 12, Hán Thương lấy Nguyễn Phi Khanh làm Hàn lâm học sĩ.

[40b] Nhâm Ngọ, (1402), (Hán Thương Thiệu Thành năm thứ 2, Minh Kiến Văn năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, Hán Thương xét duyệt quân ngũ.

Tháng 3, Hán Thương đắp sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu. Dọc đường đặt phố xà và trạm truyền thư, gọi là đường thiên lý.

Mùa hạ, tháng 6, Hán Thương lấy Đồng Thức làm Trung tán, ban cho họ Ngụy (ví với Ngụy Trưng1301 nhà Đường).

1301 Ngụy Trưng: là tể tướng của nhà Đường, nổi tiếng thẳng thắn can ngăn vua, dâng hơn hai trăm tờ biểu sớ can ngăn Đường Thái Tông, Thái Tông cũng phải kính nể.

Mùa thu, tháng 7, Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Lấy Đỗ Mãn làm Đô tướng; Điện nội phán thủ Nguyễn Vị làm Chiêu dụ sứ; An phủ sứ lộ Đông Đô Nguyễn Bằng Cử làm Đồng chiêu dụ sứ.

Đại quân sắp tới đất Chiêm, Đinh Đại Trung cưỡi ngựa đi trước các quân, gặp tướng giặc Chế Tra Nan, hai bên giao chiến, đều bị chết.

Chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động1302 để xin rút quân.

1302 Chiêm Động: được chia làm hai châu Thăng và Hoa, là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.

Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép [41a] phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy1303. Rồi chia đấy ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị; miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh1304. Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước. Người ở lại thì bổ làm quân.

1303 Cổ Lũy: được chia thành hai châu Tư và Nghĩa, là đất các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

1304 Tân Ninh: là vùng các con sông Thu Bồn, Vu Da ở miền tây tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.

Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói xin theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường, mộ người nộp thóc để việc phòng bị biên cương được đầy đủ, những người nộp thóc thì hoặc ban tước cho, hoặc được miễn tội tùy theo mức độ.

Quý Ly phê: "Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười thôi!".

Hán Thương lấy Hiệu Chính hầu Chế Ma Nô Đà Nan làm Cổ Lũy huyện thượng hầu, trấn giữ châu Tư, Nghĩa, chiêu dụ, vỗ về dân chúng người Chiêm để mưu tiến đánh.

Đặt nhã nhạc, lấy con các quan văn [40b] làm kinh vĩ lang, con các quan võ làm chỉnh đốn lang, tậpvúa các điệu võ, văn, võ.

Tháng 8, Hán Thương đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao1305. Đại xá.

1305 Tế Giao: là tế trời vào tiết Đông chí và tế đất vào tiết Hạ chí.

Hôm tế, Hán Thương ngồi kiệu Vân Long, từ cửa Nam đi ra, các cung tần, mệnh phụ1306, quan văn, quan võ trong triều theo thứ tự đi sau. Mũ áo của đàn bà kém chồng một bậc, nếu bản thân là tôn quý thì không phải kém.

1306 Mệnh phụ: các bà được vua phong hiệu cho.

Lệ cũ của đời trước có nghi lễ bái yết hai bậc, quan lại và người theo hầu rất đông. Cứ ba năm cử hành đại lễ một lần, thiên tử ngồi xe Thái Bình1307, khắc gỗ làm bốn mươi hình người tiên, mặc áo vóc, cầm cờ đi trước, nếu đi thuyền nhỏ ở hồ Chu Tước thì dùng dây thừng gấm để kéo thuyền; hai năm cử hành trung lễ một lần, thiên tử ngồi ngai chạm bách cầm; một năm cử hành tiểu lễ một lần, thiên tử ngồi ngai nhỏ. Chưa từng làm lễ tế Giao. Nay Hán Thương mới bắt đầu làm lễ này. Nhưng vì khi dâng chén rượu, (Hán Thương) run tay, rượu bị đổ [42a] xuống đất, nên phải ngừng lại.

1307 Xe Thái Bình: được chế tạo từ đời Lý.