Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 15 - Phần 7

Mùa hạ, tháng 4, vua từ điện tranh ở Bồ Đào về đóng ở thành Đông Kinh.

Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, [58a] đóng đô ở Đông Kinh (tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh).

Xuống chiếu rằng, các thứ thuế như tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu trong cả nước, đều tha cho hai năm không thu, những người già ở các lộ từ bảy mươi tuổi trở lên được miễn sai dịch, những người con hiếu thảo, đàn bà góa giữ tiết thì cho các quan ở lộ tâu lên để biểu dương khen thưởng. Các gia đình quân, dân, nếu trong một hộ có ba người sung quân thì cho miễn một người. Những lăng miếu của đế vương và công thần các đời thì cho huyện sở tại làm bản tâu lên để xét cấp cho người quét dọn.

Ngày 17, ra lệnh chỉ rằng, từ sau ngày chiếu thư ban ra, nếu quân hay dân có dâng thư nói việc gì thì phải theo đúng niên hiệu, quốc hiệu, đô hiệu như trong chiếu thư, ai trái thế thì phải xử phạt trượng hay biếm chức; những giấy tờ, văn khế, khoán ước về mua bán, đổi chác, vay mượn mà không theo đúng như trong chiếu thư thì sẽ không có giá trị.

Ngày 20, ban các chữ húy tông miếu và chữ húy tên vua. Tất cả các chữ húy chính khi viết đều không được [58b] dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải húy.

Húy Tông miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế húy là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái Hậu húy là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu húy là Thương, húy của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.

Khi có chiếu lệnh đại xá đều xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn động cbủ.

Sông Nhị nảy vàng ròng, các quan dâng biểu chúc mừng.

Truy tặng Lê Thạch làm Trung Vũ Đại Vương, đưa vào thờ ở tẩm miếu.

Lấy Lê Tri Vận làm tri Tả hữu ban, phong liệt hầu; Nguyễn Lỗ là Xa kỵ vệ tổng tri (Tả hữu ban nắm kho tàng của nhà nước, tổng tri thì coi quân). Hai người đều là họ ngoại. Tri Vận vì có công làam con tin trong thành, sau được tặng phong Nguyên cữu Quan nội hầu.

Ra lệnh chỉ cho các lộ là nơi nào bị quân giặc cướp phá [59a] thì được miễn giảm thuế.

Trị tội các ngụy quan.

Bọn Lê Thiếu Dĩnh từ nước Minh trở về.

Trước đó, tháng mười một năm Đinh Mùi (1472), vua sai bọn Thiếu Dĩnh sang trần tình với nhà Minh.

Tháng 3 năm nay, Lê Thiếu Dĩnh dến Yên Kinh dâng biểu. Đến đây trở về, vua Minh ban cho Thiếu Dĩnh áo vóc hoa, tiền giấy và có sắc dụ cho nước ta, đại ý nói:

Lập con cháu nhà Trần là việc rất quan trọng, phải hợp với lòng người trong nước, không được tự tiện chuyên quyền, phải cùng với các bô lão, trình bày sự thực về người cháu đích tôn củ họ Trần, tâu lên để làm bằng cứ mà ban chiếu sắc phong. Số người và chiến khí còn bị giữ lại, cũng đưa trả về hết.

Tháng 4 nhuận, ra lệnh chỉ rằng: Những quân dân bị bắt vào bốn thành Tây Đô, Đông Kinh, Cổ Lộng, Chí Linh đã được bổ vào các quân phụ vào quân Thiết đột mà có ruộng đất, nhà cửa bị tịch thu thỉ được trả lại.

Bọn Thành Sơn hầu Vương Thông nhà Minh [59b] về đến Yên Kinh, bị các quan hặc tội, đều phải giam vào ngục Cẩm y vệ, có chiếu tha tội chết, biếm quan tước.

Ra lệnh chỉ cho bọn đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ, cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu, đều phải dùng những người tài giỏi, liêm khiết, chính trực, cho các đại thần đều được tiến cử.

Đúc tiền Thuận Thiên.

Mây xanh xuất hiện, có cánh, có một chân, bên dưới có mâm ngọc, hai bên tả hữu tựa như hình hai con cá chép vờn nhau.

Mùa hạ, tháng 5, ngày 12, vua và các đại thần cùng nghị bàn việc nước; quyết định các quan viên, các quan trấn thủ tại các lộ, trấn và những nơi xung yếu, định luật lệnh kiện tụng, quy chế về chức tước.

Tháng 6, ra lệnh cho các đại thần khảo xét các quan trong ngoài; hạng nhất là những người có tài văn võ, tháo vát, tinh nhanh; hạng nhì là những người biết chữ tháo vát tinh nhanh; hạng ba là những người viết tinh, viết thảo, làm tính; ngoài ra [60a] những người không được xếp hạng nào thì kê riêng thành một hạng.

Ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ đều tiến cử người hiền lương phương chính, nếu tiến cử được người giỏi thì được thăng thưởng theo lệ tiến cử hiền thần, nếu vì tiền tài, vì thân quen, tiến cử người không tốt thì bị trị tội theo lệ tiến cử kẻ gian.

Ngày 26, ra lệnh chỉ cho các đại thần và các quan văn võ rằng:

"Trẫm là người thế nào mà được trao mệnh trời? Nhờ đâu mà thành nghiệp lớn? Hiện nay công việc của triều đình rất bề bộn, việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau? Các tướng trong triều ai có thể cáng đáng được việclớn, có thể trao cho sứ mệnh ở ngoài ngàn dặm? Ai là người có thể dạy dỗ thái tử?".

Mùa thu, tháng 8, lấy ngày sinh làm Vạn Thọ thánh tiết (tức ngày mồng 6).

Ngày mồng 10, quy định cờ xí, nghi trượng, chiến khí, thuyền bè của các quân: trung đội cờ vàng, thượng đội [60b] cờ đỏ, hạ đội cờ trắng.

Mỗi vệ có một lá cờ lớn của chủ tướng. Mỗi quân có một lá cờ hạng trung, mười lá cờ đội, bốn mươi lá cờ nhỏ, mười chiếc thuyền hỏa chiến, hai chiếc thuyền nhỏ trinh sát, một chiếc ống phun lửa "Đại tướng quân", mười ống phun lửa cỡ lớn, mười chiếc cỡ trung, tám mươi chiếc cỡ nhỏ, nỏ cứng năm mươi chiếc, câu liêm năm mươi cái, giáo dài năm mươi cái, phi liêm bốn mươi cái, mộc mỗi người một chiếc, phiêu thì mỗi người dùng bốn thủ tiễn1569 hạng nhất, hạng nhì thì mỗi người dùng ba chiếc, đại đao thì mỗi người dùng một thanh. Mỗi quân dùng một người làm sao quân, mỗi đội dùng một người làm sao đội1570.

1569 Thủ tiễn: tên ném bằng tay, cũng gọi là phiêu.

1570 Sao quân, sao đội: là người giữ việc biên chép trong 1 quân, 1 đội.

Ra lệnh chỉ đổi chức hỏa đầu thành chánh phó ngũ trưởng.

Ngày 20, nhà Minh có sắc thư (yêu cầu) trả bọn lại nhân mà Giao Chỉ đã cấp ruộng đất cho ở để họ trở về nước.

Tháng 9, ngày 21, nhà Minh sai bọn La Nhữ Kính, Từ Vĩnh Đạt lại mang sắc thư sang dụ vua rằng họ Trần nhiều đời vẫn được lòng người, bảo vua phải dò tìm cho được con cháu họ Trần mà tâu lên để ban cho mệnh lệnh nối dòng đã tuyệt. Lại bảo rằng đó 1571 hẳn là do các đầu mục bô lão chưa hỏi khắp, có thể vẫn còn người, nhưng họ chưa dám nói ra.

1571 Chỉ việc không tìm được người họ Trần. Trong biểu cầu phong, Lê Lợi nói là đã tìm khắp mọi nơi, nhưng không còn một người họ Trần nào để lập.

Lại dụ rằng [61b] những quan lại và quân nhân còn giữ lại hãy đưa trả cho hết, các đồ quân khí còn lưu lại cũng nộp trả cho hết.

Ban tiền giấy và chi phí dọc đường cho bọn Nhữ Kính, đồng thời ban tiền giấy và áo lót vóc hoa cho sứ nước ta là bọn Lê Quốc Khí, sai họ cùng đi với bọn Nhữ Kính.

Quy định phẩm tước của quan chức văn võ. Ban quốc tính cho các công thần. Thải quân già yếu, quy định biên chế quân ngũ1572.

1572 Nguyên văn là "định ngũ ngũ", hẳn là do khắc in sai.

Mùa đông, thán 10, ngày 11, có lệnh thôi kiêng húy chữ "Nguyễn".

Ngày 12, ra lệnh cho các vệ quân đều đặt hỏa thủ làm chánh phó ngũ trưởng.

Ngày 19, sứ nhà Minh là bọn Nhữ Kính về nước. Vua sai bọn Hà Lật sang tạ ơn nhà Minh và nộp lễ cống, tượng người vàng thế thân, và tâu rằng đã tìm hỏi con cháu họ Trần nhưng không còn người nào, các quan quân ra thú cũng đã lục tục đưa về rồi.

[62a] Tháng 11, ngày mồng 1, vua sai bọn Đỗ Như Hùng sanh nhà Minh tâu bày rằng con cháu họ Trần quả thực không còn ai, các quan lại, quân nhân cùngkhí giới bắt được của nhà Minh đã đưa trả hết rồi, không còn giam giữ, chúa giấu gì cả. Lại xin trả lại người con gái của vua bị lạc.

Trước kia, trong buổi loạn ly, vua bị lạc mất người con gái nhỏ mới lên chín tuổi. Viên nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem về nuôi, rồi đưa về Yên Kinh tiến làm cung tỳ1573. Đến đây, vua sai sứ sang xin về1574.

1573 nguyên văn là "quan tỳ", sửa lại theo Minh sử.

1574 Vua Minh trả lời là người con gái đã bị chết vì bệnh đậu mùa.

Ngày 24, giết bọn giặc phản nghịch tên là Phong, tên Nhữ Hốt, tên An Vinh, tên Trung, tên Tồn, tên Sĩ Văn, tên Sùng Lễ, tên Xác.

Trước kia, bọn Phương đón hàng giặc Minh, giúp giặc làm điều bạo ngược, chống lại quan quân. Đến khi giặc Minh bị dẹp mới ra đầu hàng, được vua tha tội cho. Nhưng bọn Phong vẫn gây nhiều tội ác không chịu chừa, lại âm mưu làm loạn, ngấm ngầm [62b] kết bè đảng, viết thư mật, ngầm sai người điđường tắt tới xui quân Minh gây sự, bọn chúng sẽ làm nội ứng. Người mang thư bị Thượng tướng Thái Nguyên là Hoàng Nguyên Ý bắt được. Vua giết tên đưa thư rồi giấu chuyện ấy đi. Tháng 8, lại có một tên trong bọn đến cáo giác, việc cũng giống thế. Đến đây, vua mới hạ chiếu giất cả bọn.

Ngày 25, làm sổ ruộng đất, sổ hộ tịch.

Ra chỉ thị cho các phủ, huyện trấn, lộ khaám xét các chằm bãi, ruộng đất, mỏ vàng bạc, những sản vật núi rừng trong hạt, các loại thuế ngạch cũ, cùng ruộng đất đã sung công của các nhà thế gia và những người tuyệt tự, và ruộng đất của những bọn đào ngũ, hạn đến trung tuần tháng hai năm Kỷ Dậu

trình lên. Sổ hộ tịch năm Mậu Thân và sổ ruộng đất năm Kỷ Dậu thì dến tháng 4 năm Quý Sửu sẽ nộp. Khi làm sổ ruộng đất và hộ tịch thì khai cả từng hạng ngụy quan.

[63a] Ngày 27, ra lệnh chỉ đặt xã quan. Xã lớn từ một trăm người trở lên thì đặt ba viên, xã vừa từ năm mươi người trở lên đặt hai viên, xã nhỏ mười người trở lên đặt một viên.

Ngày 28, ra lệnh chỉ cho các quan viên và quân dân cả nước, hạn đến tháng 5 sang năm tới Đông Kinh để các quan văn hỏi thi kinh sử, ai tinh thông được bổ làm quan văn; các quan võ hỏi thi về võ kinh, pháp lệnh, kỳ thư…

Tháng 12, ngày mồng 7, ra lệnh chỉ cho các quan văn quan võ: Người nào đã đưa vợ con lên lẫn tránh ở núi rừng cùng trẫm mưu lo việc nước, từ ở Mường Thôi đến Bồ Đằng, Chí Linh, Khả Lam thì cho con hoặc cháu được miễn các việc quân dịch và dân dịch. Nếu đã làm quan thì không thuộc lệ này. Con cháu, anh em của tên nào đã bỏ đạo nghĩa, cầu an hàng giặc thì không được nhận. [63b] Ai làm trái thì xử tội biếm hay bãi chức.

Ngày 22, ra lệnh chỉ cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã, sách đối chiếu, khám xét ruộng đất, đầm bãi công tư trong các huyện, xã của lộ mình, cùng cá mú, hoa quả, mắm muối và các rạch cá tư ngoài cửa biển, các loại vàng, bạc, chì, thiết, tiền.

Vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính.

Chế tạo chiến khí, thuyền bè.

Đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, cứ 50 đồng là 1 tiền.

Trước kia, thời Trần Thái Tông Kiến Trung năm thứ 2 (1226) có chiếu quy định trong dân gian tiêu tiền thì mỗi tiền là 69 đồng, dùng chính thức là 70 đồng.

Kỷ Dậu, (Thuận Thiên) năm thứ 2 (1429), (Minh Tuyên Đức năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 4, ra lệnh chỉ cho các quan, cho kinh đô [64a] và các lộ, huyện, xã rằng:

Kẻ nào du thủ thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ thì chặt một ngón tay, những kẻ không phải là việc quan mà vô cớ tụ họp uống rượu thì xử phạt 100 trượng, người chúa chấp bị tội kém một bậc.

Ra lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện, xã rằng:

Hễ là ấn công thì do viên chánh giữ. Ở các lộ thì Tri phủ giữ ấn, không có Tri phủ thì Trấn phủ giữ ấn. Ở các huyện thì Tuần sát giữ ấn. Nếu không có Trấn phủ, Tri phủ thì dùng Chiêu thảo hoặc Phòng ngự giữ ấn. Có việc thì cùng bàn với nhau đáng đóng dấu thì mới dùng.

Ngày mồng 7, sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Hữu tướng quốc Khai quân công Tư Tề làm Quốc [64b] vương, giúp coi việc nước.

Sai Nhập nội tư khấu Lê Sát, Tư không Lê Nhân Chú, Nhập nội tư mã Lê Lý, Nhập nội thiếu úy Lê Quốc Hưng mang kim sách lập Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng thái tử.

Ngày mồng 8, ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan văn võ cùng các lộ, phủ, huyện, châu, trấn rằng:

Nếu ai có việc đến Quốc vương và Hoàng thái tử thì dùng chữ "khải", chứ không được dùng chữ "tấu" và xưng là "Quốc vương điện hạ", "Thái tử điện hạ". Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh gì thì dùng chữ "Quốc vương chỉ huy", không được dùng chữ "sắc".

Ngày mồng 9, ra lệnh chỉ rằng:

Quan võ từ chức Quản lĩnh, quan văn từ chức Hành khiển trở lên, ai có con trai từ năm tuổi trở xuống, chín tuổi trở lên, cho được vào hầu Hoàng thái tử. Ngày 15 tháng này, tới học đường đề kiểm mục, quan Nội mật viện [65a] lấy danh sách. Quan võ từ Đồng tri trở xuống đến Đại đội trưởng, Đội trưởng trở lên, quan văn từ Thượng thư trở xuống đến thất phẩm, ai có con trai mười bảy tuổi trở xuống, chín tuổi trở lên tới nhà Quốc học điểm mục để học quan lấy danh sách dạy học.

Ngày 22, ra lệnh chỉ cho quan văn võ đại thần nghị bàn việc lớn của nhà nước.

Như người đi đánh giặc thì nghèo, kẻ rong chơi thì giàu. Người đi chiến đấu thì không có một thước, một tất đất mà còn ở những kẻ du thủ du thực, không có ích gì cho nước lại có quá thừa ruộng đất, hoặc đi làm nghề trộm cướp. Thành ra không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩa phú quý mà thôi. Nay ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng, trong từ đại thần trở xuống, dưới đến người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên.

[65b] Tháng 2, ngày 21, ra lệnh chỉ cho tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo rằng:

Đến ngày 27 sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong, sẽ chia mỗi vệ thành năm phiên, một phiên ở lại, còn bốn phiên cho về làm ruộng.

Ngày 26, ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan Hành khiển:

Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc các việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì tâu xin sửa lại.

Lại ra lệnh chỉ cho các ngôn quan1575 rằng:

1575 Ngôn quan: Chỉ các quan giữ trách nhiệm khuyên can vua và đàn hặc các quan.

Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân, thiên hư phi pháp, thì phải lập tức dâng sớ đàn hặc ngay. Kẻ nào cứ ngồi nhìn mà dung túng, chỉ giỏi trò vặt, cùng là nói hão không đâu, [66a] thì phải chiếu luật trị tội. Lại như các quan vào sân điện, nếu để áo, mũ, cân đai không đúng phép, đi lại ngang dọc không theo đúng lễ phép, thì ngôn quan không được coi là phận sự của mình mà đàn hặc, vì việc ở điện đình đã có Tổng quan và Chỉ huy sứ năm quân Thiết đột, Ngự tiền Thiết đột, Nội mật viện xét hoặc1576.

1576 Tháng 2 này còn có việc bắt giết Trần Nguyên Hãn (xem CMCB 15, 20a).

Tháng 3, ngày 20, ra lệnh chỉ cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng quan viên các phường trong kinh thành rằng: Hiện nay, phần đất của các quân và phủ đệ của công hầu trăm quan đều có phần nhất định, nên trồng cây trồng hoa và các loại rau đậu, không được để đất hoang, ai không theo thế thì mất phần đất của mình. Các công hầu đã được ban cho đất ở, nếu trong phần đất của quân Thiết đột thì không cho quá nhiều, chỉ từ năm sào trở xuống; nếu không phải trong phần đất của quân Thiết đột [66b] thì cho hai mẫu trở xuống đến một mẫu. Nếu đã được chia ruộng đất vườn nhà nhất định rồi, lại còn chiếm đất trong thành Đại La làm nhà cửa khác nữa thì không được.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 27, ra lệnh chỉ cho đại thần và trăm quan phải nộp số vàng lấy được ở bến Đông1577 cho nhà nước tùy theo thứ bậc: chánh nhất phẩm nộp 2 lạng, tòng nhất phẩm 1 lạng rưỡi, chính nhị phẩm 1 lạng, tòng nhị phẩm 5 đồng cân, chánh tam phẩm đồng cân, tòng tam phẩm 2 đồng cân, chánh tứ phẩm đến chánh ngũ đều 1 đồng cân, còn từ tòng ngũ trở xuống không phải nộp.

1577 Năm Thuận Thiên thứ 1, mùa hạ, tháng 4, có ghi sự kiện: "Sông Nhị nảy vàng ròng". Có lẽ ở đây nói tới số vàng đó.

Ngày 30, ra lệnh chỉ rằng những ngụy quan trước đã có lệnh cho tha tôi chuộc mệnh, thì cho miễn cả ruộng đất (không phải sung công).

Tháng 5, ngày mồng 3, ban biển ngạch công thần cho chín mươi ba viên:

Huyện thượng hầu ba người là Lê [67a] Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo.

Á thượng hầu một người là Lê Ngân.

Hương thượng hầu ba người là Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng.

Đình thượng hầu mười bốn người là Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Thố, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Nhữ Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Lật.

Huyện hầu mười bốn người là: Lê Bị, Lê Bì, Lê Bĩ, Lê Náo, Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bồi, Lê Khả Lang, Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật.

Á hầu hai mươi sáu người là bọn Lê Lạn, Lê Trãi.

Quan nội hầu mười sáu người là bọn Lê Thiệt, Lê Chương.

Quan phục hầu mười sáu người là bọn Lê Cuống, Lê Dao.

Thượng trí tự Trước phục hầu bốn người là bọn Lê Khắc Phục, Lê Hài.

Ra lệnh chỉ rằng những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót, hoặc bị chìm đắm chưa có chức tước gì, không được ai tiến cử; [67b] hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, vùi dập, thì đến ngay chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, nếu xét thực có tài đức thì tâu trình để cất nhắc sử dụng, không cứ là ngụy quan hay sĩ thứ, cốt lấy tài đức là hơn.

Ra lệnh chỉ rằng: Các quan chức văn võ, quan võ từ Thượng tướng tước Trí tự Trước phục hầu trở lên đều cho mặc áo đỏ tía; quan văn từ Nhập nội đại hành khiển Quan phục hầu trở lên cũng cho mặc áo đỏ tía.

Ngày 26, ra lệnh chỉ rằng: Quân nhân các lộ phủ và những người ẩn dật ở núi rừng, nếu ai quả thực thông kinh sử, giỏi văn nghệ thì đến ngày 28 tháng này tới sảnh đường trình diện, chờ đến ngày cho vào trường thi hội1578, người nào đỗ sẽ được tuyển dụng.

1578 CMCB 15, 23 ghi rõ là mở khoa Minh kinh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3