Phân Tâm Học Nhập Môn - Chương 2 - Phần 09
Tiếng La Tinh có những tiếng nhiều nghĩa như sau:
Altus (cao, sâu, xa) và sacer (thiêng liêng và sự địa ngục).
Và đây là một vài ví dụ về những sự thay đổi trong chữ gốc:
Clamere (kêu); clam (yên lặng, dịu dàng, bí mật); siccus (khô) và succus (nước, đường).
Và tiếng Đức:
Stimme (giọng nói và stumm (câm).
So sánh những sinh ngữ có họ hàng với nhau chúng ta có nhiều thí dụ cùng loại:
- Anh: lock (khoá); Đức: loch (lỗ), lucke (lỗ hổng).
- Anh: cleave (bổ đôi); Đức: klenben (dán).
Tiếng Anh without theo nghĩa đen là với và không, bây giờ chỉ còn dùng một nghĩa: không; tiếng with không những chỉ được dùng theo nghĩa thêm vào (với) mà còn dùng với nghĩa loại trừ (sau straction) thí dụ như những chữ withdraw (rút lại, rút đi) withhold (từ chối, ngăn cản). Tiếng Đức wieder cũng thế.
Một điểm đặc biệt khác trong công việc xây dựng cũng có một điểm tương tự trong việc phát triển ngôn ngữ. Trong tiếng cổ Ai Cập cũng như trong một vài thứ tiếng trẻ hơn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cùng một tiếng, cùng một nghĩa có thể được diễn tả bằng những thanh âm trái ngược, ví dụ như những thí dụ sau đây lấy trong tiếng Đức và tiếng Anh:
Topt (dọ) – pot. Boat (tàu thuỷ) – tub. Hurry (vội vã) – Ruhe (nghỉ) – Balken (kèo) – Kloben (củi); wait (đợi) – tawen.
So sánh tiếng La Tinh và tiếng Đức ta có:
Capere (cầm) – packen; ren (thân) – Niere.
Những sự trái ngược như thế này xảy ra trong giấc mơ bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta đã biết những sự trái ngược về nghĩa, sự thay thế nghĩa bằng tiếng phản nghĩa. Trong giấc mơ có những sự đảo lộn trái ngược những tình trạng, những liên quan hai người hình như mọi sự đều diễc ra trong một thế giới đảo ngược. Trong giấc mơ nhiều khi chính chú thỏ rừng lại săn người thợ săn. Sự tiếp diễn của các biến cố khởi đầu nguyên nhân cho giấc mơ nhiều khi lại đi sau những biến cố đáng lẽ phải đến sau. Đúng như trong những vở chèo trong hội chợ người anh hùng ngã lăn ra chết trước khi tiếng súng nổ trong hậu trường. Có những giấc mơ trong thứ tự các biến cố bị đảo lộn hoàn toàn thành ra muốn hiểu người ta phải bắt đầu bằng biến cố xảy ra trước mắt. Hẳn các bạn còn nhớ những điều đã được trình bày trong chương nói về tính chất tượng trưng của giấc mơ, trong đó chúng tôi đã trình bày rằng nhảy xuống nước cũng đồng nghĩa với từ dưới nước đi lên, nghĩa là sinh ra hay cho ra đời cũng thế thôi, trèo thang hay xuống thang cũng có nghĩa như nhau. Người ta nhìn thấy dễ dàng đâu là những cái lợi mà sự biến dạng của giấc mơ có thể có được vì sự tự do biểu diễn này.
Những điểm đặc biệt này của công việc xây dựng phải được coi như cổ lỗ lắm. Chúng gắn liền vào với những lối diễn tả cổ xưa, những ngôn ngữ và chữ viết thời cổ, cũng gặp những khó khăn mà sau này chúng ta sẽ nói đến.
Để kết luận, chúng ta cần đưa ra một vài nhận xét phụ. Trong công việc xây dựng, tất nhiên giấc mơ phải biến đổi những ý tưởng tiềm tàng thành những hình ảnh cụ thể, có tính cách thị giác càng tốt. Vậy mà những ý tưởng này lại bắt đầu xuất hiện bằng những hình ảnh cụ thể; những vật liệu của chúng, giai đoạn đầu tiên của chúng là những cảm giác về giác quan hay nói đúng hơn là những hình ảnh kỷ niệm của các cảm giác đó. Chỉ mãi về sau những tiếng nói mới được gắn liền vào các hình ảnh và nối lại thành những ý. Vậy công việc xây dựng làm cho các ý tưởng phải đi thụt lùi, và trong sự thụt lùi này tất cả những cái gì mà sự phạt triển các hình ảnh kỷ niệm và sự biến đổi này thành ý tưởng đã đem đến cho giấc mơ như những cái gì mới thu thập được đều phải biến mất hết.
Công việc xây dựng trong giấc mơ diễn tiến như thế đó. Sự quan tâm của chúng ta đối với giấc mơ rõ ràng phải thụt lùi về sau hậu trường. Nhưng vì giấc mơ rõ ràng là điều mà chúng ta biết rõ hơn cả một cách trực tiếp, nên chúng ta sẽ dành cho nó một ít nhận xét nữa.
Giấc mơ rõ ràng dưới mắt chúng ta quả có mất đi nhiều phần quan trọng, điều này hết sức tự nhiên. Giấc mơ này có xếp đặt thành một khối hay không bị phân chia thành những mảnh nhỏ đối với chúng ta không phải là điều quan hệ. Ngay cả khi giấc mơ đó có một ý nghĩa gì chăng nữa thì ý nghĩa đó cũng bắt nguồn ở sự biến dạng của giấc mơ và không liên quan gì đến giấc mơ tiềm tàng như là bề mặt của một tòa nhà thờ bên Ý, liên quan với sự kiến trúc và đồ bản của nhà thờ đó. Trong một vài trường hợp, bề mặt của giấc mơ có thể có một ý nghĩa lấy từ những yếu tố không biến dạng hay chỉ hơi biến dạng một chút nằm trong những ý tưởng tiềm tàng. Một khi chúng ta chưa giải thích được giấc mơ, chưa hiểu được mức độ của sự biến dạng thì chúng ta không thể thấy rõ điều này được. Có một điểm nghi ngờ khi hai yếu tố trong giấc mơ có vẻ như tiến lại gần nhau đến mức hòa được vào với nhau. Từ sự kiện này người ta có thể đi đến kết luận rằng, những yếu tố tương ứng của giấc mơ tiềm tàng cũng phải xích lại gần nhau hơn, nhưng trong nhiều trường hợp khác những yếu tố kết hợp với nhau trong giấc mơ tiềm tàng lại tách rời nhau ra trong giấc mơ rõ ràng.
Chúng ta không nên giải thích một phần của giấc mơ rõ ràng bằng một phần khác, coi giấc mơ như một cái gì có mạch lạc và hợp thành một sự biểu diễn có tính cách thực tế. Trong phần lớn các trường hợp, giấc mơ giống như hòn đá ngũ sắc được kết hợp lại bằng chất xi măng, do đó những hình ảnh muôn màu xuất hiện trong đó không phải là hình ảnh xác thực của những đường vòng quanh những hòn đá được kết hợp lại. Thực ra cũng có một sự xây dựng thứ hai phụ thuộc có nhiệm vụ làm cho những dữ kiện trực tiếp có ngay của giấc mơ trở thành hơi có mạch lac, nhưng xếp đặt lộn xộn không thể nào hiểu được, khi cần đến những dữ kiện này có thể được bổ túc.
Đằng khác, không nên gán cho công việc xây dựng này một tầm quan trọng quá đáng và chấp nhận nó không dè dặt. Sự hoạt động của nó biến mất dần dần do những hậu quả của chính nó: nào sự cô đọng, sự di chuyển, sự hình dung một cách cụ thể, rồi xây dựng tất cả trong một công việc xây dựng thứ hai, nó chỉ làm được có thế thôi chứ không làm được gì hơn. Nhưng sự phán đoán, phê bình, ngạc nhiên, những kết luận xảy ra trong giấc mơ không bao giờ là kết quả của công việc xây dựng, rất ít khi là hậu quả của một sự suy nghĩ về giấc mơ: đó chính là những mảnh nhỏ trong giấc mơ tiềm tàng xâm nhập giấc mơ rõ ràng sau khi đã được thay đổi chút ít. Công việc xây dựng cũng không thể tạo lập được những diễn từ. Trừ vài trường hợp rất hiếm còn những điều nghe thấy trong giấc mơ thường là tiếng vang của những điều nghe thấy hay đã nói trong ngày, những điều này được đưa vào trong giấc mơ tiềm tàng như những vật liệu kích động giấc mơ. Những sự tính toán cũng không chịu ảnh hưởng của sự xây dựng; những tính toán thấy trong giấc mơ chỉ là sự xuất hiện lộn xộn của những con số, không có nghĩa gì hay chỉ là những bản cóp lại của những sự tính toán trong giấc mơ tiềm tàng. Trong những điều kiện đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu thấy người ta bớt quan tâm đến sự xây dựng này, dành sự chú ý cho những ý tưởng tiềm tàng do giấc mơ rõ ràng phát hiện ra trong một tình trạng bị biến dạng nhiều hay ít. Nhưng người ta sẽ lầm to nếu cứ theo chiều hướng đó mà cho rằng những ý tưởng tiềm tàng có thể được coi như chính giấc mơ rồi đem áp dụng cho nó những sự kiện thuộc về giấc mơ rõ ràng. Thực là kỳ khôi khi người ta lạm dụng những dữ kiện của môn Phân tâm học để lẫn lộn những sự việc này. Giấc mơ không là gì khác hơn là hậu quả của công việc xây dựng; vậy giấc mơ chính là hình thức mà công việc xây dựng bao quanh những ý tưởng tiềm tàng.
Công việc xây dựng là một sự hoạt động có tính chất đặc biệt chưa từng thấy trong đời sống tinh thần. Những sự cô đọng, di chuyển biến hóa thụt lùi của những ý tưởng để trở thành những hình ảnh cụ thể chính là những điều hết sức mới mẻ do công của môn phân tâm học tìm ra. Ngoài ra dựa vào sự kiện tương tự như công việc xây dựng, chúng ta nhận thấy có những dây liên lạc chặt chẽ giữa môn phân tâm học và các môn học khác, như sự tiến hóa của ngôn ngữ và tư tưởng, Các bạn chỉ thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này sau khi biết rằng những sự hoạt động của công việc xây dựng sau này sẽ là nguồn gốc của sự phát sinh ra các chứng bệnh thần kinh.
Tôi biết là chúng ta chưa thể duyệt lại những điều ích lợi mà môn Tâm lý học có thể rút ra những nhận xét này. Tôi chỉ muốn các bạn để ý đến những bằng chứng mới của chúng ta về sự có mặt của những hoạt động tinh thần vô thức (những ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ chẳng khác gì hơn là những sự hoạt động tinh thần vô thức này), những cánh cửa mà sự giải thích giấc mơ đã mở cho những người nào muốn khảo cứu về đời sống tinh thần vô thức này.
Và bây giờ, tôi phân tích cho các bạn xem một vài thí dụ nhỏ về các giấc mơ để hiến cho các bạn những chi tiết những điều mà từ trước tới nay tôi chỉ nói về đại thể để sửa soạn trước, hay chỉ nói một cách khái quát và vắn tắt thôi.
Phân tích một vài ví dụ về giấc mơ
Các bạn đừng thất vọng nếu thay vì đưa cho các bạn xem những giấc mơ đẹp đẽ to tát, tôi lại chỉ đưa ra những mảnh giải thích nho nhỏ thôi. Chắc các bạn cho rằng sau bao nhiêu sự sửa soạn vừa qua, các bạn có quyền được tôi tin cậy hơn và sau khi đã giải thích bao nhiêu giấc mơ rồi, chúng ta đã có thể tập trung được nhiều giấc mơ với đầy đủ bằng chứng về những điều đã được trình bày về công việc xây dựng giấc mơ và những ý tưởng trong đó. Các bạn có lý lắm, nhưng thực ra có nhiều lý do khiến tôi không làm hài lòng các bạn được.
Trước hết các bạn nên biết rằng chưa có người nào coi việc giải thích giấc mơ là công việc chính của mình. Khi nào người ta có dịp giải thích giấc mơ? Khi người ta giải thích một giấc mơ cho một vài người bạn hay suy nghĩ về giấc mơ của chính mình để tự luyện về kỹ thuật phân tâm học: nhưng phần lớn là người ta giải thích giấc mơ của những người bị bệnh thần kinh được đem điều trị theo phương pháp phân tâm học. Những giấc mơ này là những tài liệu rất tốt và không hề kém giá trị so với giấc mơ của những người khỏe mạnh bình thường, nhưng vì bận chữa bệnh nên nhiều khi chúng ta bị bó buộc phải theo phương pháp điều trị mà bỏ qua rất nhiều giấc mơ khác. Có nhiều giấc mơ xảy ra trong lúc điều trị không thể đem giải thích hoàn hảo được. Vì chúng xuất hiện trong toàn thể những vật liệu về tinh thần mà chúng ta chưa hiểu, chúng ta chỉ hiểu được một khi việc chữa chạy đã xong xuôi. Đưa những giấc mơ đó ra tức là đưa ra hết những bí mật của một người bệnh, điều này không hợp ý muốn của chúng ta vì chúng ta muốn khảo sát giấc mơ là chỉ cốt để sửa soạn trong việc trị bệnh thần kinh.
Nói đến đây chắc các bạn không muốn xét những giấc mơ bệnh hoạn này nữa mà muốn xét đến giấc mơ của các bạn hay giấc mơ của những người bình thường. Nhưng điều đó không làm được vì nội dung phức tạp của chúng. Chúng ta không thể tự thú với chúng ta hay thú với người khác, hay làm cho họ thú với chúng ta với một tấm lòng thành thực mà môn phân tâm học đòi hỏi bởi vì những giấc mơ đó sẽ đưa ra ánh sáng những điều bí ẩn của chính đời mình. Ngoài sự khó khăn về việc thu thập tài liệu còn có một sự khó khăn khác. Giấc mơ đối với chính người nằm mơ đã là một sự kỳ lạ rồi, tất nhiên đối với những người không biết gì về người nằm mơ. Nó phải có vẻ kỳ lạ hơn nữa chứ. Văn chương của chúng ta không hề thiếu những giấc mơ đã được giải thích hoàn hảo và đầy đủ. Chính tôi cũng đã cho in một số phân tích trong khi trị liệu. Thí dụ tốt đẹp nhất về sự giải thích phải là sự phát triển của Otto Rank. Đó là hai giấc mơ của một người con gái có dính dáng. Trình bày về nội dung của hai giấc mơ đó chỉ cần có hai trang nhưng khi giải thích lại cần tới 76 trang. Muốn làm công việc đó cho các bạn xem, tôi phải cần tới 6 tháng. Khi bắt tay vào việc giải thích một giấc mơ hơi dài, bị biến dạng nhiều hay ít, chúng ta phải làm nhiều việc đến nỗi sẽ mất rất nhiều công trình mà rút cục chẳng làm ai hài lòng cả. Vì thế tôi yêu cầu nên tạm bằng lòng với những mảnh nhỏ của các giấc mơ những người bị bệnh thần kinh, chúng ta sẽ có thể khảo sát từng yếu tố một. Dễ chứng minh nhất là những ký hiệu tượng trưng của giấc mơ và một vài đặc điểm của sự biểu diễn thụt lùi của giấc mơ. Với mỗi giấc mơ được phân tích, tôi sẽ cho các bạn rõ những lý do nào đã làm cho tôi đưa chúng ra.
1. Đây là một giấc mơ chỉ gồm có hai hình ảnh vắn tắt. Dù hôm đó là thứ bảy ông bác người nằm mơ vẫn hút thuốc lá. Một người đàn bà hôn và vuốt ve anh như con.
Về hình ảnh thứ nhất: người nằm mơ cho ta biết anh ta là Do Thái và bác anh ta cũng là Do Thái, một con người ngoan đạo không bao giờ phạm tội nặng đến nỗi hút thuốc lá trong ngày thứ bảy. Về hình ảnh thứ hai, anh ta chỉ nghĩ đến má anh. Giữa hai hình ảnh này tất nhiên phải có liên quan gì. Nhưng là liên quan nào? Vì ông bác không thể nào hút thuốc lá trong ngày thứ bảy được, chúng ta chỉ có thể cho rằng giữa hai hình ảnh đó có một sự liên lạc về thời gian. Nếu bác tôi hút thuốc trong ngày thứ bảy thì tôi mới để cho má tôi hôn tôi và vuốt ve là điều không thể có được cũng như việc hút thuốc lá trong ngày thứ bảy đối với người Do Thái ngoan đạo. Chắc các bạn còn nhớ là tôi đã nói rằng trong khi xây dựng giấc mơ, tất cả những sự liên lạc giữa những ý tưởng đó đều bị tiêu hủy, và những ý tưởng này chỉ còn xuất hiện dưới hình thức của những vật liệu nguyên chất, công việc của sự giải thích chính là tạo lập lại những dây liên lạc đó.
2. Sau khi cho xuất bản những cuốn sách về giấc mơ, tôi gần như đã trở thành một nhà chuyên môn về giấc mơ, được nhiều người viết thư đến hỏi và kể chuyền giấc mơ cho nghe, để hỏi ý kiến. Tôi xin cảm tạ những ai đã hiến cho tôi những vật liệu đủ dùng trong công việc giải thích hay tự ý đề nghị giải thích cho tôi nghe. Đây là một giấc mơ do một sinh viên ở Munich cung cấp năm 1910. Tôi đơn cử giấc mơ này để chứng minh rằng một giấc mơ khó hiểu nếu người nằm mơ không chịu cho biết những điều cần biết. Tôi cũng cần nói là các bạn sẽ lầm to nếu cho rằng sự giải thích giấc mơ trong đó tính cách tương trưng được nhấn mạnh là cách giải thích lý tưởng và cho cách giải thích bằng những sự lầm tưởng giữa các ý xuất hiện bất thường trong giấc mơ là không quan trọng.
13 tháng 7 năm 1910. Vào một sáng tôi nằm mơ như sau: Tôi đang đi xe đạp trong thành phố thì có một con chó đen chạy theo xe và cắn vào gót chân. Tôi đi một quãng nữa rồi xuống xe, ngồi trên một bậc thềm rồi tìm cách chống lại con chó trong lúc nó vẫn sủa (tôi không bị khó chịu vì chó cắn và vì cái cảnh sau đây). Ngay trước mặt tôi có hai bà ăn mặc rất lịch sự nhìn tôi chế nhạo. Đúng lúc đó tôi tỉnh dậy và thấy giấc mơ thực sự rõ ràng.
Những ký hiệu tượng trưng trong trường hợp này chẳng giúp được gì. Nhưng người nằm mơ cho ta biết: Tôi yêu một cô gái gặp ngoài phố nhưng chưa có dịp để tôi làm quen với cô ta. Làm quen được với cô ta thì tôi sẽ thích ghê lắm vì riêng tôi rất thích giống vật và có cảm tưởng rằng cô ta cũng thích. Anh thêm rằng nhiều lần anh ta can thiệp không cho chó cắn nhau ngoài phố và điều đó thường làm cho nhiều người đi đường ngạc nhiên. Cô gái luôn luôn đi ngoài phố với một con chó. Có điều là trong giấc mơ rõ ràng chúng ta không thấy có người con gái mà chỉ có con chó thôi. Có thể là hai bà đứng tuổi có vẻ chế nhạo anh chàng được gọi ra để thay thế người con gái. Những điều anh ta cho biết sau đó không đủ để giải thích. Việc anh chàng đi xe đạp trong giấc mơ có thể cắt nghĩa được lần nào gặp người yêu anh ta cũng đi xe đạp.
3. Khi một người mất đi một người thân, người ta thường nằm mơ thấy xuất hiện những hình ảnh lẫn lộn về sự tin chắc là người thân đã chết song với lòng mong muốn người đó sống lại. Có lúc người chết, dù đã chết vẫn tiếp tục sống vì không biết rằng mình chết, nếu biết thì chắc sẽ chết: có lúc anh ta nửa chết, nửa sống, hai trạng thái này được phân biệt bằng những dấu hiệu đặc biệt. Chúng ta sẽ lầm to nếu cho là những giấc mơ này vô lý; trong giấc mơ cũng như trong tiểu thuyết con người sống lại không phải là chuyện đặc biệt và vô lý. Những giấc mơ này có thể giải thích dễ dàng được và lòng ham muốn người chết sống lại được diễn tả bằng những phương tiện thực kỳ lạ. Tôi phân tích cho các bạn xem một giấc mơ loại này, một giấc mơ có vẻ kỳ khôi, vô lý nhưng sau khi phân tích xong ta mới thấy có những chi tiết mà những điều đã học từ trước có thể giúp ta đoán trước ra được. Đó là giấc mơ của một người mất cha từ nhiều năm.
Người cha đã chết nhưng được đào lên và trông không được tươi lắm. Ông ta sống lại từ khi được đào lên, và người nằm mơ dù dùng đủ mọi cách để cho ông ta không biết rằng mình sống. (Đến đây giấc mơ chuyển qua chuyện khác không liên can gì đến sự việc trên).
Người cha đã chết: Điều đó chúng ta biết, việc ông ta được đào lên không đúng với sự thực, cũng không đúng với những điều diễn ra sau đó trong giấc mơ. Nhưng người nằm mơ kể là lúc đưa đám ma về anh ta bị đau răng. Anh ta muốn chữa đau răng theo lễ nghi của giáo hội Do Thái: “Khi nào anh ta bị đau răng, anh cứ việc đi nhổ đi.” Anh ta liền đến phòng răng. Nhưng nha sĩ bảo răng chưa cần nhổ. “Tôi cho thuốc vào chỗ đau, mai ông trở lại tôi sẽ nhổ sau.”
Người nằm mơ cho rằng chính sự nhổ răng đó là sự đào mả người cha lên.
Người nằm mơ có lý không? Không hoàn toàn đúng, vì không phải cái răng sẽ bị nhổ nhưng là phần răng bị chết. Nhưng điều không chính xác này xảy ra luôn luôn trong giấc mơ. Người nằm mơ đã là một sự cô đọng coi việc người cha chết cũng giống như cái răng bị chết nhưng vẫn còn giữ được. Vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong giấc mơ có điều vô lý vì làm sao áp dụng vào người cha những điều áp dụng cho cái răng được. Vậy điểm chung giữa cái răng và người cha nằm nơi nào? Vì chính điểm chung này chính là sự cô đọng trong giấc mơ rõ ràng.
Giữa người cha và cái răng phải có một liên quan gì vì người nằm mơ nói rằng mỗi khi nằm mơ thấy gãy răng là có một người thân bị chết.
Điều mê tín này không đúng. Vì thế nên chúng ta lấy làm lạ khi thấy sự mê tín này có mặt trong mọi mảnh nhỏ của nội dung giấc mơ.
Dù không yêu cầu, người nằm mơ cũng nói cho ta nghe câu chuyện về bệnh tật và cái chết của người cha, về thái độ của mình đối với cha. Người cha bị bệnh rất lâu, tiêu tốn nhiều tiền, mất nhiều công săn sóc. Nhưng người con không hề phàn nàn, không hề tỏ ra sốt ruột hay mong muốn những sự chấm dứt. Anh ta khoe là rất có hiếu, lòng hiếu của người Do Thái và bao giờ cũng tin theo luật Do Thái. Các bạn có nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa những ý tưởng gắn liền vào giấc mơ không? Giữa người cha và cái răng có sự đồng nhất. Đối với cái răng anh chàng muốn tuân theo luật Do Thái đem nhổ ngay khi bị đau và khó chịu. Đối với cha thì anh ta cũng lại tuân theo luật Do Thái dạy anh ta không được phàn nàn về số tiền đem tiêu trong sự chữa chạy và về những điều khó chịu gây ra, phải kiên nhẫn chịu đau khổ và không được thù ghét đối tượng gây ra những điều khó chịu. Sự giống nhau giữa hai đối tượng là cái răng và người cha đáng lẽ sẽ hoàn toàn nếu anh ta đối với cha cũng có những ý nghĩ như đối với cái răng nghĩa là đem nhổ ngay, mong muốn cho cha chết để chấm dứt những điều đau khổ, chấm dứt cuộc sống vô ích và tốn tiền đó đi.
Tôi tin chắc rằng đó mới chính là tình cảm thực của anh chàng này đối với người cha và những lời hiếu thảo ầm ĩ của anh chỉ có mục đích làm anh quên những kỷ niệm đó thôi. Trong những tình trạng đó, thường thường người ta muốn cho cha chết nhưng lòng mong muốn này đeo cái mặt nạ hiếu thảo: cái chết nếu có đến cũng chỉ làm cha thôi đau khổ thôi. Các bạn cũng nên nhận ra rằng ở đây chúng ta đã vượt quá giới hạn của những ý tưởng tiềm tàng. Sự can thiệp của những ý tưởng này chỉ có tính cách vô thức trong thời gian ngắn, trong thời gian giấc mơ thành hình thôi; nhưng những tình cảm chống đối người cha có lẽ đã có từ lâu trong tình trạng vô thức, có thể là từ ngày còn nhỏ, nhưng chỉ xuất hiện trong ý thức một cách rụt rè từ khi người cha bị bệnh. Chúng ta cũng có thể nói chắc chắn như thế đối với ý tưởng tiềm tàng đang giúp vào sự thành lập nội dung giấc mơ. Trong giấc mơ không có một dấu hiệu nào về sự chống đối người cha. Nhưng nếu đi tìm nguồn gốc của sự chống đối đó bằng cách quay trở lại thời thơ ấu, chúng ta sẽ thấy sự chống đối đó bắt nguồn từ lòng sợ hãi người cha, lòng sợ hãi này kìm hãm lòng ham muốn tình dục của đứa bé, rồi vẫn tiếp tục cấm đoán ngay trong tuổi dậy thì nhân danh những lý do về xã hội. Điều này đúng trong thái độ của người nằm mơ đối với cha: lòng yêu cha bị giảm rất nhiều bởi lòng kính trọng và sợ hãi bắt nguồn ở sự kìm hãm những hoạt động tình dục của người cha đối với người con.
Những chi tiết khác trong giấc mơ rõ ràng có thể được cắt nghĩa bằng sự thủ dâm. Câu: người cha có vẻ không được tươi; có thể ám chỉ những lời nói của nha sĩ rằng mất đi một cái răng không phải là điều làm cho người ta thích thú. Nhưng cũng có thể diễn tả vẻ mặt không được tươi của anh chàng trẻ tuổi bị kìm hãm trong tình dục trong tuổi dậy thì. Người nằm mơ thở phào khi có thể gán cái vẻ mặt không được tươi của mình cho người cha và sự việc này xảy ra nhân danh một hành động đảo ngược của công việc xây dựng giấc mơ đã nói ở trên. “Người cha vẫn tiếp tục sống”: Câu này có thể vừa là lòng mong ước của người con vừa có thể là lời hứa của nha sĩ rằng cái răng có thể không bị nhổ. Nhưng đề nghị “Người nằm mơ dùng đủ mọi cách cho người cha không biết rằng mình sống” có tính cách hết sức tế nhị vì câu đó có mục đích cho chúng ta biết là người cha đã chết. Nhưng điều kết luận có ý nghĩa nhất là do sự thủ dâm vì thực là dễ hiểu khi người nằm mơ muốn dấu không cho cha biết về đời sống tình dục của mình. Các bạn nên nhớ rằng chúng ta đã nhiều lần dùng sự thủ dâm và những hình phạt do sự thủ dâm gây nên để cắt nghĩa những giấc mơ trong đó có sự đau răng xuất hiện. Bây giờ thì hẳn các bạn đã thấy một giấc mơ khó hiểu như thế đã được thành hình trong trường hợp nào. Có nhiều phương sách đã được đem dùng: sự cô đọng kỳ lạ, giả tạo, di chuyển tất cả ý tưởng ra khỏi giấc mơ tiềm tàng, tạo ra những sự việc dùng để thay thế sâu xa nhất, cũ kỹ nhất trong thời gian giữa những ý tưởng đó.