Phân Tâm Học Nhập Môn - Chương 2 - Phần 13
Để hiểu rõ liên quan giữa những cái gì còn sót lại và sự ham muốn vô thức, tôi đã dùng một sự so sánh. Doanh nghiệp nào cũng cần có một nhà tư bản bỏ tiền ra chi tiêu và một nhà thầu khoán để thực hiện những sáng kiến của anh ta. Sự ham muốn vô thức giữ một vai trò của nhà tư bản trong giấc mơ: chính anh ta cung cấp những nghị lực cần thiết cho sự thành lập giấc mơ. Người thầu khoán được hình dung ở đây bằng cái gì còn sót lại trong ngày quyết định về mọi sự chi tiêu và dùng nghị lực này. Nhưng trong một vài trường hợp chính nhà tư bản cũng có thể có sáng kiến, và những điều hiểu biết cần thiết để thực hiện cũng như người thầu khoán cũng có thể có tư bản cần thiết. Điều này đơn giản hóa khía cạnh thực tế của vấn đề nhưng không giúp cho sự hiểu biết về lý thuyết được dễ dàng. Trong kinh tế học, người ta chia con người duy nhất này thành hai người khác, một về phương diện nhà tư bản và một về phương diện người thầu khoán: làm như thế nào người ta lập lại tình trạng cơ bản sơ khởi của sự so sánh. Trong sự thành lập giấc mơ cũng có những ý tưởng như thế.
Trong lúc này chúng ta không thể đi xa hơn nữa vì có lẽ từ lâu các bạn đã thắc mắc về một vấn đề cần được xét đến. Các bạn sẽ hỏi: “Những cái gì còn sót lại trong ngày có phải cũng có tính cách vô thức như sự ham muốn vô thức cần thiết cho sự thành lập giấc mơ không? Hỏi như thế không còn gì chính đáng hơn, bởi vì đó là vấn đề chính trong câu chuyện này. Nhưng cái gì còn sót lại không vô thức theo nghĩa của sự ham muốn vô thức. Sự ham muốn thuộc vào một vô thức khác, bắt nguồn trong thời thơ ấu có sự hoạt động riêng biệt. Cần phân biệt hai loại vô thức đó, mỗi loại đều có ý nghĩa riêng biệt. Nhưng chúng ta hãy chờ cho tới khi nào quen với hiện tượng của các chứng bệnh thần kinh đã rồi sẽ phân biệt. Trước kia người ta thường trách chúng ta ở chỗ chúng ta chỉ có một vô thức thôi. Bây giờ chúng ta sẽ nói như thế nào nếu chúng ta nhận rằng phải có hai vô thức mới thỏa mãn được.
Thôi hãy dừng lại ở đó. Các bạn chỉ mới nghe thấy những điều chưa được đầy đủ, nhưng chả là một điệu khích lệ sao khi nghĩ rằng những điều hiểu biết của chúng ta có thể phát triển được nhờ những công trình khảo cứu của chính chúng ta hay của những người sẽ đến sau chúng ta? Và những điều chúng ta đã học hỏi được không phải là những điều mới lạ và kỳ diệu ư?
Những điều mơ hồ về phê bình
Tôi không muốn rời bỏ phạm vi giấc mơ mà không nói đến những điểm nghi ngờ và mơ hồ chính trong những quan niệm mới vừa được trình bày. Những bạn nào chăm chú theo tôi từ đầu hẳn biết rõ những điểm này.
1. Mặc dù chúng ta áp dụng đúng kỹ thuật như thế nào chăng nữa, những kết quả thu lượm được cũng hãy còn mơ hồ đến nỗi người ta không thể đi ngược từ những ý tưởng tiềm tàng về giấc mơ rõ ràng. Có bạn cho rằng trước hết, người ta không biết phải hiểu một yếu tố nào đó theo nghĩa thông thường hay theo nghĩa tượng trưng vì những đồ dùng để tượng trưng vẫn có giá trị thực của chúng. Vì không có một tiêu chuẩn nào cả nên sự giải thích phải để tuỳ thuộc người giải thích. Ngoài ra vì có những điểm trái ngược nhau lẫn lộn trong công việc xây dựng, thành ra người ta không được hiểu theo nghĩa âm hay nghĩa dương, theo nghĩa trực tiếp hay nghĩa phản trái: đó cũng là một điểm tuỳ theo người giải thích. Điều thứ ba, vì trong giấc mơ có nhiều sự đảo ngược, người ta có thể coi bất cứ đoạn nào trong giấc mơ như một sự lộn ngược. Sau cùng, rất ít khi có trường hợp mà chỉ có một sự giải thích thôi: vì có nhiều lối giải thích cho nên khó biết lối nào đúng. Kết luận là giới hạn của sự võ đoán của người giải thích quá rộng không phù hợp với tính cách thiết thực của những kết quả. Và các bạn có thể cho rằng những lầm lẫn không hẳn đã từ giấc mơ mà ra nhưng có thể bắt nguồn ở chỗ lầm lẫn của chính những quan niệm của chúng ta.
Lý luận đó rất đúng nhưng tôi nghĩ là chúng phù hợp với những điều kết luận của các bạn, theo đó thì trong sự giải thích có nhiều điểm ước đoán và những điểm sai của phương pháp chúng ta đem dùng không thể làm cho chúng ta tin cậy được. Nhưng nếu thay vì nói đến những sự võ đoán của người giải thích, các bạn nói rằng sự giải thích tuỳ thuộc vào sự khéo léo, kinh nghiệm và sự thông minh của người giải thích thì tôi chịu ngay. Người ta không thể nào gạt bỏ yếu tố cá nhân ít nhất cũng trong trường hợp đứng trước một sự giải thích khó khăn như thế này. Người này giải thích đúng hơn, hay hợp lý hơn người khác là một điều không thể tránh được, cũng như trong mọi kỹ thuật khác. Trong sự giải thích giấc mơ điều gì có vẻ như võ đoán sẽ không còn là võ đoán nữa khi người ta có thể chọn trong những cách giải thích được đưa ra cách nào người ta coi là thỏa đáng nhất, và vứt bỏ những cách giải thích khác, đưa vào những dây liên lạc giữa những ý tưởng trong giấc mơ, giữa giấc mơ và đời sống người nằm mơ và vào tình trạng tinh thần của giấc mơ. Sở dĩ trong vấn đề giải thích giấc mơ có những điểm chưa được hoàn hảo chính là vì tính chất của giấc mơ là một cái gì vô định và người ta có thể gắn cho giấc mơ bất cứ ý nghĩa nào người ta muốn.
Tôi đã nói là công việc xây dựng trong giấc mơ làm cho những ý tưởng tiềm tàng phát biểu ra dưới một hình thức cổ lỗ giống như lối viết tượng hình. Vậy mọi sự biểu thị theo lối cổ lỗ đều bất định, thường có hai nghĩa làm cho ta không thể quyết đoán nên theo nghĩa nào. Sự gặp gỡ của các điểm trái nhau trong công việc xây dựng cũng giống như những nghĩa phản trái nhau trong các ngôn ngữ cổ xưa. Nhà ngôn ngữ học R. Abel (1884) thường nói rằng, khi ta gặp trong các ngôn ngữ cổ những chữ có nhiều nghĩa, ta đừng cho rằng trong câu chuyện những tiếng đó bao giờ cũng có hai nghĩa. Giọng nói và cử chỉ của người nói chuyện đủ chỉ cho ta biết người đối thoại định dùng nghĩa nào trong các nghĩa đó. Trong chữ viết không thể dùng được cử chỉ, người ta thường ghép thêm vào bên cạnh chữ hình vẽ, không đọc lên ví dụ như hình một người ngồi xổm hay một người đứng thẳng bên cạnh chữ “ken” tuỳ theo chữ đó có nghĩa là yếu hay khoẻ. Do đó người ta tránh được những sự hiểu lầm mặc dù có rất nhiều nghĩa và dấu hiệu.
Trong những ngôn ngữ cổ xưa có nhiều điểm bất định không thể có mặt trong những ngôn ngữ hiện nay của chúng ta. Trong một vài ngôn ngữ Do Thái chẳng hạn, chúng chỉ có phụ âm mà không có nguyên âm. Người đọc hay người nghe phải chiếu theo câu nói hay chữ viết mà đoán ra những nguyên âm vắng mặt. Chữ viết cổ Ai Cập cũng thế vì chúng ta không biết tiếng cổ Ai Cập đọc ra sao. Chữ viết thiêng liêng của Ai Cập cũng có những điều bất định như thế. Người đọc cứ tự do xếp những hình ảnh từ phải sang trái hay từ trái sang phải tuỳ theo ý muốn. Muốn đọc phải tuỳ theo những hình ảnh của những con chim hay súc vật khác. Người viết cũng có thể viết từ trên xuống dưới tuỳ theo quan niệm về nghệ thuật. Điều khó chịu nhất trong chữ cổ Ai Cập là không hề viết chữ này xa chữ nọ. Những dấu hiệu cứ xuất hiện theo một khoảng cách đều đều khiến cho người ta không biết rõ một chữ thuộc chữ trên hay chữ dưới. Trong chữ viết Ba Tư trái lại giữa hai chữ có một chữ nghiêng chứng tỏ hai chữ khác nhau.
Chữ viết và ngôn ngữ Trung Hoa rất cổ hiện nay hãy còn dùng cho 400 triệu người. Các bạn đừng cho là tôi hiểu tiếng Trung Hoa. Tôi chỉ khảo cứu với hy vọng tìm thấy những điểm giống nhau như những điều vừa nói, và tôi đã không bị thất vọng. Ngôn ngữ Trung Hoa đầy rẫy những sự bất định như thế đủ làm chúng ta rùng mình. Ngôn ngữ đó gồm có nhiều vần có thể đọc riêng biệt hay cùng với những vần khác. Một trong các thổ ngữ Trung Hoa có tới 400 vần. Ngữ vựng gồm có 4000 chữ thành ra có chữ có tới 10 nghĩa, có chữ có ít hơn hay nhiều hơn. Vì toàn thể không giúp cho người nghe đoán được người nói định nói gì. Người ta đã đặt ra không biết bao nhiêu là phương sách để tránh sự hiểu lầm. Trong những phương sách đó có phương sách cần phải kể việc ghép hai vần thành một tiếng và đọc tiếng đó theo bốn thanh âm khác nhau. Ngôn ngữ đó không có văn phạm. Không phân biệt được trong một ngữ xem chữ đó là danh từ hay tính từ hay động từ, giống đực hay giống cái, số nhiều hay số ít. Thời gian nào hay thể nào. Ngôn ngữ chỉ có những nguyên liệu cũng như tiếng nói trừu tượng của chúng ta phân chia ra thành những nguyên liệu bằng cách xóa bỏ những sự biểu thị các dây liên lạc giữa những tiếng. Trong tiếng Trung Hoa mỗi khi có điều gì bất định, người nghe phải dựa vào toàn thể mà quyết định tuỳ theo trí thông minh của mình. Tôi ghi một câu tục ngữ Trung Hoa nói từng tiếng một như sau: ít, nhìn, nhiều, điều kỳ diệu.
Câu tục ngữ này không có gì khó hiểu: nó có thể có nghĩa là: càng trông ít bao nhiêu càng thấy nhiều điều kỳ diện bấy nhiêu, hay: đối với những người trồng càng ít, càng có nhiều điều kỳ diệu. Giữa hai bản dịch khác nhau chỉ khác nhau về văn phạm nay tất nhiên thực khó quyết định xem nên dùng bản nào. Vậy mà người ta thường nói rằng tiếng Trung Hoa là thứ tiếng tuyệt hảo trong công việc trao đổi tư tưởng. Vậy sự có nhiều nghĩa không hẳn đã đưa đến sự bất định trong ngôn ngữ.
Tuy nhiên đối với sự biểu thị trong giấc mơ, tình trạng không được chắc chắn như trường hợp của các ngôn ngữ thời cổ. Những ngôn ngữ này được dùng làm phương tiện giao tiếp, phải được hiểu bằng cách này hay cách khác. trong khi giấc mơ không cần ai hiểu cả. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy giấc mơ có nhiều nghĩa, bất định, khiến cho chúng ta không thể quyết định một cách chắc chắn. Kết quả độc nhất chắc chắn thu lượm được trong sự so sánh này là những sự bất định nói trên luôn có mặt trong mọi cách diễn tả trong thời cổ.
Chỉ có kinh nghiệm làm đi làm lại nhiều lần mới giúp cho ta thực sự hiểu rõ giấc mơ. Theo ý tôi, tính bất định này không đưa chúng ta đi xa được và công trình khảo cứu của nhiều nhà khoa học khác đã chứng tỏ rằng tôi nói đúng. Những người không chuyên môn thường tỏ vẻ coi thường, bi quan trước những sự khó khăn và tính bất định của những công trình khoa học. Thái độ đó thực bất công. Nhiều người trong các bạn chắc không lạ gì khi thấy một tình trạng bi quan khinh khi như thế khi người ta gặp khó khăn trong việc đọc các tấm bia trong thành Babylone. Có một thời những người đọc các tấm bia này bị coi là những tay đại bịp và công trình của họ là cả một sự lường gạt. Nhưng đến năm 1857, Hội hoàng gia khảo cứu về Á châu đã làm một cuộc thí nghiệm có tính chất quyết định. Hội này yêu cầu bốn nhà chuyên môn nổi danh nhất thời đó gửi đến cho mình bốn bản dịch của một tấm bia. Mỗi bản đều đựng trong phong bì dán kín, rồi sau khi mở bốn phong bì đó ra Hội có thể tuyên bố rằng cả bốn đều phù hợp với những điều đã tìm ra quả là công trình đọc bia của họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Những lời chế giễu của bọn người ưa bài bác nhờ đó mới dịu đi và công việc đọc bia mới càng ngày càng tiến triển được.
2. Có nhiều bạn cho rằng, những giải pháp mà chúng ta bắt buộc phải chấp nhận thường có tình cách gượng ép, giả tạo, không đúng chỗ và nhiều khi khôi hài. Tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện mới nhất thuộc loại này. Tại Thụy Sĩ một ông Giám đốc một Đại chủng viện bị cách chức vì đã khảo cứu Phân tâm học. Tất nhiên ông ta phản đối dữ đội, một tờ báo ở Berne, kinh đô Thụy Sĩ đã đăng bản án của các nhà chức tránh học đường. Tôi trích một vài đoạn dính dáng đến môn Phân tâm học: “Có nhiều thí dụ lấy trong cuốn sách của bác sĩ Pfister đáng được chú ý đến vì tính cách giả tạo và cầu kỳ. Quả là một điều kỳ khôi khi thấy một ông Giám đốc Đại chủng viện chấp nhận những điều đó mà không có một lời phê bình chỉ trích nào.” Họ muốn chúng ta coi những lời phê phán này là những lời của một vị thẩm phán vô tư. Chúng ta hãy xét kỹ lời phê phán này với hy vọng là thêm một chút suy nghĩ và một chút khả năng nữa cũng chẳng hại gì.
Quả thực là một điều thú vị khi thấy loài người chỉ cần dựa vào những cảm nghĩ đầu tiên của mình thôi mà cũng dám đưa ra những lời phê phán rất nhanh chóng và quả quyết về một vấn đề gai góc như vấn đề tâm lý vô thức. Họ cho rằng lời giải thích của chúng ta có vẻ cầu kỳ, gượng ép, họ không thích nên cho ngay rằng lời đó sai, chả có giá trị gì cả. Không một phút nào họ nghĩ rằng nếu những giải thích này có vẻ gượng ép và cầu kỳ, tất nhiên cũng phải có những lý do gì chắc chắn mà mọi người cần tìm hiểu.
Kết quả chính trong việc giải thích này là sự di chuyển và sự di chuyển là một phương tiện mạnh nhất giúp cho sự kiểm duyệt hoạt động. Sự kiểm duyệt dùng phương tiện này để tạo ra những cái gì dùng thay thế sự việc mà chúng ta gọi là sự ám chỉ. Những sự ám chỉ này thường gắn liền vào một thực chất bởi một số các sự liên tưởng, thực chất này là thể nào chúng ta cũng chưa biết được rõ ràng. Chỉ có điều rằng đó là tất cả những điều gì người ta cần giấu giếm. Khi có những điều cần giấu giếm chúng ta không thể chờ đợi tìm thấy chúng ở nơi chúng phải có mặt. Những uỷ ban kiểm soát tại biên giới ngày nay lâu hơn những nhà chức trách học đường Thụy Sĩ nhiều. Muốn tìm các tài liệu và hình vẽ người ta không chỉ lục soát các túi và cặp da mà còn phải xét cả những nơi không chờ đợi nhất như những gót giầy hai lớp. Nếu họ tìm ra được những đồ quốc cấm bằng những cách khám xét tỉ mỉ đó thì sự chịu khó của họ quả không phải là vô ích.
Dù giữa yếu tố tiềm tàng và điều thay thế nó trong giấc mơ rõ ràng có những liên quan rất xa vời, kỳ lạ, khi thì khôi hài, khi thì khéo léo, chúng ta cũng chẳng làm gì khác hơn là làm theo đúng những kinh nghiệm do những giấc mơ cung cấp mà chúng ta đã không tự mình tìm ra được những lời giải đáp. Rất ít khi chúng ta tự mình tìm được cách giải thích một giấc mơ; không một ai có thể tự mình tìm ra được liên quan giữa một yếu tố tiềm tàng và điều thay thế cho yếu tố này trong giấc mơ rõ ràng. Có khi nhờ một ý kiến đột nhiên nảy ra trong đầu, người nằm mơ cho ta biết dễ dàng liên quan đó, có khi chúng ta được cung cấp đủ tài liệu để giải thích. Nếu người nằm mơ không chịu giúp thì chúng ta sẽ không làm sao hiểu được một vài yếu tố trong giấc mơ rõ ràng. Tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện mới xảy ra. Một thân chủ của tôi bị mất cha trong lúc đang điều trị. Bà ta tìm đủ mọi cách làm cho cha sống lại. Trong một giấc mơ bà ta thấy cha hiện ra và bảo: “Bây giờ là mười một giờ mười lăm, mười một giờ rưỡi, mười hai giờ kém mười lăm.” Bà ta giải thích sự kiện này bằng cách nói rằng thuở còn sinh thời người cha rất thích các con về đúng giờ ăn cơm. Giữa kỷ niệm này và yếu tố trong giấc mơ tất nhiên phải có một liên quan gì dù chúng ta không thể dựa vào kỷ niệm này để biết rõ yếu tố kia bắt nguồn từ đâu. Nhưng trong khi chữa chạy, tôi nghi ngờ rằng có một thái độ phê bình chỉ trích nào đó đối với người cha yêu quý có dính dáng đến sự phát sinh ra giấc mơ. Bà nằm mơ kể cho chúng ta nghe, có một lần trong câu chuyện về vấn đề tâm lý, bà ta có nghe một người bà con nói: “Người cổ sơ (der Urmensh) sống lại trong mỗi chúng ta.” Câu nói này giúp chúng ta hiểu được thái độ của bà khách. Đó là một cơ hội rất tốt cho bà ta làm cho cha sống lại. Bà ta biến cha thành một người của thời đại (home de I’heure, Urmensch), do đó người cha mới cứ mười lăm phút lại báo giờ một lần.
Trong câu chuyện này có điều gì làm ta nghĩ đến một lối chơi chữ. Nhiều khi người ta cho rằng người giải thích giấc mơ muốn chơi chữ trong khi sự thực người chơi chữ chính là người nằm mơ. Trong nhiều thí dụ khác chúng ta không thể biết rõ đó là một lối chơi chữ hay một giấc mơ. Chúng ta đã gặp trường hợp tương tự như thế trong một vài sự lỡ lời. Một người nằm mơ thấy mình ngồi cùng ông bác trong một chiếc xe hơi (xe tự động). Theo ông ta thì giấc mơ đó có ý nghĩa là ông ta đã tự mình thỏa mãn tình dục của mình không cần sự giúp đỡ của người khác (do chữ antoérotisme chơi chữ với autômbile có nghĩa là xe tự động hay xe hơi). Có phải ông này muốn nói đùa và nói rằng mình nằm mơ trong khi thực sự chỉ muốn chơi chữ không? Tôi không tin như thế. Theo ý tôi ông ta quả đã nằm mơ thực. Nhưng do đâu mà có sự giống nhau giữa việc tự thỏa mãn về tình dục với chiếc xe hơi? Câu hỏi này đã làm tôi suy nghĩ rất lâu và khảo cứu thực kỹ càng về sự chơi chữ. Sau cùng tôi đi đến kết luận là đã có một loạt ý tưởng hữu thức len lỏi vào trong vô thức và tái xuất hiện dưới hình thức một sự chơi chữ. Chịu ảnh hưởng của vô thức, những ý tưởng hữu thức này chịu tác dụng của sự di chuyển và cô đọng trong công việc xây dựng giấc mơ và sự chơi chữ. Nhưng giấc mơ chơi chữ không gây cho người ta cái khoái cảm như một trò chơi chữ thực sự. Tại sao lại như thế? “Giấc mơ hí từ” không làm cho ta cười, trái lại chỉ làm cho ta dửng dưng.
Về điểm này chúng ta tiến đến gần lối đoán mộng ngày xưa. Tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện đoán mộng này vì tính lịch sử của nó. Giấc mơ của Đại đế Alexandre được Plutarque và Artémodore ở Êphese kể lại. Trong lúc công phá thành Tyrol, Đại đế Alexandre nằm mơ thấy một con quỷ nhảy nhót trước mặt mình. Thầy bói Aristadre đoán rằng thế nào thành Tyrol cũng thất thủ vì phân tích chữ satyros (con quỷ) ra, người ta thấy có nghĩa là: thành Tyrol thế nào cũng thuộc về ông. Quả nhiên về sau thành Tyrol bị hạ thực. Sự giải thích này có vẻ như giả tạo nhưng đúng từ đầu đến cuối.
3. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng ngay cả những người chuyên khảo cứu về phân tâm học và sự giải thích giấc mơ cũng nhằm phản đối quan niệm trên của chúng ta về giấc mơ. Sự lầm lẫn này đã đưa đến nhiều điều sai lầm rất gần quan niệm của y học về giấc mơ. Một trong các điều đó cho rằng giấc mơ chỉ là một mưu toan thích ứng vào hiện tại và giải quyết các việc trong tương lai, nghĩa là giấc mơ có khuynh hướng khảo cứu tương lai để tổ chức hiện tại (A. Macder). Chúng ta đã có dịp chứng tỏ rằng quan niệm này lẫn lộn giấc mơ rõ ràng với những ý tưởng tiềm tàng nghĩa là chú trọng đến công việc xây dựng trong giấc mơ. Vì muốn biểu thị cho đời sống tinh thần vô thức có chứa đựng những ý tưởng tiềm tàng nên quan niệm này không mới mẻ mà cũng không đầy đủ, vì ngoài sự xây dựng tương lai ra, sự hoạt động tinh thần còn làm nhiều việc khác nữa. Vì một sự lầm lẫn đáng tiếc hơn nữa, người ta đã cho rằng đằng sau giấc mơ bao giờ cũng có ý tưởng chết chóc. Tôi không hiểu người ta định nói gì trong công thức này nhưng chắc chắn là nó bắt nguồn ở chỗ người ta lẫn lộn giấc mơ và cá tính của người nằm mơ.
Tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện nữa để chứng tỏ rằng có người thường cho rằng giấc mơ có thể được giải thích bằng hai cách: một cách có tính chất phân tâm, một cách theo kinh thánh không biết gì đến sự có mặt của các sự ham muốn, chỉ nói đến những hoạt động tinh thần cao cấp thôi. Tất nhiên cũng có những giấc mơ loại này nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt không thể coi là có tính chất chung. Theo điều họ nói, chúng ta không thể nào quan niệm rằng giấc mơ lại có thể có tính chất tình dục và là sự gặp gỡ của giống đực và giống cái được (A. Adler). Tất nhiên cũng có một vài giấc mơ như thế và sau này bạn sẽ biết chúng chỉ là những triệu chứng loạn thần kinh. Tôi kể ra những sự tìm tòi mới về tính chất giấc mơ nói trên để các bạn biết mà đề phòng hay ít nhất cũng để bạn biết rõ ý kiến tôi về vấn đề.
4. Người ta đã tìm cách làm giảm giá trị khách quan của những công trình này bằng cách cho rằng những người bình thường thu xếp sao cho giấc mơ của mình hợp với ý kiến của các bác sĩ: người cho rằng mình có những giấc mơ về quyền lực, người cho rằng mình có những giấc mơ sống lại sau khi dã chết thực, (W. Setkel). Nhưng lý luận này không còn một chút giá trị gì khi mọi người thấy rằng trước khi khoa học phân tâm ra đời, người đời đã nằm mơ rồi và ngay cả khi khoa học đó đã ra đời thì bao giờ người ta cũng nằm mơ rồi mới đến hỏi nhà phân tâm học về giấc mơ. Những sự kiện do quan niệm này đưa ra rất dễ hiểu và không làm hại gì cho thuyết về giấc mơ cả. Những “cái gì còn sót lại trong ngày” phát sinh ra giấc mơ thường bắt nguồn ở đời sống con người khi họ thức. Nếu những lời nói về đề nghị của bác sĩ có một tầm quan trọng nào đối với con bệnh, những lời này cũng chẳng khác gì những cái gì còn sót lại tinh thần, chẳng khác gì những ham muốn chưa được thỏa mãn, cũng có tác dụng chẳng khác gì những sự kích động cơ thể ảnh hưởng đến người nằm mơ trong lúc ngủ. Cũng như những yếu tố kích động giấc mơ khác, những ý tưởng do thầy thuốc gợi ra cũng có thể xuất hiện trong giấc mơ rõ ràng hay trong những ý tưởng tiềm tàng. Chúng ta biết là chúng ta có thể tạo ra giấc mơ và những vật liệu giúp cho giấc mơ phát hiện. Trong trường hợp này người thầy thuốc cũng không làm gì khác hơn công việc của thí nghiệm viên Maury Vold khi ông này đặt chân tay của người nằm ngủ theo một chiều hướng nào đó để gây ra giấc mơ như ý muốn.
Chúng ta có thể gợi ra cho người nằm mơ đối tượng của giấc mơ chứ không thể ảnh hưởng gì đến những điều người đó sắp mơ. Sự hoạt động của công việc xây dựng và sự ham muốn vô thức không chịu ảnh hưởng gì từ bên ngoài vào. Khảo sát những sự kích động cơ thể giấc mơ thường được tỏ rõ trong phản ứng thể xác. Do đó lời bài bác nói trên về giá trị khách quan của những công trình khảo cứu về giấc mơ bắt nguồn ở chỗ đã lẫn lộn giấc mơ với những vật liệu xây dựng giấc mơ.
Đó là tất cả những điều tôi muốn trình bày cùng các bạn về giấc mơ. Chắc các bạn cũng đoán rằng tôi bỏ sót rất nhiều điều. Sở dĩ có sự thiếu sót đó là vì giấc mơ còn liên lạc chặt chẽ với những chứng bệnh thần kinh. Chúng ta khảo sát giấc mơ với mục đích sửa soạn cho việc khảo sát các chứng bệnh thần kinh. Điều này hợp lý hơn là việc để chuẩn bị cho việc khảo sát giấc mơ. Giấc mơ có thể giúp hiểu được các chứng bệnh thần kinh. Trái lại chúng ta chỉ hiểu giấc mơ một cách hoàn bị hơn, chi tiết hơn nếu chúng ta hiểu rõ về chứng bệnh thần kinh.
Tôi không biết các bạn nghĩ gì về vấn đề đó nhưng phần tôi, tôi không hề hối tiếc khi dành thực nhiều thì giờ cho sự khảo sát giấc mơ và yêu cầu các bạn chú trọng đặc biệt về vấn đề giấc mơ. Không có môn học nào có thể giúp cho chúng ta một ý niệm đúng hơn về môn phân tâm học. Muốn chứng tỏ rằng những triệu chứng của bệnh thần kinh có ý nghĩa, có ích lợi cho ta trong việc tìm hiểu người bệnh, có thể giải thích được khi khảo sát đời sống người bệnh, cần phải làm việc trong nhiều tháng, có khi nhiều năm. Trái lại chỉ cần làm việc một số giờ thôi cũng đủ hiểu được giấc mơ, những tiền đề của môn phân tâm học về tính cách vô thức của các hoạt động tinh thần. Xem chúng chịu những ảnh hưởng khuynh hướng nào và chúng hoạt động ra sao. Và nếu chúng ta có thể thêm vào tính cách tương đồng giữa giấc mơ và bệnh thần kinh, một sự biến đổi nhanh chóng khiến cho ngươi nằm mơ trở thành một người thức tỉnh, biết điều, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng căn bệnh thần kinh cũng chỉ là sự suy sụp của những liên quan thông thường giữa những động lực khác nhau trong đời sống tinh thần.