Phân Tâm Học Nhập Môn - Chương 3 - Phần 08

Mặc cảm Oedipe là cái gì ghê gớm vậy? Chỉ cái tên Oedipe đủ cho các bạn đoán ra rồi. Ai mà chẳng biết huyền thoại về đức vua Hi Lạp Oedipe bị số phận bắt phải giết cha và lấy mẹ đã phải dùng đủ mọi cách để thoát khỏi số phận độc ác đó nhưng không được nên đã tự trừng phạt bằng cách chọc mù đôi mắt của chính mình khi biết mình đã vô tình phạm cả hai tội to lớn nhất là giết cha và lấy mẹ. Chắc nhiều bạn đã vô cùng xúc động khi đọc vở kịch của Sophocle về vấn đề đó. Vở kịch này trình bày cho ta biết tội ác của Oedipe đã dần dần được lôi ra ánh sáng như thế nào khi cuộc điều tra bị đình trệ nhiều lần và được tiếp tục ra sao nhờ có nhiều dấu hiệu mới xuất hiện: vở kịch như có vẻ như diễn tiến trong cuộc khảo sát của phân tâm học. Người mẹ và người vợ đau khổ Jocasta nhiều lần ngăn cản không cho cuộc điều tra tiếp diễn, viện cớ rằng có rất nhiều người đã nằm mơ thấy mình ngủ với mẹ mình, nhưng đó chỉ là những giấc mơ không đáng để ý. Chúng ta không coi khinh giấc mơ, nhất là những giấc mơ điển hình mà nhiều người đã có, chúng ta tin rằng giấc mơ mà Jocasta nói đến có liên quan chặt chẽ đến câu chuyện kinh hoàng và kỳ lạ của huyền thoại.

Có điều đáng ngạc nhiên là vở kịch của Sophocle không hề gây xúc động hay giận dữ cho bất cứ một khán giả nào, trong khi những lý thuyết vô hại của vị bác sĩ quân y nói trên lại làm cho cấp trên của ông ta giận dữ và phản đối dữ dội như thế. Vở bi kịch này thực ra có tính cách vô luân vì hủy bỏ trách nhiệm tinh thần luân lý của con người, cho rằng chính các thần linh đã có sáng kiến về tội ác, đưa ra ánh sáng sự bất lực của những khuynh hướng luân lý trong con người trước sự tấn công của tội ác. Giá nằm trong tay một nhà thơ như Euripide, vở kịch đó có lẽ sẽ là một dịp bày tỏ sự phẫn nộ đối với thần linh và số mệnh. Nhưng đối với con người ngoan đạo như Sophocle thì không làm gì có chuyện phẫn nộ, ông ta né tránh khó khăn bằng cách tuyên bố rằng tinh thần luân lý cao độ đòi hỏi con người tuân theo ý chí của thần linh ngay cả khi thần linh ra lệnh phạm tội. Tôi không thấy cái luân lý này có thể là một sức mạnh của vở kịch, nhưng thực ra luân lý không hề ảnh hưởng để kết qua của vở kịch. Khán giả không hề chống đối lại luân lý của vở kịch nhưng phản ứng lại ý nghĩa và nội dung vở kịch. Khán giả phản ứng y như chính họ đang có mặc cảm Oedipe, như nhìn thấy trong ý chí của thần linh và trong lời tiên tri những cái gì có trong vô thức của họ và đang được lý tưởng hóa, y như chính họ đang có ý muốn gạt bỏ người cha đi và lấy mẹ mình. Tiếng nói của thi sĩ như bảo họ: “Mày không thể chống lại trách nhiệm của mày. Mày có trần tình rằng mày đã làm đủ mọi cách để cưỡng lại ý muốn phạm tội của mày cũng vô ích. Lỗi của mày vẫn còn đó vì chính mày đã không rũ bỏ được những ý muốn phạm tội, những ý đó vẫn tiềm tàng trong vô thức của mày.” Đó chính là một sự tâm lý. Ngay cả khi đã dồn ép nhưng khuynh hướng xấu xa vào trong vô thức rồi, trong miệng vẫn nói là mình không có trách nhiệm gì cả, nhưng trong thâm tâm con người vẫn cho rằng mình có trách nhiệm mà không hiểu vì sao?

Sự thực mặc cảm Oedipe là một trong các nguyên nhân gây ra lòng hối hận giày vò những người mắc bệnh thần kinh. Hơn thế nữa: trong cuốn sách của tôi về “những buổi đầu của tôn giáo và luân lý con người”, xuất bản năm 1913 dưới nhan đề: “Vật tổ và kiêng kỵ” tôi đã đưa ra giả thuyết là chính mặc cảm Oedipe đã làm cho toàn thể nhân loại trong những ngày đầu tiên ý thức được sự phạm tội của mình trong khi chính sự phạm tội này là nguồn gốc cuối cùng của mọi tôn giáo và mọi luân lý. Tôi có thể nói nhiều đến chuyện đó nhưng thôi để khi khác. Vì một khi đã nói đến, chúng ta khó mà thôi không nói được trong khi tôi muốn quay lại vấn đề tâm lý cá nhân.

Sự quan sát đứa bé trong thời kỳ chọn lựa đối tượng trước khi đi vào thời kỳ tiềm tàng đã cho ta biết gì về mặc cảm Oedipe. Chúng ta thấy dễ dàng rằng, đứa bé chỉ muốn độc chiếm người mẹ, khó chịu vì sự có mặt của người cha, tỏ vẻ giận dỗi mỗi khi người cha tỏ vẻ âu yếm mẹ và không giấu vẻ hài lòng mỗi khi cha đi xa, có lúc nói rõ cảm tình của mình và hứa là sẽ lấy mẹ. Người ta bảo đó chỉ là những ý kiến trẻ con không liên can gì đến Oedipe, nhưng dù sao đó vẫn là những sự kiện, đại diện cho mặc cảm Oedipe. Người ta hơi ngạc nhiên khi thấy chính đứa bé đó trong một vài trường hợp tỏ ra âu yếm đối với cha; nhưng những tình cảm này, tuy đối lập nhau ở người lớn, lại có thể hòa hợp nhau, đi cạnh nhau rất lâu dài trong vô thức của đứa bé, Người ta còn nói rằng những tình cảm đó tính cách ích kỷ của đứa bé gây ra thôi chứ không hề có tính chất tình dục. Chính người mẹ chăm sóc đứa bé và đứa bé cũng muốn ngoài người mẹ ra không ai làm việc đó cả. Điều này rất đúng nhưng thực ra trong tình trạng này cũng như trong bao nhiêu tình trạng khác tương tự, tính ích kỷ chỉ mở đường cho tình dục sau này thôi. Khi đứa bé tỏ ra tò mò về phương diện sinh lý, khi nó muốn ngủ đêm cạnh người mẹ, muốn xem mẹ tắm rửa hay dùng nhiều hình thức khác thường làm cho người mẹ cười như nắc nẻ về sự ngây thơ của con, thì tính chất tình dục không còn có điều gì đáng nghi ngờ nữa. Chúng ta không nên quên rằng người mẹ cũng săn sóc đứa bé gái như thế mà không đưa đến kết quả tương tự, và nhiều khi người cha cũng tỏ vẻ âu yếm đứa bé trai chẳng kém gì người mẹ nhưng không phải vì thế mà được nó mến yêu như đối với mẹ nó. Nói tóm lại, người ta không thể nào gạt bỏ ý nghĩ về tình dục trong tình trạng nói trên. Vả lại, nếu đứa bé quá ích kỷ thì nó sẽ có lợi hơn nếu được cả hai cha mẹ cùng âu yếm, nó chẳng có lợi gì nếu chỉ tìm tình yêu ở người mẹ thôi.

Tôi chỉ nói đến thái độ của đứa bé trai đối với cha mẹ thôi. Thái độ của em gái cũng tương tự. Lòng âu yếm đối với cha, ý muốn gạt bỏ người mẹ đi, với những dáng điệu làm đỏm, em bé gái nhiều khi hiến cho chúng ta một bức tranh đẹp mắt khiến cho chúng ta quên những hậu quả quan trọng của tình trạng này. Chính các bậc cha mẹ nhiều khi cũng giúp vào việc gây cho con mặc cảm Oedipe này bằng cách chiều theo khuynh hướng đối với người cùng phái, thành ra trong những gia đình đông con người cha tỏ vẻ thích con gái hơn, trong khi người mẹ lại thích con trai. Tuy vậy dù rất quan trọng, yếu tố này cũng chưa đủ là một lý lẽ chống lại thực chất của mặc cảm Oedipe đối với đứa bé. Mặc cảm này trở thành mặc cảm gia đình khi có nhiều con lên. Những kẻ đến trước cho những kẻ đến sau là một đe dọa cho quyền lợi của mình, vị thế nên trẻ con thường không đón tiếp các em một cách nồng hậu mấy và chỉ mong cho em mất đi thôi. Những tình cảm thù ghét này thường được trẻ con nói ra miệng. Khi ý muốn xấu xa của đứa bé thực hiện, khi đứa em bất thần bị chết thì việc đó đối với đứa bé là một biến cố quan trọng tuy nhiên khi chính nó cũng chẳng nhớ gì cả. Khi có em mới sinh, đứa bé thường ở vào địa vị phế đế nên khó lòng quên được sự việc đó; nó đối với em có những tình cảm mà về sau này người lớn thường cho là tình cảm bất mãn, những tình cảm này có thể là khởi điểm cho một tình cảm lạnh lùng đối với mẹ. Chúng ta đã nói rằng những công trình khảo cứu về tình dục và những hậu quả của nó gần liền vào kinh nghiệm về đời sống trẻ con. Khi anh em của chúng lớn lên, thái độ của đứa bé thay đổi một cách có ý nghĩa. Nó sẽ đem tình yêu mẹ đổi thành tình yêu đối với em gái khi thấy mẹ đối với mình có vẻ lạnh lùng: ngay trong khi còn nhỏ các anh đã quây quần chung quanh em gái và tỏ vẻ ghen tức nhau. Đứa bé gái thường đem anh lớn thay vào người cha mà nó cho là không tỏ vẻ âu yếm nó như ngày xưa nữa, hay đem lòng yêu em gái như yêu một đứa con mà nó muốn có đối với cha nhưng không được.

Sự thực xảy ra như thế đó. Tôi có thể dựa vào sự quan sát trực tiếp các trẻ con, sự giải thích những kỷ niệm của chúng để kể cho các bạn nghe nhiêu thí dụ tương tự nữa. Kết quả là địa vị của một đứa bé trong một gia đình có nhiều con có một tầm quan trọng đối với đời sống sau này của nó và bao giờ nói đến tiểu sử của nó người ta không thể bỏ qua sự kiện này. Trước những sự giải thích thu lượm được không khó nhọc gì này, các bạn sẽ phì cười khi nghĩ đến những cố gắng của khoa học để lên án sự loạn luân. Chúng ta chẳng đã nói rằng đời sống chung của thời thơ ấu có tính chất làm cho đứa bé không chú ý đến sự hấp dẫn tình dục do những người trong nhà gây nên, rằng khuynh hướng sinh lý tránh sự giao hợp của những người cùng máu mủ đã được bổ túc bằng lòng kinh tởm sự loạn luân đó sao? Nói như thế chúng ta quên rằng nếu quả thực thiên nhiên đã đặt ra những ngăn trở không thể vượt qua cho sự loạn luân thì việc gì chúng ta còn phải đặt ra luật nọ để nghiêm cấm nó nữa. Chính điều trái lại mới là sự thực. Đối tượng thứ nhất về tình dục của loài người - người chị hay người mẹ - có tính cách loạn luân và loài người đã phải dùng những luật lệ thực nghiệm khác mới diệt trừ nổi. Những dân tộc bán khai ngay nay hãy còn tồn tại cũng bài trừ sự loạn luân rất nghiêm khắc. Th. Reik còn cho rằng lễ nghi của những dân tộc mọi rợ trong tuổi dậy thì có mục đích kéo đứa bé ra khỏi tình trạng loạn luân bằng cách kéo nó ra xa người mẹ để gây lại cảm tình của nó đối với người cha.

Thần thoại học đã chẳng cho chúng ta hay rằng loài người thường gán cho các vị thần tính cách loạn luân trong khi chính họ lại rất sợ loạn luân, và trong những dân tộc (như dân Pharaons và dân Incas ở Pérou) lễ cưới loạn luân giữa hai chị em hay anh em được coi như thiêng liêng. Vậy sự loạn luân là một đặc ân mà người thường không được quyền hưởng.

Một trong hai tội của Oedipe là tội loạn luân, tội kia là tội giết cha. Hai tội ác to lớn này đã bị chế độ tôn giáo và xã hội đầu tiên, chế độ vật tổ, lên án. Bây giờ từ quan sát trực tiếp đứa bé, chúng ta hãy qua sự phân tích bệnh trạng của người lớn bị bệnh thần kinh. Sự phân tích này giúp cho ta hiểu thêm những gì về mặc cảm Oedipe? Sự phân tích cho ta thấy mặc cảm này xuất hiện đúng như trong huyền thoại, mỗi bệnh nhân đều là một Oedipe hay là một Hamlet chống đối lại mặc cảm này, nghĩa là cũng như nhau. Mặc cảm Oedipe trong người lớn chỉ là bản cũ soạn lại của mặc cảm đó trong trẻ con thôi. Sự thù ghét người cha, mong muốn cho cha chết đi không còn được diễn tả một cách rụt rè nữa, lòng âu yếm đối với mẹ và lòng mong muốn được lấy mẹ cũng được nói ngay ra miệng. Chúng ta có quyền gán cho thời thơ ấu những tình cảm sống sượng quá đáng đó không? Hay chúng ta đã bị sai lầm vì một yếu tố mới? Tìm ra được yếu tố mới này không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi khi có một người nói về dĩ vãng của mình, dù người đó có là một sử gia chăng nữa chúng ta có quyền chấp nhận không suy tính mọi điều ông ta nói về hiện tại hay về thời kỳ ngăn cách giữa dĩ vãng và hiện tại hay không? Trong trường hợp người bệnh thần kinh chúng ta có quyền tự tin xem sự lẫn lộn giữa dĩ vãng và hiện tại có vô tình hay không? Sau này chúng ta sẽ biết vì duyên cớ gì người bệnh đã lẫn lộn như thế, và chúng ta sẽ phải chú trọng đến việc trí tưởng tượng đã hoạt động như thế nào đối với những biến cố và sự kiện xảy ra trong một dĩ vãng rất xa. Chúng ta sẽ không khó khăn gì mà không thấy là lòng thù ghét người cha còn trở nên mạnh mẽ hơn nhờ nhiều nguyên nhân do các thời sau đã cung cấp và những ham muốn tình dục đối với người mẹ thường xuất hiện dưới những hình thức mà đứa bé không thể biết đến. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng vô tình khi tìm cách cắt nghĩa mặc cảm Oedipe bằng sự hoạt động của trí tưởng tượng đưa chúng ta quay trở lại dĩ vãng, đưa vào trong dĩ vãng những yếu tố lấy trong hiện thời. Người bệnh thần kinh còn giữ cái nhân của thời thơ ấu đúng như sự quan sát trực tiếp đã cho ta biết.

Mặc cảm Oedipe xuất hiện như một sự kiện trong bệnh viện có một tầm quan trọng to lớn trong thực tế. Chúng ta sẽ thấy là trong tuổi dậy thì, khi bản năng tình dục xuất hiện mạnh mẽ, người bệnh lại thấy lại những đối tượng thời xưa khiến cho những đối tượng này có tính chất tình dục. Sự lựa chọn đối tượng của đứa bé chỉ là một sự giáo đầu rụt rè, nhút nhát nhưng có tính chất quyết định của sự lựa chọn trong tuổi dậy thì. Vào tuổi đó sẽ có nhiều sự hoạt động tinh thần, tình cảm rất mạnh, có khi hướng về mặc cảm, có khi về sự phản ứng chống lại mặc cảm đó, nhưng những bước đầu của hoạt động vì không thể nói ra được nên đều bị dồn ép vào trong vô thức. Bắt đầu từ tuổi đó con người đứng trước một công việc quan trọng là công việc tự tách rời ra khỏi cha mẹ, chỉ sau khi sự tách rời này đã làm xong, đứa bé mới không còn là đứa bé nữa và trở thành một người trong cộng đồng xã hội. Nhiệm vụ của đứa con trai là rời khỏi người mẹ, đem tình dục của mình đặt vào một đối tượng khác, làm lành lại với người cha tùy theo trường hợp. Nhiệm vụ đó trở nên bắt buộc đối với tất cả mọi người không trừ ai. Nhiệm vụ này không bao giờ được hoàn thành theo lý tưởng cả, nghĩa là đúng với sự đòi hỏi của xã hội và tâm lý. Nhưng người bệnh thần kinh thường không bao giờ làm nổi nhiệm vụ này vì họ suốt đời phải chịu phục tùng dưới quyền người cha và không thể đem tình dục của mình đặt vào một đối tượng nào mới cả. Số phận của người con gái cũng chẳng hơn gì. Chính theo nghĩa đó mà chúng ta có thể cho rằng mặc cảm Oedipe chính là trúng tâm của những người bệnh thần kinh.

Chắc các bạn cũng đoán ra rằng tôi đã cố ý gạt ra ngoài nhiều chi tiết quan trọng về lý thuyết cũng như thực hành, liên quan đến mặc cảm Oedipe. Tôi không nói nhiều hơn nữa về những biến đổi của mặc cảm này cũng như sự lật ngược tình trạng của nó. Tôi chỉ nói rằng mặc cảm này là nguồn cảm hứng dồi dào cho bao nhiêu nhà thơ. Oto Rank đã cho thấy là những nhà soạn kịch trứ danh của mọi thời đã khai thác mặc cảm này rất nhiều, cũng như mặc cảm về sự loạn luân và biến thể của nó. Chúng ta cần ghi nhận rằng ngay cả trước khi phân tâm học ra đời, hai tội ác của mặc cảm Oedipe được công nhận như những ham muốn có tính cách tượng trưng nhất cho đời sống bản năng không bị kìm hãm. Trong một cuộc đối thoại trứ danh của Điderot nhan đề “Người cháu của Rameau” mà Goethe đã dịch ra tiếng Đức, chúng ta thấy có đoạn sau đây: “Nếu một đứa bé mọi rợ được mặc sức muốn làm gì thì làm, nếu nó vẫn giữ nguyên sự tồi tệ của nó, nếu nó dung hòa được một số ít lẽ phải của đứa bé còn nằm trong nôi với sự độc ác của con người ba mươi tuổi thì nó sẽ vặn cổ cha nó và ngủ với mẹ nó.”

Nhưng còn một chi tiết mà tôi không thể bỏ qua được. Không phải vô tình mà người mẹ và vợ của Oedipe làm cho chúng ta nghĩ đến giấc mơ. Các bạn hẳn còn nhớ là trong khi phân tích giấc mơ những sự ham muốn cấu thành giấc mơ thường có tính cách sa đọa, loạn luân hay đưa ra ánh sáng một lòng thù ghét không ai ngờ đối với một vài người thân cận rất được yêu mến. Lúc đó chúng ta chưa cắt nghĩa nguồn gốc của những khuynh hướng này. Bây giờ nguồn gốc đó hiện ra ngay trước mắt chúng ta không cần tìm tòi nữa. Đó chính là sản phẩm của sự khát dục của một vài biến dạng của những đối tượng mất đi từ lâu nhưng lúc này lại hiện ra trong ban đêm có thể có tác dụng được. Nhưng ngay người khỏe mạnh bình thường cũng có những giấc mơ sa đọa, loạn luân độc ác như thế, những giấc mơ này không phải là độc quyền của những người bệnh thần kinh, cho nên chúng ta có quyền kết luận là người phát triển bình thường cũng qua những giai đoạn sa đọa, biến dạng y như trong mặc cảm Oedipe, đó chỉ là một tình trạng bình thường, không có gì đặc biệt, chỉ có điều đối với những người bệnh thần kinh thì những sa đọa, biến dạng đó được phóng đại lên thôi. Đó chính là một trong các lý do khiến cho chúng ta phải khảo sát về giấc mơ trước khi khảo sát về các triệu chứng bệnh thần kinh.

Phương diện của sự phát triển và sự tụt lùi căn bệnh học

Chúng ta vừa được biết rằng sự hoạt động của khát dục biến hóa rất nhiều trước khi đạt được đến giai đoạn bình thường để phục vụ sinh sản. Tôi muốn nói cho các bạn nghe về vai trò của sự kiện này trong việc quy định những bệnh thần kinh.

Tôi đồng ý với các nhà bệnh lý học khi họ cho rằng sự phát triển của khát dục có hai điều nguy hiểm: nguy hiểm bị ngừng lại và nguy hiểm phải thụt lùi. Điều này có nghĩa rằng vì sự hoạt động sinh lý thường có khuynh hướng thay đổi luôn nên có thể những giai đoạn sửa soạn đầu tiên không đi đúng hướng và bị vượt qua hoàn toàn, một vài phần trong sự hoạt động có thể dừng lại ở một vài giai đoạn đầu tiên đó và vì thế sự phát triển có thể bị ngừng trệ tại một vài điểm nào đó.

Chúng ta hãy đi tìm ở một vài nơi khác tình trạng tương tự. Khi một dân tộc rời nơi mình đang ở để tìm một nơi mới, - điều thường xảy ra đối với những bộ lạc trong thời tiền sử - chắc chắn dân tộc đó không thể có mặt đầy đủ ở nơi mới đến. Ngoài một vài nguyên do khác, có thể một người nào đó dừng lại ở một nơi nào đó họ thích trong khi phần lớn bộ lạc vẫn tiếp tục lên đường. Muốn có một sự so sánh gần hơn, các bạn hẳn biết trong loài vật có vú ở trình độ cao, những hạch sinh dục, lúc đầu đứng ở dưới bụng, sau này di chuyển lên chỗ cuối xương chậu. Kết quả của sự di chuyển này là ở một vài loài vật, một trong hai hạch này vẫn đứng ở chỗ dưới bụng như cũ, hay dừng lại ở đường trong háng trên con đường mà chúng phải đi để tới chỗ xương chậu, hay có một trong hai đường háng này lại mở trong khi trong trường hợp bình thường cả hai đường đều phải đóng lại một khi hai hạch đã đi qua. Hồi còn là sinh viên tôi phải khảo sát về nguồn gốc của một dây thần kinh của một con cá thời cổ. Tôi nhận thấy là những dân thần kinh đó bắt nguồn từ những tế bào to đứng trong sừng sau. Điều này không thấy trong những vật có xương sống khác. Nhưng chẳng bao lâu tôi tìm ra rằng những tế bào thần kinh đó cũng đứng ngoài chất xám và chiếm cả một con đường đưa đến tiết tuỷ của rễ sau; tôi kết luận là những tế bào thần kinh này đã di cư từ tuỷ sống để đến định cư tại con đường rễ các gân thần kinh. Đó là điều được lịch sử của sự phát triển xác nhận: nhưng trong con cá do tôi khảo sát, những tế bào đã dừng lại ở dọc đường. Suy két kỹ lại các bạn sẽ thấy nhược điểm của sự so sánh này. Cho nên tôi chỉ nói với các bạn là đối với mỗi khuynh hướng tình dục có thể là một trong vài yếu tố của khuynh hướng này dừng lại ở một vài giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển trong khi một vài yếu tố khác đi tới đích. Tất nhiên chúng ta phải coi những khuynh hướng đó như một dòng nước chảy luôn luôn không ngừng ngay từ khi cuộc đời mới bắt đầu và chúng ta đã dùng một phương sách nhân tạo để phân chúng ra thành nhiều đợt liên tiếp. Những điều tôi vừa nói cố nhiên phải được dẫn giải rõ ràng hơn, nhưng công việc dẫn giải này sẽ đưa chúng ta đi quá xa. Tôi chỉ cần báo với các bạn là tôi gọi một khuynh hướng dừng lại ở một giai đoạn nào đó là sự định cư.

Điều nguy hiểm thứ hai của sự phát triển từng mức này là sự một vài yếu tố nào đó sau khi đã tiến quá nhanh có thể quay trở lại một giai đoạn nào trước đó: chúng ta gọi sự việc này là sự việc thụt lùi. Sự thụt lùi xảy ra khi một khuynh hướng trong khi hoạt động, nghĩa là trong khi tìm cách thỏa mãn nhu cầu gặp nhiều trở ngại từ bên ngoài vào. Sự định cư và thụt lùi liên kết với nhau chặt chẽ. Trong quá trình phát triển sự định cư càng mạnh bao nhiêu, sự hoạt động của nó càng dễ tránh được ảnh hưởng của những trở ngại bên ngoài do sự thụt lùi đưa vào bấy nhiêu, rồi sau đó sự hoạt động song song với sự thụt lùi càng có thể chống lại được với những những ảnh hưởng này bấy nhiêu. Mỗi khi trên con đường tiến triển, một dân tộc đã để lại trên con đường đó những hàng rào phòng thủ vững chắc thì mỗi khi những phần tử tiền tiến gặp trở ngại, nghĩa là bị ngăn chặn hay bị đánh bại bởi một kẻ địch quá mạnh, họ thường có khuynh hướng rút lui về những hàng rào phòng thủ đó để trốn tránh hay đợi chờ. Những phần tử tiền tiến này càng dễ dàng bị đánh bại hơn nếu những phần tử ở lại sau những hàng rào phòng càng nhiều hơn.

Muốn hiểu rõ những căn bệnh thần kinh, chúng ta không nên quên liên quan giữa sự định cư và thụt lùi này. Liên quan đó chính là chỗ dựa vững chắc để tìm hiểu vấn đề có liên quan đến sự qui định các bệnh thần kinh, tìm hiểu căn bệnh của chúng.

Chúng ta cần xét việc thụt lùi trong một thời gian nữa. Theo những điều mà bạn đã viết về sự phát triển và hoạt động của sự phát dục, các bạn tất nhiên phải cho rằng có hai loại thụt lùi quay về những đối tượng đầu tiên của sự khát dục, có tính chất loạn luận; thụt lùi của tất cả tổ chức tình dục quay về nhũng giai đoạn xảy ra trước. Chúng ta quan sát thấy cả hai loại thụt lùi này trong những chứng bệnh thần kinh hoán chuyển trong sự hoạt động của chứng bệnh này. Trong chứng bệnh này người ta nhận thấy sự thụt lùi tiến hành một cách đều đều đến chán nản. Nhất là trong chứng bệnh thần kinh thường gọi là bệnh của chàng Narcisse, một anh chàng say mê chính hình ảnh mình dưới mặt nước. Sự thụt lùi có rất nhiều điều đáng nói hơn nữa nhưng chúng tôi không muốn nói đến nhiều. Những bệnh như thế đặt chúng ta đứng trước những hình thức khác của sự phát triển và của sự thụt lùi. Tôi muốn các bạn đừng nên lẫn sự thụt lùi với sự dồn ép và muốn giúp cho các bạn có một ý tưởng rõ rệt về liên quan giữa hai sự kiện này. Sự dồn ép là một hoạt động làm cho một hành vi có thể trở thành hữu thức, nghĩa là có sẵn trong tiền ý thức trở thành vô thức. Cũng có sự dồn ép khi hành vi tinh thần vô thức không được nhận vào trong hệ thống tiền ý thức bên cạnh vì bị kiểm duyệt ngăn trở và đuổi trở lại. Giữa khái niệm dồn ép và khái niệm tình dục không có liên quan gì cả. Tôi muốn các bạn đặc biệt chú ý đến sự kiện này. Sự dồn ép chỉ là một hoạt động có tính cách tâm lý thuần túy, có thể đem áp dụng cho mọi hoạt động tương tự. Tôi muốn nói là khái niệm về sự dồn ép là một khái niệm có tính cách không gian, phù hợp với giả thuyết là bộ máy tinh thần gồm có nhiều hệ thống khác nhau giống như nhiều căn phòng khác nhau trong một ngôi nhà.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3