Phân Tâm Học Nhập Môn - Chương 3 - Phần 15

Tôi đã nói rằng sự biến đổi của khát dục thành lo sợ hay nói cho đúng hơn sự phát hiện của khát dục dưới hình thức lo sợ là số phận đầu tiên dành cho khát dục bị dồn ép. Tôi muốn nói rằng đó không phải là số phận duy nhất và cuối cùng của khát dục. Trong bệnh thần kinh có khi xảy ra sự diễn biến làm ngăn trở sự phát triển của lo sợ và thành công việc này bằng nhiều cách khác nhau. Trong các chứng sợ, chẳng hạn người ta nhận thấy có hai giai đoạn trong sự diễn biến bệnh thần kinh. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn trong đó khát dục bị dồn ép và biến thành lo sợ trong khi lo sợ gắn liền vào một mối hiểm nguy bên ngoài. Trong giai đoạn thứ hai mọi sự đề phòng và bảo đảm được đưa ra để ngăn trở khát dục không cho tiếp xúc với mối nguy hiểm bên ngoài này. Sự dồn ép được coi như một mưu toan của cái tôi chạy trốn trước sự khát dục mà cái tôi coi như một mối nguy hiểm. Chứng sợ có thể coi như một trốn tránh chống với sự nguy hiểm bên ngoài lúc này đang thay vào chỗ của khát dục. Sự yếu kém của hệ thống phòng thủ đem dùng trong chứng sợ là ở chỗ cái thành trì rất mạnh ở bên ngoài lại không mạnh ở bên trong. Khát dục không thành công hoàn toàn trong việc đẩy lùi sự nguy hiểm ra ngoài. Vì thế cho nên trong các bệnh thần kinh khác mới có hệ thống phòng thủ khác chống lại sự phát triển có thể xảy ra của sự lo sợ. Đó là một chương mới rất hay trong tâm lý bệnh thần kinh, chúng ta không thể đề cập đến vấn đề này ngay được sợ nó sẽ dẫn ta đi rất xa, nhất là muốn hiểu được chúng ta cần có những điều hiểu biết đặc biệt sâu xa. Tôi chỉ cần thêm một vài câu vào những điều vừa nói. Tôi đã nói đến sự phản công của cái tôi để bảo vệ sự dồn ép với mục đích giữ cho sự dồn ép được tồn tại, nghĩa là để chống lại sự phát triển của sự lo sợ thường kèm theo sự dồn ép.

Chúng ta hãy quay trở lại các chứng sợ. Tôi đã trình bày là nếu chỉ tìm cách cắt nghĩa nội dung của các chứng sợ hay chỉ tìm xem đối tượng này hay đối tượng nọ hoặc trạng thái này hay trạng thái nọ sẽ trở thành đối tượng của chứng sợ thôi thì quả là một điều thiếu sót. Đối với chứng sợ thì nội dung của nó chẳng khác gì cái mặt trước của giấc mơ rõ ràng đối với chính giấc mơ. Người ta có thể công nhận rằng trong các nội dung của chứng sợ, có một vài đối tượng, đúng nhưng lời Stanleyfall nói, có thể trở thành đối tượng cho sự lo sợ công việc dự phòng gây ra. Giả thuyết này được xác nhận bằng sự kiện rằng rất nhiều đối tượng lo sợ này chỉ liên quan với sự hiểm nguy một cách tượng trưng thôi.

Như thế chúng ta đã rõ địa vị vô cùng quan trọng của vấn đề lo sợ trong tâm lý của bệnh thần kinh. Chúng ta biết rõ sự liên lạc chặt chẽ của phát triển lo sợ với những sự đổi thay của khát dục và hệ thống vô thức. Quan niệm của chúng ta tuy nhiên vẫn còn một lỗ hổng đó là chúng ta chưa thể xác định xem việc một sự lo sợ thực sự phải được coi như một sự phát biểu của bản năng tự bảo tồn của cái tôi do đâu mà ra.

Thuyết khát dục và bệnh thần kinh Narcissisme

(Bệnh của những người mê say chính sắc đẹp của mình)

Đã nhiều lần và ngay mới đây thôi, chúng ta đã phân biệt khuynh hướng của cái tôi và những khuynh hướng tính dục. Sự dồn ép cho thấy là luôn luôn giữa hai khuynh hướng này có sự phản đối nhau và trong cuộc xung đột đó bao giờ những khuynh hướng tình dục cũng thua và phải tìm cách thỏa mãn bằng những phương sách thụt lùi khác: trong thực tế người ta không thể chế ngự được những khuynh hướng tình dục, nhưng những khuynh hướng này tìm thấy trong tính cách không thể chế ngự được này một sự đền bù cho sự thất bại của mình. Chúng ta đã thấy hai loại khuynh hướng này có hai thái độ khác nhau đứng trước nhu cầu của đời sống thực tế và do đó chúng theo hai con đường phát triển khác nhau và liên lạc với thực tế bằng hai cách khác nhau. Chúng ta tưởng rằng những khuynh hướng tình dục liên lạc chặt chẽ với trạng thái tình cảm của cái tôi hơn những khuynh hướng của chính cái tôi, nhưng điều này hoàn toàn đầy đủ đối với một vấn đề quan trọng duy nhất. Cho nên để hỗ trợ kết quả này chúng ta phải kể đến sự kiện đáng chú ý là sự không thỏa mãn cái đói và cái khát, hai bản năng tự tồn tại sơ đẳng nhất không bao giờ biến những khuynh hướng đó thành những khuynh hướng lo sợ, trong khi việc khát dục không được thỏa mãn bao giờ cũng biến thành khuynh hướng lo sợ đã trở thành một hiện tượng luôn luôn xảy ra và được biết đến nhiều nhất.

Vì vậy chúng ta quả có quyền phân biệt những khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi và không ai phủ nhận quyền đó được. Chính cái quyền phân biệt đó đã phát sinh ra việc có mặt của bản năng tình dục với tính cách một sự hoạt động của con người. Chỉ có điều cần hỏi là chúng ta gán cho sự phân biệt đó một tầm quan trọng, một tính cách sâu xa như thế nào? Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi đó một khi ấn định rõ ràng sự khác nhau trong khi hoạt động của những khuynh hướng tình dục trong cách phát hiện về phương diện cơ thể và tinh thần và những khuynh hướng khác trái ngược với chúng, và nhất là khi chúng ta biết rõ được tầm quan trọng của những hậu quả do sự khác nhau này gây ra. Tất nhiên chúng ta không có lý do gì để nói rằng giữa các khuynh hướng này có sự khác nhau gì về thực chất. Cả hai loại đều chỉ là những nguồn nghị lực và tìm hiểu xem có phải thực ra hai loại này chỉ là một hay không, hay giữa chúng có một sự khác nhau về một thực chất nào hay không và nếu trong thực tế chúng chỉ là một thì khi nào chúng tách bạch nhau ra; vấn đề này phải được thảo luận không dựa trên những khái niệm trừu tượng mà phải dựa trên căn bản những sự kiện do sinh lý học cung cấp. Những sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề này còn thiếu sót, nhưng dù không thiếu sót chăng nữa thì vấn đề đó cũng chẳng thuộc phạm vi môn phân tâm học.

Chúng ta sẽ không có lợi gì khi chấp nhận ý kiến của Jung về tính duy nhất, căn bản của mọi bản năng và gán cho những nghị lực được phát hiện ra trong các bản năng đó cái danh dự “khát dục”. Vì không thể nào gạt bỏ được cơ năng tình dục ra ngoài đời sống tinh thần, chúng ta bị bắt buộc phải nói đến một sự khát dục có tính chất tình dục và một sự khát dục không có tình chất tình dục. Chúng ta có lí do khi chỉ dùng danh từ khát dục chỉ những khuynh hướng tình dục thôi và từ trước tới nay chúng ta bao giờ vẫn cũng chỉ dùng danh từ khát dục theo nghĩa đó thôi.

Vì thế nên tôi nghĩ rằng vấn đề nên đi xa tới mức nào trong việc phân biệt những khuynh hướng tình dục và các khuynh hướng tự bảo tồn khác không thành vấn đề, không quan trọng đối với phân tâm học. Phân tâm học không có thẩm quyền giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên sinh lý học cho ta vài điều chỉ dẫn chứng tỏ rằng sự phân cách đó có ý nghĩa sâu xa. Tình dục là cơ năng độc nhất trong cơ thể con người vượt ra khỏi cá nhân và ràng buộc con người với dòng giống con người. Sự hoạt động của cơ năng này không có ích cho cá nhân như các cơ năng khác, trái lại còn gây ra biết bao nhiêu nguy hiểm đe dọa đời sống con người, nhiều khi còn làm mất đời sống này nữa, khi cơ năng đạt đến mức khoái lạc cao. Vả lại có thể một phần nào đời sống sau với tính cách di truyền. Sau cùng con người cá nhân thường tự coi như yếu tố cần thiết nhất và coi tình dục như một cách thỏa mãn như trăm ngàn cách khác, về phương diện sinh lý chỉ là một giai đoạn trong bao nhiêu thế hệ, một cái bướu trong một nguyên sinh chất bất diệt, một người chiếm lĩnh tạm thời trong một sự giao thác di sản.

Tuy nhiên, sự giải thích bệnh thần kinh về phương diện phân tâm học không cần đến nhận xét có tầm quan trọng quá cao như thế. Sự khảo sát riêng biệt khuynh hướng tình dục và khuynh hướng của cái tôi đã cung cấp cho ta phương sách tìm hiểu bệnh thần kinh hoán chuyển. Bệnh này chính là kết quả của sự xung đột giữa những khuynh hướng tình dục và những khuynh hướng bản năng tự bảo tồn, hay nói về phương diện sinh lý bằng những danh từ mơ hồ hơn, giữa cái tôi được hiểu như cá nhân con người độc lập, với cái tôi coi như một phần tử của một thế hệ. Chúng ta có đủ lý do tin rằng chỉ loài người mới có sự phân biệt giữa hai cái tôi cá nhân và xã hội này; cho nên trong tất cả các giống vật trên mặt đất, con người đã hiến cho chúng ta một môi trường tốt nhất để khảo sát về bệnh thần kinh. Sự phát triển quá mức của khát dục của con người, đời sống tinh thần dồi dào, hậu quả của sự phát triển khát dục có vẻ như đã tạo điều kiện gây ra sự xung đột đó. Tất nhiên chính những điều kiện này cũng là điều kiện phát sinh ra những tiến bộ to lớn của loài người, những điều tiến bộ giúp cho loài người bỏ lại đằng sau tất cả những cái gì có chung với loài vật, thành ra tính di truyền làm cho con người dễ mắc bệnh thần kinh chính là mặt trái của chiếc mề đay, nghĩa là của những năng khiếu có tính chất thuần tuý của con người. Nhưng thôi chúng ta hãy tạm gác lại những điều lý luận chỉ có tác dụng đưa chúng ta đi xa những vấn đề hiện đại.

Từ trước tới nay chúng ta làm việc trên căn bản định đề là có thể phân biệt được những khuynh hướng của cái tôi và những khuynh hướng tình dục dựa theo sự phát hiện của cả hai. Đối với bệnh thần kinh hoán chuyển thì sự phân biệt như thế chẳng gặp khó khăn gì. Chúng ta đã gọi là khát dục những sự hao phí sinh lực mà cái tôi dành cho những đối tượng của các khuynh hướng tình dục và gọi là “lợi ích” những sự hao phí sinh lực bắt nguồn trong các bản năng tự bảo tồn; bằng cách theo dõi mọi định cư của khát dục, những sự biển đổi và số phận sau cùng của nó, chúng ta đã có được một khái niệm đầu tiên về sự hoạt động của các động lực tinh thần. Về phương diện này, bệnh thần kinh hoán chuyển đã hiến cho ta vật liệu được việc nhất. Nhưng về chính cái tôi, về những tổ chức của cái tôi, cách cấu tạo và hoạt động của những tổ chức này ta chưa biết gì hết và chúng ta chỉ có thể đồ chừng là biết đâu sự phân tích các bệnh thần kinh khác chẳng giúp cho ta rọi ánh sáng vào những vấn đề đó.

Chúng ta đã mở rộng quan điểm phân tâm học của chúng ta đến những chứng bệnh khác này. Chính vì thế nên năm 1908 sau một cuộc thảo luận với tôi, K. Abraham đã đưa ra đề luận là đặc tính chính của bệnh điên sớm phát nằm trong sự việc khát dục không định cư trên những đối tượng của căn bệnh này (giữa bệnh náo loạn thần kinh và bệnh điên sớm phát có những sự khác nhau về tâm lý tình dục). Nhưng một khi khát dục của những người điên không định cư trên những đối tượng thì nó đi đâu? Abraham trả lời là khát dục quay trở lại với cái tôi và chính sự quay trở lại này, việc khát dục nhảy vội về với cái tôi chính là nguồn gốc của thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang trong bệnh điên phát sớm. Thói quen kỳ cục thích danh vọng cao sang có thể so sánh với sự thái quá về giá trị tình dục của đối tượng mà người ta nhận thấy trong đời sống tình ái. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhận thấy một đặc điểm của bệnh tâm lý đứng trước một đời sống tình ái bình thường.

Tôi phải nói ngay với các bạn: những quan niệm đầu tiên của Abraham vẫn còn tồn tại trong phân tâm học và trở thành căn bản trong thái độ của chúng ta đối với bệnh thần kinh. Dần dần người ta quen với ý nghĩ là sự khát dục mà chúng thường thấy định cư trên các đối tượng, sự phát hiện của một khuynh hướng tìm được thỏa mãn bằng những đối tượng đó, sự khát dục cũng có thể bỏ rơi các đối tượng đó và thay thế chúng bằng cái tôi. Lúc đó người ta mới tìm cho sự phát hiện này một hình thức hoàn hảo hơn bằng cách đặt những liên lạc chặt chẽ hơn giữa những yếu tố cấu thành của nó. Chữ “narcissisme” mà chúng ta để chỉ sự di chuyển nói trên lấy ở một bệnh mà P. Nacke đã mô tả, trong đó người đứng tuổi đối với thân thể mình có một sự say mê âu yếm thường thấy trong một đối tượng tình dục bên ngoài.

Người ta đã tự nhủ là nếu một khi khát dục có thể định cư ngay trên chính thân thể mình thay vì phải định cư trên một đối tượng khác thì sự việc đó không thể được coi là một sự việc đặc biệt và không có ý nghĩa; mà bệnh “narcissisme” chính là trạng thái nói chung và sơ khởi rồi từ đó mới phát sinh ra tình ái đối với một đối tượng và sự phát sinh này không vì thế mà làm mất đi bệnh “narcissisme”. Theo những điều chúng ta biết về sự phát triển của khát dục đối với đối tượng, rất nhiều khuynh hướng tình dục lúc đầu đã được sự thỏa mãn mà người ta gọi là tự thỏa mãn này giải thích tại sao tình dục lại chậm trễ trong việc thích ứng với nguyên lý thực tế do giáo dục mang lại. Như vậy, tức là sự tự thỏa mãn là hoạt động tình dục trong giai đoạn “nác sít” của sự định cư khát dục.

Tóm lại, chúng ta đã tự tạo ra một hình dung về các liên quan giữa khát dục của cái tôi và khát dục khách quan mà tôi có thể cụ thể hóa bằng một sự so sánh lấy trong động vật học. Các bạn hẳn biết những sinh vật sơ đẳng gồm có một nguyên sinh chất chỉ hơi khác nhau chút ít. Những sinh vật này phóng ra những chân giả để tiêu thoát sức sống của chúng. Nhưng chúng cũng có thể rút những chân giả đó lại và cuốn tròn mình lại như một viên tròn. Chúng ta ví những chân giả đó với sự vươn mình của khát dục tới những đối tượng trong khi khối chính của nó vẫn nằm trong cái tôi, chúng ta cho rằng trong những trường hợp bình thường khát dục của cái tôi có thể biến thành khát dục khách quan và chính khát dục khách quan cũng có thể quay trở lại với cái tôi được.

Nhờ những hình dung này chúng ta có thể giải thích, hay nói một cách khiêm nhường hơn, mô tả một số lớn trạng thái tinh thần phải được coi như nằm trong đời sống bình thường, thái độ tinh thần trong tình ái, trong các chứng bệnh cơ thể, trong giấc ngủ. Về trạng thái giấc ngủ, chúng ta đã nói rằng giấc ngủ chính là sự thoát khỏi ảnh hưởng của đời sống bên ngoài phụ thuộc vào ham muốn được ngủ ngon. Chúng ta đã nói rằng mọi hoạt động tinh thần ban đêm trong giấc mơ đều làm việc cho sự ham muốn này, chịu sự quy định và chế ngự của những lý do ích kỷ. Đứng về phương diện khát dục chúng ta cho rằng giấc ngủ là một trạng thái trong đó mọi sinh lực, khát dục hay ích kỷ, gắn liền vào đối tượng, rời khỏi các đối tượng đó để quay vào cái tôi. Các bạn có thấy rằng quan niệm này chỉ rõ cho ta thấy tính chất sự nghỉ ngơi và sự mệt nhọc trong giấc ngủ không? Quang cảnh được thoát khỏi đời sống bên ngoài một cách sung sướng như thế được bổ túc về phương diện tinh thần. Trạng thái phân phối khát dục cổ xưa lại trở lại trong người ngủ: trong đó khát dục là lợi ích của cái tôi sống, chúng rất hòa hợp, dính liền vào nhau trong một cái tôi không cần đến bất cứ một yếu tố nào khác.

Ở đây chúng ta cần hai nhận xét: Thứ nhất chúng ta làm thế nào phân biệt được “nác xít” và sự ích kỷ? Theo ý tôi, “nác xít” chính là sự bổ túc có tính cách khát dục cho sự ích kỷ. Nói đến ích kỷ chúng ta chỉ nghĩ đến nhiều điều gì có ích cho cá nhân; nhưng nói đến “nác xít” chúng ta nghĩ đến sự thỏa mãn khát dục của cá nhân. Về phương diện thực tế, sự khát biệt giữa ích kỷ và “nác xít” có thể đi xa nữa. Người ta có thể rất ích kỷ nhưng vẫn không thôi gán cho một vài đối tượng rất nhiều sinh lực khát dục trong khi sự thỏa mãn này tương ứng với những sự đòi hỏi của cái tôi. Sự ích kỷ sẽ làm sao cho sự theo đuổi những đối tượng đó không làm hại đến cái tôi cả. Người ta có thể vừa ích kỷ mà lại vừa có tính “nác xít” rất trầm trọng nữa. Nghĩa là có thể gạt ra ngoài những đối tượng tình dục một cách dễ dàng hoặc về phương diện của thỏa mãn tình dục trực tiếp hoặc về phương diện của những khuynh hướng dẫn xuất từ nhu cầu tình dục mà chúng ta thường đối lập với tình dục thuần tuý, điều này chúng ta gọi là tình ái. Trong tất cả các trạng thái phỏng đoán nay sự ích kỷ xuất hiện như một yếu tố đặt trên hết mọi điều phản đối, một yếu tố bất biến, trong khi “nác xít” chỉ là yếu tố luôn luôn thay đổi. Sự trái ngược của ích kỷ, sự vị tha không hề trùng hợp với sự phụ thuộc của các đối tượng vào sự khát dục, khác ích kỷ ở chỗ không theo đuổi sự thỏa mãn tình dục. Chỉ trong trạng thái tình ái tuyệt đối, lòng vị tha mới trùng hợp với sự tập trung khát dục vào một đối tượng. Đối tượng tình dục thu hút vào cho mình một phần của “nác xít” do đó chúng ta mới có cái mà chúng ta gọi là “sự thái quá giá trị tình dục của đối tượng”. Nếu thêm vào đó chúng ta có tính vị tha của sự ích kỷ truyền vào đối tượng tình dục thì đối tượng này trở nên mạnh vô cùng: người ta có thể cho rằng đối tượng đó đã thu hút cả cái tôi.

Sau bài thuyết trình khô khan và khó nhai của khoa học chắc các bạn sẽ khoan khoái khi nghe một bài ca tả sự trái ngược giữa “nác xít” và trạng thái tình yêu. Tôi lấy bài này trong Westostilicher Divan của Goêth:

SULEIKA

Các dân tộc dù là kẻ nô lệ hay kẻ chiến thắng

Bao giờ cũng đồng ý với nhau ở điểm này:

Hạnh phúc tuyệt đối của trẻ con trong trái đất,

Chỉ thấy trong cá tính con người thôi.

Dù đời sống như thế nào chăng nữa, người ta cũng sống được,

Một khi người ta biết rõ chính mình,

Chả có gì mất đi hết,

Một khi người ta vẫn nguyên như người ta bây giờ,

HATEM

Có thể được lắm. Đó là dự luận thường thường.

Nhưng tôi theo mọt con đường khác.

Tất cả hạnh phúc trên trái đất này,

Tôi chỉ thấy tập trung hết trong người Suleika thôi.

Chỉ trong trường hợp nàng ban cho tôi những đặc ân.

Nếu nàng không thèm nhìn tôi,

Tôi cho rằng,

Tôi sẽ mất hết.

Sẽ không còn thằng Hatem nữa.

Nhưng tôi biết tôi sẽ làm gì.

Tôi sẽ hòa mình vào trong con người sung sướng.

Được nàng ban cho những cái hôn.

Nhận xét thứ hai của tôi bổ túc cho thuyết về giấc mơ. Chúng ta sẽ không thể cắt nghĩa được sự phát sinh ra giấc mơ nếu chúng ta không công nhận, với tính cách bổ túc, rằng vô thức bị dồn ép trở nên độc lập với cái tôi trong một mức độ nào đó, thành ra nó không chịu sự chế ngự của ham muốn trong giấc ngủ và giữ vững vị trí của nó dù rằng mọi sinh lực khác phụ thuộc vào cái tôi đều bị thu hút để phục vụ giấc ngủ trong mức độ mà chúng gắn liền vào những đối tượng. Đến lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao cái vô thức có thể lợi dụng được sự huỷ bỏ hay giảm sút của kiểm duyệt trong đêm để cướp lấy “những cái gì còn sót lại ban ngày” để cùng với các vật liệu do những cái gì còn sót lại cung cấp, hợp thành một ham muốn trong mơ bị cấm đoán. Ngoài ra cũng có thể là “những cái gì còn sót lại ban ngày”, do việc nó giao tiếp với cái vô thức bị dồn ép có đủ khả năng chống lại khát dục bị giấc ngủ xâm chiếm hết. Trong sự kiện này có một đặc tính vô cùng quan trọng có tính cách sống động mà chúng ta phải đưa vào trong quan niệm của chúng ta liên can đến sự thành lập giấc mơ.

Một bệnh trong cơ thể, một cái gì làm cho mình đau đớn; một chứng viêm ở cơ quan nào đó đều tạo ra một trạng thái mà hậu quả là sự tách rời của sự khát dục ra khỏi đối tượng của nó. Khát dục sau khi rời khỏi đối tượng của mình trở vào với cái tôi để bám chặt vào bộ phận đau đớn trong thân thể. Người ta có thể khẳng định rằng trong những điều kiện này sự tách rời của khát dục ra khỏi đối tượng của nó còn mạnh hơn sự tách rời của sự ích kỷ đối với thế giới bên ngoài. Điều này như mở đường cho chúng ta hiểu rõ bệnh uất trong đó, một cơ quan cũng làm cho cái tôi bận tâm rất nhiều nhưng chúng ta không biết rằng cái tôi lúc đó cũng đang bệnh. Nhưng tôi không muốn đi sâu hơn vào con đường này nữa, hay phân tích những trạng thái mà giả thuyết về sự quay trở về trong cái tôi của sự khát dục có thể làm thành dễ hiểu hơn hay cụ thể hơn: lý do là tôi muốn nhanh chóng trả lời hai điểm mà các bạn muốn hỏi. Thứ nhất, các bạn muốn biết tại sao khi nói đến giấc ngủ, đến bệnh tật và các tình trạng khác, tôi lại phân biệt “khát dục” và “lợi ích”, “khuynh hướng tình dục” và “khuynh hướng của cái tôi” trong khi người ta có thể phân tích các sự đó bằng cách chỉ nói đến một sinh lực duy nhất, sinh lực này trong khi hoạt động có thể hoặc bám vào đối tượng, hoặc bám vào cái tôi, phục vụ cho khuynh hướng này hay khuynh hướng khác. Thứ hai các bạn ngạc nhiên khi thấy tôi coi sự tách rời khát dục ra khỏi đối tượng như nguồn gốc của một trạng thái bệnh hoạn trong khi sự biến đổi của khát dục khách quan thành khát dục của cái tôi, cũng thuộc thành phần các hoạt động tinh thần bình thường lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng đêm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3