Tâm Lý Học Xã Hội - Chương 06 - Phần 2

Khi chúng ta kết hợp xu hướng phục tùng này với những hành vi trái đạo đức, thiếu sự cảm thông, hay sự tàn bạo... Một vài năm trước đây, bang Texas đăng tuyển hai vị thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc, những người thi hành án sẽ được trả 600 đô la cho một cái chết. Và bang Texas đã nhận được hơn 30.000 hồ sơ dự tuyển cho vị trí này. Nếu tình trạng của thế giới hay của quốc gia khiến cho bạn buồn, có lẽ bạn nên xem xét xem mình đã làm việc như thế nào, cho bạn làm việc cùng ai.

Giống với thử nghiệm của Asch, thử nghiệm của Milgram đã được sửa đổi lại để tìm ra những ảnh hưởng của trạng thái ở gần người học. Trong thử nghiệm ban đầu, người học được đưa vào một phòng riêng biệt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta được ngồi cùng phòng hay thậm chí ngồi ngay cạnh người giáo viên là bạn? Hay điều gì sẽ xảy ra nếu bạn là người đụng vào anh ta để gây sốc? Như bạn có thể hình dung, trạng thái gần gũi có thể làm giảm một cách đáng kể mức độ của sự phục tùng: Nếu người học và giáo viên trong thử nghiệm ở chung một phòng, sự phục tùng sẽ giảm xuống còn 40%, nếu giáo viên chạm vào người học để gây sốc, sự phục tùng giảm xuống còn 30%.

Nghiên cứu ban đầu của Milgram được thực hiện ở "một trường đại học danh tiếng ở Miền Đông nước Mỹ" (Trường Đại học Yale). Điều gì sẽ xảy ra nếu như thử nghiệm được thực hiện tại một tòa nhà văn phòng xiêu vẹo ở khu buôn bán kinh doanh Bridgeport, Connecticut? Ồ, có lẽ phần trăm của sự phục tùng sẽ giảm xuống còn 48%.

Trong nghiên cứu ban đầu của tiến sĩ, giáo sư, nhà tâm lý học, nhà khoa học, Milgram, ông đã dành toàn bộ thời gian để ngồi đó, ông là hiện thân của quyền lực. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ông không có mặt ở đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông đưa ra sự chỉ dẫn của mình qua điện thoại? Sự không có mặt của người đại diện cho quyền lực sẽ làm giảm sự phục tùng xuống còn 21%. Tương tự như vậy, nếu một người "bình thường" là người đưa ra lệnh thì sự phục tùng sẽ giảm xuống còn 20%.

Tuy nhiên, biến số làm giảm mức độ phục tùng nhất là sự xuất hiện của một cá nhân thách thức. Trong kịch bản này, bạn thấy một tình nguyện viên từ chối gây sốc cho bất kỳ ai trước khi thử nghiệm được bắt đầu. Điều này làm giảm sự phục tùng xuống còn có 10%. Một lần nữa ta thấy sự có mặt của "người không tuân thủ" có ảnh hưởng mạnh như thế nào!

Những biến số khác có chút ít ảnh hưởng. Phụ nữ có mức độ phục tùng tương tự như nam giới. Có một vài khác biệt chính khi so sánh giữa các nền văn hóa. Và những nghiên cứu này không chỉ hạn chế đối với người được cho là người tuân giáo ở những năm 50: Những nghiên cứu gần đây cho thấy sự tương đồng hay thậm chí có sự phục tùng cao hơn. (Meeus và Raaijmakers 1986, 1987)

Hầu hết chúng ta, trong những lúc khó khăn, thích nghĩ rằng chúng ta là những người tranh đấu trong bóng tối cho sự tự do, hay là những người tuần hành ủng hộ nhân quyền, hay là những người có nguyên tắc. Nhưng thật không may, những người ở trong tình huống đó sẽ nói với bạn rằng bạn không thực sự biết bạn sẽ hành động như thế nào cho đến khi bạn ở trong những tình huống đó. Đối với hầu hết chúng ta, sự không phục tùng quyền lực hay không tuân thủ các áp lực xã hội là rất khó. Tuy nhiên có hiệu ứng khai sáng (hay sự dự báo tự chuốc lấy thất bại): Biết được sẽ khó khăn như thế nào mang lại cho bạn lợi thế.

SỰ KHÔNG DÍNH DÁNG[16]

[16] Non-involvement

Một lĩnh vực nghiên cứu nữa có quan hệ mật thiết với tuân thủ đó là sự không dính dáng. Nó cũng được biết đến như nghiên cứu về sự can thiệp của người ngoài cuộc.

Một ví dụ được ưa thích về sự không dính dáng là ví dụ về vụ Kitty Genovese bị giết chết: Vào 3 giờ sáng, trong khoảng thời gian hơn 30 phút Kitty Genovese đã bị tấn công ba lần tại sân khu chung cư cô ấy ở. Đầu tiên kẻ sát nhân bóp cổ cô, sau đó bỏ đi, rồi quay lại hãm hiếp cô, sau đó hắn lại bỏ đi, và cuối cùng hắn trở lại, giết chết cô. Toàn bộ bi kịch này được chứng kiến, tiếng kêu cứu của cô được 38 người hàng xóm nghe thấy, không ai trong số bọn họ đến cứu cô hay ít ra là gọi điện cho cảnh sát.

Phản ứng kiểu như thế là là bình thường: "Đặc trưng cho thành phố New York;" "Có thể không bao giờ xảy ra ở đây;" và "Điều đó sẽ khác nếu tôi có mặt ở đó." Các nhà tâm lý học Bibb Latane, John Darley và các sinh viên của họ đã quyết định đặt những câu khẳng định trong ngoặc kép đó vào một bài thử nghiệm.

Ở một trong những nghiên cứu của họ, một tình nguyện viên được yêu cầu đợi người thử nghiệm ở trong phòng chờ. Trong cái phòng chờ đó đã có sẵn hai sinh viên khác, họ đang đọc tạp chí. Sau khi người tình nguyện viên đã ngồi xuống ghế, một ít khói sẽ được thổi vào trong phòng nhờ vết nứt ở trên tường gần chỗ tình nguyện viên đó ngồi. Những sinh viên khác (tất nhiên là những người đóng vai phụ, bù nhìn) không có phản ứng gì. Khói biến thành luồng; khói tràn ngập trong phòng; và bạn thậm chí không còn nhìn thấy phía bên kia của phòng nữa. Trong tất cả những trường hợp đó, những người đóng vai phụ kia vẫn ngồi nguyên ở vị trí của họ, đọc tạp chí... và hầu hết các tình nguyện viên đều làm vậy!

Trên thực tế, chỉ có 10% các sinh viên phản ứng trong vòng 6 phút. Thậm chí nếu họ sử dụng 3 sinh viên thực sự - nghĩa là những sinh viên không phải được hướng dẫn là hãy ngồi yên - chỉ có 12,5 % là có phản ứng. Khi có một mình 75% sinh viên có phản ứng trong vòng 6 phút.

Một thử nghiệm khác, được Bibb Latane và Judith Rodin thực hiện, thậm chí còn ấn tượng hơn. Một người thử nghiệm là nữ yêu cầu tình nguyện viên điền vào một bảng câu hỏi, một sinh viên khác cũng (hình như) đang làm việc này, và đằng sau cái rèm là một phòng kho. Khi tình nguyện viên điền vào bảng mẫu, anh ta hay cô ta nghe thấy tiếng người thử nghiệm đang leo lên một chiếc thang và có vẻ như đang vật lộn với những cái hộp rất nặng. Bỗng nhiên, cô ấy ngã: cái thang đổ kêu đánh xoảng một cái, toàn bộ thân thể cô đập mạnh xuống sàn bê tông, cô kêu lên "Lạy Chúa, cái chân của tôi... Tôi… không thể cử động được!" Điều này cứ thế tiếp diễn ra khoảng một phút. Người sinh viên kia tiếp tục điền vào bảng câu hỏi. Có khoảng 80% tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm như vậy đã làm thế.

Khi chúng ta ở cùng với người nào đó mà người này không có phản ứng gì, thì chỉ có 20% trong số chúng ta có phản ứng lại với tình huống khẩn cấp mà thôi. Thậm chí ngay cả khi chúng ta ở một mình, chỉ có 70% chúng ta có phản ứng. Điều này sẽ khiến bạn thực sự băn khoăn về con số 30% còn lại, phải vậy không? Liệu có phải họ e sợ việc khó sử khiến họ thậm chí không thể đứng lên để hỏi xem người thử nghiệm có làm sao không?

Ồ, có thể ở đây có điều gì đó còn khác hơn so với việc e ngại sẽ gặp sự khó xử - mặc dù sự khó xử có khả năng là một yếu tố. Đầu tiên, hầu hết mọi người dường như đều có trải nghiệm ở một mức độ nào đấy về sự sợ hãi thấu cảm - kết hợp của việc đồng nhất hóa nạn nhân với sự không chắc chắn về điều phải làm khiến cho nhiều người trở nên tê liệt hay hoảng loạn.

Robert Baron đã thấy rằng, khi một nạn nhân bị đau và chủ thể cảm thấy rằng họ có thể làm điều gì đó để làm giảm nỗi đau, thì khi nạn nhân càng bị đau, phản ứng của chủ thể sẽ càng nhanh. Nhưng khi nạn nhân bị đau và chủ thể không biết mình sẽ phải làm gì, thì khi nạn nhân càng bị đau, chủ thể phản ứng càng chậm.

Bởi vậy, nếu chúng ta cảm thấy hơi căng thẳng và không biết chắc mình sẽ phải làm gì, và ở đó lại còn có mọi người khác nữa, chúng ta thường hy vọng rằng những người xung quanh sẽ là người có phản ứng, do đó chúng ta không cần phải làm gì cả. Trên thực tế, càng có nhiều người xung quanh, khả năng chúng ta có phản ứng càng ít đi. Điều này có vẻ đúng trong trường hợp của Kitty Genovese: Khu tập thể của cô tạo thành hình chữ U xung quanh cái sân và cửa sổ của các nhà thì mở. Nhiều người trong số họ đơn giản đã cho rằng ai đó chắc chắn đã gọi điện cho cảnh sát rồi.

Nếu bạn nghĩ thế này thì nó có vẻ khá hợp lý: Nếu tôi ở đó có một mình, tôi có 100% trách nhiệm, và chắc chắn tôi phải giúp đỡ. Nếu tôi ở đó với một người khác nữa, tôi có 50% trách nhiệm, và tôi có thể tung đồng xu để quyết định. Nhưng nếu tôi ở đó cùng 100 người khác, tôi chỉ có 1% trách nhiệm, bởi vậy sẽ là quá táo bạo đối với tôi nếu như tôi cố gắng giúp đỡ (và tiềm năng sẽ bị khó xử là lớn). Người ta gọi điều này là sự phân tán trách nhiệm[17].

[17] Diffusion of responsibility

Và ngoài ra còn có cả những lý do đơn thuần là ích kỷ để không giúp đỡ người khác: Một số người hàng xóm của Kitty Genovese đã thừa nhận rằng họ không muốn dính líu gì đến việc này - cái giá phải trả cho việc dính líu đến nó là quá lớn. Nếu bạn chạy ra ngoài và giúp cô ấy, bản thân bạn có thể bị thương hay bị giết (hay bị kiện, đó là điều thường xảy ra đối với những người can thiệp vào những "tranh chấp dân sự"). Thậm chí nếu bạn gọi cảnh sát, bạn sẽ phải khai tường trình, phải thu xếp thời gian tham dự, phải ra làm chứng, và có thể sẽ bị kẻ phạm tội trả thù.

Bây giờ hầu hết chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta là những người tốt, thậm chí ngay cả khi chúng ta lạnh người đi vì sợ, hoảng loạn, hay đùn việc cho người khác làm, hay quan tâm đến bản thân mình trước tiên. Bởi vậy chúng ta cần phải chắc chắn về việc biện minh cho những quyết định của mình. Điều này được thực hiện một cách đơn giản nhất bằng cách bóp méo sự thật hay còn được gọi là giải thích lại tình huống.

Ví dụ, trên đại lộ Số 5 ở thành phố New York, vào ban ngày, có một phụ nữ tên là Eleanor Bradley bị gãy chân khi đi mua sắm. Cô nằm đó, đau đớn trong vòng 40 phút trước khi có ai đó đến giúp cô, trong khi đấy có hàng trăm người đi bộ qua cô! Rõ ràng rằng, mỗi người tự giải thích trường hợp của cô theo một cách: có người cho rằng không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra với cô cả, có thể cô say rượu, cô ấy bị điên, cô ấy đang đóng phim, diễn một vai Candid Camera nào đó, hay bất kỳ điều gì khác.

Điều này được củng cố hơn bởi tính trách nhiệm của việc truyền tin đã được đề cập ở trên: Nếu việc cô ấy gãy chân là thực sự nghiêm trọng thì liệu những người đi qua có dừng lại giúp cô không? Chúng ta sử dụng những cái khác như một nguồn thông tin, cũng như hướng về sự sợ hãi lúng túng hay mong muốn sở hữu.

Xem xét những cách mà chúng ta có thể chống lại những xu hướng rủi ro này trong bản thân chúng ta là điều rất có ích. Chúng ta có thể tìm thấy những đầu mối hay trong các nghiên cứu của Leonard Bickman. Ví dụ một số người tham gia vào một cuộc thử nghiệm có liên quan đến việc sử dụng hệ thống liên lạc. Sau đó họ bỗng nghe thấy tiếng la thét qua hệ thống liên lạc này. Những người nghĩ rằng mọi người tham gia trong cuộc thử nghiệm này đều đang ở cùng một tòa nhà có xu hướng ở yên tại chỗ; còn những người nghĩ rằng chỉ có một mình họ và nạn nhân ở trong cùng tòa nhà có xu hướng cố gắng tìm sự trợ giúp.

Trong một nghiên cứu khác của Bickman, lại sử dụng hệ thống liên lạc một lần nữa, 1/3 người trong đối tượng thử nghiệm nghe thấy tiếng la hét, 1/3 người khác nghe thấy tiếng la hét tiếp sau giọng nói của người chứng kiến đang lo lắng, và 1/3 người cuối cùng nghe thấy tiếng la hét và người chứng kiến nói đây là tình huống khẩn cấp. Nhóm đầu tiên ít có xu hướng ít muốn giúp đỡ nhất, còn nhóm cuối cùng có xu hướng muốn giúp đỡ nhiều nhất.

Chính xác là bởi tính chất nhân tạo của họ, những nghiên cứu trên được đưa ra nhằm nhấn mạnh rằng những việc như tính trách nhiệm của sự truyền tin và định nghĩa lại tình huống thực ra là "nằm trong đầu người ngoài cuộc." Do vậy, chúng ta có thể trực tiếp chống lại những xu hướng này hơn bằng cách xây dựng những thói quen cụ thể nào đó. Giả sử như tinh thần trách nhiệm cá nhân (trừ khi có ai đó chuyên nghiệp hơn xuất hiện một cách rõ ràng), và giả sử đó là tình huống khẩn cấp (cho đến khi bạn biết rõ sự thật).

Cũng có một giải pháp cho vấn đề của sự sợ hãi đồng cảm: Xây dựng khả năng xử lý trường hợp khẩn cấp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có kiến thức trong việc cấp cứu các trường hợp khẩn cấp có xu hướng muốn giúp đỡ nhiều hơn, thậm chí họ muốn cấp cứu cho cả những trường hợp mà họ không được đào tạo. Như những chuyên gia, họ không đánh mất khả năng xử lý trong những tình huống khẩn cấp của mình.

Một lần nữa, hiệu quả của sự khai sáng hay sự tiên tri tự chuốc lấy thất bại[18] lại đóng vai trò trong bạn: Chỉ biết rằng chúng ta có xu hướng không giúp đỡ sẽ khiến khả năng giúp đỡ của bạn cao hơn. Nó có thể làm hỏng những thực nghiệm tâm lý xã hội tương lai, nhưng lại có thể cứu tương lai của Kitty Genoveses.

[18] self-defeating prophecy

SỰ BẤT TUÂN THỦ[19]

[19] non-conformity

Nếu tuân thủ nói theo nghĩa đen là tình trạng bình thường thì bất thuân thủ, dù tốt hay xấu, là sự không bình thường hay lầm đường lạc lối. Nhưng bạn có thể bất thường theo nhiều cách khác nhau:

Chứng bệnh tinh thần

Khi ai đó hành động một cách lạ lùng thì một trong những cách dễ dàng nhất là gán cho họ cái mác của một người bị bệnh tâm thần. Thật đáng buồn, có rất nhiều người bị dán cái mác này chỉ bởi vì họ cáu giận, làm phiền hay gây rắc rối cho người khác, đặc biệt khi những người khác đó là những người có quyền lực còn những người bị dán mác đó thì không. Họ không làm những việc mà người ta cho rằng họ phải làm, bởi vậy chúng ta tống khứ họ đi chữa bệnh hay đến một các tổ chức.

Nói như vậy không có nghĩa là không có cái gì được gọi là chứng bệnh tinh thần cả. Mà "đúng" là những chứng bệnh tinh thần thường mang nghĩa rộng là những cư xử, kinh nghiệm, suy nghĩ, hay cảm xúc thực sự gây rắc rối hay hoàn toàn không thể kiểm soát được. Những người lập dị, một người bất đồng về chính trị hay một tội phạm có thể chọn làm những điều mà họ muốn. Một người bị bệnh tâm thần không được hoàn toàn tự do lựa chọn, do đó anh ta không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Những vấn đề rất có khả năng liên quan đến chứng bệnh tinh thần là (1) các yếu tố di truyền trội (chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt được cho là có khả năng di truyền), (2) hệ thống thần kinh bị tổn hại, (3) các chấn thương tâm lý, (4) điều kiện lâu dài, hay (5) nghiện.

Điều này không khiến cho việc phân biệt chứng bệnh tinh thần với các dạng khác của sự bất tuân thủ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, chúng ta còn lâu mới tạo lập được các phương pháp rõ ràng để phân biệt đâu là nguyên nhân sinh học còn đâu là nguyên nhân tâm lý. Nhiều người tin rằng những tên tội phạm hành động như vậy là do những rối loạn ban đầu và do các điều kiện xã hội. Ở liên bang Xô Viết cũ, những người có quan điểm chính trị bất đồng được coi là kẻ mất trí, vì những quan điểm chính trị, hay ít ra là một phần các quan điểm chính trị đã được hình thành dựa trên những hoàn cảnh điều kiện lâu dài. Hơn nữa, bản thân văn hóa cũng là một vấn đề liên quan đến hoàn cảnh, điều kiện lâu dài. Và những người có nguyên tắc - Saint Francis là một ví dụ tiêu biểu về kiểu người này, hay người sinh viên đứng trước những cái xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn - thường hành động theo cách mà hầu hết chúng ta coi là điên rồ.

Có một vấn đề mà tôi cần làm rõ là: Ở phần này, chúng ta đang nói về sự xa vời các chuẩn mực chứ không phải trạng thái bình thường. Có nhiều điều không bình thường nhưng không được coi là lệch lạc (ví dụ như tóc đỏ), thậm chí còn được coi là có giá trị (vẻ đẹp, sự thông minh, sức mạnh...)

Sự phạm tội

Khi việc bất tuân thủ có liên quan đến những quy phạm đã được chính thức hóa chẳng hạn như pháp luật thì chúng ta gọi nó là phạm tội. Phạm tội phải thường là do sự lựa chọn, nên nếu tội lỗi đó có biểu hiện của sự thiếu năng lực tinh thần, không cố ý, do tai nạn hay hoàn cảnh thì những yếu tố này ít nhất có thể làm giảm mức độ tội lỗi.

Một số kẻ phạm tội có thể được hiểu là do thiếu xã hội hóa. Lương tâm hay cái siêu ngã của chúng không phát triển, có lẽ là bởi khi bé chúng không được quan tâm, bị lạm dụng, sống trong nghèo đói... Nó cũng có thể là bởi vì ngay từ đầu chúng đã thiếu khả năng cảm thông cơ bản mà một số người coi khả năng này là nền tảng của lương tâm.

Đôi khi những người này cũng được gọi là tâm thần xã hội (sociopath). Thuật ngữ cũ gọi là người bệnh tâm thần (psychopath), nhưng ngày nay thuật ngữ này thường chỉ được dùng cho những trường hợp cực đoan nhất mà thôi. Những người này ít quan tâm đến các tình cảm của con người, lại càng ít quan tâm đến luật pháp và các chuẩn mực xã hội. Tự cho mình là trung tâm, họ muốn cái mà họ muốn khi họ muốn, và lấy cái họ muốn, họ cho rằng họ có đầy đủ những kỹ năng để làm vậy. Đôi khi chúng ta ca ngợi họ - Billy, đứa trẻ, Bonny và Clyde... là những người thực sự bất tuân thủ. Nhưng nhìn chung chúng ta coi họ nằm ở biên giới gần với những người mắc bệnh tinh thần.

Tương tự với những người này là những kẻ tội phạm, những kẻ có thể có lương tâm phát triển nhưng chúng lại có những yêu cầu đòi hỏi quá lớn. Ví dụ một kẻ nghiện ma túy ăn cắp để có tiền thỏa mãn cơn nghiện của mình. Hay một người nào đó ăn cắp vì đói chẳng hạn.

Nhưng nhiều kẻ phạm tội thực sự không phải là những người bất tuân thủ mà chúng là những người tuân theo các chuẩn mực khác. Có thể nói rằng, chúng thuộc về tiểu văn hóa tội phạm. Nếu như bạn được nuôi dạy với niềm tin rằng ăn cắp trong nhiều tình huống là tốt trong khi đó nền văn hóa chủ đạo lại coi rằng đó là tội phạm, hay bạn tin rằng giết ai đó để trả thù là một nghĩa vụ đạo đức chứ không phải là tội lỗi, thì chính sức mạnh tuân thủ của bạn ở đây là vấn đề. Những ví dụ có thể đưa ra để minh họa cho loại này là tội phạm "gia đình", các băng đảng ở đô thị, và những nhóm giống như nhóm "klan".

Ngoài ra còn có những người tự định nghĩa bản thân một cách tiêu cực, có nghĩa là định nghĩa theo cách mà những người khác không làm. Đây cũng lại là chống lại sự tuân thủ, và nó có thể chiếm phần lớn trong các hành vi cư xử mang tính phá hoại, chẳng hạn như những hành động phá hoại ngu xuẩn những công trình. Một số nhóm biến hành động chống lại sự tuân thủ thành một phần trong những chuẩn mực của chúng, do đó việc ném vỏ lon bia lên bãi cỏ nhà người khác, hay sơn tên của bạn lên mọi nơi, hay đánh vào những tấm bia mộ đá trở thành những "việc đáng làm."

Những vấn đề gây ra bởi những tiểu văn hóa tội phạm và những nhóm chống lại sự tuân thủ có thể tồi tệ hơn bởi sự xa lánh, ghét bỏ mà nhiều người trong những nhóm có liên quan cảm thấy. Nếu như không có địa điểm vui chơi nào phù hợp với thanh niên thành thị thì nhu cầu liên quan đến bản sắc và ở trong một nhóm nào đó có thể khiến họ phạm tội kiểu tiểu văn hóa và khát vọng xóa bỏ chống lại văn hóa chính thống của họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Ví dụ, hãy để ý đến sự gia tăng hoạt động của phái tân Nazi hay hoạt động của bọn đầu trọc ở Đức, bọn chúng hoạt động mạnh hơn khi tình trạng thất nghiệp và dòng người lao động nhập cư tăng lên. Đặc biệt nguy hiểm là những cá nhân có nhân cách yếu, điều này khiến họ vô cùng mong muốn được trở thành thành viên và nhận được sự công nhận từ bất kỳ nguồn nào.

Người thể hiện đầy đủ tiềm năng

Một số người khác biệt là những người mắc chứng bệnh tinh thần hay kẻ tội phạm. Hầu hết những người khác biệt chỉ là những người tuân theo các chuẩn mực khác - có nghĩa rằng họ không phải là "những người không tuân thủ". Nhưng có một số ít người lại thực sự độc lập với các sức ép của sự tuân thủ và họ sử dụng sự tự do của mình để làm những việc tốt. Thuật ngữ phổ biến dùng để chỉ những người này là những người thể hiện đầy đủ tiềm năng[20].

[20] Self-actualizers

Abe Maslow tin rằng khi bạn không còn bị thúc ép bởi những nhu cầu vật chất, bởi sự sợ hãi, bởi những lo lắng xã hội, hay bởi những phức cảm tự ti của bạn thì bạn thực sự tự do làm những điều mình muốn - bạn tự do "trở thành người mà bạn có thể.". Bạn là một người thể hiện đầy đủ tiềm năng.

Maslow đã xem xét cuộc sống của một số người mà ông cảm thấy họ là những ví dụ tiêu biểu cho những người thể hiện đầy đủ tiềm năng, bao gồm cả một số người nổi tiếng như Abraham Lincoln và Eleanor Roosevelt. Ông đã kết luận bằng việc đưa ra một danh sách những đặc điểm chung của những người này. Tôi không có ý định liệt kê hết tất cả những đặc điểm đó ra ở đây mà chỉ xin nêu ra một số đặc điểm có ý nghĩa liên quan đến sự không tuân thủ.

Những người thể hiện đầy đủ tiềm năng đấu tranh cho (1) sự tự chủ và độc lập, và họ (2) chống lại đồng hóa văn hóa, có nghĩa là những áp lực xã hội mà hầu hết chúng ta dường như không thể chống lại. Họ không dễ bị gây ấn tượng bởi quyền lực và sự thịnh hành. Thay vào đó, họ dựa vào chính bản thân mình, vào những giá trị, lương tâm, lý lẽ và kinh nghiệm của chính họ.

Họ có (3) những giá trị dân chủ, có nghĩa là họ cởi mở và cảm thấy thoải mái với những khác biệt về văn hóa hay những khác biệt cá nhân. Họ không chỉ khoan dung mà họ thực sự bị thu hút hướng tới những sự đa dạng, khác biệt. Và họ (4) chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân mình chứ không như ai đó nói họ nên thế này, nên thế kia.

Những dấu hiệu tinh tế hơn của việc bất tuân thủ của họ là sự thiên vị của họ đối với (5) sự cởi mở, không tính toán, cân nhắc trước, và (6) sự đơn giản hơn là sự giả vờ và không tự nhiên. Họ có khả năng (7) ngộ được những điều mà người khác coi đó là việc đương nhiên, và khả năng (8) sáng tạo cho phép họ ở trên những điều trần tục. Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta đang nói đến ai đó rất chói sáng, hay những người bất tuân thủ cực đoan: Tình yêu đối với sự đơn giản của họ thường có nghĩa rằng họ có vẻ ngoài bình thường, và khả năng chấp nhận bản thân và người khác của họ có nghĩa là họ chấp nhận trật tự xã hội như nó vốn có.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì bất tuân thủ không phải là phẩm chất duy nhất của những người thể hiện đầy đủ tiềm năng. Họ cũng tận hưởng (9) những mối quan hệ thân mật nồng ấm với một vài người bạn, và họ có khả năng tuyệt vời về (10) quan tâm xã hội. Trên thực tế, song song với nhân tố bất tuân thủ trong nhân cách của họ là nhân tố thậm chí còn quan trọng hơn, đó là tình thương, lòng trắc ẩn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3