Trang - Chương 01 - Phần 1
1
Thị trấn Khai Phong lúc bấy giờ vào đầu xuân. Mùa xuân đến muộn với tỉnh Hồ Nam, miền Hoa Bắc.
Sau các bức tường cao, hoa đào đã nở trong các hoa viên, sớm hơn ở các nông trại rải rác khắp cánh đồng phẳng lặng chạy dài chung quanh hào thành thị trấn. Dù được khuất gió, nhưng đến ngày lễ Quá Hải (1), các nụ đào cũng chỉ mới phơn phớt hồng.
(1) Lễ kỷ niệm ngày dân tộc Do Thái vượt qua Hồng Hải.
Trong hoa viên nhà ông Era, nhiều cành đào đã được cắt từ trước, để các nụ hoa kịp nở trong ngày lễ. Mỗi mùa xuân đến, Trang, người nữ tỳ Trung Hoa lại trưng bày những cành đào đầy hoa khắp các bức tường gian phòng chính. Và hằng năm, ông bà Era cũng không quên lưu ý đến công việc của nàng. Hôm ấy, nghĩ đến mùa xuân băng giá với những cơn gió bấc lạnh lùng thổi thốc vào thị trấn, hai ông bà đặc biệt ngợi khen cô gái trẻ.
- Kìa, bà xem, thật là một phép lạ! Trang nó làm đấy! - Ông Era vừa nói vừa đưa bàn tay mập mạp trỏ các đóa hoa đào.
Bà Era dừng bước ngắm, nét mặt nghiêm nghị đã trở nên dịu hiền. Bà nói:
- Đẹp lắm con ạ!
Trang vẫn im lặng để giữ lễ, hai bàn tay nhỏ bé chắp lại trên cánh tay áo phồng. Nàng bắt gặp nét nhìn của Đavít nên vội quay đi, nhưng khẽ mỉm cười để đáp lại nụ cười nồng nhiệt của Lịch. Vị giáo trưởng già đứng yên vì đôi mắt đã mù hẳn, còn con trai giáo trưởng là Arông, thì Trang không nhìn đến.
Họ ngồi quanh cái bàn tròn lớn đặt giữa gian phòng chính. Trang đôn đốc các nô tỳ hầu khách một cách im lặng, duyên dáng. Nàng điều khiển bốn nữ tỳ khác, trong đó, mụ Hoàng lớn tuổi hơn hết giữ việc hầu trà.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Lâu lắm, từ hồi ký ức nàng còn ghi nhớ được đến nay, hằng năm, Trang đều có dự vào buổi dạ yến này tại nhà chủ nhân. Chính nàng coi sóc việc sắp dọn các món ăn, và đám nô bộc vâng theo lời nàng, vì nàng biết rõ chỗ cất đồ vật trong nhà như chính nàng là con gái của gia đình này vậy.
Người ta xếp cất bộ chén dĩa cẩn thận suốt năm, chỉ đem dùng một lần trong bữa dạ yến thường niên áp lễ Quá Hải. Nào muỗng bạc, nào đũa ngà, nào đèn đồng bảy ngọn chói lọi trong ánh sáng, đèn lồng treo cao trên xà nhà sơn son. Như mọi năm, trên một mâm bạc lớn, Trang đã xếp những vật tượng trưng mà nàng không hiểu ý nghĩa: một cái trứng luộc, một ít thoan thảo (1), vài trái táo, trái hồ đào và rượu nho. Những phẩm vật tượng trưng cho một tôn giáo kỳ lạ!
(1) Một loại cỏ chua.
Ngày hôm ấy xem có vẻ kỳ dị đối với thành phố Trung Quốc này. Và dù đã quen thuộc lễ nghi, Trang cũng không khỏi ngạc nhiên mỗi khi mùa xuân đến. Trước hết là việc tìm kiếm khắp nhà những mẩu bánh men. Sáng ấy, ông Era vừa lục soát trong mọi xó, vừa cười, lơ đễnh như thói quen thường ngày. Xưa kia, bà Era giấu các mẩu bánh thừa, nhưng đã từ bao năm nay bà phó thác việc ấy cho Trang, và ông Era bảo nàng đếm các mẩu bánh để biết lúc nào ông đã tìm xong. Có phần ngượng nghịu trước đám nô bộc, bộ điệu của chủ nhân trở nên ngộ nghĩnh buồn cười. Hồi thơ ấu, Trang và Đavít cùng nhau đi kiếm một cách vui vẻ, đưa tay chỉ mỗi mẩu bánh cấm và cười ngất. Nhưng lúc bấy giờ, nàng chưa biết mình chỉ là một kẻ nô tì.
Bây giờ, nàng đã biết. Nàng đứng yên chăm chú suốt bữa tiệc. Mỗi thực khách, nàng đều biết ít nhiều về họ. Nhất là Đavít! Chính vì chàng mà người ta đã mua nàng, vào một năm đói kém, lúc đê vỡ, nước sông Hoàng Hà tràn ngập các miền đồng thấp. Lúc bấy giờ, nàng còn nhỏ quá! Và dù cố đi sâu vào dĩ vãng, nàng cũng không nhớ được một khuôn mặt nào trước Đavít cả. Đây, kỉ niệm đầu tiên của nàng: gương mặt một cậu bé, hơn nàng hai tuổi, khi nào cũng lớn hơn, mạnh hơn, nên tự nhiên nàng thích gần gũi và nương nhờ che chở. Thuở ấy, cậu là người mà nàng giãi bày tâm sự, gởi gắm ưu phiền, và đã phải khó khăn lắm nàng mới chấm dứt được thói quen này. Nhưng, nàng biết cần phải chấm dứt. Sự thân mật giữa đôi trẻ không thể tiếp tục lúc đã lớn khôn, khi mà một kẻ là chủ và kẻ kia là nô tì.
Trang không than phiền; nàng cảm thấy sung sướng trong gia đình Do Thái khá giả này. Chủ nhân, ông Era là một thương gia phì nộn và vui tính. Không có bộ râu rậm, Trang tự nhủ, ông Era đã giống một người Trung Hoa, vì mẹ ông là người Trung Quốc. Không ai đả động đến điều này bao giờ, điều mà bà Era đã lấy làm khổ sở, nhưng bà tự an ủi vì nhìn thấy Đavít, con bà giống mẹ hơn bố, và càng giống ông ngoại mà chàng mang tên hơn. Mặc dù người ta có mang ơn riêng của bà Era nhưng ai cũng kiêng sợ bà, vì tính khí bà thất thường nên lòng tốt của bà rất dễ tiêu tan một cách đột ngột. Tuổi xấp xỉ ngũ tuần, bà là một người đàn bà cao lớn, mạnh khỏe, và xinh đẹp đối với những ai không chê một sống mũi cong và một màu da sẫm. Bà có một lòng tin vững chắc, những tập quán bất di bất dịch lẫn lộn một cách lạ lùng với lòng quảng đại của bà. Hằng năm, bà mời giáo trưởng và hai người con là Lịch và Arông đến dự lễ Quá Hải. Arông mười bảy tuổi, bạc nhược và giả dối, Trang khinh bỉ vì mặt chàng xanh xao, nhem nhuốc và vì chàng trụy lạc. Nàng tự hỏi, không biết giáo trưởng hay gia đình ông Era có hay biết sự trụy lạc của Arông không. Nhưng thăm hỏi về vấn đề này không phải là việc của nàng. Có lẽ những người Do Thái ở Khai Phong không hay biết gì về hành vi của Arông, còn người Trung Hoa thì quá dè dặt nên không ai mách làm gì.
Lịch khác hẳn em trai. Nàng xinh đẹp, lại hiền lành, đó là bản tính thiên nhiên mà tạo hóa đã phú cho những nhân vật đặc biệt. Trang đứng cạnh bàn nhìn Lịch với một lòng thèm muốn pha lẫn đôi chút ưu tư, nhưng không bao giờ trở thành ghen ghét. Tối hôm ấy, Lịch bận áo màu rượu chát đỏ, với dải thắt lưng vàng, nàng xinh đẹp tuyệt trần, dù vóc dáng hơi cao. Người Trung Hoa không ưa đàn bà hình vóc cao, nhưng nước da màu sữa và đôi mắt đen sáng ngời sau hai hàng mi của Lịch cũng đã bù đắp được khuyết điểm ấy. Còn sống mũi của nàng, dù ít khuyết điểm hơn sống mũi của bà Era, nhưng đối với sở thích của người Trung Quốc như thế cũng vẫn còn cong quá.
Không những đẹp, Lịch còn hơn thế nữa. Nơi nàng có một vẻ tinh thần, một sự cao nhã mà Trang khâm phục mặc dù không hiểu thấu. Người Trung Hoa khen Lịch: “Nàng thụ hưởng đức tính trời ban”. Như thế có nghĩa là đức tính của nàng tự nhiên, tỏa ra từ một nguồn gốc nội tại. Lịch ngồi bên cạnh cha, giúp cha từng li, từng tí. Sự tươi vui của nàng chiếu sáng bữa tiệc, mặc dù nàng rất ít nói.
Có lẽ nàng đã hưởng thụ các đức tính ấy của cha. Cao và gầy, giáo trưởng được bao phủ thánh tính như một cái áo hào quang. Năm xưa, giáo trưởng đau mắt như phần nhiều người Trung Quốc. Ở đây không có thầy thuốc nào để chữa bệnh ấy, và giáo trưởng đã mất thị giác rất chóng, vì là người ngoại quốc nên không được miễn nhiễm. Ngày đôi mắt giáo trưởng không còn trông thấy gì nữa, vợ giáo trưởng mới ba mươi tuổi - bà mất sau đấy không lâu - còn Lịch và Arông thì đang nhỏ dại. Giáo trưởng hình như chỉ là một linh hồn thoát tục. Có lẽ không thấy được mặt người đời, giáo trưởng buộc lòng chỉ chiêm ngưỡng mặt Chúa, hay đó chỉ là kết quả bởi lòng lành tự nhiên của giáo trưởng? Tóc bạc (bạc ít lâu sau khi giáo trưởng mù) bao phủ khuôn mặt cao khiết; đôi mắt sâu, chòm râu trắng phau, làm cho giáo trưởng có vẻ trầm tĩnh và kiêu hùng.
Trang theo dõi từng cử chỉ, từng nụ cười của các thực khách quanh bàn tiệc. Nàng thấy Đavít nhìn Lịch ngồi đối diện chàng, rồi quay sang nhìn chỗ khác. Điều nầy đã làm Trang phải nén lòng vì cảm thấy khó chịu. Đavít cao bằng Lịch, nhưng theo ý Trang thì chàng đẹp hơn. Với tuổi mười chín, vóc dáng Đavít nảy nở đến mức độ đầy đủ của tuổi thanh niên. Chàng vận y phục Do Thái trông rất đẹp, nhưng Trang không thích, vì như vậy sẽ có sự khác biệt giữa hai người. Thường Đavít vận y phục Trung Quốc, giản tiện hơn; nhưng tối hôm ấy, chàng mặc một cái áo dài xanh và vàng, đội một cái mũ Do Thái không vành, bằng lụa xanh, chụp sâu trên mái tóc đen ngắn. Trang không thể không chăm chú nhìn Đavít; chàng gặp nét nhìn ấy và mỉm cười với nàng. Tức thì nàng cúi đầu và quay lại bảo lão Hoàng, người nô bộc lớn tuổi nhất – đem bình rượu lễ đến.
Nàng nói:
- Đưa bình rượu cho chủ nhân.
- Biết rồi. - Lão Hoàng lớn tiếng đáp. - Đã bao năm rồi, không cần phải nhắc nữa! Cô cũng đáng sợ như mụ nhà tôi.
Chính lúc đó, vợ lão vào, theo sau có nhiều nô bộc bưng thau, bình nước và khăn tay dùng vào nghi thức Quán Tẩy. Ông Era rời ghế bọc nệm, nhưng không tự mình làm phép rượu, ông rót đầy cốc của giáo trưởng và thưa:
- Xin thầy làm phép rượu cho chúng tôi.
Vị giáo trưởng đứng dậy, giơ cao cốc rượu để làm phép, rồi tất cả đứng dậy và uống. Khi họ ngồi xuống ghế, thím Hoàng bảo bọn nô bộc rót nước ra thau, mỗi thực khách rửa và lau tay, rồi lấy một ngọn thoan thảo chấm muối ăn.
Đám nô bộc người Trung Hoa tuy đã quen với các nghi lễ trên nhưng vẫn lấy làm lạ lùng. Họ đứng trong phòng, yên lặng, mắt như bị thôi miên đầy kinh ngạc và kính cẩn. Trước vẻ nhìn của lũ nô bộc, ông Era cảm thấy mất tự nhiên trong khi hành lễ. Ông bảo:
- Đavít con! Lịch trẻ tuổi hơn con, hôm nay chính nàng sẽ đặt bốn câu hỏi.
Lịch e thẹn, và đặt bốn câu hỏi với giọng nói rất dịu dàng.
- Hôm nay khác với mọi hôm như thế nào?
Nàng hỏi câu này bốn lần, và bốn lần các thực khách cùng đáp lại, và giọng họ thấp hơn giọng long trọng của vị giáo trưởng.
- Các hôm khác chúng ta có thể ăn bánh men, hôm nay chỉ có thể ăn bánh không men.
- Các hôm khác chúng ta có thể ăn thứ rau nào cũng được, nhưng hôm nay chỉ ăn thoan thảo mà thôi.
- Các hôm khác không cần nhúng rau này dù chỉ một lần thôi, nhưng hôm nay phải nhúng hai lần.
- Các hôm khác chúng ta ngồi thẳng, nhưng hôm nay có thể dựa ngửa ra.
Vấn đáp xong, ông Era thưa:
- Bây giờ xin thầy kể cho chúng tôi nghe lịch sử của Haggadah.
Nhưng đến đây, bà Era liền bất bình can thiệp:
- Ồ! Ông Era, việc ấy là phần ông, chủ gia đình. Hẳn ông đã quên sự tích này, vì mỗi năm ông đều tránh không kể lại. Hoặc, ông biết đọc chữ Do Thái, ông có thể đọc sự tích này cho chúng tôi nghe.
Ông Era cười đáp:
- Trước mặt giáo trưởng đây, tôi đâu dám vô lễ.
Vị giáo trưởng già kể lại chuyện cổ tích ấy. Cụ nhắc lại việc dân tộc Do Thái, xưa kia làm nô lệ cho một nước khác, đã thấy xuất hiện một vị cứu tinh, Mai-sen, người đã đứng lên giải phóng dân tộc. Mai-sen ra lệnh nấu hối hả thứ bánh không men, giết một con cừu cái và lấy máu đánh dấu trước cửa mỗi nhà Do Thái. Dân tộc áp bức bị nhiều tai họa, cuối cùng phải nhượng bộ, và thấy đứa con đầu lòng của mỗi gia đình dân chết, vua họ đành phải để người Do Thái ra đi. Mọi năm, đến ngày ấy, ta làm lễ kỷ niệm về sự giải phóng của dân tộc Do Thái.
- Cho đến ngày, chúng ta ngửng đầu thật cao mà trở về xứ sở, xứ sở của chúng ta.
- Mong sao ngày ấy đến mau, bà Era vừa nói vừa lau nước mắt.
- Cầu mong cho ngày ấy đến mau. Lịch long trọng lặp lại.
Nhưng ông Era và Đavít im lặng.
Trong lúc giáo trưởng nhắc lại sự tích trên, bốn lần Trang ra hiệu cho đám nô bộc rót đầy rượu vào ly và bốn lần các thực khách đều uống cạn, để kỷ niệm một sự việc mà Trang không hề biết ý nghĩa. Nàng chỉ biết là vào lúc đó thì phải rót đầy rượu. Cũng như mọi người Trung Hoa, đến danh từ Do Thái nàng cũng không hiểu ý nghĩa là gì. Đã lâu lắm, người ta thấy các người ngoại quốc này từ một xứ xa lạ đến, xứ Do Thái, như người ta nói, và họ đã làm ăn thịnh vượng tại thị trấn Trung Quốc trù phú này. Người Do Thái đã vượt qua Ba Tư và Ấn Độ, bằng đường thủy và đường bộ. Từ đời này sang đời khác, đã nhiều lần trải qua lịch sử, từng đợt nhỏ, lớp người làm nghề buôn bán đổi chác đến trước. Rồi sau họ đến đông hơn, kể có hàng trăm đem theo gia đình và cả giáo trưởng nữa. Tổ tiên ông Era cũng đã di cư đến đây từ bảy tám mươi năm nay, với bảy mươi gia đình khác, mang đầy vải, một thứ hàng rất quí đối với người Trung Quốc, vì họ chỉ biết dệt lụa. Hàng vải ấy đem dâng cho một Hoàng đế của thế hệ cũ, đổi lại, gia đình Era được thấm nhuần ơn vũ lộ của Hoàng gia, và được ban họ Trung Quốc là Cao. Vì vậy ở Khai Phong người ta còn gọi ông Era là Cao tiên sinh nữa.
Đối với lớp người di cư này, người Trung Quốc tỏ ra có nhiều thiện cảm. Theo họ, người Do Thái thông minh, cương quyết, sắc sảo hơn hẳn một người Trung Quốc. Họ đã giao cho một người Do Thái trông coi cửa hàng của mình, có khi lại gả luôn thứ nữ cho nữa. Nhưng không bao giờ người Do Thái gả con cho người Trung Quốc.
Khi thấy giáo trưởng ngồi xuống, thím Hoàng bảo nhỏ chồng:
- Đem món trứng mau lên!
Cũng như Trang trước kia, gia đình này đã mua thím Hoàng để làm nô tì. Lúc bấy giờ, thím Hoàng trẻ và đẹp, cũng coi sóc việc tiệc tùng như Trang bây giờ. Nay vì đã già và rất tốt bụng nên không hề ganh tị với Trang nhưng đôi lúc thím cũng tỏ ra ta đây thạo việc.
Lão Hoàng chạy ra cửa, gọi hai kẻ nô bộc bưng đến những dĩa trứng luộc trong nước muối, đã bóc vỏ. Chủ khách mỗi người lấy một quả và ăn một cách im lặng. Tiếng nói của vị giáo trưởng già lại trầm dội chung quanh bàn tiệc:
- Đây là biểu hiện sự đau khổ và niềm hy vọng của chúng ta.
Ăn trứng xong, ông Era vỗ hai bàn tay vào nhau, và nói:
- Bây giờ, bữa tiệc bắt đầu.
Hai vợ chồng lão Hoàng cùng ra khỏi phòng với các nô bộc khác; họ vén các bức rèm và bưng vào đủ các thức ăn, gà, vịt, và nhiều món thịt khác, trừ thịt heo. Các đĩa thức ăn dọn quanh bàn thành một vòng tròn lớn. Ông Era cầm đũa mời khách, và tự chọn các miếng ngon gắp bỏ vào chén của giáo trưởng và Lịch.
Bữa tiệc bắt đầu; ông Era ăn uống ngon lành, các mạch máu đỏ ở cổ ông căng lên. Ông vui vẻ trò chuyện liên miên, ép mời khách dùng món này món khác. Chỉ một mình Arông vẻ ngoài xanh xao không nói năng gì. Chàng ăn hối hả và ngốn ngấu như người đã nhịn đói lâu ngày. Lịch liếc nhìn em có vẻ trách móc, nhưng chàng không hề để ý. Một lần, chợt gặp nét nhìn của Lịch, chàng bĩu môi. Đavít thấy vậy và lấy làm bất bình. Im lặng, chàng lựa một miếng thịt thật mềm trong dĩa mình, gắp bỏ sang dĩa Lịch. Và Trang thấy rõ điều ấy.
Bữa tiệc tiếp diễn theo tục lệ. Tửu nhập ngôn xuất, ông Era mỗi lúc mỗi vui thêm, đến nỗi chính bà Era cũng phải phì cười về những câu nói khôi hài và những chuyện không đầu không đuôi của chồng. Arông cười ngạo nghễ. Đavít và thân phụ đối đáp hùng hồn, Lịch cười vui sướng; và trước sự thán phục của song thân, rốt cuộc Đavít chỉ nói đùa với mục đích duy nhất là làm cho Lịch vui cười thêm lên. Và Trang đã thấy điều ấy.
Nàng không lộ vẻ gì cả. Nàng bận rộn với công việc, miệng luôn luôn giữ một nụ cười dịu dàng, dửng dưng. Sau cùng, nàng cho đám nô bộc lui ra hết. Một mình nàng rót rượu và thay các món tráng miệng cho đến lúc tiệc tan, khách khứa ra về. Tiếp đến, nàng vào sửa soạn mùng màn cho Đavít, trải tấm lụa ra và kéo hàng móc bạc để buông các bức màn thêu. Nhưng nàng không đợi Đavít đến. Nàng lui về phòng riêng và nằm trên một cái giường hẹp. Nàng trằn trọc mãi, thấy lại vẻ mặt của Đavít khi chàng quay nhìn Lịch, hình ảnh này đã làm nàng mất ngủ.
***