Trang - Chương 01 - Phần 3

Trang cúi đầu duyên dáng khi chủ vào. Ông Era dáng người bệ vệ và sáng nay xem bộ hớn hở lắm. Trang nhận thấy thế và mỉm cười. Nàng còn lạ gì sự vui vẻ của chủ. Gần đến ngày lễ, ông Era buồn bã và dễ nổi giận, miễn cưỡng thi hành các nghi thức do bà chỉ dẫn. Nhưng ngay sáng hôm sau, ông vui vẻ trở lại, và vội vàng vùi mình vào công việc thương mại đang phát đạt.

- À Trang! Sáng nay con đã cắt hoa đào thêm chưa? - Ông Era vừa hỏi vừa vuốt râu.

- Bẩm ông, con cắt thay vào bình rồi, hoa hôm qua úa ngay sau buổi lễ. - Trang ngoan ngoãn đáp.

- Con có thấy Đavít không?

- Bẩm không!

- Nếu con thấy cậu thì kiếm cách đừng cho cậu đến nghe! - Ông buộc lại thắt lưng, siết chặt thân hình mập mạp và sửa lại khăn đội đầu cho ngay thẳng giống như sắp vào dự một buổi lễ. - Ta không muốn Đavít nghe câu chuyện này. - Ông nói rất nhỏ với Trang. - Bà muốn ông bằng lòng về việc hôn nhân của cậu. Nhưng cậu không ưng, phải không con?

- Bẩm ông, con không rõ. - Trang khẽ đáp.

- À, phải. Làm sao con rõ được? Trước ngày lễ hôm qua, cậu không gặp Lịch đã bao lâu rồi?

- Bẩm, cậu con gặp nàng ở giáo đường.

- Họ có trò chuyện riêng với nhau không?

- Bẩm không, kể từ năm nàng mười sáu tuổi.

- Nghĩa là…

- Dạ, hơn hai năm nay ạ…

- Có khi nào cậu nói chuyện về nàng không?

- Dạ, nói với con thì không.

- Họ có thư từ gì với nhau không?

- Bẩm ông, không.

Tự nhiên, ông Era nhìn quanh và chợt ông thấy quả bánh mà lão Hoàng đang bưng đứng đấy, và lắng tai nghe.

- Quả gì thế? Bánh à?

Trang nhanh nhẩu:

- Bẩm, bánh nhân mỡ heo.

- Đáng tiếc. - Ông Era thẫn thờ bảo. - Nhân mỡ… Hề gì! Ta có phải là chính thống đâu… - Vừa nói ông vừa lấy một chiếc bánh ăn ngon lành. - Bánh ngon mà… thật đáng tiếc. Nhưng không thể để bánh này ở trong nhà được.

Ông Era vội vã bỏ đi. Trang và lão Hoàng nhìn nhau cười lớn rồi lão Hoàng đi xuống nhà bếp, còn Trang trở lại gian phòng chính. Nàng theo sát sau ông Era vào phòng nên không ai thấy.

- Tôi đợi ông từ nãy đến giờ. - Bà Era nói với chồng giọng giận dỗi.

- Tôi cũng thế, bây giờ, tôi đợi bà. - Ông Era đáp, rất bình thản.

Ông ngồi xuống chiếc ghế bành lớn đối diện với vợ, uống nước trà và bảo thím Hoàng hầu điếu. Thím Hoàng lấy đóm lửa đang ngún, thổi tàn, và châm vào thuốc. Chiếc điếu bình thật là một lợi khí trong câu chuyện mà ông Era phải đương đầu với vợ. Nào là nhồi thuốc vào nõ điếu nhỏ xíu, rồi lại nhồi thêm cho đầy, châm đóm, kéo một vài hơi, thổi tàn đi, rồi lặp lại các động tác trên từ đầu chí cuối. Đó là bao nhiêu duyên cớ để chậm trả lời một câu bà hỏi, để đắn đo dừng lại nửa chừng, hay để lặp đi lặp lại một câu cần thiết.

Bà Era dằn từng tiếng:

- Khi tôi nói rằng tôi sẽ đến đây sau bữa điểm tâm, là tôi có mặt đúng như tôi đã nói, dù sáng hôm sau ngày lễ cũng thế.

- Không ai nghi ngờ được điều ấy cả. - Ông Era thản nhiên đáp.

Vóc người ông Era to lớn, râu đen, nước da xanh xanh, ông ngồi chật cả chiếc ghế bành lớn. Sáng nay, ông mặc áo Trung Hoa bằng sa tanh mình gấm, màu đỏ thẫm, dài phết gót, choàng ra ngoài một chiếc áo cánh nhung màu đen, đầu quấn khăn lụa màu sặc sỡ, và một tai mang một chiếc khuyên vàng to, còn tai kia thì để trần. Cũng như hai tay, hai chân ông Era to lớn mập mạp, cân đối với thân hình nặng nề và khuôn mặt phì nộn. Với cử chỉ chậm chạp, trông ông có vẻ lờ đờ, nhưng thật ra ông cương nghị hơn là uể oải.

Bà Era nhìn chồng càng thêm sốt ruột. Họ rất xứng đôi. Bà hiểu chồng và hết lòng thương yêu chồng, nhưng không ai chọc tức bà hơn ông.

- Ông có thấy Đavít không?

- Buổi sáng tôi ít khi gặp nó. Từ lúc ngủ dậy đến giờ, tôi ngồi trong phòng trà, đợi bác Khương Sơn, vì tôi đã hứa gặp bác ấy.

Ông đưa tay che miệng ho, rồi tiếp:

- Thật là một thương gia cẩn thận không ai bì! Bác ấy với tôi... tốt đôi lắm! Chúng tôi rất phục nhau. Có khi bác ấy ưu thế hơn tôi, có khi tôi; bây giờ khác, chúng tôi đã thỏa thuận hầu hết mọi khoản. Bà nó nghĩ, nếu tôi ký kết giao kèo này – mà việc đó chắc chắn sẽ thực hiện sau khi đoàn thương hồ về đến nơi – thì hãng nhà họ Khương sẽ tiêu thụ tất cả hàng hóa nhập cảng bằng ngà, bằng sứ, khổng tước, các vật phẩm tầm phào Tây phương và nhạc cụ, nói tóm lại là tất cả hàng hóa ngoại quốc của chúng ta sẽ nhờ đó mà bán chạy như tôm tươi.

Hai nữ tì vẫn đứng hầu như thường lệ, thím Hoàng sau lưng bà Era và Trang sau lưng ông. Hai ông bà không để ý đến họ, xem họ chẳng khác gì bàn ghế trong phòng, mà họ cũng cho thế là tự nhiên. Ông Era chống tay vào bàn bảo vợ:

- Bà nó này, tôi muốn nói với bà một chuyện. Nhưng bà hãy chịu khó nghe…

- Chuyện gì thế?

Bà Era chưa gì đã sốt ruột.

- Bác Khương Sơn có một người con gái, mười sáu tuổi, xinh lắm…

- Sao ông biết?

- Đây nhé… hôm kia ngẫu nhiên tôi thấy con nhỏ. Số là bác Khương Sơn mời tôi đến chơi, nói về chuyện ký kết giao kèo ấy mà. Con nhỏ đang ở trong phòng khách, thấy tôi nó lánh mặt ngay. Nhưng bác Khương cho biết, đó là con gái của bác ta.

Bà Era không thể dằn lòng được nữa. Bà mím môi, nhìn chồng tức giận. Bà chua chát nói:

- Ông định đề nghị tôi cưới cô gái Trung Hoa ấy về làm dâu, nếu tôi không lầm.

Ông Era nhún vai và giơ hai tay lên đáp:

- Bà nó chắc thấy đám ấy lợi như thế nào rồi! Tôi nhập cảng hàng ngoại quốc, bác Khương có đến mười hai hãng tại những thị trấn phồn thịnh! Nói cho cùng, chúng ta đang ở Trung Quốc kia mà!

- Tôi không thấy gì cả. - Bà Era thét lên. – Tôi chỉ thấy ông đã đòi hỏi tôi một việc kỳ quái!

- Ờ!...

- Ông nên biết rằng Đavít phải kết hôn với Lịch!... - Giọng bà Era có vẻ tha thiết, gần khóc.

- Kìa, sau bao nhiêu năm rồi, bà nó đừng có cố chấp nữa!

- Chính thế, tôi phải cố chấp, nhất là sau bao nhiêu năm nay.

Ông Era lấy lời êm dịu thuyết phục:

- Bà nó nghĩ xem, đó chỉ là một lời hứa vô nghĩa lý mà hai bà đã vui miệng nói với nhau khi đôi trẻ còn nằm ngửa trong nôi.

Bà Era trịnh trọng:

- Một lời hứa thiêng liêng, thề trước Chúa Trời để gìn giữ sự thuần chủng của dân tộc ta.

- Nhưng…

- Nhất định thế.

- Bà nó nói thuần chủng thì hơi chậm rồi. Mẫu thân tôi người Trung Quốc.

- Tôi muốn quên điều đó đi!

Phút chốc, ông Era không còn tự chủ được nữa. Mặt đỏ bừng, ông vùng đứng dậy, nhưng nhanh như chớp, thím Hoàng đã đến trước mặt chủ, đẩy ông ngồi xuống ghế và giữ chặt hai cánh tay không cho đứng dậy.

- Lão gia, lão gia. - Thím Hoàng van lơn.

Ông Era dựa ngửa ra sau, thím Hoàng rót một chén trà, bưng hai tay dâng lên. Ông Era giằn lấy và đặt trước mặt vợ.

- Bà hãy uống chén trà này.

Thím Hoàng rót hầu ông Era chén khác. Trang lấy một cái quạt bằng lụa trắng, phe phẩy quạt cho ông. Ông thở dài, giở chiếc khăn lụa trên đầu, rồi đội lại như cũ. Một lát sau, ông bảo:

- Hay là chúng ta cho gọi Đavít đến thì hơn?

- Vô ích, khi mà chúng ta chưa đồng ý.

- Biết đâu Đavít sẽ giúp chúng ta đồng ý.

- Tôi không muốn ông nói với con về cô gái Trung Hoa ấy.

- Không, không. Tôi xin hứa. Nhưng chúng ta có thể dò ý tứ con về một cuộc hôn nhân nào đó. Ít nhất là đám kia…

Bà Era cướp lời:

- Sao lại ít nhất? Chính đám ấy mới là quan trọng.

Ông Era vỗ tay xuống gối nói:

- Trang, đi tìm Đavít đến đây!

- Vâng ạ. - Trang khẽ đáp rồi lặng lẽ ra khỏi phòng, trong lúc thím Hoàng rót thêm nước.

Bà Era lại nói:

- Không phải Đavít định đoạt điều đó được. Về điểm này tôi không đồng ý với ông.

- Tôi chắc bà sẽ không nỡ ép con lấy một người mà nó không ưa.

- Ai có thể không ưa Lịch? Nó vừa đẹp lại vừa hiền.

- Đã đành.

- Nếu không có nó, không biết vị giáo sĩ già của chúng ta sẽ ra sao?

- Thế thì cậu con trai vô dụng.

- Arông còn nhỏ quá mà!

- Nó chỉ kém chị nó một tuổi thôi.

- Lịch xem lớn tuổi hơn em nhiều.

- Ừ nhỉ. - Ông Era thẫn thờ đáp rồi ngồi im.

Ông vừa dối bà. Không phải ông đã trông thấy thiếu nữ nhà họ Khương, mà chính là Đavít. Nhưng làm sao giải thích với bà Era rằng: ông đã cố ý bảo con đến nhà họ Khương? Ông đã sai con mang một bức thư đến đó chính vào giờ mà các bà các cô trang điểm xong đang đi bách bộ trong các hoa viên để đổi không khí. Lúc Đavít về ông đã hỏi chàng:

- Sao mắt con lộ vẻ hoan hỉ thế kia? Con đã thấy gì?

Đavít đỏ mặt lắc đầu và chỉ trả lời vắn tắt:

- Thưa cha, đây là thư phúc đáp. - Chàng vừa nói vừa đặt bức thư của ông Khương Sơn lên bàn.

Ông Era lim dim đôi mắt, dựa ngửa ra sau và thong thả bẻ ngón tay. Dưới vẻ ngớ ngẩn ấy, tâm trí ông bị kích thích, làm việc rất lung, để phân tách các mối xúc cảm của mình. Ông là một người phiền tạp hơn là hỗn tạp. Trong huyết quản ông có hai dòng máu. Thân phụ ông đã tái hôn với một người đàn bà Trung Quốc, sinh ra ông. Bề ngoài ai cũng tưởng bà ta đã “nhập gia tùy tục”. Chỉ một mình ông Era biết lòng mẹ mà thôi. Trong phòng riêng, trong thâm tâm, bà ta chế nhạo tục lệ nhà chồng. Lấy chồng giàu có, bà sống một cuộc đời đầy lạc thú và cao lương mỹ vị đã làm cho bà phát phì một cách thái quá lúc về già. Nhưng bà không hề thay đổi quan niệm về cuộc đời, và còn ảnh hưởng đến chồng, ông Itraen, là đàng khác. Ông này lần hồi với năm tháng trôi qua, đã xao lãng các ngày lễ mà trước kia trong nhà giữ rất đúng mực và cử hành theo thỏa hiệp. Nhưng sau khi người vợ Trung Hoa qua đời, ông Itraen vô cùng hối hận và bị lương tâm cắn rứt, nên đã hối hả đi hỏi vợ cho con trai là Era - lúc bấy giờ mới mười lăm tuổi - nàng Naomy con gái đoàn trưởng Kiều dân đoàn Do Thái tại Khai Phong.

Era lúc bấy giờ còn mơ mộng và ngây thơ nên đã bằng lòng Naomy đẹp, đang độ thanh xuân, ai thấy mà chẳng mê. Nhưng sau khi thành hôn, Era biết vợ là người quá đỗi chuyên quyền. Lúc này đây ông đã tìm thấy trong kế hoạch thỏa hiệp do người mẹ Trung Hoa truyền cho, một thứ khí giới thiết thực mà ông đang tìm cách áp dụng.

Đột nhiên bà Era thét lớn:

- Mở mắt ra, ông làm gì mà coi bộ sững sờ vậy?

- Đúng thế bà nó ạ. - Ông Era vừa đáp vừa mở mắt rất to.

Bà Era lại khó chịu gắt:

- Thật là ngớ ngẩn, bây giờ lại mở to thế à?

Ông Era lại hạ mi mắt xuống và mỉm cười bí mật. Bà Era nhìn chồng, vẻ nhìn chua chát. Ông Era nhìn trả lại cũng không kém vẻ chua cay. Bà quay nhìn chỗ khác:

- Đavít đâu mà không thấy đến nhỉ?

Thím Hoàng thưa:

- Có lẽ cậu con ở ngoài vườn hay đâu đấy.

Hết thảy tôi tớ trong nhà đều hiệp sức bênh cậu thiếu chủ.

Ông Era chưa kịp đáp, bỗng nghe có tiếng bước chân, Trang đi trước Đavít, nàng nhẹ nhàng vén bức rèm sa tanh đỏ.

Chàng thanh niên bước vào và mạnh dạn nhìn song thân đang quay mặt về phía mình.

- Bẩm, ba mẹ cho gọi con?

- Con vào ngồi xuống đây. - Ông Era hiền từ bảo.

- Nãy giờ con ở đâu? - Bà Era đồng thời hỏi.

Im lặng, Đavít đến ngồi cạnh cha. Trang pha một chén trà nhẹ nhàng đặt trước mặt chàng. Rồi nàng trở lại đứng sau lưng ông Era, rút chiếc quạt khẽ phe phẩy. Đavít nhìn nàng, nhưng nàng nhìn xuống và chàng quay nhìn nơi khác. Nào ai có thể đoán được những tư tưởng đang nung nấu dưới đôi mắt bình thản và lóng lánh như mặt nước mùa thu ấy!

- Đavít, đã đến lúc… - Bà Era vừa nói thì Đavít thình lình quay sang ngắt lời mẹ:

- Đã đến lúc gì hở mẹ?

- Con biết rồi lại còn hỏi mẹ.

Bà tỏ ra nhỏ nhẹ, giọng van lơn vì bà biết cậu con cưng đôi khi cứng cổ đến mức nào rồi.

- Thưa mẹ, con có biết gì đâu.

Bà Era vẫn một giọng van lơn:

- Năm nay Lịch mười tám tuổi, Đavít ạ. Mẹ biết con là người đứng đắn và mẹ đã có lời hứa với mẹ nàng…

- Các bà hứa với nhau thì có quan hệ gì đến con?

- Nhưng con vẫn biết…

Đavít lại ngắt lời mẹ:

- Nhưng con không biết gì nữa! Vả lại, con không yêu Lịch.

- Nhơ nhuốc chưa! Thế mà con có vẻ săn đón nàng tối hôm qua.

- Sáng nay con nhớ lại thì… mũi nàng dài quá.

Bà Era hết nhìn người này đến nhìn người khác, rồi nói:

- Nàng hiền, đẹp nữa, và tinh thông giáo lý. Nàng sẽ là một ánh sáng trong gia đình này sau khi tôi trăm tuổi.

- Nhưng như thế cũng không cấm được nàng có một sống mũi quá dài.

Đavít có thói quen cãi lại mẹ và cãi một cách vô lý. Chàng thừa biết mũi Lịch đẹp, và nếu mẹ chàng không nói gì thì có lẽ chàng chỉ còn nhớ vẻ đẹp ấy thôi. Nhưng nơi chàng còn có cái gì trẻ con, và càng tìm mọi cách để cảm thấy mình hoàn toàn tự do; chàng nhìn mẹ tỏ vẻ bất mãn, rồi phì cười, vui vẻ nói:

- Con xin mẹ đừng cưới vợ cho con sớm quá!

Ông Era phá lên cười, Trang cũng không nhịn được nên một nụ cười đã hé nở trên môi nàng, duy gương mặt mụ Hoàng là vẫn bình thản như thường. Bà Era cảm thấy không ai nâng đỡ bà cả, bà cắn môi thở dài và cầu cứu đến lòng thương yêu vô hạn của bà đối với Đavít. Bà quay lại phía chàng, đôi mắt u sầu đầy lệ và với giọng run run, dịu dàng khuyên dỗ:

- Đavít, con nỡ nào làm tan nát lòng mẹ cho đành? Nhưng không, mẹ không đòi hỏi con phải nghĩ đến mẹ, con hãy nghĩ đến dân tộc chúng ta. Con và Lịch phối hợp… con cháu chúng ta sẽ giữ được thuần túy huyết thống Do Thái tại xứ ngoại giáo này. Một thiếu nữ đức hạnh như thế… sẽ là một người vợ luôn luôn yêu chồng, một người mẹ dạy dỗ con cái trong đạo lý của Chúa! Và khi đến lúc trở về xứ sở chúng ta nơi đất Hứa…

Đavít ngắt lời mẹ:

- Nhưng con không muốn rời khỏi nơi này, nơi chôn nhau cắt rốn của con!

Bà Era bỏ giọng khuyên dỗ, đùng đùng nổi giận, bà thét:

- Con dám ăn nói với mẹ như vậy à? Xin Chúa ban phước cho chúng ta trở về quê cha đất tổ trước ngày chúng ta nhắm mắt: con, mẹ và tất cả gia đình chúng ta!

Ông Era che tay ho:

- Bà nó ạ, tôi không thể bỏ công việc ở đây được.

Bà Era gắt chồng:

- Không phải chuyện ngày mai. Tôi nói đến lúc do Chúa định, khi mà các nhà tiên tri sẽ hướng dẫn chúng ta.

Đột nhiên Đavít nói:

- Có lẽ con nói rõ câu chuyện này thì hơn. Thưa mẹ, con xin thú thật với mẹ một điều. - Chàng vừa nói vừa đứng dậy, đứng rất thẳng trước mặt song thân, cao lớn và đẹp trai đến nỗi mọi con mắt đều đổ dồn vào chàng. - Thưa mẹ, con sẽ không kết hôn với Lịch, vì con yêu một người khác.

Bà Era há miệng kinh ngạc. Ông Era bưng chén nước trà lên uống. Trang nhìn sững Đavít, và chiếc quạt trong tay nàng không động đậy nữa. Thím Hoàng quay đầu lại nhìn.

Bà Era hỏi:

- Ai vậy?

Đavít đỏ mặt nhìn ngay mặt mẹ đáp:

- Con có thấy một người trong nhà họ Khương.

- Lúc nào?

- Thưa mẹ, mới hai hôm nay.

Bà Era xoay lại phía chồng, mắt sáng quắc.

- Ông đã bảo chính ông…

Ông Era thở dài buồn bã:

- Bà đã buộc tất cả chúng tôi phải nói dối.

Ông nhướng đôi mi mắt nặng nề bảo Đavít:

- Bây giờ con đã bắt đầu rồi, thì nên nói tiếp đi. Con đã thấy một thiếu nữ xinh đẹp, con có trò chuyện với nàng không?

Đavít kêu lên:

- Lẽ dĩ nhiên là không! Nàng… Nàng có nói… mấy tiếng hình như là: Ồ! Ồ! Và nàng chạy trốn như một… như một…

- Như một con linh dương. - Ông Era tiếp lời con.

Đavít ngạc nhiên hỏi:

- Sao ba biết? Ba cũng có thấy cô ta sao?

- Không, không! Nhưng ba nghĩ “linh dương” là chữ đúng hơn cả.

Bà Era vội kêu to lên:

- Thật điên rồ làm sao! Cha chả là tức!

Đột nhiên ông Era đứng dậy:

- Bà nó miễn chấp nhé! Thật tình tôi không thể ngồi rán thêm nữa. Bác Khương Sơn đang đợi tôi, và chắc bà nó cũng rõ là không thể để bác ấy đợi lâu.

Bà Era giọng quả quyết:

- Cả hai cha con hãy ngồi xuống đây đã. Đavít, lễ đính hôn của con sẽ cử hành vào ngày mồng mười tháng tám tới, kỷ niệm ngày thân mẫu Lịch và mẹ đã hứa với nhau.

Bà nhìn Đavít, chàng phải cúi xuống, càu nhàu:

- Con không ưng… con không ưng. Con sẽ tự tử đấy!

Chàng quay lưng ra khỏi phòng.

- Trang, con theo chân cậu con mau! - Ông Era bảo.

Không đợi lệnh ấy, Trang đã ra gần đến cửa và nàng khuất mình sau bức rèm sa tanh.

Những lời thú nhận của Đavít đã làm nàng ngạc nhiên, nàng, người tưởng đã biết rõ trái tim chàng! Sự giấu giếm này làm nàng khổ sở hơn là ý nghĩ về Lịch tối hôm qua. Nàng băng qua hành lang và vội vã đi dọc theo các hiên nhà bọc quanh hoa viên. Đavít đi ngõ nào kìa?

Nàng dừng lại, một ngón tay đưa lên môi, mắt lim dim suy nghĩ: Chắc chàng định chạy trốn, nhưng chạy đi đâu, nếu không phải là ra ngoài đường? Nàng quay gót chạy ra cửa chính, lanh lẹ và nhẹ nhàng.

Trong gian phòng chính im lặng, hai ông bà Era vẫn ngồi. Thím Hoàng thở dài lại lấy bình rót thêm nước ra chén. Gương mặt ông Era có vẻ lo lắng còn bà thì lấy khăn tay lau nước mắt. Một lát sau, ông nói với bà giọng rất ôn tồn:

- Bà nó ơi! Chúng ta hiếm hoi chỉ có mỗi một mình nó.

Không để mình bị lay chuyển, bà Era đáp một cách tức tối và khổ sở:

- Thà đừng sinh ra nó còn hơn thấy nó đối với dân tộc ta là một người bỏ đi.

Ông Era thở dài, đứng dậy và soạn sửa bước ra, nhưng lại không yên tâm để vợ ở lại một mình trong tình trạng này. Sau bao năm, ông biết rõ trái tim bà lắm, trái tim cố chấp và sôi nổi của một người đàn bà Do Thái với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ông buồn rầu nói:

- Chao ôi! Ít ra các bà hãy để cho đàn ông chúng tôi được là chúng tôi chứ?

Bà không đáp, quay đầu đi, tay vẫn cầm khăn chặm nước mắt. Ông ra hiệu cho thím Hoàng, và vừa nói vừa bước ra khỏi phòng:

- Lo săn sóc cho bà!

Sau khi chồng ra khỏi, bà Era khóc nức nở. Theo thói quen đã có từ lâu, thím Hoàng đến cạnh bà Era, cầm lấy bàn tay bà, dịu dàng thoa bóp hết các ngón tay đến cườm tay và véo nhẹ vào da thịt chắc nịch của chủ. Xong tay này, người nữ tì lại xoa bóp tay kia, rồi lấy hai lòng bàn tay bóp đi, bóp lại hai bên thái dương của chủ, dễ chịu đến nỗi bà Era dựa ngửa ra ghế bành thiu thiu ngủ, sự đau khổ vì thế mà nguôi dần.

Nhưng thím Hoàng còn cảm thấy dưới bàn tay mình, trí óc chủ chưa êm dịu hẳn, nên đã thì thầm:

- Hơi đâu! Thưa bà, cứ để cho đàn ông họ theo ý muốn của họ. Can hệ gì đến bà? Ăn… ngủ… vui hưởng cuộc đời… thế là hơn cả.

Câu nói này thốt ra không đúng lúc, và đột nhiên thím Hoàng hối hận vì đã lỡ lời. Bà Era vùng dậy, mở bừng mắt ra, nhìn người nữ tì với đôi mắt tràn đầy nộ khí và mắng với một giọng vô cùng khinh bỉ:

- Đồ chệc! Đồ chệc!

Bà đứng dậy vừa mắng vừa hất tay thím Hoàng, đĩnh đạc bước vội ra khỏi phòng.

Thím Hoàng nhìn theo chủ, rồi sờ xem bình trà còn nóng, rót đầy chén ông Era đã uống và bưng hai tay ra ngồi trước thềm cửa. Thím Hoàng ngồi đấy sưởi nắng và ngắm hoa viên ngập ánh mặt trời với đôi mắt đăm chiêu, vừa uống nước trà từng ngụm nhỏ.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3