Trang - Chương 08 - Phần 2

Sự tòng phục của bà đã làm cho ông lo ngại. Ông chỉ sợ bà bệnh. Rồi ông nghĩ rằng điều này sẽ không kéo dài lâu. Bà còn khỏe mạnh lắm. Thời gian sẽ làm cho bà khỏe mạnh và hăng hái như cũ; lúc bấy giờ ông sẽ để cho bà muốn nói gì thì nói. Nhưng cõi lòng bà Era đã tan nát vì khổ đau. Bà cảm thấy mọi dự tính, mọi hy vọng của bà đều bị đảo lộn tất cả, người bà có vẻ như yếu đi, ít nhất là trong một thời gian.

Khi ông Era đưa bà trở về phòng, đỡ bà ngồi xuống ghế bành, thì bà run run hỏi:

- Chúng ta sẽ làm gì cho con của chúng ta?

Đó chính là cái câu hỏi đã ám ảnh bà trong suốt thời gian kể từ khi bà thấy Lịch chết.

Ông Era đứng trong khi bà đang khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời, ông cảm thấy ông làm chủ người đàn bà này, người mà ông đã yêu theo lối của ông, nhưng bây giờ ông mới biết yêu thật. Ông cầm lấy bàn tay mập mạp của vợ, vuốt ve.

- Chúng ta chỉ nghĩ đến hạnh phúc của nó thôi, mình ạ! Chúng ta sẽ cưới vợ cho nó khi nào có thể.

Bà nhìn ông, đôi mắt dịu dàng và phục tùng:

- Mình muốn nói…

Bà bối rối.

Ông gật đầu chấp nhận:

- Tôi nghĩ đến người thiếu nữ mà con nó yêu, mình ạ. Cô con gái bác Khương Sơn. Tôi sẽ thưa chuyện cùng bác ấy, rồi chúng ta sẽ mang niềm vui về nhà.

- Nhưng Lịch…

Ông Era nói rất nhanh, như là ông đã quyết định tất cả rồi:

- Ngày mai sẽ chôn cất. Sau một tháng để tang. Đavít sẽ bình phục.

Bà Era không biết nói sao. Một Tháng! Bà cúi đầu, rút tay ra khỏi tay chồng.

Ông đợi một lát, rồi hỏi với một giọng trầm trầm và vang dội:

- Mình có đồng ý không, mình?

Bà cúi đầu.

- Vâng, em xin nghe mình!

Giọng bà mệt mỏi. Bà không còn chống đối nữa. Ông Era cúi xuống hôn lên má bà mà không nói them tiếng nào.

Đám tang Lịch nhằm vào một ngày mưa. Ông Era cấm không cho Đavít rời khỏi giường, điều này đã khiến chàng phải khổ tâm phản ứng lại, vì chàng quả quyết rằng chàng có đủ sức khỏe để đi đưa đám nàng.

Lịch chết đi nhưng đã làm cho Đavít nghĩ mãi đến nàng, một điều mà khi còn sống nàng không có thể làm được. Chàng cảm như đã có lỗi đối với nàng. Chàng nghĩ rằng, nếu trong mấy ngày vừa qua, chàng kiên nhẫn hơn, Lịch sẽ không đến nỗi phải mất cả lý trí như vậy và chàng đã có thể cứu nàng khỏi chết. Bây giờ, chàng có bổn phận phải đưa nàng ra tận huyệt.

Nhưng ông Era không muốn như vậy. Đavít ngạc nhiên vì cái vẻ cả quyết trong giọng nói chắc nịch của ông. Mẹ chàng dường như cũng cùng một ý với cha chàng. Đavít nhìn bà với hy vọng bà sẽ giúp đỡ chàng. Nhưng Đavít càng ngạc nhiên hơn khi nghe mẹ chàng nói:

- Con ơi, hãy vâng lời cha con.

Như vậy, song thân chàng đều không đồng ý, Đavít đành phải nhượng bộ. Chàng tự lấy làm mãn nguyện được đến bên quan tài của Lịch. Chàng tựa vào vai một tên thơ đồng, đứng rất lâu bên quan tài nàng. Trang luôn luôn theo sát, trông chừng chàng, sợ chàng xây xẩm mặt mày vì quá yếu. Chàng đứng như thế cho đến khi căn phòng trở thành trống không. Các phu đòn đã khiêng chiếc quan tài nặng nề ra đi, một vài người theo sau, trong số này có vị giáo trưởng vẻ mặt bỡ ngỡ, tươi cười:

Arông vắng mặt. Người ta vẫn chưa kiếm ra gã; ông Era phỏng đoán gã đã chuồn ra khỏi thành rồi.

- Sau khi trong nhà đã bình tĩnh trở lại, tôi sẽ đích thân đi kiếm nó về. – Ông Era nói với vợ.

Nhưng có ai luyến tiếc gì nó đâu? Giáo trưởng đã mất trí, còn Lịch thì không còn nữa.

Với đôi mắt buồn bã, Đavít nhìn đám tang thưa thớt băng qua sân, ra cửa, rồi trở về nằm. Chàng vẫn nằm dài trên giường, bất động, hai mắt nhắm nghiền. Trang rất không ngoan, nàng không nói gì hết. Nàng vẫn luôn luôn ở bên cạnh chàng để chàng cảm thấy sự hiện diện lặng lẽ của nàng. Nàng biết nỗi khổ đau phải được tiêu tan trước khi đón nhận niềm vui mới. Nhưng nàng cũng biết rằng, sự đau khổ chỉ có thể tan biết dần dần.

Lịch được chôn cất bên cạnh mẹ nàng, trong một mảnh đất dành riêng cho người Do Thái, bên ngoài thành phố. Vị giáo trưởng đứng giữa ông bà Era, tươi cười chẳng biết gì dưới ánh nắng mát mẻ của trời thu. Ông Era nói lớn vào tai cụ:

- Cha cầu nguyện đi!

Thình lình, cụ nói, mặt ngửa lên trời:

- Mặt trời nóng nhỉ? - Cụ lẩm bẩm. (Rồi cụ cầu nguyện). - Từ nơi cao, nơi Vinh quang và Chí Thánh của Chúa, Chúa hãy nhìn xem… Chúa thật là Thiên Chúa của chúng con, mặc dầu Tổ Phụ Abraham không biết chúng con, và Israel đã chối bỏ chúng con. Nhưng Chúa là Chúa và là Cha của chúng con. Danh Người sẽ hằng hữu đời đời, chúng con thuộc về Người…

Rồi giáo trưởng tưởng như mình đang ở trong đền thờ, dang hai tay ra theo nghi thức thường lệ và xướng lớn:

- Chúa là Thượng Đế, Deehôva, là Thiên Chúa Độc Nhất Chân Thật.

Những người qua đường tò mò dừng lại xem kinh ngạc, trong lúc các phu đòn người Trung Hoa lạ lùng về sự hiện diện của cụ già Do Thái.

Không ngờ giáo trưởng đã cầu nguyện bên mộ phần con gái cụ như vậy mà cụ không biết. Bà Era òa khóc, ông thấy thế bèn đứng giữa, một tay đỡ lấy bà, một tay đỡ giáo trưởng.

Khi lấp đất đầy huyệt, người ta lấy những miếng đất có cỏ xanh để đắp lên nắm mồ.

Ông Era dìu hai người trở về nhà.

oOo

Lễ thành hôn của Đavít được định vào một ngày cuối thu, tháng chín âm lịch, ba mươi ba ngày sau ngày Lịch tử tự, trên nấm mồ của nàng vẫn còn xanh.

Đavít đã đến viếng mộ nàng lần đầu tiên kể từ ngày chôn cất. Khi cha chàng nói cho chàng biết lễ cưới đã được định đoạt và hai họ đã trao đổi lễ vật, chàng chỉ lặng lẽ bằng lòng. Ông hỏi:

- Con có ưng như thế không?

- Thưa ba có, nếu điều đó làm vui lòng ba má.

Vết thương của chàng đã lành, đã làm sẹo trên trán, cái sẹo đó chỉ có thể mất đi khi thể xác chàng hóa thành tro bụi. Thân xác đã bình phục nhưng tâm hồn bị tổn thương. Ban ngày chàng thẩn thơ, đôi khi nằm bất động, còn ban đêm thì trằn trọc ngủ không yên. Trước kia chàng thích ăn và thường ăn rất ngon miệng, nhưng bây giờ chàng không thiết gì hết. Trang nhận thấy như vậy mà không nói gì.

Nàng săn sóc cái ăn cái mặc cho chàng như hồi còn bé. Bà Era không còn cấm đoán nàng nữa.

Ông Era lo lắng hỏi:

- Con ơi! Con hãy nói cho ba biết con thích gì?

Ông đặt bàn tay mập mạp nóng bỏng của ông lên bàn tay quá gầy gò của Đavít. Đavít ngập ngừng thụt tay lại. Cha chàng quá hăng hái, quá nhiệt thành và thiếu kiên nhẫn. Sức lực của chàng thanh niên không đủ để chịu đựng tình yêu nồng nhiệt của người cha.

- Con biết, con cần cưới vợ. - Đavit nói.

- Nhưng không phải bắt buộc… không phải là ép uổng đâu. - Ông Era nói, mặt ông tối sầm lại.

- Tuy thế, cũng phải…

- Không, nếu con không yêu con gái bác Khương.

- Có lẽ, con chưa yêu ai cả. - Đavít nói và nhếch mép cười.

Ông Era bối rối hết sức. Ông ngồi thụt lại, hai tay đặt lên gối.

- Ba tưởng con có gởi cho cô ta một hai bài thơ gì đó kia mà?

- Dạ, đúng thế!

- Con đã thay đổi ý kiến trước khi…

Ông Era không dám nói đến tên Lịch.

Đavít liền nói thay ông:

- Ba có ý nói rằng con đã thay đổi ý kiến trước khi Lịch chết à? Không… à, cũng có nghĩa rằng có; con đã bỏ dở một bài thơ, vì con đã gặp Lịch ngoài vườn đào.

- Con có khóc thương nàng không?

Đavít suy nghĩ một lát trước khi trả lời. Chàng đang ngồi trong phòng của cha. Ông Era đã cho tìm chàng đến để thông báo lễ đính hôn đã được thực hiện.

Cuối cùng, Đavít nói:

- Không, con không khóc. Con không muốn cô ấy chết như thế. Nếu cô ta còn sống…

Chàng lại ngập ngừng. Ông Era cảm thấy ngứa rần rần từ chân tóc xuống đôi tay và đến tận hai chân.

Thấy Đavít vẫn còn im lặng, ông Era hỏi:

- Nếu cô ta còn sống, con có cưới cô ta không?

Đavít chậm rãi lắc đầu. Động tác này đã làm cho chàng cảm thấy nhức nhối từ vết thương đã thành sẹo.

- Không.

Rồi chàng hăng hái tiếp:

- Không ba ạ! Ba cứ tin như thế. Nhưng nếu Lịch còn sống thì con cưới Quí Lan với một niềm vui trọn vẹn hơn. Ba hiểu không?

Ông Era há miệng kinh ngạc nhìn sững Đavít. Ông lắc đầu, không thể nào hiểu nổi. Điều này đã vượt quá tầm mức hiểu biết của ông.

- Ba kính mến! - Chàng dịu dàng nói. - Sao ba cứ mãi lo lắng cho con đến thế? Này nhé, con sẽ lấy vợ rồi sinh con, và sống trong hạnh phúc đầy đủ. Sau lễ cưới, con sẽ trở lại cửa hàng để buôn bán như trước… nhưng vui hơn…vui hơn nhiều.

Chàng ngước đầu nhìn cha, cố gắng mỉm cười, chào ông và lui ra. Còn lại một mình trong phòng, ông Era phân vân do dự mãi. Ông thở dài và đi lo công việc. Suốt ngày hôm ấy ông Era mặt khó đăm đăm.

Về phần Đavít, lòng chàng không được yên, gắt gỏng cả với Trang, đến nỗi nàng không dám nói cười, chỉ ngồi im lặng vá may. Thường thì Trang thêu thùa, nhưng hôm nay nàng thay miếng lót giày bằng một thứ vải trắng mịn.

Đavít mải ngồi nhìn những ngón tay thon nhỏ của nàng thoăn thoắt luồn chỉ vào vải với một cây kim nhỏ.

Một lát sau, chàng hỏi nàng làm gì. Trang bình tĩnh nói:

- Lâu ngày nằm trên giường, da chân cậu bây giờ mỏng lắm, Trang sợ mấy đôi tất vải làm đau chân cậu. Trang khâu cái này với những đường chỉ rất nhẵn để cậu khỏi đau chân.

Đavít không nói gì, vẫn yên lặng nhìn nàng. Chàng nằm trong một cái ghế dựa, vẻ lười biếng. Đột nhiên chàng nói:

- Tôi sắp cưới vợ, Trang ạ!

Nàng ngước nhìn chàng, rồi cúi xuống tiếp tục may.

-Tôi biết rồi!

-Bây giờ, Trang đã bằng lòng chưa?

- Không phải tôi bằng lòng hay không bằng lòng mà được. - Nàng dịu dàng nói.

- Trang vẫn ở lại đây với tôi. - Trang ạ. - Như bấy lâu nay.

- Cám ơn cậu.

Rồi nàng tiếp:

- Thiếu chủ ạ…

Chàng nói, không một chút ngập ngừng:

- Tôi nghĩ rằng tôi sẽ cưới Trang trong một ngày gần đây. Trang cũng nghĩ như thế chứ?

- Đợi đến lúc đó hẵng hay.

Đột nhiên Trang may rất nhanh, những ngón tay nàng thoăn thoắt đâm kim xuyên qua lần vải. Đavít không nghĩ gì đến nàng nữa. Tư tưởng của Đavít hướng về chính chàng, nàng biết thế. Nhưng nàng không đoán được những gì chàng sắp nói.

- Tôi muốn đi thăm mộ cô Lịch.

Trang đặt tấm vải xuống gối và nhìn chàng, tình yêu dâng lên khóe mắt.

- Sao lại đi thăm mộ vào đúng hôm nay vậy? Ngày vui mà xen chuyện buồn vào không tốt đâu.

- Tôi muốn nhìn mộ nàng để được biết chắc rằng nàng đã chết. - Chàng nói với một vẻ hết sức lạ lùng.

Trang nhìn chàng, lo lắng:

- Nhưng, cậu đã biết cô ta chết rồi mà!

- Tôi cứ nhìn thấy cô ta hoài.

Gian phòng hai người đang ngồi chính là nơi mà Lịch đã tự tử. Trang nghĩ đến điều đó nhưng không muốn nói ra. Nàng thường nghĩ rằng Đavít cần phải thay đổi chỗ ở. Ban đầu vì chàng bị thương quá nặng, không tiện di chuyển. Ít lâu sau, khi nàng nói đến chuyện thay đổi căn nhà khác, chàng liền đáp, chàng thích các gian phòng này vì là nơi chàng đã ở từ thuở bé. Bây giờ Trang nghĩ, nàng phải trình bà Era biết, sau khi đã cưới vợ, Đavít cần ở trong những gian phòng khác lớn hơn, có sân rộng rãi hơn. Nơi đây để dành làm phòng trọ cho khách.

Trang gấp tấm vải lại và cất trong một cái tráp khảm ngà dùng để đựng đồ thêu may.

- Nếu cậu định đi thăm mộ cô Lịch thì tôi sẽ đưa đi. - Nàng nói.

- Đi bây giờ à? - Chàng hỏi.

- Bây giờ.

Chiều hôm ấy, Đavít ngồi xe lửa, ra khỏi các bức tường thành thị trấn, đến nghĩa địa Do Thái để viếng mộ Lịch. Trời cuối thu êm đềm và mát mẻ. Nghĩa địa Do Thái là một khu đất yên tĩnh nằm cạnh ngôi giáo đường, khá xa bờ sông. Đavít biết rõ nơi đây vì là nơi ông bà tổ tiên chàng đã an nghỉ giữa những người Do Thái chết từ bao thế kỷ, kể từ khi họ đến cư ngụ tại thị trấn này. Những nấm mồ được đắp cao, giống như mồ của những người Trung Hoa, nhưng có một hàng đá nhỏ bao quanh.

Trang dẫn Đavít đến mộ phần của Lịch. Hôm chôn cất Lịch, Trang không có đi theo, vì nàng không thể rời Đavít trong lúc chàng bị thương, nhưng thím Hoàng đã nói lại cho nàng biết Lịch được chôn cạnh mẹ nàng.

Khi hai người tới nơi, Đavít ngồi lên một cái áo choàng mà Trang đã trải ra trên mặt cỏ. Vạn vật yên tĩnh dưới bầu trời màu xám; không khí ẩm ướt và mát lạnh. Những nấm mồ lớn bao quanh Đavít, nhưng chàng chỉ nhìn ngôi mộ của Lịch. Cỏ non đã bén rễ trên nền đất lạnh. Một vài đoá hoa thuỳ cúc hoang dại, màu hổ hoàng, nở ra trong đám cỏ.

Đavít thở dài nói:

- Thật tôi không thể nào tưởng tượng được rằng Lịch đang nằm dưới nắm đất này.

- Chính nàng đã nằm dưới đó. - Trang nói như xác nhận.

- Trang có tin người ta có linh hồn không? - Đavít hỏi.

- Trang không nghĩ gì về linh hồn cả - Nàng cúi xuống sờ vào má của chàng. - Cậu có cảm thấy lạnh không?

Chàng lắc đầu:

- Trang để tôi ngồi đây một mình một lát.

- Không, tôi không thể để cậu ngồi một mình ở đây được. Bổn phận của tôi là trông nom chăm sóc cậu. Nếu cậu có bề nào, người ta sẽ trách mắng tôi.

Nàng vẫn đứng bên chàng. Thân hình thon nhỏ, thẳng băng, mặt quay về nấm mồ của Lịch. Nhưng đôi mắt nàng nhìn mãi tận đằng xa, qua bức tường thấp, nàng nhìn thấy đồng ruộng làng mạc, và xa hơn nữa một cánh buồm căng gió đang lướt nhẹ trên mặt nước phẳng lì lóng lánh của dòng sông.

Trang không rõ những gì đang diễn ra trong tâm hồn Đavít, nhưng nàng nhất quyết không thể để hình ảnh Lịch mãi ám ảnh chàng. Tuy miệng nói không tin, nhưng trong thâm tâm, Trang tin con người ta có linh hồn và nàng biết rằng linh hồn của người chết lẩn quẩn mãi bên người sống. Tuy nhiên nàng quyết chống lại hồn phách Lịch với tất cả sức mình.

- Hãy nằm yên trong mộ. - Trang thầm nói với Lịch trong lòng. - Cô đã mất hẳn Đavít, cô không còn làm hại gì chàng được nữa cả.

Trang cương quyết chống lại với mỗi một kỷ niệm của Lịch và chống lại với bất cứ những gì liên quan đến cô ta.

Đavít thở dài đứng dậy, buồn bã nói:

- Nàng đã chết!

- Để Trang khoác áo cho. Cậu lạnh rồi đấy.

Đavít rùng mình.

- Phải. Lạnh thật, chúng ta về thôi!

- Đi. Nhanh lên cậu!

Nàng kéo chàng đến xe lửa và ra về trên con đường đá lởm chởm. Khi đến cổng, Trang đỡ chàng xuống xe đưa thẳng về phòng riêng. Nàng đặt chàng nằm xuống, chạy đi kiếm những viên đá nóng để sưởi chân chàng. Nàng mang cháo nóng đến cho chàng ăn và ngồi bên giường mãi cho đến khi chàng an giấc.

Sau đó, Trang chạy đến phòng bà chủ, thành thật kể lại cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra. Bà Era lắng nghe, chăm chăm nhìn Trang với đôi mắt sầu thảm. Trang chột dạ, ngỡ rằng bà chủ sẽ nổi cơn lôi đình. Nhưng không, bà Era nghe mà không tỏ vẻ gì tức bực cả. Bà thở dài và dịu dàng nói:

- Bây giờ, cậu thấy mồ cô Lịch rồi. Chúng ta hãy quên hết quá khứ và chuẩn bị cho tương lai.

Đây là lần đầu tiên trong đời, Trang nghe được một câu nói như vậy từ miệng bà Era, đối với bà quá khứ là những gì hết sức đắt giá. Bất giác nàng cảm thấy mến thương bà. Nàng ngọt ngào nói:

- Thưa bà, con xin đoan chắc với bà rằng tương lai sẽ cũng mang lại cho bà nhiều hạnh phúc.

Bà Era lắc đầu, hai hàng lệ chảy dài trên má.

- Nếu Chúa thứ tha! - Bà lẩm bẩm.

Trang lẳng lặng cúi chào bà để ra về. Nàng vừa đi vừa thầm nghĩ: Thần thánh xem chừng cũng không làm gì nên chuyện trong công việc của loài người.

*

* *