Trang - Chương 10 - Phần 1
10
Gia đình ông Era thức dậy một cách bình lặng. Một cuộc sống mới bắt đầu. Bề ngoài trông không có gì thay đổi hết.
Đêm hôm qua bà Era đã khóc rất nhiều nhưng sáng nay bà vẫn thức dậy như thường lệ, tính tình dễ chịu hơn và nói năng ngọt ngào hơn trước. Bà săn sóc nàng dâu từng chút một và tỏ vẻ hết sức nhã nhặn với nàng. Quí Lan không có ác cảm với mẹ chồng. Cử chỉ của bà đã làm cho nàng ngạc nhiên và thích thú hết sức, vì nàng vốn sợ bà. Tất cả các nàng dâu đều sợ mẹ chồng, nhưng riêng Quí Lan lại càng phải sợ hơn vì nàng là một cô bé nhút nhát, thích tiện nghi và nhàn rỗi, muốn được nuông chiều, không thích khép mình vào kỷ luật và bổn phận. Bà Era không đòi hỏi gì ở nàng hết. Bà xem như không có nàng ở trong nhà. Khi hai người gặp nhau, bà hỏi nàng có được vừa ý mọi việc không, Quí Lan mỉm cười, cúi đầu đáp là nàng vừa lòng tất cả. Quí Lan nhẹ cả cõi lòng khi biết bà mẹ chồng không tìm cách điều khiển nàng. Chẳng mấy chốc, nàng cũng tinh nghịch và vui đùa trở lại như khi còn ở nhà với cha mẹ.
Ban đầu Trang khó tin rằng cuộc sống có thể tiếp diễn trong nha giống như trước ngày Đavít cưới vợ. Nhưng rồi ngày lại ngày, nàng nhận thấy nàng đã nhầm, vì các bậc bề trên vẫn luôn luôn giữ các tập quán cũ. Ngay Đavít cũng giữ nguyên các thói quen của chàng. Chàng trở lại nếp sống cũ. Đêm tân hôn, chàng đã hẹn nói chuyện nhiều với Quí Lan vào ngày hôm sau nhưng điều đó sẽ không bao giờ có cả. Vì sau đó chẳng bao lâu, Đavít nhận thấy rằng cô vợ xinh đẹp của chàng chẳng biết nói gì ngoài các chuyện lặt vặt và những nhu cầu hằng ngày. Nhưng nàng thường sẵn sàng vui chơi. Nàng biết lắm cách chơi bài. Nàng đã dạy cho Đavít chơi và reo cười thích thú. Khi nàng được, nàng vui như một đứa trẻ và nhảy nhót quanh phòng với đôi chân nhỏ bé. Đavít thương cho đôi chân bị bó của nàng. Chàng chưa bao giờ thấy các bà bị bó chân như thế, vì trong các gia đình Do Thái, ngay cả Trang cũng để cho chân được tự do. Chàng có thể cầm trong lòng bàn tay cả hai bàn chân có mang giày vớ của Quí Lan. Một hôm chàng cầm lấy chân nàng và buồn rầu nói:
- Bé tí của anh ơi! Sao em để què quặt như thế này?
Quí Lan ngạc nhiên hết sức. Nàng oà khóc, một phần vì tức giận, một phần để phản đối cái vẻ thương hại của chồng. Nàng co chân lại, kéo cái váy che đi. Nàng nói trong nước mắt:
- Anh không thích sao?
Đavít dịu dàng:
- Nó làm cho anh khổ tâm. Em có đau lắm không?
- Bây giờ thì không còn đau nữa.
- Bó lại làm gì vậy? Sao không để cho nó tự nhiên?
Quí Lan nói, giọng giận dỗi:
- Tôi không muốn nó to như chân của một con mụ nhà quê. Tôi không muốn công khó bấy lâu là công toi.
- Để anh xem thử có thể làm gì được cho em không nào.
Đavít năn nỉ. Chàng đoán được lòng kiêu hãnh và tính rụt rè của vợ khi nàng từ chối:
- Không! Không! Không!
Nàng hét to, rồi oà khóc trở lại. Nàng gọi Trang rất lớn, đến nỗi cô ta chạy vào ngay.
Quí Lan đặt tay nàng vào tay Trang; hai hàng lệ chảy dài trên má.
Vừa khóc, nàng vừa vùng vằng nói:
- Chàng muốn xem hai bàn chân tôi.
Trang ngồi xuống giường, cạnh nàng, vỗ về hai bàn tay nàng và kéo chăn lụa phủ lên chân nàng.
- Xuỵt! Xuỵt! Cậu ấy không muốn làm phiền lòng cô đâu.
Trang dỗ nàng như dỗ trẻ con.
Đavít nhìn cả hai người.
Chàng nói:
- Trang hãy giải thích cho vợ tôi rõ ràng rằng tôi chỉ muốn giúp nàng. Thật ra tôi không thích nàng để cho chân tay bị huỷ hoại như thế.
Chàng bước ra khỏi phòng trong lúc Quí Lan dựa vào Trang và khóc như mưa. Khi mợ chủ đã hết khóc, Trang nói với tất cả sự dịu dàng và quả quyết:
- Tôi sẽ nói cho thiếu chủ tôi biết lý do tại sao trong nước chúng ta phụ nữ phải bó chân. Cậu ấy không nên trách những gì mà cậu ấy không biết. Vì người xứ họ, đàn bà không bó chân mà đi dép với hai bàn chân trần.
Quí Lan hằn học:
- Thật giống như chân mấy con mụ nhà quê!
- Đôi khi họ đi dép có nạm vàng và ngọc nữa. Bây giờ thiếu phu nhân hãy nín đi. Thiếu chủ tôi là người tốt và tử tế lắm. Tôi chỉ nói một lần là cậu ấy hiểu liền à…
Quí Lan nói, giọng thiểu não:
- Nhưng có lắm điều cậu ấy không hiểu gì hết.
Trang kiên nhẫn hết sức:
- Khi nào cậu ấy không chịu hiểu, mợ hãy bảo tôi, tôi sẽ giãi bày cho cậu ấy biết ý của mợ.
Như vậy, Trang đã khéo léo an ủi Quí Lan. Khi thấy nàng đã bình tĩnh trở lại, Trang nói:
- Đàn bà, phải biết làm vui lòng chồng, thiếu phu nhân ạ. Sẽ không có người đàn ông nào khác thấy mợ đâu. Mợ hãy để tôi săn sóc bàn chân cho mợ. Mỗi ngày tôi nới lỏng vải băng ra một chút, mợ sẽ không đau đớn gì đâu. Thế nào thiếu chủ tôi cũng sung sướng khi thấy mợ nghe lời cậu. Cũng như mợ, mợ sẽ sung sướng khi được thấy cậu bằng lòng.
Quí Lan tỏ vẻ hoài nghi. Nàng nhìn Trang bằng đôi mắt còn ướt:
- Bây giờ tôi đã quá sung sướng rồi, còn gì nữa đâu?
- Nhưng rồi đây mợ sẽ mất hết hạnh phúc nếu mợ không làm vui lòng chồng.
Quí Lan nhìn xuống, nói rất khẽ:
- Tôi có năm chục đôi giày mới, tuyệt đẹp.
Trang cười:
- Thiếu phu nhân ơi! Nếu vì thế mà mợ lo thì tôi xin cam đoan với mợ năm chục đôi giày mới khác y hệt như vậy để mợ dùng sau khi chân đã tháo băng.
Quí Lan im lặng, còn Trang thì chờ đợi. Rồi nàng mỉm cười hỏi thiếu phu nhân của nàng như hỏi một đứa trẻ:
- Mợ, tôi có thể nói cho cậu biết chưa đây?
Tần ngần một lát, Quí Lan cũng gật đầu và nước mắt lại trào ra. Nhưng không một chút phàn nàn khi Trang mang đến một thau nước nóng, cởi đôi giày nhỏ, đôi tất trắng rất chật và tháo một dải băng dài. Ngay chính Trang cũng thấy buồn khi cầm lấy hai bàn chân quá nhỏ của mợ chủ trong tay. Nàng cẩn thận xem thử nó có “nặng” lắm không.
Mụ Chu vui vẻ và rất nhiệt thành trong việc chăm sóc đứa trẻ để nó lấy chồng giàu sang nên mụ đã băng chân Quí Lan rất sớm. Xương bàn chân nàng bị ép chặt, méo mó nhưng chưa vỡ. Người ta không thể nào làm cho nó trở lại hình dáng cũ y như xưa, nhưng có thể giải phóng cho chúng. Phải cẩn thận hết sức, nới cuộn băng dần dần, mỗi ngày một chút, nếu không, lúc tháo ra lại càng đau hơn là lúc mới bó nữa.
Quí Lan nói:
- May thay không có mặt vú Chu ở đây.
Mụ Chu không ở lại cùng Quí Lan để tránh cãi cọ với gia nhân nhà ông Era. Ông Khương Sơn đã cho gọi mụ về để săn sóc cho Lệ Lý, cô gái út của ông.
Trang nói:
- Tôi cũng thế, rất mừng không có vú Chu ở đây. Nếu có mặt vú ấy, thế nào vú cũng lấy làm khổ tâm khi nhìn thấy công trình bấy lâu của vú bị phá bỏ. Hôm nào vú sang thăm, mợ nói cho vú biết rằng cậu tôi muốn vậy nhé!
Trang rửa chân cho mợ chủ, băng chân lại cho nàng, nhưng hơi lỏng một chút. Xong xuôi, hai người đánh cờ với nhau. Khi thấy Quí Lan ngáp dài, Trang khuyên nàng nên nằm ngủ.
Sau đó, Trang đi tìm Đavít. Do lời đề nghị của Trang, trước ngày làm đám cưới, bà Era đã bảo Đavít dọn sang một căn nhà khác rộng rãi hơn. Giờ đây, Đavít đang đọc sách trong thư phòng. Chung quanh thư phòng có nhiều kệ xếp đầy sách đặt sát tường. Đavít rất thích căn phòng này, nhưng Quí Lan thì không bao giờ bước chân tới. Nàng biết đọc, biết viết, nhưng nàng cho những điều đó là vô ích. Vui chơi chuyện văn, nghịch với con chó Bắc Kinh, ngắm đàn cá vàng bơi lội trong hồ, gặm kẹo một nửa vất bỏ một nửa, đó là sở thích của nàng. Mỗi khi có việc thêu thùa, thôi thì nàng tạo ra không biết bao nhiêu là khó khăn trở ngại. Bây giờ Đavít đã biết rõ những điều đó, nhưng chàng không nói gì vì vợ chàng xinh đẹp, quyến rũ quá!
Đavít biết Quí Lan tính tình trẻ con, nhưng đối với chàng, được cưới nàng làm vợ thật diễm phúc biết bao. Thân thể nàng đầy đặn, da thịt mịn màng, những đường cong tuyệt mỹ, hơi thở thơm tho, hai bờ vai và đôi vú trinh nguyên mà mỗi một cử động là một bài thơ tuyệt tác – tất cả những điều đó, Đavít quý như châu báu. Việc nàng ôm lấy chàng với đôi tay bé nhỏ run run vì xúc động, cũng như việc nàng mê hoặc chàng bởi nụ cười, bởi ánh mắt, hay việc nàng hiến dâng thân xác cho chàng một cách trễ tràng quyến rũ, nhưng chưa phải là tình yêu. Chàng nhận thấy đó chưa phải là ái tình! Tuy nhiên, những điều ấy đã mang lại cho chàng một cái gì hết sức êm dịu, hết sức thích thú.
Chàng đang nghĩ như vậy thì Trang bước vào thư phòng. Trang nhận thấy ngay chàng đang suy nghĩ nên đã kiếm cớ đến thay bình trà để gợi chuyện.
Nàng nói:
- Để tôi mang bình trà khác đến cho cậu. Nước đã lạnh tanh cả rồi.
Chàng nghe nhưng không nói gì.
- Mợ chủ nhờ tôi đến thưa cho cậu rõ lý do tại sao người ta đã bó chân cho mợ ấy.
Chàng nói mà không buồn ngẩng đầu lên:
- Tôi biết, đó chỉ là tập quán của người Trung Hoa.
- Một tập quán ngu ngốc! Tôi không biết nó từ đâu đến, tôi nhớ chừng như đã được đọc ở một cuốn sách nào đấy nói rằng ngày xưa có một vị hoàng đế say mê bàn chân bé nhỏ của người yêu, và thế rồi các cô các bà bắt chước làm cho bàn chân của họ nhỏ lại. Tôi nghe người ta nói rằng việc ấy xảy ra từ thời mà người đàn ông không muốn các bà vợ xinh đẹp bước chân ra khỏi cửa. Ai biết được? Tóm lại, đó là những gì đã tạo thành cái tập quán bó chân ngày nay và những bàn chân nhỏ bây giờ đã làm cho các cuộc hôn nhân trở thành giá trị hơn. Chúng ta không nên trách nàng chỉ vì nàng đã theo nếp xưa.
- Tôi đâu có trách nàng. Tôi chỉ muốn…
Trang tiếp:
- Mợ nhờ tôi thưa với cậu rằng mợ rất lấy làm ân hận đã khóc lóc, và mợ đã thuận để cho tôi nới dần băng chân cho mợ mỗi ngày một ít cho đến khi nào có thể cắt bỏ hẳn.
Đavít ngẩng nhìn Trang:
- Trang, đó là do cô chứ đâu phải do nàng!
- Nhưng mợ đã ưng thuận.
Trang quay nhìn nơi khác.
- Ồ! Trang, Trang!
Bỗng nhiên chàng cảm thấy cô độc lạ lùng. Chàng đưa tay nắm lấy tay Trang. Nàng để yên một lát rồi quay nhìn vào đôi mắt hết sức âu yếm, hết sức nồng nàn của Đavít và nhẹ nhàng rút tay về. Nàng bình thản cầm lấy bình trà, ngọt ngào nói:
- Để tôi đi thay trà nóng cho cậu.
Nàng bước ra khỏi thư phòng.
Chàng lắng nghe bước chân nàng xa dần, xa dần và tự hỏi sao chàng không sung sướng được như chàng đã mong muốn. Vẫn như bao giờ, Trang đã đến và giúp đỡ chàng. Tuy nhiên Đavít không có thể biết chắc nàng đang mong đợi gì ở chàng hơn nữa. Làm sao có thể giải thích cho nàng hiểu được nỗi buồn mà chàng chợt cảm thấy trong khi chàng đang có trong tay một kho tàng quý giá như thế! Một người vợ xinh đẹp như thế! Trong khi Đavít suy nghĩ như vậy thì lão Hoàng mang bình trà nóng vào.
- Thưa thiếu chủ, cô Trang bảo tôi mang trà nóng đến cho cậu. Cậu có cần tôi rót ra tách không ạ?
- Để đấy. Khi nào khát, tôi tự rót lấy.
Chàng nhìn ông lão bước ra khỏi cửa, lòng phân vân. Tại sao Trang không trở lại? Phải chăng vì chàng đã nắm lấy tay nàng? Nhưng trước đây chàng vẫn thường cầm lấy tay nàng như thế luôn cơ mà. Chàng chờ đợi một lát, nỗi buồn của chàng và những cảm giác mơ hồ về sự cô độc của chàng vẫn chưa tan. Chàng thở dài, bước sang phòng ngủ với “kho tàng bé nhỏ” của mình.
oOo
Gia đình ông Era thích nghi với cuộc sống mới. Thật vậy, trong nhà có thêm một người đàn bà nữa, và tuy không tiếc giảm bớt các lề luật đã có từ bao thế hệ trước, nhưng cũng có một vài thay đổi nhỏ. Bà Era nhất quyết không chỉ trích nàng dâu và cũng không chê trách gì nàng. Nhưng Đavít không phải là không biết rằng mẹ chàng vẫn giữ nguyên tất cả mọi tập quán cổ truyền. Vào các ngày tết lễ, trong nhà tổ chức theo cổ tục, sắp dọn thực đơn theo truyền thống, y như trước, nhưng không còn đến nhà thờ nữa. Không còn có giáo trưởng đứng sau toà giảng Maisen để đọc thánh kinh Tôrát. Cây lọng bằng sa-tanh đỏ mà trước đây người ta thường che trên toà giảng Maisen đã được gấp lại dựng bên tường. Tại dãy tường phía tây, thập điều giáo lệnh được khắc trên bia đá chữ vàng vẫn y nguyên nhưng không còn ai đến đọc nữa. Bà Era không muốn đến đền thờ một mình vì chồng bà quá bận rộn với công việc. Hợp đồng thương mại đã được ký kết với ông Khương Sơn. Các hiệu kỳ bằng sa tanh đỏ có tên hai nhà, chữ bằng nhung đen rất lớn, bay phất phới trên khắp các cửa hiệu.
Một đoàn thương hồ thứ hai đã được tổ chức để tăng cường cho cái đoàn mà hàng năm, ông Cao Liên thường chỉ huy đi sang phía tây. Ngoài ra, ông Era đã tìm mua các sản phẩm do tàu bè mang từ Ấn Độ đến: nào vải vóc, ngà voi, nào đồ bạc đồ vàng cùng trân châu bảo vật mà trước đây ông phải mua từ miền nam bằng đường bộ. Ngược lại, ông gửi sang bán ở Ấn Độ các loại tơ lụa gấm vóc, sản phẩm của ông Khương Sơn. Ở đây, người ta sản xuất được một loại the mỏng mà các cô các bà người Ấn Độ rất ưa chuộng và không một nơi nào ở Trung Hoa có thể dệt được.
Đền thờ không còn có người thử từ nữa. Bây giờ ông già Êly săn sóc cho vị giáo trưởng già nua, mất trí, luôn luôn cười một cách vu vơ. Ông cụ đã hoá ra điếc không kém gì già Êly. Già Êly phải canh một bên cụ giáo trưởng, ngày cũng như đêm, vì sợ cụ đi ra bên ngoài, làm cho lũ giai nhân kinh khiếp.
Một số người Do Thái trú ngụ trong thành phố lo làm ăn mà quên hết cả nguồn gốc của họ. Trong nhà này, bà Era đón nhận các ngày thánh lễ của dân tộc bà một cách khá cô đơn, vì chỉ có bà, ông Era và Đavít ăn bánh không men trong ngày lễ Quá Hải.(1)
(1) Dân Do Thái kỷ niệm ngày ra khỏi Ai Cập.
Ngày lễ Quá Hải đầu tiên sau ngày cưới của Đavít, bà Era đã bảo dọn thêm một phần ăn cho nàng dâu tham dự. Khi Đavít bước vào một mình, bà nhìn chàng và người ta thấy trong mắt bà thoáng một tia sáng dữ dội cố hữu.
- Nàng dâu của mẹ không đến sao?
Đavít ngồi xuống và rất bình tĩnh:
- Vợ con nói rằng, nàng sợ…
- Sợ? Phi lý thật!
- Nàng sợ các thức ăn thánh hoá của ta sẽ làm cho nàng say mê.
Rồi chàng nói tiếp:
- Con không ép nàng, mẹ à. Có thể, nàng có lý.
Cái vẻ khắt khe của con bà đã làm cho tim bà giá lạnh như băng. Bà không nói gì. Bà cúi đầu và lau nước mắt. Nhưng bà không khóc. “Dân tộc chúng ta sẽ suy giảm tới mực nào?” Bà tự hỏi. Có thể còn có một số gia đình còn tiếp tục phụng thờ đấng Dêhôva trong vài năm nữa, nhưng bà Era biết, phần đông họ đã quên cả các nghi thức hành lễ và các ngày thánh lễ cũng giống như các ngày khác, diễn ra trong sự bận rộn làm ăn và trong lạc thú cuộc đời.
oOo
Bao giờ mẹ chàng còn sống, Đavít không mảy may lộ vẻ bất bình ra nét mặt. Quí Lan sinh con đầu lòng khoảng một năm sau ngày cưới.
Trước khi sinh, nàng lo lắng hết sức. Việc sinh nở dễ dàng, nhưng nàng đã kêu van khóc lóc rất nhiều. Khi nhìn thấy đứa trẻ là trai, nàng liền thôi khóc và đòi ăn ngay.
Nàng từ chối không chịu cho con bú nên trong nhà phải nuôi vú sữa.
Bà Era bỗng như bừng tỉnh trong cơn mê. Bà hỏi ông:
- Này ông. Vậy thì thằng bé này phải bú sữa Tàu sao ông?
Ông Era cười buồn:
- Thì sữa mẹ nó cũng là sữa Tàu!
Bà Era chột dạ vì đã khinh suất, bà đành ngậm miệng. Ông Era không có cam đảm để nhắc cho vợ ông nhớ rằng, chính ông cũng đã bú sữa Tàu của mẹ ông.
Sau đó, ông nhận thấy rằng bà không yêu thương gì cháu nội của bà. Một năm sau, khi thím Hoàng đến báo tin mừng, Quí Lan đã sinh thêm đứa con trai thứ hai, bà lẳng lặng gật đầu.
Thật ra, bà Era không còn nhanh nhẹn như xưa. Ai cũng nhận thấy điều ấy và mỗi người buồn mỗi cách. Bà là một người đàn bà tuyệt diệu, sức khoẻ dồi dào và là rường cột của gia đình. Bây giờ cái rường cột ấy đã sụp đổ. Bà ăn không ngon, ngủ không yên. Khi ngồi một mình với ông, bà thường hỏi ông, bà đã phạm phải những lỗi lầm nào trong đời để rốt cuộc mọi sự đều trái ngược hẳn những gì mà bà đã mong ước.
- Không phải là mình đã lỗi lầm trong hành động nhưng có thể là mình đã lỗi lầm trong tư tưởng, trong ước mộng.
- Tôi chỉ luôn vâng phục ý Chúa. - Bà buồn rầu nói.
Ông Era không nỡ lòng nào tỏ cho bà biết rằng bà thýờng theo ý riêng mình mà ngỡ đó là ý Chúa. Ông chỉ nói:
- Ồ! Nào ai có thể biết được ý Chúa ra sao?
Trong khi bà Era ngày một suy yếu dần thì vị giáo trưởng già đột ngột lìa đời. Tâm trí cụ dần dần biến đổi, từ trạng thái của một người lớn hoá thành trẻ con và rồi trở thành si ngốc không phân biệt được gì cả. Nếu già Êly không thường trực trông nom thì giáo trưởng ăn bất cứ vật gì cụ lượm được ở đất.
Ông Era đã cung cấp cái ăn cái mặc cho giáo trưởng rất đầy đủ, chu đáo, nhưng một hôm cụ ăn đồ thừa dơ bẩn, không phải vì đói mà có thể vì cụ bị ám ảnh bởi cảnh đói kém ngày xưa. Thức ăn làm độc, cụ lâm bệnh dịch tả, đã trút linh hồn sau vài giờ quằn quại đau đớn. Cụ van nài bà Era thương xót cụ vì đối với cụ, bà Era là người có quyền thế nhất trên đời này.
Nhìn thấy vậy, bà Era rất đau lòng. Bà muốn ở bên cụ để an ủi cụ. Nhưng ông Era không chịu, ông sợ bà bị truyền nhiễm. Vì vậy, khi giáo trưởng trút hơi thở cuối cùng, chỉ có già Êly bên cạnh. Cụ được chôn trong nghĩa địa Do Thái, cạnh nấm mồ của mẹ Lịch.
Một số người Do Thái trong thành chịu tang, họ bận áo sô gai, theo sau quan tài khóc than kể lể. Họ tự hạ thấp mình xuống, vừa đi vừa bốc bụi giữa đường để rải lên đầu họ. Họ cảm thấy xúc động về cái chết của giáo trưởng. Họ hình dung hình ảnh giáo trưởng của họ hồi còn trẻ tuổi, đức độ khoan nhân của giáo trưởng và lòng nhiệt thành của giáo trưởng khi cụ van nài xin các tính đồ nhớ đến Thiên Chúa của họ, vị Chúa độc nhất chân thật.
Cụ chết đi, ai sẽ là người nhắc đến Thiên Chúa, vì ngay cả bây giờ đây, trên nấm mồ của cụ cũng không có người đọc kinh Tôrát để nguyện cầu cho linh hồn cụ.
Arông vẫn biệt vô âm tính. Khi quan tài hạ huyệt, không có kẻ ruột thịt để khóc than. Đavít đứng cách xa một chút. Chàng phục sức như thường nhật. Chàng giữ yên lặng và mặc dầu buồn rầu hết sức, vẫn không rơi một giọt lệ nào. Chàng không tự hạ mình, cũng không bốc bụi rải lên đầu.
Sau ngày chôn cất giáo trưởng, bà Era bỗng cảm thấy cô đơn và buồn bã. Bỗng nhiên bà muốn đi viếng giáo đường với thím Hoàng. Bà đến đấy bằng kiệu. Già Êly đã trở lại thủ từ sau khi giáo trưởng qua đời. Khi thấy bà Era, ông rất bối rối, ông năn nỉ bà xin bà đừng vào đền thờ.
- Xin phu nhân đợi trong chốc lát, để con có thì giờ quét dọn. Bụi bặm bám đầy toà giảng Maisen, con rất lấy làm hổ thẹn để bà thấy như thế.
Nhưng mục đích bà Era đến đây chỉ muốn vào bên trong giáo đường thì làm sao bà có thể bỏ ý định ấy được! Già Êly đã thọc chìa vào ổ khoá lớn nhưng vẫn trù trừ chưa chịu mở.
- Xin phu nhân đừng có khiển trách con, khi con trở về thě giáo đường đã như thế này rồi.