Trang - Chương 11 - Phần 2
Vùng này khá đẹp. Dọc bờ sông lúa non mới mọc xanh rờn và xung quanh các làng mạc đào đang độ trổ bông, ban ngày màu hồng, xế chiều lóng lánh như xà cừ. Xa xa là đồi núi và dòng sông lượn khúc như con rắn vàng dưới ánh trăng. Thật là một nơi đất tốt dân lành!
Thật ra cũng có bọn đầu trộm đuôi cướp, nhưng chúng bóc lột mọi người không phân biệt màu da hay bề ngoài các nạn nhân của chúng. Gia đình Đavít khỏi sợ nguy hiểm vì có lính nhà nước bảo vệ, và quan Tổng đốc còn cho cắm trên thuyền cây cờ hiệu để mọi người biết thuyền chở lễ vật ngư tiến mà không một ai dám đánh cắp.
Khi mọi nơi trong thuyền đều yên tĩnh, Trang vào phòng khách vắng vẻ và lấy mền gối ra để ngủ. Gió hiu hiu thổi, nàng ngủ một giấc ngon lành.
Cứ như thế, hết tỉnh này đến tỉnh khác, thuyền đã gần đến giao điểm sông Hoàng Hà và sông Đào. Gia đình Đavít không có ý định tiếp tục đi đường thủy đến tận Bắc Kinh nên đã cập vào một bến đã định trước, mọi người rời thuyền lên bộ, ở đó các xe lừa của ông Khương Sơn đã đợi sẵn.
Lắm lúc Trang luyến tiếc đường thủy, vì từ khi theo đường bộ, cả ngày phải ngồi trong xe trên những con đường gập ghềnh. Đến bữa, xe mới dừng lại để gia đình ăn vội ăn vàng rồi lại lên đường ngay. Đêm đến, gia đình vào quán bên đường để nghỉ ngơi. Trang bực mình vì không tìm đâu ra một quán trọ tươm tất. Ở đâu cũng vậy, khi thấy đoàn người đông đảo xuống xe, chủ quán vội vã tiến ra mời mọc, khúm núm, nịnh bợ và hứa sẽ cung phụng đầy đủ tiện nghi: nào cao lương mỹ vị để khách dùng, nào phòng rộng rãi sạch sẽ để khách nghỉ. Nhưng khi vào phòng, Trang thấy chán ngán. Nàng buộc dội nước sôi vào các giường gỗ trước khi cho trải mền chiếu ra. Vì sự bất lực của mợ chủ, mọi việc đều do Trang chủ động. Còn Đavít với tánh hiếu kỳ, đến một nơi nào chàng liền bỏ mặc gia đình để đi xem những điều mới lạ nơi đó.
Đoàn xe lừa sau bao ngày vất vả rồi cũng đến Bắc Kinh; lũ trẻ ngẩn ngơ vì cảnh vật, im lặng ngắm xem những bức tường thành cao màu xám mờ dần tận cánh đồng ven đô. Mọi người đều đã nghe nói đến cảnh tráng lệ của đế đô, nhưng chính Đavít cũng không ngờ Bắc Kinh đồ sộ đến thế. Họ vào thành; tường thành dày đến độ giữa ban ngày, từ khi vào đến khi ra khỏi cửa thành họ phải băng qua một vùng thiếu ánh sáng. Ông Khương Sơn đã viết thư trước cho chi nhánh của ông ở Bắc Kinh nhờ thuê sẵn nhà để đón gia đình Đavít. Họ đến đấy theo các đường rộng thênh thang mà Trang thán phục vẻ đẹp đến nỗi không thốt nên lời.
Ngôi vườn nhà này có tường chung quanh và bước vào cổng họ đã gặp ngay người nhà ông Khương Sơn túc trực để tiếp đón họ. Đavít và người nhà ông Khương Sơn trò chuyện tại phòng khách, trong lúc đó Trang đưa gia đình vào sân trong. Tôi tớ bắt tay vào việc ngay và không mấy chốc đâu đã vào đấy.
Lũ trẻ vui thích vì thấy lạ. Quí Lan dạo bước xem vườn và reo lên khi thấy những hòn non bộ với những cây mai lùn tịt. Cuộc nhàn du ở đất đế đô bắt đầu. Trang lo ngại nhất là về phần Đavít. Chàng sẽ thỏa nguyện với cuộc nhàn du này để khuây khỏa nỗi lòng chăng? Cho đến lúc Đavít tiễn đưa khách ra về xong trở lại với vợ con, nét mặt vui tươi rạng rỡ, nàng mới yên tâm.
Đavít nói với vợ:
- Mẹ chúng nó ạ, chúng ta hãy lưu lại đây một thời gian.
Quí Lan cũng vui lây nhìn chồng mỉm cười.
Bỗng nhiên Đavít tỏ vẻ âu yếm, tiếp:
- Cưng, anh trông em giống như hồi anh mới thấy em lần đầu.
Nghe Đavít nói vậy, Trang lẳng lặng lui ra, sợ có mặt nàng, sự bồng bột của tình yêu đang tái phát có thể bị giảm bớt. Nỗi buồn cố cựu và sâu sắc của cuộc đời tiềm ẩn tận đáy lòng, nàng vẫn còn cảm thấy, nhưng cố quên đi.
Từ đáy hồ sâu tối tăm và hôi hám, những đóa hoa sen trồi lên mặt nước. Nàng sẽ hái hoa.
oOo
Mùa xuân năm ấy, thành phố Bắc Kinh trở lại phồn thịnh như xưa. Dân chúng đã thoát khỏi sự sợ hãi và những thử thách của chiến tranh, vui mừng chào đón Hoàng triều hồi kinh.
Hoàng đế còn quá nhỏ nên lưỡng Hoàng Thái Hậu lãnh quyền nhiếp chính. Đông Cung Thái Hậu lớn tuổi hơn Tây Cung Thái Hậu. Nhị vị Thái Hậu xinh đẹp lộng lẫy. Đông Cung Thái Hậu rất yêu đời và đầy quyền thế. Người ta tiên đoán dưới triều đại của hai ngài quốc gia sẽ phồn thịnh, mỹ nghệ và thương mại sẽ được phát triển mạnh mẽ.
Đavít rất ưa thích thành phố Bắc Kinh. Nỗi buồn cố cựu đã tan biến, niềm vui thấp thoáng trong ánh mắt. Áng mây sầu không còn vương trên nét mặt nữa, sức sống mãnh liệt ngày xưa dồn ép trong người chàng nay đã hóa giải trở thành một nghị lực bền bỉ.
Một hôm, chàng nói với Trang:
- Tôi thích thành phố này. Trang xem kìa, đàn ông thật là cao lớn, đàn bà thật là xinh đẹp! Đối với họ, cô có vẻ như là con nít, Trang ạ.
Trang không cùng một nhận xét như thế. Nhưng thật sự thì người đàn bà ở đây cao lớn dềnh dàng hơn Trang, hai gò má cũng cao hơn.
Trang bĩu môi làm Đavít bật cười. Chàng nói:
- Thôi, nói chuyện khác vậy. Trang xem, đường sá ở đây rộng rãi biết bao… tôi thích thành phố rộng rãi, khoảng khoát như thế này.
Trang đồng ý nhận xét ấy. Ở đây đâu đâu cũng rộng rãi khoảng khoát. Đường phố đủ chỗ cho một hàng mười chiếc xe bò cùng kéo đi. Hai bên đường san sát các hiệu buôn, bán đầy những hàng hóa đẹp mắt và lạ kỳ. Dân chúng ai nấy đều lịch sự, xinh đẹp, tốt bụng và quân tử. Không có một chút gì là nhỏ nhen ti tiện cả. Tất cả sự vĩ đại của miền Bắc Trung Hoa đều được tóm thu lại trong thành phố này, nơi đây người ta sống bằng bánh mì thay gạo.
Thành phố thu hút khách bốn phương trời. Đavít thích chén tạc chén thù cùng bạn hữu của ông Khương Sơn trong các đại tửu điếm đẹp đẽ và sang trọng. Chàng đã ăn thịt quay trong một tửu điếm của người Hồi giáo; vui chơi giải trí mãi tới nửa đêm rồi ăn vịt quay tại một tiệm ăn khác và tuyên bố rằng cả hai món đều ngon cả, điều này chẳng lấy gì làm lạ. Thịt cừu non thật mềm, thái mỏng, ướp gia vị, xiên vào xiên tre và nướng trên lò than hồng, ăn thật nóng cùng bánh ướt và rau mùi, quả là một món ăn tuyệt diệu.
Tuy nhiên, vịt Bắc Kinh làm được nhiều món ăn khoái khẩu hơn. Hết đêm này đến đêm khác, khắp nơi trong các tửu điếm sang trọng ở Bắc Kinh, Đavít gặp những khách nhàn du vô tư lự, cười nói vui vẻ, nếu không biết, chàng có thể cho rằng đó là những kẻ vô công rồi nghề, nhưng thật ra ban ngày họ là những phú thương khôn ngoan sành sỏi.
Họ ngồi chung quanh một bàn tròn, nhấm nháp mấy món khai vị, cho đến khi người chủ tiệm mang đến cho họ xem những con vịt đã cắt cổ nhổ lông, nhưng chưa nấu nướng gì. Họ chọn một cặp thật béo, da thật vàng. Sau đó, người ta đem cặp vịt ấy quay trên lửa than, cho đến khi da nó vàng cháy, dòn tan và bóng mỡ. Thế rồi người ta dọn ra một dĩa da vịt, từng miếng cuốn tròn, dòn tan và béo ngậy ấy, kèm theo một dĩa bánh tráng mềm và một dĩa đông sương nấu với hoa sơn trà. Các thực khách múc một thìa đông sương đổ vào giữa miếng da vịt, bọc bánh bên ngoài để ăn. Món ăn này phải ăn thật nóng thật ngọt và nhắm với rượu đã hâm. Rồi những dĩa khác kế tiếp: thịt vịt quay trộn với cải bắp thật non, rồi thịt vịt nấu với nấm, với măng hoặc hầm với hạt dẻ; mỗi thức hương vị một khác và món nào cũng ngon cũng bổ. Món cuối cùng là món đầu vịt, người ta chẻ đầu vịt làm đôi, dọn ra dĩa để khách có thể thò đũa móc lấy bộ não để thưởng thức cái hương vị tuyệt hảo của nó.
Ăn uống như thế làm sao mà chán được? Tuy nhiên tại đây cũng có nhiều tiệm cơm chay để phục vụ các Phật tử, vì họ kiêng ăn thịt cá để cứu rỗi linh hồn. Người ta dọn cho họ ăn các thức ăn nấu toàn bằng rau đậu, và trình bày khéo đến nỗi người ta khó tin rằng trong các dĩa thức ăn này thiếu thịt cá. Mắt và lưỡi của các người mộ đạo ấy được thỏa mãn, họ vừa cứu rỗi được linh hồn vừa thưởng thức được mùi vị thịt cá mà họ kiêng cữ.
Khi khám phá ra điều ấy, Đavít tươi cười nói:
- Họ thông minh thật!
So với các thú vui hết sức mới lạ, hết sức tân kỳ mà Đavít đã thưởng thức tại Bắc Kinh thì những gì chàng đã được thụ hưởng từ thuở bé đến giờ quá đỗi nhỏ nhoi, ít ỏi. Ở đây người ta có thể vào xem tại các đại hý viện những gánh hát hay nhất, những phường xiếc, phường ảo thuật tài tình nhất, những ca sĩ nhạc sĩ lừng danh nhất, hoặc có thể gặp gỡ ở đây nhiều văn nhân, thi sĩ, các nhà bác học uyên thâm.
Trong khi chờ đợi vào triều yết nhị vị Hoàng Thái Hậu, tâm trí của Đavít được thảnh thơi, chàng thụ hưởng tất cả mọi thứ vui trong thành phố, nhưng không ích kỷ thụ hưởng một mình.
Buổi sáng, chàng bận chăm lo công việc thương mại mà cha chàng và ông Khương Sơn đã phó thác. Chàng đến tiếp xúc cùng các phú thương trong thành phố, ký kết các hợp đồng giao hàng và nhận phiếu đặt hàng của họ đặt mua các sản phẩm của Âu Châu và Ấn Độ.
Các nhà doanh thương ở Bắc Kinh đã từng nghe nói đến các máy móc, các thứ hàng len, hàng nỉ, đèn dầu và đồ chơi Tây phương mà họ không làm sao có được để bán, để dùng. Đặc biệt là các đồng hồ treo tường, ai ai cũng thích cả. Sau cái đồng hồ mạ vàng lớn mà Cao Liên đã mua để dâng lên Thái Hậu dạo nọ, nhiều chiếc cùng loại cũng đã được tiến cung, và Đavít nghe nói đến nay trong cung cả thảy trên một trăm chiếc như thế. Ngày xưa, đồng hồ được coi như vật ngự tiến, nay đã trở thành một sản phẩm mà người dân nào cũng có thể ao ước.
Đavít đã viết cho cha chàng như sau:
“Người ta có thể bán tại đây hàng ngàn chiếc đồng hồ, miễn là đừng quá đắt, phải có hình trạm trổ và mạ vàng bên ngoài. Tất cả hàng hóa ngoại quốc đều được dân chúng ưa thích. Họ có tất cả những gì tốt đẹp và sang trọng như gấm vóc, lụa là, hàng thêu, nữ trang và đồ gỗ tuyệt đẹp. Tuy vậy, họ vẫn ham chuộng các thứ gì tân kỳ. Họ dám bỏ tiền mua bất cứ vật gì hào nhoáng bề ngoài xuất xứ từ ngoại quốc”.
Công việc buổi sáng hoàn tất, buổi chiều Đavít dành cho vợ con. Đavít thường dắt vợ con đi chơi đó đây. Ngoại trừ các ngày trời mưa hoặc gió lớn mang những lớp mây bụi từ các miền sa mạc xa xôi về. Hai tay chàng dắt hai đứa con, đi dạo dưới bóng các hàng cây cổ thụ trong các đền chùa, đi xem hát, đến các cửa hàng bách hóa, hoặc xem các đạo sĩ biểu diễn pháp thuật. Vợ chàng thường cùng đi với chàng, bỡ ngỡ hết nhìn vật này đến vật khác một cách vui thích và tò mò. Cũng có đôi khi nàng bực bội vì hai chân nhức nhối, không đi bộ được nhiều.
Trang luôn luôn đi theo Đavít để săn sóc hai đứa trẻ. Đây là những ngày sung sướng nhất của đời nàng. Nàng cười nói luôn miệng và không ngớt nhìn khen vật này vật khác. Không bao giờ Trang tỏ vẻ mệt mỏi, trái lại luôn luôn khả ái; nàng đi chơi với Đavít đến mấy tuần liền, trong khi Quí Lan ở nhà vì đau chân.
Quí Lan đã làm quen với vợ của các phú thương và tham gia các cuộc đỏ đen cùng họ. Các bà hôm thì họp ở nhà này, hôm thì họp ở nhà khác để chơi bài mạt chược. Họ dùng kiệu có buông màn gấm để đi đó đi đây. Họ say mê bài bạc suốt ngày suốt buổi.
Lũ nô tì ưa thích các bà đến chơi bài, vì khi ra về để tỏ là người lịch sự, mỗi bà bỏ một ít tiền vào một cái bát để giữa bàn. Chúng nó chia nhau số tiền ấy. Trang không dự phần, vì nàng không phải hạng người ti tiện như chúng, nhưng bản tính không muốn làm mếch lòng ai, nàng khôn khéo nói:
- Vì tôi bận đi theo cậu chủ để săn sóc các em bé, tôi không thể cùng chị em phục vụ mợ chủ, nên tôi nghĩ nếu tôi chia phần vào đấy thì là một điều bất công.
oOo
Ngày trở về còn xa diệu vợi. Cái lý do chính là vì phải chờ nhị vị Thái Hậu chấp thuận cho vào triều yết để dâng lễ vật. Sự chờ đợi này có thể kéo dài hàng tháng, vì hai bà còn đang bận cho sửa sang cung điện. Trong thời gian triều đình lưu vong, cung điện đền đài bị hư hỏng rất nhiều, phải sửa chữa lại. Tây Thái Hậu đang còn ôm ấp trong lòng một chương trình thiết kế rộng lớn. Ngài muốn xây cất một hoàng cung mới, nhiều hoa viên, nhiều hồ cá, nhiều cầu đá và nhiều ngọn giả sơn tuyệt mỹ. Ngân khố quốc gia kiệt quệ vì chiến tranh chống người da trắng và vì cuộc nổi loạn của người dị giáo ở miền Nam.
Tây Thái Hậu đã ban hành thêm nhiều sắc thuế mới để lấy tiền xây cất cung điện mùa hè và chỉnh trang một cái hồ thật lớn để thưởng ngoạn. Ngài dự trù xây cất một nhà thủy tạ bằng cẩm thạch giữa hồ, có đủ chỗ cho tất cả các cung phi mỹ nữ yến ẩm và tham dự cuộc trình diễn của một đoàn hát có hàng trăm diễn viên. Các quan triều thần mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến số tiền chi phí lớn lao đó. Dư luận trong dân chúng rất xôn xao về cái cuồng vọng ấy của Thái Hậu. Triều thần tâu trình cần phải canh tân quân lực Hoàng gia vì không thể lấy gươm giáo để địch lại với súng đạn.
Thái Hậu ngạo nghễ trả lời:
- Hễ hoàng triều được vinh quang rạng rỡ thì trăm họ cũng được nở nang mày mặt.
Câu nói ấy đã được loan truyền khắp nơi. Dân chúng chỉ cười khi nghe nói lòng kiêu ngạo và chí cương quyết của Thái Hậu. Họ xem đó là một dấu hiệu lạc quan. Người ta sợ sự mềm yếu và nhu nhược nơi người cầm đầu của quốc gia. Nhưng họ không sợ điều đó ở nơi Thái Hậu. Người ta bắt đầu đặt những bài ca, bài vè hoặc kể những chuyện khôi hài về những sự kèn cựa giữa hai bà Thái Hậu. Tính ngoan cố và gan dạ của bà loan truyền khắp mọi nơi.
oOo
Vào đầu mùa hạ, Đavít nhận được lệnh cho vào triều yết. Chàng đã dậy sửa soạn từ sáng tinh mơ, vì sau khi tiếp kiến các quan đại thần, nhị vị Thái Hậu sẽ sẵn sàng tiếp nhận các lễ vật dâng tiến.
Trang dậy thật sớm, nàng giúp Đavít mặc áo, ăn điểm tâm và xem xét lại tất cả những gì cần thiết để chàng mang theo vào triều. Nàng tiễn chàng ra tận cổng; các gia nhân đi theo sau, họ xúc động nghĩ đến thiếu chủ của họ sắp được triều yết lưỡng Hoàng Thái Hậu. Đavít bận áo dài bằng gấm xanh, khoác áo cộc bằng nhung đen, đầu đội mũ có tua, tay mang nhẫn ngọc. Mọi người đều tấm tắc khen thầm khi nhìn chàng bước lên ngôi trên chiếc kiệu.
Trang đứng dõi mắt trông theo mãi cho đến khi chiếc kiệu khuất dạng trên đường phố. Rồi nàng trở về phòng riêng nằm lại nhưng không thể nào ngủ được. Khoảng một hai giờ sau Trang phải trỗi dậy để trông nom cho lũ trẻ ăn uống, chuẩn bị bữa tiệc chiều, vì hôm ấy các bà sẽ đến chơi mạt chược cùng Quí Lan.
Trang không biết Đavít sẽ về giờ nào, nhưng trong nhà phải chuẩn bị sẵn sàng để đón chàng. Quí Lan cũng ăn bận và trang điểm sẵn sàng để nghe chồng kể lại cuộc triều yết. Trang luôn luôn chăm sóc Quí Lan từng cái ăn cái mặc. Nàng không chịu để Quí Lan tóc tai bù xù, áo quấn nhăn nhíu trước mặt Đavít.
Quí Lan thường càu nhàu:
- Tôi đã già rồi, tôi chỉ muốn được yên thân. Ban đầu, tôi phải tháo băng chân để làm vừa lòng cô, rồi tôi lại phải chải tai, kẻ lông mày, chuốt móng tay, cô còn bắt tôi phải tẩm nước hoa vào người chẳng khác nào một con kỹ nữ. Biết khi nào tôi mới được yên thân đây?
Trang chỉ mỉm cười.
- Nhưng thưa mợ, phải chăng những điều đó đã làm cho cậu vui lòng?
Một hôm nọ Trang đã trả lời như vậy khiến Quí Lan nhìn nàng với một đôi mắt xoi mói:
- À, thì ra cô bắt tôi làm những việc ấy để chỉ làm đẹp lòng cậu ấy. Vậy thì cô không đếm xỉa gì đến tôi cả sao?
Trang cảm nghe tim mình ngừng đập. Nhưng nàng chỉ nói:
- Tôi chỉ nghĩ rằng niềm vui lớn lao nhất của mợ là được làm đẹp lòng chồng. Nhưng nếu tôi đã nghĩ lầm thì xin mợ chỉ bảo cho.
Quí Lan cảm thấy bối rồi, làm sao nàng dám nói nàng không cần phải làm đẹp lòng chồng? Nàng đành nín thinh, nhưng từ đó về sau Trang tránh không nói đến Đavít cùng Quí Lan nữa. Nàng đã biết thận trọng, tâm hồn nàng cũng trở nên sâu sắc như chính cuộc đời của nàng vậy.
Đavít trở về nhà vào khoảng xế trưa hôm ấy. Chàng có vẻ mệt mỏi nhưng ra dáng tự đắc lắm. Cả nhà đều sẵn sàng chờ đón chàng, vợ chàng xinh đẹp, áo quần chỉnh tề, các con chàng sạch sẽ và ngoan ngoãn, lũ gia nhân kính cẩn nhưng tò mò.
Trang ra tận cổng đến đón Đavít.
- Như thế này quả thật là đã đòi hỏi ở cậu quá nhiều! Chúng tôi nóng lòng được nghe cậu kể lại những gì đã xảy ra. Cậu chỉ cần kể lại một lượt là mọi người đều được nghe tất cả.
Đavít nói:
- Trước hết hãy để tôi ăn uống xong xuôi đã. Đói và khát quá rồi. Chúng tôi có ai được ngồi đâu. Tôi phải quì phủ phục xuống đất, đến ê ẩm cả hai đầu gối.
Trang bước theo chàng vào nhà. Nàng đã giúp chàng cất cái mão nặng nề, cởi cái áo gấm dày và lột đôi hia bằng nhung đen. Trang trao cho chàng cái áo lụa mỏng, nhẹ nhàng, và đôi giày cổ thấp bằng satanh. Chàng ăn và uống những gì Trang mang đến cho chàng. Chàng đi nằm một giờ sau mới trỗi dậy và cảm thấy khỏe khoắn trong người.
Trang triệu tập mọi người trong nhà lại ở gian phòng chính. Đavít ngồi ở chỗ cao trọng nhất và hãnh diện nhìn quanh một vòng vợ con cùng kẻ ăn người ở trong nhà.
Hôm ấy trời trong đẹp, ánh nắng chan hòa khắp nơi và chiếu vào những cánh cửa lớn mở rộng. Lúc bấy giờ chàng nghĩ đến những gì có thể làm cho một người đàn ông hãnh diện. Vợ chàng ngồi đối diện ở phía bên kia bàn. Nàng bận áo satanh mỏng màu xanh lá cây, tai mang hoa bằng ngọc bích, đầu cái trâm bằng ngọc bích và tay mang nhẫn vàng cũng nạm ngọc bích. Bây giờ nàng vẫn còn đẹp như lúc chàng nhìn thấy nàng lần đầu tiên trong gian phòng chính của nhà họ Khương vậy. Hai con trai của chàng đứng hai bên. Chúng cũng được mặc áo quần chỉnh tề; áo dài bằng lụa, tóc quấn đuôi sam buộc giải lụa màu đỏ. Bé Ba đã bắt đầu biết đi, người nhũ mẫu cầm đầu một giải thắt lưng lụa, và để cho nó chập chững bước đi khắp nơi trong phòng.
Trang ngồi gần cửa lớn. Đavít biết rất rõ cái khuôn mặt xinh đẹp và trầm tĩnh ấy.
Lũ gia nhân cũng áo quần tươm tất tụ họp đông đủ để nghe cậu chủ kể chuyện.
Đavít nâng chén trà Tàu nhấp giọng rồi bắt đầu kể:
- Chắc mọi người ai nấy đều biết, không dễ gì mà được triều yết Thái Hậu. Tôi phải chờ đợi hơn hai tiếng đồng hồ liền trong một căn phòng nhỏ không có ghế ngồi cũng không có trà nước gì cả. Ngoài tôi ra còn có các người khác đã được phép vào triều yết Thái Hậu sáng hôm nay. Một vị hoạn quan đã dẫn chúng tôi vào và bảo chúng tôi đợi ở đấy. Chính quan Tổng Thái giám sẽ gọi tên chúng tôi. Khi ông này đến, trước hết ông chỉ bảo cho chúng tôi cách triều yết như thế nào, quỳ lạy tung hô vạn tuế ra sao. Hôm ấy đức Đông Cung Thái Hậu se mình nên chúng tôi chỉ được hân hạnh triều yết đức Tây Cung Thái Hậu. Người ta dặn chúng tôi không được nhìn thẳng vào tấm bình phong hoàng gia mà chúng tôi đứng ở phía sau.
Thằng con lớn của Đavít nói:
- Ba, ba có thấy Thái Hậu không ba?
Đavít lắc đầu:
- Không ai có thể nhìn thấy Thái Hậu con ạ. Ngài là Hoàng Thái Hậu, nhưng ngài cũng là một người đàn bà. Một bà rất đẹp và là góa phụ, Ngài có những cử chỉ hết sức là trang nghiêm.
Cuối cùng, chúng tôi được mời vào tất cả một lượt. Tôi được xếp vào hàng thứ ba.
Thằng con lớn lại hỏi:
- Tại sao lại thứ ba hở ba?
Đavít tỏ vẻ bực mình vì thằng bé. Trang từ từ đứng dậy kéo đứa trẻ đến bên nàng và quàng lấy nó trong vòng tay mình.
Đavít tiếp tục:
- Tôi được xếp vào hàng thứ ba là vì tôi không có phẩm trật gì chính thức như hai người quì trước mặt tôi. Tuy vậy, trong số người không có phẩm trật, tôi là kẻ đứng đầu vì ông Khương Sơn là một người tiếng tăm trong thành phố của chúng ta và vì quan Tổng đốc tỉnh mình thường nhắc nhở đến tên ông Khương Sơn ở triều đình.