Trang - Chương 12 - Phần 1

12

Trên đường trở về Khai Phong, Đavít đăm chiêu ít nói. Phong cảnh mới lạ và đẹp đẽ mà khi đi, Đavít thích thú bao nhiêu thì nay chàng dửng dưng với tất cả. Tuy nhiên cảnh vật vẫn đẹp đẽ, có thể nói được rằng đẹp hơn trước nhiều, vì ruộng vườn cây cối đang hồi xanh tươi nhất. Người ta đã gặt lúa mì và ở miền Bắc những cánh đồng kê cao vút, bao la. Mùa này là mùa của trộm cướp vì cây kê mọc rất cao, kẻ cướp dễ ẩn mình trong ruộng kê để chÆn đón khách qua đường. Đavít cảm thấy không yên tâm khi gần đến bờ sông. Vận chàng rất hên, chàng được tin bọn cướp vừa ăn hàng ở các làng phía trước, nhưng trên đường đi chàng chẳng gặp một mống nào xuất hiện cả.

Số là lũ cướp bị một vố nhầm lẫn lớn, quan Tổng Đốc trên đường lai Kinh nhưng chúng tưởng là một vị phú thương, đã ùa ra chặn đường đòi tiền mãi lộ. Khi toán quân hộ tống tiến lên chống cự, lũ cướp đâm ra bối rồi và sau một hồi xáp chiến ngắn ngủi chúng bị đại bại phải rút về sào huyệt trên núi để ẩn trốn.

Đánh úp quan Tổng đốc hoặc bất cứ một vị quan nào khác của triều đình đều bị xem như là phản loạn. Viên đại đầu lĩnh cho người mang lễ vật đến dâng quan Tổng đốc để tạ tội. Hắn ta vô cùng cay đắng vì đã nhầm lẫn để bộ hạ đánh cướp một nhân vật cao trọng như thế; hắn hứa sẽ chặt đầu tên đầu mục đã chỉ huy vụ cướp để dâng lên quan Tổng đốc khi nào ngài muốn.

Quan Tổng đốc dạy tha cho những kẻ đã lầm lỡ, nhưng ngài truyền phạt chúng bằng cách cấm trong một tháng không được chặn đường cướp bóc bất cứ ai trên quãng đường từ bờ sông đến kinh đô. May thay Đavít và gia đình chàng lại đi nhằm vào lúc lũ cướp bị phạt án binh bất động ấy.

Họ đã đến được bờ sông, xuống một chiếc ghe mành để dong buồm trở về Khai Phong. Trên mặt sông vẫn có thể bị lũ thủy khấu đánh cướp, nhưng nhờ cờ hiệu của Hoàng cung đã treo trên cột buồm lúc ra đi nên lũ cướp không dám vọng động.

Cuộc hành trình bằng thuyền mành rất chậm, vì đang độ giữa mùa hè, ít gió, mà thuyền chàng đi về phía tây nên bị dòng nước ngược.

Đavít có thì giờ thư thả để ngồi tư lự một mình trên boong thuyền và nhìn ngắm phong cảnh trên bờ chầm chậm giàn trải trước mắt. Trên boong thuyền người ta đã căng một tấm vải dày để che ánh nắng thiêu đốt của mùa hè, bên dưới, Đavít ngồi dựa trên một đống gối, thân xác rất là êm ái nhưng tinh thần thì quá đỗi đau đớn, lo âu. Nỗi khổ tâm trong lòng đã làm cho chàng hóa ra dịu dàng với vợ với con. Chàng chú ý đến vợ con hơn trước, chàng kiên nhẫn nghe lũ trẻ tán chuyện và lịch sự chịu đựng cái tính khí khá thất thường của Quí Lan. Trong mấy năm gần đây, Đavít đã dần dà quen thói nổi nóng với vợ. Nhưng giờ đây chàng đã tự chủ được mình và đã cố gắng ngọt ngào với vợ ngay cả khi nàng nói những điều phi lý, ngu ngốc nhất. Chàng luôn miệng giải đáp các câu hỏi thắc mắc của lũ trẻ, chàng phải cầm sợi dây buộc ngang thắt lưng thằng bé nhỏ nhất để nó khỏi ngã xuống sông. Chàng đã thay đổi rất nhiều.

Không có gì qua khỏi mắt Trang, nàng biết tất cả những đổi thay đó và đau đớn nhận thấy rằng chàng đã không ban phát lòng nhân ái ấy cho mình. Đavít đã lẩn tránh nàng. Nàng nhận thấy điều đó rõ ràng hơn nhờ những ngày chung sống trên chiếc thuyền chật hẹp. Vào những lúc chiều tối, sau khi lo xong việc bổn phận, nàng lên trên boong thuyền, nhưng không bao giờ gặp chàng. Ngay cả những đêm trăng sáng vằng vặc cũng không thấy chàng lên boong thưởng ngoạn. Chàng tìm cách để khỏi phải gặp nàng một mình, chàng không nói với nàng những gì khác hơn là những câu hỏi liên quan đến vợ con chàng và luôn luôn trước mặt những người khác. Nàng rất lấy làm khổ tâm, tự hỏi phải chăng vì nàng, chàng đã phải hấp tấp rời khỏi Bắc Kinh nơi mà chàng dự tính ở lại lâu ngày. Nàng thở dài. Trang đau khổ nghĩ rằng, Đavít cũng giống như mọi kẻ đàn ông khác, đã đâm ra ít yêu thương một cô gái chỉ vì cô ta mà mình phải ép lòng hy sinh một vài thích thú cá nhân. Trang cảm thấy ân hận. Lẽ ra, nàng không nên để chàng vì nàng mà phải hy sinh gì cả. Trang vừa thất vọng vừa tự kiêu. Trang quyết nếu Đavít vẫn giữ một thái độ như vậy, nàng sẽ thận trọng hơn, và có lẽ, nàng sẽ từ giã để ra đi. Nhưng đi đâu? Nàng biết đi đâu bây giờ! Nàng thầm nghĩ: “Ta phải ẩn nấp trong nhà Đavít như những con chuột nhắt, như những con dế mèn…”

Nếu Đavít nhận thấy thái độ lẳng lặng của Trang, nếu chàng đoán biết lòng nàng bị tổn thương nặng nề, chàng vẫn không để lộ ra.

Ngày này sang ngày khác, đã quá nửa mùa hè, chiếc thuyền mành về gần đến phủ Khai Phong. Đavít sai người chạy đi trước thông báo cho cha chàng hay, nếu thuận buồm xu«i gió, họ sẽ về đến nhà trong vòng một tuần lễ nữa; nhưng nếu trời trở gió hoặc gặp giông bão, phải hai tuần nữa mới tới nơi. Đavít ước mong về đến nhà trước cuối hè, mùa của các cơn giông bão, thuyền bè đều phải cập bến để ẩn nấp.

Trong mấy ngày đầu, thuyền thuận gió, mấy ngày sau người ta phải dùng dây để kéo và vào khoảng mười ngày ai nấy đều thấy rõ các bức tường thành thị trấn hiện ra giữa cánh đồng xa xa. Mọi người đều sung sướng được nhìn lại bờ sông quê cũ. Trên bờ sông, ông Era, ông Khương Sơn và các con trai của ông đang chờ đón gia đình Đavít. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng các xe lừa, các chiếc kiệu, và phu khuân vác.

- Kìa, con! - Ông Era reo lên vui vẻ. Ông ôm lấy Đavít trong tay và áp má vào vai con. - Ba không ngờ con về sớm thế. Ba nghĩ, con ở lại ít nhất sáu tháng là ít. Nhưng được gặp lại con, ba mừng lắm.

Ông Khương Sơn khẽ gật gật cái đầu ra chiều thương mến, ông siết chặt tay Đavít, đón con gái ông, vuốt ve các cháu ngoại của ông và chào Trang rồi mọi người tất cả đều lên xe lên kiệu trở về nhà. Nhà chức trách đã cho lệnh đốt pháo tại cửa thành thị trấn và trước nhà ông Era. Hai vợ chồng lão Hoàng cũng treo pháo đốt giữa buổi tiệc mừng vui sum họp của gia đình.

Trang cảm thấy sung sướng được thoát khỏi bao hiểm nguy để trở về sống một cuộc đời bình lặng sau những cánh cửa khép kín này.

Khi bước vào nhà, Trang hỏi thím Hoàng:

- Không có gì thay đổi cả chứ thím?

- Không có gì. Chỉ có điều là con chó…

- Con chó chết rồi sao?

Thím Hoàng gật đầu xác nhận:

- Sau khi chị đi, con chó buồn ủ rũ. Nó không ăn không uống gì cả. Tôi đã mua thịt băm cho nó, tôi đã mua gan heo cho nó ăn, nhưng nó chỉ liếm một chút rồi bỏ đi.

Trang nói:

- Đáng lẽ tôi phải mang nó đi theo.

Thím Hoàng đáp:

- Nếu chị mang nó đi theo thì nó lại nhớ nhà. Rốt cuộc rồi nó cũng chết.

Trang không nói gì thêm. Con chó nhỏ chết đi nàng cảm thấy thiếu thốn rất nhiều. Sau khi đã săn sóc mợ chủ và lũ trẻ, Trang trở về phòng riêng nhưng nàng cảm thấy không thể chịu nổi sự thanh vắng ở nơi đây. Nàng cảm thấy lẻ loi xa cách mọi người tất cả. Nàng ngồi xuống thút thít khóc và chốc chốc lại thở dài. Cái ổ rơm của con chó vẫn còn nằm dưới gầm bàn. Trang nhìn nó vẻ thương cảm; nàng tự hỏi có nên mua một con chó khác không? Chó thì nhiều, dễ kiếm và không có ai quan tâm gì đến việc chúng chết hay sống. Nhưng Trang chỉ muốn con chó nhỏ của nàng, con chó mà nàng đã nuôi nấng bấy lâu và nay đã mất, mất hẳn. Nàng ân hận vô cùng, nàng chỉ muốn độc chiếm.

- Ta ngốc thật. - Nàng lẩm bẩm. - Ta yêu một cách quá hẹp hòi.

Trang nghĩ đến con chó nhỏ nhưng tư tưởng của nàng hướng về Đavít. Rồi nàng lại trách mình tại sao cứ yêu Đavít mãi không thôi, trong lúc đó nếu là một người đàn bà khác thì người ta đã rút lui, chọn một tấm chồng và sung sướng với đàn con, sống một cuộc đời bình lặng vui vẻ mặc dầu đã không được cùng người yêu kết tóc xe tơ. Nhưng dầu nghĩ sao thì nghĩ, Trang vẫn không có thể thay đổi được sự trì chí của con tim. “Ta phải bằng lòng với hoàn cảnh của ta hiện tại”. Trang buồn rầu tự nhủ trong khi hai hạt lệ lăn tròn trên khuôn mặt yêu kiều. Nàng đứng dậy tắm rửa, chải đầu, thay áo quần và đi lo công việc bổn phận đối với vợ và con của chàng.

Tôi hôm ấy Đavít thức khuya để nói chuyện với cha chàng. Ngày đầu, chàng ăn tối với ông Era và hẹn sẽ dùng bữa với ông Khương Sơn vào hôm sau. Chàng và cha chàng có nhiều chuyện cần bàn bạc. Đavít nhận thấy cha mình gầy sút mặc dầu ông cứ khăng khăng bảo rằng ông vẫn khỏe mạnh. Càng nhìn kỹ, Đavít càng nhận thấy cha chàng đã là một ông già. Hai má đã xếp nếp nhăn, mi mắt xệ xuống. Ông phàn nàn rằng bên hông trái của ông như cứng đờ, ông phải kéo lê một chân khi đi. Tuy nhiên đôi mắt ông vẫn còn tinh anh và giọng nói vẫn trầm hùng như bao giờ.

Đavít hỏi:

- Bất thình lình, ba cảm thấy cứng bên hông trái hay là mỗi ngày một ít?

- Cách đây hai tháng, một hôm ba ngủ dậy bỗng thấy cứng ở bên hông. Vài hôm sau, lưỡi ba đóng vớn, ba nói một cách khó khăn vì cái lưỡi như bị cứng lại. Thím Hoàng liền đi mời thầy lang đến bắt mạch cân thuốc. Sau khi uống vài thang, ba thấy đỡ hơn.

- Từ nay con phải đỡ đần công việc cho ba nhiều hơn ba ạ!

- Điều đó đã được quyết định xong xuôi rồi con ạ. Trong lúc con vắng nhà, ba đã đặt con thay ba điều khiển tất cả mọi công việc thương m¹i, và kể từ bây giờ chính con là người có quyền chấp thuận hay bác bỏ, con định đoạt tất cả. Bác Khương Sơn cũng thế, bác đã giao quyền cho anh hai bên ấy. Hai con sẽ đứng đầu công ty, hai ta sẽ nghỉ dưỡng già, nếu cần chỉ cho ý kiến đôi chút thôi.

Đavít xúc động và hãnh diện. Tuy nhiên, chàng không sao khỏi cảm thấy buồn, vì đây là ngày bắt đầu vào hồi kết thúc cuộc đời của cha chàng. Trong khi chàng đạt đến sự trưởng thành toàn diện về thể xác thì cha chàng suy yếu dần. Đó là bước đi không thể tránh được của các thế hệ, không có gì có thể ngăn cản nổi. Đavít tự nhủ, từ nay cho đến ngày cha chàng nhắm mắt lìa đời, chàng sẽ tỏ ra rất ngọt ngào, rất mềm mỏng đối với người và sẽ chiều theo mọi sở thích của người.

Bất giác, ông Era nói:

- Mẹ con mất đi ba thấy hiu quạnh lẻ loi quá!

Ông nhìn Đavít, mắt rưng rưng; ông đưa tay lên chùi ngấn lệ. Đêm đã khuya, bốn bề yên tĩnh, một cơn gió nhẹ khẽ thổi qua các sân thanh vắng, tăm tối, dịu dàng lọt vào các khung cửa mở làm những ngọn nến run rẩy.

Đavít bình tĩnh nói:

- Mẹ con chết đi, mọi người đều cảm thấy thiếu thốn, tiếc thương. Đối với mỗi một chúng ta, ai ai cũng đều biết rõ trong nhà không còn như cũ kể từ khi mẹ con nhắm mắt.

Ông Era dường như nghe một cách khó khăn. Ông ngồi dựa ngửa ra chiếc ghế bành, hai tay bấu chặt vào thành ghế.

Ông buồn rầu nói:

- Ba nghĩ đến cuộc chung sống của mẹ con và ba không phải là một cuộc sống chung dễ dàng đâu con ạ. Mẹ con không phải là một người dễ uốn nắn; bà sắt đá vô cùng, cho đến khi ba quen được cách hiểu bà. Ba không bao giờ có những hành động, những cảm nghĩ như mẹ con. Mẹ con tính khí thất thường. Đôi khi bà dùng sự giận dữ để đối lại với giận dữ, cũng có đôi khi bà dùng tình yêu hoặc nụ cười để đáp lại sự giận dữ của ba.

Ba phải chọn lấy khí giới của ba. Ba phải luôn luôn thay đổi để đáp lại sự đổi thay của mẹ con. Tuy nhiên, trong cái tính khí thất thường của mẹ con, có một sự thuần khiết không thể bì được. Nghĩ lại, trong thâm tâm mẹ con rất tốt và ba có thể tin cậy mẹ con. Mẹ con không bao giờ có thể phản bội Chúa và lừa dối ba. Mẹ con là một người đàn bà chân chính.

Đavít không nói gì. Trước đây chàng chỉ nhìn thấy ông bà Era qua hình ảnh của một người cha và một người mẹ, bây giờ chàng đã bắt đầu nhìn thấy nơi họ một người đàn ông và một người đàn bà. Chàng chưng hửng nghĩ đến hai người đã sinh ra chàng, như tách biệt khỏi chàng, nghĩ đến cuộc đời thân mật thầm kín của một người đàn ông và một người đàn bà…

Ông Era lại tiếp:

- Mẹ con là một người thông minh. Bà quá đỗi thông minh vì ba nhận thấy ba thua bà nhiều điểm. Hồi ba còn trẻ, điều đó đôi khi đã làm cho ba buồn, một nỗi buồn vô cớ. Nhưng càng về già, ba càng hiểu đó là ơn phúc Thượng đế đã ban cho ba. Con hãy xem bác Khương Sơn! Một con người cô độc, phải không con? Bác ấy ít khi nói đến vợ, họa hoàn lắm ba mới thấy bác gái… một con người đần độn, phải thế không Đavít? Nhưng bác Khương Sơn lại là một người tế nhị, trí thức, - bác ấy không có thể đi lăng nhăng bên ngoài. Ba cũng thế. Khi một người đàn ông đã biết một người đàn bà như mẹ con, - cả thể xác lẫn linh hồn…

Ông Era ngừng lại thở dài và nói tiếp:

- Con ạ, trong thời gian con đi vắng và sau khi chú Cao Liên bỏ ba để theo đoàn thương hồ đi về phía tây, ba có đủ thì giờ để suy nghĩ lại suốt cuộc đời ba đã sống với mẹ con. Khi mẹ con mất đi, nguồn an ủi của ba cũng mất theo, nhưng đây là một điều kỳ lạ: ba không ngoan đạo, như con đã biết, nhưng bao lâu mẹ con còn sống, ba cảm thấy nơi ba mọi sự đều tốt đẹp trước mặt Chúa. Mẹ con là lương tâm của ba nhắc ba hối cải những gì mà ba thường chống đối, những hối cải ấy đối với ba rất có giá trị. Bây giờ, ba cảm thấy bơ vơ lạc hướng. Thiên Chúa đã xa ba… Nếu quả có Thiên Chúa?

Đó chính là một câu hỏi, nhưng Đavít không biết trả lời ra sao. Chàng im lặng.

Thấy Đavít không nói gì, ông Era tiếp:

- Ba và con, chúng ta không ai có thể trả lời được có Thiên Chúa hay không. Vì thế, chúng ta không còn là Do Thái nữa con ạ. Ba đã chọn và con cũng đã chọn. Ba có muốn quay trở về con đường chính không?... Nhưng ba vẫn là ba không thay đổi, trong trường hợp này, sự chọn lựa của ba vẫn như cũ, và con cũng thế.

- Con không chắc như ba, ba ạ. Con có thể là một người như thế này… hoặc là một người như thế khác. Nếu Lịch còn sống…

Chàng ngừng lại không nói gì thêm.

- Nếu Lịch còn sống… - ông Era nghĩ ngợi - nếu Lịch còn sống, có thể mẹ con cũng còn sống. Tất cả sẽ khác hẳn, nhưng trước hết chúng ta phải khác.

- Chúng ta sẽ không còn ở đây nữa.

Ông Era nhìn người con ngồi đối diện ông, phía bên kia bàn.

- Con muốn nói rằng…

- Con muốn nói rằng chúng ta không thể ở lại đây, sống giữa những người này một cách riêng rẽ. Tại các nước khác ở Âu châu, chúng ta có thể sống riêng rẽ ba ạ, bởi vì chúng ta bị ngược đãi, chúng ta bắt buộc phải sống như thế. Tại các nước ấy chúng ta liên kết lại với nhau bởi vì không có một dân tộc nào khác muốn chấp nhận dân tộc chúng ta; người ta sát hại chúng ta và chúng ta hãnh diện vì sự sát hại ấy. Chúng ta không có tổ quốc nào khác ngoài sự khốn khổ. Nhưng tại đây chúng ta được mọi người chung quanh đối xử như bạn hữu, chúng ta được tiếp đón niềm nở, được trộn lẫn máu họ cùng máu chúng ta, như thế chúng ta không có thể đền đáp lại bằng cách sống cách biệt họ được.

- Đúng… đúng. Tất cả những gì đã xảy ra đều không thể tránh được.

- Không thể tránh được.

- Và rồi đây các con của con, lũ cháu nội của ba cũng sẽ trộn lẫn nhiều hơn nữa với những người chung quanh chúng ta.

- Vâng, rồi sẽ đúng như vậy.

Ông Era nghĩ ngợi:

- Như thế rồi đây dân tộc chúng ta sẽ biến mất sao?

Đavít không nói gì. Thật không thể nào tránh được, như chàng đã nói; khi một dân tộc tỏ vẻ niềm nở và công bằng đối với một dân tộc khác, bức tường ngăn cách giữa đôi bên sẽ sụp đổ, và họ sẽ trở thành một thành phần của nhân loại. Nhưng đàn cháu chắt sau này sẽ không còn biết gì hơn nữa, chúng quên ngay cả cái tên Era; chúng sẽ bị biến mất như một nắm cát vãi vào sa mạc hoặc như một cốc nước đổ xuống biển cả mênh mông.

Đavít trầm ngâm nghĩ đến đàn cháu chắt dài lê thê do dòng máu của chàng sinh ra… con của con chàng, con của cháu chàng… Chàng tưởng chừng như nhìn thấy chúng quay mặt lại phía chàng và hỡi ôi tất cả đều là những khuôn mặt Tàu chính cống.

Đột nhiên ông Era nói:

- Ờ, tự nhiên chúng ta hóa buồn. Những gì đã lỡ không thể sửa đổi lại được. Bây giờ con hãy kể cho ba nghe chuyến đi của con.

Đavít chợt tỉnh; chàng vắn tắt kể lại hết cho cha chàng nghe về vẻ huy hoàng tráng lệ của Bắc Kinh, cái phong thái trang nhã, vẻ sang trọng quí phái của những người sinh sống tại chốn đế đô. Chàng kể cho cha chàng nghe chàng đã ăn ở đâu, uống ở đâu, tiêu khiển ở đâu, và cuộc triều yết Tây Thái Hậu đã diễn ra như thế nào; những tin đồn ra sao về chàng, và cuối cùng chàng nói đến cái lý do đã buộc chàng phải lập tức rời khỏi đế kinh trong đêm khuya tăm tối.