Trang - Chương 13 - Phần 3 (Hết)
Ni bà nhìn nàng thương hại. Ngày xưa bà cũng đã nhiều lần khóc trắng đêm, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi được vòng tình ái và những ràng buộc của con tim. Nhưng sau đó, vết thương lòng đã lành lặn, con tim không còn xao xuyến nữa, tất cả đều lãng quên trong quá khứ. Mỗi khi ni bà chợt nhớ lại quá khứ hoặc một kỷ niệm đột nhiên hiện ra trong bức màn đen của tâm tư, bà chỉ cảm thấy sự dịu dàng của quãng thời gian chung sống cùng chồng mà không còn buồn phiền đau khổ nữa.
- Không cần gì phải quyết định vội vã bây giờ con ạ. - Bà nói với Trang. - Để xem lòng con khuây khỏa ra sao đã.
Thím Hoàng gật gật đầu, vẻ thận trọng. Thím ra về.
Khi thím Hoàng đã ra về, ni bà ngồi xuống ghế.
Trang vẫn đứng. Lời của vị ni bà rất dịu dàng nhưng nó vang dội tận cõi lòng Trang như những tiếng chuông chùa.
- Mô Phật, ni bà muốn nói rằng con sẽ thôi không còn yêu cậu ấy nữa có phải không ạ?
Ni bà mỉm cười:
- Tình yêu sẽ biến đổi. Khi ngọn lửa tình đã tắt, ánh sáng nó vẫn còn tỏa ra, nhưng không còn tập trung vào một người mà sưởi ấm toàn diện linh hồn. Bây giờ, linh hồn ấy sẽ bào trùm tất cả chúng sinh trong một tình yêu vô lượng.
Trang im lặng đứng nghe, chiếc áo màu lam lụng thụng trên người nàng. Ni bà cảm thấy tự đáy lòng mình dâng lên một tình xót thương cô gái trẻ.
Một lát sau Trang nói:
- Mô Phật, con có phải trình cho ni bà hay lý do tại sao con đã đến đây không?
- Mô Phật, con chỉ nói khi nào điều đó mang lại cho lòng con niềm an ủi.
- Không có luật lệ nào buộc con phải khai tại sao con trốn vào đây sao?
- Không. Tất cả chúng ta vào đây là vì phiền muộn. Những gì trong quãng đời trước của chúng ta đã hiện ra như một vật quái gở nên chúng ta phải tìm nơi nương náu. Chỉ có một điều mà ta quan tâm nhất là con phải độc thân, vì nếu có chồng ta phải được phép của chồng con mới được.
- Con nói thật, con không có chồng.
- Vậy thì con hãy sống nơi đây, sống trong sự bằng an. Trời ở trên chúng ta và đất ở dưới tất cả mọi người.
Dứt lời, bà đứng dậy bước ra khỏi phòng.
Trang đứng lặng một hồi lâu; nàng không cảm thấy mệt mỏi cũng không cảm thấy đau đớn gì. Một sự bình an sâu xa tràn ngập tâm hồn nàng.
oOo
Trang sống trong tu viện ba năm trời.
Nàng đã dùng cái thời gian đó để dẫn đưa ngọn lửa từ đáy sâu của lòng nàng, biến thành ánh sáng tỏa ra bên ngoài như lời ni bà viện trưởng đã nói. Trong suốt thời gian này Trang không gặp Đavít lần nào. Nàng không hề bước chân ra ngoài mà đàn ông thì không được phép vào bên trong chùa sư nữ.
Trang khởi sự việc tu trì ngay vào ngày sau, khi thím Hoàng ra về. Nàng bắt đầu học giáo lý nhà Phật, học các nghi thức tụng niệm, lãnh phần công việc hằng ngày như quét tước chùa chiền, săn sóc vườn tược, phụ giúp nấu nướng v.v… và sau khi vị ni bà niên trưởng trong tu viện xuống tóc cho Trang, giai đoạn tập tu của nàng đã chấm dứt. Nàng tuyên hứa và trở thành ni cô. Cuộc sống thầm lặng của tâm tư nàng đã khép kín. Ni bà trụ trì đã đặt cho nàng một tên mới là Chính An.
Trong năm đầu, Quí Lan chỉ đến thăm nàng có hai lần, nhưng hai năm sau Quí Lan đến gặp nàng luôn.
Trang rất trầm lặng, còn Quí Lan thì vẫn luôn luôn liếng thoắng, hết nói chuyện này đến chuyện khác luôn mồm. Cô ta tọc mạch, thấy gì cũng nhìn cũng hỏi. Quí Lan còn kể cả các việc lặt vặt trong gia đình nữa. Nhờ thế, Trang mới biết hai vợ chồng thím Hoàng đã trở về quê sống cùng các con trai họ. Nàng còn biết thêm rằng, sau khi ông Era chết đi. Arông tính nào vẫn tật nấy. Hắn trở lại bê tha, lười nhác như cũ. Tức giận, Đavít đã bảo các con trai của ông Cao Liên dẫn nó đi theo đoàn thương hồ. Các con ông Cao Liên nay nối nghiệp cha, họ thay ông chỉ huy đoàn thương hồ, vì thân sinh họ đã quá già yếu. Họ đã bỏ rơi Arông lại tại một xứ miền Tây. Dân Do Thái tại đây sẽ có cách cải thiện hắn. Từ đó không ai còn nghe nói đến hắn nữa.
Sáu năm đầu, Quí Lan đến chùa luôn. Cô ta đã sinh đứa con thứ tư, và khi đầy tháng, Quí Lan bồng nó đến thăm Trang.
Quí Lan hãnh diện vì có nhiều con trai nhưng khi các ni cô đi tản mát, để lại một mình Quí Lan với Trang, cô ta mới tỏ rõ rằng cô chẳng mấy thích thằng bé này.
Cô ta chỉ thằng bé trong tay chị vú nói lớn:
- Trang xem đấy, nó có phải là con tôi không?
Quí Lan không thể nào gọi người tì nữ cũ của mình khác được.
Trang cười nói:
- Thì chính cô đã sinh ra nó mà?
Trời đã nâng nàng lên ngang hàng với Quí Lan. Nàng không còn phải “thưa mợ chủ” như trước kia nữa.
Quí Lan bĩu môi:
- Nó Tây giống hệt như là bà nội nó.
Trang không thể nín cười được. Thật vậy nó giống bà Era như tạc. Khuôn mặt nó có những đường nét thô và mạnh. Trang ra hiệu bảo chị vú trao thằng bé cho nàng. Đặt đứa nhỏ trên gối, nàng xem kỹ chân tay nó và nhận thấy tất cả đều lớn và thô.
Nàng nói:
- Sau này nó sẽ rất cao lớn. Cô xem trái tai của nó đây này, trái tai dài biểu hiện lòng quả cảm và khôn ngoan. Thằng bé này ngày sau sẽ gặp rất nhiều may mắn.
Nàng đã an ủi Quí Lan như vậy và cô ta rất lấy làm cảm kích. Cô năn nỉ:
- Về nhà chơi ít bữa đi Trang. Tại sao lâu nay không về thăm nhà lần nào cả thế? Ngày nay lũ gia nhân không còn vâng lời tôi như trước kia đã vâng lời Trang. Thằng cu lớn biếng học quá chừng, hôm qua cha nó đánh một trận nhừ tử vì thế. Tôi khóc, cha nó còn trút cả giận lên đầu tôi nữa. Nếu cô về, mọi người sẽ nghe lời cô như từ trước họ đã nghe cô, Trang ạ.
Trang mỉm cười lắc đầu. Nàng trao trả đứa bé cho chị vú.
Quí Lan nói để làm vui lòng Trang:
- Trang ạ, khi nào cô cũng vẫn thế, mặc dầu đã xuống tóc quy y.
Trang chột dạ. Phải chăng câu nói đó đã lột trần những nỗi niềm thầm kín của lòng nàng. Có phải vì đầu nàng đã cạo trọc, vì nàng đã trở thành ni cô nên nàng không dám gặp mặt Đavít nữa? Trước vẻ mặt nghiêm nghị và im lặng của nàng, Quí Lan ngỡ rằng mình đã thuyết phục được Trang.
Hôm ấy, khi trở về nhà, Quí Lan đã nói cùng Đavít rằng cô đã mời được Trang về thăm nhà một ngày. Đavít trở nên nghiêm nghị và lặng thinh, không nói gì.
Trong phòng riêng, Trang ngồi xét mình một cách nghiêm khắc. Nàng tự nghĩ: “Quả thật mình đã sợ Đavít nhìn thấy mình như thế này”.
Các ni cô không có dùng gương, trong phòng Trang đổ một thau nước đầy và cúi soi mặt. Trong cái ánh sáng yếu ớt của buổi chiều tà, khuôn mặt nàng phản chiếu lờ mờ trong thau nước. Đây là lần đầu tiên Trang nhìn thấy cái đầu trọc lóc xấu xí của nàng. Nàng không nhìn thấy gì khác cả, không nhìn thấy đôi mắt u buồn trầm tĩnh, cũng không nhìn thấy đôi môi hồng thắm, khuôn mặt diễm kiều… Bây giờ đối với nàng hình như tất cả sắc đẹp của nàng đều qui tụ ở mái tóc đen nhánh, ở hai con rết quấn trên tai và ở nơi những đóa hoa mà nàng thường cài lên mái đầu. Trang nhìn mãi rất lâu, đoạn nàng hắt thau nước qua cửa sổ, xuống hàng huệ mọc sát chân tường.
“Để Đavít nhìn thấy ta bây giờ, thật là một hình phạt quá nặng nề đối với ta”, nàng tự nghĩ.
Tuy nhiên, hai năm sau đó Trang đã đến nhà Đavít. Quí Lan đã sinh đứa con thứ năm, một bé gái kháu khỉnh và đang mang thai đứa thứ sáu. Một hôm, một con ở hấp tấp chạy đến chùa năn nỉ ni cô Chính An về nhà gấp vì đứa con đầu của Đavít sắp chết. Nó đưa cho nàng một mảnh giấy gấp tư. Nàng đọc vỏn vẹn mấy chữ:
“Xin hãy thương con tôi mà trở về nhà gấp”.
Nàng bảo con ở:
- Được, tôi sẽ đến.
Rồi nàng vội vã xin phép ni bà trụ trì. Trong mấy năm rày ni bà đã quá già, quá yếu, không bước chân ra khỏi cửa phòng một bước. Bà tỏ ra rất tốt đối với mọi người nhưng đặc biệt yêu thương ni cô Chính An. Bà xem nàng như chính con ruột của bà vậy.
Ni bà cầm lấy tay nàng, dịu dàng hỏi:
- Ngọn lửa lòng con đã tắt chưa?
- Mô Phật, lòng con đã nguội lạnh.
- Vậy thì con hãy đi đi. Ta sẽ cầu nguyện cho đứa bé mau lành.
Ngày hôm ấy Trang rời khỏi chùa, nơi nàng nương náu bấy lâu và đã trở thành gia đình của nàng. Trên đường phố về nhà Đavít, quả tim nàng đánh như trống trận để trấn an, nàng vừa đi vừa niệm Phật liên hồi và tay lần tràng hạt bằng gỗ Ấn Độ màu nâu.
Khi bước qua cánh cổng quen thuộc ngày xưa, nàng gặp Đavít đang đứng đợi. Tim nàng càng đập mạnh hơn, nhưng nhờ ý chí mạnh mẽ, nàng đã trấn tĩnh được. Nàng bạo dạn nhìn thẳng Đavít, không một chút e sợ. Trong đôi mắt nàng không lộ vẻ gì khác ngoài tình thân mến thông thường.
Đavít reo lên:
- Trang!
Biết chàng đang nhìn ngắm mình và kiếm tìm những gì đã thay đổi trên người mình, Trang mỉm cười nói:
- Tên tôi là Chính An.
Nàng không còn sợ nụ cười của mình nữa.
- Anh vẫn luôn luôn tưởng nhớ đến em, Trang của anh.
Nàng không đáp mà chỉ hỏi:
- Thằng bé đâu rồi?
Họ bước song song. Tay lần tràng hạt, nàng cố nén con tim. Nàng đã quên Đavít cao lớn và sức mạnh hơn nhiều. Chàng không còn xuân trẻ như trước, mà đã trở thành một người đàn ông chững chạc đầy nghị lực và quả cảm. Nàng có thể kiêu hãnh về chàng mà không tội lỗi. Nàng ngước nhìn Đavít và bắt gặp nét nhìn của cậu chủ cũ.
Đột nhiên Đavít nói:
- Đã bao năm rồi nhưng Trang không thay đổi gì hết ngoài mái tóc.
- Tôi thay đổi nhiều đấy chứ. - Nàng vui vẻ nói. - Hãy đưa tôi đến thăm thằng bé.
Chàng thở dài:
- Ờ, thằng bé…
Họ bước vội đến ngôi nhà mà Đavít đang ở với các con trai chàng. Lũ con trai khi đã đến bảy tuổi đều phải rời khỏi phòng mẹ để đến ở với cha chúng. Đavít dẫn Trang vào phòng của chàng, nơi mà thằng con đầu lòng của chàng đang bệnh, nằm thiêm thiếp trên giường.
Trang nhận thấy ngay thân thế đứa bé dài thõng và xép ve không còn ra thân thể của một đứa trẻ nữa. Nó thở khò khè khó nhọc. Mặt nó đỏ gay vì xung huyết, hai mắt nhắm nghiền.
Trang đưa tay bắt mạch. Mạch nhảy rất mau đến nỗi nàng không có thể đếm được mạch số.
Nàng kinh hãi nói:
- Phải chữa trị gấp, không thể chần chờ được nữa! Màng cổ nó đã bị nhiễm độc nặng.
Cũng như các ni cô khác, Trang đã từng săn sóc nhiều bệnh nhân; nàng biết có một bệnh dịch đang lan tràn trong thành phố. Bệnh này phát sinh vì các cơn gió độc từ miền bắc thổi xuống. Nàng sai một tên đầy tớ mang đến một ngọn đèn, tim thật dài và một tên khác đi cắt một đoạn trúc nhỏ, còn non. Trong lúc chờ đợi, nàng nhúng vải vào nước thật nóng, vắt khô và quấn quanh cuống họng để làm ấm các bắp thịt ở cổ.
Khi đã có đoạn trúc trong tay, nàng bảo Đavít giữ chặt thân mình thằng nhỏ, còn tên đầy tớ thì cầm hai chân. Rồi nàng từ từ bóp hàm đứa trẻ buộc nó há miệng ra. Nàng đút đoạn trúc non vào sâu trong họng nó và bắt đầu hút rất chậm. Cổ đứa bé bị nghẹt đã thông, nhưng nàng vẫn tiếp tục hút không ngừng cho đến khi một cục máu dần dần chạy vào ống. Nàng rút cái ống ra, đứa bé được đặt nằm lại xuống giường, nó thở hổn hển.
Nàng bảo đứa ở:
- Quẳng cái ống này vào lửa, đốt đi, nó đầy cả chất độc, rồi mang rượu đến đây để ta cho cậu bé uống.
Nàng ngồi yên, quan sát con bệnh. Khi có rượu, nàng đổ một chút vào cổ đứa trẻ. Sau đó, nàng hớp một ngụm rượu để súc miệng và nhổ vào một cái ống phóng bằng bạc đặt ở chân giường.
Đavít vui mừng reo lên:
- Ồ, nó đã khá rồi!
- Nó đã được cứu sống. - Trang nói.
Mặc dầu vậy, Trang vẫn ngồi bên giường bệnh mãi cho đến chiều tối, đến giờ mà luật lệ bắt buộc các ni cô phải trở về tu viện. Nhưng nàng đã trở lại vào ngày hôm sau và các ngày kế tiếp, cho đến khi cậu bé lành hẳn.
Lúc bây giờ nàng nhận thấy Đavít rất cần đến sự giúp đỡ của nàng; nàng phải đến nhà chàng thường xuyên. Chàng lúng túng vì lũ con đang độ lớn, mấy đứa con trai khá hung hăng, còn lũ gia nhân thì biếng nhác và bướng bỉnh. Công việc thương mãi của chàng quá bề bộn, bắt buộc phải vắng nhà luôn.
Trang thấy trước những gì phải xảy ra trong các năm sắp tới, khi lũ con trai cưới vợ, con gái lấy chồng và phải soạn sửa những gì cho cuộc sống rộn rịp của các gia đình to lớn này để sẵn sàng đón nhận các thế hệ mới tương lai.
Trang không còn lo sợ gì nữa cả vì Đavít rất yêu thương vợ. Trang nhận thấy điều này và không thể không đau lòng, mặc dầu nàng đã tự hỏi tại sao lại phải đau lòng như vậy. Không phải chính nàng đã đưa Quí Lan vào trong cái gia đình này là gì? Và cũng chính vì Quí Lan mà nàng đã thoát ly khỏi cái gia đình này là gì? Cuộc hôn nhân mà nàng đã tán trợ đã đơm hoa và kết quả. Đavít và Quí Lan đã được kết hợp bởi sợi dây thân mật và xác thịt, của căn nhà, của gia đình, con cái và của sự thịnh vượng. Cuộc sống của họ đã buộc chặt vào nhau. Không phải là Trang đã từng mong ước như vậy sao?
Sự bồn chồn dao động trong lòng Đavít đã biến mất. Dường như chàng đã quên đi rằng trước đây gia đình chàng đã sống một cách khác. Tất cả những gì bà Era đã để lại đều bị dẹp bỏ. Bức màn lớn bằng sa-tanh ngày xưa treo ở trên bàn trong gian phòng chính bây giờ đã được thay thế bằng một bức tranh thủy mặc vẽ những hốc đá, những áng mây và những gốc thông già cằn cỗi. Trang không tìm hiểu người nào đã ra lệnh thay đổi các vật ấy, biểu hiện một sự đổi thay trong ngôi nhà này và ngay cả trong lòng Đavít nữa.
Bây giờ chàng đã quá mãn nguyện…
oOo
Như vậy, trong nhiều năm, Trang đi đi lại lại từ tu viện đến nhà Đavít. Nàng bình đẳng với Đavít, Quí Lan. Và dần dà với thời gian, nàng còn vượt lên trên họ. Họ nương tựa vào nàng, nghe theo lời chỉ bảo của nàng, nàng nói với họ bằng giọng nói của một kẻ có nhiều quyền hành.
Ni cô Chính An vào chùa tu thấm thoát đã mười năm. Lúc bấy giờ, ni bà qua đời. Trong mười năm này, Chính An đã tạo được nhiều uy tín, và các ni cô bỏ thăm chọn nàng thay thế ni bà viện trưởng.
Kể từ khi giữ chức ni viện trưởng, ni bà Chính An ít lui tới nhà Đavít vì bây giờ bà đã có gia đình để điều khiển, một gia đình toàn là đàn bà con gái. Bà rất khôn ngoan, không bao giờ làm mất lòng ai, kể cả các người mới vào tập tu đang lo việc bếp núc.
Nhiều năm sau, Đavít và Chính An đã đạt được đến một trình độ hiểu biết thấu đáo và sâu sắc. Với tư cách là ni viện trưởng, Chính An tự do muốn đi về lúc nào cũng được mà không sợ người ta dị nghị. Vả lại Chính An cũng không còn trẻ trung gì.
Hai cậu con trai lớn của Đavít đã có vợ và đều chung sống trong nhà. Cậu con trai thứ ba đã đính hôn. Cô con gái lớn lấy chồng rất sớm, chồng cô người Trung Hoa. Vợ của các con trai Đavít cũng đều là người Trung Hoa cả.
Không có sự hiện diện của cậu con trai thứ tư của Đavít, người ta có thể cho rằng đây là một gia đình Trung Hoa thuần túy. Cậu này lớn lên như thổi nhưng rất ít giống các anh, nhờ cậu, thỉnh thoảng cha cậu còn nhớ đến nguồn gốc của mình là Do Thái. Lòng đầy nhiệt huyết, sức khỏe dồi dào, tính tình bồng bột, hăng hái, cậu trai thứ tư này luôn luôn gây xáo trộn trong nhà. Chính An đã phải phì cười vì cậu. Bà thích cậu hơn tất cả mấy đứa con khác của Đavít. Cậu trở thành một thứ con riêng của bà, người chưa bao giờ mang nặng đẻ đau ấy. Cậu thường hay cãi lý với cha. Một hôm Chính An gặp hai cha con đang cãi nhau, bà nói:
- Hãy để nó cho tôi. Tôi hiểu nó hơn anh bởi vì nó giống anh hơn anh tưởng nhiều.
- Tôi không bao giờ giống cái thứ điên khùng ấy cả.
Chính An chỉ mỉm cười.
Ngày tháng trôi qua dần, cả ba người, Chính An, Đavít và Quí Lan, càng về già họ càng tỏ ra khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn. Chính An và Đavít nhiều kinh nghiệm hơn Quí Lan. Họ xem Quí Lan như một cô gái quý, một cô gái không còn quá trẻ, họ cưng chiều bà và thỉnh thoảng trêu cợt bà nữa. Bà để cho họ cưng chiều mặc sức, nhưng sẵn sàng uốn ba tấc lưỡi để trả lễ mỗi khi họ giễu cợt bà. Tuy nhiên bà đã luôn luôn nương tựa vào tình thương yêu của hai người, như bà là cô gái lớn, cô gái cưng của họ vậy.
Gia đình Đavít đang hồi cực thịnh; ông là một bậc trưởng thượng được tôn kính nhất tại phủ Khai Phong. Trong khi đó, ni bà Chính An lại là một người đàn bà khôn ngoan và thận trọng nhất trong châu thành.
oOo
Tại Khai Phong, ngôi giáo đường Do Thái chỉ còn là một đống gạch vụn. Hết viên gạch này đến viên gạch khác đã bị dân nghèo lượm mang đi. Các khuôn chạm cũng mất tiêu. Ít lâu sau chỉ còn ba tấm bia đá lớn mặt phẳng, nhưng rồi một tấm bị khuân đi. Hai tấm còn lại nằm trên mặt đất, ngửa nhìn trời một thời gian khá lâu, nhưng rồi một hôm có một người ngoại quốc theo đạo Thiên Chúa đến hỏi mua.
Điều này đã làm cho dư luận xôn xao rất nhiều.
Chính cậu con thứ tư của Đavít biệt danh là “cậu Cao” đứng bán các tảng đá này.
Quan Tổng đốc tức giận vô cùng, ngài cho điệu cậu vào và quát lớn:
- Hỡi thằng con vô phúc kia, sao nhà ngươi lại dám bán các bia đá của tổ tiên cho một người ngoại quốc theo đạo Thiên Chúa? Tên ngoại quốc ấy phải lập tức trả bia đá lại, ta sợ nó mang bia đá ra khỏi đất nước này để đưa về xứ mất. Ta sợ tổ tiên ông bà nhà mày rồi đây sẽ trở về trách móc chúng ta.
Quát tháo xong, quan ra lệnh tống giam vào khám.
Nhưng dòng máu của bà Era đang đầy tràn trong huyết quản của thằng Cao; nó gào lên qua song sắt của nhà tù.
- Dẫu các người có chồng chất lên đầu tôi cả một kho vàng, tôi cũng không đòi người công giáo kia trả lại những bia đá ấy. Các bia đá thuộc về tôn giáo của chúng tôi, tuy ở đây tôn giáo của chúng tôi không còn nữa, nhưng tôn giáo của họ bắt nguồn từ tôn giáo của chúng tôi, vì vậy phải để cho ông ta giữ lấy các bia đá ấy.
Thằng Cao được các anh em họ hàng ủng hộ. Họ thưa với quan Tổng đốc rằng, đã trên hai mươi năm nay, các bia đá ấy bị mưa gió dập vùi, không ai săn sóc chở che; vậy tại sao lại chống đối khi người ta đem bán đi.
Không có ai có thể tìm ra được một giải pháp dung hòa. Người ta liền nhờ đến ni viện trưởng là một người biết rất rõ gia đình họ Era. Quan Tổng đốc phái công sai mang thư đến thỉnh ý ni bà. Họ trình thư tại cổng tu viện, vì theo luật, không một người đàn ông nào được phép vào bên trong.
Chính An đã già lắm rồi, nhưng tinh thần còn minh mẫn và rất bình tĩnh. Bà dừng nghe người công sai trình việc. Xong, bà nói những lời khôn ngoan sau đây:
- Thằng cháu nội của cụ Era có cái biệt danh “cậu Cao” ấy là một thanh niên linh hoạt, nóng nảy, như quý vị đã biết. Với tính khí của nó, nó sẽ chịu ở tù suốt đời nếu người ta không tìm cách phóng thích nó trong danh dự. Ta biết cha nó và ông nội của nó. Ta khuyên quí vị nên giải quyết như thế này: Người ngoại quốc kia vẫn giữ những tấm bia thánh mà ông ta đã mua, nhưng không được mang đi khỏi thị trấn của chúng ta. Ông ấy phải dựng trước giáo đường của đạo ông và xây một cái tiêu đình để che giữ hai tấm bia ấy cho các thế hệ mai sau.
Các viên công sai nhìn nhau, gãi cằm và thầm phục sự khôn ngoan của ni viện trưởng Chính An. Họ cảm tạ và cáo từ.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Người ta đã giải quyết nội vụ theo lời khuyên của ni bà Chính An. Tại giáo đường mới, các bia đá vẫn còn tồn tại trong một tiểu đình cho đến ngày nay.
Hàng chữ cổ kính ngày xưa khắc trên mặt đá bây giờ, người ta vẫn còn đọc được như sau:
“Đền thờ của sự thanh khiết và chân thật”
Bên dưới là lịch sử của dân tộc Do Thái và đạo của họ. Về đạo ghi như sau:
“Đạo không có hình thể, không có diện mạo, nhưng đã được lập nên giống như hình ảnh của đạo Trời ở trên chúng ta”.
oOo
Khi lui về phòng riêng, ni bà Chính An trầm ngâm nghĩ ngợi. Các kỷ niệm trong thời quá khứ lần lượt biểu hiện trước mắt bà. Vì một sự ngẫu nhiên, quá khứ của bà đã trộn lẫn vào với quá khứ của gia đình họ Era, với mục đích gì bà không có thể hiểu nổi. Nhưng bà biết tất cả từ cụ Israel đến ông Era, Đavít và cả nàng nữa, một ngày kia cũng sẽ mai một giống như ngôi giáo đường Do Thái đã được tổ tiên họ dựng lên để làm nơi phụng thờ Thiên Chúa của họ. Phải chăng Trang đã hành động sai lầm khi tìm mọi cách để chia rẽ Đavít với Lịch để chàng cưới Quí Lan làm vợ?
Bà suy nghĩ rất lung. Cũng như mọi lần khác trong quãng chiều xế bóng của đời bà, bà đã tìm ra được một lời giải đáp. Ngày xưa bà đã không hành động sai lầm, vì chẳng có gì mất mát cả.
Không có gì mất mát cả, bà thầm nhủ. Do Thái sống mãi trong lòng dân tộc ta. Ở đâu còn nhìn thấy một gương mặt quả cảm hơn, một đôi mắt linh hoạt hơn, một lời nói trong trẻo hơn, một đường phác họa tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ hơn và một pho tượng dũng mãnh hơn, là Do Thái còn ở đấy. Dòng máu của họ sống động trong những thể xác khác và khi những thể xác này chết đi hóa thành tro, bụi, cũng sẽ làm cho đất đai – luôn luôn ân cần tiếp nhận chúng – được thêm phần phong phú. Tuy thể xác họ không còn nữa nhưng tinh thần của họ vẫn còn sống, sống mãi.
HẾT