Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 01 - 02 - 03 - 04
Vĩ cầm có bốn dây.
Chúng tôi có bốn người.
Chúng tôi như bốn dây trên một cây vĩ cầm, bốn dây hoàn toàn khác nhau nhưng phải có đủ bốn dây thì mới tạo nên được những khúc nhạc.
Tôi là dây La bình thản.
Người chị gái mất trí nhớ là dây Rê.
Anh họa sĩ là dây Sol trầm ngâm.
Và... chàng trai chơi dương cầm là dây Mi cao vút, xa vời.
1
-Anh biết không, khoảnh khắc tôi thích nhất trong ngày là khi hoàng hôn lãng đãng buông xuống thành phố. Nhưng nghĩ lại mới thấy, hoàng hôn ngày nào cũng thế, chỉ có con người chúng ta là thay đổi. Anh có nghĩ vậy không?
Em hỏi tôi, nhưng không dừng lại để tôi trả lời, ánh mắt em xa xăm, giọng nói cũng như vọng từ một nơi nào xa vắng.
Em không biết chúng ta đã quen nhau từ những hoàng hôn ấy. Dù sao, em cũng không cần biết.
Tôi biết rất rõ những chiều hoàng hôn lãng đãng buông xuống thành phố của em, ánh nắng hững hờ trôi trên mặt hồ xanh biếc, mơ màng phiêu diêu trong ánh mắt một cậu bé con đang ngồi vắt vẻo bên cửa sổ một ngôi nhà ven đường, lửng lơ trong khói thuốc một ông cụ tóc bạc phơ đội chiếc mũ nồi cũ kĩ, im lìm ẩn mình trong những đóa bằng lăng tím ngắt khung trời, liêu xiêu vương vào một bánh xe bon bon trên đường, mắc lại nơi một bóng cây.
Em chầm chậm đạp xe, đắm mình vào khung cảnh hoàng hôn đẹp như một bài thơ.
Tôi biết em sẽ làm gì sau đó. Em sẽ dựng xe đạp vào gốc liễu quen thuộc, bóng liễu rủ xuống mặt nước phẳng lặng. Em bỏ chiếc hộp đen đeo trên vai xuống, đặt lên ghế đá cạnh đó, một cách vội vã nhưng cẩn thận, em mở hộp đàn, lấy ra cây vĩ cầm đỏ hơn màu hoàng hôn. Em sẽ vặn cái núm tròn kim loại ở đuôi cây vĩ kéo cho đến khi dây thật căng, rồi chà xát vĩ kéo trên một chiếc hộp vuông màu trắng mà khi ấy tôi không biết là gì (sau này mới biết đó là nhựa thông). Em đặt cây đàn lên vai và chỉnh dây, âm thanh ù ù như tiếng nước biển trong vỏ ốc. Rồi em bắt đầu chơi. Vào một ngày đẹp trời, tay em nhảy nhót trên cổ đàn, tiếng đàn của em vui tươi, thắm thiết. Vào một ngày âm u, tay em như cánh bướm rung nhè nhẹ, tiếng đàn da diết, mênh mang. Cũng có những ngày đẹp trời, tiếng đàn thôi không rạo rực mà lại êm ả, khoan thai. Tôi có thể thấy từng thanh âm vô hình song rất đỗi trong sáng ấy vút lên, lóe sáng rồi vụt biến sau vầng mặt trời tím ngắt.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Tôi đứng ở một góc đủ xa để em không thấy và đủ gần để ngắm nhìn em. Ánh mắt em như phủ một làn khói xám, đôi khi hàng lông mày nhướng lên khe khẽ, và một nụ cười thoảng qua trên cánh môi hơi khô.
Có những người dừng lại nghe em chơi đàn. Khi em kết thúc, vài người bỏ đi, vài người vỗ tay rồi định đặt một ít tiền lẻ dưới chân em, em lắc đầu không lấy, họ mỉm cười rồi cũng bỏ đi; vài người hỏi em học nhạc ư, em gật đầu khẽ khàng, và họ cũng bỏ đi; vài người xin chụp ảnh với em, xong xuôi họ cũng bỏ đi. Em thẫn thờ một lúc lâu, rồi cất cây đàn vào, trèo lên xe đạp, và em cũng bỏ đi. Chỉ mình tôi đứng lại, nhìn theo cho đến khi em quặt qua một đường khác, khuất khỏi tầm mắt. Nhưng tôi cũng không đứng lại mãi. Mặt trời đi ngủ, tôi cũng quay bước bỏ đi.
Cô gái bên cạnh tôi khom người dựa vào lan can ban công, những tia nắng sắp tàn nhuốm đỏ gương mặt em. Em quay sang tôi, ánh mắt như có khói phủ nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nói của em nhẹ như không có thực.
- Anh còn nghe tôi nói không?
- Ồ, tất nhiên rồi.
- Vậy sao, anh biết không? Trước đây, tôi cứ nghĩ, cuộc đời giống như một bản nhạc, dẫu buồn tới mấy thì cũng vẫn đẹp. Nhưng hóa ra không phải, cuộc đời hình như khác hoàn toàn, đẹp tới mấy thì cũng vẫn buồn.
Em quay người về phía mảng trời xa lắc, trong một phút, tựa hồ như tôi đã thấy linh hồn em hòa vào ánh tà dương, hệt như lần đầu tiên khi tôi ngắm em chơi vĩ cầm.
*
Hai cô gái, một người là gái làng chơi, còn một người là nghệ sĩ vĩ cầm, song chẳng cần họ phải ngồi cạnh nhau, tôi đã thấy họ giống nhau thế nào. Lẽ ra, tôi nên nghi ngờ mối liên hệ của họ sớm hơn.
Tôi là một họa sĩ. Công việc quan trọng nhất của một họa sĩ, không phải là vẽ như nhiều người vẫn nghĩ, đó là quan sát. Và cái năng khiếu thiên bẩm người ta hay gắn cho một họa sĩ, thực ra cũng không phải nằm ở đôi tay, mà kì thực nằm ở đôi mắt. Tôi có thể nhìn thấy rất nhiều điều trong mắt một người, những cảm xúc, những trăn trở, thậm chí đôi khi cả những khao khát và thèm muốn.
Thi thoảng, tôi vào những quán cà phê, giấu mình vào một góc khuất, gọi một li cappuccino và bắt đầu ngắm nhìn những người xung quanh. Một cô gái trẻ bước vào, ánh mắt dập dờn như sóng nước, phiền muộn của cô tuy không nói thành lời song không giấu được qua ánh mắt ấy. Một đôi tình nhân ngồi bên cửa sổ, cô gái ngây thơ ánh mắt mênh mang mây trời, chàng trai thèm khát ái tình ánh mắt như đốt lửa. Cách đó vài bàn, một người đàn ông đứng tuổi đang đọc báo, ánh mắt lạo xạo như bột thạch anh, lấp lánh trong sự tan vỡ. Còn ngay đối diện tôi, một cô gái đang uống li nước sinh tố màu đỏ, cô đeo kính giãn tròng, mắt chuyển sang màu hổ phách, nhưng ngay cả khi đã ngụy tạo cho mình, tôi vẫn có thể nhìn thấy những suy tư và bức bách qua ánh mắt ấy. Bất chợt, cô phục vụ bàn đến hỏi tôi có muốn dùng thêm gì không, cô ấy có đôi mắt biết cười nhưng tôi vẫn thấy rõ cái vẻ nặng trĩu như thiên thạch xẹt qua xẹt lại trong ánh mắt, như thể cô ấy đang chờ đợi một điều gì mới mẻ từ một vị khách, bất cứ điều gì không phải là gọi một món đồ uống hay hóa đơn thanh toán.
Cảnh sát phân biệt con người qua dấu tay. Bác sĩ phân biệt con người qua mẫu ADN. Người khác phân biệt con người qua gương mặt, qua giọng nói. Còn tôi phân biệt con người qua ánh mắt. Không một ai có ánh mắt y hệt nhau, tôi tin thế. Trong ánh mắt mỗi người có một linh hồn ngự trị, dù cho linh hồn ấy nhảy múa hay thổn thức, thì nó vẫn là nó đấy thôi. Người ta có thể nâng mũi, gọt cằm, người ta thậm chí cắt mí để đôi mắt lớn hơn gấp đôi, gấp rưỡi, nhưng không ai có thể tạo nên một gương mặt khác cho linh hồn trong đôi mắt. Chỉ cần nhớ đến ánh mắt của một người, thì dù mười năm sau gặp lại, cho dẫu họ có đổi thay đến đâu đi chăng nữa, tôi sẽ vẫn dễ dàng nhận ra.
Cho nên, khi gặp cô gái này lần đầu tiên, khi nhìn thấy bóng mình phản chiếu trong ánh mắt như có khói phủ của cô, tôi bất giác thấy bàng hoàng. Người với người giống nhau trên đời này không thiếu, nhưng ánh mắt giống tới thế, thì thật không tưởng, cho dù họ là ruột thịt, cho dù họ là sinh đôi. Tôi đã từng gặp những cặp sinh đôi, sinh ba, họ có cái mũi giống nhau, khuôn miệng giống nhau, vóc người giống nhau, đôi mắt giống nhau, giọng nói giống nhau, đến cái phẩy tay, cái nhếch mép cũng giống nhau, nhưng linh hồn trong mắt họ vẫn khác như mặt trăng, mặt trời.
Còn hai người con gái này, họ giống nhau hơn cả hai giọt nước, đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết lí giải thế nào. Tôi đoán, có lẽ bởi vốn dĩ, họ chỉ là một giọt nước mà thôi.
2
Bức tranh được vẽ trên tấm vải bố khá lớn, phủ kín mặt bàn, lớp sơn dầu tươi nguyên, những mảng màu sáng tối xen kẽ tạo nên một chiều sâu bất tận. Trên bức tranh, một thiếu nữ khỏa thân, mái tóc đen dài tới eo, đang ngồi bên cửa sổ kéo vĩ cầm, xung quanh nàng là những giỏ hướng dương, ngoài cửa kính, một màn mưa mỏng tang rắc đều trên con ngõ ngoằn nghoèo, lô nhô những mái nhà cao thấp. Cây vĩ cầm màu đỏ thẫm như máu, nổi bật trên mảng trời xám buồn bã sau lưng nó. Người thiếu nữ nghiêng đầu giữ đàn, làn môi hơi động cựa, nụ cười như có như không, hàng mi cong hững hờ, ánh mắt không rõ là vui hay buồn, chỉ thấy một cái nhìn thật xa xăm.
Tôi ngắm thật kĩ bức tranh, ngắm thật kĩ cô gái trong tranh, ai nhìn bức tranh này mà nói rằng không phải là tôi chứ, đến bản thân tôi còn nghĩ đó là mình. Bức tranh đã khiến cuộc đời tôi thay đổi, một cách tình cờ nó đã hé lộ cái quá khứ mà cha mẹ tôi đã chôn giấu trong suốt hơn hai mươi năm qua. Vì bức tranh ấy, tôi rời xa thành phố, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm lại chính mình.
Lần đầu tiên khi nhìn bức tranh, tôi bàng hoàng, tự hỏi ai là kẻ đã vẽ nên nó, ai có thể vẽ tôi giống tới nhường ấy? Tôi căm ghét nó, vì nó khiến chàng trai tôi luôn coi là tri kỉ lạnh lùng bước ra khỏi thế giới của tôi không một lời từ biệt. Để rồi, khi tìm được người họa sĩ, tác giả bức tranh, tôi thêm một lần sửng sốt khi biết người trong tranh không phải là tôi mà là một cô gái điếm nào đó. Có thể như thế được sao, hai con người không hề quen biết, tôi và cô ta, lại giống nhau tựa bản thể và ảnh phản chiếu trong gương? Quá khứ tưởng chừng như một tấm rèm khép hờ, bắt đầu mở từng li, từng li, ánh sáng của sự thật soi vào như muốn đốt cháy hai con ngươi, tôi không muốn nhìn, nhưng rồi cuối cùng vẫn cứ phải đối diện. Một ngày nọ, khi tỉnh dậy, tôi bỗng nhận ra ngay từ đầu, tôi đã là một kẻ lạc lõng, cô đơn, cha tôi thực chất không phải cha tôi, cả người mẹ quá cố của tôi, bà cũng không phải mẹ tôi, tôi không thuộc về đâu, thậm chí còn không thuộc về chính bản thân mình, tôi lang thang giữa mê lộ cuộc đời với một câu hỏi: thực sự tôi là ai, tôi là ai trong thế giới này?
*
Một tuần kể từ khi gặp, cô gái có gương mặt giống hệt tôi vẫn chưa nhớ ra được điều gì. Tôi xin phép đưa cô ấy ra khỏi bệnh viện để tự chăm sóc. Mặc dù chẳng có gì chứng minh được tôi là người thân của cô, nhưng phụ trách của cơ sở y tế cũng không muốn làm khó tôi. Điều gì có thể nói lên mối quan hệ huyết thống tốt hơn sự giống hệt về ngoại hình?
Anh họa sĩ giúp tôi thuê một căn phòng nhỏ trong một con ngõ sâu. Còn anh ta thuê ngay một gian phòng kế bên. Sự tốt bụng của anh không khiến tôi thắc mắc hay nghi ngờ. Có những tối, tôi nghe thấy tiếng nhạc của Mozart phát ra từ phòng anh, cha tôi từng nói, một người yêu Mozart chắc chắn không thể là một người xấu.
Căn phòng của tôi nằm trên gác tư của một căn nhà năm tầng cho thuê. Chủ ngôi nhà là một người đàn ông có gương mặt chằng chịt sẹo, tôi không đoán được ông bao nhiêu tuổi. Ông sống cách đó vài căn nhà. Ngoài chúng tôi thuê tầng bốn, còn một đôi vợ chồng trẻ ở tầng ba và một cô sinh viên ở tầng hai.
Căn phòng nhỏ sơn màu xanh đã bong từng mảng, tạo nên những hình thù kì dị, chỉ có một chiếc giường kê sát khung cửa sổ với những thanh sắt đã han rỉ, nhìn ngoài vào như một nhà tù. Không có phòng vệ sinh riêng, mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh với cái bóng điện vàng tù mù, mùi ẩm mốc bốc lên từ những đám rêu mọc trên nắp cống. Với số tiền mang theo, tôi không nghĩ sẽ thuê một nơi tiện nghi hơn. Vả lại, ở một tỉnh lị như thế này, công việc của tôi cũng khó mà kiếm được mức thu nhập tốt. Tôi chỉ đi diễn ở một số phòng trà và quán cà phê nhỏ. Cuộc hành trình này sẽ dài đến bao giờ, tôi không biết. Nếu một tháng nữa, một năm nữa, năm năm nữa, mười năm nữa, nó vẫn chưa kết thúc, thì sao? Tôi cũng không biết. Có rất nhiều điều chúng ta không thể biết, đành đợi thời gian trả lời. Chỉ là có rất nhiều điều đến thời gian cũng không biết.
Những người sống cùng chúng tôi, tạm gọi là hàng xóm của tôi, đều vui vẻ khi chúng tôi đến, hoặc ít ra họ không thấy phiền. Cặp vợ chồng sống ở tầng ba đã kết hôn năm năm nhưng chưa có con. Người vợ có một sạp báo nhỏ ở đầu ngõ, có nước da tái xanh như trái dưa leo, tuy nhiên lúc nào cũng thấy thật niềm nở. Người chồng của cô ít nói, gương mặt hình tam giác với đỉnh nhọn ở trên, mái tóc lưa thưa hất ngược dính chặt vào da đầu, anh ta đeo cặp kính nửa cận nửa râm dày cộm, nếu ai đó nhắc đến anh ta thì hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là một cuốn sách bìa đỏ cũ kĩ anh ta hay cầm trên tay với tựa đề Những kiến giải về triết học và khoa học. Cũng không khó hiểu lắm khi anh ta làm một giảng viên triết ở trường đại học của tỉnh.
Còn cô sinh viên sống ở tầng hai, hầu như tôi không gặp mặt, ngày nào cũng vậy, sáng sớm cô bé ấy lách cách mở cổng ra khỏi nhà và nửa đêm lại lách cách mở cổng vào nhà. Mỗi lần gặp nhau, cô cũng chỉ gật đầu với tôi một cái. Dù chỉ gặp dăm ba lần, nhưng sự duyên dáng và xinh đẹp của cô khiến tôi thường ngoái nhìn theo cho đến khi cô đi khuất: cô có đôi mắt to pha màu hạt dẻ, trong như ngọc, cánh môi mỏng tô màu anh đào, mái tóc dài nhuộm đuôi màu tím óng ánh, nước da trắng như ruột trái lê.
Có lẽ, cả ba người họ đều không nghĩ người thuê nhà mới là một nhạc công. Khi tôi nói tôi chơi vĩ cầm, họ đều tỏ ra tò mò, người phụ nữ có nước da như trái dưa leo còn hỏi mượn tôi cho xem cây đàn, chị gần như chỉ đỡ nó mà không dám cầm chặt, ngắm nhìn từng chi tiết, thậm chí soi cả vào hai cái lỗ đen hun hút trên mặt đàn như thể xem nó có giấu gì ở bên trong, rồi trầm trồ:
- Người ta nói đó là nữ hoàng của các loại nhạc cụ phải không? Đây là lần đầu tiên tôi được thấy nó đấy. Nhưng một đồ vật đẹp thế này mà để trong căn phòng đó cũng thật bất công. Này, cô thử chơi một bản được không?
- Vậy chị thích nhạc sĩ nào?
- À, về nhạc cổ điển tôi cũng không hiểu gì cả. Người ta hay nói tới ông Mô-da, nhưng tôi cũng chẳng biết ông ta ra sao.
- Cũng không nhất thiết phải là nhạc cổ điển. Hay là tôi sẽ chơi một bản mà tôi nghĩ rất hợp với chị? Chị có biết bài thế này:
Em có nghe tiếng vĩ cầm trong mưa
Rất khẽ khàng như lá thu rơi ngoài cửa sổ
Vĩ cầm cất lên bản tình ca muôn thuở
mà nỗi buồn nay đã khác xưa
Em biết chăng,
vĩ cầm nhớ em
âm thanh đến hao gầy?
- Ca từ đẹp quá, nhưng quả thực tôi chưa nghe bao giờ.
- Ồ, tất nhiên rồi, đó là bài hát ba tôi đã viết, hình như cũng rất ít người biết đến, chỉ là...
- Vậy sao nó lại hợp với tôi?
- À không, tôi chợt nghĩ đến nó nên nói vậy thôi, không có gì đâu. Nhưng nếu chị muốn nghe một bài khác...
- Chị hãy chơi bản nhạc đó đi, em thấy có vẻ rất hay – Cô sinh viên thuê nhà ở tầng hai bỗng lên tiếng.
- Phải đấy, cô hãy chơi bản nhạc đó đi, tôi cũng muốn nghe – Người phụ nữ nói.
- Được, được thôi.
Khi nốt đầu tiên ngân vang, đó là lúc tôi gần như quên đi thực tại của mình. Những tháng năm ấy, mà nói thế nghe thật xa xôi, thực ra cũng chỉ mới đây thôi, giấc mơ của tôi vẫn còn thật tươi đẹp. Tôi mơ màng nhớ tới một ngày tháng Tư xanh mơn man, khẽ thấp thoáng một nụ cười trong hoàng hôn màu đỏ, tôi dần trôi vào những nốt nhạc dịu êm vi vút, rơi vào một miền hư vô, tôi cứ rơi, rơi mãi, mọi thứ như thể ngày hôm qua vẫn chưa rời xa tới thế...
3
Bình minh với tôi là một cơn ác mộng. Mỗi khi tỉnh dậy sau một giấc ngủ, tôi không nhớ được bất cứ ai, không nhớ được tất cả những gì diễn ra vào ngày hôm qua, không nhớ được cả chính bản thân mình.
Thời gian với tôi chỉ là một chiếc đồng hồ xoay vô nghĩa. Những gì đã qua không để lại trong tôi chút dấu vết nào. Còn hiện tại ư? Chẳng phải tới ngày mai là tôi đã quên hết về nó sao? Còn tương lai, cũng sớm thôi, sẽ đến và sẽ đi, không sao nắm giữ được.
Cuộc sống với tôi thật xa lạ. Cô gái cạnh tôi thật xa lạ. Anh họa sĩ phòng kế bên thật xa lạ. Gương mặt của tôi trong gương cũng thật xa lạ.
Tôi không biết tới niềm vui, không biết tới nỗi buồn. Tôi chỉ là một vỏ ốc trống rỗng, lăn lóc trên đường, rồi mắc kẹt lại ở một rãnh sâu. Mặt trời có bình minh rồi có hoàng hôn. Hoa nở rồi hoa tàn. Đông qua rồi xuân tới. Đến những vật vô tri còn có vết xước của thời gian. Chỉ có tôi mãi mãi là như vậy.
Mỗi khi tôi định chạm vào kí ức, lại có một bức tường thành mọc lên vây lấy nó, bức tường thành tôi không thể nào phá đổ.
Người ta lạc trong đêm tối. Còn tôi lạc ngay giữa ban ngày.
*
Tôi nhớ bằng cách ghi chép.
- Tôi là một bệnh nhân mất trí nhớ đặc biệt. Bác sĩ nói tôi hãy viết lại bởi vì mỗi khi tỉnh dậy tôi không nhớ được gì cả.
- Việc đầu tiên trong ngày: đừng sợ hãi, phải đọc bằng hết những gì có trong này. Ngày cuối cùng đề trên đó chính là ngày hôm qua của tôi.
- Cuốn sổ này là kí ức, là kí ức, không được đánh mất. Nếu đánh mất, không, không được đánh mất, nhất định không được đánh mất.
Đó là trang đầu tiên trong cuốn sổ của tôi, một cuốn sổ bìa đen, trên bìa dán một tờ giấy trắng choán hết nửa bề mặt, đề hai chữ KÍ ỨC rất lớn bằng bút đỏ. Bên trong, mỗi trang giấy được kẻ làm hai cột: cột bên trái nhỏ ghi ngày tháng, cột bên phải ghi lại những sự kiện. Những trang giấy đã có nếp nhàu nát vì lật đi lật lại hàng ngày. Nét chữ của tôi khi ngay ngắn, khi lộn xộn. Hình như đã có lúc tôi phấn khích, đã có lúc tôi hững hờ? Tôi muốn xé toang bộ não mình ra, lục tìm trong đó, lục tìm từng ngóc ngách, từng mạch máu, để xem liệu còn gì sót lại, dù chỉ là một mùi hương quen thuộc, một khung cảnh quen thuộc, hay một gương mặt ai đó tôi từng biết, một con đường nào đó tôi từng đi, một lần nào đó tôi từng khóc, một bài hát nào đó tôi từng thuộc. Bất cứ điều gì. Nhưng những gì tìm được chỉ là những dòng chữ này, cuốn sổ này, nét bút này.
Thế giới của tôi, từng chút, từng chút một, đều nằm trong đó.
4
Cuối cùng, tôi cũng xin được một công việc ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, đó là trang trí cho các đám cưới, và làm thuê cho một cửa hiệu nhỏ chuyên nhận thiết kế poster, banner, biển hiệu. Cửa hiệu chỉ cách ngõ nơi tôi sống vài chục bước chân, bởi thế khi nào cần, người chủ mới gọi tôi đến. Còn bình thường, tôi có thể ở nhà.
Tôi biến căn phòng của mình thành một xưởng vẽ thu nhỏ, có đầy đủ khung tranh, giá vẽ, giấy, vải bố, vải lụa, tấm gỗ, màu nước, màu chì, sơn dầu, sơn mài, màu bột, phấn màu, màu sáp, tempera, mực nho, bút lông, bút chì, bút sắt, cọ vẽ, dao khắc, dao trổ, bay nghiền, bảng pha màu, hầu như không thiếu thứ gì, chúng choán gần như toàn bộ cái nơi ọp ẹp này.
Phần lớn cuộc đời tôi trôi qua trong những xưởng vẽ, đầu tiên là xưởng vẽ của mẹ tôi, cho đến khi gia đình gặp khó khăn buộc bà phải bán nó cho một tay nhà buôn đầu trọc không có chút khái niệm nào về hội họa; sau đó là xưởng vẽ của trường đại học, xưởng vẽ của một tiệm bán tranh, rồi những xưởng vẻ tôi dựng lên cho riêng mình khi đã có đủ vốn liếng.
Tôi thích sự tĩnh lặng trong xưởng vẽ, không có âm thanh gì ngoại trừ tiếng bút lông loạt xoạt cọ trên vải toan, thi thoảng là vài tiếng loảng xoảng khi pha màu, khi thay giá vẽ, khi thay giấy, hay khi tác phẩm đã xong và họa sĩ bắt đầu gói ghém lại đồ đạc. Một khi đã vào tới xưởng vẽ, ngay cả việc hít thở cũng được làm một cách rón rén và lén lút.
Không có khoảnh khắc nào cô độc như khoảnh khắc người họa sĩ ngồi trước một giá vẽ, tay cầm cọ vẽ, với đống màu vẽ lộn xộn bên cạnh. Cho dù cả thế giới đang nhảy múa, người họa sĩ cũng sẽ ngồi vào một góc riêng, để nhìn và để vẽ. Không ai nhạy bén với những sắc màu của cuộc đời như người họa sĩ, nhưng mỉa mai thay, đến lượt mình, họ lại chẳng bao giờ tìm được một chỗ cho mình trong bức tranh đa sắc ấy. Càng nhạy bén, càng thấu hiểu sự cô độc.
Nhưng sự cô độc có gì là không tốt?
*
Giờ này, tôi đang ngồi trong căn phòng nhỏ ở gác bốn, cũng là xưởng vẽ thu nhỏ của mình. Tôi dựng giá vẽ bên cửa sổ. Ngoài trời mưa lâm thâm, bóng một con họa mi lạc đàn thấp thoáng trên giàn hoa giấy đỏ thắm của căn nhà đối diện. Dưới ngõ nhỏ, một chiếc ô màu đỏ tươi lướt ngang qua vội vã.
Ở góc phòng, từ chiếc máy nghe nhạc walkman có tuổi đời gần chục năm nhưng vẫn còn chạy tốt, phát ra tiếng nhạc khi vui tươi và trong sáng, khi đằm thắm và du dương. Bản Divertimento số 17 cung Rê trưởng, một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của Wolfgang Amadeus Mozart.
Tôi bắt đầu vẽ khung cảnh bên ngoài cửa sổ: những căn nhà cái to cái bé, cái xanh cái vàng, mảng trời xám xịt âm u, và tất nhiên là cả chiếc ô lướt đi vội vã mà tôi đã kịp ghi lại trong trí nhớ.
Khi mưa bắt đầu nặng hạt hơn, và bản Divertimento chuyển sang chương thứ ba, và tôi bắt đầu hoàn thiện tác phẩm của mình, thì đột nhiên, một tiếng gõ cửa vang lên.
- Mời vào.
Cánh cửa chưa cần mở ra, tôi đã đoán được đó là ai. Cái cách gõ cửa dè dặt và nhẹ như bẫng ấy, đã từng có thời trong suốt nhiều tháng trời, ngày nào cũng đánh thức tôi khỏi khoảng không lặng lẽ và bất tận nơi xưởng vẽ.
Cô gái với mái tóc đen dài ngang eo, ánh mắt dù vui hay buồn cũng thấp thoáng một màu khói phủ. Vẫn là sự e dè ấy, sự e dè như thể lần đầu gặp mặt, thật kì lạ là tôi đã không nhìn ra được rằng: trong đôi mắt cô chưa bao giờ lưu lại chút kí ức nào về tôi, xưởng vẽ của tôi nơi đêm nào cô cũng tới, cả cách cầm cây vĩ cầm để tạo dáng mà tôi chỉ đi chỉ lại cho cô hàng trăm lần nữa.
- Anh họa sĩ?
Đến gần đây tôi mới biết hóa ra đó không chỉ là một lời chào, mà còn là một câu hỏi để cô xác nhận những gì cô đọc được từ cuốn sổ tay của mình.
- Vâng, cô đã dậy rồi sao, em gái cô đâu rồi, cô đã đọc hết cuốn sổ cô viết chứ?
- Đọc hết rồi. Cô ấy vội vã đi ra ngoài từ sớm, tôi không biết nữa.
- Vậy sao? Ồ, hẳn là vậy – Hình ảnh chiếc ô kẻ ca rô lướt qua màn mưa thoáng hiện lên trong tôi, nhất định là em, có điều, em đi đâu giữa trời mưa thế này? – Cô ngồi đi, phòng hơi bừa bộn, cô thấy ổn chứ?
Cô gái lắc đầu nhè nhẹ, tựa một cánh bướm khẽ rung lên trong gió.
- Tôi không biết. Tôi đã khóc, mặc dù không biết khóc vì cái gì, vì tôi rất trống rỗng, anh biết đấy… Nhưng khi đọc xong, tôi nghĩ, tôi nghĩ mình phải tìm kiếm trí nhớ của mình. Theo như cuốn sổ thì anh có quen tôi, cho nên...
- Đúng là như thế.
- Hình như hôm qua tôi cũng sang tìm anh và nói những điều thế này?
- Ừ, cả hôm kia nữa, cả hôm kìa, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có nhà.
- Tôi biết, tôi ghi lại cả mà – Cô khẽ cười, làn khói trong mắt như đọng lại thành hơi nước loang nơi con ngươi màu xám – Thôi, anh cứ vẽ đi, tôi nhìn anh vẽ, biết đâu lại nhớ được ra điều gì.
Thực lòng mà nói, tôi không nghĩ cô sẽ nhớ ra được điều gì. Cô đã chăm chú ngồi nhìn tôi vẽ suốt mấy ngày qua, nhưng đều vô ích. Cô không những chẳng nhớ thêm được, mà sáng hôm sau, cô cũng sẽ lại quên mất rằng đã ngồi nhìn tôi như thế.
Tôi tiếp tục với công việc của mình. Tôi pha thêm màu đen vào những khoanh màu khác để tạo nên những sắc thái tối tăm và u ám. Chỉ có sắc đỏ của giàn hoa giấy và chiếc ô là vẫn tươi nguyên, hút lấy toàn bộ ánh sáng trên bức họa. Con chim họa mi lẻ loi trú mưa sau một bông hoa. Tôi cho nó ánh mắt với màn khói vô tận, cái ánh mắt đã bị chiếc ô che lấp.
Sự xuất hiện của cô gái chưa bao giờ khiến tôi thấy phiền lòng. Tôi đã quá quen với sự xuất hiện tĩnh lặng như cái bóng của cô. Thỉnh thoảng cô sẽ lên tiếng nói một điều gì đấy, đôi khi tôi đáp lại, đôi khi tôi không, nhưng rồi rất nhanh chóng bầu không khí lại trở về trạng thái yên ắng ban đầu, tựa như khi ném những hòn đá xuống mặt nước phẳng lặng, hòn đá chỉ có thể làm xao nhãng mặt nước trong một vài phút, rồi dần chìm vào hư vô.
*
Tôi không biết đã bao lâu trôi qua kể từ khi cô bước vào phòng tôi. Chỉ biết rằng khi tôi ngẩng đầu lên lần đầu tiên, tôi thấy cô đang khóc. Chính xác là tôi ngẩng lên vì nghe thấy tiếng khóc của cô. Tay cầm chiếc bút chì màu đỏ lấy ra từ hộp sắt, cô nức nở.
- Tôi nhớ nó, tôi nhớ nó. Hình như trước đây mẹ tôi đã từng có nó, nhất định là thế rồi. Không thể sai được. Tôi từng có một hộp màu như thế này, có lẽ hơi khác một chút, nhưng chính là nó. Tôi nhớ rồi.
- Cô nhớ được rồi ư? Nhớ ra tất cả?
- Không, tôi chỉ nhớ hộp màu này – Cô gái lắc đầu – Nhưng dần dần có thể nhớ lại hết thì sao? – Làn khói trong mắt cô như bừng lên thành một ngọn lửa nhỏ.
Nó nhắc cho tôi nhớ đến một buổi tối mùa đông khi tôi còn ở thành phố, đêm đó, cô đến để làm mẫu cho tôi vẽ. Khi tôi pha màu đỏ thẫm của cây đàn vĩ cầm cô cầm trên tay, cô cũng bất chợt bật khóc thế này. Tôi lo lắng hỏi sao cô lại khóc, cô chỉ đáp:
- Anh đừng lo, chỉ là tôi nghĩ đến một chuyện, trước đây mẹ tôi cũng cho tôi một hộp màu như thế.
Có vẻ như kí ức về hộp bút chì màu rất quan trọng với cô gái, khi nó là mẩu kí ức đầu tiên trồi lên trên biển kí ức đã chết của cô. Tôi bèn nói:
- Nếu thích cô có thể giữ lại hộp màu, biết đâu lại nhớ ra hết tất cả?
Dù nói như vậy, tôi cũng không mong rằng cô sẽ nhớ ra tất cả. Ít ra là một vài chuyện giữa chúng tôi.
, mọi thứ như thể ngày hôm qua vẫn chưa rời xa tới thế...