Ván bài lật ngửa - Phần II - Chương 01 - 02

Phần 2 - Chương 1

Khởi động

Những
ngày Tết Ất Mùi chấm dứt, Sài Gòn trở lại không khí oi ả
nhiệt đới kinh niên của nó – và, bây giờ, thêm cái oi ả của thời tiết chính
trị.

Sau
giây phút lãng quên sự đối địch nhờ tiếng pháo – lần đầu tiên kể từ năm 1946,
Sài Gòn đốt pháo Tết – đâu lại trở về đấy: Bình Xuyên tăng quân ở các chốt rải
rác khắp các thành phố và ngoại ô, cố ý chứng minh rằng họ đủ mạnh và nhất định
đánh, đánh cho đến khi nào lật đổ xong Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Phía Chính phủ
khôn khéo hơn, ít la lối hơn, song đêm đêm, những cuộc di chuyển: các đơn vị bộ
binh và thiết giáp vẫn phá giấc ngủ của mọi người.

Đài phát
thanh Bình Xuyên ra rả. Người xướng ngôn là Trịnh Khánh Vàng. Tờ “Yêu nước” in
bên kia cầu Chữ Y được phát không cùng đủ loại truyền đơn bươm bướm, thư ngỏ...
Luận điệu và phương thức tuyên truyền rập khuôn theo kinh nghiệm của Phòng nhì
Pháp pha ít nhiều tính chất “anh chị.” Tờ “Đời mới,” tuần báo của Trần Văn Ân,
xuất bản công khai bên này cầu Chữ Y, muốn giới thiệu Bình Xuyên như là một cái
gì độc đáo: từ kháng chiến, chuộng công bằng, rất chính nghĩa và rất trí thức.
Đời tư của Thủ tướng bị xỉ vả
thậm tệ - dĩ nhiên, Bình Xuyên còn đủ khôn ngoan để không ghép Thủ tướng về phe
Việt Minh. Nhưng, hiệu quả của lối tuyên truyền đó thật ít ỏi, bởi hiểu biết
của các tay mưu sĩ của Bảy Viễn về Ngô Đình Diệm còn mỏng, nhất là khi họ không
dám đặt Ngô Đình Diệm lên bàn mổ chính trị và chọc con dao vào chỗ yếu nhất của
Diệm: con bài của Mỹ. Họ chống Diệm nhưng lại ve vãn Mỹ. Và họ kẹt cứng đối với
Pháp – không thể không nịnh, Pháp là kẻ nắm sự sống của họ, mà nịnh Pháp trong
khí thế dân tộc hừng hực sau đại thắng Điện Biên Phủ thì thật là bất tiện. Bởi
vậy, lập luận của họ đầy lộn xộn.

Đối
lại, các phương tiện thông tin của Chính phủ một mực kêu gọi đoàn kết quốc gia
để chống Thực – Phong - Cộng và chẳng dại gì mà bỏ qua các huyệt trí mạng của
Bình Xuyên: đầu trộm đuôi cướp, tay sai của Thực,... Những vụ bắt cóc và ám sát
ngày mỗi nhiều hơn, tuy cả hai phía đều hạn chế ở mức triệt tiêu các cá nhân
thừa hành cấp thấp.

Đại Thế
Giới đóng cửa mà không có giao chiến. Paul Éli nhắc khéo Bảy Viễn: sẽ không thể
tranh thủ được bất kì ai nếu như cuộc chiến tranh nổ ra rốt cuộc vì một sòng
bạc. Bảy Viễn không cần lắm cái ý nghĩa sâu xa đó, song như vậy, có nghĩa là
Pháp chưa bật đèn xanh. Trong một đêm, mặt tiền Đại Thế Giới lặng lẽ biến mất,
còn lại bức tường và ba cổng ra vào với ụ súng đắp thêm và những toán công an
xung phong hầm hừ. Tuy nhiên, hoạt động của Đại Thế Giới chưa dứt hẳn: sòng bạc
“chọn lọc” gồm các tay chơi máu mặt Hồng Kông, Nam Vang, Tân Gia Ba(1), Chợ
Lớn; các gái điếm hạng “luýt”(2) sẵn sàng tiếp khách theo một giá biểu kinh
khủng và chỉ tiếp những ai báo trước. Mỗi chiều, Ly Kai vẫn mang về bên kia cầu
chữ Y chiếc cặp căng phồng giấy bạc – dù chỉ bằng một phần nhỏ so với trước.

(1) Tức
Jarkata, thủ đô Indonésia

(2) Luxueux:
hạng sang

* * *

Báo chí
Chính phủ chạy tít lớn: Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ngày mồng bảy Tết, viếng Tòa Thánh Tây Ninh, hội đàm với Hộ pháp
Phạm Công Tắc. Một tít khiêm tốn hơn, in bên dưới: Thủ tướng tiếp xúc với tướng
Trịnh Minh Thế, chỉ huy trưởng Cao Đài Liên minh.

Thực
ra, báo chí đã đảo lộn ý nghĩa chính xác chuyến đi Tây Ninh của Ngô Đình Diệm:
đáng lẽ tít lớn phải dành cho cuộc gặp gỡ Diệm – Thế.

... Đoàn
công xa được bảo vệ cẩn mật, lao nhanh trên quốc lộ 1, hướng về Tây Ninh. Nó
hối hả giống như tác phong của Thủ tướng. Có thể đó là một tật bẩm sinh của ông
ta, có thể đó là điều cần thiết để giảm bớt nguy hiểm. Bác sĩ Trần Kim Tuyến
đích thân tổ chức và trực tiếp bố trí chuyển đi này. Trên một chiếc Land Rover,
ông ta chợt vọt lên phía trước, chợt lùi lại phía sau, kiểm tra cự li các xe và
kiểm tra luôn các cụm bố phòng ven lộ.

Thủ
tướng ngồi trong chiếc xe Cadillac kính dày, nguyên là long xa của Cựu hoàng, giữa hàng đống vệ sĩ, xe tướng Tổng
tham mưu trưởng chạy trước xe Thủ tướng, liền sau xe Thủ tướng là xe của Mai
Hữu Xuân, giám đốc Nha an ninh quân đội.

Xe Luân
chạy sau xe của Mai Hữu Xuân. Trật tự nầy là do bác sĩ Tuyến xếp đặt. Trước khi
xe nổ máy, Tuyến nói với Luân:

- Tôi
muốn nhờ ông kĩ sư đi thật sát Cụ và tôi tin ông kĩ sư sẽ phản ứng kịp thời khi
có tình huống xấu...

Ai chạy
sau Luân? À, đại tá Nguyễn Ngọc Lễ, luôn mỉm cười. Trần Kim Tuyến theo thuyết “dĩ
độc chế độc”: Luân kèm Mai Hữu Xuân, Nguyễn Ngọc Lễ kèm Luân. Chắc có người kèm
Nguyễn Ngọc Lễ và cứ vậy. Dù sao, Luân cũng được nhìn với một đặc ân: anh là
người duy nhất có quyền mang súng ngắn trong các nhân vật tùy tùng quan trọng
tiếp cận ông Diệm.

Chính
Mai Hữu Xuân hiểu rõ điều đó. Khi mọi người tề tựu dùng điểm tâm ở Dinh Gia
Long, Mai Hữu Xuân chủ động đến chào Luân.

- Xin
được phép làm quen với ông kĩ sư... - Xuân chìa tay và bắt tay Luân thật chặt –
Tôi là Mai Hữu Xuân...

- Hân
hạnh! – Luân đáp lễ.

Cả Xuân
và Luân đều coi đây đúng là lần đầu họ quen nhau và tỏ vẻ như họ chưa từng có
điều gì phải bận tâm về nhau.

- Tôi
nghe tiếng ông kĩ sư và biết ông kĩ sư làm việc với ông cố vấn, song không có
dịp chào ông, mong ông thứ lỗi...

Xuân
nói rất nhũn nhặn:

-
Không! Người phải xin lỗi là tôi. – Luân cười thật tươi – Tôi đã không đến Nha
an ninh quân đội chào trung tá, vì biết trung tá rất bận và vì chưa có dịp...

Không rõ
Xuân hiểu mấy chữ “vì biết trung tá rất bận” theo nghĩa nào, ông ta tránh đôi
mắt của Luân, môi dường như thâm thêm một chút.

Luân
nhìn qua khắp lượt số người sẽ cùng đi với Thủ tuớng, rồi như vô tình, hỏi
Xuân:

- Không
thấy Tống giám đốc Cảnh sát Quốc gia... Đáng lẽ việc bố trí cho Thủ tướng đi
công vụ phải là việc của đại tá Sang.

- Chắc
Cụ không gọi. Vả lại, có gọi, ông Sang cũng không đi... Họ đang rất bận!

Xuân
trả lời, đăm chiêu, và, ông ta lặp lại chữ “rất bận” của Luân. Nói xong, biết
mình hớ, môi trên ông ta giật giật...

- Bây
giờ thì ai cũng bận cả! – Luân nói bình thản – Tất nhiên, không có việc bận nào
giống việc nào... Đối với chuyến công tác lần nầy của Thủ tướng, theo ý trung
tá, yên ổn không?

Xuân
nhún vai trước câu hỏi đột ngột của Luân.

- Tôi
báo với ông kĩ sư, bác sĩ Tuyến là người chịu trách nhiệm... Phần tôi, tôi chỉ
lo một phạm vi nhỏ. Trong phạm vi tôi lo, sẽ không có bất kì một đáng tiếc nào
xảy ra... Còn như ông kĩ sư muốn tìm những khả năng xấu từ hướng ông Sang, tôi
không thể trả lời được. Ông kĩ sư thừa biết ông Sang là hạng người gì. Cả lãnh
tụ của ông ra, ông Bảy Viễn nữa, với những hạng đó, mọi tiên tri theo lối xem
họ là những cái đầu bình thường để dự đoán hành động của họ, đều mạo hiểm. Họ
hành động bằng tay và chỉ bằng tay.

Nói đến
đó, Xuân chợt nhìn sang người ngồi bàn kế: một người da ngăm, cao to, mặt mũi
đần độn, đeo hàm đại tá. Luân biết ông ta – đại tá Nguyễn Ngọc Lễ. Luân hiểu
Xuân muốn giới thiệu một người nữa chỉ dùng cái đầu để đội – đội thứ gì cũng
được. Lễ nguyên là chỉ huy trưởng Bảo chính đoàn Bắc Việt, người Công giáo, sắp
nhận một chức an ninh. Đó là điều khiến Xuân không ưa Lễ.

Luân và
Xuân to nhỏ không lọt qua mắt Nhu. Nhu không đi Tây Ninh song vẫn có mặt tại
bữa ăn sáng này. Cho nên, lúc mọi người rục rịch lên xe, Nhu thì thầm với Luân:

- Anh
lo xa là phải... Song lão Xuân không có gì đáng ngại đâu, kể cả với cá nhân
anh. Tôi nói cho thật đúng: hiện nay – nghĩa là năm 1955… Biết làm sao? – Nhu
cười khinh khỉnh – Chúng ta chỉ có thể nói chuyện tính năm với người này, tháng
với người kia và ngày với người nọ. Hiện nay, ông ta đang là người của chúng
tôi. Dĩ nhiên trên tất cả, không có sự đề phòng nào là vô ích.

“Nhu
xếp mình vào hạng tính tháng hay tính ngày đây?” Luân cười trong bụng khi lên
xe.

Vậy là
Luân đã có thể rút ra nhận xét về Mai Hữu Xuân: Hắn không thuộc cánh Bình
Xuyên, mặc dù cả Bình Xuyên và hắn đều liên quan đến Phòng nhì Pháp. Có thể chủ
trương của Phòng nhì không nhất quán: phe muốn đẩy các giáo phái và Bình Xuyên
đi đến gây rối với Diệm, phe muốn bảo tồn lực lượng chờ cơ hội. Xuân, với bất
cứ thế nào, không thể không trung thành với chủ cũ. Nhưng, đồng thời, hắn biết
phải làm gì là thông minh nhất. Vả lại hắn bị Lại Văn Sang giành mất cái ghế
đứng đầu ngành Công an - ở xứ này, ai giỏi hơn hắn? Hèn chi không bao giờ hắn
nhắc đến quân hàm đại tá của Sang, không bao giờ gọi Sang là Tổng giám đốc. Hắn
cay cú và miệt thị Sang. Hẳn là hắn nghĩ: Thằng du côn này mà lọt vào tay tao
ngày xưa thì phải biết! Có thể nói, Nhu sử dụng Xuân trước mắt như là bàn tay
sắt đối với các thế lực vốn ngày xưa cùng cánh với Xuân.

P2 - Chương 2

Quốc lộ
mịt mù. Con đường huyết mạch của Đông Dương bị đào xới, vừa mới tráng lớp đá
tạm, chạy rất xóc. Ven đường, dấu vết chiến tranh còn ràng ràng: những nền nhà
trơ cột cháy nám, những cây ăn quả trụi lá. Đôi chỗ trù phú thì lại là vùng đạo
Cao Đài, với bờ đất và rào kẽm gai kín mít, với một thánh thất đồ sộ ngói đỏ
tường vôi và – tất nhiên – với một đồn Cao Đài, lính đội mũ chào mào kiểu các
binh đoàn thuộc địa Pháp.

Luân
chợt nhớ đến con đường Cái Vồn. Chẳng rõ con đường Bình Đại ra sao? Chắc chắn
cũng khu dồn dân, cũng mũ chào mào, chỉ khác ở chỗ thay cho lá phướn màu trần
điều của Hòa Hảo và con mắt mở to, biểu tượng của Cao Đài, là những nhà thờ và
những cây thập ác.

Cả một
di sản của quân xâm lược Pháp và đi kèm di sản hàng loạt vấn đề chính trị rối
beng, có lẽ không dễ gì thu vén trong chốc lát.

Luân
chưa đụng độ lần nào với Cao Đài – anh hoạt động ở một chiến trường nhiều Hòa
Hảo. Nhưng anh đoán tình hình giống nhau thôi.

Không
bao giờ Luân có thể quên trận tiểu đoàn của anh bị một trung đoàn của Ba Gà Mổ
tấn công. Đó là năm 1952, mùa khô, tại thị xã Nam Thái Sơn. Trận đánh bắt đầu
từ ba giờ trưa. Quân của Ba Gà Mổ xung phong vào làng với
dao, gậy là chính. Bọn chỉ huy ở phía sau. Tiểu đoàn phòng ngự trong nhiều lớp
công sự, đánh bật dễ dàng các đợt xung phong. Song, quân địch cứ hò hét xông
tới.

Thế là
Luân – tối tăm mặt mũi trước cái chết vô lối của quân địch – đã ra lệnh tiểu
đoàn rút. Toàn bộ tiểu đoàn không có ai bị trầy da, nhưng tiểu đoàn phải rút.
Và, mặc dù chẳng có ai rượt đuổi, không một phát cối truy cản, tiểu đoàn rút
lui như chạy trốn. Chạy trốn sự đần độn. Có lẽ những tay cầm đầu các đội quân
khoác áo tôn giáo ngỡ rằng họ mạnh thật sự, cho nên hàng chục vạn sinh mệnh
trai trẻ đã phung phí khắp nơi suốt chín năm.

Luân
nhắm mắt mỗi khi đoàn xe qua một đồn binh Cao Đài. Vẫn những lái buôn đó, vẫn
những hàng hóa đó. Và trò buôn thần bán thánh ghê tởm này còn kéo dài đến tận
bao giờ?

*

Trung
tá tỉnh trưởng Bình Dương cũng văn võ quan viên trong tỉnh đón đoàn công xa
ngay địa giới Hóc Môn – Củ Chi. Nhưng, đoàn công xa vẫn giữ tốc độ cao. Hình
như mỗi Mai Hữu Xuân vẫy tay an ủi viên đầu tỉnh, hẳn đã cất công chầu chực từ
sáng sớm. Không phải chỉ Mai Hữu Xuân, chiếc Land Rover của Trần Kim Tuyến cũng
nép vào lề, chắc đợi đoàn xe qua, sẽ có đôi lời phủ dụ. Gã này bao giờ cũng chu
đáo.

*

Xe đến
địa giới Tây Ninh, đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Tất, đại úy quận trưởng Trảng Bàng
cung kính đứng bên lề, nơi một cổng chào và một rạp che bạt dựng vội. Đoàn
ngừng lại.

Diệm bệ
vệ bước ra khỏi xe.

“Đúng
là một nhà chính trị!” Luân nghĩ thầm về Diệm.

Lê Văn
Tất khác tỉnh trưởng Bình Dương Vũ Thành Khuynh – Tất là chức sắc đạo Cao Đài –
đạo thiệt hay đạo “giấy” cần thẩm tra, song chính với danh nghĩa đó, ông ta giữ
chức tỉnh trưởng Tây Ninh. Còn trung tá Khuynh, một chỉ huy tổng đoàn Bảo chính
Bắc Việt, đạo Thiên Chúa, chẳng có gì Diệm cần phải o bế công khai.

Luân
xuống xe, đi sau đoàn tùy tùng. Diệm ngồi vào chiếc ghế cẩn xà cừ trong nhà
bạt. Không ai giới thiệu Luân với Tất – dẫu có giới thiệu, ông ta cũng chẳng để
ý, bởi Tất xoắn xuýt quanh Diệm.

- Tình
hình trị an trong tỉnh ra sao, ông tỉnh trưởng?

Diệm hỏi,
có vẻ chăm chú, con mắt thì soi mói
viên đại úy quận trưởng.

- Trình
Cụ, tình hình yên ổn lắm.

Tất trả
lời, vừa khúm núm châm lửa cho Diệm hút thuốc.

Diệm
hút một hơi thuốc, bỗng quay trỏ đại úy quận trưởng, quắc mắt:

- Ông
là quận trưởng?

Đại úy
đứng thẳng:

- Trình
Cụ, con là đại úy Lộc, quận trưởng...

- Hừ! -
Diệm gằn giọng – Đại úy mô mà ăn mặc lếch thếch rứa?

Đại úy
Lộc mặt xanh như thằng chổng trôi sông, chưa biết phải làm gì trước Thủ tướng
và trước cả cái nhìn đổ lửa của tỉnh trưởng.

- Ta
đi, hè?

Diệm
đứng bật dậy.

- Mời
Cụ dùng chén nước...

Tất cố
nằn nì. Diệm ra hiệu. Sĩ quan hầu cận lật đật trao cho ông chiếc can và chiếc
mũ phớt.

Diệm
đội mũ, cầm can, nhưng lại nhận chén trà do Tất dâng, ngó quanh. Bác sĩ Tuyến
kín đáo gật đầu và Diệm uống mấy hớp.

- Từ
nay, nhớ ăn mặc đàng hoàng!

Diệm
chọc nhẹ can vào ngực đại úy quận trưởng, mặt đã dịu.

*

Đoàn xe
đến ngã ba Gò Dầu Hạ. Quận trưởng và các hương chức hội tề xếp hàng, dưới một
tấm bảng to vắt ngang bùng binh: “Hoan hô chí sĩ Ngô Đình Diệm.”

Đoàn xe
dừng lại. Diệm bước thẳng đến đám hội tề - tất cả mặc áo dài, đội khăn be. Có
một bàn hương án hẳn hoi, đèn nến và trầm nhang.

Đám hội
tề cúi rạp người chào Diệm.

- Đừng
làm rứa, người ngoài ngỡ tôi là vua!

Diệm
rầy quận trưởng và đám hội tề, song mắt ông ta rõ ràng hoan hỉ.

Ngó qua
bên kia cầu, con đường dẫn lên biên giới. Diệm bảo quận truởng – một trung úy
khá trẻ so với chức quận trưởng:

- Ông
nhớ cho, biên giới ngày nay không như xưa nữa, vua Miên chẳng ưa chúng ta. Họ
theo chính sách trung lập.

Quận
trưởng ưỡn người, đưa tay lên vành mũ, thay cho trả lời.

Trong
một thoáng, Luân bỗng nhớ đến một gương mặt: tay quận trưởng
này giống Liên trung đoàn phó Lưu Khánh quá. Chân mày rậm, cằm bạnh, râu quai
nón, tuy đã cạo sạch vẫn để lại một bệt xanh rì. Và đôi mắt anh ta: một cái gì
đó mà kinh nghiệm của Luân cho biết, anh ta không phải là quận trưởng như các
quận trưởng khác.

Rồi tấm
băng, bàn hương án, đám tề khăn be áo dài – “quốc phục” như Diệm thích – gợi
cho Luân một chút nghi ngờ: quận trưởng hình như muốn mời bằng được Thủ tướng
dừng chân ở đây.

- Trình
Cụ, thân hào quận Gò Dầu Hạ mong đợi Cụ từ lâu. Nay có dịp Cụ đến, xin cụ ở lại
giây lát, dùng với chúng tôi bữa cơm đạm bạc gọi là chứng nhận tấm lòng
thành...

Một kì
lão đầu búi tó, râu trắng như cước trịnh trọng thưa với Diệm. Tất nhiên, Diệm
từ chối. Ông ta hớn hở vỗ về đám tề.

Luân
hỏi khẽ bác sĩ Tuyến:

-
Chương trình có định ghé đây không?

Bác sĩ
Tuyến lắc đầu:

- Cụ
thích nên bảo ngừng

Thế là
đã rõ quá nửa sự thật. Luân quyết định kiếm một kết luận trọn vẹn.

Anh hỏi
tên họ quận trưởng. Bác sĩ Tuyến lúng túng. Chính quận trưởng trả lời cho Luân:
Anh tên là Lê Khánh Nghĩa.

Không
phải họ Lưu. Nhưng, hề gì. Lê chẳng xa Lưu là mấy. Và chữ lót “Khánh,” dứt
khoát không phải do ngẫu nhiên.

Chưa
bao giờ Luân nghe Lưu Khánh nói về một đứa con của anh làm việc cho giặc. Song
Luận biết Lưu Khánh có hai đời vợ. Vợ trước mất khi ông còn trẻ. Vợ sau sinh
một con trai – Lưu Khánh Trung. Nghĩa Trung, Trung Nghĩa. Luân đã tiến gần sát
kết luận. Anh đánh một đòn cuối cùng:

- Hình
như trung úy quận trưởng là người Đức Hòa?

Đức Hòa
là quê của vợ Lưu Khánh.

- Thưa,
phải!

Tự
nhiên Luân rơm rớm nước mắt. Anh phải tránh ra ngoài để khỏi gây kinh ngạc cho
mọi người.

Mai Hữu
Xuân từ chiếc xe truyền tin hấp tấp bước vào, rỉ tai điều gì đó với Diệm. Diệm
hơi tái mặt. Rồi ông ta lấy lại bình tĩnh:

- Ta
đi, hè!

Bắt tay
trung úy quận trưởng và chào chung đám tề, Diệm bước vội ra xe. Ông ta hỏi bác
sĩ Tuyến, nặng giọng:

- Ai
bày ra chuyện đón tiếp tại đây?

Chợt
thấy quận trưởng theo đưa ông tận xe, Diệm nói thêm:

- Phiền
cho dân, cho địa phương quá.

Mai Hữu
Xuân nói nhỏ với Luân, giọng run:

- Lực
lượng trú phòng Bộ Tổng tham mưu cho hay có nhiều toán lạ mặt, ăn mặc quần áo
đen đang từ biên giời tiến về quận lị. Tướng Tỵ đã có biện pháp...

Quận
trưởng mở cửa xe cho Diệm. Mặt anh thản nhiên. Luân thầm phục: quả có bản lĩnh.

Dẫu
sao, kế hoạch này cũng phiêu lưu. Không thể nào tập kích một quận lị và nhất là
khi quận lị đó được tăng cường bố phòng như hôm nay.

Luân hi
vọng, nếu quả có “đằng mình,” thì họ đã kịp thời rút lui khi nghe đoàn xe nổ
máy. Tướng Tỵ khó vồ kịp họ.