Ván bài lật ngửa - Phần III - Chương 12

P3 - Chương 12

Mai Hữu
Xuân vừa bực tức vừa lo lắng. Ông ta không hề được Phủ Tổng thống hỏi một tiếng
về việc giữ an ninh theo chức trách của ông ta. Hội chợ Buôn Mê Thuột sắp khai
mạc, Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Chiểu đều có mặt tại chỗ, còn ông, ông ru rú ở
Sài Gòn.

“Tao
đâu phải là thằng gác giang cho
nhà bây!” - Xuân đay nghiến trong bụng. Tất nhiên, Thiếu tướng Mai Hữu Xuân là con người cực kì khôn
ngoan. Người ta không gọi ông nghĩa là mức độ tin cậy chưa cao. Ông đã làm tất
cả những gì có thể để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối của ông với chế độ
mới, kể cả sẵn sàng thủ
tiêu những đồng ngũ ngày hôm qua của ông – những đồng ngũ rủi ro bị bác sĩ
Tuyến lên danh sách. Có ít ra hai chục bức thư của vợ con loại nạn nhân kiểu đó
xỉ vả ông. Còn bạn bè, hàng trăm cú điện thoại trách
móc. Làm sao được? Ông cần sống, cần cầu vai lấp lánh thêm một ngôi sao cấp
tướng nữa, cần chờ dịp phất cờ. Ông tin là ngày đó sẽ tới, nhất định tới. Không
bỏ cái nhỏ thì khó mà đạt tới cái lớn. Đôi lúc ông tự cười: Savani, sĩ quan
tình báo kiêm nhà văn, bạn của ông - thật ra là “sếp” của ông trước kia – bắt
tay từ giã ông khi Pháp rút quân, bảo nhỏ một câu mà ông rất thích. Savani bảo:
Ông Xuân, nếu cần có một biệt danh, thì biệt danh của ông là Mìn-nổ-chậm! Rồi
Savani cười. Ông cũng cười. Chí của ông là vậy. Tất nhiên, ông không phải là
loại mìn chống tăng thường. Ông là mìn tấn, đánh sụp cả một lâu đài...

Ông
gườm hai đối thủ thôi: Ngô Đình Nhu và Nguyễn Thành Luân. Với Ngô Đình Nhu, ông
biết rằng ông chỉ được dùng như một “ngọn giò lái” đá ngược vào các lực lượng
thân Pháp. Nhu nắm mạng sống của ông như nắm những lằn chỉ tay của gã. Dùng ông
là con đường ngắn nhất triệt tiêu mối nguy hiểm bước đầu khi gia đình họ Ngô
giành được quyền bính. Tới một độ nào đó, ông giống như vỏ chanh; các biện pháp
mà Nhu sẽ thực hiện với ông chẳng khác nào các biện pháp mà chính ông đã thực
hiện với bao nhiêu kẻ - thực tế, có quá khứ y hệt ông, chỉ kém hơn ông tài luồn
lách và hiểu biết những chuyện hậu trường, chuyện đi đêm. Ông dự kiến chi li
mọi thứ. Phải tạo cái vẻ phục tùng nhà Ngô đến độ ai ai cũng chửi ông phản bội.
Càng bị chửi, ông càng bám chắc cái phao. Mặt khác, phải nắm thật nhiều chủ bài
– những chỗ nhược trí mạng của chế độ: ông không thiếu bản sao
những bức thư tình nóng bỏng của Trần Lệ Xuân và các nhân vật nặng cân, kể luôn
vài tấm ảnh. Ông có cả những tài liệu về sự trác táng của Ngô Đình Luyện, về
hoạt động tuy mang áo tôn giáo song đích thị là kinh tài của giám mục, về các
vụ buôn của bà Ngô Thị Hoàn tức Cả Lễ, về Ngô Đình Cẩn, Trần Trung Dung, về vợ
của Nguyễn Hữu Châu – chị ruột Lệ Xuân…

Ông
không quên la cà với tùy viên quân sự Mỹ, thiếu tá James Casey, nhưng chưa vồn
vã. Để xem người Mỹ “biết người biết của” không.

Ông đã
sẵn trong túi lá đơn gửi Tổng thống, một lần nữa xin cho ra đơn vị trực tiếp
bình định các nơi. Trong thời buổi nầy – giáo phái như ngọn đèn dầu le lói, còn
Việt Cộng đang mai phục – những chiến dịch càn quét chắc sẽ nâng nhanh địa vị
ông hơn là quanh quẩn với chức giám đốc an ninh quân đội… Lần trước, Diệm chấp
nhận cho ông điều khiển chiến dịch “Trương Tấn Bửu” bình định Đông Nam Bộ kéo
dài ba tháng rưỡi từ giữa tháng 7-1956; kết quả dù được
thổi phồng vẫn quá khiêm tốn.

Với
Nguyễn Thành Luân, ông e dè không phải vì Luân được họ Ngô tin cậy, đầu che cái
ô “con nuôi của giám mục,” được đại sứ Mỹ đặc biệt trọng thị. Ông đã so găng
vài hiệp với Luân và tự thú mình chưa đủ bản lĩnh. Vả lại, ông hiểu biết Luân
còn quá sơ sài. Mấy bẫy rập giương lên rồi sập xuống, chẳng thu được chút gì
đáng kể. Khi nghe điện thoại của Tiểu Phụng hẹn Luân, ông khấp khởi. Ông không
cần món quà của Tiểu Phụng định tặng Luân – chắc là bản danh sách điệp viên,
một số tài liệu quan trọng nào đó – nhưng ông cần bắt quả tang Luân hành động
lén lút, kiểu tình báo. Trong trường hợp đó, ông sẽ còng cổ Luân nộp cho Nhu,
hoặc khống chế Luân. Đằng nào cũng có lợi. Thế mà, rốt lại, một thằng cha Hoa
kiều vớ vẩn tên Lưu Kỳ Phong
lạ hoắc thế mạng cho Luân và Tiểu Phụng cũng bị giết.

Ông
chưa đưa nổi Luân vào tròng trong khi có vẻ Luân phát giác ở ông nhiều bí mật.
Vụ ném lựu đạn đoàn Kim Thoa, vụ giết trung úy Minh, luôn vụ Tiểu Phụng, nhất
là vụ Trịnh Minh Thế. Có lần, gặp ông, Luân hỏi:

- Thiếu
tá Vọng, thiếu tá Hùng mạnh giỏi không?

Ông đã
hớ hênh trả lời là mạnh. Đáng lí, phải giả bộ ngơ ngác. Dưới trướng ông đến
hàng trăm thiếu tá, sao lại trả lời ngay.

Luân
lại nói bâng quơ:

- Họ
sài súng “mút” của Anh khá lắm!

Thiếu
tá Vọng đã núp dưới biển dừa nước cạnh cầu Lăng Tô, dùng khẩu súng trường Anh
hiệu Remington có máy ngắm khử Trịnh Minh Thế - chỉ bắn một phát.

Ông đã
phản công:

- Tôi
không biết tài súng trường của họ. Nhưng tôi biết tài bắn súng lục của ông!

Nói như
vậy, ông ám chỉ Luân cũng có thể vấy vào một “xì căng đan.”

Luân
cười rộ. Cô nhà báo Mỹ Fanfani – con quỷ cái nầy mê mệt thằng Luân – cười phụ
họa. Và, ông phạm tiếp một sai lầm nghiêm trọng: ông im lặng, đỏ mặt...

“Phải
cho thằng Luân đo ván!” – Ông thề với nghề nghiệp như vậy… Phải cho đo ván
trước khi Lansdale hội đủ các dữ kiện về cái chết của Trịnh Minh Thế và rút ra
kết luận.

Giết
Trịnh Minh Thế, ông không chỉ đơn thuần làm theo khẩu lệnh của Nhu. Ông có tính
toán riêng. Phải chăng đây là sự rạn nứt đầu tiên giữa anh em Diệm – Nhu với
Mỹ? Thế có thể chưa phải là cái gì cả đối với họ Ngô và Mỹ, song Mỹ vỗ béo Thế
và Nhu ra lệnh thủ tiêu Thế. Tốt lắm! Mỹ buộc phải suy nghĩ về mấy con ngựa
đang kéo cỗ xe của họ ở Nam Việt. Bây giờ, đó là vết cào nhẹ trong mối quan hệ
Mỹ - Ngô. Vài vết cào nữa sẽ thành vết thương tấy mủ… Cái quan trọng là đừng để
lòi lưng ông – người trực tiếp chọn chỗ phục kích cho thiếu tá Hùng, thiếu tá
Vọng. Trên đòn cân của Mỹ hiện thời, ông tự biết mình chỉ là chiếc lông so với
tảng đá Ngô Đình Diệm

Ông đã
từng nói xa nói gần cho Nhu hiểu là Luân nghi ông dính vào vụ Trịnh Minh Thế.
Nghi ông tức là nghi Nhu. Nghe ông, Nhu phán một câu, ông lạnh xương sống:

- Ông kĩ
sư nghi vì hành động ít nhiều có sơ hở. Ông kĩ sư nghi, nghĩa là Tổng thống
nghi, đại sứ Mỹ Nghi. Chỉ còn cách xóa hết dấu vết…

Tốt
nhất là im lặng và cho Luân đo ván… “Xóa hết dấu vết” đã có, nghĩa là xóa ông
bằng cách nào đó…

Hội chợ
Buôn Mê Thuột – một thứ “kẹc mết”(1) đấu xảo – mà lại được chăm sóc kĩ, quá kĩ.
Trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, trùm cảnh sát Phạm Xuân Chiểu, đích thân vợ chồng
Nhu, luôn Luân và người yêu đều có mặt trên đó. Tất nhiên, Mai Hữu Xuân hiểu
liền ý nghĩa của cái hội chợ ở nơi đèo heo hút gió kia.

(1)
Kermesse: hội chợ - tiếng Pháp

Làm gì
bây giờ? Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đi lại cả tiếng đồng hồ trong phòng làm việc của ông. Lần lần, ông hình dung ra một chuỗi khả năng
có thể xuất hiện: Fulro, giáo phái, Phòng nhì Pháp, Đại Việt, tàn quân Bình Xuyên, Cộng sản… hàng tá phe nhóm
nuôi mối thù không đội trời chung với Diệm, chắc chẳng bỏ lỡ cơ hội. Diệm mà
ngã xuống lúc nầy, cũng hay. Cộng sản chưa đủ mạnh, giáo phái sụp đổ, Pháp ra
đi và đang vướng ở Bắc Phi. Mỹ, dứt khoát là Mỹ sẽ bỏ bàn cờ cũ, xếp lại bang
cờ mới. Tại sao trong các quân cờ quan trọng cỡ xe pháo mà lại không có tên Mai
Hữu Xuân, người đầy đủ kinh nghiệm trị an nội địa? Diệm mà ngã xuống, Nhu và
Luân trừ phi trốn vào sứ quán Mỹ, khó thoát tay ông. Ngược lại, chính ông khám
phá một âm mưu ám sát Tổng thống, đúng là sự kiện hấp dẫn. Tha hồ yêu sách, tha
hồ vẽ rồng vẽ rắn. Tha hồ lái chính sự xứ nầy vào quỹ đạo mà ông và Savani từng
vạch, từng chạm cốc, từng thề thốt…

Thiếu
tướng bấm chuông. Thiếu tá Hùng – vẫn mấy sợi lông đen phe phẩy trên cằm – đứng
nghiêm.

- Kêu
luôn thiếu tá Vọng! Ta bàn công việc gấp…

*

Lần
nầy, Ly Kai gặp Dương Tái Hưng trên tầng chót khách sạn Majestic. Dương Tái
Hưng, trong bộ complet màu xanh nước biển, trẻ hẳn ra, không phảng phất một tí
dáng dấp Hoa Kiều. Gặp Dương Tái Hưng, Ly Kai không được thoải mái lắm. Gã chưa
tiến thêm một chút nào trong
đòi hỏi của Dương Tái Hưng tìm hiểu “chỗ nhược” của Nguyễn Thành Luân. Tay kĩ
sư nầy không uống rượu – uống khá khỏe song không nghiện – không gái. Còn tiền
– do hai khoản trên – Ly Kai đoán chắc là không động tay va.

Con
đường vòng qua Bá Thượng Đài và Lâm Sử coi mòi quá ngoằn ngoèo. Bá Thượng Đài,
cả Diệu Thọ, Tào Phu, Tần Hoài, chẳng giúp ích gì cho gã. Ngay Lâm Sử, ông ta
cốt khai thác Ly Kai, chớ tuyệt không môi giới cho Ly Kai tiếp cận Nguyễn Thành
Luân. Có một lần, Lâm Sử bị Ly Kai nằn nì quá, tổ chức một buổi tiếp xúc với
một người trong nhóm Giải Liên. Người đó được giới thiệu bí danh là Sáu Sơn.
Còn tên thiệt, chính Lâm Sử tiết lộ: Nghị Lực – cán bộ nằm vùng của Việt Cộng,
quê Bạc Liêu.

Buổi
tiếp xúc diễn ra trong một căn phố lao động vùng Cầu Muối, có thể nói là một cú
“nốc ao” đối với Ly Kai. Nghị Lực đón Ly Kai với vẻ lạnh nhạt và nghi kị. Tất
nhiên, Lâm Sử giới thiệu Ly Kai trong một thân phận rất khả ái: Hoa kiều “khai
minh.”(2) Thế mà Nghị Lực lại hỏi thẳng Ly Kai: định mở
sòng bạc ở đâu? Tay nầy quả là đáo để. Ly Kai nói tiếng Việt, Nghị Lực đối đáp
tiếng Việt. Ly Kai nói tiếng Quảng, Nghị Lực nói tiếng Quảng. Rồi tiếng Tiều,
Hẹ, Phúc Kiến, Bắc Kinh…

(2) chữ của
Trung Cộng, ý chỉ người Hoa “tiến bộ”.

Sau
cùng, Ly Kai cố gắng ném quả bóng vào khung thành: “Ông quen với Nguyễn Thành
Luân?”

Nghị
Lực cười – nụ cười như đi guốc trong bụng Ly Kai:

- Đây
là điều chính yếu phải không?

“Tỉu na
má!” – Ly Kai chửi thề thầm. Khi gã chửi thề, dù là thầm, gã vẫn dùng tiếng Xán
Thầu mẹ đẻ.

- Tại
sao ông lại để ý một kĩ sư đang cộng tác với ông Nhu? Tôi có biết kĩ sư Luân
lúc ông ấy làm tiểu đoàn trưởng. Một người kháng chiến. Và, từ sau đình chiến
có nhiều biến đổi. Ông muốn tìm hiểu kĩ sư Luân về phương diện nào?

Ly Kai
lúng túng.

- Tôi
là một người Hoa đã đi kháng chiến. Nếu ông muốn chúng ta làm quen trong công
việc cứu trợ đồng bào Hoa nghèo của chúng ta thì tôi sẵn sàng trao đổi với ông.
Còn ông định lôi kéo tôi vào công việc khác, thì xin lỗi ông; lần gặp nay coi
như lần chót. - Nghị Lực bảo.

- Ông
Lâm Sử… - Ly Kai ấp úng.

- Tôi
và Lâm Sử khác nhau!

Ly Kai
chợt nhớ câu thần chú mà Dương Tái Hưng và Lâm Sử đã đọc với gã:

- Tổ
quốc…

- Ông
muốn nói cái gì về Tổ quốc? Nơi nuôi tôi lớn, cho tôi tấm lòng, đó không phải
là một Tổ quốc nữa của tôi hay sao?

- Ông
là người lai? - Ly Kai hỏi một câu ngớ ngẩn.

-
Không, tôi không lai. – Nghị Lực trả lời rất rõ – Song dòng máu mà tôi mang có
phần do hạt gạo Việt Nam. Và trên hết tôi có cái đầu để suy nghĩ và điều khiển
cho hành động. Chứ không phải cái đầu đặc cứng…

Ly Kai
ngán ngẩm. Gã vốn dốt chính trị. Đời gã được rèn trong sấp ngửa, đỏ đen. Hoặc “tài”
hoặc “xỉu.” Còn thằng cha Nghị Lực nầy coi bộ cứng cựa. Rút lui là thượng sách.

- Kĩ sư
Luân mà biết ông điều tra ông ta, lại dính đến Lâm Sử thì tôi e rằng ông khó
sống. Kĩ sư Luân theo ông Ngô Đình Nhu, ông ta dư sức khai tử ông. Còn tôi, tôi
đến gặp ông, bạn bè Hoa kiều đều
biết. Nay mai, tôi bị quấy rầy gì thì ông đừng hòng yên ổn.

Nghị
Lực ném lại câu dữ dằn đó rồi lại mất dạng.

… Vậy
mà Dương Tái Hưng không trách mắng gì gã. Câu chuyện thủ thỉ quanh chuyến du
lịch của Dương Tái Hưng. Ông ta chơi ở Hồng Kông, và hình như ông ta sang Mỹ.
Sang Mỹ thì chắc, bởi ông thuật lại cho Ly Kai buổi họp báo của tướng Collins
về vấn đề Việt Nam. Ông ta có ghé Bắc Kinh hay Đài Bắc hay không, ông ta không
hé nửa lời.

Mãi khi
uống cà phê, Dương Tái Hưng mới hỏi công việc của gã. Gã thông báo về việc Nhu
và Luân vắng mặt ở Sài Gòn.

- Tôi
tin rằng một âm mưu đang xúc tiến nhằm xóa ông Diệm. Điều quan trọng cấp bách
là ông phải cung cấp cho tôi mọi dấu hiệu của âm mưu đó. Ông Diệm sẽ lên Buôn
Mê Thuột. Ai biết tin nầy thì kẻ đó liên quan gần hoặc xa với âm mưu. Ông hiểu
chưa?

Ly Kai
rối đầu. Gã tìm Lâm Sử còn nôn nóng hơn Dương Tái Hưng.

- Ông
nghĩ xem ông có cách nào nắm tin tức nhanh nhất. Có thể ta đã chậm. Tôi giao
ông một nhiệm vụ: Phá bất cứ âm mưu nào định ám hại ông Diệm. Phá, ông nghe
chưa?

Thấy Ly
Kai ngơ ngác, Lâm Sử nhấn mạnh:

- Lợi
ích tổ quốc hiện giờ là bảo tồn ông Diệm. Sự sống của ông Diệm rất cần cho Tổ
quốc!

Ly Kai
càng ngơ ngác hơn.

- Ông
kém khiếu chính trị quá!

Ly Kai
vui vẻ nhận lời phê phán nầy.

- Ông
Diệm chưa hoàn thành sứ mạng lịch sử của ông ta!

“Tỉu na
má!” – Ly Kai đối lại bằng câu chửi thề thầm.

- Sứ
mạng chính của ông Diệm là tiêu diệt, hoặc ít ra làm suy yếu lực lượng Việt
Cộng. Ông ta mới mở đầu công việc lớn lao đó. Phải thêm thời gian nữa. – Lâm Sử
nói thật hăng.

- Mà,
người Hoa phản đối ông Diệm. Ông ta buộc người Hoa lấy quốc tịch Việt, cấm một
số nghề…

Lâm Sử
lắc đầu:

- Ông
khờ khạo thật. Cấm nghề nầy ta làm nghề khác. Còn quốc tịch đó chỉ là giấy tờ.
Gọi ông là Ly Kai hay Lý Giai,
có sao đâu?

- Phá
tất cả âm mưu, hành động toan ám hại ông Diệm. Ông nhớ cho! – Lâm Sử nhấn mạnh
lần nữa.

Ly Kai
thật sự hoang mang: Lắm ông Hoa và lắm chủ trương. Tất nhiên, gã vẫn im ỉm
trước Lâm Sử về Dương Tái Hưng.

Gã lập
một chương trình: sẽ có mặt ở Buôn Mê Thuột. Còn bây giờ thì sục sạo, nghe
ngóng…

*

Ngay
ngày hôm Nhu và Luân – có Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Chiểu theo – lên đường đi
Buôn Hồ, một dạ hội tưng bừng mở tại biệt điện vào bảy giờ tối.

Có mặt
động đủ giới thượng lưu của thủ phủ Tây Nguyên và Trung phần: Thiếu tướng Lê Văn Kim, Tư lệnh quân đoàn và tư lệnh quân khu, Đặc sứ Tôn Thất Hối, đại biểu Chính phủ Nguyễn Đôn
Duyến, Giám đốc sở kinh tế Nguyễn Điền, Giám đốc nha thông tin Vũ Văn Tĩnh… Nhưng người khách
quý nhất lại là Trung
tướng André Trần Văn Đôn, tổng tham mưu phó, phụ trách lục quân. Ông lên Tây
Nguyên săn bắn và do ông lên Tây Nguyên mà có buổi dạ hội nầy.

Trước
hết, phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu, người chủ dạ tiệc, nói mấy lời. Cũng rõ
ràng thôi: nhân nhà tôi và tôi lên thăm Buôn Mê Thuột, chúng tôi mời bạn hữu
đến vui. Nhà tôi bận công việc bất khả kháng, nên xin lỗi bạn hữu. Mong bạn hữu
xem tối nay như tối trong gia đình.

Trong
chiếc áo hở tận vai, bộ mặt và đôi môi khéo trang điểm, bộ ngực cố ý phô bày,
Trần Lệ Xuân lấn cả cành anh đào to tướng đặt giữa phòng.

Vỗ tay
nồng nhiệt.

- Tiện
thể, tôi xin giới thiệu cô Hoàng Thị Thùy Dung, vị hôn thê của thiếu tá Kĩ sư
Nguyễn Thành Luân, khách quý của vợ chồng tôi, có mặt hôm nay…

Lệ Xuân
chìa tay về chỗ Dung. Cô đứng lên, khẽ gật đầu đáp tiếng vỗ tay. Trong chiếc áo
dài màu thiên thanh, Dung nổi bật vẻ thùy mị. Cử tọa, gần nhu điều tất yếu,
nhìn một lúc hai phụ nữ và so sánh. Nhưng, Dung đã ngồi xuống. Lệ Xuân chưa bàn
trước với cô về việc giới thiệu nầy.

Sáng
nay, trước khi lên xe, Luân đã dự đoán có cái màn nhảy nhót và dặn Dung cẩn
thận.

- Cẩn
thận như thế nào? - Dung hỏi vặn

- Tỉ
như cô không quen uống rượu mạnh…

Luân
chỉ nói bấy nhiêu, song trong đáy mắt anh, Dung hiểu hoàn toàn những lo âu.

“Phần
anh, anh đi vào chỗ chẳng an toàn gì, sao không suy tính…” - Dung nói thầm, bởi
vì cô hiểu chuyến đi Buôn Hồ của Luân na ná như ra trận. Còn khó hơn ra trận
nữa. Cô không được quyền đi theo. Nhu không cho và Luân cũng vậy. Đành ngồi ở
biệt điện thắc thỏm nghe tin. Xế nay, Vũ Xuân Quang mời Dung đến trước máy
truyền tin. Từ chỗ nào đó, Luân nói chuyện với cô:

- Luân
đây… Luân đây…


quýnh quáng, không kịp bấm nút “nói,” gào to:

- Em
đây, Dung đây…

Khi Vũ
Xuân Quang chỉnh lại máy, cô mới trấn tĩnh:

- Anh
đó hả? Em đây... Vui. Khỏe. Không đi chơi đâu hết. Đợi anh về. Anh nhớ coi
chừng…

Nói tới
đó Dung quên phứt nên dặn Luân coi chừng cái gì. Một giọng vui chen vào máy của
đại tá Chiểu:

- Coi
chừng các cô gái Rhađê phải không?

- Coi
chừng rắn! – Dung bí quá, nói bừa.

Tiếng
cười nhộn ở đầu máy bên kia.

- A
bientôt!(3) – Dung đáp lời Luân. Cô tần ngần mãi với chiếc ống nghe dù máy đã
chuyển làn sóng.

(3) Hẹn gặp
lại – tiếng Pháp

- Cô
không quen uống rượu mạnh!

Dung
nhớ lời dặn dò đó. Trần Lệ Xuân là con quỷ cái. Nó dám làm tất cả những gì để
hạ nhục và kềm chế Dung, Dung hiểu. Khi Dung đứng lên đáp lễ quan khách, cô đã
bắt gặp tia mắt nham hiểm của mụ. Mụ ganh. Dung nhỏ hơn mụ cả chục tuổi, trang
sức sơ sài, vẫn giành sự ngưỡng mộ của người có mặt. Cái trò đài các nầy khiến Dung lợm. Giá mà không
phải là nhiệm vụ, giá mà không vì “anh ấy,” cô rời biệt điện ngay lập tức.

Một
người tuổi lối ba mươi, mũi
thẳng, da trắng – tóm lại, rất bảnh trai – xán lại chỗ Dung:

- Rất
hân hạnh được làm quen với cô Thùy Dung. Tôi là đại úy Nguyễn Thuần, người Hà
Nội, ở ngành không quân.

Giọng
anh ta hơi uốn éo, thái độ thì sỗ sàng. Dung ngồi yên, không chìa tay.

- Ông
là phi công?

- Vâng,
tôi học lái máy bay chiến đấu tại trường Oran, Algérie, sau đó tu nghiệp tại
căn cứ Clark, Phi Luật Tân… Cô cũng là người Hà Nội?

“Bắt
đầu màn quỷ quái rồi đó!” – Dung nghĩ thầm trong khi gã đại úy nhìn chằm chằm
mắt cô.

- Cô
Thùy Dung không mời tôi ngồi chung bàn với cô sao?

Dung
cười lạt, không trả lời.

- Trong
buổi dạ tiệc nầy, cô là cây đinh.

Gã đại
úy lải nhải. Trần Lệ Xuân làm như tình cờ quay về hướng hai người, cười kín
đáo.

Mọi
người chạm cốc. Gã đại úy mời Dung. Cô đứng lên và nhúng môi. Chất rượu cay xé.

“Giờ
nầy, anh đang ở đâu? Chúc anh an toàn!” Dung nhớ tới Luân. Mắt cô long lanh và
gã đại úy hiểu lầm.

- Cô có
bàn tay đẹp, thật đẹp.

Gã đại
úy tán tỉnh. Có vẻ gã chờn vờn muốn ve vuốt bàn tay Dung. Tới mức nầy, Dung đâm
hoảng. Cô cúi gầm mặt, vân ve cái li.

- Cô
uống đi… - Gã đại úy giục – tôi uống cạn rồi! – Gã lật úp li của gã.

- Tôi
không quen uống rượu. – Dung nói gần như thỏ thẻ.

- Uống
rồi khắc quen! – Gã đại úy kéo ghế gần Dung hơn một chút và đột nhiên nói như
thì thầm – Cô có chiếc cổ tuyệt vời. Nếu cô mặc áo như bà Lệ Xuân thì tôi cam
đoan cả Buôn Mê Thuột nín thở!

“Khả ố!”
- Dung nghĩ là không nên kéo dài lối lập lờ nầy nữa.

- Thưa
ông, tốt nhất là ta nên định rõ cách xưng hô. – Dung rắn rỏi – Tôi gọi ông bằng
ông. Phần tôi, tôi là bà Nguyễn Thành Luân. Tôi không thích bất kì lối xưng hô
nào khác!

Gã đại
úy, tuy bị hẫng, song thuộc loại lì lợm.

- Được
thôi… Gọi cô hay bà, chẳng có gì quan trọng. Cái quan trọng là tôi đang ngồi
gần một người con gái đẹp. Chút nữa thưa bà Nguyễn Thành Luân, xin bà cho phép
tôi mời bà cũng nhảy một bản…

Đèn
biệt điện chuyển sang mờ ảo. Nhạc dìu dặt. Từng cặp lướt trên sàn gỗ.

“Làm
thế nào đây?” – Dung lại bối rối. “Từ chối nhảy ư? Sẽ phật lòng Trần Lệ Xuân.
Nhảy ư? Nhất là nhảy với gã đại úy nầy ư?” Dung khe khẽ lắc đầu.

Nhưng
gã đại úy đã đứng lên, chìa tay. Phép lịch sự không cho Dung từ chối. Vả lại,
trong phòng, chỉ còn mỗi Dung là nữ chưa bắt cặp. Trần Lệ Xuân đang lã người
trong cánh tay của trung tướng André hào hoa.

Gã đại
úy nhảy rất đẹp. Dung giữ đúng cự li vừa phải với gã, và cô làm cho gã kinh
ngạc:

- Bà
nhảy giỏi quá!

*

Trung
tướng André và Lệ Xuân khuất dần sau cành đào. Lợi dụng một vệt tối, André siết
chặt thân hình Lệ Xuân.

Lệ Xuân
cười khúc khích:

- Chi
mà vội vậy… Anh lên Buôn Mê Thuột làm gì?

André
say đắm nhìn vào môi Lệ Xuân, thều thào:

- Đi
tìm em!

- Thật
không?

- Sao
không thật? Chồng em đi săn thú rừng. Anh đi săn em…

Gã đại
úy bắt gặp cảnh đó. Gã nói khẽ:

- Dẫu
sao, bà Nhu cũng đã nửa chừng xuân…

Dung
chẳng thấy gì cả. Cô tập trung vào bước nhảy, với cô là một nhiệm vụ. Nhiều
lần, gã đại úy cố ý lái cô vào cái vùng tối sau cành đào, Dung đã giữ gã giữa
sàn gỗ.

Nhạc
chấm hết, bản Valse đầu tiên. Lại uống, lại ăn, lại nhảy. Sau tuần sâm banh,
Dung tự thấy sự rút lui của cô không thể gây khó chịu cho Lệ Xuân và quan
khách, cô chào Lệ Xuân. Gã đại úy xin phép đưa cô, cô chưa kịp từ chối thì
chính Thiếu tướng Lê Văn Kim làm việc đó:

- Tôi
xin được tiễn bà một đoạn. – Kim nghiêng người, rất lễ phép. Dung cám ơn ông.
Gã đại úy bực mình, ngồi phịch xuống ghế.

- Tôi
ái mộ ông kĩ sư và hi vọng sẽ có dịp làm việc chung với ông…

Lê Văn
Kim nói như vậy, trước khi Dung rẽ về hướng phòng riêng.

*

Dạ hội
tan vào một giờ đêm. Bằng cách nào đó không ai rõ, André có mặt trong phòng Lệ
Xuân.

- Người
ta nói em làm chính trị trong mọi trường hợp. Ngay tại phòng nầy… đúng không? –
André nói khi cả hai đã lõa lồ trên giường.

- Anh
lại tin vào những lời đồn nhảm đó sao? Với anh, em yêu! – Lệ Xuân áp sát người
và André, vuốt ve chiếc ngực nở nang của ông ta.

André
chỉ còn mỗi việc ôm chầm lấy mụ. Trong tiếng thở dồn dập của André, Lệ Xuân
hỏi:

- Tại
sao anh lên Buôn Mê Thuột? Anh đi với ai?