Ván bài lật ngửa - Phần V - Chương 03 phần 1

P5 - Chương 3

Ngọn
núi lửa Nam Việt Nam

Thực tế
và cường điệu

Bài của
Helen Fanfani

(Financial
Affairs)

Sài
Gòn, tháng hai. Những người nước ngoài tại Sài Gòn am hiểu tình
hình Nam Việt Nam đều phân vân về bài nói của Ngô Đình Nhu, em trai và cố vấn
chính trị của Tổng thống, cũng
là nhà lí luận quả quyết và hùng biện, người đề ra chính sách của chế độ. Ông
dành một giờ trên đài phát thanh để thuyết phục dư luận Nam Việt Nam rằng Quốc
gia chống Cộng non trẻ này đang đứng trước hai nguy cơ, một là tai họa Cộng sản
lớn hơn điều mà người ta tưởng, hai là thái độ thiếu kiên định của Hoa Kỳ, cũng
là một thứ nguy cơ. Có lẽ một chi tiết cần chú ý trước tiên: bản kí âm bài nói
của ông Nhu không hoàn toàn khớp với bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh mà Việt
Tấn xã phát hành trong bản tin buổi chiều và cũng không hoàn toàn khớp với bản
tiếng Việt được công bố trên báo Việt ngữ. Ai cũng thấy bản công bố chính thức được giảm nhẹ giọng hằn học ở phần
phê phán Hoa Kỳ. Tỉ như, ông Nhu khi nói, dùng danh từ “thiếu đạo lí,” khi công
bố là “thiếu thông cảm.” Một tỉ dụ khác: khi nói, ông Nhu gọi những quan chức
Mỹ thường chỉ trích Tổng thống Ngô Đình Diệm là “những quan thuộc địa với thói
quen nhìn các dân tộc châu Á qua con số chi xuất đồng dollar” khi công bố, lại
là: “Những viên chức ích kỉ, chừng nào đó theo cách nhìn ‘nước Mỹ trước hết’ của một vài Tổng thống Mỹ
trước kia muốn giới hạn trách nhiệm nước Mỹ chỉ ở Tây bán cầu…”

Đây
không phải là chuyện vặt vãnh. Phải chăng, anh em ông Diệm muốn dấy lên làn
sóng chống Mỹ - dù hạn chế trên mặt trận báo chí - để chứng minh một cái gì đó
hoặc để vòi vĩnh một cái gì đó. Và, khi mà đọc lại bài viết, họ giật mình và cố
gắng điều chỉnh? Một nhân viên đại sứ quán Mỹ có vai vế, yêu cầu không nêu tên,
nói với nhà báo: Người nghe đài phát thanh bao giờ cũng đông hơn người đọc báo.
Đã có giả định được không, tình trạng bát nước đổ và người đang hốt nó - như
cách nói dí dỏm của người Việt?

Cách
đây vài tuần lễ, cũng trả lời phỏng vấn của tờ báo lớn của Pháp - tờ Le Figaro
- cũng chính ông Nhu nói: Chúng tôi đang ngồi trên một ngọn núi lửa, chưa biết
bao giờ nó sẽ phun.

Đã ba năm kể từ một kẻ vô danh bắn vào Tổng thống trên miền đất hứa Cao nguyên. Bộ trưởng cải cách
điền địa bị thương - chỉ một người thôi - nhưng cuộc thanh trừng như bất tận.
Dẫu sao suốt ba năm đó, không một biểu hiện nguy kịch nào khiến chế
độ phải sợ hãi, về phía Cộng sản cũng như về phía những người Quốc gia khác chính
kiến với ông Diệm, nếu những thông báo công khai có thể tin cậy được. Không ai
không lạ lùng giữa khi guồng máy chạy bình thường - rất bình thường nữa - thì
đột nhiên Chính phủ Nam Việt Nam ban hành một sắc lệnh thời chiến: luật 10-59.
Với đạo luật này - ngay nhà độc tài mụ mẫm ở một Quốc gia Nam Mỹ cũng chưa dám
áp dụng - Cộng sản và đồng lõa phải bị xử chém.

Chiếc
máy chém được lau chùi, sau khi nó biểu dương một lần cách nay bốn năm để thi hành bản án đối với tướng Ba Cụt của
giáo phái Hòa Hảo. Chiếc máy chém bây giờ cần phát huy công suất, cho nên nó
lưu động. Và, luật 10-59 có hiệu lực ngay - một chiếc đầu rơi, của một cán bộ
Cộng sản cấp tỉnh tên là Hoàng Lệ Kha. Đồng thời, Nam Việt Nam áp dụng kinh
nghiệm Mã Lai, thành lập các khu tập trung gọi là Khu trù mật - dồn dân bấy lâu
sống tản mạn vào đây, giữa bờ rào và tường đất, dưới tầm súng của các chòi gác,
hoàn toàn không có một tiện nghi sinh hoạt nào, ngay nước uống.

Ở thành
thị, Chính phủ ông Diệm cho bầu cử Quốc hội, nhưng lại không cho ứng cử viên
nhiều phiếu bước lên thềm Nhà hát lớn.

Sự trái
ngược, lộn ẩu trong chính sách của Nam Việt nảy ra một loạt giả thuyết. Bài nói
của ông Nhu phản ảnh rõ rệt sự trái ngược, lộn ẩu đó và nhân thêm các phỏng
đoán. Ông Nhu nói: “Chế độ Cộng hòa đang ở vào giờ báo động. Chính phủ không
muốn giấu giếm với quốc dân tình thế nguy hiểm hiện nay.” Tuy vậy, ông Nhu
không hề chứng minh “tình thế nguy hiểm” một cách cụ thể mặc dù ông cố gắng
chứng minh nguyên nhân của tình thế đó. Có hai điều, theo lời ông Nhu: Một, những
kẻ tự nhận là Quốc gia, là chống Cộng nhưng nặng quyền lợi ích kỉ, vô tình hay
cố ý tiếp tay cho Cộng sản. Hai, đồng minh của Nam Việt Nam bị những kẻ nói
trên mê hoặc, có thái độ chập chờn trong sự lựa chọn giữa thời điểm nhạy cảm
hiện nay - hoặc giữ đúng lời cam kết ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ mà Tổng thống là đại
biểu hiến định để đối phó hữu hiệu với Cộng sản, hoặc dung dưỡng bọn bất tài
đang bất mãn, gây khó khăn cho quá trình củng cố chế độ tự do ở Nam Việt Nam và
như vậy có nghĩa là sửa soạn dâng một phần đất còn lại này cho kẻ thù…

Không
ai nghi ngờ ý chí chống Cộng của Tổng thống Diệm. Song, không ai không phát
hiện qua bài nói của ông Nhu, những mục tiêu đấu tranh mà chế độ ông Diệm xem
ngang, thậm chí nguy hiểm hơn Cộng sản: những người Nam Việt Nam không tán
thành một số mặt chính sách nào đó của Tổng thống và bản thân chính giới Mỹ, ở
những phần khác ý kiến với ông Diệm. Ít nhất, ông Diệm tự đặt cho mình ba đối
thủ. Trên bình diện thực hành, chế độ Sài Gòn chưa dám làm cái gì phạm thượng
đối với người Mỹ ngoại trừ sự nói xiên nói xéo. Còn đối với các nhóm theo chủ
nghĩa Quốc gia thì chế độ chắc chắn không nương tay.

Nước Mỹ
đang ở vào năm bầu cử. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa bắt đầu. Đảng Dân chủ có
vẻ chiếm lợi thế nhờ xu hướng của công chúng Mỹ đòi hỏi cải thiện quan hệ với
khối Cộng và nhờ Kennedy - người mà các cuộc thăm dò nhất trí là sẽ được Đảng
Dân chủ đề cử trong cuộc so găng vào tháng mười một với đảng Cộng hoà. Đó chính là cơ sở - nếu không
phải là cơ sở duy nhất - cưỡng ép ông Nhu có bài nói thách thức vừa rồi. Tổng
thống Eisenhower có thể phiền lòng, song ông không còn mấy thì giờ để làm một
errata(1) đằng sau tác phẩm sinh nở và lớn khôn dưới thời của ông. Nhưng,
Kennedy thừa thì giờ để “lập lại trật tự” trong cái tôn ti mà nước Mỹ đang cố
giữ gìn.

(1) Cải
chính, sửa sai.

Trái
với phong tục cổ truyền của nước ông, ông Nhu không chúc lành mà chúc dữ nhân
ngày Tết. Quả núi lửa có thể phun - nó phải phun - bởi trong vòng chiến, không
chỉ có Cộng sản và chế độ ông Diệm. Và, bởi chính ông Diệm và gia đình ông muốn
nó phun, hơn thế nữa, đang cố hết sức mình để thúc đẩy cho nó phun.

Câu
ngạn ngữ sau đây không chắc tới bạn đọc Finacial Affairs vì cây kéo kiểm duyệt
Sài Gòn: Con ếch thích to bằng con bò… Cường điệu một khi biến thành hiện thực
- lạy Chúa - không phải là điều mà chúng ta cầu nguyện…

*

Báo cáo
của Sở nghiên cứu chính trị.

Nhóm “Caravelle”
- tên gọi do chương trình hành động của nhóm được thông qua tại một bữa tiệc mở
trên tầng sáu khách sạn Caravelle. Chỉ có tờ Thời Luận đăng chương trình này.
Báo tiếng Pháp - Journal d’Extrême Orient - đưa tin vắn tắt. Nhưng, hãng UPI,
AFP đánh đi tin chi tiết - giới thiệu tỉ mỉ tiểu sử những người đứng đầu, nhất
là Trần Văn Hương.

Chương
trình nhấn mạnh hai điểm:

1- Đòi Chính
phủ thực thi dân chủ, cụ thể là đòi để các xu hướng quốc gia được quyền tập họp
thành tổ chức, có cơ quan ngôn luận, được sử dụng đài phát thanh và có quyền
phát ngôn khác như in ấn, lưu hành ấn phẩm, diễn thuyết. Đòi Chính phủ đối
thoại với các chính đảng, nhóm. Đòi tổ chức bầu cử quốc hội và công nhận phe
thiểu số đối lập trong nghị viện.

2
- Tự do kinh doanh, hủy bỏ các hình thức độc quyền
của Chính phủ

Chương
trình nhằm khai thác sự bất mãn trong một số trí thức và một số nhà doanh
nghiệp. Chương trình cũng tỏ ra khéo léo mơn trớn dư luận Mỹ, đặc biệt là dư
luận ủng hộ Đảng Dân chủ Mỹ đồng thời bỏ ngỏ khả năng thiết lập lại quan hệ tốt
hơn với Pháp.

Trong
phiên họp chót, Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Trân phát biểu rất hăng.
Đán khoe là “đã có những cuộc tiếp xúc bổ ích với người có thẩm quyền của Đảng
Dân chủ Mỹ.” Nguyễn Trân phân tích con đường cứu Việt Nam Cộng hòa khỏi rơi vào
tay Việt Cộng: thay đổi chế độ, từ Tổng thống chuyển sang chế độ nghị viện, từ
độc đảng sang đa đảng. Hoàng Cơ Thụy nói về việc “phá thế cô lập của Việt Nam
Cộng hòa trong thế giới tự do” mà hành động đầu tiên là “tỏ ra hiểu biết đầy đủ
về vai trò của Pháp ở Đông Dương, một vai trò mang ý nghĩa lịch sử lẫn thực
tiễn hiện tại, bởi Pháp là một cường quốc.

Trần
Văn Hương kết luận cuộc họp. Ông nói ngắn và chung chung: Phải thực hiện đoàn
kết quốc gia để chiến thắng Cộng sản. Chương trình hành động của nhóm được
thông qua theo lối đưa tay.

Theo
các nguồn tin, linh hồn thật sự của nhóm là Nguyễn Trân. Với các bằng chứng,
chúng tôi thấy rõ hai thế lực sau đây đồng tình với nhóm: một số sĩ quan và trí thức từng dính với Phòng
nhì Pháp và Đảng Đại Việt Hà Thúc Ký, Trương Tử Anh, kết liên với các nhóm Quốc dân đảng Nguyễn Hòa Hiệp.
Cũng không loại trừ khả năng nhóm thỏa
thuận ngầm với Thích Tâm Châu. Riêng nhóm Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn thì hình như
đứng ngoài cuộc. Phần Trần Văn Hương, ông ta không thích Đán và các phe, song
háo danh, tự coi như người đứng trên nên bị lợi dụng.

Sau
đây, đính kèm:

1)
Chương trình của nhóm.

2) Băng
ghi âm cuộc họp.

3) Danh
sách hai
mươi mốt người dự họp.

*

Nhu rõ
ràng thấm mệt sau những ngày căng thẳng liên tục. Anh ta gần như nằm hẳn trên
ghế, chân gác lên bàn. Đôi mắt nặng nề nhìn người đối thoại với mình một cách
lơ đãng. Luân thông cảm với hoàn cảnh và gánh nặng mà Nhu đang xốc đỡ. Chợt nhớ
đến bài báo của Fanfani, Luân mỉm cười: Mỹ có trước mắt hai mục tiêu - cách
mạng và phe phái; Nhu thêm một bận tâm nữa - Tổng thống Diệm. Như vậy, Nhu phải
là người bận rộn nhứt.

- Anh
cười cái gì? - Nhu hỏi, uể oải.

- Cười
anh! Tôi vừa đọc một quyển sách, tựa là “Anh hùng thấm mệt”… - Luân trả lời,
vẫn cười tiếp.

- Sách
triết học hay văn học?

- Tiểu
thuyết…

- Có
chỗ nào giống tôi không?

-
Giống… Giống chỗ “thấm mệt” nhưng con đường đi tới “thấm mệt” khác nhau xa.

- Anh
còn thời giờ đọc tiểu thuyết, giỏi quá. Tôi chẳng những không còn thì giờ mà
không còn đầu óc.

Nhu
chống người dậy, châm thuốc.

- Mệt
kinh khủng! - Nhu nói khi nhả ra làn khói - Trước kia, chính tôi đưa ra các đề
thi, bây giờ chính tôi phải giải các đề thi. Toàn các đề thi hiểm hóc. Anh có
thấy như vậy không?

- Thấy
chớ! - Luân gật đầu - Tôi khâm phục sức làm việc của anh…

- Anh
đọc báo cáo tuần của Bộ tham mưu chưa? - Nhu đùa sang Luân một xấp giấy - Tình
hình xấu lắm. Rất xấu. Ta mất một phần lớn làng xã, Cộng sản đột ngột đẩy mạnh
hoạt động, đặc biệt ở đồng bằng Nam phần. Tôi không hiểu họ lấy súng ở đâu, mà
trong một thời gian kỉ lục, lập ra bao nhiêu tiểu đoàn, không có một dấu hiệu
nào Bắc Việt tuôn người, tuôn súng vào Nam. Vậy mới lạ!

Luân
lật qua xấp giấy. Những con số khô khan, những ghi nhận cụt ngủn mà anh quá
quen. Với loại thông tin kiểu này, không trách Ngô Đình Nhu càng đọc càng mù
tịt.

- Súng
ngựa trời là cái gì, anh Luân? - Nhu hỏi - Súng bập dừa nữa?

Luân
vừa đến Cục tác chiến, ở đó, anh thấy mấy khẩu “súng ngựa trời” tịch thu được
trong các cuộc hành quân. Sĩ quan tác chiến không gọi chúng là “súng ngựa trời”
mà là súng thô sơ, súng tự
tạo… chế theo kiểu súng săn, bắn đạn ghém, gồm một ống sắt làm nòng, một cơ bẩm
mổ vào hột nổ đốt cháy khối thuốc và tống các thứ: miểng chai, đinh, mảnh sắt
vụn, thậm chí dây kẽm cắt ngắn… thành một vòng sát thương rộng. Hồi kháng chiến
chống Pháp, tiểu đoàn 420 chế được vài loại súng, nhưng không tiện bằng “súng
ngựa trời.” Luân hiểu hoàn cảnh mới cho phép lực lượng vũ trang cách mạng tạo
được vũ khí lợi hại. Người biết kĩ thuật quân khí đông hơn trước, vật liệu
không khó kiếm. Tỉ như phosphore rouge(2) đâu mà chẳng có. Thuốc nổ còn lan
tràn hơn.

(2) Phốt
pho đỏ, một hóa chất để chế tạo thuốc súng.

“Súng
ngựa trời” đi vào huyền thoại. Quân cách mạng muốn đặt “súng” ở đâu cũng được,
trên ngọn cây, cạnh bờ đất, trong mái chòi. Chỉ chuyền một dây giật cơ bẩm,
súng sẽ khai hoả. Người bắn an toàn. Súng không có cỡ nòng nhất
định, nó tùy ống sắt - thậm chí, ống tre cũng tốt. Từ vài tháng nay, “súng ngựa
trời” gây khủng khiếp trong quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Bộ tổng
tham mưu và Cục tác chiến buộc phải mổ xẻ khẩu súng oái oăm đó. Các nhà chuyên
môn về vũ khí đều lắc đầu: trò chơi này làm suy sụp tinh thần quân lính được sao?
Tướng Williams, trưởng phái bộ quân sự Mỹ cũng bỏ công nghiên cứu khẩu súng.

- Anh
chưa thấy “súng ngựa trời” sao? - Nhu thấy Luân im lặng, hỏi tiếp… - Tôi thấy
rồi. Thấy súng… như cái ống thổi lửa ở nhà quê. Tại sao nó nguy hiểm?

Luân
nghĩ rằng tốt nhất là không nên đi sâu vào khẩu súng ngựa trời. Nhu làm sao
hiểu được sức mạnh của khẩu súng, không chỉ từ “cái ống thổi lửa ở nhà quê.”

- Tôi
đã xem qua một lần, nhưng chưa để ý tính năng, cấu trúc… Nếu anh cần, tôi sẽ
trả lời sau.

- Được,
hôm nào anh cho biết… Còn “súng bập dừa?” Súng “oảnh tầm sào?” Nước nào chế
tạo? Quân độc chưa tịch thu được khẩu “bập dừa” mặc dù tôi ra lệnh phải kiếm
cho được…

Tới
đây, Luân bí như Nhu. Trong các sách nghiên cứu vũ khí bộ binh, kể cả vũ khí
chế tạo tại các nước xã hộ chủ nghĩa, không đâu nói đến hai kiểu súng có cái
tên rất lạ tai này. Còn lúc kháng chiến - quả chúng nó chưa ra đời.

- Tôi
chịu thua! - Luân thú nhận.

- Không
sao… Thế nào cũng có lần ta tóm được chúng… Bây giờ tôi muốn bàn với anh…

Nhu gọi
thức giải khát và sau khi hớp mấy hớp bia, anh ta nói, giọng trầm trầm:

- Tôi
tin là anh không khác tôi trong đánh giá tình hình. Bài nói của tôi trên làn
sóng bị cô nhà báo Fanfani gọi là sự thổi phồng có dụng ý. Ngay Tổng thống cũng bảo tôi: Chú nói hơi quá. Nhưng không hại gì,
tôi cần báo động trước để trị bọn thằng Đán, thằng Trân… Anh thấy không, Tổng thống đinh ninh tình hình không đáng ngại… Ta đành chưa
vội tranh luận với Tổng thống. Còn
cô nhà báo, cô ta rất thông minh, thậm chí, hơi dư thông minh. Cô ta là bạn của
anh…

Luân
nhún vai. Nhu cười:

- Tôi
quả quyết về phần cô ta, chưa chắc cô chịu dừng mối quan hệ với anh ngang mức
bạn, nếu không có cô Dung! Tất nhiên đó là chuyện riêng tư…

Nhu bỏ
lửng câu nói. Luân hiểu rằng Nhu không đơn thuần cột anh với Fanfani theo kiểu
tình cảm trai gái. Fanfani về Mỹ cuối năm 1958 và đã chính thức lấy chồng -
phóng viên tờ Newsweeks chuyên săn tin ảnh khu vực Đông Nam Á, cách vài tuần từ
Hồng Kông sang đây thăm vợ và Fanfani cũng làm ngược lại như vậy, rất đều đặn.
Tuy nhiên, Luân vẫn cứ lặng thinh. Trong trường hợp anh để Nhu nghi nghi hoặc
hoặc về quan hệ cá nhân giữa anh với một cô nhà báo Mỹ, có thể chưa phải là có
hại. - Trên mọi cái - Nhu tiếp tục nói - an ninh nội địa đóng vai trò tiên
quyết. Ta đủ mạnh làm chủ tình thế tại đất nước ta thì mới hòng trả giá với
đồng minh. Nhóm Caravelle sở dĩ lăng nhăng vừa qua là vì an ninh nội địa mỗi
ngày mỗi xấu. Cho nên, nhiệm vụ số một của Chính phủ là vãn hồi an ninh. Vãn
hồi an ninh hiện thời khác thời kì các giáo phái. Cộng sản khôn ngoan, có tổ
chức, có kinh nghiệm hơn giáo phái. Tôi nghiền ngẫm nhiều đêm các bài viết của
đại tá Thompson. Anh đã đọc rồi, phải không?