Ván bài lật ngửa - Phần VI - Chương 12 phần 1

P6 - Chương 12

Nolting
dĩ nhiên theo tín ngưỡng Tin Lành, như số đông người Mỹ. Tên thánh của ông ta
là Frederick, tên của vị giám mục xứ Utrecht thuộc Hà Lan thế kỉ IX mà lễ hằng
năm vào ngày 18-7 – chẳng ăn nhập gì với buổi tiếp tân linh đình tại Dinh Độc
Lập dành cho ông ta vào tối 26-2. Ông ta sinh tháng 8-1911, còn ngày ông bị ám
sát hụt qua đã lâu – những năm tháng.
Thế mà văn phòng Phủ Tổng thống vẫn tìm ra cái cớ: Bà Olivia Lindsay Crumpler,
vợ đại sứ và các con sang Sài Gòn, gia đình Tổng thống Diệm chưa có dịp chào
mừng cuộc đoàn viên, nên nhân ngày cuối tháng, mời gia đình đại sứ “với tư cách
bạn bè” đến chung vui một dạ tiệc “ngoài nghi thức.” Đó là theo giấy mời chính
thức – còn sự thỏa thuận lại từ mấy phút điện thoại giữa Trần Lệ Xuân và đại sứ
Nolting: đại sứ cứ trách Trần Lệ Xuân tránh mặt ông và Lệ Xuân dịu dàng xin
lỗi, hai người trao đổi bóng gió kể cả gửi cho nhau nhiều cái hôn qua đường
dây. “Tin vịt!” – Lệ Xuân kết luận về những đồn đãi sắp có đảo chính. Nolting
không đời nào chịu nhúng tay vào một hành động gây hậu quả xấu cho Lệ Xuân,
người mà ông ta yêu đến mức tôn thờ. Lệ Xuân cười một mình trước tấm kiếng – mụ
tự ngắm – khi nhớ những lời ca ngợi của Nolting. Tám giờ, dạ tiệc bắt đầu.
Nolting, vợ và bốn con: Mary, Grace, Frances, và Jane có mặt trước năm phút. Vợ
chồng Nhu đón họ ở bậc thềm cuối cùng. Nolting lịch sự hôn tay Lệ Xuân. Dưới
các ánh đèn của phóng viên chụp hình và quay phim, vị đại sứ thay mặt cho Hiệp
chủng quốc Hoa Kỳ và bà cố vấn Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn cư xử đúng phép xã
giao – ngay cả khóe mắt của họ cũng không cung cấp bất kì một bằng chứng nhỏ
nhất nào giúp cho kẻ biết rành sự đi lại vụng trộm của họ có thể khai thác.

Tổng
thống chờ vợ chồng Nolting ngay tại chỗ ngồi của mình – đặt đầu chiếc bàn dài.
Kênh kiệu một cách vừa phải và thân tình một cách có tính toán, Diệm đứng lên
khi hai vợ chồng Nolting đến trước mặt; ông bắt tay khách và hôn các con của
họ.

Quan
khách ngồi vào bàn. Toàn bộ nội các, một số tướng lĩnh, chức việc, đô trưởng,
Gardiner và các nhân viên cao cấp USOM, trưởng phòng thông tin Mỹ USIS, Giáo sư Webley Fishel, phó đại sứ Porter, Trung tá James Casey, Đại tá Đặng Văn Quang v.v… Trung
tá Nguyễn Thành Luân ngồi cuối bàn. Hầu hết quan khách đều có phu nhân cùng đi.
Một dịp để các bà khoe sắc, giàu, sang, bặc thiệp… Một dịp trao đổi nguồn tin
về buôn hột xoàn, các sòng bạc dành riêng cho mệnh phụ đồng thời kẻ vạch, bêu
xấu nhau. Một dịp để các ông nhìn chòng chọc thân thể vợ người khác. Và, trên
tất cả, một dịp để các quan chức cao cấp Mỹ chọn lựa “bồ” trong hằng mấy tá nữ
thượng lưu…

Tổng
thống nói đôi lời trước khi nổ sâm banh:

- Trước
hết, tôi xin lỗi bà Olivia Nolting. Đáng lẽ buổi tiệc mừng này được tổ chức
cách đây hai
mươi lăm ngày, khi bà vừa đặt chân lên đất nước chúng
tôi. Bấy giờ, sắp Tết
Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tôi muốn bà đại sứ có thời giờ thâm
nhập, tìm hiểu phong tục một quốc gia phương Đông xa xôi. Sau Tết, công việc
bận rộn cả phía chúng tôi lẫn phía Ngài Nolting. Mãi hôm nay, chúng tôi mới lựa
chọn được thời gian thích hợp – công việc tạm ổn. Tuy trễ, song tôi tin là buổi
gặp gỡ sẽ hết sức đậm đà. Ngài Nolting, ngườì bạn lớn của Việt Nam Cộng hòa đã
đổ nhiều tâm lực vun bồi cho tình đoàn kết đồng minh keo sơn Việt – Mỹ, tôi
nghĩ rằng biểu lộ lòng biết ơn đó của Việt Nam Cộng hòa không gì hơn những cuộc tiếp xúc mang tính gia đình
như hôm nay. Tiện thể, tôi xin báo với Ngài đại sứ, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định tặng Ngài Bội tinh Kim
khánh, Bội tinh cao nhất mà Ngài là
người nước ngoài đầu tiên được tặng.

Tiếng
vỗ tay rào rào chen với tiếng nổ sâm banh.

- Tôi
xin các vị nâng cốc chúc sức khỏe bà Oliver Lindsay Nolting, Ngài đại sứ
Frederick Nolting, các công tử, tiểu thơ…

Diệm
đưa li sâm banh lên cao.

- Thưa Tổng thống, thưa quý vị… - Nolting đứng lên, sửa cà vạt,
nghiêng mình khá sâu trước Diệm, chào mọi người, tỏ rõ ông ta xúc động thực sự
- Thật là niềm hạnh phúc ngoài tưởng tượng của chúng tôi khi chiều nay đến đây
dự buổi tiệc đầy ý nghĩa gia đình này. Bà Nolting nhờ tôi nói lên lòng cảm ơn
sâu sắc của bà và các con. Cá nhân tôi, tôi không thể không bày tỏ sự cám ơn
trước ân thưởng mà Tổng thống đã
dành cho, dù rằng, xét một cách trung thực, đóng góp của tôi không có gì đáng
kể. Chúng ta – Việt Nam Cộng hòa và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ - đều chung mục đích
bảo vệ tự do. Tôi phải nói rằng nhiệm vụ của tôi nhẹ rất nhiều nhờ vào tài lãnh
đạo của Tổng
thống và do đó, hoàn toàn chính đáng khi tôi đề nghị tất
cả chúng ta nâng cốc chúc sức khỏe Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô
Đình Nhu, bà cố vấn Ngô Đình Nhu và các vị trợ thủ cho Tổng thống…

Nolting
và vợ nâng cốc. Cả hai bước ra khỏi bàn, chạm cốc khắp lượt người có mặt.

- Tổng
thống Mỹ cam kết giúp đỡ Việt Nam Cộng hòa và vị lãnh tụ khả kính của nó là Tổng
thống Ngô Đình Diệm. Tôi xin được chạm cốc riêng với Ngài Tổng thống!

Nolting
và Diệm uống cạn. Buổi tiệc tiếp diễn giữa những lời chúc tụng hoan hỉ như vậy.
Diệm là người hài lòng, ông cười luôn. “Tội nghiệp thím Nhu chịu cực khổ.” Ông
ngó đứa em dâu với cái gật đầu tưởng thưởng nhè nhẹ. Lệ Xuân ngồi cạnh Nolting
– cố giấu song vẫn không giấu nổi vẻ đắc thắng. Nolting vừa ăn vừa trao đổi với
Diệm và Nhu. Không khí cởi mở, thân ái ấy được phóng viên ghi không sót một chi
tiết.

Luân
chiêm nghiệm: Mỹ đào tạo được một hạng ngoại giao chuyên nghề - da mặt của
chúng bằng sáp, lưỡi của chúng bằng chất dẻo hóa học, với độ đàn hồi cao nhất.

Lê Văn
Tỵ và các quân nhân lặng lẽ nhấp rượu. “Mỹ cũng đào tạo được các tay võ biền
chỉ biết vâng lệnh…” – Anh chợt thấy Dung sa sầm mặt. Thì ra, James Casey đang
ngó cô chòng chọc.

- Thằng
khả ố! – Dung nói vào tai Luân. Luân cười mỉm.

- Em
phải biết tự chủ. Mặc kệ hắn…

Nhìn
tổng quát buổi dạ tiệc, Luân thấy mọi người đều không được tự nhiên. Phải chăng
bản thân lí do buổi dạ tiệc – dù Diệm đã tưới lên nó nước hoa hảo hạng, vẫn
không đủ sức thuyết phục những người có mặt. Riêng Olivia – mọi người đều kín
đáo quan sát bà ta – tươi cười một cách rất tự nhiên, tự nhiên đến mức giả tạo.
Chăm sóc thật tỉ mỉ trang sức, Olivia vẫn không xóa nổi nét tàn tạ của một phụ
nữ phương Tây hết thời xuân sắc, nhất là bà ngồi đối diện Lệ Xuân và giữa rừng
hoa khôi của dạ tiệc. Câu chuyện của Olivia và Lệ Xuân xoay quanh các mĩ viện –
thật ra, Olivia hơn tuổi Lệ Xuân không bao nhiêu, Lệ Xuân đẻ cũng không ít hơn
bà ta. Olivia mở ví, ghi vào sổ tay một lô tên crème, tên sách nói về giữ sắc
đẹp, tên mĩ viện ở Paris và Tokyo…

Đến mười giờ, quan khách đã ngà ngà, nhân viên phục vụ mời
mọi người sang gian giữa – nơi bố trí thành sàn nhảy. Diệm lấy cớ không quen
thức khuya, bắt tay vợ chồng Nolting và ủy cho Nhu thay ông. Thật ra, Diệm vốn
ghét khiêu vũ. Đây là lần đầu, ông cho phép mở khiêu vũ tại Dinh Độc Lập. Nhu
đã phải thuyết phục ông khá lâu, ông bằng lòng sau khi thở dài:

- Thời
thế khác nhiều quá!

Ý định
của Nhu lộ liễu đến mức Nguyễn Văn Y, người nổi tiếng dốt chính trị, đã phải
tặc lưỡi với Luân:

- Ông
cố vấn rước quá nhiều ca sĩ, đào hát không mấy đứng đắn, e người ngoại quốc
cười…

Luân
biết đây là công trình của Ngô Trọng Hiếu. Những cô gái “bốc lửa” như báo chí
gọi, trong các kiểu quần áo hở hang và mỏng dính ghì các quan chức Mỹ, theo
nhạc giậm giật, vang động cả dinh cơ bấy lâu là chốn thâm nghiêm. Ngô Đình Nhu,
đạo mạo và khô khan thế, vẫn mời Olivia Lindsay ra sân. Đáp lại, Nolting và Lệ
Xuân thành cặp, James Casey tìm Thùy Dung. Đoán trước sự thể này, Dung lách vào
trong.

- Bà
trung tá đâu rồi, thưa trung tá?

James
Casey hỏi Luân. Luân cũng giả vờ ngó quanh, tất nhiên không tìm thấy:

- Chắc
nhà tôi nhức đầu vì mấy hớp sâm banh, cô ấy rất yếu rượu, dù là rượu nho.

James
Casey nhún vai thất vọng. Gã chọn một phụ nữ, hẳn là phu nhân một viên chức
Việt nào đó, khá hấp dẫn. Đèn mờ ảo, Dinh Độc Lập dường tách khỏi ngoại cảnh –
cuộc chiến tranh đẫm máu lan đến mọi vùng hoang vắng. Lướt qua đám khiêu vũ,
người ta dễ có ấn tượng mối tình Việt Mỹ nóng sốt, thơm tho như sự va chạm thịt
da nam nữ và những câu thì thầm tình tứ khắp gian phòng phảng phất màu sắc
vương giả.

Bản
nhạc chấm dứt. Mọi người vỗ tay, trở lại ghế đã bày các thức uống. Nolting và
Lệ Xuân mang cốc ra hành lang, Nhu cũng làm như vậy với Olivia, Luân thấy Lệ
Xuân nói câu gì đó mà Nolting lắc đầu kiên quyết. Mặt Lệ Xuân rạng rỡ hẳn.

“Gã đại
sứ cam đoan không có đảo chính!” Luân nghĩ thầm.

Nhạc
lại trỗi. Olivia xin phép về trước với các con. Nhu chủ động mời Nolting dự cho
xong chương trình. Olivia vui vẻ nhận lời thay chồng. “Bà ta đóng khá tròn vai
trò đau nhói này nhưng không thể chứng kiến mãi tấn tuồng…,” Luân nhận xét.

Nhu tìm
chỗ ngồi nghỉ, đúng ngay chỗ Luân.

- Anh
không nhảy? Cô Thùy Dung đâu? – Nhu hỏi.

- Cô ấy
có lẽ không khỏe, vào trong. Tôi chưa nhảy vì chưa biết nhảy với ai… - Luân nói
vui.

- Nếu
anh muốn, tôi giới thiệu cho…

- Khoan
đã… Tôi muốn thay anh quan sát một lúc…

- Cám
ơn…

Hai
người hút thuốc, ngó toàn cảnh sân nhảy.

Anh cho
cả cô Minh Hiến – gọi là Hiến “Vamp” – đến đây nữa sao? – Luân hất hàm về một
cô gái trong vòng tay Fishel; cô gần như phơi trọn bộ ngực đồ sộ và cặp đùi
tròn căng. Báo chí gần đây không ngày nào không nhắc đến cô – hát không hay mà
vẫn là cây đinh của “Sài Gòn by night” bởi cô cuốn hút khách không chỉ bằng
giọng hát. Người ta, thậm chí, nói đến những cuộc đọ súng giữa các sĩ quan cấp
tá, cấp tướng quanh cô, “Marilin” hoặc “B.B” Việt Nam.

- Biết
làm thế nào được… - Nhu thở dài, như Diệm thở dài mấy hôm trước.

Luân
cảm thấy cái buồn rã rời trong Nhu, nhà tư tưởng lớn của chế độ, lãnh tụ Phong
trào thanh niên Cộng hòa, lãnh tụ Đảng Cần lao. Tình thế xô đẩy con người tầm
cỡ đó đi đến nhưng thủ pháp rẻ tiền
nhất. Cho nên, hoàn toàn không có gì khó hiểu khi Nhu xây một P.42. những dự
báo kinh khủng. Rõ ràng, hai nhân vật mà Nhu quyết “chài” là Nolting và Fishel.
Giáo sư Fishel, chuyên gia giúp linh mục Cao Văn Luận xây trường Đại học Huế,
cũng góp xây dựng Đại học Đà Lạt – cả hai đều dính đến giáo hội Thiên Chúa – là
đầu não CIA ở Nam Việt, người đưa Diệm lên ghế thay cho Bảo Đại. Tiếng nói của
ông ta nặng cân nhất về tình hình Nam Việt trước kia cũng như hiện nay.

Lệ Xuân
lả trong tay Nolting; Luân tin rằng Nhu hiểu rõ những lời mà cả hai người đang
nhỏ to với nhau. Nhu bình thản đến lạnh lùng. “Mọi phương tiện đều tốt miễn nó
đạt mục đích.” Ngô Đình Nhu thể hiện câu triết lí cổ đại tại đây, bằng chính vợ
mình. Lệ Xuân, vẫn áo hở cổ, có vẻ già dặn hơn các cô gái nhảy chuyên nghiệp.

- Chú
Nhu này! – Một người can thiệp vào sự yên lặng nơi góc phòng có Nhu và Luân.
Người đó là giám mục.

- Đức
cha chưa nghỉ? – Nhu đặt ghế mời anh.

- Chưa…
Nhạc om sòm, nghỉ thế nào được… Luân không nhảy sao?

- Thưa,
con không thấy hứng thú…

- Nên
nhảy, con ạ. Hứng thú hay không, không phải là việc con cân nhắc. Bổn phận con
phải nhảy!

“Ông
giám mục đã bước khá sâu vào mưu mô chính trị rồi!” – Luân nghĩ.

- Dạ,
con sẽ nhảy. Con đợi anh Nhu giới thiệu người mà anh ấy chọn cho con…

- Tốt!
– Giám mục buông thõng câu nói. Ông bắt sang câu khác:

- Chú
Nhu nè, chú nhớ nói một tiếng với thằng Bộ trưởng kinh tế Hoàng Khắc Thành để
hắn cấp giấy phép đặc biệt cho chị Cả Lễ chở gạo ra miền Trung…

- Khổ
quá! – Nhu kêu lên – Đức cha cũng biết cơn bão Wilda hủy hoại gần một triệu mẫu
ruộng Tây Nam phần. Gạo Sài Gòn vọt lên gần 600 đồng một tạ, ta phải nhập hỏa
tốc 50.000 tấn gạo Thái Lan. Làm sao Bộ kinh tế cho phép tư nhân chuyển gạo ra
Đà Nẵng để xuất cảng? Đã có lệnh của Tổng thống cấm xuất khẩu gạo.

- Thiếu
là thiếu vạn, thiếu triệu, chớ thiếu chi vài nghìn tấn! Chú liệu mà cư xử, kẻo
trong nhà lại bất hòa, không tiện! – Giám mục xẵng giọng.

- Anh
Luân thấy đấy! Tai tiếng quá nhiều rồi, bộ muốn chết chùm sao? – Giọng Nhu
không còn lễ độ nữa.

Luân
tảng lờ không nghe. Chuyện tranh chấp trong gia đình Tổng thống càng về sau càng gay cấn, quanh các món lợi, nhất là giữa Lệ Xuân và Cả Lễ, Ngô Đình Cẩn…

- Tai
tiếng quá nhiều! – Giám mục nhại lại, liếc về phía Lệ Xuân và Nolting.

- Vợ
chồng tôi chấp nhận tai tiếng, là vì sao, Đức cha tất hiểu. – Nhu sừng sộ.

- Anh
Luyện khi nãy không thấy, bây giờ lại có mặt!

Luân
chỉ về phía xa xa, Ngô Đình Luyện đang nhận Minh Hiến từ tay Fishel. Anh muốn
đánh lạc hướng cuộc cãi lẫy giữa hai anh em họ Ngô.

- Chú
ấy chỉ về đây vào lúc này, lúc khiêu vũ… Tôi mấy lần đề nghị Tổng thống bãi chức đại sứ của chú ấy. Chẳng giúp được gì cho Chính
phủ, suốt ngày chạy theo gái. Về đây, dám leo rào đi chơi suốt sáng… Quá thể
rồi! – Nhu lầu bầu, không chỉ nói về Luyện mà hẳn muốn nhắn nhe giám mục.

- Chú
xem vụ nhập cảng phân hóa học, ông đại sứ có đồng ý nới cho ta điều kiện chút
nào không? Trường Cần lao nhân vị Vĩnh Long trông cậy số phân đó...

Giám
mục rõ là không nghe ra lời nhắn nhe của Nhu.

Vừa
tức, vừa ngượng với Luân, Nhu đứng phắt dậy:

- Anh
Luân đi theo tôi!

Luân ái
ngại nghiêng mình chào giám mục.

Giám
mục làm một cử chỉ cho phép, rồi lững thững quay lưng theo hành lang ra phía
sau. Trông bước giận dỗi của giám mục, Luân bùi ngùi – giám mục trước sau vẫn
hết lòng che chở Luân, nhờ “cây dù” quyền thế của ông mà Luân vượt qua khỏi
những ngày đầu sóng gió. Đôi lúc Luân nghĩ đến một trả ơn – cách nào đó, trong
hoàn cảnh nào đó, anh chưa biết – song nhất thiết phải như vậy. Một giáo phẩm
cấp cao, tham vọng cả đời lẫn đạo đều nồng nhiệt, giám mục càng về sau, theo
cái đà phục chế “vương triều nhà Ngô” thọc tay vào vô số chuyện mờ ám và ông
quên rằng chính ông góp phần khó khăn không nhỏ đe dọa sinh mệnh của dòng họ
ông… Dù theo nghĩa nào, ông vẫn là người ơn của mình!”

- Tôi
bất lực! – Nhu vừa đi vừa càu nhàu – Thật khó mà làm cho họ hiểu. Anh thấy đấy,
nội bộ gia đình chúng ta gây nên nhiều nguy hiểm không kém bất cứ kẻ thù nào…

Luân
không tiện can thiệp vào cơn bất mãn của Nhu. Dẫu sao, lịch sử đã an bài. “Mâu
thuẫn nội bộ địch là đồng minh của cách mạng” – Luân nhớ lời anh Hai trong cuộc
gặp gỡ trước khi Luân rời chiến khu. Mâu thuẫn ấy bức xúc nhiều vẻ, đến nỗi
phát lộ ngay giữa anh em ruột và trong cái gia đình lẽ ra phải thuận thảo hơn
ai hết, nhất là vào lúc này. Họ Ngô cầm quyền từ tháng 7-1954 đến nay, tròn sáu năm bảy tháng, khoảng thời gian đủ để cho viện trợ Mỹ và tình trạng chiến tranh
sinh nở một tầng lớp tư sản mới – tư sản cầm quyền. Nếu lợi ích của họ nhất trí
với mục tiêu chống Cộng thì họ rất chia rẽ nhau về sự phân chia lợi ích đó,
trên lĩnh vực quyền bính và kinh tế, mà quyền bính xét cho cùng cũng là kinh
tế. Gia đình Diệm tập trung mọi thứ danh lợi. Lớp tư sản không được tham chính,
khá đông về số lượng, khá mạnh về kinh tế, trực tiếp quan hệ với tài phiệt Mỹ
trong đó không ít là con bài dự bị của Mỹ. Trong lớp tham chính, bộ phận tướng
tá lớn dần, bất mãn với cách ăn chia của gia đình Diệm. Rồi đến lượt gia đình
Diệm, cánh Huế cho rằng Lệ Xuân dựa thế Diệm lấn lướt họ. Chỉ nhìn từ góc độ đó
thôi, tiền trình của họ Ngô thật mờ mịt…

Nhu đưa
Luân đến một thiếu phụ. Bà ngồi một mình có lẽ nghỉ mệt sau một bản nhảy tốn
nhiều sức. Với Luân, bà không phải là kẻ xa lạ. Saroyan – người Ả Rập, vợ của
Fishel. Thỉnh thoảng Luân gặp bà ta trong các buổi tiếp tân. Bà đại diện cho
Hội phụ nữ từ thiện quốc tế, kết hợp với công tác của chồng mà thường trú ở Sài
Gòn. Trên dưới ba mươi tuổi,
nước da “cà phê sữa” như đàn ông vẫn gọi, mái tóc đen nhánh và đôi mắt to.
Saroyan thu hút giới ngoại giao bằng vẻ đẹp pha Âu-Á, phần nào “man rợ” như
tướng André có lần nhận xét. Hôm nay, tại buổi dạ vũ đài các này, hai ngôi sao
sáng rực – Trần Lệ Xuân và Saroyan.

“Giá mà
Thùy Dung của mình chịu ra sàn nhảy, phải nói có đến ba ngôi sao!” Luân bắt tay
Sorpyan và nghĩ thầm.

- Hân
hạnh gặp trung tá! – Saroyan tươi cười chào Luân.

- Trung
tá Nguyễn Thành Luân muốn mời bà! – Nhu nhã nhặn giới thiệu.

- Ồ!
Ông cố vấn khỏi làm trung gian. Trung tá và tôi quen nhau từ lâu… Sẵn sàng!

- Thế
sao? – Nhu làm vẻ sửng sốt. Và sau đó cười mỉm – Chúc bà một đêm vui vẻ!

Dàn
nhạc bắt đầu chơi một bản valse. Luân đưa Saroyan ra giữa sàn.

- Buổi
dạ vũ này hình như tổ chức theo một yêu cầu chính trị… - Saroyan bảo Luân.

- Tôi
không rõ, thưa bà… Tôi là một quân nhân, và tại đây, tôi là chủ… - Luân trả
lời, thăm dò.

- Ông
rõ, rất rõ! – Saroyan cười. – Tổng thống Diệm tìm cách tự vệ, tiếc rằng đội
quân tự vệ gồm số đông taxi girl(1) không thể là một đội quân có sức chiến đấu
tốt! Giống như Liên binh phòng vệ trước đây trong biến cố 11-11…

(1) Gái
nhảy.

Hẳn Saroyan
nói đến Minh Hiến và các cô gái nhảy khác.

- Tệ
hơn cả là ông Nhu cho bà Nhu đóng vai trò không mấy đẹp ấy quá lộ liễu.

Quả Lệ
Xuân và Nolting đang lẩn vào một vùng tối.

- Xin
lỗi bà giáo sư – Luân thấy cần thiết phải phản kích – Đây là một cuộc vui và bà
cố vấn là chủ, ông Nolting là khách…

- Ông
tranh luận với tôi làm gì? Ngay ông, ông mời tôi nhảy đâu phải vô tư? Thậm chí,
ông Nhu nhờ ông… Ông vẫn với tư cách là chủ nhà đấy, phải không?

Saroyan
nói tiếng Pháp sõi như người Pari.

- Nếu
vậy thì… - Luân nới lỏng tay.

- Không
sao, ông đừng vội nóng. Nếu ông không mời tôi, tôi cũng sẽ mời ông, dù biết
rằng ông coi trên trái đất này chỉ có mỗi bà trung tá. Tôi thích ông!

Saroyan
đặt tay Luân lên bờ vai trần của bà ta. Luân chợt rùng mình. Saroyan cười khúc
khích:

- Sao
ông sợ? Tôi có phải là con rắn độc đâu?

- Tôi
không sợ nếu bà cho tôi biết bà nhảy với tôi là do sở thích của riêng bà. –
Luân lấy lại tự chủ.

- Ông
muốn hỏi tôi có chịu ảnh hưởng của ông Fishel không, chớ gì? Trong trường hợp
này, tôi độc lập. Cần báo với ông, Fishel cảm tình với ông. Nếu có một cái gì
khiến Fishel khó chịu là ông trẻ, còn Fishel già.

Saroyan
cười, phả cả hơi nóng vào mặt Luân, nhưng sau đó, bà ta lại sa sầm mặt…

- Ông
xem phim “La Valse dans l’ombre”(2) chưa?

- Có…
Robert Taylor và Vivien Leigh với bài “Ce n’est qu’un aurevoir”(3).

(2) Vũ khúc
trong bóng mờ.

(3) Chỉ là
tạm biệt.

- Bỗng
nhiên, tôi có cảm giác chúng
ta đang ở trên bờ sông Tamise và ông sắp ra mặt trận… - Giọng Saroyan cực kì
quyến rũ.

- Tiếc
là tôi không sẵn một tượng Phật để làm kỉ niệm cho bà… Và, chúng ta ở trong một
lâu đài chứ không ở dưới hầm tàu điện Luân Đôn, giữa mưa bom V1, V2… - Luân
đùa.

- Ông
khác Fishel…