Ván bài lật ngửa - Phần VII - Chương 08 phần 1

P7 - Chương 8

Luân quyết định thăm dò giới
Phật giáo, trước hết là tìm hiểu ý đồ của một số nhà sư đứng đầu Ủy ban liên
phái. Trong bộ thường phục nghiêm chỉnh, Luân đến chùa Xá Lợi vào buổi chiều
20-8.

Trước khi đi, Luân điện cho
Nhu. Nhu trả lời uể oải:

- Tùy anh. Nhưng, tôi nghĩ
là sẽ không thể nói chuyện đạo lí với các nhà sư quá tự phụ và quá ỷ lại vào nước
ngoài này. Anh định đến chùa nào?

Nghe Luân sẽ đến chùa Xá Lợi,
Nhu ngập ngừng một thoáng trong điện thoại rồi buông thõng: “Anh cứ đi!”

Một thoáng ngập ngừng của
Nhu gợi cho Luân và Dung nhiều suy đoán. Nhu ngại một thông đồng nào đó giữa
Luân và giới Phật giáo? Nhu ngại Luân nghe giới Phật giáo tố khổ rồi phân vân?
Hay cái khác?

Thật ra, cho đến bay giờ,
Luân vẫn chưa “phân thế” rạch ròi trong Phật giáo. Có thể xác định được thế lực
thân Mỹ, thậm chí là CIA trong một số nhà sư liên quan mật thiết với Đảng Đại
Việt, phần lớn là di cư.

Cũng có thể biết chắc số
nhà sư có lòng yêu nước liên quan đến mức này hay mức khác với kháng chiến trước
kia và hiện nay cùng với một số nhà sư tu hành đơn thuần, tỉ như hòa thượng
Thích Quảng Đức. Nằm giữa hai thế lực này là ai? Thế lực nào giữ vai trò quyết
định? Phật tử thì đương nhiên đang sôi sục. Luân hiểu rằng phạm vi Phật tử ở
đây không chỉ để chỉ những tín đồ của đạo Phật theo cái nghĩa chặt chẽ. Trong
hàng ngũ biểu tình mấy tháng nay, có không ít người thật sự chưa một lần đi
chùa, chưa một ngày ăn chay. Vấn đề Phật giáo trở thành vấn đề quần chúng đông
đảo. Nó chứng tỏ không ai không muốn thay đổi chế độ hiện hành – mục đích thay
đổi thì khác nhưng nguyện vọng thay đổi thì thống nhất, có lẽ trừ một bộ phận
theo đạo Thiên Chúa. Ngay với đạo Thiên Chúa, cũng bắt đầu ló dạng những bất đồng
quan điểm với Tổng thống Diệm chung quanh chính sách Phật giáo của Chính phủ.
Theo tin của cảnh sát, một ít linh mục đã có mặt tại các chùa và tỏ thiện cảm với
những Phật tử bị đàn áp.

Cổng chùa Xá Lợi được thanh
niên Phật tử và một số nhà sư trẻ canh phòng cẩn mật. Luân xuất trình danh thiếp.
Anh phải đợi hơn mười lăm phút, một cư sĩ lớn tuổi, có vẻ là một trí thức,
đón anh. Thạch, bảo vệ của Luân không được theo Luân.

Luân bước vào một gian
phòng rộng, có máy điều hòa nhiệt độ. Ba nhà sư – tất cả còn trẻ - đứng lên niệm
Phật hiệu và một trong ba người mời Luân ngồi. Cư sĩ đón Luân cũng ngồi cạnh đấy.

Chỉ cần liếc qua, Luân đã
có thể nhận xét đây không phải những người cao cấp nhất của Ủy ban liên phái
nói chuyện với Luân.

Một nhà sư mắt nâu, mỏng
môi mở lời:

- Chúng tôi hân hạnh được
đón đại tá, người của gia đình Tổng thống. Lẽ ra các thầy của chúng tôi hầu
chuyện với đại tá nhưng các Ngài đang tĩnh tọa. Chúng tôi được các thầy cho
phép trao đổi mọi vấn đề với đại tá. Tôi là Thích Đức Nghiệp, trong phái tăng
già Bắc Việt. Còn đây là đại đức Thích Từ Đức, thuộc phái tăng già Nam Việt.

Nhà sư được giới thiệu dong
dỏng cao, nét chất phác bộc lộ ra ngoài, khẽ cúi đầu niệm: Mô Phật!

Thích Đức Nghiệp chỉ sang
người phía bên phải ông: một nhà sư đeo kiếng trắng, gọng vàng.

- Đây là Đại
đức Thích Nhất Hoa, Tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ.

Người được giới thiệu hơi ưỡn
ngực.

- Tôi là Kiến
trúc sư Nguyễn Văn Thi. – Cư sĩ dẫn Luân vào, tự giới thiệu.

- Các vị đã biết tôi, chắc
cũng biết luôn tôi là tín đồ đạo Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, khi đến đây, tôi
không đại diện cho Chính phủ và cũng không dính dáng gì đến tín ngưỡng. Tôi là
một quân nhân, phàm quân nhân thì không được phép làm chính trị. Tôi chỉ muốn
tìm hiểu những gì khiến Ủy ban liên phái và Ủy ban liên bộ không thể gặp nhau:
không thể đi đến thỏa thuận mặc dù đã có thông cáo chung. Các vị có thể xem tôi
như một người quan tâm đến sự ổn định nội bộ của Việt Nam Cộng hòa và có thiện
chí. Tuy không cùng tín ngưỡng với các vị, tôi vẫn rất tôn trọng đạo Phật...

Hai nhà sư ngó nhau – Thích
Đức Nghiệp và Thích Nhất Hoa. Có lẽ họ trao đổi cách phải đối phó với Luân mà sự
xuất hiện tại chùa Xá Lợi có lẽ là đột ngột.

- Chúng ta nên bắt đầu từ
chỗ nào? – Thích Đức Nghiệp nói. – Chẳng lẽ chúng ta lại phải lùi thời gian trở
về các sự kiện ở Huế vào tháng năm hoặc xa hơn? Đại tá, dù cho rằng mình không được
quyền làm chính trị nhưng với cương vị quan trọng trong tham mưu biệt bộ của Tổng
thống, đồng thời là người cộng sự thân tín của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, hẳn đã
rõ hết mọi tình hình. Chúng tôi không dám tiếp nhận những lời tốt đẹp của đại
tá về tôn giáo chúng tôi. Chúng tôi tạm thời tin vào thiện chí của đại tá.
Nhưng đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với nhau. Chúng tôi không có điều gì
phải giấu giếm Tổng thống. Hằng ngày, mật vụ của Tổng thống hẳn đã phúc trình đầy
đủ cho văn phòng của Tổng thống. Một cuộc điều tra, dù cho một đại tá thực hiện,
vẫn sẽ không thêm được điều gì mới so với các phúc trình ấy!

Thích Đức Nghiệp tiến công
Luân ngay, trong khi nói, đôi mắt của ông ta lóe lên những tia hung tợn, mâu
thuẫn với chiếc áo nâu mà ông ta mặc và Luân nghĩ rằng, ông ta chưa hề được
giáo lí Phật cảm hóa. Luân chợt thấy vui vui: Tay này mà đấu khẩu với Lệ Xuân
thì đúng là “kì phùng địch thủ!”

- Dẫu sao thì chúng ta cũng
cần phải minh bạch. Tôi đến đây không để trinh sát nhà chùa, không để thu thập
tài liệu. Đó không phải là công việc của tôi. – Luân vừa nói vừa mỉm cười –
Chúng ta có thể bắt đầu từ chỗ nào mà các vị thấy cần bắt đầu. Trong vai vế nhỏ
bé của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức để tìm được tiếng nói chung giữa Chính phủ
và các vị cầm đầu đạo Phật.

- Chúng tôi xin lỗi đại tá.
Đại đức Thích Đức Nghiệp vốn nổi tiếng là người nóng tính, bộc trực, mong đại
tá hỉ xả. Như ý của đại tá, chúng ta sẽ bắt đầu từ chỗ phân tích xem vì sao
thông cáo chung không được thi hành.

Thích Nhất Hoa chen vào câu
chuyện với thái độ đĩnh đạc.

- Cũng chẳng có gì khó hiểu
khi thông cáo chung biến thành mảnh giấy lộn, bởi vì Chính phủ chỉ muốn có một
thông cáo chung. Phó Tổng thống, xét về danh vị, là nhân vật số hai của đất nước
nhưng xét về giá trị có thật thì ông Nguyễn Ngọc Thơ chỉ là bù nhìn. Chữ kí
mang tên ông cũng giả tạo như chức tước của ông. Không phải đây là lần đầu ông
Thơ làm cò mồi. Có điều, thời thế đã khác lúc ông Thơ dụ hàng tướng Lê Quang
Vinh. Chúng tôi sẵn sàng kí thông cáo chung nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đối
phó với mọi lật lọng. Ngay cả Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng không phải là người
giữ quyền lực cao nhất ở đây. Ông Nhu, bà Nhu! Chính hai người đang thao túng
quốc gia và căm ghét thông cáo chung. Hai người căm ghét thông cáo chung bởi vì
họ nghĩ rằng, những người theo đạo Phật sẽ từ bỏ yêu sách thiêng liêng của mình
với vài dòng chữ ru ngủ và khi điều đó không xảy ra, họ điên cuồng tức giận.
Thiện chí nghĩa là đôi bên cùng nghĩ đến cách giải quyết êm đẹp những bất đồng
này, khác. Chính phủ rất có thiện chí với đạo Thiên Chúa nhưng lại rất ít, thậm
chí không hề có thiện chí với đạo Phật. Từ khi có thông cáo chung đến nay, thời
gian cũng chưa lâu lắm nhưng tình hình thì phát triển hết sức khẩn trương, đến
nỗi, nếu quả Chính phủ có thiện chí như đại tá nói, cần có một thông cáo
chung thứ hai mà nội dung không thể dừng ngang mức thông cáo chung lần trước!

- Nghĩa là thế nào? – Luân
hỏi.

Thích Nhất Hoa mỉm cười –
tuy chỉ là một nụ cười thật nhẹ mà hàm chứa một cái gì của kẻ bề trên, của người
nghĩ rằng mình đang chiến thắng.

- Phật giáo không làm chính
trị. Nhưng Phật giáo biết đòi hỏi những người làm chính trị phải có một thái độ
như thế nào đối với đạo Phật, một tôn giáo về thực tế là quốc giáo ở Việt Nam.
Trước đây, chúng tôi chỉ yêu cầu Chính phủ Thiên Chúa giáo của ông Ngô Đình Diệm
cư xử phải chăng với tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Bây giờ chúng tôi cảm
thấy rằng không thể dừng yêu sách ở mức đó. Đã có quá nhiều các bậc tu hành và
những tín đồ hi sinh cho đạo pháp. Cách nào đó, chúng tôi phản bội lại những hi
sinh cao cả đó.

- Nghĩa là các vị muốn thay
đổi chế độ?

- Không! Không có chuyện
thay đổi chế độ tự do ở nước Cộng hòa chúng ta. – Thích Nhất Hoa trả lời.

- Các Ngài nghĩ gì về chiến
tranh?

- Tôi phải nói để đại tá an
tâm. – Thích Đức Nghiệp nói – Chẳng những chúng tôi chủ trương phải loại bỏ Cộng
sản vô thần ở miền Nam mà còn thực hiện yêu cầu lớn lao hơn, điều mà Tổng thống
Ngô Đình Diệm không làm nổi: chúng ta sẽ Bắc tiến!

Câu nói sắt máu của Thích Đức
Nghiệp được những người có mặt tiếp nhận, theo quan sát của Luân, bằng nhiều
thái độ khác nhau: Thích Nhất Hoa khẽ liếc Thích Đức Nghiệp như một nhắc nhở thận
trọng trong lời ăn tiếng nói; Thích Từ Đức và cư sĩ kiến trúc sư Nguyễn Văn Thi
khẽ lắc đầu. Với Luân, tuy anh đã dự đoán nhưng vẫn không ngờ nhà sư di cư này
lại háo sát đến thế.

- Vậy là Chính phủ hiện hữu
và các vị gần như là không còn có thể tìm được tiếng nói chung. Tôi diễn đạt
như vậy có đúng không?

- Lỗi không phải từ phía Phật
giáo. – Thích Nhất Hoa trả lời.

- Tôi muốn lưu ý các vị là Chính
phủ có trong tay lực lượng quân sự mạnh...

- Và cảnh sát, mật vụ,
Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa, Phong trào cách mạng quốc gia, Phụ nữ liên đới, Đảng
Cần lao, Tổng liên đoàn lao công... - Thích Nhất Hoa chen vào, giọng mỉa mai –
nhưng Chính phủ không còn ông Nolting. Mọi thứ sẽ đảo lộn bởi ông Cabot Lodge
không phải là ông Nolting.

- Tôi hiểu! – Luân nói, hết
sức điềm đạm – Tôi hiểu rất rõ.

Và Luân thở dài. Những người
có mặt dứt khoát không thể hiểu tiếng thở dài của Luân.

Vừa lúc đó, một nhà sư lao
vào phòng như một ngọn gió mạnh – một nhà sư cũng trẻ.

- Báo động! Kế hoạch “Nước
lũ” bắt đầu thực hiện đêm nay!

Trao cho Thích Đức Nghiệp một
mảnh giấy, ông ta chợt thấy Nguyễn Thành Luân.

- Ủa! Có đại tá ở đây?

Luân lễ phép chào ông.

Mảnh giấy được trao cho hai
đại đức và ông kiến trúc sư.

- Xin giới thiệu với đại
tá, đây là Đại đức Thích Tâm Giác...

Luân đã nghe tiếng nhà sư
này từ lâu. Trong báo cáo mật của Trần Kim Tuyến, nhà sư đã được nhắc đến như một
phần tử có tham vọng trở thành đại tá Trưởng phòng tuyên úy của Phật giáo trong
quân đội.

- Một tín đồ đạo Phật báo
cho chúng tôi đêm nay Chính phủ sẽ tiến công các chùa. Không rõ ông đại tá có nắm
được kế hoạch đó không và – xin lỗi đại tá – việc đại tá đột ngột đến chùa có
liên quan gì đến kế hoạch đó không?

Luân có đọc kế hoạch “Nước
lũ” trong bản tin của UPI. Dung không biết về kế hoạch này. Trần Kim Tuyến
không hé môi mà Luân thì không tiện hỏi Ngô Đình Nhu.

- Thú thật, tôi chỉ biết
cái danh xưng này qua hãng thông tấn ngoại quốc. Còn tôi, như từ đầu đã trình với
các vị, tôi đến chùa Xá Lợi với tư cách riêng.

Năm người có mặt trong
phòng đều nhìn Luân. Họ hoài nghi. Thích Nhất Hoa cười lạt.

- Tôi không tán thành bạo lực
đối với Phật giáo – do đó tôi không tán thành cái gọi là kế hoạch “Nước lũ.” Nếu
quả có một kế hoạch như thế, tôi sẵn sàng làm con tin tại đây khi Chính phủ tấn
công các chùa.

Luân nói, rất thành khẩn.

- Nguồn tin này chính xác một
trăm phần trăm! - Thích Tâm Giác nhấn mạnh, ông ta ngồi xuống và chìa tấm giấy
cho Luân xem. Nửa tờ polure, viết tay: Các thầy nên sẵn sàng, nội đêm nay Chính
phủ sẽ tiến công bằng võ lực các chùa.

Không có chữ kí. Nhưng nét
chữ thì không xa lạ với Luân: Mai Hữu Xuân.

- Đã trình cho chư tôn hòa
thượng chưa? – Nhất Hoa hỏi Tâm Giác.

- Đã và cũng đã báo động
cho các vị lãnh đạo các chùa trong đô thành nhưng không báo động kịp các tỉnh.

- Ở chùa có điện thoại
không? – Luân hỏi.

- Có. Nhưng để làm gì? – Nhất
Hoa hỏi – Đại tá định nói chuyện với ông Nhu?

Luân gật đầu và đi đến chỗ
đặt máy. Điện thoại bị cắt đứt.

- Với những triệu chứng như
thế này, có khả năng các chùa chiền bị tấn công thật. – Luân bảo, căng thẳng –
Tôi muốn liên lạc với Phủ Tổng thống. Phiền các vị cho người cầm thư của tôi ra
cổng chùa, giao cho người bảo vệ của tôi mang vào Phủ Tổng thống.

Tâm Giác, Nhất Hoa, Đức
Nghiệp không thích thú với sự can thiệp này. Nhất Hoa bảo:

- Không cần! Chính phủ muốn gặt cái quả lớn hơn thì cứ gieo cái nhân tương xứng...

- Nhưng, tiến công có nghĩa
là đổ máu, Phật tử khó tránh khỏi ít nhất cũng là thương tích! Không thể được!
– Luân gằn giọng.

Trước mặt anh, ba nhà sư rõ
ràng coi thường sinh mệnh của tăng ni và Phật tử. Có vẻ họ còn sốt ruột khi kế
hoạch “Nước lũ” thực hiện chậm. – Một cơn giận nổi lên khiến Luân mất bình
tĩnh:

- Các vị muốn đánh đổ ông
Diệm, tôi không ngăn. Nhưng không thể lợi dụng xương máu của quần chúng. Các vị
không sẵn sàng mang thư thì tôi sẽ ra cổng giao thư và trở vào đây cùng chịu
chung số phận với các vị!

Không cần biết phản ứng của
chung quanh, Luân xé một tờ giấy trong sổ tay và hí hoáy viết.

- Tôi sẽ mang thư ra cổng
cho đại tá. – Thích Từ Đức nói. Từ khi Luân bắt đầu cuộc trao đổi ý kiến, đây
là lần đầu Thích Từ Đức lên tiếng – Tôi nghĩ đại tá cũng có thể ra về...

Luân trao mảnh giấy cho Từ
Đức.

- Cám ơn đại đức. Tôi ở
đây!

Từ Đức tất tả bước ra khỏi
phòng. Gian phòng im ắng một cách nặng nề. Trong đầu Luân, nhiều điều được soi
sáng. Người báo tin cho Phật giáo cũng sẽ là người chỉ huy cuộc đàn áp – Mai Hữu
Xuân là một con người như thế đó. Kế hoạch “Nước lũ” có thể do chính tay ông ta
thảo ra, có tham khảo ý kiến của Fishell, John Hing, thậm chí tham khảo cả ý kiến
của Thích Tâm Châu và ba nhà sư đang ngồi trước anh.

Thích Từ Đức trở vào, trả
thư cho Luân, giọng buồn bã:

- Chùa bị phong tỏa rồi!

- Ai phong tỏa? – Luân hỏi.

- Tôi ra đến cổng thì gặp một
toán an ninh quân đội đuổi tôi trở vào...

- Bên ngoài có cảnh sát hay
quân đội không?

- Chưa thấy... Tín đồ ở
ngoài đường đông lắm...

Luân cười gằn:

- Mai Hữu Xuân!

Thích Từ Đức và kiến trúc
sư Nguyễn Văn Thi không thấy có điều gì khác lạ trong nhận xét của Luân, còn ba
người kia thì mặt hơi biến sắc.

- Không phải... - Thích Đức
Nghiệp buột miệng nhưng ông ta ngừng ngang và Luân thấy rõ Tâm Giác ra hiệu bằng cách
đạp lén chân ông ta.

“Thằng cha Mai Hữu Xuân ra
tay trước, hắn bít cửa chùa để “kế hoạch nước lũ” đánh thật đau vào Phật giáo –
nghĩa là đánh thật đau vào Ngô Đình Diệm” – Luân nghĩ như vậy.

*

Song song với cuộc đối thoại
giữa Luân và một số đại đức, bên trong hậu liêu của chùa, các hòa thượng và thượng
tọa không phải tham thiền như Thích Đức Nghiệp nói mà họ, cấp cao nhất của những
người lãnh đạo phong trào Phật giáo hiện thời, đang họp. Hòa thượng Hội chủ
Thích Tịnh Khiết vì mệt nên vắng mặt. Thượng tọa Thích Tâm Châu tự giới thiệu
là được hòa thượng Hội chủ trao cho toàn quyền quyết định, đã chủ trì cuộc họp.

Từ chiều, giới lãnh đạo Phật
giáo đã nhận được nhiều nguồn tin khác nhau về cuộc tấn công của cảnh sát.
Trong những nguồn tin đó, có cả nguồn tin của giáo sư Fishell. Thượng tọa Thích
Tâm Châu gửi giấy mời các vị có chân trong Ủy ban liên phái đến chùa Xá Lợi. Trừ
một vài vị bận việc, hầu hết đều có mặt. Mở đầu, Thượng tọa Thích Tâm
Châu thông báo về tình hình có thể xảy ra trong đêm. Thượng tọa cũng nhắc lại gần
như toàn văn thông tin của giáo sư Fishell, người mà các vị trong Ủy ban liên
phái chỉ biết là một học giả Mỹ am tường các vấn đề phương Đông, vấn đề Phật
giáo, một nhà nghiên cứu khoa học có tầm cỡ.

Một vị đã nêu câu hỏi với
Thích Tâm Châu: Vì sao giáo sư Fishell lại biết kế hoạch tấn công các chùa chiều
đêm nay?

Thích Tâm Châu trả lời rằng
có thể vì Fishell giao thiệp rộng.

Một vị thượng tọa khác hỏi:
Nếu giáo sư Fishell giao thiệp rộng, biết được tin đích xác các chùa sẽ bị tấn
công tại sao ông không can thiệp với sứ quán Mỹ và với Tổng thống Ngô Đình Diệm?

Thích Tâm Châu không trả lời
câu hỏi đó mà nhắc lại rằng, đã được tin thì Ủy ban liên phái phải đối phó. Ông
phác ra một kế hoạch. Một mặt, ông thông báo cho giới báo chí trong và ngoài nước
về khả năng xấu có thể xảy ra và đánh động dư luận. Hai, ông thông tin cho tất
cả các chùa sửa soạn đối phó, chỉ thông tri cho các vị lãnh đạo, không cho tăng
ni nói chung và Phật tử biết. Ba, đối phó cụ thể là sẵn sàng hi sinh vì đạo
pháp. Ông tuyên bố: “Giờ lâm tử đã đến mà kế hoạch của chúng ta không thể vượt
khỏi khuôn khổ bất bạo động cổ truyền. Nhưng bất bạo động mà không chịu chết âm
thầm, không để cho bạo quyền tàn sát một cách lặng lẽ khiến họ có thể bưng bít
dư luận. Bởi vậy, kế hoạch đối phó nằm trong khuôn khổ bất khuất, dụng nguyên lực
biến thân để thành kim cương, thành gang thép rồi kết khối lại chịu cực hình
cho đến chết để được tử đạo và để cầm cự cho tới thanh thiên bạch nhật khiến sự
hi sinh cao cả này vang dội lên làm rung động từ cội rễ thiện tín con người và
để Phật giáo đồ noi gương tiếp nối đấu tranh vì chính pháp.”

Quan điểm của Thượng
tọa Thích Tâm Châu được chấp thuận. Nhưng, có một vị cao tăng nêu lên một vấn đề:
Tại sao chúng ta báo động với cơ quan báo chí trong và ngoài nước, với các tòa
đại sứ với lãnh sự mà lại không báo động với Ủy ban liên bộ hoặc với Tổng thống,
đồng thời cũng lại không thông báo cho thanh niên tăng sĩ trong các ban trật tự
các chùa, cho các tín đồ có mặt ở các chùa? Theo vị cao tăng này thì nếu ủy ban
liên phái làm tất cả những việc trên, sẽ có hi vọng buộc chính quyền đình chỉ kế
hoạch tấn công và tránh cho tăng sĩ và đồng bào Phật tử khỏi bị thảm sát. Chúng
ta – vị cao tăng ấy nói – rất hoan hỉ noi gương thánh tăng Thích Quảng Đức
nhưng chúng ta không nên để những tăng ni tuổi đạo còn non thay mặt cho đạo
pháp mà tử nạn như các vụ tự thiêu hoặc có hành động phản kháng gần đây. Chúng
ta cần phải tránh cho Phật tử bất kể mức độ hi sinh nào.

- Thì giờ quá gấp rút, chư
tôn hòa thượng miễn cho tranh cãi. - Thích Tâm Châu đã lẩn tránh câu hỏi của vị
cao tăng.

*

Tường thuật của một phóng
viên.

(Bản in ronéo)

Tối 20-8-1963, nếp sinh hoạt
thường nhật của chùa Xá Lợi có thay đổi đôi chút. Khác với mọi khi, đêm nay, mới
chín giờ giữa lúc các thiện tín, sau khi lễ Phật xong, ra về.

Nhưng, ra tới cổng, họ đụng
một số an ninh quân đội, buộc họ quay vào chùa. Cái sự khác thường này khiến
tăng sĩ và tín đồ lo lắng. Nhưng, một đại đức đã động viên họ: “Không việc gì
phải sợ!”

Thời gian cứ chậm chạp trôi
qua. Cổng chùa, mặt tiền, bên hông đều được đóng lại kĩ lưỡng. Ngoài đường, người
qua lại bắt đầu thưa thớt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi hoặc xe gắn máy
lướt nhanh trên đại lộ.

Trong sân chùa, trái với lệ
thường, các ngọn đèn điện thường được tắt bớt, hôm nay ánh sáng như rực rỡ hơn.

Mười một giờ đêm, thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Trên gác, các
thượng tọa hầu hết đã vào phòng riêng an nghỉ. Tín đồ nằm la liệt ngoài sân. Thỉnh
thoảng mới có một đại đức lướt nhanh qua hành lang hướng về phòng Thượng
tọa Thích Tâm Châu, nơi duy nhất có tiếng máy đánh chữ nhè nhẹ.

Dưới nhà hậu, phần lớn chư
ni đã nghỉ, chỉ còn một số đang lom khom, lặng lẽ lau nốt mấy bậc thềm hoa. Số
khác bận rộn trong việc quay ronéo, đóng thành từng bản tin tức để phân phối
vào sáng hôm sau. Họ yên lặng làm việc, thận trọng, nhẹ nhàng.

Mười hai giờ. Trên đường phố bỗng xuất hiện một
toán người mặc áo sơ mi bỏ ngoài, quần tây. Họ ngồi trên xe đạp, từ từ lượn
quanh, ngó vào chùa dò xét...

Thế rồi, trong giây lát, một
hồi còi ré lên và một đoàn trên hai trăm người, tay lăm lăm
súng cắm lưỡi lê ào tới bao vây chùa. Đoàn người này mặc đồ trận rằn ri, mũ sụp
xuống lấp trán. Họ thi nhau xông tới phá hai cổng chùa. Trong chốc lát, các cổng
đều bật tung và đoàn người võ trang hùng hổ tràn vào chùa. Họ cúi lom khom, lủi
nhanh, núp vào các gốc cây, bờ tường, giống như đoàn quân thiện chiến đang xung
kích trận địa sống chết với kẻ thù.

Lúc này chư tăng, ni đều đã
dậy cả, ai nấy vồn vã leo cầu thang rút lên thượng điện.

Các thượng tọa gấp rút gọi
dây nói cho các kí giả, sứ quán, nhưng đường dây đã bị cắt đứt, đồng thời điện
trong chùa cũng bị cắt luôn. Thế là, trong màn đêm, lờ mờ qua ánh điện đường,
sân chùa tràn ngập bọn người hung dữ, sát khí đằng đằng. Họ ồ ạt xông vào chính
điện, đập phá cánh cửa, đạp đổ bàn thờ hòa thượng Thích Quảng Đức và phá tan hộp
đựng tiền công đức của thiện tín thập phương rồi cướp hết. Họ như điên cuồng, đập
phá bàn ghế, xô đạp hương đài, chặt cánh tay và móc mắt Phật lấy cặp nhãn kim
cương trị giá trên hai chục triệu đồng.

Trong khi đoàn người mệnh
danh “quân đội Chính phủ” đang đột nhập phá phách ở phía dưới chùa, thì trên
thượng điện, tất cả tăng, ni và đạo hữu đều quay quần chung quanh hòa thượng và
các thượng toạ. Người người nhất trí, khỏe trước yếu sau trấn đóng hai đầu cầu
thang không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các thượng tọa.

Ngay từ phút đầu của cuộc tấn
công, cảnh chùa đã trở nên huyên náo, bên dưới bọn người hung dữ phá phách rầm
rầm, ở trên thượng điện, chư tăng ni khua trống, đánh chuông, đập thùng thiếc
cùng kêu la inh ỏi làm náo động cả một góc thủ đô.

Khi thanh toán xong dưới
nhà, bọn người hung dữ nương theo hai cầu thang xông lên thượng điện. Nhưng họ
gặp ngay phản ứng của hàng ngũ thanh niên tăng sĩ; ngoài những bàn ghế chất đầy
hai đầu cầu thang dùng làm chướng ngại vật, tăng ni còn đem ấm chén, bát đĩa và
tất cả vật dụng trong phòng ra xếp thành một đống phía sau; hễ kẻ nào nhô lên từ
phía chân cầu thang, lập tức các đồ vật dụng được ném xuống xối xả, khiến bọn
người hung dữ không sao tiến lên được. Lập tức, lựu đạn cay từ dưới thi nhau
tung lên sân thượng điện, tiếng nổ chát chúa vang ra, cả trăm
tăng, ni bị khói cay ho sặc sụa, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng. Một số người
sức yếu, ngất đi nằm vật xuống.

Bọn người hung dữ lại từ dưới
xông lên. Các thanh niên tăng ni, mặc dù nước mắt nước mũi chảy giàn giụa
làm mù mịt không trông thấy gì, nhưng họ vẫn liên tiếp thay phiên nhau nhắm hướng
cầu thang liệng vật dụng xuống. Lựu đạn cay lại từ dưới nhất loạt tung lên,
khói đen tỏa dày đặc, nhiều tăng, ni bị lựu đạn nổ ngay trên mình
hoặc bị vỏ thủy tinh bắn ra cắt đứt da thịt, máu chảy quá nhiều
nên ngã quỵ xuống.

Để đối phó lại, hàng tiền đạo
tăng sĩ được võ trang bằng khăn ướt, bịt trên mặt để ngăn bớt khói cay.

Lần thứ ba, sau khi hưu chiến
mười lăm phút, bọn người không tim không óc lại nhất loạt xông lên, lần này họ đội
trên đầu mỗi người một chiếc ghế tựa để ngăn “đạn” từ trên xả xuống; đồng thời,
họ vừa xung kích vừa tung lựu đạn cay.

Nhưng, kẻ xung kích dùng
đòn độc, lấy ghế làm mộc, thì người bị tấn công, cũng đổi chiến lược, các đạn hạng
nặng, như bàn giấy, chậu cảnh được quăng xuống và bất cứ một thứ thì như nước
sôi, vỏ chai, hễ vớ được là họ quăng liên hồi...

Nhưng, bọn người phía dưới
hung dữ quyết bám sát trận địa, hết lớp này đuối sức thì đám kia xông lên và lựu
đạn vẫn nổ liên tiếp làm đinh tai điếc óc chư tăng. Trận chiến diễn ra ác liệt,
chư ni một số ngã gục, một số bị ho sặc sụa, phải chạy vào phòng tắm, đóng chặt
cửa tránh khói, còn một số vẫn hăng hái tìm kiếm vật dụng cho chư tăng ném xuống.

Thời gian khủng khiếp nặng
nề trôi... chư tăng đã phần kiệt sức mà lực lượng cứu viện không có. Kẻ ngoại
cuộc duy nhất ủng hộ là hãng USOM. Từ các cửa sổ trên lầu cao, những bàn tay
người ngoại quốc, đàn bà có, đàn ông có, đưa tay vẫy liên hồi, rồi cũng những
bàn tay đó, nắm chặt lấy nhau đấm vào không khí ngụ ý tán trợ và cổ võ. Thế rồi,
từ trên đỉnh ngôi nhà lầu hãng USOM, ánh điện của máy chụp hình lóe lên ánh
sáng, lại càng chớp nháy liên tiếp khi một bóng người đàn bà vận quân phục từ
trên xe Haptơrăc nhảy xuống. Người đàn bà này đứng giữa đường, hai tay chống
ngang hông ngó vào cổng chùa Xá Lợi. Lập tức viên chỉ huy bọn người hung dữ được
báo động và y chạy tới khúm núm trước người đàn bà này. Người đàn bà vận quân
phục chỉ trỏ và quát tháo một hồi rồi lên xe đi thẳng.

Trong chùa, trận chiến khởi
đầu từ 1 giờ đến 2 giờ 45 phút thì thế cờ bắt đầu chuyển hướng. Lực lượng vũ
trang xông lên hùng hổ bao nhiêu thì sức kháng cự của tăng ni yếu dần đi bấy
nhiêu. Các vật dụng của nhà chùa dùng làm vũ khí đã hết... Thậm chí, chư tăng
phải dùng đến cả những bàn ghế trước đây dùng làm chướng ngại vật quăng xuống...