Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 03 phần 1

P8 - Chương 3

Luân không lên sân bay Tân
Sơn Nhất và cũng không lên sân bay Biên Hòa. Chuyến đi của anh do Nhu trực tiếp
bố trí. Anh được mang Thạch theo, mặc dù lẽ ra phải một sĩ quan an ninh lo bảo
vệ Luân – Nhu muốn hạn chế hết mức người hiểu biết công việc mà Nhu giao cho
Luân

Thiếu tá Nguyễn Thuần đón
Luân tại cổng Bộ tư lệnh Hải quân. Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải quân mời
Luân ăn sáng ngay tại phòng khách của Bộ tư lệnh. Cùng ăn sáng có một thiếu úy
tên Tường, người Thừa Thiên, là hoa tiêu kiêm truyền tin của chuyến bay.

- Chuyến đi của đại tá chỉ
ngần này người biết mà thôi. - Hồ Tấn Quyền giới thiệu với Luân và Thạch hai sĩ
quan kia, một thuộc Không quân, một thuộc Thám báo. Qua Quyền, Luân biết Tường
chuyên trách các chuyến bay thả biệt kích ra Bắc trên vĩ tuyến 17.

- Ông cố vấn chỉ thị riêng
cho tôi tổ chức các chuyến bay của đại tá vừa thật nhanh, thật an toàn, vừa phải
giữ bí mật triệt để. - Hồ Tấn Quyền khoe với Luân đầy vẻ tự đắc.

Hải quân và cả Thủy quân lục
chiến vừa mới xây dựng được Nhu tin cậy sau khi lính Dù và Không quân đập chế độ
hai cú choáng váng cuối năm 1960 và đầu năm 1961. Chính lực lượng Hải quân đã bắn
rơi chiếc AD.06 của Phạm Phú Quốc trong cuộc nổi loạn của Không quân. Có lẽ
không có gì nóng bỏng hơn trong người của Hồ Tấn Quyền bằng cái thèm khát được
đeo lon chuẩn đô đốc.

“Trễ rồi, ông Tư lệnh hải
quân!” – Luân cười thầm cái vẻ lăng xăng của Quyền đối với anh, “người của gia
đình Tổng thống.”

- Đại tá sẽ đến Cam Ranh
sau non một giờ bay. Lấy nhiên liệu và nghỉ ngơi độ nửa giờ, đại tá sẽ bay lên
một điểm sát vùng ba biên giới. Mất khoảng một tiếng bay. Từ đó sẽ đổi máy bay
và bộ phận khác chịu trách nhiệm đưa đại tá đến nơi quy định - mọi việc thiếu
tá Thuần nắm rất chắc, có thiếu úy Tường trợ lực. Tôi sẽ trực tiếp giữ liên lạc
vô tuyến điện với đại tá, chúc đại tá, chuẩn úy Thạch và toàn đoàn bình yên!

Hồ Tấn Quyền chia tay Luân
trên một chiếc tàu tuần bỏ neo trước Bộ tư lệnh Hải quân. Bốn người lên một trực
thăng. Nguyễn Thuần khởi động, nhấc cần lái trong khi thiếu úy Tường giới thiệu
với Luân đường bay trên bản đồ. Trực thăng bay về phía đông rồi men bờ biển bay
lên hướng Bắc.

“Nhu muốn khỏa mọi dấu vết.
Người ta sẽ xem chuyến đi của Luân như chuyến thị sát thường lệ của tham mưu biệt
bộ.” Luân nghĩ thầm. Cho tới bây giờ Luân cũng chưa xác định, đối với nhiệm vụ,
anh sẽ rút ra được lợi gì trong chuyến đi này. “Thật vô duyên nếu rốt cuộc mình
can dự vào tội ác gieo rắc nha phiến khắp thế giới.”

Người không che giấu được sự
căng thẳng là Thạch. Anh đã nghe loáng thoáng về cuộc hành trình, anh chẳng hiểu
mục đích đồng thời cũng trách Luân: nhận làm gì chuyện tào lao. Thạch không rời
mắt khỏi tên thiếu tá lái máy bay và tên thiếu úy hoa tiêu. Anh đã từng chứng
kiến thượng sĩ Toàn và tên bảo vệ đã nổ súng vào Luân ở Bình Dương, còn phát đạn
của Thiếu úy Hồ Vĩnh Thanh chỉ cách một sợi tóc là có thể kết thúc cuộc đời Luân
ở Trúc Giang.

Nguyễn Thuần thoải mái dựa
lưng vào ghế, Tường thì thỉnh thoảng nói vào máy micro đeo ngay ở miệng: “Sao
Kim đây... Sao Kim đây!” Cả hai không lộ một nét ranh ma nào. Nhưng, Hồ Vĩnh
Thanh còn hiền lành hơn, vậy mà... Mỗi lần trực thăng sà hơi thấp để tránh một
đám mây, Thạch nhấp nhỏm: chúng nó dám hạ cánh ở một vùng nào đó, theo hiệp đồng
với bọn bên dưới. Thạch tiếc đã không chịu cãi lại Luân, chỉ mang một khẩu súng
ngắn mà không mang khẩu tiểu liên báng xếp - với khẩu tiểu liên, Thạch yên tâm
hơn. Trực thăng lại tiếp lên độ cao và luôn bám chặt bờ biển, cùng bay bên trên
quốc lộ 1, hết qua khu dân cư này đến khu dân cư khác.

- Đại tá chắc không biết em...
- Nguyễn Thuần quay lại hỏi Luân.

- Tôi có nghe nhà tôi nói về
thiếu tá...

Câu trả lời của Luân biến đổi
một thoát sắc mặt của Thuần. Anh ta như đăm chiêu.

- Nhà tôi khen thiếu tá là
người tự trọng. – Luân nói tiếp - Rất tiếc vì ít rảnh rang, nhà tôi và tôi
không có dịp làm quen với thiếu tá...

Nguyễn Thuần nghiêng người
như cám ơn Luân. Anh ta trở lại phong thái của một phi công già dặn, miệng mỉm
cười. Có vẻ Thuần trút được cái ám ảnh ở Buôn Mê Thuột, đã ngót sáu
năm...

“Phải tìm hiểu sâu hơn tay
này” – Luân tự nhủ - “Một con người có cá tính.”

Trực thăng đảo một vòng rộng
trên vịnh Cam Ranh rồi đáp xuống một chiếc tàu tuần duyên mang tên “Vân Đồn 2,”
theo chỉ dẫn bằng cờ của một thủy thủ và của một máy truyền tin. Hôm nay vịnh
Cam Ranh gió to, chiếc Vân Đồn 2 lắc lư. Nhưng Nguyễn Thuần đã đổ trực thăng xuống
đúng giữa các vạch sơn trên boong tàu. Hạm trưởng, một đại úy, mời Luân và những
người đi theo vào gian phòng hẹp, đài chỉ huy của chiếc tuần duyên. Nguyễn Thuần
xin phép Luân ở trên boong để theo dõi việc châm thêm nhiên liệu đồng thời rà
soát động cơ của trực thăng. Anh ta dùng sandwich và uống cà phê cạnh máy bay mặc
dù từng cơn gió tạt mạnh đến nỗi anh ta phải tựa lưng vào trực thăng mới không
bị hất tung.

Hạm trưởng hoàn toàn không
biết Luân sẽ bay về đâu. Anh ta đề nghị Luân nghỉ lại vịnh Cam Ranh chờ lặng
gió, bởi gió có thể tăng cấp như đài khí tượng thông báo, sẽ không an toàn nếu
Luân định ra đầm Thị Nại, cảng Đà Nẵng hoặc cửa Thuận An.

- Không sao, tôi có thể ghé
xuống bất kì khoảng đất trống nào, nếu thời tiết xấu. – Luân cảm ơn hạm trưởng.

Chuyến bay tiếp tục. Họ lại
men theo bờ biển, vượt khỏi thành phố Nha Trang và khi đến Ninh Hòa thì rẽ ngoặt
về hướng tây, bay trên quốc lộ 21. Thiếu úy Tường chuyển làn sóng vô tuyến điện.
Từ một nơi nào đó, người ta hướng dẫn đường bay của trực thăng.

- Chúng ta đang ở độ cao tối
đa. - Nguyễn Thuần báo cáo với Luân. Kim đồng hồ cũng đã chỉ con số 8.000 feet.

- Có khi nào thiếu tá đụng
phải đạn súng trường của du kích không? – Luân hỏi

Thuần nhún vai

- Nói theo cách của người
Sài Gòn thì đó là chuyện “cơm bữa.”

- Vùng chúng ta đang bay thế
nào?

- Có một bằng chứng sống tại
đây. - Thuần hất hàm về thiếu úy Tường.

Bây giờ Luân mới nhớ chân
Tường hơi khập khiễng. Hẳn đạn du kích đã xuyên vỡ một mảnh xương chân của Tường.

Dưới máy bay là một tầng
mây xốp.

- Hôm nay chúng ta gặp may...
- Thuần cười mỉm. - Tầng mây dày đặc kia che chở cho chúng ta.

Trực thăng không bay về
thành phố Buôn Mê Thuột mà vòng về phía Tây của thành phố, ngược ra Bắc. Máy
truyền tin từ tai nghe của thiếu úy Tường đã vang rõ một giọng ồ ề. Người hướng
dẫn trên mặt đất nói tiếng Pháp. Thạch sửng sốt. Luân đoán rằng đó là
Francisci. Trực thăng xuyên qua tầng mây xốp, những chóp núi và những cánh rừng
già trải như bất tận bên dưới.

- Chúng ta đang qua vùng
nguy hiểm. - Thuần báo cáo, thái độ bình tĩnh. - Rất dễ va vào núi và cũng rất
dễ hứng đạn vừa của Giải phóng, vừa của mấy cha nội Fulro!

Thuần dán mắt tìm kiếm phía
trước. Trong thung lũng chợt hiện lên những mái nhà tôn xám xịt. Từ trên máy
bay đã trông rõ ngọn cờ ba sọc uể oải lượn trong gió núi.

- Đồn Sa Thầy... Cách đồn
non cây số là đất Cambốt và đất Lào. Nhưng chúng ta không đáp xuống Sa Thầy. Đại
tá nhìn về phía tay trái, đấy, khoảnh đất trống với mấy miếng vài trắng cắm bên
cọc... Chúng ta sẽ đến đó...

Trực thăng chầm chậm hạ đứng
xuống khoảnh đất không rộng hơn sân bóng chuyền. Dưới tán cổ thụ, những ngôi
nhà lợp tranh, lớp lá rừng chen chúc quanh khoảnh đất trống. Thế mà từ trên
cao, Luân không thấy gì cả.

Một người Pháp – đúng hơn một
người miền Địa Trung Hải – mũi cao, mắt đục nhưng tóc đen, cao có lẽ trên 1 mét
8, tuổi xấp xỉ bốn mươi, mặc bộ quân phục dù loang lổ, đón Luân khi cánh
quạt chưa dừng hẳn.

Bằng giọng lơ lớ, anh ta tự
giới thiệu:

- Tôi là Bonaventure
Francisci, rất hân hạnh đón đại tá.

Francisci bắt tay Thạch.

- Tôi được thông báo chuẩn
úy là bảo vệ của đại tá. Hân hạnh.

Francisci cố tỏ ra bặt thiệp,
có học thức, song toàn bộ con người anh ta phản lại anh ta. Nháy mắt với Tường
- kiểu lố bịch – anh ta huýt sáo mồm: hẹn ở Savanakhet! Câu nói lóng của
Francisci chỉ có Tường hiểu được. Gã thiếu úy nháy mắt đáp lại.

Thạch bắt tay Francisci
nhưng mắt không rời khỏi hai khẩu “rulo” Vesson nòng dài - loại bắn cực nhanh -
xệ trước bụng Francisci.

Francisci xiết chặt tay Thuần,
họ quá quen nhau.

- Mời đại tá vào nghỉ!

Luân theo Francisci, rời
khoảng đất trống trong lúc hàng chục người, có lẽ là Rhadé ùa ra, dùng một chiếc
lưới ni lông cắm chi chít cành cây, phủ lên chiếc trực thăng. Bây giờ thì khoảng
đất trống đã biến mất, còn lại một lùm bụi um tùm, máy bay trinh sát không tài nào
phát hiện...

Con đường mòn nhỏ đưa nhóm
Luân vào sâu trong rừng, xuyên qua nhiều lớp nhà. Thật khó tưởng tượng, trên
vùng cao hoang vu này lại mọc lên một “thị trấn.” Đúng, một thị trấn với một cừa
hàng tạp phẩm – Luân nhìn thấy những chai rượu Cognac, Whisky còn trong hộp, những
“tút” thuốc lá Dunhill, Cravel A, những két bia Larue - với mấy quán ăn, tiệm cắt
tóc... “Thị trấn” được bố phòng khá kĩ: nhiều ụ súng, nhiều chòi gác ụ đất, nhiều
hầm trú ẩn.

“Tên của gã cũng hay hay!”
– Luân nhớ Francisci tự giới thiệu là Bonnaventure - cuộc phiêu lưu may mắn.
Con người của gã có vẻ phù hợp với cái tên - Bonnaventure Francisci bước khá
nhanh, để rồi chốc chốc phải dừng lại.

Francisci ở trong một ngôi
nhà sàn lợp tranh, thoáng, “nên thơ” nữa: nhà cất cạnh dòng suối nhỏ.

- Lẽ ra tôi phải mời đại tá
và các bạn uống thả cửa. Song, chúng ta sẽ làm việc đó ngày kia... Bây giờ
chúng ta cần no bụng và nghỉ ngơi một chút, rồi bay tiếp... Thiếu úy Tường có
thể báo cáo về cho đại tá Quyền rằng “sao Kim đã đáp xuống quỹ đạo.”

- Hình như ông mới dời cơ
ngơi về đây? Tôi thấy nhà cửa đều mới... - Luân hỏi, lúc tất cả ngồi vào bàn, họ
ăn món thịt rừng nấu theo kiểu Ý.

- Vừa dời xong, đại tá là vị
khách đầu tiên... - Francisci trả lời, không vui.

- Trước kia, chúng tôi ở
sát thị xã Kontum... Nhưng gần đây, phong trào tự trị ở Tây Nguyên của Ibih
Aleo dậy lên. Thế là tôi phải rời nơi tôi đã dừng chân ngót mười năm... Phải phá hủy nhà cửa, xóa dấu vết đường băng và đốt luôn lò chế biến
morphine. Ở chỗ mới, mọi cái đều bắt đầu từ con số không. Ymơ Eban thông báo với
tôi: chớ xây dựng đồ sộ, Sa Thầy không an toàn. Nhóm Fulro li khai – và vẫn do
Kossem điều khiển - dễ dàng thọc sang đánh chúng tôi. Nhóm Champasak từ Hạ Lào
cũng có thể làm như vậy. Phoumi Nosavẳn – đại tá biết ông ta? – đang nắm quyền ở
Lào, ông ta đòi chia lãi. Đòi chia lãi mà không tiêu tốn một đồng kíp! Nếu
không có Raticun, Tổng tham mưu trưởng Lào, tôi đã bị Phoumi xử bắn rồi!

Bữa ăn trở nên nặng nề.

- Nói thế thôi, tôi đâu phải
chỉ có bàn tay trắng... - Francisci lại cười hồ hởi. - Ngay cả Phoumi, ông ta
không chịu biết điều thì cái mạng của ông ta chưa chắc đã giữ nổi! Nếu chẳng bị
các điều kiện chính trị ràng buộc, tôi thừa sức lật độ chế độ chính trị của
Phoumi...

- Ông Nhu muốn chúng ta
không sơ xuất nên phái đại tá lên tận ổ. Tôi không quen việc quân. – Francisci
lại cười – Tôi mang súng và tôi bắn súng khá thạo. Nghe đồn đại tá bắn súng lục
khá thạo, hôm nào chúng ta thử chơi... Nhưng tôi chỉ biết bắn súng cá nhân. Tổ
chức bảo vệ cơ sở chế biến heroine - cứ xem như một xí nghiệp với dây chuyền sản
xuất đến một quy mô nhất định – không thể là chuyện của tôi. Tôi yêu cầu ông
Nhu đảm bảo vòng ngoài - tại “Tam giác Vàng” và tại các trạm vận chuyển - để
tôi rảnh tay. Việc của tôi là thu mua á phiện sống, chế biến thành morphine,
heroine hoặc cocaine, tối thiểu cũng thành “nhựa nhứt” và phân phối chúng ở các
thị trường... Tôi có thể thỏa mãn đòi hỏi của ông Nhu: mỗi năm tôi bán không dưới
vài tấn heroine. Đại tá có biết giá ở New York, mỗi kilo heroine là bao nhiêu
không?

Thậm dốt về môn này, Luân lắc
đầu.

- Hai trăm năm chục ngàn
dollar! Mười kilo á phiện sống được một kilo heroine! – Francisci rõ ràng không
phải là kẻ kín miệng - Loại vàng trắng mua bán từng gramme một... Một con gà ở
Sài Gòn giá không đến một dollar. Một con gà ở Vientine còn rẻ hơn. Trong khi một
kilo heroine giá 250.000 dollar.

Luân nhẩm tính: mỗi tấn
heroine thu trên 200 triệu dollar! Một con số khủng khiếp!

- Tất nhiên, chi phí không
nhẹ. - Francisci hình như đoán được cái nhẩm tính của Luân - Thiết bị vận chuyển,
hàng hóa trao đổi để lấy được á phiện sống, trám mõm bao nhiêu là tai to mặt lớn,
chi phí bảo vệ, hoa hồng cho đại lí, bảo hiểm... mất hơn nửa... Có khi mất đứt
hàng trăm kilo, mất luôn cả người. Tổ chức quốc tế Interpol săn buôn nha phiến
hoạt động rất gắt gao... Tôi đã phải mua Tư lệnh quân khu Bắc Thái Lan, lãnh tụ
nhóm Shan ở Miến Điện, tướng họ Lý của tàn binh Quốc dân đảng
thậm thò thậm thụt ở Vân Nam. Tôi mua Ymơ Eban, mua hoàng thân Bun Oum của Lào.
Chỉ trừ ba ông Giải phóng Việt Cộng chưa mua được! Mang trong người vài chục
gramme heroine, luật pháp nhiều nước đã kết án tử hình! Ông đã thấy tôi phải mạo
hiểm ra sao.

Luân biết Francisci ba hoa
song không bịa đặt. Bây giờ đã rõ vì sao Nhu tin cậy gã. Còn vì sao gã phải dựa
vào Nhu? Tạm thời, Luân chưa trả lời được.

- Chúng ta sửa soạn lên đường.
– Francisci bảo sau bữa ăn - Trước hết xin đại tá và mọi người thay thường phục...
Chúng ta là những khách du lịch, kể cả tôi. Và, chúng ta cứ giữ súng nhưng đừng
để người ngoài trông thấy. Đặt chân lên đất Lào, xin các vị nhớ cho:
Bonnaventure Francisci là Tổng Giám đốc Công ty hàng không dân dụng Vương quốc
Ai Lao... - Francisci ra điệu bộ trịnh trọng và cười lớn.

Họ xuyên khu rừng, đến một
đám đất ngụy trang bằng nhiều cành cây. Người của Francisci dọn một thoáng, mặt đất trống
trơn: một phi đạo bê tông dùng cho máy bay loại nhỏ. Một chiếc L.19 được đẩy từ
chỗ khuất ra đường băng. Nguyễn Thuần kiểm tra máy, nhiên liệu. Cánh quạt bắt đầu
quay khi mọi người đã ngồi yên. Máy bay lấy đà. Francisci vẫy tay tạm biệt nhóm
nhân viên của anh ta.

Nguyễn Thuần như quen chiếc
máy bay này – sơn quốc kì Lào. Máy bay rời phi đạo. Nhìn xuống, Luân thấy sân
bay dã chiến đang hối hả khoác các cành lá.

- Đúng bốn mươi phút, chúng ta sẽ đáp xuống sân bay Savanakhet... - Francisci bảo Luân.

Thiếu úy Tường mở bản đồ và
gọi vào máy bằng tiếng Pháp

- Cùng lúc, đại tá Quyền ở
Sài Gòn cũng nghe thiếu úy Tường... - Francisci nói.

- Đoạn này không có gì nguy
hiểm dù chúng ta bay trên một số vùng do Pathet Lào kiểm soát. - Nguyễn Thuần
thông báo.

- Thiếu tá nhớ đừng vòng rộng
sang phía bên kia sông Mê Kông. – Francisci dặn - Gần đây giữa tôi và viên chỉ
huy biên phòng Thái Lan không êm ả lắm. Hắn ta dám bắn dọa chúng ta, buộc máy
bay phải hạ cánh để đòi tiền chuộc.

Thuần gật đầu. Tường đã
liên lạc được với sân bay...

Francisci giống một ông chủ
cỡ bự, rời sân bay Savanakhet trên chiếc Mercedes đen, sau khi bẹo má mấy cô
nhân viên hàng không. Luân và Thạch cùng ngồi với anh ta, Thuần và Tường đi
trên một xe Jeep.

- Ta ngủ đêm tại đây, mai
lên Vientiane.

Francisci chọn khách sạn
sang nhất Savanakhet – khách sạn “Con gà vàng.”

Chủ khách sạn, một phụ nữ,
đon đả mở cửa xe mời Francisci... Khi nhận xong chìa khóa phòng, Francisci bảo
nhỏ Luân:

- Đại tá biết bà chủ là ai
không? Nguyễn Thị Lý...

Luân vẫn chưa hiểu Nguyễn
Thị Lý là nhân vật nào mà Francisci tỏ ra thận trọng. Một người nói giọng hơi khó
nghe, tuổi trên dưới bốn mươi, không đẹp, không xấu.

- Chị ruột của Nguyễn Cao Kỳ
đấy!

À ra thế... Hèn chi giọng
nói hơi khó nghe - giọng Sơn Tây.

- Bà ta chỉ là chủ khách sạn?

Francisci nhún vai:

- Đại tá quên em của bà ta
hiện nay là chỉ huy trưởng sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời chỉ huy trưởng phi
đoàn vận tải số một gồm ba mươi hai chiếc C.47! Savanakhet là trạm trung chuyển
của phi đoàn...

Luân biết chức trách của Kỳ,
song anh không dè Kỳ có người chị ở đây

- Tại sao bà ta không rút về
Sài Gòn? Ông Kỳ không còn được chỉ huy tuyến đường bay sang Lào nữa.

Luân nói về sự trừng phạt của
Mỹ đối với Kỳ. Mỹ thay máy bay C.47 hai động cơ bằng máy bay C.54 bốn động cơ, bọn Kỳ phải
tập lái: ngay trong chuyến đầu, Kỳ đã chở hàng tá gái nhảy -
hắn tỏ cho Mỹ biết lái C.54 chỉ là trò trẻ đối với hắn, cố vấn Mỹ bực mình, quyết
định cử phi công Đài Bắc sang lái và cấm Kỳ léo hánh lên Lào.