Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 05 phần 1

P8 - Chương 5

Họp báo của bà cố vấn Ngô
Đình Nhu ở Nữu Ước.

Hôm thứ Tư vừa
qua, bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã xuất hiện lần đầu tiên tại Nữu Ước, trong ánh
sáng của các máy chụp hình trước hơn sáu trăm kí giả và độ một nghìn người chen
lấn nhau trong phòng khách danh dự lộng lẫy ở khách sạn Waldorf – Astoria.

Bữa “tiệc họp mặt” này do
Câu lạc bộ Báo chí Nữu Ước tổ chức, nhưng lẫn lộn trong đám kí giả ngoại quốc ở
Hoa Kỳ, còn có một số người đủ các thành phần – nhà xuất bản, hội trưởng các hội
phụ nữ... và điều đáng chú ý là có cả sự hiện diện của một vị chức sắc “Phật
giáo Hoa Kỳ,” Đại đức Cakya Anatta, tên thật là Edward Elbuch, từ
thành phố New Jersey đến để dự cuộc họp mặt này, trong bộ áo cà sa màu vàng nghệ.

Trong một bài diễn từ đọc
sau bữa tiệc, bà Nhu cho biết ngay rằng bà đến Hoa Kỳ không phải để đấu khẩu
nhưng, khi gián tiếp nhắc về việc bà đến thăm Hoa Kỳ đã làm cho chính quyền ở
Hoa Thịnh Đốn bối rối, và nhất là cuộc đón tiếp vô cùng nồng nhiệt mà báo chí tại
đây đã dành cho bà – trái hẳn với sự lạnh nhạt của chính quyền – bà đã cho biết
rằng bà đã từ chối nhiều cuộc phỏng vấn vô tuyến truyền hình vì bà không muốn
các nhân vật chính thức Hoa Kỳ oán hận bà.

Về tình hình báo chí Mỹ tại
Sài Gòn, bà Ngô Đình Nhu nhận định rằng các kí giả ngoại quốc tại Sài Gòn không
có thiện cảm với chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm và vì
thế, “những tin tức họ đưa ra đều sai lạc vì họ bị những cảm xúc chi phối.” Bà
nói tiếp, “các kí giả không tiếp xúc nhiều với Chính phủ” và “tiếc rằng Tổng thống
Diệm là một người ít nói và không có tài hùng biện.” Bà Ngô Đình Nhu nói tiếp: “Nhưng
trái lại, các kí giả rất được “những người đối lập với Chính phủ” nhất là Phật
giáo đồ trọng đãi và họ có xu hướng bênh vực cho các người này.”

Trong phần còn lại của diễn
từ, bà Ngô Đình Nhu đã trình bày về sự liên lạc chặt chẽ giữa các tổ chức Phật
giáo với Việt Cộng, kế hoạch chính trị hóa Phật giáo Việt Nam để tìm cách biến
Phật giáo thành một quốc gia trong quốc gia. Bà cũng xác nhận lại một lần nữa rằng
những nạn nhân trong các vụ xảy ra ở Huế - các vụ này đã khởi đầu cho các vụ rối
ren sau này - đều do các chất nổ gây ra, chớ không phải vì cảnh sát bắn vào
nhóm biểu tình.

Sau hết, sau khi đã trả lời
rất nhiều những câu hỏi của kí giả - trong đấy có những câu rất xấc xược – bà
Ngô Đình Nhu đã được mọi người tán đồng khi bà hô hào cần phải có sự đoàn kết
giữa Hoa Kỳ và quốc gia đồng minh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Cộng và bỏ
qua những “hiểu nhầm” và mục đích của bà đến đây là đánh tan những hiểu nhầm
đó. Cuối cùng, bà Nhu đã rời diễn đàn với sự vỗ tay của đa số các cử tọa.

Trong khi bên trong khách sạn,
bà Ngô Đình Nhu đang nói chuyện, thì ở bên ngoài khoảng năm mươi người thuộc
nhiều hội tiến bộ hoặc hòa bình tụ họp, phân phát những truyền đơn chống lại Tổng thống Ngô Đình Diệm và chống việc tiếp tục chiến tranh tại Việt
Nam và họ đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình chống Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng thất bại.

Công chúng Mỹ chưa được
kích động đúng mức đối với Việt Nam để có thể biểu tình vì Việt Nam. Về phần bà
Ngô Đình Nhu, người ta có thể nói rằng bà đã qua một thời kì sơ khảo trước báo
chí Hoa Kỳ và đã đậu ưu hạng, và từ nay bà tỏ ra có đủ điều kiện để thuyết phục
cả nước Hoa Kỳ.

*

**

Tường thuật trên một tờ báo
Mỹ kia lẽ ra khích lệ Nhu nhưng, Nhu chưa lú lẫn đến mức không phân biệt tờ báo
ít tiếng tăm, số phát hành hạn chế với những tờ báo mà ấn bản lên hàng mấy triệu
và thật sự làm chủ dư luận Mỹ - họ mô tả không khí của cuộc họp báo hoàn toàn
khác hẳn. Nhu biết Lệ Xuân chi rộng rãi cho các cây bút hạng nhì, hạng ba và
thuê hẳn số cột của tờ báo theo giá cao hơn quảng cáo.

- Tôi đọc báo Mỹ, cuộc họp
báo của chị khá tốt! – Nhu ngó Luân. Trong một thoáng, Luân nhận mình sai lầm
khi nhận xét như vậy.

- Anh nói thật hay anh định
an ủi tôi? – Nhu xẵng giọng. Và, chính Nhu đã gỡ rối cho Luân.

- Anh nên bình tĩnh… - Luân
gián tiếp trả lời.

- Nhà tôi chủ quan quá. Và,
bài báo lá cải làm sao đổi ngược ý định của Tổng thống Mỹ…

- Tôi đã quyết định! – Nhu
nói rất nhỏ song thật dứt khoát – anh kiểm tra lần chót kế hoạch của ông Đính
và báo cáo với tôi càng sớm càng hay.

Nhu bắt tay Luân, bước thật
nhanh vào phòng làm việc.

Luân đủng đỉnh bước xuống bậc
thềm, lên xe. Đầu óc anh căng thẳng, làm gì? Phải làm gì? Có thể làm gì? Làm với
cái gì?

Xe dừng tận sân nhà mà Luân
vẫn còn ngồi thừ, mãi tới khi bé Lý gõ vào cửa xe gọi “ba, ba,” anh mới chợt tỉnh.

… Một đêm trôi qua. Một đêm
Luân không ngủ. Dung cũng không ngủ.

- Anh phải đến nhà chị Cả!

Nhà chị Cả là nơi có lần Ngọc
đưa Luân đến tạm trú sau vụ Luân bị rượt đuổi ở Hòa Hưng, cách đây tám năm.

Dung không ngăn. Chắc chắn
chỗ chị Cả an toàn, như những tài liệu công an mà Dung nắm.

Luân gọi Thạch. Gọi mấy lần.
Thạch không thưa. Cửa phòng Thạch vẫn mở.

- Đầu hôm, cậu Thạch nói với
tôi đi mua thuốc hút, nhờ tôi đóng cửa… Rồi tôi quên lửng…

Chị Sáu cho Luân và Dung biết
bấy nhiêu.

- Thạch bị bắt cóc! – Luân
bảo Dung.

Thông cáo của Ban Chấp hành
Trung ương Phong trào Phụ nữ Liên đới:

Một vài hãng thông tấn nước
ngoài nhằm đầu độc mối bang giao Mỹ - Việt đã thuật lại sai hẳn nội dung của nó
một câu trong bài tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu tại La Mã, và do đó gây ra một sự
hiểu lầm trong một vài giới người Mỹ.

Lời tuyên bố đó, chính đã
được bà Ngô Đình Nhu nói ra trong hoàn cảnh sau đây: để trả lời câu hỏi về cảm
tưởng của bà Ngô Đình Nhu đối với cuộc viếng thăm của phái đoàn Mac Namara, bà
chủ tịch đã nói rằng:

“Tôi rất hài lòng được biết
ông Mac Namara tới Sài Gòn để xem công việc của người Mỹ ở đây được điều khiển
ra sao. Một vài viên chức cấp dưới giúp việc tại các cơ quan Mỹ đã có những
thái độ và hành động như những lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ. Họ không hiểu
nổi những gì đang xảy ra xung quanh họ. Do thái độ vô trách nhiệm của mình, họ
đã dồn các cấp chỉ huy của họ theo một chính sách mơ hồ.”

Danh từ “lính” đây không có
nghĩa là quân nhân, chỉ có nghĩa là bọn phiêu lưu có mộng lập vương tại xứ người
ta. Thế mà các hãng thông tấn nói trên lại bóp méo ra như sau:

“Những sĩ quan trẻ tuổi của
Hoa Kỳ ở Việt Nam đã hành động một cách vô trách nhiệm như những tên lính trẻ
tuổi phiêu lưu giang hồ.”

Người ta còn nhớ rằng trong
mấy tuần lễ vừa qua, bà Nhu còn tố cáo “những kẻ phiêu lưu quốc tế” âm mưu phá
hoại an ninh của Quốc gia Việt Nam.

Bà cố vấn đã nói rằng hạng
người đó có lối một nửa tá. Các điện tín, báo chí đều đồng ý về điểm này. Và ai
ở Sài Gòn cũng đều biết một nửa tá đó là dân sự, không phải quân sự Hoa Kỳ.

Bà Ngô Đình Nhu cũng đồng
quan điểm rằng nhân dân Mỹ không được biết rõ về những sự thật ở Việt Nam tới mức
đáng được biết, nhất là về vụ Phật giáo. Sở dĩ có tình trạng đó cũng vì chiến dịch
đầu độc dư luận quốc tế trong đó “những kẻ phiêu lưu quốc tế” nói trên đã đóng
một vai trò chủ chốt.

Chính bà Nhu đã nói tại La
Mã về đám người nửa tá phiêu lưu quốc tế này.

Ngoài ra mới đây nhân việc
một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ có thể sẽ sang quan sát tại Việt Nam, bà Ngô Đình
Nhu đã tuyên bố rằng phái đoàn đó sẽ được Việt Nam đón tiếp niềm nở, vì mọi cuộc
thăm viếng như vậy sẽ giúp cho các vị đại biểu của nhân dân Mỹ hiểu biết tại chỗ
tình hình Việt Nam, một tình hình thật sự rất khác hẳn những điều mà bọn nửa tá
“lính trẻ tuổi phiêu lưu giang hồ” nói trên đã cố ý muốn làm cho nhân dân và Chính
phủ Hoa Kỳ tin theo lời họ nói.

Như vậy là rõ rệt: bà Ngô
Đình Nhu không hề ám chỉ một binh sĩ nào, cũng như không hề chỉ trích tinh thần
trách nhiệm và tinh thần hi sinh của các cố vấn quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam thuộc
cấp trên cũng như cấp dưới. Vì theo lời khai của các thượng tọa,
tăng ni và sinh viên, bọn phiêu lưu đang mộng lập vương kia đều thuộc giới dân
sự cả.

Bà Ngô Đình Nhu cũng như tất
cả các đoàn viên Phong trào Phụ nữ Liên đới Việt Nam bao giờ cũng kiên quyết và
đích xác tố cáo những hành động đáng chê trách của bọn nửa tá phiêu lưu quốc tế
đang tìm cách phá rối những mối giao hảo quốc tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng
ngược lại, Phong trào Phụ nữ Liên đới Việt Nam luôn luôn rất khâm phục cũng như
rất biết ơn các cố vấn quân sự Mỹ và qua các vị này, phong trào liên đới cũng rất
khâm phục và rất biết ơn nhân dân Hoa Kỳ, nhất là các bà mẹ và vợ con của
các chiến sĩ Mỹ đang chiến đấu cho chính nghĩa chung Mỹ - Việt, tại Việt Nam
cũng như các nơi khác trên thế giới.

Đó là một điều hợp với lí
trí, công bằng và đoan chính.

*

**

Thạch bị bắt cóc… Không còn
nghi ngờ gì nữa. Từ trước tới nay, chưa bao giờ Thạch vắng nhà nửa tiếng đồng hồ.

- Em gọi Nha cảnh sát đô
thành nhé! – Dung gợi ý.

- Em cứ gọi họ cử người đến
đây… Song, anh linh tính Thạch không còn nữa…

Thấy Dung ngơ ngác, Luân
nói thêm:

- Bọn bắt cóc khai thác Thạch,
chúng cần nhanh. Làm sao giữ Thạch lâu được? Lộ hết… Và tới giờ này Thạch không
về, có nghĩa là chúng không khai thác được gì ở Thạch và thủ tiêu chú ấy.

Nước mắt Luân trào. Dung ôm
mặt, nức nở. Chị Sáu không hiểu, đứng chết trân.

- Bọn nào? – Dung hỏi

- Còn bọn nào nữa? Mai Hữu
Xuân!

- Nên báo với Nhu không?

- Anh sẽ báo!

- Saroyan?

- Khoan… Đừng tỏ ra hốt hoảng.
Rất có thể Jones Stepp đứng sau lưng Xuân.

- Em không nghĩ như vậy.
CIA cần gì ở anh Thạch?

- Cần, rất cần. Họ dùng trắc
nghiệm theo lối Mỹ để đánh giá anh thật chính xác. Họ muốn từng nghi vấn nhỏ phải
được giải đáp trước khi họ xếp các quân cờ trên bàn cờ mới.

Chuông cổng reo. Một thiếu
tá cảnh sát vào nhà.

- Người bảo vệ kiêm lái xe
của tôi đi mất từ chập tối hôm qua… Anh ta bảo với chị nấu bếp là đi mua thuốc
lá. Rồi, không quay về.

- Thiếu uý Thạch? - Người
thiếu tá cảnh sát hỏi.

- Đúng.

- Đại tá cho phép tôi báo
cáo về Nha bằng điện thoại, còn tôi sẽ phăng mối từ đây… Từ chỗ bán thuốc lá gần
nhất. Tôi sẽ hỏi lực lượng công an chìm được bố trí quanh đây…

- Thiếu tá cứ làm nhiệm vụ…

Sau đó, Luân gọi điện cho
Nhu, Nhu vặn lại: Liệu Thạch chơi bời đâu đó, chưa về? Luân khẳng định không thể
có việc đó... Tới lượt Nhu sửng sốt:

- Sao kì quặc đến thế! Ai
dám?

- Vào lúc này, ai cũng dám
cả - Luân trả lời.

- Chúng định cảnh cáo cả
tôi à? Được, nếu quả Thạch bị bắt cóc hay bị một cái gì đó, chúng sẽ biết tay
tôi.

- “Chúng” là ai? – Luân hỏi,
hơi mỉm cười.

- Anh đừng hỏi đố tôi, cả
anh và tôi đều biết “chúng” là ai…

Mệnh lệnh số 5 của Tổng thủ
lãnh thanh niên Cộng hoà.

Qua tình hình quốc gia gần
đây, anh chị em thanh niên chắc đã ý thức được tình thế trầm trọng trong quốc nội
gây nên bởi sự hiệp đồng giữa những thế lực chống chế độ cộng hòa chúng ta
trong và ngoài nước.

Nguyên nhân của sự trầm trọng
đó là do một số sư sãi trong Tổng hội Phật giáo đã có những hành vi, ngôn ngữ
và thái độ bất chấp đến “ý chí hòa giải tột bực” của Tổng thống và Chính phủ Việt
Nam Cộng hòa, coi ý chí hòa giải đó là biểu hiện của một sự nhu nhược.

Người ta biến các chùa chiền
thành những trung tâm khuấy rối, khủng bố các vị chân tu, hằng ngày mạt sát và
đả kích Chính phủ. Rồi cứ thế được đà, người ta đã tiến tới những âm mưu vận động
phá hoại an ninh quốc gia. Súng đạn đã được mang vào các chùa chiền, một mặt uy
hiếp các vị chân tu, một mặt tổ chức đảo chính, người ta công khai thiết lập
bàn giấy tuyển mộ những lực lượng chiến đấu dưới hình thức “tuyển mộ thanh niên
bảo vệ Phật giáo.”

Toàn thể anh chị em thanh
niên Cộng hòa cũng như toàn thể dân chúng đều thấy rõ hàng nghìn những sự việc
thuộc loại trên không có tính chất tôn giáo, chỉ nhằm mục đích không giấu giếm
là khuynh đảo Chính phủ, phá hoại an ninh quốc gia. Những người ngoại quốc ở
trên nước này vô tư và khách quan cũng điều công nhận điều đó là đúng.

Mặc dù thế, Tổng thống và Chính
phủ Việt Nam Cộng hòa vẫn theo đuổi thực hiện ý chí hòa giải: luôn trong mấy
tháng, vẫn nhẫn nhục đọc những bức thư mà Ủy ban liên phái gửi tới, giọng
khiêu khích và khinh mạn, vẫn chứng kiến những cuộc tụ tập để mạt sát Chính phủ,
để phổ biến những tài liệu ngoại quốc chống đối lại quốc gia Việt Nam. Chính phủ
đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm.

Thái độ nhẫn nhục của Chính
phủ đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết đã bị nhiều người kết tội là nhu nhược
và bị người ta hiểu lầm là “bất lực” không tìm được biện pháp thích nghi để giải
quyết vấn đề Phật giáo.

Tới nay thì tình thế không
cho phép Tổng thống và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chờ đợi sự hưởng ứng của những
phần tử đã tiếm đoạt danh nghĩa Tổng hội Phật giáo. Những cuộc vận động phá hoại
an ninh quốc gia đã tới mức độ đòi hỏi Tổng thống và Chính phủ Việt Nam Cộng
hòa phải có thái độ cương quyết chặn đứng những hành động phá hoại trong quốc nội
để kịp thời đối phó với Cộng sản.

Anh chị em thanh niên Cộng
hòa tất phải tự hỏi tại sao “ý chí hòa giải tột bậc” của Tổng thống Việt Nam Cộng
hòa không được sự hưởng ứng của Tổng hội Phật giáo? Tôi có thể trả lời ngay rằng
Ủy ban liên phái đại diện cho Tổng hội Phật giáo đã bị một số người đầu cơ
chính trị, lợi dụng tôn giáo khủng bố, thao túng và giật dây. Tôi tin rằng một
ngày gần đây Chính phủ cũng như nhân dân sẽ lột mặt nạ những kẻ đó và đưa ra
ánh sáng.

Tôi tin rằng thái độ và
hành động kiên quyết của những người chịu trách nhiệm về vận mệnh của Việt Nam
Cộng hòa sẽ mang lại bình ổn trong nước.

Nhiệm vụ của anh chị em
thanh niên cộng hòa lúc này là đóng góp vào nỗ lực của lãnh đạo quốc gia. Một
trong những công việc quan trọng của anh chị em là chấp hành kỉ luật, sát cánh
cùng lực lượng an ninh và quân đội đập tan mọi mưu toan phản loạn, gây rối, ám
sát, bắt cóc, cấu kết với ngoại bang. Không còn có thể nào lùi bước được nữa!

Nhân danh Tổng thủ lãnh
thanh niên Cộng hoà, tôi đặt toàn bộ lực lượng thanh niên trong tình trạng trực
chiến. Mệnh lệnh này cần được phổ biến rộng rãi bằng các phương tiện của quốc
gia. Tôi ủy nhiệm Phó Tổng thủ lãnh Cao Xuân Vỹ ban hành các biện pháp cụ
thể và hữu hiệu. Kí tên: Ngô Đình Nhu…

Tổng thống Ngô Đình Diệm trả
lời báo Pháp France Soir.

- Sài Gòn – “Việc cần phải
gây dựng tại miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân chống Cộng sản
và hướng về nền kĩ nghệ hoá,” đó là lời tuyên bố của Tổng thống Việt Nam Cộng
hòa trong một cuộc phỏng vấn giành cho kí giả Eugene Manoni, đặc phái viên báo
France Soir.

Tổng thống nói tiếp “cuộc
chiến tranh hiện nay bắt buộc miền Nam Việt Nam phải thực hiện cuộc cách mạng
đó một cách thận trọng, nhưng dầu sao đi nữa cũng phải thực hiện.”

Tổng thống Việt Nam Cộng
hòa cũng đã nhấn mạnh rằng: “Chính trong bối cảnh lịch sử đó, trong cuộc chiến
tranh không trận tuyến đó mà người ta cần phải tìm hiểu để có quan niệm khách
quan về những người chỉ trích nhắm vào những người thân cận của tôi.”

Tổng thống giải thích thêm
rằng “chúng tôi là một nước đang lâm vào cảnh chiến tranh, và không phải những
người thân cận của tôi đã gây ra cuộc chiến tranh đó với những hậu quả của nó.”
Tổng thống cũng đã nhấn mạnh rằng “chung quy chính tôi là người mà người ta
đang tìm cách ám hại, bởi vì tôi không phải là một con bù nhìn, và cũng bởi vì
tôi được quốc dân mến chuộng.”

Trong đoạn kết luận, Tổng
thống nói: “Tất cả những người bạn của chúng tôi trong thế giới tự do cần phải
giúp đỡ chúng tôi cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, và nhất là đừng âm
mưu chia rẽ chúng tôi trong lúc chúng tôi đang phải đương đầu với kẻ thù chung.”

- Câu hỏi thứ 1: Kính thưa Tổng
thống, theo ý Tổng thống, người ta có thể rút ra được những bài học nào về những
biến cố vừa qua ở quý quốc?

-Trả lời: Mọi người đều nói
đến Cộng sản và vấn đề kém mở mang. Nhưng, trong lĩnh vực chính trị cũng như trong
lĩnh vực thông tin, rất ít người có trách nhiệm trong thế giới tự do hiểu được
tận gốc, mà lại còn tỏ ra không chú tâm đến các vấn đề đó, mặc dầu những vấn đề
đó là những hiện tượng trọng yếu của thế kỉ XX. Tại những quốc gia tiên
tiến phương Tây, vấn đề Cộng sản nội bộ được đặt ra một cách khác hẳn. Quả vậy,
những tiến bộ kĩ thuật và kinh tế, thực hiện được một phần cũng nhờ sự khai
thác các thuộc địa trong thời kì cực thịnh của chủ nghĩa tư bản, đã làm cho những
cuộc tranh chấp xã hội và lí tưởng mất hẳn tính chất khao khát của nó. Như vậy,
dĩ nhiên là những nhà lãnh đạo chính trị cũng như những nhà lãnh đạo dư luận
không thể nào có được một ý niệm rõ rệt về điều kiện nhân sinh tại các nước chậm
tiến. Thêm vào đó, lại còn có tệ trạng các quốc gia tiên
tiến nghiễm nhiên nắm độc quyền trên thị trường quốc tế cũng như trong lĩnh vực
phổ biến nền cao học. Tổng hợp lại các hiện tượng đó, người ta mới hiểu được
các nỗi khó khăn mà những dân tộc như dân tộc chúng tôi đã vấp phải trong các mối
bang giao với các nước tiên tiến, và cũng mới hiểu rõ được niềm thất vọng cũng
như nỗi cay đắng của chúng tôi.

Tất cả những sự cách biệt về
mặt kĩ thuật, kinh tế và tâm lí giữa các quốc gia tiền tiến và những quốc gia mới
thâu hồi độc lập đều bị lợi dụng với mục đích gây ra một cuộc chiến tranh mà
trong đó người ta dễ lâm vào cảnh đánh bạn hơn là đánh kẻ thù chung.

- Câu hỏi 2: Những người
thân cận của Tổng thống đã bị chỉ trích. Người ta đã nghĩ như thế nào về lời chỉ
trích đó?

- Trả lời: Đó cũng là một
hình thức của cuộc chiến tranh không trận tuyến nhằm mục đích làm xáo trộn tình
thế, và cô lập hóa chúng tôi. Chúng tôi đang ở trong tình trạng khẩn cấp, đạo
quân thứ năm thuộc mọi phần tử, những vụ phản bội, những âm mưu phục kích, tình
trạng chợ đen…

Mọi người đều có những kẻ
thân cận của mình. Nhưng, người ta chỉ trích những kẻ thân cận của tôi với những
lí luận cụ thể nào, ngoài những lời đồn đãi?

Tôi hoàn toàn đồng ý về điểm
phải để ý tới những lời chỉ trích đó, nhưng không phải theo cái lối mà một vài
người bạn theo phái tự do đã noi theo. Tôi thiết nghĩ rằng trước hơn hết phải
phân tích cái gì là đúng và cái gì là không đúng trong những lời chỉ trích đó.
Rồi phải có CAN ĐẢM CÔNG KHAI tỏ một thái độ khách quan về tất cả vấn đề này. Nếu
chúng ta làm cách khác, thì cũng ví như chúng ta chấp nhận trước là sẽ bị đánh
bại vì dư luận thế giới bị đầu độc bằng những mánh khóe vu khống và tin đồn thất
thiệt – mà chẳng có ai dám đứng lên đánh tan những tin đồn đó – và như vậy là
người ta đánh bại những người chống Cộng hữu hiệu nhất.

- Câu hỏi 3: Theo ý Tổng thống,
thì có những biện pháp nào khả dĩ?

a) Tái lập được tình trạng
hết căng thẳng ở quý quốc?

b) Đánh tan được cái trạng
huống khó chịu mà người ta đã nhận thấy trong các mối bang giao Mỹ - Việt?

- Trả lời: Vì nhiều lí do
nước tôi rất dễ bị mọi thứ chủ nghĩa xâm nhập, trong khi đang phải đương đầu với
chiến tranh và phải cấp tốc giảm bớt sự chậm tiến quá lớn lao của mình về mặt kĩ
thuật, kinh tế và xã hội.

Việc cần phải gây dựng tại
miền Nam Việt Nam, là một cuộc cách mạng nhân dân và hướng về nền kĩ nghệ hóa,
nghĩa là cần phải cố gắng gấp bội chứ không phải chỉ lo nghỉ ngơi. Đó là việc
mà phần đông nếu không nói là tất cả, những quốc gia Á – Phi đang thực hiện.

Vì đó là giai đoạn lịch sử,
giai đoạn tiến từ nền văn minh này tới một nền văn minh khác, mà những nước ấy
phải thực hiện cho được bằng xương máu của mình, không phải chỉ có một vài cải
cách nhỏ nhặt không đáng gì là được đâu!

- Câu hỏi 4: Như vậy Tổng
thống có nghĩ rằng lời tuyên bố mới đây của Đại tướng De Gaulle là có thể giúp
được phần nào để tìm một giải pháp cho những nỗi khó khăn vừa qua chăng?

- Trả lời: Tôi rất khâm phục
Đại tướng De Gaulle vì ông là một nhà đại ái quốc, và lúc cần đến, ông dám
có quyết định không được lòng dân ngay lúc đó, nhưng sau mới tỏ ra là có ích
cho quyền lợi lâu dài của nhân dân Pháp.

Bây giờ không còn là thời kì
mà người ta có thể chỉ định nghĩa dân chủ bằng những danh từ tự do chính trị và
chính thể đại nghị; dân chủ ngày nay đòi hỏi phải có kĩ nghệ và kế hoạch; chính
trị và các nghị viện cần phải đáp ứng theo sự đòi hỏi lịch sử đó.

Vả lại, Việt Nam không phải
là nước Pháp. Việt Nam không còn hạ tầng cơ sở, cũng như không có các cán bộ
như nước Pháp, và nhất là kém dân tộc Pháp về tinh thần yêu nước sáng suốt biết
chống lại mọi sự xâm nhập của bất cứ phần tử ngoại lai nào.

Hiệu triệu của Đại đức Lâm
E.

Từ mấy tháng nay, sự tranh
chấp cho năm nguyện vọng của Phật giáo đồ kéo dài quá lâu làm cho có người len
lỏi và lợi dụng thời cơ để biến thành một cuộc đấu tranh có màu sắc chính trị.

Thật vậy, sau trường hợp
đáng tiếc xảy ra ở Huế nhân ngày Phật đản 8/5/63, Chính phủ đã hết sức cố gắng
dàn xếp mọi việc trong ý chí hòa giải. Nhờ thế bản “thông cáo chung” đã được kí
kết vào ngày 16/6/63 làm toàn thể Phật giáo đồ toàn quốc vui mừng là đã chấm dứt
được sự ngộ nhận của đôi bên. Nhưng trong Ủy ban liên phái, một số người
quá khích đã cố tình gieo rắc căm thù, đào hố sâu chia rẽ giữa Phật tử và
chính quyền làm cho tình trạng trở lại trầm trọng hơn trước đến nỗi Chính phủ
phải ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Kính thưa toàn thể Phật tử.

Sau những điều trình bày
trên đây, toàn thể quý vị Phật tử đều thấy rõ là cuộc vận động của Phật giáo
không còn nguyên vẹn ý nghĩa tôn giáo nữa.

Là Phật tử, chúng ta không
thể nhắm mắt để cho những người chuyên lợi dụng, lấy đó làm đà để đấu tranh cho
tham vọng cá nhân.

Nhân danh Đại đức Tăng trưởng
và Chủ tịch Trung ương giáo phái Therevada tại Việt Nam, chúng tôi tuyên bố tự
rút khỏi Ủy ban liên phái và chúng tôi thành khẩn kêu gọi toàn thể Phật tử Việt Nam
nói chung và các vị Đại đức tăng cùng các Phật tử giáo phái Therevada nói
riêng, hãy bình tĩnh, sáng suốt tin tưởng vào sự tự do của chính quyền.

Hãy đề phòng, hãy cảnh giác
đừng để cho những người lợi dụng đưa Phật giáo chúng ta vào con đường phiêu lưu
vô định có lợi cho cộng sản.

Chúng ta cần phải thành tâm
góp sức thực thi bản “thông cáo chung” để sớm chấm dứt tình trạng hiện tại.

Chúng tôi đặt cả niềm tin
nơi sự sáng suốt của toàn thể Phật tử và thành tâm tin tưởng nơi sự anh minh của
Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Nhu ghi vào góc bản
hiệu triệu của Lâm E lời phê bằng mực đỏ: “Gửi ông Lê Trọng Hiếu. Liệu Lâm E có
thể tổ chức một cuộc tổng biểu tình gồm vài chục vạn người diễu hành trên đường
phố để báo chí và đài truyền hình nước ngoài tường thuật, quay phim không? Tốn
bao nhiêu, bảo Cao Xuân Vỹ.”

Ngô Trọng Hiếu gặp ngay Cao
Xuân Vỹ. Cuộc mặc cả bắt đầu.

- Tôi có thể huy động hai
chục nghìn người…

- Tốt lắm. Nhưng phải hai
chục nghìn tín đồ Phật giáo, và ít ra cũng vài nghìn nhà sư cả phái Therevada
và các phái khác - Vỹ bảo.

- Cần tới vài nghìn nhà sư
sao? - Hiếu lo lắng.

- Chứ sao! Vài nghìn là ít…

- Hơi khó… Áo vàng thì dễ,
áo dài không may kịp… còn cạo tóc nữa!

- Chẳng lẽ ông tổ chức một
cuộc biểu tình của dân thường? Đó là việc của tôi. Tôi có thể trong ngày tập hợp
bốn năm chục nghìn thanh niên Cộng hoà. Song, ông cố vấn muốn cuộc tổng biểu
tình giới Phật giáo kia!

- Ông chi chừng bao nhiêu
tiền?

- Tùy
ông… Mỗi “tín đồ” hai trăm đồng được không?

- Ít quá, ba trăm…

- Ừ, ba trăm. Còn mỗi nhà
sư?

- Sư của Lâm E và mấy ông
thầy cúng thì giá hơi cao, hai nghìn đồng một người, riêng Lâm E và các tay
trùm phải tính bạc vạn…

- Cũng được.!

- Bạc Việt hay đôla?

- Sao lại đôla?

- Lâm E và các tay trùm đòi
đôla…