Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 13

P8 - Chương 13

Khi quân của tướng Lâm vào Dinh
Gia Long – “vào” chứ không phải “chiếm” kinh qua đánh nhau dữ dội – đài phát
thanh đưa tin về cái chết của Diệm – Nhu. Luân không nghe tin ấy, chính tướng
Lâm phấn khởi báo cho anh bằng điện thoại. Luân, giọng khản đặc, nói đứt quãng:

- Sao? Chết rồi? Vô lí!

- Anh tới Dinh Gia Long
ngay, ta còn vô số chuyện phải trao đổi, hai thằng “cù lần” có sống hay chết ăn
thua gì... - Tướng Lâm bực dọc bảo Luân.

Luân buông người rơi phịch
xuống ghế.

- Chết cả rồi! – Luân trả lời
Dung, vừa từ bếp lên, lạ lùng về thái độ của chồng.

Dung cũng sững sờ.

- Sao lại chết? – Cô hỏi và
Luân chỉ lắc đầu.

Luân thừa sức đoán cái kết
thúc của kịch bản nhưng anh hoàn toàn không thể nghĩ đến cái kết thúc như vậy.
Tâm trạng Luân rất phức tạp. Anh lọt sâu leo cao trong chế độ, chính anh cực kì
nồng nhiệt muốn chấm dứt vai trò của Ngô Đình Diệm, cho nên bắt buộc phải dùng
tất cả suy tính, mưu mẹo, ngay từng chi tiết, suốt ngần ấy năm tháng để lọt được
sâu, leo được cao. Về mặt cá nhân, anh với Ngô Đình Nhu không vướng mắc bất cứ
điều gì đòi hỏi phải thanh toán đẫm máu, dù rằng, nếu cần, anh vẫn có thể tự
tay kết thúc họ dưới hình thức nào đó vì lợi ích của đất nước. Nhưng, cái chết
của hai người mà anh vừa được thông báo chứa đựng một tính cách đặc biệt. Mỹ thủ
tiêu không một chút thương xót thương tay sai của mình – không phải lần đầu.
Trong trường hợp Diệm – Nhu, việc đó được tiến hành không phải vì sự cứng đầu cứng
cổ của tay sai mà vì Mỹ hi vọng giành ưu thắng đối với cách mạng. Nói cách
khác, theo Luân, người có quyền trừng phạt Diệm, Nhu là cách mạng, là người dân
miền Nam bị họ gây không biết bao nhiêu đau khổ mà cái đau khổ hàng
đầu là đất nước chia cắt lâu dài và đặt dưới ách đô hộ Mỹ. Mỹ lợi dụng phong
trào cách mạng lợi dụng lòng phẫn nộ của dân chúng, đặc biệt lợi dụng thái độ
của tín đồ đạo Phật để xử lí tôi tớ theo hướng bảo tồn mức cao nhất vị trí của
Mỹ tại Nam Việt.

Diệm, Nhu chết – anh chưa
biết họ chết bằng cách nào, song chắc chắn không phải “tự sát”; họ là tín đồ đạo
Thiên Chúa, đạo Thiên Chúa cấm tự sát; vả lại chưa hề có một triệu chứng báo
trước họ sẽ tự sát khi họ chia tay Luân, những người như Diệm – Nhu chắc chắn
không bao giờ chọn con đường tự sát, đó là chưa kể họ không dễ tự sát khi lọt
vào tay phe đảo chính – Luân xót xa... Luân xót xa bởi họ bị phản bội và kẻ phản
bội chủ mưu là Mỹ. Diệm – Nhu chết, khả năng đề kháng của phía chống đảo chính
mất ngọn cờ và sẽ quy hàng ngay thôi. Tình thế rối loạn khó kéo dài, thời cơ để
phong trào cách mạng giành thắng lợi quyết định ngắn ngủi quá...

Dung lặng lẽ theo dõi chồng.
Hai người không nói gì nhau, nhưng Dung đọc được hết ý nghĩ trong đầu chồng,
qua vầng trán cao xếp nhiều nếp nhăn và hình như vừa thêm vài nếp nhăn mới.

Cô đến cạnh Luân, tôn trọng
phút trầm tư như cô từng tôn trọng. Luân thò tay vào túi... Dung biết anh tìm
thuốc lá. Gần đây, Dung hạn chế Luân hút. Bây giờ, chính Dung đến ngăn kéo, lấy
thuốc và châm lửa. Những làn khói mỏng bay...

- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ! - Dung thỏ thẻ. Cô nghĩ đến đám con của Nhu đang ở Đà Lạt.

- Anh đi gặp tướng Lâm! –
Luân bật dậy, Dung biết Luân đã hình dung một kế hoạch hành động rồi.

- Anh nên mặc thường phục.
– Dung toan mang quần áo cho Luân thay; từ hôm qua, Luân vẫn mặc bộ quân phục.

- Không, anh mặc quân phục!
Em yên tâm.

Luân lên xe. Nhưng một hạ
sĩ quân cảnh Mỹ đã chận xe Luân, lễ phép chào:

- Tôi được lệnh cùng đi với
đại tá mỗi khi đại tá ra khỏi nhà...

Lưỡng lự mấy giây, Luân gật
đầu. Người hạ sĩ quân cảnh ngồi lên xe, ở băng ghế trước, xốc khẩu Colt12 mà
Luân thấy bao súng đã mở và chốt an toàn cũng đã mở.

Nhiều đám đông hò reo trên
đường phố. Dân chúng có lí do vui mừng chính đáng; điều luôn luôn âm ỉ trong
Luân là nguyện vọng tự do của số đông đang như một món hàng, cả Mỹ lẫn bọn đầu
cơ bán rao và chẳng bao lâu nữa, mọi người sẽ hiểu được cái giá rẻ mạt, dù để
có niềm hoan hỉ hôm nay, hàng vạn người ngã xuống ở chiến khu, hàng
vạn người bị tù đày đến tàn phế, nhiều vị cao tăng đã lấy thân làm đuốc... Thêm
một nỗi xót xa nữa len vào chỗ thầm kín của Luân.

Tất nhiên Luân không thể biết
một diễn biến khác, bên ngoài.

Khi xe Luân ra khỏi cổng, rẽ
về đường Hồng Thập Tự thì trên một tầng lầu góc đường Phan Đình Phùng, Ly Kai
nói vào máy bộ đàm:

- Chú ý... Ra khỏi hang... Đúng
hướng...

Tiếng bộ đàm hỏi lại:

- Vẫn xe cũ?

- Vẫn xe cũ...

- Ôkê!

Ly Kai áp sát tai vào máy,
mắt nhìn đồng hồ. Chừng nửa phút nữa thôi... Nửa phút trôi qua...

- Sao? – Ly Kai hỏi, nôn nả.

- “Thúi” rồi!

- Sao “thúi?”

- Có một thằng Mẽo ngồi
cùng xe...

- Tỉu na má! – Ly Kai chửi
và tắt bộ đàm.

Đó là lúc xe Luân xuôi đường
Thống Nhất. Một tốp Thủy quân lục chiến đóng giữa hàng cây cao, theo một lệnh đặc
biệt của một thiếu úy – anh ta tên Tường – sẽ bắn vào chiếc xe đang chạy về hướng
Dinh Độc Lập. Khẩu M.72 – không phải một mà tới ba - sẵn sàng buông những quả đạn
chống tăng vào chiếc xe du lịch. Chiếc xe sẽ bốc cháy. Không ai trên xe sống
sót vì áp suất và độ nóng của loại vũ khí lợi hại này. Chiếc xe chỉ còn là một
khối kim loại đỏ rồi co lại như một thứ sáp...

Tường đưa tay lên. Ba xạ thủ
chờ gã buông tay xuống. Tầm bắn hiệu quả nhất hiện dần trên đường ngắm. Tường sắp
buông tay xuống.

- Khoan! – Một tiếng quát
nghiêm khắc.

Tiếng quát của Thiếu
tá Trương Tấn Phụng – Phụng được chỉ định làm chỉ huy phó Thủy quân lục chiến
trước đây ba hôm.

Tường vẫn buông tay xuống.
Song, ba xạ thủ không bấm cò. Chiếc xe chở Luân vút qua mặt chúng.

- Tại sao? – Tường đặt tay
lên báng súng ngắn, quắc mắt hỏi Phụng.

- Anh có đui không? – Phụng,
tay cũng đặt lên báng súng ngắn, hỏi lại, mặt cau có.

- Mày... Mày chết! – Tường
lắp bắp.

- Một quân cảnh Mỹ ngồi
trên xe... anh dám bắn? – Phụng cười khỉnh – Ai chết? Tôi chỉ huy tại đây, anh
định giết lính Mỹ? Anh chết ngay...

- Mày không đọc lệnh của
trung tướng?

- Tôi có đọc. Song, ngay
trung tướng Xuân cũng chết nếu một lính Mỹ bị quân đảo chính khử... Riêng anh,
liệu hồn!

Trán của Tường vã mồ hôi, rời
tay khỏi báng súng.

- Anh cút đi! Cút nhanh trước
khi tôi đổi ý.

Tường chạy vụt lại chiếc xe
và gọi bộ đàm cho Ly Kai. Còn Phụng, anh cũng lau mồ hôi trán. Khi xe của Luân
lọt vào ống dòm của anh, Phụng bối rối – chiếc xe quen thuộc, tuy anh không nhận
ra Luân. Nhưng, một tên lính Mỹ to sầm đang che cho một người. Hay quá!

... Luân vào Dinh Gia Long.
Tướng Lâm đón anh ngay cổng. Bấy giờ, gần chín giờ sáng. Anh rời Dinh Gia
Long vỏn vẹn mười
bốn tiếng đồng hồ. Tường dính lỗ chỗ một ít vết đạn. Nói
chung, ngoại cảnh vẫn y như cũ, mặc dù Sài Gòn qua một đêm đảo lộn.

- Sao anh lầm lì vậy? – Thiếu
tướng Lâm hỏi.

Luân không trả lời. Anh lên
bậc thềm, vào phòng khách. Một số sĩ quan, sau khi lục lọi các phòng riêng của
gia đình Diệm – Nhu, đang ngồi nốc rượu.

- Anh yên chí, chẳng có đứa
nào dám cướp giật, trừ vài chai rượu mà tôi cho phép – Lâm bảo Luân. Viên hạ sĩ
quân cảnh Mỹ, giống tượng xi măng đúc, đứng sau lưng
Luân. Sự xuất hiện của viên hạ sĩ Mỹ là biến cố lớn – Luân hiểu như vậy vì số
sĩ quan thuộc sư 5 vội vã rút chân đang gác lên bàn và ngồi lại tề chỉnh.

- Lê Khánh Nghĩa được lệnh
đem một tiểu đoàn ra Phú Lâm... - Thiếu tướng Lâm thông báo.

- Tình hình Huỳnh Văn Cao,
Nguyễn Khánh và Đỗ Cao Trí thế nào? – Luân hỏi.

- Chưa rõ. Nghe đâu tụi nó
định mang quân về, nhưng Diệm chết, không thấy rục rịch gì...

- Anh đã vào Bộ tổng tham
mưu chưa?

- Chưa... - Tướng Lâm trả lời,
pha chút lo lắng.

- Anh không còn nắm sư 5
bao lâu nữa, tôi tin chắc sắp có lệnh giao sư đoàn lại cho một tay khác.

- Tôi không giao!

Luân ngó Lâm:

- Chưa được đâu!

Lâm mím môi.

- Ta đi một vòng, xem xét
các phòng... - Luân bảo Lâm.

Hai người vào phòng Diệm rồi
qua phòng Nhu. Viên hạ sĩ quân cảnh theo họ bén gót.

- Anh nên mở tủ chứa hồ sơ
riêng của Nhu... Có thể có cái chúng ta cần. – Luân nói khẽ vào tai Lâm.

Luân trở lại phòng khách,
còn Lâm ngồi vào bàn viết của Nhu.

Điện thoại reo. Một sĩ quan
nghe rồi báo lại:

- Thưa tướng Jones Stepp hỏi
có đại tá Luân ở đây không?...

Luân nói chuyện với Jones.
Jones báo là sẽ đến Dinh Gia Long ngay.

Tốp sĩ quan tản ra ngoài. Độ
mười phút, Jones Stepp đến, James Casey tháp tùng.

- Chào mừng đại tá! – Jones
vồ vập bắt tay Luân. – Tôi đã cam đoan với Trung tá James Casey là
chính đại tá thanh toán Dinh Gia Long mà không phải đổ máu... Quả đúng vậy. Tôi
đã thắng cuộc...

James Casey làm bộ rầu rầu:

- Đại
tá đã cho tôi một vố đau điếng... Tôi thua thiếu tướng một thùng Whisky
Scotland...

Luân không thích lối đùa
dai này.

- Ta ngồi! – Anh mời hai
người Mỹ...

- Chúng ta nên trao đổi –
Luân bảo.

Jones ra hiệu cho viên hạ
sĩ quan quân cảnh cùng cả lô bảo vệ vừa theo Jones tới giạt xa tận góc phòng.

- Trao đổi cái gì nào? –
Jones hỏi – Đại tá muốn vén bức màn bí mật về cái chết của ông Diệm, ông Nhu?

- Tất nhiên, đó là một
trong những điều chúng ta cần trao đổi. Song, trước hết, tôi muốn tướng quân
minh xác: sự thể sẽ đi đến đâu? Chính biến hiện nay có phải nằm trong một tính
toán khít khao? – Luân cật vấn, giọng khô khốc.

- Hẳn cái chết của ông Diệm,
ông Nhu tác động mạnh vào tình cảm đại tá. Tôi hiểu. Và tôi chia sẻ...
- Jones trả lời theo lối thăm dò.

- Tôi không giấu. Tôi đau đớn
thật sự. Lẽ ra, còn có giải pháp khác với họ... Tuy nhiên, chúng ta thống nhất:
tạm thời chưa bàn việc đó. Tôi muốn nghe tướng quân ở tầm rộng hơn.

- Còn gì mà chúng ta không
hiểu nhau nhỉ? – Jones làm ra vẻ ngạc nhiên... Cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc
gia ngày 31-8 tôi đã thông báo riêng cho đại tá...

- Tôi nhớ, cuộc họp do ngoại
trưởng Rusk chủ tọa thay cho Tổng thống Kennedy...

- Đúng... Harriman,
Hillsman, Paul Kittenburg... đã dẫn giải các nguy cơ ngăn trở cố gắng quân sự của
chúng ta từ hàng loạt chính sách mất lòng dân của ông Diệm...

- Paul Kittenburg đã đưa ra
một ý kiến độc đáo: Mỹ nên rút khỏi Việt Nam ngay vì tình hình rất xấu. Ý kiến
độc đáo để bảo vệ một quan điểm độc đáo không kém: Xóa ông Diệm! Nhưng thưa tướng
quân, Bộ trưởng Mac Namara và tướng Taylor lại có cách nhìn ngược lại mà, theo
tôi hiểu, tướng quân cũng tán thành...

- Đúng! Bởi vì chính Ngoại
trưởng Dean Rusk đã kết thúc phiên họp với những lời sau đây: Mỹ sẽ không rút
ra khỏi Việt Nam trước khi cuộc chiến tranh giành được thắng lợi và Mỹ sẽ không
điều khiển một cuộc đảo chính. Phó Tổng thống Johnson cũng tán đồng kết luận ấy...

- Nhưng...

- Đại tá hãy nghe tôi... Đại
sứ Lodge và tướng Harkins nhận được chỉ thị phải thiết lập quan hệ “tốt” với
ông Diệm và nói cho ông ấy hiểu: Bằng mọi cách, phải tiến hành cuộc chiến tranh
đến thắng lợi, đó là yêu cầu chính của hai phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa...

- Xin phép tướng quân... Kết
luận của ông Rusk được hiểu hết sức khác nhau giữa các cố vấn chóp bu của Tổng
thống. Tại đây, tại Sài Gòn, giữa đại sứ Lodge và tướng Harkins cũng đứng trên
chỗ riêng để nhận kết luận ấy.

Jones Stepp nhún vai. James
Casey đỡ lời:

- Mối quan hệ “tốt” mà
chúng ta mong không đạt được, lỗi không thuộc về người Mỹ...

- Tôi muốn nhắc hai vị câu
tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Kennedy ngày 12-9: Cái gì giúp cho việc giành
thắng lợi trong chiến tranh thì người Mỹ ủng hộ, cái gì ngăn trở cố gắng chiến
tranh thì người Mỹ phản đối... Từ nguyên lí đó, Tổng thống đã nghĩ đến một thay
đổi. Tôi hiểu, sự trì hoãn thay đổi là do tướng Harkins và cả tướng quân – nếu
tôi không lầm, cả Trung tá James Casey...

- Đại tá nắm tin tức không
đến nỗi hời hợt lắm! – Jones cười hóm hỉnh.

- Tôi nắm tin tức vừa đủ để
tìm hiểu chính sách của Mỹ - Luân trả lời tỉnh bơ – Tôi biết ông Lodge nhiều lần
can không cho Ngũ Giác Đài tỏ thái độ lạnh nhạt với các tướng Nam Việt không
thích ông Diệm...

- Ồ! Đó chính là tin tôi
báo cho đại tá... - Jones kêu lên, vỗ vai Luân – Đại sứ Lodge đã nói với Nhà Trắng:
Từ Washington xa vời, không thể nào kiểm soát nổi tình hình tế nhị ở Sài Gòn...
Tôi nghĩ khác: đại sứ Lodge lần đầu tiên nhận nhiệm vụ quan trọng ở châu Á.

- Nhưng, ông Lodge không phải
hoàn toàn vô lí: Từ Washington đến Sài Gòn, cần những sáu mươi hai giờ bay... - Luân cười mỉm.

- Tôi chưa đồng ý với đại
tá...

- Cũng như Krulask và
Mendenhall không đồng ý với nhau. – Jones Stepp đưa tay lên trời – Tổng thống
Kennedy từng hỏi hai phái viên của mình: Hai Ngài có phải đều cùng chung một đất
nước không?

- Theo lịch, ông Lodge dự định
trở về Mỹ ngày 31-10. Và, thưa tướng quân, hôm nay, đại sứ vẫn có mặt ở Sài
Gòn! – Luân nói nửa đùa nửa thật.

- Cũng như Đại tá Conein có
mặt trong Bộ tổng tham mưu Nam Việt từ sáng ngày 31-10! – James Casey bổ sung
thêm...

- Và tất cả những cái đó
không phải là việc của chúng ta – Jones Stepp tỏ ý cuộc tranh cãi như vậy là
quá đủ - Việc của chúng ta, những quân nhân, là chiến thắng trong cuộc chiến
tranh. Tôi đến đây gặp đại tá không phải để chúng ta rơi vào cái bãi lầy của
ông Lodge. Ông ấy sẽ tự tìm cách rút chân – tôi nói vấn đề chính trị, trong đó,
có trường hợp ông Diệm, ông Nhu chết, bất kể chết vì lí do gì. Việc của chúng
ta – mà tướng Harkins trực tiếp chỉ thị cho tôi – là trao đổi ngay với các chỉ
huy Việt Nam về những khả năng hành động lập tức đảm bảo tình hình ngoài mặt trận
không xấu hơn. Hãy mặc kệ các viên tướng đích thích chính trị cãi vã với nhau,
còn các viên tướng đích thực là quân nhân thì nên quay mặt nình đối phương... Với
đại tá, tôi có một lời khuyên chắc không vô ích: Đừng quá xót xa về cái chết của
hai người mà đại tá quan hệ với họ sâu và lâu...

- Tôi là con nuôi của Giám
mục Ngô Đình Thục... - Luân thở dài.

- Tôi hiểu. Thậm chí, tôi
tôn trọng tình cảm của đại tá. Nhưng, dù sao, đại tá cũng phải xếp trong đội
hình mới...

- Với tôi, đó là điều khó
khăn...

- Đại tá không thể từ chối
khó khăn và chắc không có ý định từ chối... Tôi và Trung
tá James Casey đến Dinh Gia Long gặp đại tá. Đại tá có hai tư cách cần chọn lựa:
hoặc là người phòng thủ cuối cùng Dinh Gia Long để ông Diệm, ông Nhu thoát ra
ngoài, hoặc là người tiến công Dinh Gia Long. Tư cách thứ nhất: đại tá là tù
binh và sẽ ra trước tòa án của các tướng đảo chính...

- Tôi bổ sung: Tôi là trợ lí
về an ninh và quốc phòng của chủ tịch Hội đồng cứu quốc Ngô Đình Nhu... - Luân
cười lạt.

- Tôi hiểu khá đủ. Tôi có
băng ghi âm của ông Nhu. Nhưng, đại tá còn tư cách thứ hai. Và, tôi mong đại tá
đừng từ chối tư cách rất có lợi ấy... Ngày mai, có thể ngày kia, tướng Harkins
sẽ chủ tọa một cuộc họp quân sự chung. Trong danh sách, chúng tôi đã ghi tên đại
tá...

Jones và James chào Luân ra
về.

Thiếu tướng Lâm – có lẽ
nghe được một phần câu chuyện – từ phòng làm việc của Nhu bước ra.

- Tôi dồn mọi thứ vào vali...
Anh sẽ mang đi?

- Không tiện. Nhờ anh cho
chuyển ngay đến nhà tôi giúp tôi...

- Tụi nó tưởng tôi lấy hột
xoàn, đôla!

- Nếu như vậy, cũng không
sao...

Lâm nhún vai:

- Ừ, chẳng lẽ tôi vào đây
mà ra tay không!

- Tụi Mỹ vừa nói gì với
anh? – Lâm hỏi tiếp.

- Thăm dò... Họ chưa biết
phải làm gì.

Viên hạ sĩ đã sát gần. Luân
ra hiệu bằng mắt cho Lâm: “Có Chúa mới rõ thằng hạ sĩ này nói thạo tiếng Việt đến
cỡ nào.”

- Tôi về nhà... - Luân bảo
Lâm... - Để đi viếng thi thể ông Diệm, ông Nhu.

Vừa lúc đó, đài phát thanh
loan báo tin Đại tá Nguyễn Chánh Thi từ Nam Vang, Bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Băng Cốc vừa
đáp máy bay về đến Tân Sơn Nhất, điện ủng hộ Hội đồng Quân
nhân Cách mạng của tướng Đỗ Trí Cao, tư lệnh vùng I, cáo phó về cái chết của Thiếu
tá Bùi Nguyên Ngải. Luân chưa ra khỏi Dinh Gia Long, đài đọc một thông báo: Hội
đồng Quân nhân Cách mạng ra lệnh trong vòng sáu tiếng đồng hồ là thời gian
tối đa, Đại tá Nguyễn Thành Luân phải trình diện ở Bộ tổng tham mưu. Thông báo được
đọc hai lần.

- Có cần bảo vệ anh không?
– Lâm hỏi, sau một câu văng tục.

- Khỏi... cám ơn anh...

Luân bước xuống thềm. Số sĩ
quan vừa nghe thông báo, ngó anh. Luân cười rất tươi, vẫy họ. Viên quân cảnh Mỹ
lầm lì bám sát Luân. Một sĩ quan nào đó nói đổng.

- Kì thấy mẹ! Mấy cha nội
tính đảo chính liền tù tì hay sao cà?

*

Vợ chồng Trần Trung Dung đứng
đơn xin chôn cất Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Hai kim tĩnh đã xây xong.

Cái chết của hai người gieo
ít nhiều dao động trong Hội đồng Quân nhân Cách
mạng. Dù hai người chỉ còn là hai thi thể, một cái gì day dứt không thể dập tắt
từ chỗ sâu kín của một số tướng lĩnh. Không ai công khai nhận mình đã ra lệnh
thủ tiêu anh em Diệm – Nhu và nhiều cách giải thích quá quắt nên các sĩ quan cấp
thấp không tự kìm chế nổi, đã hành động như một phản ứng tất nhiên. Day dứt vì
ân sủng bao năm của Diệm đó là một phần. Day dứt cho số phận chính mình vào một
buổi xấu trời nào đó phần này quan trọng hơn. Và, bao trùm tất cả, lo lắng về sự
trả thù dưới nhiều dạng của những người từng trung thành với cố Tổng thống –
chưa ai quên ngót triệu dân di cư và một khối lượng đáng kể ủng hộ Diệm trước
đây.

Diệm – Nhu còn sống, người
ta hình dung việc xóa bỏ họ vừa bức thiết vừa đơn giản. Khi tin hai
người chết về đến Bộ tổng tham mưu, các sĩ quan đảo chính không phải hồ hởi, mừng
rơn, trái lại, mang tâm trạng nặng nề. Vài thành viên của Hội đồng hỏi riêng tướng
Andre: Mỹ có cho phép không? Andre không biết. Tướng Đính cũng lắc đầu trước
câu hỏi tương tự. Conein phải thuyết trình dài dòng với tướng Harkins, không có
mặt ở Bộ tổng tham mưu.

Hàng
loạt nhà thờ theo đạo Thiên Chúa, bất chấp lệnh giới nghiêm, tổ chức lễ cầu hồn
cho hai con chiên “bị bức hại” như một số linh mục tuyên bố công khai.

Tín đồ đạo Thiên Chúa bao
vây Bộ tổng tham mưu đòi xác anh em Diệm, Nhu không phải không thể xảy ra. Đã
có nhiều cú điện thoại nặc danh đe dọa chủ tịch Hội đồng Quân
nhân, đại úy Nhung, tướng Xuân - nhất là tướng Xuân.

Cuối cùng rồi thi thể của
anh em Diệm – Nhu cũng được tẩm liệm. Nhưng, vào giờ chót, vợ chồng Trần Trung
Dung được lệnh của Đỗ Mậu không cho phép an táng ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Lí
do: ngại dân chúng quật mả Diệm – Nhu. Chắc sự giải thích kia không hoàn hoang
tưởng song chưa phải là lí do chính. Lí do chính – Cabot Lodge đã chỉ thị cho Đỗ
Mậu qua Conein – là nếu đưa quan tài Diệm – Nhu ra khỏi bộ tổng tham mưu sẽ dễ
dàng dẫn đến một cuộc xô xát giữa tín đồ đạo Thiên Chúa và đạo Phật; cái hình ảnh
“nội chiến tôn giáo” lởn vởn trong đầu của Lodge. Hơn thế nữa, Lodge không
thích chuyện thanh toán đẫm máu này phơi bày lộ liễu trước mắt thiên hạ.

Không an táng ở nghĩa trang
Mạc Đĩnh Chi mà cứ quàn ở Tổng tham mưu thì thật bất tiện. Không ai bảo ai, các
thành viên của Hội đồng mỗi khi qua lại nơi đặt quan tài đều có chung cảm giác
thiếu thoải mái. Hai cỗ áo quan đôi khi len cả vào phòng họp – một ý tứ đang
tuôn ào ào của một vị tướng bỗng ngắc ngứ...

- Chúng ta là những người
cách mạng!

Đỗ Mậu, Ủy viên chính trị Hội
đồng gào thét. Đáp lại, các gương mặt lạnh lùng của các tướng khác, đôi người
không giấu vẻ hổ thẹn.

- Phải chi mình làm cách mạng
thiệt!

Một tướng lầu bầu mà mọi
người đều nghe.

Tân Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ khi vào gặp Hội đồng, gần như chạy thật nhanh khỏi cái góc
nhỏ đặt hai cỗ áo quan. Mọi người đều thấy cử chỉ như sợ hãi, như thú tội ấy...

Thế là Đỗ Mậu đưa ra một
sáng kiến: Tạm chôn Diệm – Nhu trong mảnh đất cạnh Bộ tổng tham mưu. Sáng kiến
lập tức được tán thành.

*

Buổi tối hôm chôn hai cỗ áo
quan xuống huyệt, hai nấm đất vừa phủ xong thì một chiếc xe đỗ bên cạnh.

Ánh đèn đủ sáng theo dõi bước
đi của hai người từ trên xe bước xuống: Đại tá Nguyễn Thành Luân và
Thạch. Họ mang một vòng hoa. Hẳn đây là vòng hoa đầu tiên và duy nhất mang đến
vĩnh biệt Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Vòng hoa không lớn nhưng rất tươi.

Lính gác báo động. Tiếng điện
thoại trong Bộ tổng tham mưu reo.

Luân nhờ Thạch giúp, đặt
vòng hoa trước hai nấm mộ. Anh đứng thẳng người, chào theo đúng quân phong, rồi
giỏ mũ, làm dấu thánh và sau đó cúi đầu im lặng.

Một ánh lóe. Nhà báo Mỹ
Fanfani ghi hình ảnh này.

Một người thứ hai xuất hiện.
Anh ta quát Fanfani:

- Ai cho phép bà chụp ảnh?

- Ai cho phép ông cấm tôi
chụp ảnh? – Fanfani bĩu môi, hỏi vặn.

Đó là Tường, bây giờ đeo
thêm một hoa mai trắng, không tranh cãi với cô nhà báo Mỹ mà thét vào mặt Luân:

- Anh không trình diện theo
lệnh của Hội đồng Quân nhân, dám lén lút đến đặt vòng hoa... Tôi bắt
anh!

Tường tiến đến Luân. Luân vẫn
đứng yên.

- Đ.M, mày làm phách hả?

Tường nghiến răng và thẳng
cánh tát Luân.

Một tiếng nổ thật gọn. Thạch
bắn Tường. Tường ôm ngực lảo đảo, rồi ngã vật, Luân, Thạch và luôn Fanfani nghe
tiếng culát tiểu liên của toán lính kéo lên rờn rợn. Sẽ có mấy băng đạn ghim
vào hai người.

Luân bình tĩnh đánh bay khẩu
súng ngắn trên tay Thạch, khom người lấy chiếc còng mà Tường cầm vừa rơi xuống
đất.

- Không được bắn! – Fanfani
lấy thân che Luân.

Luân tự còng mình và còng
Thạch, gọi một sĩ quan gần đấy:

- Mang chúng tôi đến nơi
nào các anh muốn!

Giọng Luân đĩnh đạc.

- Cảm ơn cô Helen. Song đây
là việc của chúng tôi!

Luân lách khỏi Fanfani, tiến
về phía các họng súng...