Ván bài lật ngửa - Phần IX - Chương 10

P9 - Chương 10

Sáng ngày 2-2, Nguyễn Khánh
làm một cú “chiến tranh tâm lí” khá lả lướt; cùng Tướng
Dương Văn Minh đến dâng hương chùa Xá Lợi. Thực sự đây không phải là sáng kiến
của Nguyễn Khánh mà y ta chỉ chấp hành lệnh của Mỹ, cần tung ra hỏa mù về sự cố
ngày 30-1; rõ ràng chỉ là một cuộc “chỉnh lí” hoàn toàn nội bộ, không hề va chạm
đến nội dung lật đổ triều đại Ngô Đình Diệm, không hề là dấu hiệu “Cần
lao ngóc đầu dậy,” không hề có rạn nứt trong hàng tướng lĩnh. Phong trào Phật
giáo đã tạo điều kiện lật đổ Ngô Đình Diệm, phong trào đó đang “làm chủ” dư luận,
hàng đêm, hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn đến các chùa nghe nhà sư thuyết pháp
– đúng ra, nói chính trị, đủ loại chính trị; sách của Thích Nhất Hạnh bán chạy,
tài hùng biện của Thích Hộ Giác thu hút... Những cái đó không thể coi thường. Mặc
dù Tổng thống Johnson gửi thư cho Nguyễn Khánh cam kết ủng hộ bộ sậu mới, sự ủng
hộ đó không phải vô điều kiện. Chẳng hạn, một đợt tấn công của Phật tử hoặc
sinh viên vào Nguyễn Khánh thì Washington dễ dàng rút lời cam kết như họ từng
làm. Không ít sĩ quan cấp tướng, chính khách rất ranh ngoi lên và sẵn sàng quật
Khánh. Trong trường hợp này, tốt nhất là dựa hơi tướng Minh.

Ngày 3-2, Nguyễn Khánh tiếp
xúc với các giới, sửa soạn thành lập Chính phủ mới. Ngày hôm sau, anh ta bị một
cú đánh phủ đầu mà không có triệu chứng báo trước: mấy nghìn sinh viên, học
sinh biểu tình qua các đại lộ và công sở chính, mang các khẩu hiệu thách đố bí
hiểm:

Phải đại đoàn kết quốc gia!

Phải thực thi dân chủ!

Đả đảo chế độ độc tài cá
nhân ngụy trang!

Đả đảo bọn lật lọng!

Không có khẩu hiệu nào, kể
cả hô bằng miệng: kết án đích danh Nguyễn Khánh, nhưng ai cũng biết cuộc biểu
tình rầm rộ hàm chứa cái gì. Nhất là, đồng thời, các giám mục đạo Thiên Chúa
cũng ra lời kêu gọi đoàn kết quốc gia. Và cũng khá đặc biệt, cách đây mấy hôm,
cũng học sinh, sinh viên biểu tình chống thuyết trung lập - khẩu hiệu đó bỗng
nhiên biến mất.

*

Báo cáo của Tổng nha cảnh
sát.

Tuyệt mật.

Nơi nhận: Trung tướng Nguyễn
Khánh.

Cuộc biểu tình coi như ôn
hòa của ba nghìn học sinh, sinh viên bắt đầu từ trụ sở 4 Duy Tân, kéo qua nhà
thờ Đức Bà, thẳng đến Dinh Độc Lập, theo đường Công Lý,
ra đường Lê Thánh Tông trước tòa Đô chính, theo đường Lê Lợi, quanh lại
trụ sở Quốc hội, theo đường Tự Do trở về đường Thống Nhất, qua tòa Đại sứ Mỹ và
giải tán ở số 4 Duy Tân.

Chưa thể xác định ai đứng
ra tổ chức cuộc biểu tình này, mà số tham gia gồm sinh viên trường Luật, Khoa học,
Trung tâm Kĩ thuật Phú Thọ, Vạn Hạnh, học sinh trường Phan Sào Nam, Cao Thắng, Huỳnh
Khương Ninh. Có người của Phật giáo, có người ở Thiên Chúa giáo, có người của
phe phái Đại Việt, cũng có thể có các phần tử thân Cộng trà trộn vào... Đang thẩm
tra và phúc trình sau. Điều đáng chú ý mà số người mà Tổng Nha giữ liên hệ
trong Tổng hội sinh viên, Hội đồng chỉ đạo trong từng phân khoa loại hoàn toàn
không hay biết gì về cuộc biểu tình này.

*

Tin các báo:

Ngày 5-2, Bác
sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, lãnh tụ Đảng Đại Việt, sau nhiều năm sống lưu vong ở Pháp
và Mỹ, về nước trên chuyến máy bay thường lệ của hãng hàng không Pan America.
Ra sân bay đón bác sĩ có thiếu tướng Đỗ Mậu, ông Hà Thúc Ký, ông Nguyễn Ngọc
Huy cùng nhiều người khác. Được hỏi về hoạt động của ông trong những ngày sắp tới,
Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn cho biết ông sẽ bàn với các chiến hữu quốc nội để hoạch
định một chiến thuật thích hợp trong điều kiện hiện nay, nhất là thành lập Mặt
trận Quốc gia Cấp tiến, mà theo ông là hết sức cần thiết. “Chế độ ông Diệm tuy mang nhiều
nhược điểm, song nó dựa trên chủ thuyết Cần lao nhân vị, trong khi nhóm tướng
lãnh lật đổ ông Diệm không tạo ra được một chủ thuyết nào. Lỗ hổng đó cần được
lấp. Tôi kì vọng Mặt trận Quốc gia Cấp tiến sẽ trình trước quốc
dân con đường cứu nước hữu hiệu” – ông Hoàn tuyên bố như vậy, sau đó cùng phu
nhân lên xe về một ngôi nhà đã được sửa soạn để đón ông.

Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn tốt
nghiệp ở Hà Nội và từng chống lại Việt Minh. Ông không được chế độ họ Ngô trọng
dụng, phải sang Pháp mở hiệu bán cơm lấy tên là Sông Hương ở Paris. Những năm
sau này, khi Việt Cộng hoạt động mạnh tại Nam Việt và chế độ ông Diệm mất lòng
dân, ông Hoàn được một số chính khách Mỹ mời sang Mỹ.

*

TỪ QUÁ ĐỘ ĐẾN QUÁ ĐỘ

(Helen
Fanfani, Financial Affair)

Sài Gòn, tháng hai.

Tướng tư lệnh vùng II –
vùng cao nguyên và bờ biển Nam Trung Việt, chỉ huy một cú sân khấu giật gân mà
ông gọi là “chỉnh lí nội bộ” cốt tránh một danh từ khác lịch sự hơn song cũng
đáng sợ hơn: đảo chính. Theo cung cách phương Đông, thường thể hiện trong các
tiểu thuyết đánh kiếm, khi một phái nào đó phát sinh lộn xộn thì bậc tôn trưởng
đứng ra chỉnh đốn, lập lại trật tự, bảo đảm kỉ luật. Tướng Nguyễn Khánh còn rất
xa mới được giới quân sự đánh giá như một bậc tôn trưởng – ông không có tài,
ông không đủ sức, tuổi ông chưa cao, về cấp bậc ông vừa từ đại tá thăng nhanh
lên trung tướng. Về chính trị, ông và một số tướng khác như Đỗ Cao Trí, Huỳnh
Văn Cao thường bị xem như tay chân của ông Diệm; trong biến cố 1-11, người ta
ngại ông kéo quân về Sài Gòn để giải vây cho ông Diệm. Thế mà ông lật đổ dễ
dàng cả nhóm của tướng Big Minh, không cần nổ súng. Lí do “chỉnh lí” hơi khó hiểu.
Thoạt đầu, ông kết án Hội đồng Quân nhân “phản lại cuộc cách mạng 1-11-1963, ngả
nghiêng, chịu ảnh hưởng thuyết trung lập và thân Pháp.” Có vẻ lập luận ấy không
đủ sức gây ấn tượng nghiêm chỉnh bởi vì chính ông cũng xuất thân từ trường võ bị
do Pháp đào tạo trên Đà Lạt, một thời gian ngắn ngủi đã đi theo Việt Minh rồi
quay về trong vòng tay người Pháp. Một lập luận khác thay thế: các tướng trong
Hội đồng Quân nhân quá già. Lập luận này vẫn là đề tài cho dư luận cười cợt, tuổi tác
của họ chưa thể coi là già.

Nhưng, tất cả đều nhằm che
đậy điều thực tình ai cũng rõ; giới ngoại giao Sài Gòn và người dân Nam Việt
bình thường. Êkíp Big Minh không đáp ứng đủ đòi hỏi của chính sách Mỹ - chính
sách dồn lực lượng quân đội để đánh bại Việt Cộng thật nhanh. Sau khi ông Diệm
đổ, quốc sách Ấp chiến lược mà ông Nhu hao bao nhiêu tâm trí thực hiện theo gợi
ý của kinh nghiệm Anh ở Malay, quốc sách ấy sụp đổ. Việt Cộng không làm được gì
sớm hơn giữa lúc Sài Gòn rối loạn nhưng họ đã khai thác tối đa cơn dao động của
binh lính và viên chức chính quyền cấp xã ấp, đồng loạt phá vỡ hệ thống Ấp chiến
lược, biến nông thôn thành dinh lũy đề kháng dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải
phóng, dựng lên chính quyền Việt Cộng kiểm soát khá rộng lãnh thổ Nam Việt. Các
thước phim quay từ máy bay cho thấy Việt Cộng thậm chí làm chủ hàng loạt thị trấn
sầm uất. Hiển nhiên, Việt Cộng đã có nhiều súng hơn, nhiều binh đoàn hơn so với
ba năm trước.

Êkíp Big Minh lúng túng. Nếu
dàn mỏng lực lượng thì dễ làm mồi cho Việt Cộng. Nếu tập trung cho các chiến dịch
lớn thì không sao cùng lúc tiến công rộng được.

Người Mỹ sốt ruột. Thời
gian kéo dài sẽ ủng hộ đối phương. Phải tính đến khả năng xấu nhất, tức đổ quân
Mỹ vào Nam Việt. Đó là phương án Johnson. Tuy nhiên, hậu cứ của Mỹ và Nam Việt
chưa bảo đảm cho cuộc viễn chinh bằng thực binh Mỹ. Người ta không tin rằng
êkíp Big Minh thích hợp với một tình huống như vậy.

Ông Diệm khá cứng đầu. Những
người thay thế ông ngoan ngoãn hơn nhưng chưa đủ ngoan ngoãn như Mỹ cần. Tướng
Nguyễn Khánh xuất hiện và lãnh vai trò phá bĩnh. Đại sứ Cabot Lodge hiểu đâu là
biên độ không vượt quá. Cho nên, tướng Big Minh lại được cử làm Quốc trưởng và Tướng
Nguyễn Khánh xuống giá một chút: ông làm Thủ tướng.

Màn kịch vừa bắt đầu, Quốc
trưởng và Thủ tướng khó mà nhìn mặt nhau dù họ cùng đến ngôi chùa nổi tiếng sào
huyệt của các nhà sư. Tướng Nguyễn Khánh đi sau và người ta mường tượng ông gí
súng vào lưng tướng Minh buộc Quốc trưởng phục tùng mình. Liệu tướng Big Minh
chịu phục tùng không?

Dù thế nào, êkíp cũ của tướng
Big Minh, trong tay nhào nặn của ông Cabot Lodge, chỉ là chiếc cầu quá độ. Bây
giờ, êkíp mới, kể các tướng Nguyễn Khánh chắc chắn cũng là chiếc cầu nửa vời chờ
một chiếc cầu khác kiên cố hơn, đủ sức chịu trên lưng một trọng tải những trăm
ngàn binh sĩ Mỹ... Từ quá độ đến quá độ, tới hôm nay chưa thể nói rằng đã có thể
đặt dấu chấm dứt khoát cho “những người bạn Mỹ” ở Sài Gòn.

*

Thông cáo của văn phòng Quốc
trưởng:

Sau khi thăm dò ý kiến các
nhân sĩ, Trung tướng Nguyễn Khánh đã trình Quốc trưởng danh sách Chính phủ mới. Quốc
trưởng chấp thuận danh sách này và Chính phủ mới bắt đầu hoạt động từ ngày
8-2-1964 theo tinh thần Hiến ước lâm thời số 2.

Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn
Khánh.

Phó Thủ tướng đặc trách
bình định: Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn.

Phó Thủ tướng đặc trách
kinh tế và tài chính: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh.

Phó Thủ tướng đặc trách văn
hóa và xã hội: Thiếu tướng Đỗ Mậu.

Quốc vụ khanh: Bác sĩ Lê
Văn Hoạch.

Tổng trưởng Ngoại
giao: Bác sĩ Phan Huy Quát.

Tổng trưởng Nội
vụ: Hà Thúc Ký.

Tổng trưởng Công
chánh: Kĩ sư Hoàng Ngọc Oanh.

Tổng trưởng Quốc
gia Giáo dục: Luật sư Bùi Tường Huân.

Tổng trưởng Quốc
phòng: Trung tướng Trần Thiện Khiêm.

Tổng trưởng Cải
tiến Nông thôn: Nguyễn Công Hầu.

Tổng trưởng Y tế:
Bác sĩ Vương Quang Trường.

Tổng trưởng Lao
động: Đàm Sĩ Hiến.

Tổng trưởng Thông
tin: Phạm Thái.

Tổng trưởng Tài
chính: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh.

Tổng trưởng Kinh
tế: Tiến sĩ Âu Trường Thanh.

Tổng trưởng Tư
pháp: Luật sư Nguyễn Văn Mần

Tổng trưởng Xã hội:
Giáo sư Trần Quang Thuận.

Bộ trưởng phủ Thủ tướng:
Nghiêm Xuân Hồng.

Bình luận của báo chí:

Việt tấn xã điểm dư luận
các dư luận các báo Mỹ và Pháp về thành phần Chính phủ Nguyễn Khánh.

1) Một cuộc xoa dịu sau cú “chỉnh
lí.”

2) Tính chất “chính chủ
chuyên viên” có pha loãng nhưng nhân vật của Chính phủ cũ còn lại, ở các ngành
kinh tế - xã hội – văn hóa như Vương Quang Trường, Âu Trường Thanh, Trần Ngọc
Oanh và bổ sung thêm Nguyễn Xuân Oánh, Bùi Tường Huân, Nguyễn Văn Mậu.

3) Vẫn ba viên tướng có chân
trong Chính phủ, số lượng như Chính phủ trước, trong đó có hai tướng mới là
Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và tướng cũ là Đỗ Mậu.

4) Thành phần Đảng Đại Việt
và Quốc dân đảng tăng rõ rệt: Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Phan Huy Quát,
Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Thái, Đỗ Mậu. Có hai nhân sĩ tôn giáo: Lê Văn Hoạch (Cao Đài), Trần Quang Thuận (Phật giáo).

*

Luân được chính Nguyễn
Khánh thăm dò. Cuộc gặp gỡ chừng mười lăm phút, tại Bộ tổng
tham mưu.

- Tôi sắp trình trước Quốc
trưởng một Chính phủ mới thay Chính phủ ông Nguyễn Ngọc Thơ... Đại tá có thể nhận
một bộ nào trong Chính phủ của tôi không?

- Trước khi trả lời trung
tướng, tôi muốn biết chủ trương chung của Chính phủ.

- Đó là điều kiện của đại
tá?

- Thưa trung tướng, dẫu sao
tôi cũng không thể gật hoặc lắc đầu trước hảo ý của trung tướng nếu tôi chưa biết
dự định hành động theo phương hướng nào...

- Đây là Chính phủ cách mạng,
theo hiến ước đã công bố. Chính phủ phải chấp hành tinh thần cuộc chỉnh lí, tức
phải dành cho nỗ lực an ninh khắp lãnh thổ, chống Cộng và trung lập, hợp tác chặt
chẽ hơn với lực lượng người Mỹ tại chiến trường, và cũng hợp tác chặt chẽ hơn với
người Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao...

- Tôi chưa thấy điểm nào
khác so với Chính phủ trước...

- Tại sao lại phải khác?

- Nói thế thôi, tôi hiểu một
điểm khác rất lớn...

- Đại tá muốn nói gì?

- Một Chính phủ mở cửa...

- Cho người Mỹ?

Luân mỉm cười.

- Đại tá không thích?

- Vấn đề không phải là
thích hay không... Vấn đề là cần hay không.

- Là Phó tổng thanh tra
quân lực, đại tá hiểu quá rõ tình hình chiến trường hiện nay. Chúng ta cần sự
giúp đỡ của người Mỹ nhiều hơn nữa và trực tiếp hơn nữa...

- Thưa trung tướng, một số
người Mỹ vẫn đắn đo...

- Tôi hiểu. Người Mỹ sợ
dính líu quá sâu vào Việt Nam. Song, Tổng thống Johnson quyết tâm.

- Quyết tâm mạo hiểm?

- Đại tá chơi thân với tướng
Jones Stepp. Tôi cho là tướng Jones Stepp cũng bắt đầu có cái nhìn khác...

- Không ít các bạn Mỹ của
tôi lo lắng... Và, riêng trung tướng, Thủ tướng Chính phủ, đã sẵn sàng đứng trước
lịch sử về vai trò cùng người Mỹ rẽ bước ngoặt trong cục diện Nam Việt?

Khánh thoáng đăm chiêu:

- Trước lịch sử! Danh từ to
tát quá!

- Rồi trung tướng sẽ thấy...

- Ta trở lại việc chính của
buổi gặp hôm nay: Liệu đại tá có thể làm việc với Tướng
Trần Thiện Khiêm hay không?

- Tôi và tướng Khiêm chưa
bao giờ có gì không bằng lòng nhau hoặc bằng lòng nhau... Đó là ý riêng của
tôi.

- Tôi mời tướng Khiêm làm Tổng
trưởng Quốc phòng và tôi đề nghị đại tá làm Bộ trưởng...

- Rất cám ơn trung tướng,
song...

- Hay đại tá nhận nhiệm vụ
Quốc vụ khanh... Tôi đã mời Bác sĩ Lê Văn Hoạch, hai Quốc vụ khanh cũng được...

- Rất cám ơn trung tướng,
song...

- Đại tá từ chối?

- Tôi cho là chưa phải lúc
tôi nhận các trọng trách...

- Đại tá tin rằng tôi không
đứng vững? - Giọng Khánh hơi sừng sộ.

- Tôi chưa nói như vậy.

- Chưa nói mà đại tá nghĩ
như vậy... Tôi được đảm bảo sẽ lãnh đạo Nam Việt đến ngày toàn thắng...

Luân không nói gì, đứng lên
chào đúng điều lệnh.

- Đại tá sẽ hối tiếc...

Luân muốn nói “anh sẽ hối
tiếc!” Nhưng, Luân kìm được.

Thật ra, Saroyan đã gặp anh
và chuyển lời khuyên của Jones Stepp: Đừng vội nhận lời. Luân biết rõ trò múa rối
của Nguyễn Khánh sắp hạ màn...

*

Cuộc họp tay ba kéo dài từ sáu giờ
chiều đến gần mười hai giờ đêm. Lẹt đẹt pháo đón tết Giáp Thìn từ ngoài
phố vọng vào. Hôm nay, hai mươi tám Tết. Họ hầu như không uống rượu. Bàn ăn dọn cũng đơn
sơ với vài món. Ngôi biệt thự lùi sâu, phòng khách im ắng, ngoài tiếng máy điều
hòa chạy đều đều.

- Ta có thể gút lại kế hoạch.
- Một người mặt mũi thư sinh, cố tỏ ra đường bệ, nói giọng pha trộn Nam Trung Bắc.

- Tôi còn e ngại một chút...
- Một người béo, da hơi sạm, nói giọng Nam Trung Bộ vẻ đắn đo.

- Thiếu tướng e ngại điều
chi? - Người thứ ba đeo kính cận, trông bề ngoài đã thấy tính giảo hoạt của y.

- Nguyễn Cao Kỳ nắm không
quân, ta khó mà... - Người được gọi thiếu tướng - là Nguyễn Văn Thiệu - trả lời.

- Anh Huy đã tính kĩ rồi...
- Người mặt mũi thư sinh nói, đó là Nguyễn Tôn Hoàn...

- Tôi đảm bảo! - Nguyễn Ngọc
Huy, người đeo kính cận, quả quyết.

- Ai sẽ thực hiện? - Thiệu
hỏi.

- Có cần nói chi tiết với
hai anh không?

Thiệu cau mày:

- Không nói cũng được. Có
sao không?

- Tin cậy tuyệt đối!

- Là đảng viên?

Nguyễn Ngọc Huy bật cười:

- Không, cần gì là đảng
viên? Có lúc, ta xem “hắn” như đảng viên đó... Và bây giờ... Còn gã thừa hành
thì...

Huy ra dấu đếm bạc.

- Một gã phiêu lưu dám làm
tất cả, miễn có đô la...

- Liệu có thể bị lộ không?

- Không! Tôi đã rà kĩ với
gã. – Huy trở nên bực bội

- Tôi tin anh. - Thiệu dịu
giọng – Bây giờ ta gút bước thứ hai...

- Tôi sẽ lấy tư cách quyền Thủ
tướng giải quyết các việc cần. - Nguyễn Tôn Hoàn trình bày.

- Ý kiến người Mỹ? - Thiệu
hỏi.

- Tất nhiên... Anh khỏi lo.

Hoàn tiễn hai người ra về.

*

... Ly Kai đến một nơi –
nơi mà lần đầu Ly Kai gặp John Hing, căn phố hẹp, bán hàng mã. Vẫn tên Loẽng gầy
nhom, hom hem chỉ thang gác ọp ẹp cho Ly Kai lên lầu. Và, vẫn căn phòng cũ kĩ với
giá sách, bộ tràng kỉ, chiếc đi văng.

- Ông có gì gấp mà hẹn bất
thường? Bắt được con của Nguyễn Thành Luân rồi? – John Hing hỏi.

Ly Kai không thấy bàn đèn
thuốc phiện, chắc John Hing đã hút xong.

- Vụ con của Nguyễn Thành
Luân chưa xong, đang nghỉ Tết, trẻ con không đến trường... Nhưng thế nào cũng
xong.

- Thế thì vụ gì?

- Vụ này khá quan trọng...

Ly Kai lại thấp giọng.

- Không được! – John Hing
xua tay – Tôi còn cần ông ta!

- Nhưng, mới hôm kia, ông
có ý...

- Phải! Song đó là hôm kia...
Nói rõ với ông, tôi chưa tìm được người thay.

- Vậy... tôi phải... - Ly
Kai lắp bắp.

- Ông trả tiền lại, chứ gì?

Ly Kai gật đầu

- Càng không được... Tụi nó
thịt ông ngay, hiểu chưa.

Ly Kai ngẩn ngơ.

- Bom hẹn giờ?

Ly Kai gật đầu.

- Thế thì quá dễ... Bao giờ?

- Mồng hai Tết.

- Cho nổ trước?

- Báo động hả? Y ta biết...

- Ừ, tôi muốn báo động... Phần
ông, ông có thể trả lời với nhóm kia là do trục trặc kĩ thuật... Đã gắn bom
chưa?

- Sẽ gắn...

- Bảo đảm bí mật chứ?

- Dĩ nhiên...

- Tốt! Cách bịt đầu mối?

- Có cách...

- Tôi dặn ông thêm: Phải đối
đáp cho xuôi với nhóm kia...

- Tôi hiểu...

*

Tám giờ sáng mùng Hai Tết,
chủ tịch Hội đồng Quân nhân, Tổng tư lệnh quân đội, Thủ tướng Chính phủ,
Trung tướng Nguyễn Khánh, sau chuyến chúc tết quân đội vùng I, đang có mặt ở
phòng khách sân bay Sơn Trà. Độ một tiếng đồng hồ nữa Khánh bay về Sài Gòn,
theo chương trình dự định – tối nay, Đại tá Dương Ngọc Lẫm, đô
trưởng mở tiệc chiêu đãi.

Khánh thỏa mãn ra mặt. Viên
chức và quân đội Quảng Trị đón vị Chủ tịch Hội đồng Quân
nhân cực kì trọng vọng. Một cuộc duyệt binh lớn ngay Thành cổ. Huế cũng không
chịu kém. Nguyễn Khánh đón giao thừa ngay trong thành nội và ngồi lên chiếc ghế
từ lâu không có ai ngồi - ghế dành cho Bảo Đại. Trưa mùng Một, Nguyễn Khánh đón
trực thăng về Đà Nẵng. Buổi chiều duyệt binh và Khánh huấn thị. Tiệc đến quá nửa
đêm.

Đôi lúc, Khánh tự vấn: Thật
như vậy sao? Vinh quang đến với anh ta khá li kì và anh ta lòng hẹn lòng: phải
tận hưởng cái quyền uy trời ban cho này.

Chốc chốc, một sĩ quan khúm
núm báo cáo:

- Máy bay rời Tân Sơn Nhất
từ sáng sớm, đang trên vùng trời Phú Yên...

- Máy bay vào vùng trời Quảng
Ngãi.

Chiếc máy bay riêng, trước
kia Ngô Đình Diệm sử dụng, ngay trong các chuyến công du sang Đài Bắc, Manila...
Máy bay đã tu bổ và thêm cờ hiệu bên hông với số một kẻ thật đậm. Khánh
chỉ thị ngay việc này khi lên ghế chủ tịch, bắt chước Mỹ. Máy bay riêng của Tổng
thống Mỹ có mang chữ Air Force One.

Tuần rượu chót, Nguyễn
Khánh chạm cốc với các người ra sân bay tiễn khi được báo: máy bay vào vùng trời
Quảng Nam.

Nhân viên không lưu sân bay
Sơn Trà đã cầm cờ đứng trên đường băng. Chiếc cầu thang từ từ lăn bánh. Đoàn xe
rục rịch nổ máy để chờ Nguyễn Khánh, tùy tùng và quan chức đưa tiễn đến tận máy
bay.

Bỗng viên sĩ quan mặt tái
mét, báo cáo lạc cả giọng:

- Đứt liên lạc với máy
bay...

- Sao? - Nguyễn Khánh sửng
sốt.

- Trình trung tướng, không
nghe tín hiệu hoặc đàm thoại của phi hành đoàn...

*

Tin khẩn:

Phóng viên AP ở Sài Gòn điện
về Tổng xã Washington. Lúc 7 giờ 48 phút ngày 14-2, đúng dịp Tết
cổ truyền Việt Nam, chiếc C.47 của không lực Việt Nam Cộng hòa chuyên dùng cho
nguyên thủ quốc gia, trên đường từ Sài Gòn ra Đà Nẵng đón Thủ tướng Nguyễn
Khánh đã phát nổ trên không phận Quảng Nam, đâm vào núi. Phi hành đoàn bốn người
đều thiệt mạng...

*

Tin các báo:

Đại úy Kĩ
thuật Cơ khí Không quân Tân Sơn Nhất Phan Hòa chết đột ngột, tại phòng làm việc. Theo các
nguồn tin thông thạo, đại úy bị đầu độc...

*

Thông báo của Chủ tịch Hội
đồng Quân nhân:

(Công
bố trên các báo chí, đài phát thanh)

Chủ tịch Hội đồng Quân
nhân ra lệnh cho cựu bộ trưởng chế độ Ngô Đình Diệm là Nguyễn Đình Thuần, cựu Trung
tá Vương Văn Đông đang lẩn tránh phải ra trình diện với cảnh sát trong vòng mười hai tiếng. Quá thời hạn đó, bất kì nhân viên công lực nào cũng có quyền bắt sống
hay bắn chết hai người nói trên...

*

... Luân trao đổi với Dung.

- Chắc chắn không phải Nguyễn
Đình Thuần hay Vương Văn Đông dính vào vụ nổ máy bay và cái chết của Phan
Hoà...

- Thế tại sao lại có việc
phát lệnh truy nã?

Luân cười:

- Hỏa mù do nhiều phía tung
ra... Riêng Phan Hòa, anh ta phải chết vì là đầu mối cần phải bịt...

- Ai? – Dung hỏi.

Luân nhún vai, im lặng.

*

Cùng ngày 17-2, hai sự kiện
được báo chí nêu bật:

Lựu đạn nổ tại rạp chiếu
bóng Kinh Đô - rạp dành riêng cho người Mỹ, hơn một trăm người chết và bị
thương (tin các báo).

Sĩ quan báo chí quốc phòng
cho biết: Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của Tướng Dương Văn Minh, bị
giam tại Lữ đoàn dù từ hôm 30-1, tức là hôm Nguyễn Khánh “chỉnh lí,” đã dùng dây giày
thắt cổ (tin các báo). Nguyễn Văn Nhung trong toán áp giải
anh em Ngô Đình Diệm. Đã có dư luận gán thiếu tá Nhung tự tay bắn chết anh em
ông Diệm mặc dù thiếu tá đính chính. Việc thiếu tá Nhung bị giam, phải hiểu như
là sự trả thù của những người ủng hộ ông Diệm và bây giờ, thiếu tá “tự vẫn” xác
minh thêm phe Cần lao không khoanh tay trước món nợ máu lớn ngày 2-11-1963 – (bình luận của AFP).

Ý nghĩa của hành động ông
Nhung chết khá rộng: vừa cảnh cáo tướng Big Minh, vừa dằn mặt Tướng
Nguyễn Khánh. Cũng có thể Tướng Nguyễn Khánh bí mật hạ thủ thiếu tá để lấy
lòng dư luận Đảng Cần lao. Bất kể như thế nào – ông Nhung tự sát hay bị giết –
sân khấu chính trị Sài Gòn ngày mỗi thêm yếu tố để thêm bi đát, bởi tướng Big
Minh dù trầm tĩnh đến đâu vẫn khó mà không phản ứng ở mức nào đó khi sĩ quan cận
vệ của mình bị bắt dẫn đến cái chết (bình luận của Reuter).

Người ta đặt câu hỏi: Nguyễn
Chánh Thi dính líu như thế nào đến thiếu tá Nhung? Và Nguyễn Chánh Thi là ai? –
Chính xác hơn, thi hành lệnh của ai? (Bình
luận của AEP).

Liệu người ta có thể treo cổ
bằng một sợi dây cột giày không? (Báo
Đất Tổ).