13. Gánh nặng
Gánh nặng
Cha mẹ nhận một đời bão tố
Để cho con mãi mãi bình yên...
(Khuyết danh)
Một người quen biết ba tôi, đủ thân thiết để gia đình tôi có thể coi anh ta như một người thân trong gia đình. Chuyện sẽ chẳng có gì to tát nếu một ngày anh ta không mượn chiếc xe Wave của tôi và hôm sau gọi điện cho mẹ tôi thông báo là đã cầm chiếc xe lấy ba triệu đánh bạc. Chuyện này làm mẹ tôi giận đến phát ốm. Sau đó, mọi thứ cũng được giải quyết ổn thỏa khi gia đình tôi đưa sự việc ra công an phường, chiếc xe cũng đã về với chính chủ.
Nhưng điều làm tôi trăn trở nhất là việc ba mẹ anh ta đến xin lỗi gia đình tôi đều đặn hằng ngày: sáng một lần, tối một lần. Họ đã cao tuổi, khuôn mặt không giấu nổi sự lo lắng và sợ hãi, run run đứng trước nhà năn nỉ ba mẹ tôi như chính bản thân họ đã làm việc đáng xấu hổ ấy.
Khi còn học cấp hai, có lần tôi cùng đám bạn trong lớp nghịch ngợm khiến năm đứa bị nhà trường kỷ luật, phải mời phụ huynh đến. Bố tôi tỏ ra bức xúc, hét vào mặt tôi: “Bố đã đi làm mệt mỏi, tại sao còn phải đi họp phụ huynh cho con vì những chuyện vớ vẩn này?” Sau lần đó, tôi không dám làm điều gì quá quắt trong lớp nữa.
Chúng ta sống cuộc đời của riêng mình, nhưng cần phải ý thức cuộc đời chúng ta cũng là một mắt xích quan trọng trong cuộc đời nhiều người khác. Những gì chúng ta làm không chỉ một mình chúng ta phải chịu trách nhiệm mà còn ảnh hưởng đến người khác nữa.
Vì trong cuộc sống hiện đại, ba mẹ chúng ta chẳng có thời gian để tìm hiểu về công nghệ internet, iPhone hay iPod, họ không thể xài hết chức năng của ti vi, muốn bật đầu karaoke cũng khó khăn vì có quá nhiều nút phải nhớ.
Vì con cái, đôi khi ba mẹ gạt bỏ danh dự cá nhân để gánh dùm những tội lỗi, những ô nhục hay sự chê trách của người đời, bởi câu mặc định: “Con dại cái mang.”
Vì chúng ta, cha mẹ phải nhận lấy những khó khăn, giải quyết những rắc rối của con cái bên cạnh những rắc rối của chính bản thân mình. Với một đôi vai, liệu những điều ấy có quá nặng? Sao chúng ta lại tự biến mình thành gánh nặng của đấng sinh thành?