17. Kỳ thị

Kỳ thị

Cao sang hay nghèo khó, cũng xong, cũng xong một chuyến đò người...

(Nhạc kịch 12 bà mụ - Nhạc sĩ Tuấn Khanh)

Có lần tôi xem Glee, serie phim truyền hình ca nhạc hiện đang “hot” dành cho tuổi teen của Mỹ và bất ngờ với cách họ xây dựng tình huống. Những câu chuyện nói đi nói lại đến mức nhàm chán như giáo dục giới tính, kỳ thị người đồng tính, bạo lực, bắt nạt, rượu, tiệc tùng, v.v... lại được đưa vào phim rất “ngọt”.

Trong phim Glee, Kurt, một chàng trai đồng tính lớn lên bình thường như bao người khác, chỉ khác ở chỗ Kurt rất mạnh mẽ và không ngại khi che giấu về giới tính của mình, ngoại trừ với gia đình. Một ngày, cậu thú nhận với gia đình giới tính thật của mình thì bố cậu trả lời: “Bố biết rồi, chỉ là chờ con thừa nhận mà thôi”, rồi sau đó, ông còn lúng túng mang về cho cậu con trai những tờ rơi hướng dẫn bảo vệ sức khỏe sinh sản mà ông cho rằng cái đó tốt hơn kiến thức mà ông có về người đồng tính. Đó là một ông bố tuyệt vời đến mức... phi thường! Giải quyết được sự “kỳ thị” trong gia đình, Kurt tiếp tục đối mặt với điều tế nhị ấy trong hàng loạt hành động bắt nạt ở trường học. Rồi phim lên đến cao trào khi kẻ bắt nạt Kurt ở trường cũng là người... đồng tính!

Cũng trong Glee, người ta thấy một cô giáo thể dục trông có vẻ to con, mạnh mẽ nhưng thực ra khi bị đồng nghiệp khác chơi xấu, cô đã khóc rất nhiều. Cũng vì bề ngoài quá cỡ mà nhiều người đã thẳng thắn chế giễu cô là đàn ông, không cho cô ngồi cùng bàn, đối xử lạnh nhạt chỉ vì vẻ ngoài của cô quá khác biệt.

Dường như sự kỳ thị hiện diện khắp nơi trong cuộc sống. Có lần tôi ngồi cùng chuyến xe với vài nghệ sĩ trẻ. Không hiểu cuộc nói chuyện giữa họ bắt đầu từ chủ đề gì mà cuối cùng lại thành ra thế này:

Những người câm, điếc họ nói chuyện với nhau bằng cái gì nhỉ?

Bằng động tác của cơ thể, tay hoặc chân, ánh mắt...

Như vậy hẳn khi đi uống cà phê với nhau, họ sẽ im lặng!

Không hẳn như vậy. Vì họ còn có những tiếng ú ớ trong miệng nữa.

Rồi họ phá lên cười...

Lẽ dĩ nhiên, làm sao khán giả có thể tưởng tượng ra thần tượng long lanh trên sân khấu của họ lại có thể hành xử thiếu văn hóa như vậy. Lại càng không thể tưởng tượng ra chính những con người này lại có thể cười nói xinh tươi khi đi làm từ thiện, hoặc có khi họ khóc trước những mảnh đời bất hạnh. Nước mắt đó, có đáng tin không? Họ có thể giàu có hơn, đẹp hơn, công việc ổn định hơn, hay chỉ đơn giản là đầy đủ tay chân hơn. Khi đã có tâm lý đó, cộng thêm một chút kiêu ngạo và cô đơn sẵn có, họ dễ dàng bắt tay với nhau, đứng về cùng một phía với quỷ dữ và sẵn sàng “chà đạp” những kẻ khốn khổ hơn mình.

Minh Niệm, tác giả cuốn sách Hiểu về trái tim đã viết: “Người này bình thường là để dồn sức cho người kia phi thường, sự phi thường và bình thường là một, hoàn toàn không tách rời nhau.” Nếu không có những người làm công việc vệ sinh để giảm bớt ô nhiễm môi trường, liệu mọi người có thể yên tâm hưởng thụ cuộc sống của mình trong một môi trường nồng nặc ô nhiễm và rác thải không? Tôi có một anh bạn là du học sinh. Một lần quá tức giận vì liên tục bị bắt nạt, anh đã điên tiết nói rằng: “Mày khinh tao, tức là mày khinh cái suy nghĩ của mày về tao chứ đó chẳng phải con người tao, cho nên cuối cùng là mày tự khinh mày!”

Câu này rất hay! Vì tất cả những kẻ khinh thường hay chà đạp người khác chỉ vì họ không may mắn như mình là những kẻ có trái tim khuyết tật!

Nếu bạn đang là một người bị kỳ thị, vì bất kỳ lý do gì thì tôi xin chân thành mong bạn hãy mạnh mẽ hơn, chứ đừng dại khờ nghĩ đến những việc làm mà những nhân vật trong phim bi kịch thường chọn, chẳng hạn như kết thúc sự sống! Vì khác biệt là một dấu hiệu thần thánh để phấn đấu, cũng như những lời miệt thị là nguồn năng lượng khổng lồ cho ta tiến gần đến ước mơ. (Tôi chợt nghĩ, nếu ngày xưa không có người mỉa mai cái thân hình chín mươi kilôgam của tôi, chắc tôi đã chẳng thể nào phấn đấu để đưa trọng lượng về sáu mươi ba kilôgam như bây giờ. Cũng như nếu không có người liên tục bảo tôi không đủ khả năng để có thể trở thành một ca sĩ thì tôi cũng chẳng thiết tha phấn đấu để làm bằng được điều tôi mơ ước như bây giờ!)

Còn nếu bạn là kẻ chuyên đi kỳ thị người khác thì tôi xin chia buồn với bạn. Vì xung quanh bạn luôn có những người bạn như vậy, và nếu một ngày bạn lỡ dại sa sút hay khác biệt với họ, bạn sẽ thấu hiểu đến tận xương tủy thế nào là cô độc và chua cay. Đó gần giống như quy luật nhân quả, gieo tính cách sẽ gặt số phận.

Ngoài ra, không kỳ thị cũng không có nghĩa là tán dương quá mức hay có thái độ đối xử đặc biệt. Vì những người “khác biệt” theo tôi biết, chỉ mong được đối xử như một người bình thường, công bằng như bao người khác.

Điều ước của họ chỉ đơn giản như vậy mà thôi...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3