Đông Cung - Ngoại truyện
Ngoại truyện
Hồ Thái Dịch phù dung vẫn nở
- A Mục!
Tôi kéo tay áo cậu ấy, nhưng sửa lại cách xưng hô, khẽ gọi:
- Điện hạ...
A Mục ngước nhìn tôi vẻ ngỡ ngàng. Cậu ấy vận áo bào trắng rộng thùng thình, con ngươi đen láy, vẻ mặt còn vương nét ngây thơ.
Theo quy định của cung cấm, tôi không được phép gọi thẳng tên mụ của Thái tử, song từ năm bảy tuổi tôi đã tiến cung, A Mục nhỏ tuổi hơn tôi, lúc đó mới lên năm. Hai chúng tôi thân nhau như anh em, tôi lớn hơn nên lúc nào cũng che chở cậu ấy. Lúc cậu ấy không thuộc bài, ngay trước mắt Thái phó mà tôi cũng lén gỡ bí; lúc cậu ấy bị phạt, tôi còn bắt chước nét chữ của cậu ấy, chép giúp cậu ấy một tập sách dày mà không hề bại lộ. Chúng tôi cùng nhau bắn nỏ trong ngự hoa viên, cùng nhau chơi chọi dế, trèo cây, trêu ghẹo một vài cung nữ khó tính...
Chúng tôi dần trưởng thành, nhưng tôi biết, tình bạn giữa chúng tôi không hề thay đổi. Mỗi lần buồn phiền, A Mục thường tâm sự với tôi. Còn tôi, tôi luôn nghĩ cách giải quyết giúp cậu ấy.
Chuyện buồn phiền của A Mục thì nhiều lắm, Bệ hạ chỉ có mình cậu ấy là con trai, đương nhiên sẽ đặt nhiều kỳ vọng vào cậu ấy. Song, đứng trước một vị hoàng đế anh minh, dù là ai thì cũng thấy mình thật tầm thường, nhỏ bé.
A Mục từng hỏi tôi:
- Đệ phải làm gì mới được như Phụ hoàng đây?
Tôi không biết nên trả lời thế nào.
Bệ hạ là vị quân vương có tài thao lược về quân sự, từng chinh phạt Tây Vực, bình định Nam Di, đánh bại vô số thành trì lớn nhỏ, xây dựng cơ nghiệp bền vững muôn đời… Đứng trước địa đồ núi sông của bản triều, người ta khó kìm được cảm giác sục sôi. Hơn trăm năm kể từ ngày dựng nước, lãnh thổ quốc gia chưa bao giờ rộng lớn đến thế. Hằng năm, cứ đến kỳ tuế cống[80], chư hầu các nước lại đổ về chầu, dâng cống phẩm tỏ lòng quy phục. Tôi từng được theo cha, hầu Bệ hạ lên Thừa Thiên Môn, nghe muôn dân tung hô vạn tuế, âm thanh vang dội khắp cửu thành. Ngay cả những đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện như chúng tôi cũng có cảm giác trời đất rung chuyển, khí huyết sục sôi. Vậy mà Bệ hạ cũng chẳng nhếch mép cười lấy một lần, mỗi lần người chỉ đứng chốc một lát rồi sai người hầu buông rèm, xa giá về thẳng Tây cung. Dường như trong mắt vị đế vương kiêu hãnh, lạnh lùng ấy, những phồn hoa trên đời cũng chỉ là mây khói…
[80] Nộp cống hằng năm.
Có người cha như thế, chẳng trách A Mục thật đáng thương.
Bệ hạ thông thạo cả cung lẫn ngựa, thiên triều giành được thiên hạ từ trên lưng ngựa. Trong quá trình dạy dỗ các thế hệ con em quý tộc thì cưỡi ngựa, bắn tên là môn học vỡ lòng, văn võ chỉ đứng thứ hai. Một tay cha dạy dỗ tôi thành tài, trong số các anh em cùng trang lứa, võ công của tôi được đánh giá ở mức khá, song vẫn kém xa Bệ hạ.
Tôi từng được chứng kiến Bệ hạ thể hiện bản lĩnh. Hôm đó, tôi và A Mục hầu người bách bộ trong ngự hoa viên, có đôi chim non líu lo hót trên cành, Bệ hạ cầm bộ nỏ trên tay A Mục, nhón một viên đạn vàng, nhắm bắn đôi chim kia. Có lẽ câu nói: “Một mũi tên trúng hai con chim nhạn” chính là đây. Chỉ một viên đạn đã bắn rơi hai con chim, ắt hẳn lực bắn phải rất mạnh.
Bệ hạ vốn không thích những thứ thành đôi, thành cặp. Các triều đại trước, khi hồ Thái Dịch trong cung nở sen Tịnh đế[81], người ta coi đó là điềm lành, có không ít những vị học sĩ đã tức cảnh sinh tình nảy ý thơ. Vậy mà năm Khâm Hòa thứ hai, hồ Thái Dịch nở sen Tịnh đế, không ai dám tâu lên Bệ Hạ, sau cùng nội thị họ Vương đánh bạo, sai người lén cắt cành sen ấy đi mới yên chuyện.
Cũng bởi tính khí Bệ hạ vốn kỳ quái, lúc xây Tây Uyển, thậm chí đến cả số điện thờ phụ cũng là số lẻ. Công bộ lang trung Trương Liễm vốn là người tỉ mỉ, cẩn thận, nhưng trong chuyện này lại vô cùng thoải mái. Tuy Lễ bộ[82] cũng biết làm thế là phạm phải quy tắc của liệt tổ liệt tông, nhưng nói cho cùng thì Tây Uyển cũng chỉ là rừng uyển của hoàng thất, không thể xem như cung điện chính thống được, nên đành mắt nhắm mắt mở cho qua.
[81] Là hai đóa sen nở trên cùng một cuống, loài sen thanh tao, thuần khiết, quý hiếm bậc nhất, xưa kia dành để tiến vua nên mới có tên “Tịnh đế”.
[82] Bộ Lễ hay Lễ bộ là tên gọi của một cơ quan hành chính thời phong kiến, tương đương với Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao ngày nay.
Sở dĩ Lễ bộ biết điều như thế cũng bởi tính khí ngang tàng của Bệ hạ tăng dần theo năm tháng, nhưng không ai dám khuyên can.
Nói thì vậy, song Bệ hạ không phải vị vua mê muội, lẩm cẩm. Người vẫn vô cùng anh minh khi chọn người hiền tài, chuyện triều chính giải quyết đâu ra đấy.
Còn ở hậu cung lại chẳng có vị phi tử nào đắc sủng. Bệ hạ cũng không mấy mặn mà với thanh sắc, thỉnh thoảng có mở hội đi săn, song cũng không hẳn là thú vui. Quần thần cũng đành chịu thua vị vua không đam mê tửu sắc, không ham thích những thú vui hay của ngon, vật lạ này.
Nghe nói các bậc bề tôi rất đỗi lo lắng vì Bệ hạ chỉ có một vị hoàng tử nối dõi. Đối với hoàng thất, chuyện này thực sự nghiêm trọng, nên tránh sao khỏi nỗi buồn lo.
Rất nhiều tấu chương nhắc nhở được dâng lên, như thể nếu Bệ hạ không sinh được chín, mười hoàng tử, e rằng sẽ có lỗi với bàn dân thiên hạ.
Vậy mà Bệ hạ vẫn chẳng mảy may quan tâm.
Năm Khâm Hòa thứ tư, cuối cùng Hiền phi Lý Thị cũng mang thai. Triều đình và muôn dân đều mong ngóng Hiền phi sẽ hạ sinh cho Bệ hạ thêm một người con trai. Không may Lý Thị sinh khó, vượt cạn sinh được một công chúa thì Hiền phi qua đời.
Công chúa có hiệu là Triêu Dương.
Bệ hạ lấy tên chính điện Triêu Dương để phong thụy hiệu cho Công chúa, đủ thấy người cưng chiều con gái thế nào.
Công chúa Triêu Dương sinh ra đã trắng trẻo, đáng yêu vô cùng. Có lẽ vì thương Công chúa vừa chào đời đã mồ côi mẹ nên đích thân Bệ hạ chăm sóc Công chúa ngày đêm. Thậm chí trong những buổi thiết triều, Bệ hạ còn dắt theo Công chúa, đặt Công chúa ngồi trên đùi mình, dường như việc chơi đùa với cô con gái nhỏ còn quan trọng hơn cả chuyện quốc gia đại sự...
Thoạt đầu quần thần cũng bất bình, dần dần lại nhận ra mặt tích cực của Công chúa Triêu Dương.
Nếu Bệ hạ có nổi giận, không kẻ nào dám làm trái ý thiên tử, chỉ cần sai bảo mẫu ẵm Công chúa đến, thì có khi tội tày trời cũng thành vô tội.
Công chúa Triêu Dương thường bật cười khanh khách, vươn tay sà vào lòng Bệ hạ.
Lúc Bệ hạ ẵm Công chúa, trên gương mặt luôn nở nụ cười rạng rỡ.
Năm Triêu Dương lên bốn tuổi đã được vua ban thực ấp[83] vạn hộ cùng rất nhiều nô bộc. Thậm chí vì thương con gái mà Bệ hạ không tiếc công xây dựng một ngự hoa viên trên Ly Sơn, chỉ bởi Công chúa Triêu Dương mắc chứng hen suyễn, thái y khuyên nên đưa Công chúa đến vùng suối nước nóng để tĩnh dưỡng.
[83] Vùng đất và những hộ dân được ban cho quan lại và chịu sự quản lý của họ.
Người trong thiên hạ đều hay biết, báu vật Bệ hạ coi trọng nhất trên đời chỉ có mình Triêu Dương.
A Mục thường nói với tôi rằng:
- Trọng An này, không biết mai sau ai có phúc lấy được Triêu Dương nhỉ?
Tôi hiểu ý cậu ấy, ai lấy được Triêu Dương, người ấy sẽ có cả thiên hạ.
Triêu Dương ngày một trưởng thành, càng thêm xinh xắn, nhưng cũng nghịch ngợm hơn hẳn thuở bé.
Giữa chốn hoàng cung này, chỉ có Triêu Dương là sống hồn nhiên, vô tư.
Tôi thường nghe tiếng Công chúa cười, như tiếng chuông ngân vang lảnh lót, lại như một loài chim biết hát, không phải chính Công chúa là một chú chim non lém lỉnh đấy chứ?
Khi trưởng thành, Triêu Dương rất thích quấn chân A Mục, cũng bởi Bệ hạ chỉ có một người con trai và một người con gái, bọn họ là anh em ruột thịt. Công chúa thường vận đồ nam, cùng chúng tôi lén xuất cung, ra ngoài chơi, dù sao thì trong cung cũng chẳng ai dám ngăn cản muội ấy. Ba chúng tôi thường xuyên ra phố, vào quán uống trà, xem ca hát, tạp kỹ, nghe nghệ nhân kể chuyện...
Những ngày tháng đó thật vui vẻ, trong sáng và thuần khiết.
Giờ nhớ lại, cả cuộc đời tôi, quãng thời gian hạnh phúc nhất là khi có A Mục và Triêu Dương bên mình.
Khi Triêu Dương qua đời, trái tim chúng tôi tan vỡ.
Nhưng người đau khổ nhất chính là Bệ hạ, chỉ qua một đêm mà tóc người bạc trắng.
Bệ hạ ngồi một mình trong điện Triêu Dương, lặng lẽ, không quan tâm đến bất kỳ ai.
A Mục quỳ rất lâu ngoài điện, song cũng chẳng được người triệu kiến.
Bệ hạ hạ chiếu mai táng cho Triêu Dương ở Dụ Lăng.
Nơi ấy là lăng tẩm của người, toàn bộ được xây dựng theo lễ chế của hoàng đế, cũng bởi công trình quá đồ sộ nên mãi vẫn chưa hoàn thành. Giờ đây, trở thành nơi mai táng cho đứa con gái nhỏ người hằng yêu thương. Triều thần cùng muôn dân không ngớt lời bàn tán, dị nghị, cuối cùng, Bệ hạ buộc phải bỏ bớt tượng đặt trước lăng, thu hẹp chiều dài của mộ đạo, chỉ cốt làm lắng đi những lời bàn tán ồn ào.
Mười ngày không thiết triều, trăm ngày quốc tang, Bệ hạ thực hiện tất cả các lễ chế để truy điệu Triêu Dương. Nhưng trên thực tế, chuyện triều chính không chỉ ngưng mười ngày, bởi từ đó trở về sau, Bệ hạ không còn thiết triều nữa.
Tấu chương của quan lại các cấp chất thành chồng cao tại Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Thái phó không khỏi than thở với A Mục. Nhiều lần A Mục tiến cung, song vẫn không được Bệ hạ triệu kiến. Tôi biết A Mục đang lo lắng vô cùng, nhưng cũng chỉ biết an ủi:
- Đợi Bệ hạ vượt qua nỗi đau này rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!
Thế nhưng trong cung ai cũng biết, Bệ hạ không thể nào vượt qua nỗi đau này. Dường như Bệ hạ đã biến thành một người khác, chẳng còn hứng thú với bất kỳ ai, bất kỳ việc gì nữa. Nếu trước đây người là vị vua lạnh lùng, có hoài bão lớn thì giờ đây vị vua ấy chỉ là người cha với trái tim nguội lạnh, âu sầu.
Tình hình sức khỏe của Bệ hạ ngày một suy yếu, có thời gian người ngã bệnh rất trầm trọng, vậy mà vẫn một mực sai người đi triệu sứ thần Tây Lương.
Tây Lương là nước thuộc địa lạ lùng nhất dưới quyền thiên triều: đất nước nhỏ bé, thế lực yếu, lại toàn là sa mạc… Các nước chư hầu khác theo lệ phải phái hoàng tử đến Thượng Kinh, lấy danh nghĩa là học hỏi lễ nghi của Trung Nguyên, nhưng trên thực tế là làm con tin. Vậy mà duy nhất Tây Lương không có con tin, chẳng những vậy, Tây Lương còn tỏ thái độ ngạo mạn, xấc xược, thường xuyên không đến triều cống, nhưng Bệ hạ lại rất nể nang Tây Lương. Người chinh chiến Tây Vực, bình định các nước xung quanh, chỉ chừa lại Tây Lương.
Nghe người già trong cung nói, có lẽ nguồn cơn của việc này bắt đầu từ Minh Đức Hoàng hậu.
A Mục và tôi đều biết, Minh Đức Hoàng hậu là cái tên cấm kỵ, tuyệt đối không được nhắc đến.
Minh Đức Hoàng hậu vốn là thái tử phi ở Đông cung của Bệ hạ khi người còn tại vị thái tử, tiếc thay phúc mỏng phận bạc, năm Nguyên Khánh thứ hai mươi, trước khi Bệ hạ nối ngôi đã qua đời vì bạo bệnh. Hình như Bệ hạ chẳng mấy tình nghĩa với Thái tử phi quá cố này, đến tận năm Khâm Hòa thứ chín, Lễ bộ nhắc tới, lúc ấy người mới miễn cưỡng hạ chiếu thư, truy phong người đó làm Minh Đức Hoàng hậu. Chuyện xưa đã trôi qua hai mươi năm, lễ truy phong cũng vô cùng sơ sài, đơn giản. Minh Đức Hoàng hậu được an táng tại Định Lăng, Bệ hạ cũng không hề ban chiếu xây lăng tẩm theo lễ chế dành cho hoàng hậu, thậm chí người không hề hạ chiếu nói sau khi mình tạ thế, sẽ để vị hoàng hậu được truy phong này tuẫn táng tại Dụ Lăng.
Trước và sau khi truy phong hoàng hậu, Bệ hạ không hề đến lễ an táng Thái tử phi.
Trong cung đồn rằng Bệ hạ không ưa vị Thái tử phi này, năm đó vì mối bang giao giữa hai nước, Bệ hạ bị ép phải sắc lập người con gái ngoại tộc làm thái tử phi, người luôn cho rằng đó là mối nhục của hoàng thất. Có lẽ vì thế mà trong sử sách chỉ ghi chép một dòng gồm hơn mười chữ giới thiệu về cuộc đời của vị Minh Đức Hoàng hậu này.
A Mục nhớ mãi chuyện cấm kỵ ấy, bởi có lần Công chúa Triêu Dương không biết tìm đâu ra một bộ quần áo của người Hồ, muội ấy hớn hở vận lên người rồi đi yết kiến Bệ hạ. Không ngờ Bệ hạ lại nổi trận lôi đình. Người hạ lệnh đánh chết tất cả người hầu bên cạnh Triêu Dương. Triêu Dương khóc lịm cả người, vì quá sợ hãi mà ngã bệnh suốt mười ngày liền. Mà Bệ hạ cũng rất hối hận, người túc trực bên giường Công chúa, cho đến khi Công chua khỏi hẳn mới thôi.
Vì chuyện này mà Trần Quý phi bị phế truất, nghe nói chính bà ấy đã xúi bẩy Công chúa mặc xiêm áo của người Hồ.
Lúc tôi đưa A Mục đến thăm Triêu Dương, bà bảo mẫu già nua thì thào kể cho chúng tôi nghe. Bệ hạ kỵ nhất việc có người trông giống Minh Đức Hoàng hậu. Trần Quý phi xui Công chúa mặc quần áo của người Hồ, tội thật đáng chết.
A Mục quả là to gan, cậu ta gặng hỏi bà bảo mẫu:
- Vậy A Hoàng có giống Minh Đức Hoàng hậu không?
Phụng Hoàng là tên mụ của Triêu Dương, A Mục quen gọi là A Hoàng.
Bà bảo mẫu ngẩn người một lúc rồi lắc đầu, nói:
- Không giống chút nào, vẻ ngoài của Minh Đức Hoàng hậu không giống Công chúa.
Tôi thầm nghĩ, khó mà giống nhau được. Không biết con gái ngoại tộc có tướng mạo thế nào nhỉ?
Bà bảo mẫu lại nói:
- Minh Đức Hoàng hậu có nước da trắng sáng, thân hình gầy, nhỏ, tuy không có nét mặt hoa da phấn như con gái Trung Nguyên nhưng rất hiếu động.
Nói đến đây, bà ấy chợt thở dài:
- Thoáng cái mà đã gần ba mươi năm, chẳng ngờ...
Bà ấy không nói tiếp, tôi thấy A Mục dường như đang trầm ngâm suy nghĩ gì đó.
Đấy là lần đầu tiên Bệ hạ nổi giận với Triêu Dương, và cũng là lần cuối cùng.
A Mục từng nói rằng, trên đời này, người duy nhất Bệ hạ thực sự yêu thương chỉ có Triêu Dương.
Sâu thẳm trong thâm tâm mình, tôi cũng nghĩ vậy.
Nhưng Triêu Dương đã qua đời sau đó...
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Từ lúc Triêu Dương qua đời, ngày qua ngày Bệ hạ càng chán chường việc triều chính, mà sức khỏe của người cũng dần suy yếu. Người không còn hứng thú với việc triều chính như không còn hứng thú với chính sinh mệnh của mình. Người không còn đi săn, không dự yến tiệc, thường xuyên nhốt mình trong điện, không uống rượu mà cũng chẳng sa vào thanh sắc, sức khỏe của người lại yếu dần theo thời gian.
Dường như cái chết của Triêu Dương đã mang theo toàn bộ sức sống của người, chẳng những mái tóc người bạc phơ, đến cả trái tim cũng héo tàn. Tôi chưa thấy ai đau lòng đến như thế này, A Mục và tôi cũng rất đau buồn vì sự ra đi của Triêu Dương, song có vẻ nỗi đau buồn ấy không bằng một phần nhỏ của Bệ hạ.
Đích thân cha vào cung khuyên giải Bệ hạ. Cha ốm yếu bấy lâu nay, bao năm chinh chiến đã khiến người mắc rất nhiều bệnh. Người còn đang ốm không gượng dậy nổi, song vẫn cố chấp đòi vào cung.
Người nhà không can ngăn được, đành chuẩn bị xe đưa cha vào cung. Kẻ hầu người hạ trong điện đều lui ra ngoài, duy có tôi hầu cha quỳ trước mặt Bệ hạ, cảm giác cơ thể người đang run rẩy. Tôi không dám lỏng tay đỡ, tôi biết nếu mình lỏng tay, hẳn cha sẽ sụp xuống bất cứ lúc nào. Và tôi cũng biết mình nên lánh đi, nhưng cha suy nhược như thế này, tôi không đành lòng lui xuống. Cách Bệ hạ đối xử với cha tôi hơn hẳn những người khác, Bệ hạ đích thân đưa tay ra dìu cha dậy.
Trong hơi thở hổn hển, người nắm chặt tay Bệ hạ, như thường ngày tôi vẫn nắm tay A Mục, nói:
- Bệ hạ, Thái tử phi đã tạ thế từ lâu rồi.
Giọng cha run rẩy, nhưng những câu chữ thốt ra nhẹ bẫng, tôi gần như chẳng nghe thấy gì. Chỉ câu nói đó thôi đã khiến Bệ hạ thảng thốt, tôi thấy tóc người đã điểm hoa râm, cặp mắt đục ngầu, bàn tay đang cầm tay cha tôi run rẩy. Tự lúc nào, Bệ hạ đã trở thành ông già suy sụp đến mức này?
Cha thở dốc, nói:
- Thái tử phi đã an giấc ngàn thu từ ba mươi năm trước rồi.
Dường như mắt cha đã đong đầy nước mắt, người nói tiếp:
- Bệ hạ, xin người hãy tỉnh táo lại, Thái tử phi đã chết lâu rồi.
Chưa bao giờ tôi thấy Bệ hạ mang vẻ mặt như lúc này, người luôn ôn tồn với cha, duy chỉ lúc này là cục cằn, khuôn mặt méo xẹo. Người níu chặt vạt áo cha, trên mu bàn tay vằn vện gân xanh, tiếng gầm gừ dữ tợn trở nên khàn đục:
- Ngươi nói láo!
Cha tôi run rẩy, còn tôi không dám thở mạnh. Trong điện chỉ nghe thấy tiếng thở dồn dập từng hồi của cha. Giọng Bệ hạ dịu xuống, thậm chí người đã cười, nói:
- Bùi Chiếu, ngươi biết nàng ấy đang ở Tây Lương. Nàng ấy lừa chúng ta, chẳng lẽ thông minh như ngươi mà cũng mắc lừa nàng ấy?
Cha vừa ho vừa thở hổn hển rồi cất tiếng gọi khẽ:
- Bệ hạ...
Ánh mắt cha đau đáu, vô vọng. Tiếng người chẳng khá hơn:
- Công chúa Triêu Dương không phải do Thái tử phi thân sinh. Công chúa không hề giống Thái tử phi, trong lòng người hiểu rõ hơn ai hết. Công chúa do Hiền phi Lý Thị hạ sinh. Thái tử phi về trời đã ba mươi năm rồi... Mười mấy năm trước thần từng đến viếng thăm, cỏ đã phủ xanh trên mộ rồi...
Đó là lần đầu tiên tôi thấy Bệ hạ khóc. Giọt nước mắt trào ra, nhỏ xuống ngực áo bào trong câm lặng. Ngực áo bào thêu họa tiết tinh xảo, giọt nước mắt loang loáng trên đầu rồng, chực rơi xuống. Cha tôi ôm gối của người, như xoa dịu, như an ủi, lại như cảm thông... Lúc ấy, Bệ hạ khóc nấc lên như một đứa trẻ...
Hết
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách
Sienna - Nhocmuavn
(Duyệt – Đăng)