Mùa đom đóm mở hội - Chương 07
Chương 7. Huệ khôn ngoan của tôi
Tôi không ghét được Huệ, mặc dù cái gì nó cũng hơn tôi và tôi có tính đố kỵ. Huệ đẹp hơn tôi, dáng dấp kiêu kỳ, áo quần là lượt, tiêu tiền như rác. Huệ đạt được mọi thứ dễ dàng như trở bàn tay trong khi tôi thì trầy trật. Tôi làm gì cũng khó khăn, cũng bị gièm pha, ganh ghét. Thuở cùng học với nhau ở giảng đường, tôi hơn hẳn Huệ về việc học, còn Huệ hơn tôi mấy chuyện yêu đương. Điều này có lẽ không ai còn thấy lạ lùng. Bởi vì Huệ là một cô gái đẹp. Mà đã đẹp rồi thì không lẳng lơ cũng phí. Lẳng lơ là một đặc ân Chúa trời ban cho những người phụ nữ đẹp. Suốt bốn năm đại học, có tới mười người đàn ông giàu có góp tiền nuôi nấng Huệ. Với ai Huệ cũng lả lướt, chả yêu ai đến nơi đến chốn nhưng cũng chả muốn mất ai. Huệ bảo cứ giữ lấy làm lương khô, lúc nào đói thì dùng. Ở đời, thiếu gì lúc đói.
Tôi và Huệ sống cùng phòng trọ. Huệ đi tối ngày. Có khi nó mất tích khỏi Hà Nội hàng tuần lễ với một vị giám đốc hào hoa chán vợ nào đó. Báo hại tôi ở nhà, nào là viết giấy phép báo ốm, chép bài cho nó. Đến kỳ thi, nếu thiếu học trình, Huệ ba chân bốn cẳng mang phong bì đến nhà thầy giáo. Thế là thoát. Và cứ thế, nó cầm tấm bằng, ngạo nghễ bước chân ra khỏi cổng trường đại học. Thú thật, trong những tháng năm nghèo khó ấy, nhiều lúc tôi phải cần tới sự giúp đỡ của Huệ. Trước mỗi kỳ thi, Huệ bắt tôi nghỉ làm gia sư để dành thời gian ôn thi.
Nó chìa cho tôi một khoản tiền đủ để đóng học phí và lạnh lùng tuyên bố: “Tao chỉ mất ba cái liếc mắt là có thể đủ tiền học phí cho mày. Nghỉ cho khỏe đi em.”
Huệ tin cậy tôi đến mức nó không hề giấu giếm tôi bất cứ chuyện gì. Nhưng Huệ cũng chẳng thèm đếm xỉa đến những lời khuyên nhủ của tôi. Nó kết luận: “Tao không sống được bằng mớ lý thuyết đạo đức của mày. Sống thế khổ lắm. Mày ơi, đàn ông nhiều thằng nhiều tiền đến mức mày không thể tưởng tượng được đâu. Một đêm ăn chơi của tụi nó có thể nuôi sống mười đứa sinh viên nghèo khổ như chúng mình. Học giỏi để làm gì. Tao mất mấy trăm nghìn là có thể mua được một điểm tốt cho một kỳ thi tốt. Vậy lao tâm khổ tứ làm gì cho tàn lụi nhan sắc. Tao có lấy tiền của chúng nó chẳng qua cũng chỉ là cách lấy của người giàu chia cho người nghèo. Hơn nữa, các chàng tình nguyện cả đấy chứ.”
Ra trường. Tôi mất nửa năm ăn mì tôm tìm kiếm cơ hội việc làm. Trúng tuyển vào công ty, tôi mất thêm một năm thử việc. Huệ không đi làm. Được sự trợ giúp của một anh người yêu, Huệ mở quán cà phê mang tên Nỗi nhớ. Rồi suốt ngày Huệ chỉ lo tóc tai, áo quần đi bát phố. Lúc nào Huệ cũng lộng lẫy như một con công. Trong suốt thời gian tôi nằm dài chờ việc và thử việc không lương, chính Huệ đã nuôi tôi. Thỉnh thoảng, Huệ ghé chỗ tôi ở, ném cho tôi một khoản tiền nhỏ. Tôi không lấy. Huệ quát: “Đừng sĩ, đói nhăn ra đấy. Tiền của tao đếch đâu. Cứ dùng đi! Đời còn dài.” Rồi Huệ cong cớn đi mất.
Được hai năm thì anh yêu của Huệ bị bắt vì tội tham nhũng. Nỗi nhớ sập tiệm vì không còn người bảo trợ. Mà Huệ thì biết tính toán gì đâu. Chán, Huệ dọn về ở với tôi. Tiền dành dụm mấy năm Huệ tiêu vèo một thời gian ngắn là hết. Thứ đàn bà như Huệ, quen thói được cưng nựng, yêu chiều, tiêu tiền không cần đếm, nên khi cô nàng phải chịu cảnh không tiền thì khốn khổ lắm. Huệ lại nghĩ cách để kiếm tiền. Cách của Huệ thực ra vẫn chỉ là cách thông thường nhất của một cô gái đẹp. Huệ kết bạn với một anh kỹ sư cầu đường. Nghe nói anh này còn là chủ một vũ trường nổi tiếng trong thành phố. Được khoảng hai tháng, nghe chừng Huệ cũng xông xênh tiền bạc hơn và bớt ủ rũ đi. Đùng một cái lại đứt gánh. Ấy là một buổi Huệ về nhà với cái môi sưng vều, áo quần tơi tả. Chưa kịp để tôi hỏi, Huệ đã nói: “Tao bị vợ nó đánh ghen.” Nói rồi, Huệ dốc bốn viên Seduxen vào miệng, leo lên giường ngủ. “Mẹ kiếp, đúng là họa vô đơn chí.”
Những ngày sau đó Huệ lâm vào tình trạng chán đời. Huệ lằm lì trong nhà. Không ra đường. Không quần áo, phấn son như mọi khi. Tôi bảo Huệ: “Mày nên về nhà một thời gian cho khuây khỏa.” Huệ nói: “Không khuây khỏa được đâu, tao không thích cái gọi là gia đình của tao. Mà vùng đất khỉ ho cò gáy ấy càng không thể hợp với tao bây giờ. Đừng lo, tao không chịu thua đâu. Tao phải tìm kiếm một cuộc sống đầy đủ cho mình bằng mọi giá. Tao không chịu được sự nghèo.”
Quê Huệ ở một xã miền Trung. Huệ mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với cha và dì ghẻ. Huệ không hợp với bố, dì càng không. Bốn năm đại học Huệ ít về nhà, cũng không xin tiền bố. Huệ không nhắc về gia đình mình ở bất cứ nơi đâu. Huệ không chơi với ai, chỉ chơi thân với một mình tôi. Vì tôi không đồng ý những chuyện lăng nhăng của Huệ nhưng cũng không phản đối. Thực ra thì tôi không thể phản đối, bởi Huệ là đứa ít khi để cho những lời khuyên răn chạm tới mình. Mà xét cho cùng thì tôi có thể làm gì được cho Huệ? Nếu Huệ nghèo, tôi có thể cưu mang được Huệ như Huệ cưu mang tôi không? Chắc là không. Tôi thương Huệ vì những tính toán rất hồn nhiên, rất vặt vãnh của nó. Và bởi Huệ tốt. Ngoảnh lại, tôi thấy hình như chưa có người bạn nào sống tốt với tôi như Huệ. Phần vì họ nghèo như tôi, phần vì họ lo lắng cho tương lai của chính họ. Còn Huệ, tương lai của nó chỉ là ngày mai, ngày kia, chứ không xa xôi đến năm, mười năm sau. Ở đâu Huệ cũng móc tiền cho kẻ ăn mày. Không phải vì Huệ có tiền, cũng không phải Huệ thích tỏ ra thế. Tôi yêu Huệ là bởi cái cảm giác rất đỗi chân thành, rất đỗi chia sẻ mỗi khi Huệ nhè nhẹ đặt tờ tiền lẻ vào cái nón rách của bà lão ăn xin. Huệ không tiếc bạn bè bao giờ. Huệ giúp bạn xong là quên, không nhớ, không nhắc lại. Sự giúp đỡ không hàm ý, không mục đích là thứ ta chẳng dễ gặp trong thời buổi này. Cả sự dễ dàng tin cậy trao cho người khác, dù là người thân, những bí mật cuộc sống (những bí mật chẳng hề thơm tho gì) như Huệ không phải ai cũng dám. Sự nghi ngờ chẳng phải đang bao trùm mỗi chúng ta đến nỗi nếu một ai tự nhiên tốt với mình chúng ta vẫn thường tự hỏi, nó tốt thế chắc là đang có mưu đồ gì chăng? Nhiều khi được đối xử tốt, chúng ta lại mất ngủ để suy nghĩ ấy chứ!
Một hôm, sếp của tôi thổ lộ trong cuộc họp là cần tìm một nữ thư ký để giúp việc vì ông ta quá bận rộn. Tôi nghĩ ngay đến Huệ. Nghe tôi bàn việc, Huệ nghĩ ngợi nửa tiếng đồng hồ rồi bắt đầu chất vấn tôi về ông sếp của tôi. Tôi bảo: “Ông ấy bốn mươi chín tuổi, đẹp mã, một vợ hai con, một người nghiêm nghị, đứng đắn, có phần khó tính, chưa từng có vụ bê bối tình ái nào.” Nghe xong, Huệ vỗ tay đôm đốp: “Hay lắm!”
“Hay ư? Mày phải làm việc thực sự đấy (nếu trúng tuyển), chứ cứ giở cái võ mồi chài ra là đứt.”
“Chưa chắc đâu.” Huệ bĩu môi: “Mày nghĩ tao không thể tỏ ra thừa đứng đắn nếu cần à? Một ông sếp chưa từng có chuyện bê bối tình cảm mới khiến cho dư luận cơ quan bớt chú ý đến tao. Nếu không, bất lợi cho tao lắm.”
Thế rồi ngày hôm sau, Huệ đóng một bộ vét rất nghiêm chỉnh, điểm tô vừa phải đi gặp sếp của tôi. Tôi nhìn theo mỗi bước đi nhún nhảy tự tin của nó, phập phồng lo âu. Lúc nào nó cũng đẹp rực rỡ như thế thì gã đàn ông nào có thể cầm lòng được?
Không hiểu Huệ đã nói những gì với sếp tôi buổi ấy mà ngay trong buổi họp cơ quan tuần sau sếp đã thông báo vừa tìm được một thư ký rất ưng ý. Và Huệ đi làm. Tôi vừa mừng vừa lo. Việc Huệ đánh đổ ông sếp khó tính của tôi chỉ trong một buổi sáng khiến tôi quá bất ngờ. Gặng hỏi, Huệ chỉ cười, gí ngón tay vào trán tôi: “Đồ khỉ! Tao đã bảo tao chưa đầu hàng bất kỳ một trái tim sắt đá nào. Mày cứ đợi đấy. Có khi còn sắp bắt đầu một câu chuyện tình lãng mạn ấy chứ!”
Những ngày đi làm đầu tiên, Huệ rối loạn với giấy tờ. Thỉnh thoảng lại thấy nó nhảy bổ vào phòng tôi ca thán: “Khiếp đảm quá, phức tạp quá! Tao chỉ muốn vất quách đống giấy tờ ấy đi.”
Tôi an ủi: “Sẽ quen thôi mà!”
Kỳ lương đầu tiên, Huệ đưa tôi đến một quán ăn Thái Lan. Rồi hai đứa la cà mua sắm hết đứt nửa số tiền. Tôi xót xa, Huệ gắt: “Mày cứ như con mẹ nông dân ấy. Tiền bạc chỉ là phương tiện, cứ tiêu đi thì khắc lại có. Rồi cũng chết cả thôi mà, có ai sống mãi được đâu.”
Công việc của Huệ cũng suôn sẻ. Ba tháng trôi qua mà chưa thấy sếp phàn nàn gì trong cuộc họp. Tuy nhiên, phụ nữ trong cơ quan hình như không ưa Huệ. Tôi thấy ít người gần gũi, trò chuyện với nó. Đôi khi dăm ba chị nạ dòng tụm nhau lại eo xèo bàn tán về cô thư ký. Tôi bảo: “Mày cẩn thận đấy nhé. Đừng hớ hênh chuyện gì kẻo mấy mụ ấy lại được thể buôn dưa lê.” Huệ cười: “Ôi dào, mấy mẹ sề chấp làm gì. Các mẹ thấy tao xinh thì tức chứ tao có làm gì các mẹ ấy đâu. Mày yên tâm đi.”
“Thế sếp cư xử với mày thế nào, tốt chứ?”
“Ừ, hơn cả tốt là đằng khác. Ông sếp này có vẻ thích cái sự ngang ngang của tao.”
Tôi bắt đầu thấy lo lắng. Tôi sợ Huệ sẽ gây ra chuyện gì. Nghe nó nói sếp có vẻ thích nó mà tôi sởn gai ốc. Tôi phải thú thật là chính tôi cũng rất ngưỡng mộ sếp của mình. Vì ngài có chút gì đó rất thâm trầm, mực thước. Ngài có thể là niềm tự hào của bất kỳ cô gái nào. Tôi vẫn ao ước sẽ kén được anh chồng có dáng dấp như ngài. Tuy nhiên, tôi chỉ thầm say mê ngài chứ không bao giờ để lộ điều gì. Tôi luôn cố gắng làm một cô gái có đạo đức tốt. Thỉnh thoảng, Huệ đi công tác xa cùng sếp vài ba ngày, tôi cứ mơ hồ đau khổ. Tôi hình dung ra đủ mọi thứ chuyện trên đời.
Và rồi linh cảm của tôi đã đúng.
Một buổi về nhà Huệ hét vào tai tôi: “Tao có thai.”
Tôi tái mặt: “Không phải với sếp chứ?”
“Thế mày nghĩ là của ai?”
Tôi lặng đi. Và tôi gào lên: “Mày thật quá thể. Sao lại để đến nông nỗi này? Phá thai nguy hiểm lắm.”
“Sao lại phải phá? Tao đang cần có thai để cột thằng cha vào tròng.”
Tôi há hốc mồm kinh ngạc.
“Mày bình tĩnh, để tao nói cho mày nghe kế hoạch của tao. Tao sẽ không bỏ cái thai này đâu. Nó kết quả của một lần sếp say rượu trong chuyến công tác vừa rồi đấy. Tao sẽ mang cái bụng đến và xin sếp một ngôi nhà. Sếp không thể từ chối được đâu vì sếp yêu cái ghế của mình lắm, tao biết. Nếu không, tao sẽ làm rùm beng lên là mất hết.”
Tôi phẫn nộ: “Mày quá tàn nhẫn! Người ta đã cho mày một công việc tốt, vẫn chưa đủ hay sao? Mày làm thế thất đức lắm.”
“Lại dạy đạo đức rồi.” Huệ nằm ườn ra giường: “Mày tưởng tao thích cái việc giấy tờ lăng xăng ấy à? Cái tao cần là một ngôi nhà. Ở Hà Nội này khốn nạn nhất là không có nhà. Tao sẽ đẻ đứa bé này. Để sếp còn có trách nhiệm nuôi nó chứ!”
Tôi bị một cú sốc mạnh đến nỗi ngày hôm sau tôi phải xin nghỉ làm. Huệ đến cơ quan từ sáng sớm, vẫn váy áo, phấn son như mọi ngày. Suốt một tuần sau đó, tôi không nói gì với Huệ. Lòng tôi buồn bã. Có điều gì đó thật bất nhẫn.
Chiều Chủ nhật, Huệ về mang theo một gói ô mai tôi vẫn thích để làm lành. Trên tay nó xoay xoay một chùm chìa khóa. Thành công rồi. Nhà đẹp. Mai tụi mình dọn đến ở nhé. Tao nghỉ làm từ tuần sau.
Họp cơ quan, sếp tuyên bố thư ký Huệ nghỉ làm vì lý do sức khỏe. Cả cơ quan ngơ ngác. Mấy cậu thanh niên tiếc hùi hụi. Sao lại nghỉ nhỉ? Có một cô thư ký xinh đẹp như thế ở cơ quan, dù không làm việc, chỉ đi đi lại lại thôi cũng tăng thêm cảm hứng làm việc cho anh em rồi. Sếp buồn buồn kết thúc buổi họp rất sớm.
Tôi không chuyển đến nhà mới với Huệ. Tôi phản ứng. Huệ bảo: “Thôi được, tùy mày. Nhưng mà tao vẫn phải phiền mày lúc sinh nở đấy. Vì tao không có ai ngoài mày đâu.”
Huệ đi. Tôi khóc suốt một ngày. Giận nó rồi lại thương nó. Lâu lâu tôi ghé qua xem Huệ có gặp khó khăn gì. Bụng nó ngày một to lên. Tôi sẻ cho Huệ nửa tháng lương, nó lắc đầu: “Khỏi cần của mày. Sếp phải cho tao tiền để sống chứ. Con của sếp cơ mà.”
Tôi phải đi miền núi một chuyến, để khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty. Trước khi rời Hà Nội, tôi đưa Huệ đi mua sắm một ngày. Toàn là đồ sơ sinh cho em bé. Sắp đến ngày Huệ “vỡ chum” rồi. Nhìn Huệ đơn độc đi lại trong ngôi nhà rộng thênh thang với cái bụng nặng nề, tôi như thắt ruột lại. Huệ ơi, mày khôn ngoan hay khờ dại? Liệu có cần phải đánh đổi thế này không? Tôi nói: “Sau khi đi công tác về, tao sẽ chuyển đến ở cùng với mày. Đợi tao về rồi hãy sinh em bé nhé.” Huệ cười sằng sặc: “Mày là bạn tốt nhất đời của tao. Mày thương tao lắm, mày bỏ tao sao được?”
Nước mắt tôi ròng ròng.
Một hôm, quãng mười giờ đêm thì tôi nhận được điện thoại của Huệ. Nó rên rỉ: “Mày ơi, tao đau bụng quá. Chắc em bé đòi ra rồi. Tao đến bệnh viện đây. Mày đừng tắt máy để tao còn gọi khi cần nhé.”
Tôi vội vã thu xếp đồ đạc ra ga tàu về ngay Hà Nội. Huệ trở dạ rồi. Không có tôi, nó biết xoay xở một mình thế nào đây. Tôi ngồi trên tàu, mắt cứ nhìn chong chong vào màn hình di động. Tôi sợ hãi khi tàu chạy vào những vùng không phủ sóng. Có chuyện gì với Huệ thì sao.
Trưa hôm sau tàu về đến Hà Nội. Tôi đang rũ rượi với một đống hành lý thì điện thoại reo. Tôi đoán là của Huệ. Nhưng không, một giọng nói rất lạ. Chị có phải là Linh? Tôi là y tá bệnh viện G. Chị Trần Lưu Huệ, bạn chị, có để lại số điện thoại này...
Tôi tất bật chạy tới bệnh viện G. Cô y tá vừa gọi cho tôi nhắc tôi thật bình tĩnh.
“Sản phụ Trần Lưu Huệ được chuyển đến chỗ chúng tôi quá muộn. Cô ấy đã chết.”
“Thế còn con của cô ấy?”
“Thai chết lưu, chúng tôi không làm được gì, rất tiếc.”
Thì ra sau lúc gọi điện cho tôi Huệ xách đồ đi ra đường gọi xích lô để đến bệnh viện. Đêm mùa đông rét buốt, chờ mãi không thấy bóng dáng chiếc xe nào. Đau quá Huệ ngất đi bên lề đường. Đến khi có người phát hiện ra thì Huệ đã lạnh cứng trong vũng máu. Đứa trẻ không kịp chào đời. Huệ được một người lái taxi tốt bụng mang tới bệnh viện nhưng quá muộn. Chỉ có duy nhất số điện thoại của tôi được ghi trên mẩu giấy nhỏ gài ở trên đống tã lót trắng tinh.
Huệ ơi, mày đã khôn ngoan như thế đấy!
Tôi quay máy gọi cho sếp. Vì tôi không biết làm gì. Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng... Tôi gọi về nhà riêng của sếp. Có ai đó nói với tôi rằng sếp vừa đi châu Âu, một tuần nữa mới về.