Mùa đom đóm mở hội - Chương 16

Chương 16. Bách nghệ

Một ngày, bố trở về nhà với cái đầu khác hẳn. Mẹ tấm tắc:

- Trông anh trẻ ra đến mười tuổi. Anh thật tuyệt vời!

Chị Việt bắt chước mẹ:

- Bố trẻ quá! Hoan hô thời hiện đại!

Hoan hô thời hiện đại, đúng vậy. Tỉnh lẻ của chúng ta bây giờ nhiều chuyện kỳ khôi lắm.

Tôi ăn nửa bát cơm, đứng dậy. Đúng bảy giờ, đài truyền hình thị xã đưa tin về buổi lễ khánh thành khu chăn nuôi Kỳ Vọng. Bố xuất hiện trên ti vi, mái tóc hất ngược, trên ngực cài một bông hồng, cặp kính trắng sang trọng. Cả nhà nín thở nghe.

- Xin trân trọng giới thiệu cùng các quý vị, khách mời đáng kính nhất của chúng tôi hôm nay là nghệ sĩ Long Giang, nhà viết tiểu thuyết kiêm nhà viết kịch.

- Xin chào các quý vị. Tôi rất vui mừng đến dự buổi lễ khánh thành khu chăn nuôi Kỳ Vọng. Tôi tin rằng ngành chăn nuôi của chúng ta sẽ phát triển để góp phần thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Bố đứng giữa ti vi, như một nhà hùng biện, cúi đầu chào. Pháo tay nổ ầm ầm.

Mẹ reo lên như trẻ con:

- Chao, họ đổ dồn ánh mắt vào anh kìa. Đông quá! Thật tuyệt vời.

Chị Việt cười khanh khách, niềm tự hào của chị phì hết cả ra gương mặt.

Tôi không nhìn sang bố, nhưng hoàn toàn có thể phác thảo gương mặt bố lúc bấy giờ. Các bắp thịt trên cơ mặt bố sẽ dãn ra, rồi bố cười điệu trác việt của một người hùng. Chiếc mũi của bố sẽ đẩy cặp kính cao lên nhưng cũng trễ xuống một chút. Xem đấy, ra đường, từ bà bán rau cho đến lũ bạn học nhìn chị em chúng tôi như nhìn thánh sống. Chúng tôi là con của một nghệ sĩ vĩ đại thị xã M.

Tôi cãi bố, xưa nay, cả nhà vẫn bảo tôi hỗn:

- Bố mới năm mươi tuổi, chưa già đến mức phải nhuộm tóc đâu.

- Con không hiểu gì. Nghệ thuật thì không có tuổi. Người nghệ sĩ cũng không có tuổi.

- Thế mái tóc bạc và mái tóc đen sẽ nói lên điều gì?

- Chỉ là hình thức thôi. Bố là một nghệ sĩ.

- Vâng, bố là một nghệ sĩ. Con xin lỗi.

Tôi đến trường, trong đầu, câu nói ấy của bố cứ nhảy tưng tưng. Tôi học thuộc nó như một nguyên tắc bất biến. Thậm chí nó trở thành một thói quen xấu, đến nỗi tôi bị đứa bạn ngồi cạnh tát cho một cái vào má vì cho rằng tôi đã giễu cợt nó khi phun ra một câu: “Bạn là người vĩ đại”, lúc nó được thầy giáo khen về bài kiểm tra toán.

Báo Mầm Sáng, cơ quan ngôn luận của tỉnh, thỉnh thoảng in truyện ngắn của bố. Có khi là vở kịch vận động sinh đẻ có kế hoạch, hay tuyên truyền phòng chống bệnh đạo ôn ở hoa màu. Mỗi lần có tác phẩm in, bố về tập hợp cả nhà để đọc cho nghe và bao giờ cũng kết một câu đại loại: “Đấy, nghệ thuật phải như thế, phải vì con người.”

Bố làm thư ký tòa soạn, suốt ngày giấy bút đi về như con thoi. Nhà tôi là nơi tụ hội những bạn bè nghệ sĩ thân quen của bố. Đồng nghiệp, rồi chủ nhà hàng, giám đốc công ty giống cây trồng, xí nghiệp sản xuất nước mắm, v.v... Rất đa hệ. Quan niệm của bố thoáng, tất cả những người yêu văn của bố, tức là yêu nghệ thuật, đều gọi là nghệ sĩ. Thỉnh thoảng họ tổ chức ăn uống tại nhà tôi, say sưa rồi đọc thơ cho nhau nghe. Tất cả đều biết làm thơ. Họ nhờ bố sửa bài và đăng cho họ. Họ giống nhau ở chỗ, đều coi tiền là thứ yếu, lòng ham mê nghệ thuật là trên hết. Họ thích thể hiện mình trên nhiều bình diện. Chẳng hạn, báo Mầm Sáng in bài thơ Hẹn hò của chú Đặng Văn Bất, bên dưới bài thơ mở ngoặc một câu rất giá trị bổ sung: “Tác giả kiêm giám đốc xí nghiệp gà giống.” Thế là thiên hạ lại xôn xao: “Đấy, các vị xem, ông ta không chỉ biết mỗi cám và trứng, mà còn là một thi sĩ lãng mạn.”

Những người này đều rất mực sùng kính bố. Họ coi bố là thầy dạy văn chương. Họ đưa bố lên ngang tầm vĩ nhân thời đại. Quả là xứng đáng.

Nhưng bố chưa hẳn đã là người hạnh phúc nhất. Có lẽ là mẹ. Mẹ thường nói với hai đứa tôi rằng: “Đàn bà hạnh phúc nhất là được nhờ chồng. Đàn bà hãnh diện vì chồng. Chúng mày xem bố đấy!”

Thế là tôi quyết định khi nào lớn lên sẽ lấy một ông chồng văn chương tỉnh lẻ.

Tôi rất sợ những ngày bố được mời đi phát biểu ở đâu đó. Tất nhiên là những lời lẽ hay ho đã được bố chuẩn bị kỹ càng từ vài hôm trước. Lúc sắp đi, bố tập hợp cả nhà lại, đọc cho mọi người nghe để góp ý kiến. Mẹ bao giờ cũng hăng hái tham gia bình phẩm, thêm bớt nhất: “Chỗ này hay, chỗ này phải thêm vài từ cho có vần điệu. Đấy, anh phải nói thế mới hợp với vai trò, vị trí của mình.” Chị Việt thì khen hay tuốt. Tôi góp mặt nhưng chỉ để ngủ gật trên đi văng mà thôi.

Tôi nhớ năm ngoái, đại hội bình xét thi đua ở cơ quan bố được đưa lên ti vi. Có một sự kiện đáng ghi nhớ là bố và một người đàn ông khác nói chuyện bằng tay. Bố nhoài người qua ghế còn ông kia đứng phắt dậy làm đổ lọ hoa trên bàn. Các ngón tay phát huy tác dụng chỉ trỏ kịch liệt. Máy ghi hình, tất nhiên đã không bỏ sót chi tiết ấy. Dĩ nhiên là cả tỉnh được xem bố làm thơ bằng tay. Bố giận bọn nhà báo lắm. Mẹ lầm rầm xui bố đi kiện. Tôi chạy từ phòng khách vào buồng mình, quấn chăn bông quanh đầu và cứ thế đập đầu xuống giường, rồi hôm sau bỏ học.

Tôi bắt đầu nghĩ đến sách. Tôi thấy mình cần phải đọc sách. Ở trường cô giáo thường bảo tôi rằng không phải cô, mà cha mẹ mới thực sự có nhiều ảnh hưởng nhất đến hành vi của con cái. Tôi sợ lây nhiễm một điều gì đó, rất mơ hồ. Không thể hiểu nó là cái gì, nhưng dứt khoát là không yên ổn. Tôi nằm trên gác xép ngốn sách. Mẹ hạnh phúc vì bố nổi tiếng, còn tôi hạnh phúc vì gia tài sách mới toanh bố mua về để dành. Bố định khi nào nghỉ hưu sẽ dành thì giờ đọc sách. Bố thường không đọc sách của người khác viết, nhưng lại muốn người ta phải đọc tất cả những gì bố viết ra.

Một buổi chiều, vào giờ ra chơi, cái An rỉ vào tai tôi một câu làm tôi tái mặt. Chúng tôi bỏ học, phóng vù ra đường Thanh Niên. Đến ngã tư, chúng tôi vào quán cà phê Hồng Ngọc đối diện nhà hàng Sao Băng.

Tôi miên man suy nghĩ về mái tóc của bố. Thế nào nhỉ, chân tóc đã dài ra và lấm tấm bạc. Những sợi tóc bạc cứ đội làn da mà nhô lên như một sự thách thức với thời gian. Đầu của bố nửa đen nửa trắng. Bao giờ thì bố nhuộm lại đây?

- Tin chưa? - An vỗ vai tôi rồi hất hàm sang bên kia đường.

Tôi nhìn ra bố của mình sánh vai với một cô xinh như mộng. Chiếc váy ngắn của cô ấy xập xòe. Ái chà, con gái tỉnh lẻ mà mốt hơn cả người Hà Nội kia đấy.

An nhìn tôi giễu cợt và dò xét. Cuối cùng nó bình phẩm:

- Trẻ nhỉ? Cặp giò nhìn miễn chê.

- Ừ, miễn chê.

Tôi nghĩ đến mẹ. Chân mẹ làm sao dài thế được. Mẹ thua cô ta cả tuổi trẻ cơ mà. Ôi, mẹ đáng thương, bố là nghệ sĩ và bố không có tuổi, còn mẹ sắp năm mươi rồi.

Tôi khều sang An, nói một câu ráo hoảnh:

- Đừng nói chuyện này với ai, An nhé. Có gì đâu, bố tớ vui vẻ tí, vì bố tớ là một nghệ sĩ mà.

- Đúng vậy, bố bạn là một nghệ sĩ. Hoan hô! - An nhếch môi, chả buồn nhìn tôi dù chỉ là nửa cái liếc mắt.

Tôi trở về nhà, quăng xe đạp ra ngoài hiên mặc kệ cho nó chổng ngược lên trời rồi hằm hằm đi vào. Tôi quyết định chổng ngược tất cả mọi thứ ở cái nhà này lên. Mẹ tất tả chạy ra khi tôi đang lật ngược cái vô tuyến trên nóc tủ. Mẹ la ầm ĩ như thể tôi là kẻ cắp. Tôi bảo mẹ:

- Sắp tới cả nhà sẽ đi bằng hai tay.

Mẹ đập hai bàn tay lấm lem xuống bàn, bảo rằng tôi bị ma đưa lối, quỷ dẫn đường rồi. Trong cơn tức giận mẹ già đi đến mười tuổi.

Tôi khựng lại nhìn mẹ. Cần phải ngắm mẹ cho kỹ. Sao hôm nay tôi mới nhận ra tóc trên đầu mẹ đang bạc nhỉ? Mẹ năm mươi tuổi. Cái cô chiều nay sánh vai cùng bố là mẹ của mấy chục năm về trước. Xa quá rồi. Bây giờ thì mẹ có nhu cầu gì nữa đâu. Mẹ chỉ cần ngồi mà gặm nhấm sự nổi tiếng của bố. Mỗi ngày mẹ chỉ cần được nói vài câu: “Anh tuyệt lắm”, thế là đủ. Mẹ không cần đi ra đường xem thiên hạ người ta sống như thế nào. Mẹ yêu cái khoanh bếp với dao thớt, bát đĩa và chờ xem ti vi buổi tối. Mẹ đơn điệu thế đấy. Mà bố thì là nghệ sĩ.

Tôi chỉ nghĩ mà không đủ can đảm để nói với mẹ. Tôi nghe trong mình dâng lên một thứ cảm giác gần như xót xa. Lẽ ra phải làm gì đó khác hơn là đứng lù lù ở đấy thì tôi lại không làm được. Tôi hèn.

Bố nằm ngả người trên đi văng đọc báo và chờ mẹ pha nước tắm. Mẹ đã quá quen với hạnh phúc nô dịch của một người phụ nữ. Tôi tiến đến gần bố, dập gót cái điệu bộ tôi học được trong buổi tập quân sự lúc chiều.

- Chào bố! Bố tuyệt lắm.

Cặp kính trắng của bố hơi ngơ ngác. Sau vài giây bố trở về với phong thái đon đả của một nhà đại trí thức.

- Con lại đây. - Bố dúi vào tay tôi tờ báo. - Con đọc đi, truyện ngắn của một con bé ranh con nào ký tên là Thịnh Tâm ấy. Văn chương mà như thế được à? Ngôn ngữ thì nông dân hết mức, nhân vật thì nổi loạn đến phi thực tế. Phi thực tế. Cứ thế này thì xã hội chẳng còn kỷ cương gì nữa. Bố phải viết một bài phê bình để trừ khử cái loại văn chương này. Chứ không thì lớp trẻ hỏng mất thôi.

Tôi hết nhìn tờ báo rồi lại nhìn sang bố. Cuối cùng thì tôi quyết định nói:

- Vâng, đúng vậy, bố thật tuyệt vời!

Tôi về ở với bà. Cứ chán ở với bố mẹ là tôi nghĩ ngay đến bà. Tôi ăn trộm sách của bố mang đi. Ở nhà mình, tôi không được thừa hưởng gì ngoài sách. Tôi mang về quê để đọc trong lúc bà làm vườn. Nơi đây bình yên biết bao. Tôi cố gắng đọc hết tủ sách của bố trước khi bố về hưu. Bố, may ra bố mới cần đến thứ này khi đã về hưu mà thôi.

Thị xã không đủ mạnh để phát triển thành một thành phố nhưng cũng không đủ dân dã để trở về nguyên thủy một vùng quê. Bố ở đấy, hằng ngày bố thường lên đứng giữa ti vi. Cả nhà sẽ nghe giới thiệu: “Nghệ sĩ Long Giang, nhà viết tiểu thuyết kiêm nhà viết kịch.” Các ông chủ nhà hàng, giám đốc chăn nuôi vẫn cứ làm thơ và gia nhập giới nghệ sĩ thị xã. Mẹ vẫn cứ nấu cơm ngày ba bữa và tấm tắc: “Anh tuyệt lắm.” Chị Việt vẫn cứ cưỡi xe đi bát cung mây. Nhà bà không có ti vi và tôi không thể thấy bố xuất hiện trên ti vi nữa.

Nhưng tôi vẫn đang chờ đợi bài phê bình của bố về truyện ngắn của cô bé có bút danh Thịnh Tâm. Bởi vì, không ai khác, Thịnh Tâm chính là tôi.

1996

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3