Mùa đom đóm mở hội - Chương 13
Chương 13. Vết thương ngày cũ
Khi máy bay hạ cánh, tôi thấy ngực mình nhói đau. Vết sẹo ở tay nhưng nhức. Hà Nội đã chớm thu. Và tôi đã xa thành phố xinh đẹp này đúng hai năm. Tôi luôn ngạc nhiên một điều là ở trời Tây, dù thời tiết có lạnh bao nhiêu, vết sẹo trên tay tôi chẳng khi nào nhức buốt. Chỉ có không khí chuyển mùa dịu dàng mà thấm thía của Hà Nội mới cho người ta cái cảm giác xót xa trong da thịt. Chỉ có cái lạnh của gió heo may mới làm cho lòng người sống dậy những kỷ niệm tưởng chừng đã ngủ quên, đã chết đi cùng thời gian. Những đêm mùa đông Paris lạnh giá thỉnh thoảng có làm tôi nhớ tới mẹ, nhưng tôi hầu như không nhớ về phiên tòa buổi sáng mùa thu ấy. Tôi cũng không nhớ khuôn mặt của bố tôi nữa. Nhưng trong giây phút máy bay sắp hạ cánh này thì tôi nhớ rõ rệt. Tôi nhớ rằng buổi ấy bố tôi mặc chiếc áo sơ mi màu xám, mặt phừng phừng. Dường như trước khi đến tòa ông có uống chút rượu. Còn mẹ tôi, bà mặc chiếc váy nhung màu đen u buồn. Tóc bà không búi, cũng chẳng điểm tô gì. Nhưng mà hôm đó trông mẹ đẹp hơn cả lúc trang điểm. Và hai người đã cãi nhau rất ầm ĩ ở tòa. Đến khi tòa hỏi tôi, rằng cháu thích ở với ai thì tôi im lặng. Tòa hỏi đến lần thứ ba tôi vẫn đang suy nghĩ. Tôi nhìn sang bố, ánh mắt bố như cầu khẩn: “Con gái yêu, hãy ở với bố, bố rất yêu con.” Tôi nhìn sang mẹ, ánh mắt mẹ như van lơn: “Mẹ rất cần con.” Và, không hiểu sao tôi lại lắc đầu trước tòa. Thế là nổ ra một cuộc chiến tranh, hai bố mẹ tranh giành quyền nuôi tôi trước tòa. Mỗi người chộp lấy một cánh tay tôi, kéo về phía mình. Bố giật tay tôi mạnh đến nỗi cánh tay tôi tím tái đi và vết xước bắt đầu rỉ máu. Sau nhiều cú đập bàn tòa đã chấm dứt được cuộc hỗn chiến. Tôi khóc vì nỗi đau thể xác. Và vì vết thương bố gây nên cho tôi mà mẹ có lợi thế hơn. Mẹ được phép nuôi tôi.
Nhiều năm sau này, bố con tôi thường gặp nhau trong cảnh đứng trong cửa sắt còn bố đứng ngoài. Vì mẹ không cho bố vào nhà. Mẹ bảo bố độc ác, lúc nào cũng có âm mưu bắt cóc con gái của mẹ. Bố hôn tôi bằng cách tôi chìa má qua khe cửa. Thỉnh thoảng cũng có một cuộc khẩu chiến ầm ĩ giữa bố mẹ. Bố đứng ngoài cửa sắt nói vọng vào còn tiếng mẹ té tát từ trong nhà vọng ra. Tôi nhận lấy tình yêu và sự chăm sóc của cả hai người lẫn trong những cuộc cãi vã như vậy mà lớn lên. Rồi một ngày, bố không đến thăm tôi nữa. Nghe mẹ bảo bố đã lấy vợ, rồi cả gia đình mới của bố chuyển vào Vũng Tàu sinh sống. Tôi không buồn cũng chẳng vui. Rồi mẹ cũng rước về nhà một chú với cà vạt, com lê chỉnh tề. Chú ở với mẹ con tôi chừng nửa năm thì ra đi không quay lại một lần nào. Tôi không bao giờ nhớ tuổi của mình. Tôi chỉ nhớ tới những kỷ niệm. Trời cho tôi một tính cách đặc biệt, đó là tôi không hỏi nhiều như những đứa trẻ khác. Chuyện gì xảy đến với người lớn đều không làm tôi ngạc nhiên, buồn khổ. Chú cà vạt, com lê biến mất tôi cũng không hỏi mẹ lấy một câu. Nhưng hình như chú cà vạt để lại cho mẹ rất nhiều tiền. Bởi sau đó tôi thấy mẹ sắm sanh thêm nhiều thứ. Mẹ mua nhiều áo quần đẹp. Tuần nào mẹ cũng dắt tôi đi ăn kem. Thỉnh thoảng mẹ mua vé hai mẹ con đi tàu. Thường là mẹ không thăm ai. Đến một ga nào đó mẹ dắt tôi xuống, thuê xe đi loanh quanh một vòng rồi lại đợi tàu ngược về Hà Nội. Hình như mẹ muốn ngắm nhìn một vài kỷ niệm nào đó. Trên tay tôi có một vết sẹo khá dài, thỉnh thoảng trước khi trời mưa tôi thấy hơi đau đau. Nhưng tôi không kêu với mẹ. Vì tôi biết, mẹ sẽ lại dành hàng giờ để ca cẩm về bố tôi: “Cái gã cục súc ấy.”
Không thấy mẹ rước chú cà vạt, com lê nào về nhà ở nữa. Mẹ cứ sống vậy cho đến khi tôi mười chín tuổi. Cứ sống, tôi không hiểu mẹ và mẹ không hiểu tôi nhiều lắm. Hoặc là tôi và mẹ chỉ âm thầm hiểu nhau chứ ít khi tâm sự.
Rồi một buổi mẹ đưa dì Thiết về ở cùng. Thiết hơn tôi một tuổi, cao gầy và hay làm nũng. Thiết là con gái bà vợ hai của ông ngoại tôi. Tôi phải gọi Thiết bằng dì. Nhưng tôi thích gọi Thiết bằng cái tên trống không. Mà Thiết cũng thích thế. Mẹ để Thiết ở một căn phòng rộng nhất trên tầng hai. Thiết là vũ công của một vũ đoàn. Tối nào Thiết cũng phải đi diễn. Phòng của Thiết tràn ngập loa đài, băng đĩa. Cứ về đến nhà là Thiết mở nhạc ầm ầm để nhảy nhót. Kỳ lạ thay là hai mẹ con tôi đều không lấy đó làm khó chịu. Hình như có Thiết tới căn nhà của chúng tôi nhiều sinh khí hơn.
Cách sống của Thiết buồn cười lắm. Ngày nào Thiết cũng ngủ dậy lúc mười hai giờ trưa. Thiết ngồi trước gương mất thêm vài tiếng đồng hồ và cũng chừng vài tiếng đồng hồ cho việc thử quần áo. Thiết luôn buộc tóc đuôi gà cao chót vót tận đỉnh đầu, đi đến đâu là cười nói rổn rảng đến đó. Thiết bảo Thiết luôn mơ ước được trở thành ca sĩ, được giàu có và nổi tiếng chứ không bọt bèo như cái nghề nhảy múa phụ họa này. Cơ mà Thiết lại không biết hát.
Mẹ tôi mất năm tôi mới tròn hai mươi tuổi. Chết vì căn bệnh ung thư tử cung. Những ngày cuối cùng, mẹ tiết lộ với tôi thực ra mẹ muốn có thêm một đứa con trai với chú com lê, cà vạt nhưng không được. Ngày đưa tiễn mẹ, bố tôi có về mang theo một cậu bé tám tuổi hồng hào như búp bê. Bố xem vết sẹo trên tay tôi và hỏi: “Con còn đau không?” Và tôi nói: “Con không đau nữa.” Thời kỳ ấy tôi ít nghĩ về vết sẹo. Bởi vì tôi đang yêu. Khanh là mối tình đầu của tôi. Khanh có cái tên và gương mặt đẹp. Tôi đã yêu Khanh mê mệt mà không thèm quan tâm xem anh từ đâu tới và anh yêu tôi nhiều như thế nào. Tôi làm tất cả vì Khanh. Khi người ta hai mươi tuổi, người ta điên rồ một cách trong sáng, người ta yêu bằng tất cả những gì người ta có, không đắn đo, hối hận. Ngày đó tôi sến như tất cả những cô gái mới vào đời khác, tôi tan nát cõi lòng vì những thứ tài vặt của Khanh, tài hát hay đàn giỏi, tài thỉnh thoảng lại rót mật vào tai mình những câu thơ có nhiều bướm ong và mây trắng. Có những buổi chiều mưa, tôi và Khanh ngồi bên cửa sổ, những ngón tay dài và mềm của Khanh lướt trên cây ghi ta gỗ làm tôi ngây ngất. Đôi khi có Thiết ở nhà những buổi không phải biểu diễn. Và Thiết nhảy. Khanh chơi đàn và Thiết nhảy.
Nhưng đôi khi, tình yêu cũng thích chơi khăm sự mơ mộng của con người. Tôi sợ hãi những lần nhìn Khanh rít thuốc lào. Tôi muốn Khanh hút thuốc lá cho có vẻ sang hơn, lịch lãm hơn. Rồi Khanh bắt đầu vay tôi tiền. Tôi nhận thấy từ khi bỏ thuốc lào, hút thuốc lá Khanh thường xuyên vay tiền của tôi. Khanh tiêu tiền của tôi hồn nhiên như thể chúng tôi đã là vợ chồng. Tôi bắt đầu chán ngấy. Tôi có nhiều tiền, bởi mẹ dành lại cho tôi một gia tài. Nhưng tôi là một phụ nữ. Và dường như trong đáy sâu bất kỳ người phụ nữ nào cũng đều suy nghĩ, đều cần một người đàn ông không bao giờ đụng đến tiền bạc của mình.
Tôi không ngờ là tôi có thể ghê tởm Khanh nhanh đến như vậy. Cho dù tôi vẫn rất mê anh mỗi khi nhìn anh hát. Nhưng tôi đã biết là Khanh không có tiền. Khanh nghèo, và hơn thế Khanh quá ít lòng tự trọng. Một người đàn ông dù nghèo đến đâu cũng phải biết giữ lòng tự trọng.
Một tối, sau khi ngồi quán cà phê về, tôi và Khanh chả buồn hôn nhau. Nói đúng hơn là tôi chán. Tôi chủ động chấm dứt mối tình với Khanh. Tôi nói rành rọt, em đã hết yêu anh. Từ mai chúng ta mỗi người một con đường. Khanh bảo, em kỳ quặc thật, có chuyện gì thì nói ra để chúng ta cùng rút kinh nghiệm chứ sao lại có thể nói chia tay đơn giản thế được. Tôi nói không có chuyện gì cả. Nhưng Khanh điên lên và hỏi rất nhiều câu tại sao. Cuối cùng tôi hét lên một cách thô lỗ, rằng tôi không yêu nổi một người đàn ông cứ nhìn thấy mặt tôi là vay tiền nữa. Cho dù anh ta có rút kinh nghiệm.
Đêm ấy, vì buồn nên tôi không ngủ được. Tôi sang phòng Thiết. Thiết mở nhạc và dạy tôi nhảy. Tôi và Thiết nhảy cùng nhau cho tới sáng. Thiết bảo, Khanh được đấy chứ, bỏ uổng lắm. Tôi cười đi về phòng. Tôi ngủ suốt một ngày và nhảy nhót trong suốt giấc mơ dài.
Giá mà Khanh mất tích khỏi cuộc sống của tôi từ buổi ấy thì tôi đã không có hai năm học hành lớt phớt tận trời Tây. Chừng nửa tháng sau, khi trở về nhà tôi đã thấy Khanh ngồi nghiêng đầu bên cửa sổ chơi đàn cho Thiết nhảy. Tiếng cười của Thiết chói chang cả khu nhà. Thiết qua phòng, véo mông tôi đau điếng, giọng ỡm ờ: “Này, dì mê Khanh thì có còn ghen không đấy?” “Không.” Tôi đáp chỏng lỏn và rơi tự do xuống đệm, vùi mặt vào cái gối bông to tướng. Thiết cười lăn lóc, cầm tay giật tôi ngồi dậy khiến vết sẹo trở nên đau đớn. Thiết nhìn vào mắt tôi ranh mãnh, nói còn yêu Khanh đi thì dì buông hắn ra cho. Tôi cười khẩy, Thiết cứ vô tư đi. Và lại rơi tự do xuống đệm.
Nhưng tôi đã không bình thường được khi ngày nào cũng thấy Khanh hiện hữu trong nhà. Mà Thiết lại trở nên vui tươi khác thường. Thiết trầm trồ, khen Khanh hát hay kinh khủng. Tôi hỏi: “Yêu à?” Thiết liếc xéo tôi: “Ừ, mê lắm, nhưng chưa yêu. Mà nếu yêu thì có sao không đấy?” Tôi đáp: “Không sao.”
Tôi đi Paris tu nghiệp chuyên ngành răng hàm mặt. Đó là một quyết định cho tới giờ tôi vẫn không hiểu là đúng hay sai. Nhưng khi đó tôi thực sự muốn được bay tới một vùng trời thật mới mẻ, thật khác lạ. Tôi thấy chán ngắt những gì đang có và đang sống. Tôi có viết thư cho cha đôi lần kể lể chuyện học hành. Mỗi lá thư đều được cha hồi âm. Lần nào cha cũng hỏi thăm vết sẹo của tôi còn đau không. Thiết không gửi thư cho tôi. Tôi đoán Thiết không có thì giờ. Nhưng thảng hoặc một năm đôi lần Thiết gọi điện cho tôi, vẫn vui vẻ, hồn nhiên như thuở nào. Tôi kể cho Thiết nghe về xứ sở tôi đang sống, còn Thiết ngô nghê vài lời về công việc, tình yêu. Thực sự thì tôi không nạp những lời Thiết nói vào đầu. Bởi mỗi ngày tôi thấy khoảng cách giữa tôi và Thiết càng xa vời. Tôi không học được gì nhiều ở xứ người. Tôi đã có hai năm tràn ngập cảm giác tha hương và cô đơn đến tận cùng trái đất. Tôi có kết bạn với mấy anh chàng mắt xanh, da trắng, có uống rượu ở quán bar mỗi lúc buồn nhưng tôi đã không yêu một ai. Tôi mơ thấy mẹ thường xuyên trong những đêm ngoài trời phủ đầy tuyết trắng. Chính nơi ấy tôi đã nói chuyện với mẹ rất nhiều. Tôi không tin cuộc đời của mỗi người lại ngắn ngủi và nhiều rắc rối đến thế. Tôi và mẹ, mãi mãi chưa bao giờ hiểu được nhau.
Và lúc này, khi máy bay hạ cánh, tôi lại nghĩ nhiều hơn về cha. Trong thư, cha luôn tự hào rằng cha đang hạnh phúc. Khi cánh tay tôi nhói buốt cũng là lúc tôi ngộ ra rằng thực ra cha không hạnh phúc. Bởi vì chính tôi là nỗi bất hạnh đang hiện hữu của cha. May sao, tôi còn có Thiết.
Thiết đón tôi ở phía ngoài cửa kính phòng chờ. Tóc vẫn để đuôi gà như hai năm về trước. Thấy tôi, Thiết nhảy lên reo hò ầm ĩ. Cứ ngỡ như chỉ cần có nhạc thôi là sân bay sẽ hóa thành vũ trường của Thiết. Tôi và Thiết ôm lấy nhau như hai người xa lạ. Mà không, hai người thân quen. Thiết nói nhỏ vào tai tôi, còn một người nữa. Đứng phía sau là Khanh, có vẻ gì nhang nhác giống chú com lê, cà vạt của mẹ ngày xưa. Khanh cười. Vẫn đẹp trai như thế và tôi thì không còn mảy may xúc động. Tôi gật đầu chào.
Chúng tôi lên xe. Ôi chao là còn có Thiết. Thiết liến thoắng về chuyện con chó, con mèo ở nhà ra sao. Thiết và Khanh đang đầu tư để thành lập một ban nhạc. Khanh đã dạy Thiết hát. Thiết nói ước mơ thành ca sĩ của Thiết đang dần trở thành hiện thực. Rồi Thiết ngả đầu vào vai Khanh, Thiết nói, cuối năm nay họ sẽ cưới nhau, sẽ làm album đầu tay trước khi tổ chức lễ cưới, chắc chắn họ sẽ thành công trong âm nhạc vì họ tràn đầy say mê và tình yêu. Thiết học thuộc bài nói ở đâu đó và Thiết luyện giọng quá ư ngọt ngào. Lúc này sao tôi thèm được như Thiết quá, thèm được yêu đời như thế, tràn đầy ước mơ viển vông như thế. Cuộc đời thật tẻ nhạt làm sao khi ta cứ mãi ngồi ôm cái quá khứ trẻ thơ buồn bã của mình. Nhưng vì tôi chưa từng là trẻ thơ nên có lẽ tôi đã không thể hồn nhiên như Thiết. Thỉnh thoảng Khanh có liếc sang tôi một chút. Không thấy Khanh hút thuốc như hôm nào. Và tác phong dường như cũng chừng mực hơn. Khanh hỏi những ngày qua có tốt không? Tôi trả lời rất tốt.
Buổi tối, chúng tôi ăn cơm ngoài ban công. Ngay cả trong bữa ăn Thiết cũng hát đôi ba bài. Khanh im lặng ăn và nghe Thiết hát. Rồi mặc kệ bát đĩa, Thiết bật nhạc và bắt đầu nhảy, bảo là để chiêu đãi mừng tôi trở về. Tôi và Khanh ngồi vỗ tay như khán giả. Tôi biết là Khanh yêu Thiết lắm, bởi vì đôi mắt của Khanh đã nói lên điều đó. Cây nến cháy hết, tôi cáo mệt về phòng nghỉ. Thiết và Khanh tiếp tục bữa tiệc hai người ngoài ban công.
Trong giấc ngủ chập chờn, tôi cảm thấy có ai đó vòng tay ôm ngang lưng mình. Thì ra Thiết. Thiết hỏi: “Ngủ chưa?”
Tôi đáp: “Chưa.”
Thình lình, Thiết lật ngược tôi lại, xía tay vào nách cù tôi, hỏi tiếp: “Vẫn yêu Khanh à?”
“Không.”
“Thật?”
“Thật!”
“Sao buồn?”
Tôi cười cười trong cơn ngái ngủ: “Buồn vì nhớ đến mẹ thôi mà.”