Sự Cám Dỗ Cuối Cùng - Chương 05 - Phần 3
Giản Nhu xuống xe, thở dài một hơi. Thì ra đây chính là cảm giác làm ngôi sao, được nhiều người biết đến, được nhiều người quan tâm, tất nhiên cũng bị nhiều người nghi ngờ. Dù thế nào bạn cũng phải đối diện bằng gương mặt tươi tắn. Một khi không kìm nén được tâm trạng, bạn sẽ chết chìm trong “nước bọt” của khán giả.
Bà mợ đã chờ sẵn ở cổng. Nhìn thấy Giản Nhu xuống xe, bà liền nhiệt tình đi tới tiếp đón. Dù cô nhấn mạnh mình còn bận việc, bà vẫn cố tình kéo cô đi vào trong khu tập thể. “Lâu lắm cháu mới về đây một chuyến, lên nhà ngồi chơi đã!”
“Nhưng cháu...”
“Không phải bây giờ là ngôi sao, cháu khinh thường họ hàng nghèo đấy chứ?”
“Không phải đâu ạ! Cháu có hẹn một người bạn ăn cơm, sợ không kịp giờ ạ!”
“Bây giờ mới hơn hai giờ chiều, thừa thời gian. Lên nhà một lát thôi mà, cậu cháu đang đợi cháu đấy!”
Cuối cùng Giản Nhu cũng không đấu lại sự nhiệt tình của bà mợ, đành đi theo bà vào khu tập thể. Nơi này không thay đổi nhiều, vẫn là cánh cổng sắt tróc sơn, lối đi lát đá. Điều duy nhất thay đổi là xuất hiện nhiều xe hơi, đỗ chen chúc trong cái sân chật hẹp nên trông rất loạn.
Giản Nhu tránh lối đi lát đá từ cổng vào, đi vòng qua lối khác lên cầu thang. Cầu thang màu xám mờ xuất hiện trước mặt cô. Cô còn nhớ rõ có tất cả một trăm bậc, bởi vì kể từ lúc hiểu chuyện, hằng ngày bố cô đều bế cô lên xuống cầu thang. Ông bước rất chậm, ôm chặt cô vào lòng, tựa như sợ không cẩn thận, con gái sẽ bị rơi xuống.
Sau đó bố dắt tay cô leo cầu thang. Ông cố gắng bước thật chậm, nhẫn nại chờ đợi con gái. Khi lớn hơn một chút, cô thường chạy xồng xộc lên cầu thang, chỉ hận không thể bay vào nhà. Bố đi đằng sau, không ngừng hét lớn: “Nhu Nhu! Chậm một chút! Cẩn thận không ngã đấy!”
Bốn năm trước, Giản Nhu tận mắt chứng kiến người mà cô yêu thương nhất là bố rơi từ tầng cao xuống, đầu đập xuống nền đá, máu chảy lênh láng, nhuộm đỏ những viên đá màu xám trắng. Kể từ lúc đó cô không dám quay về ngôi nhà này, sợ mơ thấy ác mộng. Hôm nay, nếu không phải bà mợ quá nhiệt tình, cô tuyệt đối không bước chân vào đây.
Giản Nhu leo cầu thang một cách khó nhọc, mãi cũng lên tới nơi. Cánh cửa màu táo đỏ quen thuộc mở ra, gương mặt thân thiện của cậu ruột hiện ra trong tầm mắt cô. Nhiều năm không gặp, trông cậu vẫn thế, ngoài hai bên tóc mai đã điểm bạc.
“Tiểu Nhu! Mau vào nhà đi!” Ông lên tiếng. “Hình như cháu gầy đi nhiều.”
Có lẽ bởi vì cậu có gương mặt hơi giống mẹ nên Giản Nhu cảm thấy đặc biệt gần gũi. Thật ra cô vốn không mấy thân với cậu. Bởi hai mươi năm trước, mẹ cô đã chuyển tới Bắc Kinh, còn cậu vẫn sống ở quê nhà, một thành phố nhỏ giá lạnh thuộc miền Bắc. Hồi nhỏ, mẹ cũng từng đưa hai chị em Giản Nhu về quê một lần. Lúc đó mới là đầu mùa đông nhưng thành phố đã được bao phủ bởi lớp tuyết dày. Phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy một màu tuyết trắng và bầu trời xám xịt. Cô vốn sợ lạnh nên không chịu đi ra ngoài, cả ngày ngồi bên bếp lửa trò chuyện với bà ngoại.
Sau đó bố cô xảy ra chuyện, chân Giản Tiệp lại bị thương, cần một khoản tiền lớn làm phẫu thuật. Ông cậu không nói một lời, đưa cho mẹ cô toàn bộ số tiền dành dụm của mình. Lúc bấy giờ, lần đầu tiên Giản Nhu cảm nhận một cách sâu sắc từ “cậu ruột”.
Cô rút từ túi xách ra phong bì tiền đã chuẩn bị sẵn, đưa cho cậu. “Cháu nghe nói chị Tây Tây sắp mua nhà. Hiện tại, cháu chỉ có từng này, chẳng biết có đủ không. Nếu không đủ, cháu sẽ nghĩ cách khác.”
Ông cậu chau mày, xua tay. “Cháu cứ cất đi! Mợ cháu cũng thật là... Chẳng chịu bàn với cậu một tiếng đã gọi điện cho cháu. Cháu còn đi học, kiếm được đồng tiền không dễ dàng. Làm sao cậu có thể dùng tiền của cháu chứ?”
Bà mợ vội nói: “Vừa rồi biết cháu mang tiền đến đây, cậu cháu đã mắng mợ một trận, bảo mợ không nên gọi điện cho cháu. Tại mợ sốt ruột quá, chỉ muốn nộp ngay khoản thanh toán đầu tiên, tránh đêm dài lắm mộng. Mợ không vay được tiền nên mới gọi cho cháu. Cháu cũng biết đấy, bây giờ giá nhà đất ở Bắc Kinh tăng khiếp đi được.”
Giản Nhu nhìn thấy vẻ nôn nóng và khó xử trên gương mặt bà mợ, giống hệt mẹ cô lúc Giản Tiệp cần làm phẫu thuật. Nếu khi đó cậu không đưa hết tiền tiết kiệm cho mẹ, chắc cũng không đến nỗi khó khăn như bây giờ.
Nghĩ đến đây, cô liền dúi tiền vào tay bà mợ. “Mợ cứ cầm tạm số tiền này trước đi! Khoản thanh toán đầu tiên đã đủ chưa ạ? Còn thiếu bao nhiêu nữa? Cháu có thể mượn bạn.”
“Chuyện này...” Bà mợ liếc nhìn ông cậu rồi lại trả lại cô. “Không cần đâu. Để mợ thử hỏi họ hàng ở quê xem sao.”
Nhận ra cậu thật sự không muốn nhận tiền của mình, Giản Nhu cũng chẳng nài ép, chuyển đề tài khác trò chuyện với cậu mợ.
Nhắc đến chuyện chị họ chuẩn bị kết hôn, Giản Nhu mới hỏi chị định mua nhà ở đâu, rộng bao nhiêu mét vuông. Bà mợ lập tức lấy catalogue quảng cáo cho cô xem. “Cháu xem căn hộ này, tám mươi lăm mét vuông mới có hai triệu ba trăm ngàn. Mợ phải xếp hàng cả đêm mới cướp được số đẹp đấy! Ngày mai mà nộp tiền còn có thể được giảm năm phần trăm.”
“Vậy ạ? Vị trí đẹp thế khó mua được với giá này.”
“Thì vậy đó!”
“Nhà anh rể không bỏ thêm ít tiền sao ạ?”
“Nhà họ cố gắng hết sức mới gom được ba trăm ngàn. Đừng nói lo thêm một trăm ngàn, bây giờ mười ngàn họ cũng không kiếm nổi ấy chứ!”
Ông cậu ho khan một tiếng. Ý thức được mình hơi nhiều lời, bà mợ liền chuyển đề tài: “Mải nói chuyện nên quên mất, để mợ gọt táo cho cháu ăn nhé!”
“Mợ để cháu làm cho.” Giản Nhu vừa gọt táo vừa thầm tính toán. Sau khi nộp tiền nhà và học phí, thù lao đóng phim của cô chỉ còn hơn bảy mươi ngàn. Kể cả không gửi sinh hoạt phí cho Giản Tiệp đồng thời tiết kiệm chi tiêu, đợt thanh toán mua nhà đầu tiên của cậu mợ vẫn không đủ.
Tuy Uy Gia đối xử với cô không tồi nhưng anh ta là người coi đồng tiền như sinh mạng. Nhạc Khải Phi thuộc dạng không quan tâm đến tiền bạc nhưng nếu vay anh ta, chắc cô phải bán thân mất.
Thật ra Giản Nhu cũng không quá nghĩ ngợi nhiều về chuyện bán thân. Nhưng theo sự hiểu biết của cô về Nhạc công tử, anh ta thích phụ nữ có chút nội hàm, chứ giá cả rõ ràng sẽ khiến anh ta mất hứng.
Ngẫn đi nghĩ lại, Giản Nhu rút di động, tìm đến cuộc gọi nhỡ cuối cùng. Để Trịnh Vĩ có thời gian suy nghĩ và viện lý do từ chối, cô gửi một tin nhắn cho anh: “Thật ngại quá! Em có việc cần anh giúp đỡ. Anh có ba mươi ngàn nhân dân tệ không?”
Cho tới khi cô ăn hết quả táo, Trịnh Vĩ mới nhắn lại: “Em đang ở nhà sao? Anh sẽ bảo người mang tiền đến cho em ngay bây giờ.”
“Em đang ở nhà cậu, chính là nhà em trước kia.”
“Được. Nửa tiếng nữa em ra ngoài cổng chờ. Bạn anh sẽ mang tiền đến cho em.”
“Cám ơn anh nhiều. Khi nào nhận được thù lao đóng phim, em sẽ trả lại anh.”
Giản Nhu chờ một lúc cũng không thấy anh nhắn lại.
Đúng là quân nhân có khác, quan niệm về thời gian vô cùng chuẩn xác. Đúng nửa tiếng sau, Giản Nhu nhìn thấy một chiếc xe Jeep biển màu trắng dừng ở vị trí đỗ xe ngoài cổng. Sau đó một người đàn ông đẹp trai xuống xe, đi thẳng đến chỗ Giản Nhu, mỉm cười, đưa cái phong bì cho cô. “Giản tiểu thư! Trịnh Vĩ nhờ tôi mang tiền tới cho cô.”
Giản Nhu nhận lấy. “Cám ơn anh! Tôi sẽ cố gắng trả lại sớm cho anh.”
“Tôi chỉ phụ trách đưa tiền.” Người đàn ông đẹp trai mỉm cười. Anh ta bộc lộ ý tứ rõ ràng, việc trả nợ không liên quan đến anh ta.
Người đàn ông cũng không nhiều lời, liền tạm biệt ra về. Trước khi anh ta lên xe, di động bất chợt đổ chuông. Anh ta bắt máy, cất giọng biếng nhác: “Em mang đến rồi. Cả đời này có thể nghe câu “cám ơn” của anh, em cũng không thấy áy náy khi bỏ mặc Giáo sư Trương ở phòng bệnh...”
Vì hoạt động trong làng giải trí nên Giản Nhu gặp không ít con cháu quan chức hay nhà giàu, nhưng đa số bề ngoài bóng bẩy, bên trong thối nát. Cô chưa gặp người nào hòa nhã, thân thiện, lại sẵn lòng giúp đỡ bạn bè như người đàn ông trước mặt. Anh ta đã khiến cô thay đổi cách nhìn về con cháu cán bộ.
Lúc bấy giờ, cô thật sự hiếu kỳ, làm sao Trịnh Vĩ có thể quen biết người bạn cực phẩm này, trong lúc bận rộn còn mang tiền đến tận nhà cho cô. Sau này tiếp xúc nhiều với Trịnh Vĩ, cô mới biết thứ gọi là tình bạn chẳng qua chỉ là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” mà thôi.
Gom đủ một trăm ngàn, Giản Nhu gọi riêng bà mợ xuống dưới, đưa toàn bộ số tiền cho bà. Bà tỏ ra vừa mừng rỡ vừa khó xử. Khách sáo từ chối một hồi, cuối cùng bà vẫn quyết định giấu chồng nhận tiền.
Xong xuôi, bà mợ đưa cho cô một cái túi đựng tập ảnh. Bà bảo thời gian trước thay đồ gia dụng, tình cờ phát hiện ra tập ảnh trong tủ quần áo cũ, chắc là của bố cô. Nghe nhắc đến di vật của bố, Giản Nhu vội vàng mở ra xem, nhưng đều là ảnh chụp hai người hoàn toàn xa lạ.
Bởi vì góc chụp hình không tốt, lại vào buổi tối nên đôi nam nữ trong ảnh không rõ diện mạo. Từ hành vi, cử chỉ có thể nhận ra người đàn ông hình như uống say, khoác tay lên vai người phụ nữ. Người phụ nữ vất vả dìu ông ta đi vào khách sạn. Trong một tấm hình khác, hai người ngồi trong chiếc xe BMW màu trắng, quay mặt vào nhau, ánh mắt hàm chứa muôn vạn lời muốn nói. Trong những tấm hình còn lại, hai người có cử chỉ thân mật. Dù không nhìn rõ mặt nhưng cũng có thể lờ mờ nhận ra họ ngoài bốn mươi tuổi, có khí chất cao quý, ăn mặc sang trọng, không phải là người quen hay bạn bè của bố cô.
Tìm mãi cũng không thấy hình bóng của bố trong tập ảnh, Giản Nhu thất vọng bỏ chúng vào túi xách, bắt taxi ra về.
Vừa về đến khu chung cư, cô liền nhận được điện thoại của Nhạc Khải Phi.
“Em có ở nhà không?” Anh ta hỏi.
“Có.”
“Bây giờ tôi tới đón em nhé! Khoảng một tiếng nữa đến nơi.”
“Vâng. Tôi đợi anh.”
Không muốn nhiều lời với anh ta, Giản Nhu lập tức cúp máy. Cô thay bộ váy đã chuẩn bị sẵn, trang điểm nhẹ nhàng. Sau đó cô soi gương, xác nhận đã che chỗ cần che, để hở chỗ cần hở rồi mới xuống dưới nhà.
Vừa đi ra cổng, cô liền nhìn thấy một chiếc xe sang trọng đỗ bên đường. Nhạc Khải Phi ôm bó hoa đỏ thắm đứng bên cạnh xe. Quen biết anh ta gần một năm nay, Giản Nhu cảm thấy hôm nay anh ta đẹp trai hơn bao giờ hết. Mái tóc hơi xoăn tự nhiên, áo gió Armani vừa người càng làm nổi bật thân hình cao lớn của anh ta. Đôi giày da màu bạc dưới chân bóng loáng, còn sáng hơn cả gương nhà cô, tựa hồ có thể nhìn thấy gương mặt tuấn tú của người đàn ông.
Có điều thân hình Nhạc Khải Phi có được là do rèn luyện trong phòng tập, đẹp thì đẹp thật đấy nhưng thiếu nhuệ khí của một người lăn lộn ở bên ngoài. Giản Nhu thấy thân hình của Trịnh Vĩ có tính xâm lược hơn. Nhớ đến Trịnh Vĩ, cô bất giác nghĩ đến món quẩy và sữa đậu nành anh mua sáng nay, quả thực thơm mà không ngán, bây giờ nhớ lại tự dưng thèm nhỏ rãi.
“Em muốn ăn đồ Tây hay đồ ta?” Nhạc Khải Phi đi đến bên Giản Nhu, tặng bó hoa cho cô.
Giản Nhu vẫn đang chìm trong hương vị thơm giòn của món quẩy nóng, buột miệng đáp: “Đồ ta đi!”
“Được. Tôi đưa em tới một nơi có khung cảnh rất tuyệt, chắc chắn em sẽ thích.”
“Vâng.” Giản Nhu gật đầu, ngồi lên ô tô.
Xe vừa chuyển bánh, di động của cô báo có tin nhắn mới. Cô lập tức mở ra xem, là tin nhắn của Trịnh Vĩ: “Anh không cần gấp, có gì chúng ta nói sau đi.”
Cô còn đang nghĩ xem nên trả lời thế nào, anh lại gửi tin nhắn tiếp theo: “Thật ra anh muốn nói em không cần trả. Nhưng ngẫm lại, nếu không trả tiền, chắc chắn em sẽ chẳng bao giờ tìm anh.”
Giản Nhu xem tin nhắn một lúc lâu. Cuối cùng cô bỏ di động vào túi xách. Không phải cô không muốn trả lời mà thật sự chẳng biết nói gì. Rõ ràng có rất nhiều điều muốn nói với anh nhưng cô lại cảm thấy giữa hai người, bất cứ lời nào cũng là thừa thãi. Nhiều lúc, trước một người hiểu bạn, sự trầm mặc chính là ngôn ngữ sâu sắc nhất.
Giản Nhu ngẩn ngơ suốt quãng đường đi. Đến khi cô sực tỉnh, Nhạc Khải Phi đã đưa cô lên một nhà hàng trên tòa cao ốc chọc trời. Nhà hàng vắng lặng như tờ, chẳng có một người khách. Giám đốc nhà hàng đích thân nghênh đón rồi đưa bọn họ tới vị trí bên cửa sổ.
“Em thấy nơi này thế nào?” Nhạc Khải Phi hỏi.
Giản Nhu gật đầu. “Không tồi.” Cô tự nhủ: Một bữa cơm ở nơi sang trọng thế này mà tính thành tiền mặt cho cô thì tốt biết bao. Như vậy, cô có thể trả nợ cho Trịnh Vĩ.
“Đồ ăn ở đây rất khá, chắc chắn em sẽ thích.” Nhạc Khải Phi nói.
Nhân viên phục vụ bày từng đĩa thức ăn lên bàn. Giản Nhu thầm cảm thán, đúng là câu “không tồi” chẳng đủ để khái quát các món ăn ở đây. Từng cọng rau được chọn lựa kĩ càng, xếp thành hình rất đẹp trong những chiếc đĩa tinh xảo, cứ như không phải bọn họ đang ăn cơm mà là thưởng thức tác phẩm nghệ thuật vậy.
“Tôi nghe Uy Gia nói em đang ăn kiêng nên chỉ gọi mấy món rau này.” Nhạc Khải Phi lên tiếng.
Giản Nhu tỏ ra kinh ngạc: “Anh cũng ăn kiêng sao?”
“Tôi cũng phải khống chế cân nặng.”
“Anh ư?” Cô tưởng ăn kiêng là độc quyền của phụ nữ.
“Ừ! Chắc em không thể ngờ, hồi hơn mười tuổi, tôi nặng đến một trăm tám mươi cân ấy chứ!”
Giản Nhu cố gắng tưởng tượng ra bộ dạng béo phì của Nhạc Khải Phi. Cô vô tình nhớ tới cậu học sinh mập mạp thời học cấp hai. Cô không nhớ tên cậu ta, chỉ nhớ mặt cậu ta toàn thịt là thịt. Cô còn nhớ, cậu ta từng viết thư tình cho cô, nội dung rất chân thành, nói sẽ nuôi cô cả đời, cho cô mọi thứ cô muốn. Đáng tiếc lúc bấy giờ Giản Nhu chỉ muốn duy nhất một người là Trịnh Vĩ. Nhớ tới câu nói của Trịnh Vĩ sau khi đọc bức thư tình đó, khóe miệng Giản Nhu bất giác cong lên.
Tuy chỉ là nụ cười rất nhạt nhưng vẫn không thoát khỏi cặp mắt đào hoa của Nhạc Khải Phi. Anh ta liền hỏi: “Em cười gì thế?”
“Không có gì. Tôi đột nhiên nhớ tới một đàn anh thời cấp hai. Hình như anh ta cũng hơn chín mươi cân, nhìn từ xa như quả bóng bằng thịt. Có điều, anh ta rất đáng yêu. Bạn tôi nói, mùa đông được anh ta ôm chắc sẽ vô cùng ấm áp.”
“Bạn em? Là đàn ông sao?”
“Sao anh biết?”
Nhạc Khải Phi nheo mắt. “Tôi ngửi thấy mùi vị chua chua trong câu nói của anh ta.”
Mùi chua ư? Sao cô không nhận ra điều đó nhỉ?
“Anh ta là bạn trai của em à?” Nhạc Khải Phi hỏi.
Do dự một lát, Giản Nhu lắc đầu rồi chuyển đề tài: “Anh giảm cân bằng cách nào mà hay vậy?”
“Mỗi ngày tôi chạy bộ một ngàn mét. Ngoài ra, tôi không ăn thịt, không chén đồ ngọt, một ngày ba bữa chỉ ăn rau xanh.”
Giản Nhu không tưởng tượng nổi một công tử như Nhạc Khải Phi có thể chịu cực khổ như vậy. “Vất vả thật đấy! Nhưng tại sao anh lại quyết tâm giảm cân?”
“Lúc đó còn ít tuổi nên tôi tưởng các cô gái xinh đẹp đều thích mấy anh chàng đẹp trai. Tôi sợ mình không lấy được vợ xinh nên ra sức giảm cân. Sau này tôi mới phát hiện, phụ nữ mong muốn sự an toàn hơn, mà đồng tiền là thứ tốt nhất để duy trì cảm giác an toàn đó.”
Giản Nhu rất muốn nói với đối phương: Phụ nữ đúng là cần cảm giác an toàn nhưng không phải dùng đồng tiền để duy trì. Chỉ khi không tìm thấy cảm giác an toàn, phụ nữ mới gửi gắm tinh thần vào đồng tiền.
Tuy nhiên cô lặng thinh, bởi cô biết chắc anh ta sẽ không hiểu.
Sau vài ngày quan hệ không mặn không nhạt với Nhạc Khải Phi, Giản Nhu bất ngờ phát hiện, dù trước mắt là Nhạc công tử dát đầy vàng, trong đầu cô cũng chỉ toàn hình bóng của Trịnh Vĩ.
Bốn ngày sau. Hôm đó là thứ Ba, Giản Nhu không có tiết học, sáng sớm một mình ngồi trên tấm thảm xem ti vi. Cô lại bất giác nhớ đến Trịnh Vĩ. Mấy ngày nay, mỗi khi ngồi ở đây, cô lại nhớ tới cảnh cùng anh uống trà, trò chuyện và xem phim truyền hình. Nhớ đến cảm giác rung động đầu đời, cô có cảm giác trong lòng ngưa ngứa như có sợi lông vũ lướt qua.
Cô lục tìm chiếc vé xem phim đã bạc màu trong hộp đựng đồ cũ. Cô chưa từng xem bộ phim điện ảnh đã bỏ lỡ đó. Nghe nói đây là tác phẩm kinh điển, kể câu chuyện một con tàu chìm sâu dưới đáy đại dương và một mối tình vĩnh cửu. Thật ra Giản Nhu cũng rất muốn thưởng thức nhưng không tìm được người cùng mình đi xem phim.
Trong đầu lóe lên một ý nghĩ, cô liền lấy di động, đắn đo mãi mới soạn tin nhắn: “Bao giờ anh được nghỉ? Em đã mượn đĩa DVD Titanic. Chúng ta cùng xem nhé!”
Giản Nhu đọc đi đọc lại vài lần, càng đọc càng cảm thấy nội dung tin nhắn mang hàm ý sâu xa, chẳng khác nào lời mời: “Lên nhà em uống cà phê đi!”. Thế là cô ném điện thoại sang một bên mà không gửi tin nhắn.
Nhớ nhung một người là cảm giác rất kỳ lạ. Càng ép bản thân không nghĩ đến, bạn lại càng muốn gặp người ấy, đến mức không thể khống chế được tâm trạng.
Trong lúc tâm phiền ý loạn, Giản Nhu vô tình nhìn thấy chiếc ví da màu đen nằm dưới chân sofa. Cô liền mở ra xem. Bên trong là thẻ sinh viên của Trịnh Vĩ, trên thẻ dán tấm ảnh 3x4 chụp anh mặc quân phục. Anh trong ảnh vẫn đẹp trai như thời niên thiếu nhưng có nét chững chạc hơn. Bây giờ Giản Nhu mới biết, thì ra anh học ở trường Đại học G thuộc tỉnh S chứ không phải ở Bắc Kinh. Nói cách khác, anh đang ở cách cô khá xa.
Tâm trạng có chút hụt hẫng, Giản Nhu lại giở chiếc ví ra xem. Ngoài chứng minh thư, bên trong có nhiều giấy tờ quan trọng, gồm cả thẻ ăn cơm ở căng tin và thẻ ngân hàng.
Gọi điện mấy lần mà anh vẫn tắt máy, cô liền gửi tin nhắn: “Anh để quên ví ở nhà em, hôm nay em mới phát hiện ra. Anh có cần gấp không?”
Mãi vẫn không có hồi âm, Giản Nhu nghĩ, trong ví có nhiều giấy tờ quan trọng như vậy, chắc anh sẽ cần dùng đến. Thật ra thành phố S cũng không phải quá xa, đi tàu hỏa mấy tiếng là tới nơi, lại rất sẵn chuyến. Giản Nhu không nghĩ ngợi nhiều, lập tức lục tìm áo sơ mi kẻ ca rô và quần lửng màu trắng. Sau khi thay đồ, cô lại đội mũ lưỡi trai và đeo cặp kính gọng đen rồi bắt taxi tới nhà ga.
Giản Nhu hành động một cách nhanh chóng theo sự thôi thúc của con tim. Cho tới khi đứng trên chuyến tàu tới thành phố S, đầu óc cô mới bừng tỉnh. Bây giờ cô mới nhớ ra một chuyện quan trọng, thời đại này tồn tại một dịch vụ gọi là chuyển phát nhanh. Đáng tiếc, tất cả đã quá muộn.
Hơn bốn giờ chiều, tàu hỏa đến nhà ga ở thành phố S. Giản Nhu lê đôi chân nhức mỏi vì phải đứng mấy tiếng đồng hồ xuống tàu. Tin nhắn cuối cùng cũng xuất hiện: “Không sao. Anh không cần dùng gấp. Cuối tuần được nghỉ, anh sẽ sang nhà em lấy.”
Lúc đó, Giản Nhu đang căng mắt tìm taxi. Đọc được tin nhắn này, cô thật sự hết nói nổi, muốn quay về Bắc Kinh ngay lập tức. Ngẫm lại mới thấy, cô đúng là ngốc nghếch đến nực cười. Nhưng khi không thể kiềm chế, có ai không từng làm chuyện ngốc nghếch, có ai không chìm đắm trong niềm hưng phấn kiểu này?
Giản Nhu liền nhắn lại: “Đúng lúc em có việc phải đến thành phố S, tiện thể mang ví cho anh. Trường anh không cho người ngoài vào đúng không? Em gửi chiếc ví ở phòng bảo vệ nhé!”
Tin nhắn vừa gửi đi, cô liền nhận được điện thoại của Trịnh Vĩ.
“Em đang ở thành phố S đấy à?” Anh cất giọng kinh ngạc.
“Vâng!” Cuối cùng cũng có một chiếc taxi dừng lại, Giản Nhu vội lên xe, bảo tài xế chở đến Đại học G mới tiếp tục nói với Trịnh Vĩ: “Em đang trên đường đến trường anh. Chắc nửa tiếng nữa tới nơi.”
Giây tiếp theo, cô nghe thấy tiếng kim loại va đập nặng nề và tiếng thở gấp gáp của anh.