Bố già trở lại - Phần VIII - Chương 28 - Phần 2

Ông ta khuyên Geraci đến một bác sĩ chuyên khoa.

“Nếu bác sĩ chuyên khoa chính là từ khác cho bác sĩ tâm thần, thì tôi sẽ trở lại, nhưng không phải với tư cách một bệnh nhân đâu.”

Bác sĩ nói là chắc chắn ông ta hiểu điều đó.

Bác sĩ chuyên khoa được cho là một nhà thần kinh học nổi danh khắp thế giới, song lại là một con người nhỏ bé, chỉ cao có năm feet. Ông ta chẩn đoán Geraci mắc một hình thức nhẹ của hội chứng Parkinson, liên quan đến chuyện bị đấm vào đầu suốt thời gian làm bốc - xơ và bộc phát do một chấn thương sọ não nghiêm trọng.

“Tôi không nhận những cú đấm vào đầu thường xuyên lắm đâu,” Geraci nói.

“Dân đánh đấm các anh đều thế cả,” bác sĩ nói. “Các anh chỉ nhớ đối thủ mình trông giống cái gì thôi. Tuy nhiên, nói tôi nghe về vụ chấn thương sọ não kia đi. Gần đây thôi, phải không?”

Geraci không nói lời nào với bác sĩ về vụ rơi máy bay suýt giết chết anh. “Tôi đoán là thế,” Geraci nói. “Nếu sáu năm trước được coi là gần.”

“Chuyện gì xảy ra sáu năm trước?”

“Tôi bị ngã,” Geraci nói. “Một cú ngã rất nặng.”

Bác sĩ nhìn vào đôi mắt Geraci với cái quái gì đó có đèn chớp. “Ngã từ đâu xuống?” ông hỏi. “Từ tòa cao ốc Empire State Building?”

“Ờ, một cái gì đại loại như thế,” Geraci nói.

Từ một cửa sổ trên gác của Antica Focacceria, Nick Geraci quan sát một người tuy gầy nhưng rắn chắc, dẻo dai, có ria mép - người bạn và đối tác làm ăn của anh, Cesare Indelicato - đang băng qua Quảng trường San Francisco, theo lí thuyết là một mình. Quảng trường là một ốc đảo ánh sáng chìm trong một vùng bóng tối chung quanh, những đường phố hẹp nơi khu phố cổ của Palermo.

Ông Trùm Cesare không bao giờ thực sự một mình. Ông ta đã huấn luyện các soldatos và các vệ sĩ của mình hòa trộn với nhau. Một người quan sát bình thường sẽ không thể đoán được rằng các chàng trai đang đứng dựa vào những chiếc Vespas trước giáo đường là người của Don Cesare, cũng như bốn anh chàng lượn lờ bên ngoài nhà hàng kia đang bàn tán về bóng đá. Một người quan sát bình thường có thể đã đoán rằng cái con người bình thường trong bộ đồ vest đang đi qua quảng trường là một giáo sư sử học mới về hưu vài ba năm nay, hơn là một anh hùng trong cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Sicily và là Ông Trùm Mafia quyền lực nhất ở Palermo.

Mặc dầu cũng đúng rằng Palermo là một thành phố nơi ít có cái gì được quan sát theo cách bình thường.

Lúc đó là ba giờ chiều và nhà hàng lại đóng cửa. Người phục vụ nơi bàn ăn của họ đã được lục soát và được chấp thuận bởi thuộc hạ của Don Cesare mà một người lo canh gác nơi cửa ra vào. Bên dưới nhà cũng còn có nhiều người khác nữa trông chừng những người nấu bếp và cửa sau.

Qua chầu rượu nhắm với mồi là món sandwiches bít - tết trứ danh ngon như trong thần thoại của nhà hàng, Geraci và Indelicato bàn bạc những mặt khác nhau trong công cuộc buôn bán ma túy đang hồi phát đạt của họ. Họ trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh, không phải như một biện pháp an ninh nhưng vì, mặc dầu sau bao nhiêu năm đến Sicily lo công việc, bao nhiêu năm sống giữa những người Sicily bản ngữ, thế mà tiếng Ý của Geraci vẫn rất tệ và phương ngữ Sicily thì càng bết bát hơn. Anh nghe hiểu được nhưng không nói được. Anh không thể giải thích tại sao. Một sự phong tỏa tinh thần hay là cái gì đó đại loại như thế.

“Thật vui khi đón tiếp bạn nơi thành phố chúng tôi, ông bạn lớn ạ,” Don Cesare nói, ăn miếng cuối trong đĩa và liếm các ngón tay. “Nhưng những vấn đề này tôi không rõ lắm, tôi nghĩ chúng không phải là lí do khiến bạn phải nhọc công đi một quãng đường xa đến thế để nói với tôi?”

“Lần này tôi mang theo cả gia đình,” Geraci nói. “Vợ và hai con gái tôi. Đứa lớn sẽ vào đại học mùa thu này. Có thể là kì đi nghỉ cuối cùng của cả gia đình. Trước nay họ chưa bao giờ đến hòn đảo xinh đẹp của bạn và bây giờ tất cả sẽ đến ở đấy trong khoảng mười ngày.” Có thể họ sẽ dành nhiều thời gian hơn, nhưng họ phải đến bằng tàu viễn dương. Nick Geraci không hề có ý định leo vào một chiếc máy bay lần nữa, dầu là để cầm lái hay chỉ an nhàn làm một du khách nơi ghế ngồi thượng hạng. “Trước nay tôi thực sự chưa từng dành thời gian để tham quan đây đó. Đây là lần đầu tôi từng đến Taormina, bạn có tin không?”

Don Cesare đưa hai tay lên tỏ ý nuối tiếc. “Tôi làm chủ khách sạn sang trọng nhất ở Taormina. Tại sao bạn không nói với tôi là bạn sắp đến nơi đó? Tôi sẽ để mắt xem xét sao cho bạn và gia đình bạn được phục vụ như ông hoàng bà chúa.”

“Don Cesare, bạn đã quá hậu tình với tôi rồi, tôi nào dám ép nài thêm nữa.”

Nhưng Don Cesare không chịu bỏ lơ việc thể hiện lòng hiếu khách cho đến khi Geraci hứa sẽ trở lại Taormina không trễ hơn năm tới và sẽ ở khu nghĩ dưỡng trên đỉnh núi của Indelicato.

“Tuy nhiên, Don Cesare à, tôi còn có lí do khác để phải đích thân gặp bạn. Chuyện này liên quan đến nghĩa tử Carmine Marino của bạn.”

Ông Trùm cau mày. “Nó ổn chứ?”

“Cậu ta đang khỏe như vâm, ông bạn đừng lo,” Geraci nói. “Có lẽ là tay ngon lành nhất mà tôi có được. Mà đó cũng là lí do tôi muốn bàn bạc với bạn về một công việc tôi định giao cho cậu ta. Một công việc đáng giá, quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm.”

Geraci đã bị cám dỗ muốn thổ lộ tất cả. Indelicato là một đồng minh sáng giá, ngay cả là đáng tin cậy. Thêm điểm nữa là, ông ta là người duy nhất Geraci biết trước đây đã từng làm việc với CIA. Trong thời chiến, những thành viên Mafia không bị đày đi Ustica bởi chính quyền phát - xít Mussolini đã hoạt động ở Sicily giống như Kháng chiến Pháp. Indelicato nhanh chóng nổi lên như một trong những lãnh đạo của cái thế giới ngầm dữ dôi nhưng hiệu quả này. Thông qua Lucky Luciano, Ông Trùm li hương ở Mỹ, Indelicato gặp gỡ những nhân viên hoạt đông của OSS - tiền thân của CIA - cung cấp tin tức tình báo chuẩn bị công trình cơ sở cho việc đổ bộ lên đảo Sicily. Người ta cho là Indelicato đã nghĩ ra trò quảng cáo độc đáo là thả dù hàng vạn khăn tay màu đỏ mang biểu tượng nổi tiếng L của Luciano để thức tỉnh dân chúng Sicily - mà bọn phát - xít xâm lược từ miền Bắc không biết được - về những gì sắp xảy ra. Người Anh không hợp tác với Mafia, đã chịu nhiều tổn thất nặng nề trong các trận đánh để chiếm lại một phần ba phía đông của hòn đảo, nhưng trên hai phần ba của phía tây, đặc biệt là nơi những vùng vốn là thành lũy của Mafia, người Mỹ lợi dụng được ưu thế tin tức tình báo nên chỉ chịu những tổn thất tương đối nhẹ. Sau cuộc tái chiếm lãnh thổ thành công, nơi nhiều thành phố do quân Mỹ chiếm được, những viên chức dân sự được bổ nhiệm như là các thị trưởng tạm thời đều là dân mafiosi. Khi quân Đồng minh rút lui, phần lớn các thị trưởng kia vẫn tại vị. Và khi các Ông Trùm được giải phóng từ Ustica họ quay về nhà và nhận ra rằng, nhờ lòng hào phóng lịch thiệp của người bạn lớn Huê kì và của cơ quan OSS mà quyền lực chính trị của Mafia đã tăng lên theo cấp số nhân! Chẳng bao lâu sau đó, Cesare Indelicato đắc cử vào Quốc hội Ý và giúp dẫn đầu một phong trào quần chúng rất đáng ngạc nhiên đòi Sicily li khai khỏi Ý để trở thành bang thứ bốn mươi chín của Mỹ.

Nhưng cuối cùng, Geraci quyết định không liều chấp nhận nguy cơ. “Tôi không thể cho bạn biết chi tiết,” anh nói. “Tôi chỉ có thể nói rằng Carmine muốn làm công việc này và rằng cậu ấy sẽ là thủ lĩnh của những người khác mà tôi gửi đi.”

“Vậy tại sao bạn nói với tôi chuyện này? Lí do nào?Bạn muốn tôi chấp thuận, nhưng bằng cách nào tôi có thể làm điều đó nếu tôi không biết tôi đồng ý chuyện gì, hở?”

“Nếu bạn bảo tôi đưa Carmine ra khỏi chuyện này, tôi sẽ làm theo. Nhưng chúng tôi không thể đi vào chi tiết về những gì chúng tôi sắp làm. Những gì chúng tôi phải làm.”

Don Cesare cân nhắc điều này. “Tôi nghĩ bạn đang yêu cầu tôi chấp thuận rằng nghĩa tử Carmine của tôi, hàng tháng vẫn gửi tiền về nhà cho mẹ nó, sẽ đi làm chuyện gì đó ở một nơi mà bạn nghĩ rằng nó sẽ bị giết, đúng không nào? Nếu không phải là như thế, thì bạn không cần phải hỏi tôi điều gì cả.”

Geraci chỉ trả lời câu hỏi khó kia bằng... sự im lặng.

“Và bạn biết rằng nó có quan hệ với gia tộc Bocchicchio? Tôi không muốn là người bị trách móc về bất kì chuyện gì xảy ra cho nó.”

Don Cesare nói những lời này mà không tin chắc cho lắm, rõ ràng là đang bấu víu vào... những cọng rơm. Geraci biết quá rõ thân nhân của Carmine Marino là những ai.

Trong yên lặng, Geraci chờ Don Cesare phát biểu.

“Vậy thì, một câu này nhé,” Don Cesare cuối cùng nói. “Carmine biết rõ về chuyện này cũng như anh, mối nguy hiểm và lí do của việc đó, và nó vẫn muốn làm, phải không?”

“Đúng thế. Dứt khoát là cậu ta vẫn muốn làm.”

Ông Trùm gật gù như để tỏ ra ông đang suy nghĩ về những hiệu ứng cộng hưởng của bất kì điều gì mà mình sẽ nói. “Carmine đã trưởng thành,” ông nói. “Nó không còn cần tôi bảo những hành động nào là nên làm hay không nên làm.”

“Cám ơn, Don Cesare.” Geraci cảm nhận những cơn run run đang đến và xin lỗi để đi vào phòng tắm, mặc dầu thật ra anh chỉ muốn di chuyển lòng vòng và tập trung đầu óc vào sự di chuyển để cho cơn run dừng lại. Vì một vài lí do nào đó trong bệnh trạng chưa thể lí giải được, mà về phương diện này rất ít điều gì có thể làm tốt hơn là bất kì hành động nào mà anh có thể khiến cho con cu mình làm. Trên đại thể thì đi tiểu là tiện lợi và dễ ứng dụng hơn là làm chuyện khác.

“Vì nhiều lí do,” Geraci nói khi anh ngồi vào bàn trở lại, “mà một trong những lí do đó là vì Carmine sẽ là người chỉ huy, nên tôi nghĩ tốt nhất là tất cả những người mà chúng ta đưa vào công việc này nên là dân Sicily” Còn một lí do khác trong rất nhiều lí do đó là dân Sicily không phải tuân theo quy tắc không được giết hại cảnh sát và nhân viên chính quyền.

“Bạn muốn có người,” Indelicato nói,” thì tôi sẽ giao người cho bạn.”

“Tôi xin ghi nhận ý tốt của bạn. Nhưng tôi không thể liều nhập lậu người chỉ để dùng cho việc này. Tôi cần những người đã từng ở Mỹ một thời gian ngắn. tôi cũng không muốn sử dụng quá nhiều người của Carmine, đặc biệt là, xin Chúa che chở, lỡ có chuyện gì xảy ra cho cậu ta. Tôi sẽ gọi những người làm bánh pizza, những người giỏi nhất. Ông bạn không phản đối chứ?”

“Nếu không phải cho một công việc gai góc, vậy thì khi nào?”

Hầu hết những người được đưa vào làm trong các tiệm bánh pizza đều được gửi đến Mỹ, trực tiếp hay gián tiếp, bởi Cesare Indelicato.

“Rất nhiều người trong số này tôi chằng biết gì về họ cả,” Geraci nói.

“Tất nhiên là anh không biết rồi. Họ không dây dưa vào những chuyện lộn xộn, không gây ra vấn đề gì, vậy thì có gì để mà biết?”

“Chính xác là thế. Tôi từng có những tay đã ở đó sáu bảy năm mà tôi chưa hề để mắt đến. Tôi cần được ông tư vấn, Don Cesare à. Nếu ông sẵn lòng cho lời khuyên, xin hãy nêu ra bốn người tài ba nhất mà ông từng gửi qua đó - tài ba xét theo các tiêu chí tính cứng rắn, nhân cách, mưu trí - thì đó là những ai?”

Geraci đã chờ đợi Ông Trùm phải suy nghĩ về chuyện này một lát, thế nhưng Don Cesare đã trả lời liền tuýt suỵt và còn được tăng bổ với những mô tả ngắn gọn về những kĩ năng của từng người. Chỉ cần họ được một nửa như Ông Trùm mô tả thôi, Geraci cũng sẽ không gặp rắc rối gì để làm được việc này mà không cần phải cử Carmine đi.

“Còn có vấn đề khác, không liên quan đến chuyện này,” Geraci nói. “Dính líu đến một kẻ phản bội trong hàng ngũ của ông. Một người được gửi đến đây từ Mỹ. Một kẻ bất tiện cho Ủy ban, hay là họ phán quyết như thế.”

Geraci không thể đích thân làm chuyện ấy và Don Cesare tất nhiên cũng hiểu. Anh ta cũng là Ông Chủ mà. Những chuyện như thế phải để người khác làm.

Vị tu sĩ mảnh khảnh dòng Capuchin khó nhọc leo xuống các bậc thang đưa đến hầm mộ của tu viện. Ông bị chứng tăng nhãn áp và viêm khớp nhưng vẫn kiên quyết không để trở thành gánh nặng cho người khác. Ông vẫn còn làm được mọi công việc mà ông đã làm khi đến Palermo lần đầu lúc hãy còn là một chàng trai mới lớn - từ chuyện thiêng liêng quan trọng như chăm sóc vườn tược, lo bữa ăn cho các sư huynh đệ Ki - tô hữu, tẩm liệm xác để đem mai táng nơi nghĩa trang thành phố gần bên, cho đến những chuyện buồn cười vớ vẩn như bán bưu thiếp cho du khách hay nhặt rác thải do họ bỏ lại. Những lon soda, những chai rượu, những bóng đèn chớp đã xài rồi và vứt đi (mặc dầu việc chụp hình bị minh nhiên cấm), và cả bao cao su lầy nhầy nữa chứ!

Lúc đó là sau giờ ăn trưa: gần ba giờ chiều, khi hầm mộ sẽ mở cửa lại cho công chúng tham quan. Một nhóm du khách Đức đang lòng vòng bên ngoài những cửa sắt có thanh ngang. Trong khi vị tu sĩ đi xuống xa hơn thì những tạp âm mà họ gây ra cũng lùi xa dần. Ông mỉm cười và tạ ơn Đấng Toàn năng đã cho phép ông nhận ra rằng ngay cả thính lực giảm cũng có thể là... một quà tặng từ trên cao!

Ở chân cầu thang là một mẩu giấy gói kẹo. Đôi đầu gối của vị tu sĩ kêu răng rắc khi ông cúi nhặt mẩu rác lên.

Trong các đường hầm trước mặt ông là di hài đã vỡ nát nhưng vẫn có trang phục tươm tất, của khoảng tám ngàn người Sicily. Nhiều di hài được treo bằng móc thành những hàng dài, đầu lâu cúi xuống trong tư thế mà vị tu sĩ thích nghĩ là biểu hiện của lòng khiêm hạ. Nhiều cái khác nằm trên các kệ và được chất vào những hốc trong tường, từ sàn đến trần. Một số được đưa vào trong các quan tài gỗ, đầu đặt trên gối phủ lớp bụi mỏng vốn xưa là thịt da của họ. Khi còn sống họ có thể là các vị quận công, các nữ bá tước, các đức hồng y giáo chủ hay các linh mục quan trọng, những anh hùng quân đội từng chiến đấu bên cạnh nhà ái quốc Garibaldi và cả những kẻ từng rút gươm ra chống lại ông. Một số khác, kể cả ông nội của chính vị tu sĩ này, đã bị ô danh trong cuộc sống trần thế do việc liên kết với đám người mà dân Sicily gọi là Bằng hữu Giang hồ. Tám ngàn vong nhân: những người đã chi trả hậu hĩ cho dòng tu để nắm xương tàn của họ hay của những người họ yêu dấu có thể được bày ở đây. Sự rồ dại của chuyện này đã không còn tác động (hay không uổng phí?) đối với vị tu sĩ già. Với một ngoại lệ - La bambina (cô bé), mà sự hiện diện tại nơi này là nhờ sự thu xếp của vị tu sĩ - vì dòng tu đã ngưng chấp nhận những thi hài từ 1881, tám mươi năm trước đấy, hai năm sau khi vị tu sĩ này ra đời. Đối với phần lớn, thì những con người từng tha thiết mong muốn được người đời nhớ - nhưng lại đã bị mọi người quên, trừ Đấng Tạo hóa của họ. Rất ít nếu không muốn nói là không có, đứa trẻ nào trong những hầm mộ này - kể cả nguyên một phòng đầy nhóc thi hài của những cô cậu nhóc - được một người sống tưởng nhớ. Sự tan rã thể xác của tám ngàn thây ma này đã được diên trì khá lâu nhờ kĩ năng khéo léo của những người thợ ướp xác là các thầy tu Capuchin này, và nhờ không khí lạnh, khô nơi đây, nhưng ngoại trừ La bambina, thì sự tan rã và sự quên lãng của trần gian vẫn cứ diễn ra, và giấc mơ kim cương bất hoại thể của bao con người kia hóa ra cũng chỉ là ảo mộng.

Ông quay sang trái, nhìn lướt xuống sàn tìm nhặt rác rến hay những phần thi hài rơi rụng. Ông bà của ông, những người đến từ thị trấn nhỏ Corleone ở trong số những thây ma được treo theo chiều thẳng đứng. Ông nội ông mang một áo khoác bằng nhung màu xanh lá cây (mà bên dưới đó, vết thương do đạn bắn vào sau lưng hở ra toang hoác và chỉ nhờ một thanh thép chống đỡ cho thân hình chỉ còn bột xương kia khỏi đổ xuống). Bà nội ông (mà một cánh tay đã lìa ra trước đó không lâu và được cột lại một cách lỏng lẻo bằng dây kẽm) vẫn mặc bộ đồ cưới. Khi vị tu sĩ lần đầu đến đây, họ, cũng như phần lớn những vong nhân kia, hãy còn mặt mũi. Trong hơn nửa thế kì ông đã là chứng nhân nhìn ngắm sự biến mất dần dần, ngày qua ngày, những đôi mắt và thịt da của họ. Ông hôn những đầu ngón tay của mình, rồi, rất khẽ khàng, áp những đầu ngón tay vào trán của tổ phụ, tổ mẫu, đọc một bài kinh cầu cho linh hồn hai vị, xong, tiếp tục bước đi.

Ở cuối đường hầm là La bambina, cô bé hai tuổi xinh xắn đáng yêu, chết năm 1920 và trở thành một trong những điểm hấp dẫn du khách nổi tiếng nhất ở Sicily. Vị bác sĩ ướp xác cho cô bé đã giấu kín các thầy tu về phương pháp ướp xác mới mà ông phát minh. Trước khi có bất kì người nào học hỏi được bí quyết của ông thì chính ông cũng qua đời (do mắc tội trọng là tội kiêu ngạo, vị tu sĩ có lẽ đã bảo với các sư đệ như thế, mặc dầu cái nguyên nhân bình thường, thực sự của cái chết kia là bị vỡ lá lách, đơn giản thế thôi). Vị tu sĩ già đã bỏ ra rất nhiều giờ suy tư chiêm nghiệm, nghiên cứu những ghi chú bí hiểm (còn được mã hóa nữa) của ông bác sĩ kia, cố gắng suy đoán những gì ông bác sĩ đã làm, nhưng không có kết quả. Hài nhi với mái tóc vàng, dài nằm trong quan tài bọc kính kia đã ờ đó trong bốn mươi mốt năm. Và tuy vậy trông cô bé vẫn giống như cô mới mất chỉ mấy ngày trước đây thôi.

Khi vị tu sĩ tiên gần đến La bambina, đôi mắt mờ mây của ông dường như đang trêu đùa tinh nghịch với ông. Tựa vào tường gần bên hài nhi kia là một thi thể cũng được bảo quản tốt không kém!

Ông dụi mắt để xem xét lại cho kĩ. Đó là một người hói đầu, ngoài khoác cái áo đi mưa. Những viên kim cương lấp lánh từ những chiếc nhẫn trên các ngón tay của ông ta và nơi cái kim cài cà-vạt ở cổ. Quy tắc là người chết vào đây không còn mang đồ trang sức quý giá nào cả. Rồi vị tu sĩ thấy những đường màu đen trông rõ nơi phía kia cái miệng của người chết và cảm thấy nhẹ người.

Đó chỉ là một con rối lớn bằng cỡ người thật. Những trang sức kia chắc là đồ giả. Một trò đùa tinh quái, một cú chơi khăm nghịch ngợm đấy thôi, nhưng vị tu sĩ đã sống ở Palermo một thời gian dài và đã học cách không ngạc nhiên bởi bất kì chuyện gì xảy ra ở đấy.

Ông tiến sát lại gần hơn.

Những vệt nước nơi miệng Sal Narducci Cười ngất thực sự là những dòng máu rỉ ra từ miệng lão ta. Hóa ra... không phải là con rối mà là người thật!

Sợi dây dnùg để trói lão ta - ngay trước giữa trưa, khi hầm mộ được đóng cửa vào giờ ăn uống nghỉ ngơi ban trưa - còn nằm trên sàn, bên đôi giày bóng loáng của người chết.

Vị tu sĩ đi vào khung cảnh ảm đạm này, trong nơi chốn lạ lùng và thiêng liêng này, và từ trong tâm hồn ông, một điều gì đó vỡ òa ra. Một tên trộm bình thường ắt phải lấy đi những đồ trang sức đáng giá chứ. Một kẻ giết người tầm thường có lẽ đã giấu thi thể đi, chứ sao lại phơi bày nơi đây, cùng căn phòng - và còn sát kế bên - La bambina! Vị tu sĩ tuôn ra một tràng chửi rủa bọn Bằng hữu Giang hồ. Còn ai khác có thể làm chuyện như thế? Ông đã nguyện hiến đời mình để sám hối cho truyền thống bạo lực của gia đình, nhưng rồi tàn dư của nó vẫn cứ lại tìm ông. Và giờ đây, ở thời điểm muộn màng đến thế này trong đời, vẫn còn phải chứng kiến cảnh khốc liệt này. Dường như là không thể tránh. Cơn cuồng nộ dâng lên trong người ông như một liều thuốc độc. Tiếng chửi rủa của ông càng lớn hơn.

Các sư huynh đệ chạy đến giúp ông, khai với nhà chức trách rằng khi vị tu sĩ già đáng kính kia ngã xuống và chết, mặt ông đỏ rực giống như vạch bên phải của quốc kì Ý.

Khi, từ chính miệng sát thủ, Cesare Indelicato nghe thuật lại những gì xảy ra - trên sân thượng của căn biệt thự nơi vách núi của ông ta, nhìn bao quát cái thành phố với phong cách kiến trúc Trung cổ mà ông cai trị - ông ta ngạc nhiên với khiếu hài hước ảm đạm của... lão tặc thiên. Don Cesare chưa từng gặp vị tu sĩ đáng thương nọ, nhưng vẫn nhận ra tên họ của ông ấy. Xưa kia chính ông nôi của Don Cesare, Felice Crapisi, đã giết người ông nội phản bôi của vị tu sĩ. Lạ lùng hơn nữa là Don Cesare đã được yêu cầu giết Narducci đến hai lần (lần đầu bởi Thomas Hagen và sau đó bởi Nick Geraci). Tay soldato tin cậy mà ông sai đi giết Narducci chỉ một lần, thế nhưng cái thi pháp đẫm máu của Đấng Tạo hóa (the bloody poetics of the Creator) lại thấy là thích hợp để chuyển đổi vụ giết chóc đơn lẻ này thành hai cái chết.

Don Cesare hậu tạ sát thủ và sa thải anh ta.

Mang nỗi niềm cô độc, lắc đầu vì ngạc nhiên và kinh sợ, Don Cesare nâng li rượu hướng về thành phố Palermo và về những thiên đường đang tối dần.

Lời chúc rượu nào ông có thể nói ra với thế giới đó, với Ông Trời kia, những tác nhân đã giúp cho ông được giàu sang, quyền thế, thỏa nguyện nghênh ngang, đã tưởng thưởng hậu hĩ cho mọi hành vi lừa dối của ông trong khi lại trừng phạt những phận hèn sâu kiến mê tín nơi các tầng lớp cùng khổ nhưng vẫn cố sống phù hợp với những tín điều, những lời răn?

Còn có gì khác nữa không?

Chúc sức khỏe,” ông nâng li rượu mừng, hét to lên. Và uống cạn. Sảng khoái.

Lời chúc vọng vào vách đá. Và dội ra lại. Ông nghe lại tiếng mình, và lại uống tiếp, tiếp nữa cho đến chừng túy lúy càn khôn, ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ... xíu!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay