Bố già trở lại - Phần XI - Chương 32 (Hết)

PHẦN IX

Mùa hè 1962

Chương 32

Việc bắt giữ Carmine Marino đã trở nên một biến cố quốc tế mà mọi người có dính líu đến chuyến “đi chơi” của anh chàng này đến Cuba đều phát hoảng.

Mức độ của những gì CIA đã làm ở Cuba đến như một cú sốc với Tổng thống Shea. Về mặt công khai, Tổng thống xác định rõ rằng Hoa Kì sẽ hợp tác bằng bất kì cách nào khả thi để mang Marino, một người dân Ý, ra trước công lí. Về phần mình, chính quyền Ý nói rằng họ có nhiều người mang tên Carmine Marino trên danh bạ, nhưng không có ai tương thích với sự mô tả về tay sát thủ danh tiếng này. Marino đã sống ở Mỹ được sáu năm. Nhà độc tài Cuba tuyên bố rằng đích thân Tổng thống Shea phải chịu trách nhiệm về vụ này. Thủ tướng Liên sô không ra tuyên bố chính thức về vấn đề nhưng lại đến Havana để dự đám tang được tổ chức linh đình cho hình nhân thế mạng kia.

Trong chỗ riêng tư, Tổng thống Shea dành nhiều thời gian gặp gỡ và bàn mưu tính kế với đội ngũ an ninh quốc gia và khiển trách Giám đốc CIA. Nhưng trước khi Tổng thống có cơ hội chạm trán bố mình về những nghi ngờ của ông đối với sự dính líu của ông già vào vụ việc thì Ngài Đại sứ đã bị một cơn đột quỵ tim mạch nặng. Ông sẽ còn sống nhiều năm nữa nhưng vĩnh viễn “tịnh khẩu” kể từ đấy vì có muốn nói cũng nói không được nữa rồi!

Mối liên hệ giữa Marino với cái mà báo chí không ngừng gọi là “Gia đình tội ác Corleone” khá dễ để chứng minh bằng tư liệu. Ngay cả những tờ báo còn do Gia đình này kiểm soát cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hùa theo những kẻ cạnh tranh và điều tra về những lời đồn rằng tay găng-x-tơ trẻ không hành động một mình.

Về mặt công khai, Tổng chưởng lí chế giễu mọi khái niệm về mối liên hệ giữa chính quyền liên bang với cái mà bây giờ ông ta gọi là Mafia. Trong một cuộc gặp gỡ riêng tư với bộ tham mưu của mình, ông tiết lộ một kế hoạch mới, rất hiếu chiến, nhằm truy tố tội ác có tổ chức. Billy Van Arsdale là không thể thay thế, ông ta bảo với họ, nhưng những cố gắng của họ là dành để tưởng niệm anh.

Giám đốc FBI không quên cuộc gặp gỡ với Tom Hagen nhiều năm trước đây, khi ông Hạ nghị sĩ tương lai nhá cho ông ta thấy tấm hình đen trắng của ông ta đang mút c... cộng sự cao cấp nhất của mình. Tình cảnh của ông ta quả là dở khóc dở cười vì bị bọn họ “bắt thóp” nên tiến thoái lưỡng nan, tức chết đi được nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Tuy nhiên, hiện nay giám đốc không có chọn lựa nào khác mà phải đồng thuận với sáng kiến táo bạo của Tổng chưởng lí.

Tại trụ sở Liên hiệp quốc, những trung gian thông thường - các quốc gia nhỏ với hệ thống giáo dục tốt và quân đội được giải thể - được gửi đi để tiến hành các cuộc thương lượng để trục xuất hoặc dẫn độ Carmine Marino hoặc là về sinh quán của anh ta hoặc về Mỹ nơi anh ta còn nhiều tháng nữa mới trở thành công dân. Còn không ít ra những nhà thương thuyết cũng muốn bảo đảm rằng Marino sẽ nhanh chóng được đưa ra tòa và được xét xử công khai, sòng phẳng ở Cuba. Chính quyền Cuba thực hiện những màn trình diễn lớn về vụ này để khuấy động dư luận quốc tế, để lên án Mỹ, để tranh thủ sự ủng hộ của Liên sô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và kể cả khơi dậy cảm tình của những người tiến bộ trên toàn thế giới. Trong tình hình đó có lẽ Marino còn được giữ ở Cuba là tốt nhất cho sinh mạng của anh ta: được giam giữ cẩn mật và an toàn với lưỡi gươm công lí treo lơ lửng vô thời hạn trên đầu (vì để cho anh ta sống thì còn có một lợi khí để tuyên truyền chứ giết cho anh ta chết là hết chuyện. Như thế thì quá phí, người có chút đầu óc chính trị không ai dại gì làm thế).

Còn Marino có bị tra tấn tàn bạo hay không thì cho đến ngày ấy hãy còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng tổng kết tất cả những thông tin liên quan thì có thể xác định là anh ta chưa hề khai bất kì điều gì với bất kì ai.

Nhưng chẳng bao lâu sau, những cuộc khủng hoảng khác, kể cả cuộc đối đầu cân não giữa Tổng thống Hoa Kì và Thủ tướng Liên sô lúc đó - nhân vụ tàu ngầm nguyên tử của Liên sô vào Cuba - đã khiến cho cả thế giới nín thở vì đang đứng trước bờ vực của Thế chiến thứ ba (cũng có nghĩa là... sắp tận thế!), đã xua đẩy vụ ám sát kẻ song trùng của nhà độc tài và dư chấn gai góc của vụ đó ra khỏi trọng địa của báo chí thế giới. Vụ này nổi đình đám trở lại trên trang nhất tờ báo chính thức của Nhà nước Cuba khi Carmine Marino cố gắng vượt ngục và bị bắn chết. Rất ít tờ báo nào ở Mỹ đăng câu chuyện này gần trang nhất. Và chỉ là một mẩu tin thời sự ngắn trên ti vi. Không có trường hợp nào câu chuyện chính thức được điều tra, truy vấn nữa.

Ngồi trong một đường hầm bên dưới Madison Square Garden, hai giờ trước khi buổi hòa nhạc của Johnny Fontane bán hết vé, Michael Corleone trong một chiếc tuxedo mới nhưng theo phong cách cổ điển, ngồi chờ consigliere của anh ta đến. Michael đốt một điếu thuốc với cái bật lửa cũ của anh mình, Fredo. Anh ta nghĩ đây là vấn đề của việc đến sớm. Chờ đợi.

Việc Michael quay về New York đã được đồn đãi từ nhiều tháng nay. Người trong Gia đình anh và cả những Gia đình khác. Và tại sao không? Những ai còn hữu hảo với Michael đều giàu có thêm lên. Nhưng không phải những ai dấn thân vào cuộc suy luận về bước đi kế tiếp của Michael. Công chúng thì được kích động tính tò mò. Những lời đồn được đăng tải bởi mọi tờ báo trong thành phố. Anh ta kinh hoảng nhận ra là mình đã được biến thành một thứ “người hùng dân gian” (something of a folk hero). Hàng trăm tội ác được đồn đãi là thành tích xuất sắc của anh ta, thế mà anh ta chưa từng một lần bị kết án với bất kì tội nào. Những đầu sỏ ác ôn như Louie Russo và Emilio Barzini đã tiêu đời và Michael còn tiếp tục ra tay. Hầu hết các Ông Trùm ở Mỹ đều bị bắt ở Thượng New York, và Michael - theo nhận định của lương thức thông thường, hẳn là phải có mặt ở đó - nhưng lại không bị phát hiện, dầu là cách đó cả ngàn dặm (Thật ra lần đó anh ta thoát được chẳng qua là nhờ ăn may, hay không bằng hên, thế thôi. Nhưng công bằng mà nói, cũng có phần nhờ anh ta nhanh trí, xử lí tình huống tốt). Những nhân vật xuất sắc trong chính Gia đình anh ta - Sally Tessio, Nick Geraci - từng dám đặt vấn đề về quyền lực của anh ta thì đều không còn thấy lởn vởn ở gần để mà ý kiến ý ruồi gì nữa. Anh ta mặc tình làm mưa làm gió chẳng ai dám hó hé.

Anh ta cũng, không phải ngẫu nhiên, trông sang cả hơn lên về ngoại hình. Những bộ cánh của anh ta được cắt may rất đẹp, rất thanh nhã. Tóc anh ta được tạo mẫu hoàn hảo và hàm răng trắng bóng. Anh ta là một người hùng trong chiến tranh. Anh ta tự lái chiếc máy bay riêng của mình. Nếu anh ta lệnh cho thuộc hạ nhảy vào núi đao biển lửa, sẽ không có đứa nào dám từ nan. Anh ta chống chọi được nỗi buồn mất hai người anh yêu quý (mà một người do chính anh ta sai thuộc hạ giết! Vâng, xin độc giả đừng quá khắt khe với anh ta về cái sự vụ hơi rối rắm này. Đây là cái tình huống chẳng đặng đừng khiến anh ta giết thì giết nhưng thương thì thương ấy mà! Xin thông “cỗm”). Anh ta đã yêu và chịu nhiều mất mát, hai lần, và vẫn dũng cảm mon men tìm con đường tình chúng ta đi! Trong thời gian này hiếm khi có một ngày qua đi mà báo chí lại không kể lể hoặc cả đăng hình quá trình diễn tiến khúc tình ca mới giữa anh ta với nữ diễn viên đẹp mê li, từng đoạt giải Tony - nàng Marguerite Duvall. Nàng hiện nay sống ở New York. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi chàng cũng về sống lại nơi đó, đúng không nào?

Michael nghe Tom Hagen gọi tên mình.

Tom để lại các vệ sĩ của anh ta ở lại với đám vệ sĩ của Michael và đi xuống đường hầm một mình. Họ ôm nhau.

“Chú sẵn sàng?”

Michael gật đầu. “Chỉ là bữa ăn tối, phải không?”

“Chỉ là bữa ăn tối,” Tom nói. “Đúng. Đi lối này.”

Họ hướng về nơi thông thường là phòng thay quần áo của đội bóng rỗ New York Knicks, nơi những người đứng đầu của Năm Gia đình ở New York và các consiglieres của họ gặp gỡ cho một buổi ăn tối trọng thể. Lần đầu tiên cả bốn Ông Trùm khác - Black Tony, Leo Người Bán sữa, Paulie Fortunato, và người mới nhất, Ozzie Altobello, người vừa tiếp quản quyền lực từ Ông Trùm quá cố Rico Tattaglia - đều là bằng hữu với nhà Corleones.

“Nào, Mike.” Tom đặt một cánh tay quanh người anh ta. “Mọi chuyện sắp ổn cả rồi. Chú đã thử làm những chuyện chưa ai làm được. chú đã thử làm điều tưởng chừng bất khả, và chú hầu như đã làm được. Rất gần mục tiêu rồi. Đừng bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thưở này.”

“Trông tôi có vẻ như đang bỏ lỡ cơ hội sao?”

“Với những con mắt chẳng tinh đời thì có vẻ như thế.” Tom bóp vai Mike, theo cái cách dịu dàng mà Vito Corleone vẫn thường làm khi yêu cầu ai một ân huệ. “Chú là loại người chỉ để ý đến những gì mình không có. Điều này làm cho chú trở thành một con người vĩ đại, nhưng sẽ đến một lúc chú phải lui bước và thẩm định những gì mình có.”

Michael bị cám dỗ muốn nói rằng không có bất kì cái gì mình có mà mình thực sự mong muốn. Nhưng như thế là sai. Anh biết thế. Anh có hai đứa con rất tuyệt vời, một người anh và một người em gái yêu mến mình. Những hoài niệm về một tuổi thơ hạnh phúc. Ý chí muốn tái hợp và thử lại. Những khối tài sản khổng lồ nơi một xứ sở giàu mạnh nhất trên trái đất, nơi thực sự đòi hỏi người ta phải phát minh lại bản thân.

Tom buông cánh tay mình xuống. Hai anh em đang đứng ở ngưỡng cửa của đại sảnh nơi buổi tiệc sẽ diễn ra.

“Nếu hắn ta xuất hiện đâu đó,” Tom nói, “chúng ta sẽ tìm thấy hắn.” Anh không nhắc tên Geraci. Giờ đây đó là một từ úy kị. “Không ai có thể ẩn mình mãi mãi.”

Michael bảo rằng mính không chắc lắm như thế. Cả hai anh em từng nghe những câu chuyện về các tay Mafiosi ở Sicily tuyệt tích giang hồ, im hơi lặng tiếng cả hai mươi năm, thậm chí ba mươi năm, và nước Mỹ thì rộng gấp hơn hai trăm lần đảo Sicily.”

“Nhưng nước Mỹ cũng đầy những con người to mồm hơn rất nhiều. Nếu hắn ta lộ diện đâu đó, tôi tin rằng cuối cùng thế nào chúng ta cũng thấy hắn.”

“Anh phải tin điều đó sao?”

“Người ta sống phải có hi vọng, Mikey à.”

Từ tầng trên vọng xuống âm thanh thử giọng của Fontane. Bài quốc ca ngạo nghễ mà chàng ta vẫn luôn khẳng định là mình không thích.

“Tôi cũng có hi vọng,” Michael nói.

Tom Hagen mở cửa.

Các Ông Trùm khác kêu lớn tên Michael và tươi cười rạng rỡ ùa đến chúc mừng anh.

Trong một hang động với kích thước bằng một phòng khiêu vũ bên dưới khu liên hợp ở Đảo Rắn Rung Chuông, nơi anh đã sửa soạn để sống bao lâu trong mức độ có thể, Nick Geraci cuối cùng cũng nhai nuốt hết bộ sử hai quyển về Chiến tranh La mã, những quyển sách duy nhất mà anh kịp đem theo với mình. Sống nơi hang động này một thời gian anh đã mất dấu ngày hay đêm, nhưng cứ khi nào mệt mỏi thì anh đi ngủ, khi nào ngủ đã giấc anh thức dậy, pha một bình cà phê, lấy ra cuốn sổ ghi chép, và bắt đầu viết. Cuộc mặc cả với định mệnh của Fausto, anh định đặt nhan đề cho quyển sách của mình như thế. Một cuốn sách sẽ “bật nắp” thế giới tội ác ở Mỹ.

Anh biết gì về chuyện viết lách, nhất là viết cả một quyển sách?

Chẳng sao cả. Ai mà biết được cái gì? Cứ bắt đầu. Đó là điều người ta cần biết. Và anh bắt đầu - từ chỗ bắt đầu!

“Chúng tôi sống theo một luật lệ riêng,” anh viết,” vốn hơn là những gì các bạn có thể nói về chính quyền của mình, mà tôi đã thấy đủ từ bên trong để có thể đề cập với ít nhiều thẩm quyền. Trong khoảng thời gian mà các bạn cần để đọc quyển sách này, chính quyền của các bạn sẽ tham gia vào những cuộc chém giết và những tội ác khác nhiều hơn là bao nhiêu những người trong truyền thống của tôi đã làm trong bảy thế kì tồn tại. Tin tôi đi. Có lẽ là quý vị đếch thèm tin đâu. Chuyện đó thì tùy. Không phải là có ý bất kính đâu nhé, nhưng đấy chính là điều làm cho các bạn, độc giả yêu quý, thành kẻ dễ bị lừa. Nhân danh những cộng sự cũ của tôi, và nếu tôi được mạn phép bạo phổi một tí, nhân danh cả ông Tổng thống của các bạn, chúng tôi xin trân trọng cám ơn.”

Anh dừng bút. Anh không thể lưu lại chốn này mãi mãi, nhưng đã có nhũng dàn xếp để anh có thể lưu lại đây một thời gian dài. Hẳn là đủ lâu để viết một quyển sách.

Đôi khi ban đêm anh tưởng chừng như có thể nghe tiếng khoan - toán thợ đang đào hầm, dự định một ngày kia sẽ nối kết anh với tổng hành dinh ở Cleveland. Có lẽ anh đang tưởng tượng ra quá nhiều chuyện. Có lẽ đến khi họ hoàn tất, thì anh đã đi nơi khác, hay đã toi đời. Cơ may của anh không có nhiều. Mong manh và phù phiếm chẳng khác nào trên trời mây nổi như áo trắng, thoáng chốc bỗng thành con chó rơm. Than ôi, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Nick Geraci cười lớn. Dầu rơi vào nghịch cảnh khiến nhiều người ắt phải phẫn hận mà ngâm câu anh hùng nan dĩ mệnh tranh hoành (anh hùng cũng khó có thể tranh đua ngang ngửa với số mệnh) nhưng chàng Geraci vẫn yêu thiết tha định mệnh của mình. Amor Fati. Chàng thật sự là một tâm hồn lớn.

Michael Corleone và Francesca Van Arsdale xuất hiện từ thang máy rồi đi vào căn hộ tầng mái(penthouse apartment) tuyền một màu trắng đến lóa mắt. Roger Cole theo sau. Al Neri ấn cái nút đỏ và chờ trong thang máy. Kathy Corleone ở lại bên dưới với nhóc Sonny, trong một dãy phòng mà, nếu Michael mua tòa cao ốc này, sẽ được chia phần cho cặp song sinh.

Tầng mái chiếm trọn toàn bộ tầng trên cùng - tầng thứ bốn mươi - nhưng đây là một cao ốc nhỏ. Michael sải bước ngang qua sàn nhà cẩm thạch bóng lộn, đến những cửa sổ nhìn ra East River (Sông Đông) và Queens. Nhìn từ bên ngoài, tòa cao ốc này có vẻ tầm thường, hầu như xấu xí nữa là khác, lại bị che khuất mặt trước bởi một cao ốc lớn hơn, trong một hẻm cụt ở cuối phố Bảy mươi hai. Những tầng dưới đầy các văn phòng. Nhân viên an ninh rải đều từ thang máy cho đến mọi căn hộ ở tầng trên cùng. Có thể dễ dàng thay đổi những nhân viên đó bằng những người do chính Neri chọn. Và tầng mái đòi hỏi một chìa khóa đặc biệt. Chỗ ở này sẽ an toàn hơn khu phức hợp ở Hồ Tahoe hay khu nhà ở Long Beach. Chính công ty của Cole đã phá hủy bên trong và thiết kế lại nội thất của căn hộ, rất lâu trước khi Michael nói với Cole mình muốn tìm kiếm cái gì, vậy nên sẽ không có cơ hội cho việc lặp lại chuyện cài thiết bị nghe lén như ở Tahoe.

Francesca đang dán mắt vào vẻ đẹp của quang cảnh và của căn hộ. Trong nhiều tuần, Michael đã chờ đợi cú sốc của những gì xảy ra với Billy giảm nhẹ dần với nàng, nhưng chẳng có cú sốc nào. Mike bắt đầu nhận ra rằng sẽ chẳng có gì. Nàng đã trở thành, hơn cả cậu em ngôi sao bóng đá Mỹ, hiện thân sống động gần gũi nhất của tính thô bạo chất phát của cha nàng. Giết chồng nàng chính là hành động bồng bột nóng nảy mà Sonny có lẽ cũng đã làm. Nàng không cách nào biết rằng chú Mike đã lo liệu chuyện này. Tom Hagen đã đưa ra một đề xuất mà Billy khó lòng từ chối. Lẽ ra chàng ta đã là một nguồn tư liệu đáng giá cho nhà Corleones, chứ không phải là một sự báo oán. Với một mưu thuật nhẹ nhàng họ đã cài được người vào bên trong Bộ Tư pháp. Và rồi chàng ta lại bị cắt làm đôi bởi chính vợ mình, bằng chính chiếc xe của mình. Michael đã thu xếp để Francesca không bao giờ biết được sự thật.

Michael chỉ xuống lối đi. “Còn phòng ngủ của đám nhóc sẽ”

“Đúng” Cole nói. “Lối đó.”

Cole có lẽ là người kinh doanh địa ốc và nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng nhất ở New York. Sinh ra với cái tên Ruggero Colombo, anh ta lớn lên trong một căn hộ tồi tàn gần nhà Corleones. Anh ta thường kể lại câu chuyện làm ấm lòng về cái ngày Vito Corleone thuyết phục chủ nhà của gia đình họ không đuổi nhà Colombos đi nhờ đó cậu bé Ruggero giữ được con chó con lai yêu quý của mình. Vito cũng trả học phí giúp Roger Cole tốt nghiệp Đại học Kinh doanh Fordham. Cole đã giúp Michael kiếm được nhiều triệu đô, lúc đầu lặng lẽ và bây giờ thì công khai. Nếu phải chi Michael có nhiều thời gian hơn để phát triển thêm một ít mối quan hệ như mối quan hệ anh đã có với Cole, có lẽ anh đã có thể giữ được lời hứa với Kay và với bố anh. Chưa phải là quá muộn. Anh vẫn có thể thử lại. Nhưng hiện nay anh lại đi về... đường xưa lối cũ.

“Anh có thường gặp họ không?”

“Ai chứ?”

“Gia đình anh,” Cole nói. “Tony và Mary.”

Trong một lúc, Michael đã nghĩ Roger muốn chỉ những cộng sự làm ăn trước đây của mình. “Ngày mai tôi sẽ đi thăm các cháu.”

Đối với khu Manhattan thì các phòng ở đây là rộng nhưng so với phòng ốc ở Tahoe thì lại khá nhỏ. “Mọi người sẽ thích nơi đây, tôi nghĩ vậy.”

“Còn anh thế nào?” Cole hỏi. “Anh thích chỗ này không? Bởi vì nếu anh không thích thì tôi còn vài chỗ khác cũng được lắm. Nếu anh có thời gian tôi sẽ dẫn anh xem qua.”

“Ai là người bán?” Michael hỏi.

Cole cười. “King Properties của chúng tôi chứ còn ai khác.”

Điều này có nghĩa là với tư cách đối tác thầm lặng của Cole, Michael đã có được một miếng rồi. “Và toàn bộ cao ốc này để bán?”

“Không chính thức như thế. Chỉ bán các căn hộ. Nhưng cho bạn thì tất nhiên rồi.”

Anh có thể kéo gia đình về gần mình, hơn lúc nào khác. Kathy đã có chỗ dạy ở City College; nàng và Francesca sẽ sống bên nhau và cùng nuôi dạy bé Sonny. Connie và các con của cô ấy sẽ dọn vào dãy phòng lớn khác ở tầng đó. Tom và Theresa sẽ sử dụng toàn bộ tầng dưới đó. Bất kì ai dọn đến đây anh cũng có chỗ cho họ và giữ cho họ được an toàn.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Họ bàn về các điều khoản của hợp đồng.

“Vậy là tốt lắm, Roger à.”

Francesca tán thành. Mọi người hôn nhau lên má và hướng về buồng thang máy.

“Đã từng là Người New York,” Cole nói. “Mình biết bạn sẽ trở về. Chúc mừng trở lại quê nhà, bạn quý!”

“Thật vui khi trở về,” Michael nói, lớn hơn là anh định nói. Khi hai cửa thang máy khép lại, những lời của anh còn vang vọng trong lối đi có mái che của căn nhà mới.

VỀ TÁC GIẢ

Mark Winegardner nhận bằng Thạc sĩ Văn chương về viết truyện (Master of Fine Arts in Fiction Writing) tại Đại học George Mason và xuất bản quyển sách đầu tay ở tuổi hai mươi sáu, khi còn trên ghế nhà trường. Những quyển sách của ông đã được chọn là những sách hay trong năm bởi The New York Times Book Review, Los Angeles Times, Chicago Sun Times, USA Today và Thư viện Công New York. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm gồm GQ, Playboy, Family Circle, American Short Fiction, Ladies’ Home Journal, ParentsThe New York Times Magazine. Nhiều truyện của ông được chọn như là Truyện ngắn Xuất sắc của Năm trongThe Best American Short Stories. Ông cũng là thành viên của các Chương trình Viết văn Liên kết. Hiện nay ông là Giáo sư và Giám đốc của Chương trình Viết Sáng tạo tại Đại học Bang Florida ở Tallahassee, Florida.

HẾT

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác sách:

Xù Risan – Phục Sinh – H.y

(Tìm – Chỉnh sửa – Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3