Bản chúc thư - Chương 27
Chương hai mươi bảy
Cô không có vẻ cao hơn những người da đỏ bao nhiêu. Và cô đã tránh tất cả mọi món ăn dễ làm cho phụ nữ béo phì. Đôi chân cô mảnh và dài. Cô mang những đôi xăng-đan bằng da đỏ có vẻ hơi lập dị trong một nền văn hóa… chân đất, không ai mang giày dép nào cả. Ở đâu cô có giày? Cô sắm sơ-mi và quần short bằng kaki ở đâu? Biết bao câu hỏi lởn vởn trong đầu anh.
Quần áo của cô giản dị và đã sờn gấu, phai màu. Nếu cô không phải là Rachel Lane, thì chắc chắn cô cũng biết được Rachel ở đâu.
Họ ngồi đối diện sát gần nhau, “Rachel Lane đã không còn hiện hữu từ nhiều năm trước đây”, cô nói, mắt nhìn về buôn làng ở xa xa. “Tôi còn cái tên Rachel nhưng bỏ họ Lane. Chắc là có việc nghiêm trọng lắm, nếu không anh đã chẳng đến đây.” Cô nói chậm rãi, từ tốn, không bỏ sót âm nào và cân nhắc kĩ từng lời.
“Cụ Troy mới mất. Cụ tự tử, cách đây ba tuần”
Cô hơi cuối đầu, nhắm mắt, có vẻ như đang cầu nguyện. Một bài kinh cầu ngắn, theo sau là một quãng lặng dài. Yên lặng không làm cô ngại. “Anh biết ông ấy?” cuối cùng cô hỏi.
“Tôi có gặp cụ một lần, nhiều năm trước đây. Hãng chúng tôi có rất nhiều luật sư, riêng tôi chưa đích thân làm việc gì cho khách hàng Troy. Không, tôi không biết gì nhiều về cụ.”
“Tôi cũng không biết gì nhiều về ông ấy. Ông là người cha nơi trần gian của tôi, và tôi đã để nhiều thời gian cầu nguyện cho ông, nhưng với tôi, ông vẫn luôn là người lạ.”
“Lần cuối cùng cô gặp ông là lúc nào?” Những lời của Nate cũng trở nên từ tốn hơn, chậm rãi hơn. Đúng là phong thái và giọng nói của cô có hiệu ứng vỗ về, êm dịu.
“Nhiều năm trước đây. Trước khi tôi lên Đại học… Anh biết tôi đến mức độ nào?”
“Không nhiều. Cô chẳng để lại dấu tích bao nhiêu.”
“Vậy làm sao mà anh tìm được tôi?”
“Nhờ cụ Troy. Cụ đã cố tìm cô trước khi mát nhưng không được. Cụ biết cô là nhà truyền giáo của Giáo đoàn World Tribes và cô ở đâu đó trong phần đất này của thế giới. Mọi chuyện còn lại tùy… tài sức của tôi.”
“Làm thế nào ông ta có thể biết chuyện ấy?”
“Cụ có vô khối tiền”
“Và đó là lí do tại sao anh đến đây?”
“Vâng, đó là động cơ đẩy tôi đến đây. Chúng ta cần nói chuyện… kinh doanh”.
“Chắc ông Troy có để cho tôi chút gì đó trong di chúc”
“Vâng, cô có thể nói như vậy”
“Tôi không muốn nói chuyện kinh doanh làm ăn gì cả. Tôi chỉ thích nói chuyện phiếm chơi thôi. Anh có biết tôi thường nói tiếng Anh đến mức nào không?”
“Chắc là rất hiếm khi, tôi nghĩ vậy”
“Mỗi năm một lần, tôi đến Corumbá để nhận đồ tiếp tế. Tôi gọi điện về văn phòng ở quê nhà, và chỉ nói tiếng Anh trong vòng mười phút. Và chuyện đó thường làm tôi rất ngán.”
“Tại sao?”
“Tôi rất bồn chồn. Tay tôi cứ run lên khi cầm điện thoại. Tôi biết những người tôi đang nói chuyện nhưng tôi ngại sẽ dùng từ sai. Đôi khi tôi còn nói lắp. Chỉ mười phút mỗi năm.”
“Cô đang làm một công việc thật cao quý”
“Tôi rất bối rối”
“Hãy thư giãn. Tôi là một người… lịch sự”
“Nhưng anh đã tìm được tôi. Tôi đang khám cho một bệnh nhân đúng một giờ trước đây khi mấy chú nhóc đến nói cho tôi biết rằng có một ông Mỹ ở đây. Tôi chạy về túp lều của tôi và bắt đầu cầu nguyện. Chúa đã cho tôi sức mạnh.”
“Tôi đến với tinh thần hiếu hòa với mọi người.”
“Anh có vẻ là một con người khả ái”
Phải chi cô biết được, Nate nghĩ. “Cám ơn. À, cô vừa nói về chuyện khám một người bệnh”
“Vâng”
“Tôi cứ nghĩ cô là một nhà truyền giáo”
“Đúng vậy. Và tôi cũng là một bác sĩ y khoa”
Thế mà chuyên môn của Nate là đi kiện đám bác sĩ. Nhưng bây giờ chẳng phải lúc, cũng chẳng phải nơi để tranh luận về chuyện những sai phạm trong việc hành nghề y khoa. “Đây không phải là lãnh vực nghiên cứu của tôi”.
“Tôi đã thay đổi họ sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trước lúc vào học y khoa và vào Chủng viện. Có lẽ vì vậy đã cắt dứt đấu tích.”
“Đúng thế. Tại sao cô đổi họ?”
“Chuyện khá rắc rối, chí ít là lúc đó. Bây giờ thì chẳng quan trọng gì nữa”
Một cơn gió hiu hiu, mát dịu từ mặt sông thổi vào. Gần năm giờ chiều. Các đám mây đen sà xuống thấp trên cánh rừng. Cô thấy anh đang liếc nhìn đồng hồ. “Mấy cậu thanh niên đang mang lều bạt đến đây cho anh. Một nơi rất thích hợp để ngủ qua đêm nay.”
“Cám ơn. Tôi cũng mong là thế. Chúng tôi sẽ được an toàn chứ?”
“Vâng. Chúa sẽ bảo vệ các anh. Hãy đọc kinh cầu nguyện”
Vào lúc ấy, Nate dự tính sẽ cầu nguyện như một nhà tu chính hiệu. Việc nằm ngủ kế cận con sông đặc biệt làm anh lo ngại. Nhắm mắt lại, anh vẫn mường tượng thấy những con trăn anaconda trườn đến lều anh.
“Anh vẫn thường cầu nguyện chứ, O’Riley?”
“Xin cứ gọi tôi là Nate. Vâng, tôi vẫn thường cầu nguyện”
“Anh gốc Ái Nhĩ Lan?”
“Tôi dân lai. Mang dòng máu Nhật-nhĩ-man nhiều hơn. Bố tôi có các cụ cố là người Ái Nhĩ Lan. Tôi cũng không để tâm lắm để phả hệ gia tộc”
“Anh theo giáo phái nào?”
“Phái Episcopal”. Giáo hội La Mã, Luther hay Episcopal chuyện đó không thành vấn đề. Nate chẳng còn bước chân vào bên trong một nhà thờ nào, kể từ lần kết hôn thứ nhì.
Anh muốn tránh bàn về đời sống tâm linh. Thần học không phải là chuyên khoa của anh và anh không muốn tranh luận những vấn đề siêu hình với một nhà truyền giáo. Cô lặng yên, theo thông lệ, và anh chủ động chuyển hướng câu chuyện. “Mấy người da đỏ này hiếu hòa chứ?”
“Đa số là vậy. Người Ipicas không hiếu chiến, nhưng họ không tin tưởng người da trắng.”
“Thế còn cô?”
“Tôi đã ở đây mười một năm. Họ đã chấp nhận tôi”
“Phải mất bao lâu?”
“Tôi may mắn bởi vì một cặp vợ chồng nhà truyền giáo đã ở đây trước tôi. Họ đã học được ngôn ngữ bản xứ và dịch Kinh Tân ước ra tiếng Ipicas. Vả lại, tôi là một bác sĩ y khoa. Tôi dễ dàng làm bạn khi các sản phụ mẹ tròn con vuông.”
“Tiếng Bồ của cô nghe khá lắm”
“Tôi nói lưu loát. Tôi nói được tiếng Tây Ban Nha, Ipica và Machiguenga.”
“Là cái gì vậy?”
“Machiguenga là cư dân bản địa ở các vùng rừng núi xứ Peru. Tôi đã ở đó sáu năm. Tôi vừa mới thạo được ngôn ngữ thì họ xua đuổi tôi đi”
“Tại sao?”
“Đám du kích”
Làm như thú dữ và thiên tai dịch bệnh còn chưa đủ.
“Họ bắt cóc hai nhà truyền giáo ở một buôn làng không xa chỗ tôi lắm. Nhưng Chúa đã cứu con cái Người. Họ được thả ra bốn năm sau, bình an vô sự.”
“Quanh đây có du kích không?”
“Không. Xứ này thuộc Brazil. Dân chúng rất hiếu hòa. Có một số dân buôn lậu ma túy, nhưng không có ai đi sâu vào vùng Pantanal đến mức này”
“Ở đây cách sông Paraguay bao xa?”
“Vào thời điểm này trong năm, mất tám tiếng”
“Tám tiếng đồng hồ Brazil?”
Cô mỉm cười về chuyện này. “Anh đã học được là thời gian ở đây chậm hơn. Nói theo giờ Mỹ thì từ tám đến mười tiếng.”
“Bằng xuồng?”
“Tùy theo phương tiện chúng ta đi. Trước kia tôi có một chiếc xuồng máy. Nhưng nó đã cũ, động cơ hỏng hóc hoài.”
“Sẽ mất bao lâu nếu ta dùng xuồng máy?”
“Năm giờ, hơn hay kém. Bây giờ là mùa nước nổi, và dễ bị lạc”
“Vâng, tôi đã học được bài học đó”
“Các con sông chảy vào nhau. Các anh cần đem theo một người đi câu khi các anh rời nơi đây. Các anh không thể nào tìm được sông Paraguay nếu không có người hướng dẫn”.
“Còn cô vẫn đi mỗi năm một lần?”
“Vâng, nhưng tôi đi trong mùa khô, vào tháng tám. Lúc đó trời mát hơn, ít muỗi hơn.”
“Cô đi một mình?”
“Không, tôi cùng đi với Lako, người bạn da đỏ, để đến Paraguay. Mất khoảng sáu tiếng đi xuồng khi các con sông xuống thấp. Tôi sẽ chờ một con tàu lớn để đến Corumbá. Tôi ở lại ít ngày, giải quyết công việc, rồi quay về”
Nate nghĩ đến việc anh đã thấy ít giang thuyền đi lại trên sông Paraguay. “Có thuyền máy không?”
“Thường thì chỉ có thuyền chở gia súc. Các thuyền trưởng biết cách lấy hành khách”
Cô thường dùng xuồng độc mộc vì chiếc xuồng máy của cô đã hỏng máy. Cô đi trên các thuyền chở gia súc để đến Corumbá, sự tiếp xúc duy nhất của cô với đời sống văn minh. Cái núi tiền khổng lồ đang trong tầm tay kia sẽ thay đổi cô như thế nào? Nate tự hỏi. Một câu hỏi hình như khó mà trả lời.
Anh sẽ nói với cô ngày mai, khi trời còn mát mẻ, khi anh đã được nghỉ ngơi khỏe khoắn, ăn uống đầy đủ và rộng thời giờ để bàn bạc mọi vấn đề. Có những dáng người xuất hiện ở ven khu định cư - nhiều bóng đàn ông đi về phía họ.
“Họ đến rồi”, cô nói. “Chúng tôi ăn trước lúc chập choạng tối, xong rồi ngủ”
“Tôi đoán chẳng có gì để làm sau đó”
“Không có gì để bàn thêm”, cô nói nhanh.
Jevy hiện ra với một nhóm thanh niên da đỏ, một người trong bọn trao cho Rachel một cái giỏ vuông, nhỏ. Cô đưa cho Nate, anh lấy ra một ổ bánh mì cứng bằng bột khoai mì.
“Mời quý khách dùng tạm bữa ăn đạm bạc. Đây là bánh khoai mì, món ăn chính thường ngày của chúng tôi”
Và hiển nhiên đó là món ăn duy nhất cho họ, ít ra là đối với bữa ăn đó. Nate đang ăn miếng bánh thứ nhì khi một đám người da đỏ từ buôn làng đầu tiên đến gặp họ, mang theo lều bạt, mùng mền và mấy chai nước từ chiếc xuồng của họ.
“Chúng ta sẽ ngủ ở đây tôi nay”, Nate nói với Jevy.
“Ai bảo vậy?”
“Đây là chỗ tốt nhất”, Rachel nói. “Tôi muốn mời các anh ngủ một chỗ nào đó trong làng, nhưng trước tiên phải được vị tù trưởng chấp thuận cho những người da trắng được phép đến thăm làng.”
“Người đó có lẽ là tôi”, Nate nói.
“Vâng”
“Còn cậu ta?” Anh hướng về Jevy.
“Cậu ấy được phép đến lấy thức ăn, chứ không được phép ngủ lại. Những quy tắc có hơi rắc rối.”
Điều này làm Nate ngạc nhiên đến buồn cười - những con người sơ khai quần áo còn chưa đủ che thân nhưng lại theo một hệ thống luật lệ phức tạp.
“Tôi muốn rời nơi đây vào trưa mai”, Nate nói với Rachel.
“Cả chuyện đó cũng còn tùy… lãnh đạo”
“Cô nói vậy nghĩa là chúng tôi không thể đi lúc nào chúng tôi muốn?”
“Anh sẽ đi khi nào ông ấy nói anh được phép đi. Có gì đâu mà thắc mắc”
“Cô và ‘vị lãnh đạo’ có thân nhau không?”
“Chúng tôi có quan hệ tốt với nhau”
Cô bảo đám người da đỏ quay về buôn làng. Mặt trời đã khuất sau mấy rặng núi. Bóng cây rừng chập chùng đang vây phủ họ.
Trong mấy phút, Rachel còn đứng nhìn Jevy và Nate loay hoay với chiếc lều. Trông nó nhỏ xíu khi cuộn lại còn khi họ giăng nó ra trên mấy cái cọc thì nó cũng… chẳng lớn hơn được mấy tí. Nate không chắc chiếc lều có đủ chỗ cho Jevy nằm không, nói chi đến cả hai người. Dựng cao, căng thẳng ra hết mức, chiếc lều cũng chỉ cao đến ngực, bé tí tẹo trông đến là thảm hại so với hai con người to lớn.
“Tôi đi đây”, cô thông báo. “Các bạn sẽ an toàn ở đây.”
“Hứa thế chứ?” Nate thành thật nói.
“Tôi có thể cho vài cậu thanh niên đứng đây canh chừng, nếu các anh muốn.”
“Không dám phiền. Chúng tôi ổn rồi,” Jevy nói.
“Thường buổi sáng dân chúng ở đây dậy từ lúc mấy giờ?” Nate hỏi.
“Một giờ trước khi mặt trời lên”
“Tôi chắc rằng lúc đó chúng tôi cũng đã thức dậy”, Nate nói, liếc nhìn vào chiếc lều. “Chúng ta có thể gặp nhau lúc sáng sớm chứ? Rất nhiều điều cần bàn.”
“Vâng. Tôi sẽ gửi tới ít lương thực ngay lúc sớm mai. Rồi chúng ta sẽ nói chuyện phiếm cho vui.”
“Hay lắm”
“Nhớ đọc kinh, ông O’Riley”
“Vâng, tôi sẽ đọc”
Cô đi vào trong bóng đêm rồi biến đi. Chỉ trong phút chốc Nate còn thấy dáng cô lướt nhanh trên đường mòn rồi mất hẳn. Buôn làng chìm trong đêm đen.
Nate và Jevy còn ngồi trên chiếc chõng tre hàng giờ, chờ cho khí trời dịu bớt, khiếp sợ cái lúc mà họ sẽ bắt buộc phải chui vào trong lều, nằm đấu lưng nhau mà ngủ, ai cũng mồ hôi toát đầy người, nhớp nháp, bốc mùi… Nhưng không có lựa chọn nào khác. Cái lều dầu bé tẹo, cũng bảo vệ cho họ khỏi muỗi mòng, côn trùng và cả những loài bò sát gớm ghiếc.
Họ nói chuyện về buôn làng, Jevy kể những câu chuyện của người da đỏ, tất cả đều kết thúc bằng cái chết của một ai đó. Cuối cùng, cậu ta hỏi: “Ông đã nói với cô ấy về chuyện tiền bạc chưa?”
“Chưa. Để ngày mai”
“Ông đã gặp cô ấy rồi. Cô ấy nghĩ gì về tiền bạc?”
“Tôi cũng chưa có ý kiến gì. Ở đây cô ấy đang hạnh phúc. Có vẻ là ác tâm khi xáo trộn cuộc sống của cô ấy”
“Thế thì đưa hết tiền cho tôi đi. Tiền bạc chẳng làm đảo lộn đời sống tôi đâu.”
Họ chui vào lều theo trật tự phân hạng. Nate bò vào trước - Đêm rồi anh đã để trọn đêm ngắm sao trời từ đáy chiếc xuồng, nên bây giờ mệt lả, buồn ngủ đến bã người.
Khi anh bắt đầu ngáy khò khò, Jevy chậm rãi kéo phéc-mơ-tuya của cửa lều, chui vào, kéo kín trở lại và xoay sở để đặt mình sao cho gọn, vừa khít. Còn ông bạn quý đã mê man trong giấc điệp.