Gối đầu lên cỏ - Chương 05
Chương 5
- Xin lỗi anh, cho phép tôi tò mò một chút. Anh là người Tokyo phải không?
- Nhìn tôi giống người Tokyo lắm hay sao?
- Anh nói là “nhìn giống” ư? Nếu mới thoáng nhìn thì... Trước hết, tôi nghe anh nói mấy tiếng là đoán được ngay.
- Anh có biết là tôi ở nơi nào của Tokyo không?
- Ðể xem nào. Tokyo thì rộng kinh khủng nhỉ... Có lẽ không phải là ở khu trung tâm. Chắc ở Yamanote? Kojimachi ở Yamanote chăng? Không à? Hay là ở Koishikawa? Nếu không phải thì chắc là Ushigome hoặc Yotsuya gì đó?
- Chắc là cũng loanh quanh đâu đó thôi. Anh rành nhỉ!
- Nhìn thế này nhưng tôi cũng là người Edo[1] gốc đấy!
[1] Edo là tên cũ của Tokyo
- Thảo nào! Tôi thấy anh cũng có phong thái của người Tokyo đấy chứ.
- Hề hề... Chẳng phong thái chút nào đâu. Dù sao cũng làm người mà lại ra thế này, khổ sở lắm!
- Nhưng làm sao mà anh lại trôi dạt đến vùng quê này?
- Ðúng rồi, như anh vừa nói ấy. Tôi là kẻ trôi dạt thật mà. Phải cắn răng mà sống thế thôi...
- Anh vốn là chủ tiệm cắt tóc à?
- Không phải chủ, chỉ là một người làm thuê thôi. Sao? Nơi nào á? Ở Matsunagacho, Kanda. Ðó là một khu phố dơ bẩn và chật như nêm. Chắc hẳn là người như anh thì không biết đâu nhỉ. Ở đó có một cây cầu tên là Ryukanbashi, đúng không? Sao? Cũng không biết luôn à? Nhưng Ryukanbashi thì cũng nổi tiếng đấy chứ.
- Này, anh cho thêm một chút xà phòng đi, đau quá!
- Anh bị đau à? Tôi là người hơi cầu toàn, nên cứ phải làm như thế, cạo ngược gốc râu, làm sạch đến từng vết chân lông, nếu không thế thì không chịu được... Còn mấy người cắt tóc bây giờ ấy à, họ chẳng cạo gì cả mà chỉ chải qua thôi. Anh cố chịu một chút nữa nhé!
- Tôi đã chịu đựng mãi từ lúc nãy, cũng khá lâu rồi. Xin anh đấy, cho thêm một chút nước nóng hay xà phòng nữa đi nào!
- Không chịu được nữa à? Lẽ ra là cũng không đau quá đâu. Vấn đề là do râu của anh dài quá.
Anh thợ cắt tóc gần như miễn cưỡng buông bàn tay bấu mạnh trên má tôi, rồi lấy miếng xà phòng màu đỏ mỏng dính từ trên kệ xuống, ngâm vào nước một chút rồi cứ để nguyên như thế xoa đều lên mặt tôi. Tôi chưa từng bị xát xà phòng trực tiếp lên mặt như vậy. Hơn nữa, chỗ nước mà anh thợ cắt tóc nhúng bánh xà phòng như đã bị hút khô tự bao giờ, chẳng biết có còn lại chút nào không. Tôi thầm nghĩ và cảm thấy ngán ngẩm.
Rốt cuộc, vì quyền lợi của một khách hàng ở tiệm cắt tóc nên tôi không thể không nhìn vào gương. Nhưng từ lúc nãy tôi đã tự nhủ rằng mình chẳng muốn sử dụng cái quyền này. Cái đồ vật được gọi là gương chỉ là một thứ mặt phẳng chẳng có ích lợi gì ngoài việc điềm nhiên phản chiếu mặt người. Nếu ta treo một chiếc gương không đủ đảm bảo chức năng này và bắt người ta phải soi vào đó, thì chỉ có thể nói rằng chiếc gương lúc đó giống như một nhà nhiếp ảnh tồi, sẽ cố ý làm hỏng chân dung của người được phản chiếu. Giày vò cái tâm phù phiếm có lẽ cũng là một cách để rèn luyện nhân cách, nhưng không cần phải xúc phạm người ta đến mức lúc nào cũng trưng ra cái bộ mặt xấu xí hơn gương mặt thật của họ rồi bảo rằng đấy chính là ngươi. Và đúng là từ nãy đến giờ cái gương ngay trước mặt mà tôi bị buộc phải nhìn vào đang sỉ nhục tôi. Khi tôi quay sang phải thì cái mũi choáng hết phần giữa gương mặt. Quay sang trái thì cái miệng bị kéo ra đến tận mang tai. Nếu ngước lên thì khuôn mặt bị kéo dẹt ra như con cóc nhìn từ phía trước. Nếu cúi xuống một chút thì cái đầu nhô cao giống như đứa con của thần Fukurokuju[2]. Vậy là trong lúc miễn cưỡng đối diện với chiếc gương, tôi đã một mình đóng vai đến mấy con quái vật. Thoạt tiên thì tôi cũng phải công nhận khuôn mặt trong gương của mình hơi thiếu thẩm mỹ, nhưng xem xét kỹ chiếc gương từ cấu tạo cho đến màu sắc, những chỗ bong lớp bạc để ánh sáng lọt qua thì thấy bản thân cái gương này mới là một vật thể cực kỳ xấu xí. Khi bị kẻ tiểu nhân xúc xiểm thì ta chẳng có gì phải đau khổ vì lời xúc xiểm ấy, nhưng nếu cứ phải sống trước mặt kẻ tiểu nhân thì chắc là ai cũng cảm thấy khó chịu.
[2] Fukurokuju là vị thần phúc lộc thọ trong văn hóa Nhật Bản. Ðiểm đặc biệt ở vị thần này là trán rất cao.
Hơn nữa, anh thợ cắt tóc này cũng chẳng phải một người thợ cắt tóc bình thường. Khi ghé nhìn từ bên ngoài vào thì thấy anh ta đang ngồi xoải chân hút thuốc bằng một cái tẩu dài, nhả khói đều đều về phía lá cờ liên minh Nhật Anh nhỏ xíu, đúng là có vẻ hơi uể oải; nhưng khi bước vào tiệm, giao phó cái đầu cho anh ta thì mới thấy bất ngờ. Anh ta giằng bấu cái đầu tôi không thương tiếc, đến nỗi trong lúc được cắt tóc, tôi cứ hoang mang không biết liệu cái đầu mình có còn nằm trên cổ, hay đã nằm trọn vẹn trong tay anh ta rồi! Kiểu này thì cho dù có khâu chặt cái cổ vào giữa hai vai cũng không thể nào giữ vững cái đầu được.
Còn lúc cầm dao cạo thì anh ta giống một kẻ man rợ không hiểu gì về luật pháp văn minh. Khi cạo trên má thì có tiếng kêu soạt soạt. Cạo ở chỗ tóc mai thì mạch máu chạy rần rật. Ở chỗ cằm thì lưỡi dao loang loáng kêu rào rạo từng hồi, một thứ âm thanh kỳ lạ như tiếng kêu phát ra khi mảnh băng bị giẫm vỡ. Và anh chàng này tự nhận là có tay nghề cắt tóc bậc nhất ở Nhật Bản!
Và anh ta lại còn say rượu nữa. Mỗi lần anh ta bảo “anh à” thì lại phả ra một thứ mùi kỳ lạ. Thỉnh thoảng thứ mùi lạ ấy lại xộc vào mũi tôi. Kiểu này thì không biết lúc nào anh ta vung tay đưa nhầm lưỡi dao cạo. Người đang cầm dao mà còn không biết rõ đường dao, thì lẽ nào người giao phó khuôn mặt là tôi lại có thể đoán được. Vì tôi đã tin tưởng mà giao phó, nên có lỡ bị trầy xước một chút thì cũng không có ý phàn nàn, nhưng nếu bỗng nhiên anh ta dở chứng, làm rách cả cổ họng thì to chuyện.
- Chỉ những người chưa vững tay nghề mới bôi xà phòng rồi cạo, nhưng mà râu của anh thì cái nào ra cái nấy nên tôi cũng buộc phải dùng đến xà phòng.
Vừa nói người thợ cắt tóc vừa vứt nguyên bánh xà phòng để trần lên trên kệ, nhưng bánh xà phòng không nghe lời chủ, lại lăn ngay xuống đất.
- Hình như cũng ít thấy anh ở quanh đây. Có lẽ anh mới đến vùng này phải không?
- Tôi vừa đến hai, ba ngày trước đây mà.
- Thế à? Anh đang ở đâu vậy?
- Tôi trọ ở nhà Shihoda.
- À, anh là khách ở chỗ đấy à? Tôi cũng đoán là như thế. Thật ra thì tôi cũng biết ơn ông già ẩn cư ấy lắm... Nói thế nào nhỉ? Dạo ở Tokyo ông ấy là hàng xóm của tôi... Nhờ thế mà quen biết. Ông ấy là người tốt đấy. Và cũng biết nhiều thứ nữa. Năm ngoái bà vợ mất... giờ thì chỉ quanh quẩn với mấy thứ đồ sưu tầm... mà ông toàn sở hữu những thứ tuyệt hảo đấy. Người ta bảo rằng nếu mà ông bán mấy thứ ấy đi thì cũng được khối tiền.
- Ông ta có một cô con gái đẹp phải không?
- Nguy hiểm đấy!
- Sao vậy?
- Anh hỏi vì sao á? Anh không biết đấy thôi. Cô ta đã từng lấy chồng rồi lại bỏ về nhà đấy.
- Thế à?
- Anh nói “thế à” mà cứ như chẳng có chuyện gì cả nhỉ! Cô ấy chẳng có lý do gì mà trở về kiểu đó... Nghe bảo là vì ngân hàng phá sản, cô ta không còn điều kiện mà sống xa hoa nữa nên mới bỏ về, chẳng còn gì là tình nghĩa nữa! Lúc ông cụ vui vẻ thì không sao, nhưng chẳng may gặp ngày có chuyện gì thì chắc là không ổn được.
- Ừ nhỉ!
- Tất nhiên rồi. Anh con trưởng ở nhà trên thì không dễ chịu lắm đâu.
- Có nhà trên nữa à?
- Nhà ở trên đồi ấy. Anh đến tham quan đi. Cảnh đẹp lắm!
- Ôi, anh cho thêm một chút xà phòng nữa đi. Lại hơi đau rồi.
- Râu của anh hay làm đau nhỉ. Vì râu cứng quá đấy. Cứ ba ngày thì anh nhất định phải cạo râu một lần nhé. Tôi cạo mà bị đau thì anh đến tiệm nào cũng không chịu nổi đâu.
- Từ bây giờ tôi sẽ nghe lời anh. Tôi đến đây mỗi ngày cũng được mà.
- Anh định trọ lại lâu thế kia à? Nguy hiểm đấy! Ðừng có dây vào! Chẳng ích gì đâu. Cứ vướng vào những chuyện chẳng hay ho gì, rồi không biết sẽ ra sao đấy.
- Sao vậy?
- Cô gái ấy mặt mũi thì có vẻ xinh đẹp, nhưng thực ra là người có vấn đề.
- Vì sao?
- Anh hỏi vì sao á? Mọi người trong làng đều bảo cô ta bị điên kìa!
- Thế thì chắc là có điều gì nhầm lẫn đấy thôi.
- Nhưng trước mắt đã có chứng cứ thì anh đừng nên dính dáng vào. Nguy hiểm lắm!
- Tôi thì chẳng sao cả. Nhưng chứng cứ gì kia?
- Ðó là một câu chuyện kỳ cục. Anh cứ thong thả ngồi hút thuốc rồi tôi kể cho nghe... Anh có cần gội đầu không?
- Vẫn còn sạch đấy mà.
- Chỉ làm sạch gàu thôi nhé?
Không một chút lưỡng lự, người thợ cắt tóc đặt mười đầu ngón tay với những móng tay cáu bẩn lên đầu tôi rồi thẳng tay xoa giật liên hồi. Những chiếc móng tay cọ xát từng chân tóc, luồn giữa những sợi tóc trên đầu như một chiếc cào khổng lồ chạy nhanh như gió. Tôi không biết trên đầu mình có bao nhiêu sợi tóc, nhưng cảm giác như từng chân tóc đều bị giật mạnh, và từng khoảng trống trên da đầu đều phồng rộp cả lên, kể cả xương đầu và óc não bên trong cũng bị chấn động mạnh mẽ bởi sự cọ xát này.
- Anh thấy thế nào? Dễ chịu không?
- Mạnh tay thật đấy!
- Sao kia? Làm thế này ai cũng thấy sảng khoái mà!
- Sắp rụng cả cổ ấy!
- Mệt mỏi đến thế à? Chỉ là do thay đổi thời tiết thôi. Mùa xuân hay làm cho cơ thể người ta uể oải... Nào, hút một điếu thuốc đi. Anh ở Shihoda một mình chắc là buồn lắm? Cứ đến đây chơi. Người Edo gốc thì có những chuyện chỉ nói được với người Edo gốc mà thôi. Sao? Chắc chắn cô ấy đã chào hỏi thân thiện với anh rồi chứ? Nhưng vì cô ta chẳng biết phải trái gì nên mới hỏng.
- Trong lúc kể chuyện về cô ấy thì anh đã xốc bay cả gàu, mà đầu tôi cũng muốn rụng luôn kia!
- Ðúng đấy, vì cái đầu trống rỗng nên chẳng giữ được chuyện gì... Nhà sư bên ấy đã say mê...
- Nhà sư đó là nhà sư nào vậy?
- Nhà sư quản kho ở chùa Kankaiji ấy mà...
- Tôi chưa được biết nhà sư nào cả, dù quản kho hay trụ trì.
- Thế à? Không được rồi, tôi kể hơi hấp tấp. Ðó là một nhà sư có gương mặt hơi khắc khổ nhưng quyến rũ, thường đến nhà cô ấy. Rồi cuối cùng ông ta gửi một lá thư... Khoan nào! Ông ta tán tỉnh chăng? Ồ không, chỉ là gửi một lá thư thôi. Chỉ là một lá thư. Rồi thì... ra thế đấy...Có gì đó không bình thường trong chuyện này. Ừ, đúng là như thế. Làm thế rồi thì phát hoảng lên...
- Ai phát hoảng?
- Cô gái ấy!
- Cô gái nhận được thư thì phát hoảng à?
- Nếu là người nhút nhát đến mức phát hoảng thì đã chẳng có chuyện gì, nhưng cô ta lại không hề ngạc nhiên kia chứ!
- Vậy thì ai phát hoảng?
- Người theo đuổi cô ấy.
- Chẳng phải anh đã nói rằng ông ta không theo đuổi sao?
- Ừ, quên mất. Tôi nhầm. Là người nhận thư ấy...
- Vậy thì đúng là cô gái kia rồi.
- Là người đàn ông chứ.
- Nếu đàn ông thì chính là nhà sư kia à?
- Ừ, là nhà sư ấy.
- Thế vì sao nhà sư lại phát hoảng?
- Vì sao à? Khi nhà sư đang tụng kinh trên chánh điện thì đột nhiên cô gái nhào đến... Hì hì! Ðúng là điên thật nhỉ!
- Rồi sao nữa?
- Cô ta bảo rằng: “Nếu mà tôi đáng yêu như thế, thì hãy ngủ cùng tôi trước tượng Phật này đi!”, rồi cô bất ngờ choàng tay qua cổ Taian.
- Ôi trời!
- Mất mặt thật nhỉ, ông Taian ấy mà. Ông đã viết thư cho một kẻ điên rồ, để rồi bất ngờ bị sỉ nhục như thế. Cuối cùng, đêm hôm ấy ông đã lén trốn đi mà kết liễu cuộc đời...
- Ông ta chết rồi sao?
- Chắc là chết thôi. Làm sao mà sống được!
- Hết chỗ nói!
- Ôi dào... nhưng nếu mà gặp phải một kẻ điên rồ như thế thì có chết cũng chỉ thiệt thân, nên có thể là ông ta vẫn sống.
- Một câu chuyện khá hay!
- Chẳng biết là có hay hay không, chỉ thấy người trong làng chê cười ầm ĩ. Duy chỉ có người trong cuộc là vốn dĩ không bình thường nên cứ bình thản như không... Nếu là người vững vàng như anh thì chắc không phải lo. Nhưng đối tượng vẫn cứ là đối tượng, nên anh tuyệt đối đừng có dính líu gì, chỉ cần một chút thôi thì biết đâu sẽ gặp tai họa đấy.
- Tôi cũng phải đề phòng nhỉ! - Tôi bật cười.
Từ phía những tảng đá vẫn còn ấm nóng, gió xuân mang hơi mặn của biển nhè nhẹ thổi vào, làm tấm biển hiệu của tiệm cắt tóc phất phơ như buồn ngủ. Trong gương hiện lên hình ảnh một con chim én chao nghiêng rồi lách mình vào bên dưới tấm biển hiệu. Ở nhà đối diện, một người đàn ông chừng sáu mươi tuổi đang ngồi xổm dưới mái hiên, lặng lẽ bóc vỏ sò. Mỗi lần con dao nhỏ chạm vào vỏ cứng khua lách cách là phần thịt đỏ hồng của một con sò lại rơi xuống lẫn vào trong chiếc rổ tre. Rồi chiếc vỏ sò lấp lánh sáng khi được ném xuyên qua lớp khói mù[3] cao chừng một mét. Ðống vỏ chất dồn lại cao như núi không rõ là vỏ con hàu, con nghêu hay là con móng tay. Một phần đống vỏ bị sụp, và biết bao nhiêu chiếc vỏ sò đã rơi xuống đáy sông Sunagawa, bị cuốn trôi khỏi trần thế để chôn vùi vào cõi tối tăm. Sau khi lớp cũ bị chôn vùi thì lại có ngay những chiếc vỏ sò mới dồn lại dưới gốc liễu. Người đàn ông cứ ném những cái vỏ rỗng không vào làn khói mù, không chút băn khoăn về số phận của chúng. Cái rổ của ông dường như không có đáy, mùa xuân của ông dường như trải dài vô tận và rất đỗi êm đềm.
[3] Khói mù phủ là là mặt đất. Một hiện tượng tự nhiên thường xảy ra vào mùa xuân.
Sông Sunagawa chảy bên dưới chiếc cầu nhỏ, dài không quá bốn mét, đổ dòng nước mùa xuân về phía biển. Có lẽ những tấm lưới đủ loại được giăng phơi ở nơi mà dòng nước mùa xuân đổ vào biển lớn đã đưa hương vị tanh nồng của biển hòa vào ngọn gió xuân dịu nhẹ thổi qua làng. Xa hơn về phía ấy, có thể nhìn thấy màu sắc của biển, như một thanh kiếm cùn đang bị ai nung chảy từ từ.
Khung cảnh ở đây và cái tiệm cắt tóc này chẳng có gì hòa hợp với nhau. Giá mà người thợ cắt tóc có tính cách mạnh mẽ để có thể gieo vào đầu tôi những ảnh hưởng đối kháng với phong cảnh của nắng gió xung quanh, chắc hẳn tôi đã rơi vào trạng thái xáo trộn cảm xúc khi đứng giữa hai bên đối lập. May mắn thay, người thợ cắt tóc chưa phải là một tay cừ khôi thực sự. Dù có là người Tokyo gốc, dù nói năng hùng hổ đến đâu thì anh ta cũng không thể sánh với tiết trời mùa xuân phơi phới tuyệt diệu thế này. Người thợ cắt tóc, người đã ba hoa với vẻ tự mãn hòng phá vỡ sự thống trị của không gian này, mới đó chỉ còn là một mẩu vụn tan vào trong ánh nắng tươi vui của mùa xuân. Phải nhận thấy rằng mâu thuẫn không phải là sự đối chọi về mặt sức mạnh, số lượng hay tinh thần ở những đối tượng khác biệt đến mức loại trừ nhau, mà là một hiện tượng chỉ nảy sinh và được thể hiện ở những đối tượng hoặc giữa những người có vị trí và mức độ ngang nhau. Khi mà sự khác biệt giữa hai đối tượng là quá lớn, thì có khả năng sự mâu thuẫn này được hóa giải, và hai đối tượng ấy lại trở thành bộ phận của một sức mạnh lớn lao hơn. Do vậy mà người tài trí thì trở thành chân tay của một bậc đại phu, kẻ ngu đần thì trở thành thuộc hạ của người tài trí, còn trâu ngựa thì được dùng để phục vụ cho kẻ ngu đần. Lúc này anh thợ cắt tóc của chúng ta đã diễn một pha hài trước bức màn sân khấu là khung cảnh mùa xuân mênh mông vô tận. Muốn phá hỏng sự êm đềm của mùa xuân nhưng, khốn khổ thay, ngược lại anh ta đã làm tăng thêm cảm xúc yên bình ấy. Vô tình tôi lại trở thành một khán giả chứng kiến pha diễn hài của anh chàng ấy, với tâm trạng thanh thản trong tiết trời đang giữa tháng ba. Trạng thái bình yên vô tận này cũng là một nét đẹp hòa vào bức vẽ ngày xuân với vạn vật thanh bình.
Trong lúc suy nghĩ như vậy, tôi chợt nhận ra người thợ cắt tóc này cũng có thể là một hình ảnh của thi ca hay hội họa, nên đáng lẽ đã ra về thì tôi còn ngồi nán lại một lúc để nói chuyện linh tinh. Rồi một chú tiểu đầu cạo nhẵn vén tấm màn cửa, vừa bước vào vừa nói:
- Xin lỗi, nhờ chú cạo tóc giùm cháu ạ.
Ðó là một chú tiểu vui vẻ, mặc kimono bằng vải bông trắng, thắt lưng cùng màu, khoác bên ngoài một chiếc áo choàng thô nhìn từ trên xuống giống như một chiếc mùng.
- Chú Ryonen. Thế nào? Dạo này có bị hòa thượng la mắng đòi đuổi ra đường nữa không?
- Không ạ, cháu còn được khen đấy!
- Chắc được khen là tình cảm vì đã chạy long nhong rồi bắt được con cá ở giữa đường, phải không?
- Sư phụ bảo Ryonen khôn trước tuổi, biết cách chơi đấy chứ!
- Thảo nào mà trên đầu lại mọc lên một cái bướu! Cái đầu đang sưng phồng thế này mà cạo thì gãy xương mất. Hôm nay tôi để chú về nghỉ, lần sau nhớ chỉnh lại cái đầu rồi đến nhé.
- Nếu mà phải chỉnh lại, chẳng thà cháu đến một thợ cắt tóc giỏi hơn!
- A ha! Cái đầu thì xộc xệch nhưng cái miệng thì lanh lợi đấy!
- Còn chú thì tay chân chậm chạp nhưng lại giỏi uống rượu!
- Tay chân chậm chạp à? Nói bậy...
- Không phải cháu nói đâu. Sư phụ nói đấy chứ. Nên chú đừng giận nhé. Chẳng đáng gì đâu.
- Hừm, chẳng hay ho gì cả... Ðúng không, anh?
- Cái gì?
- Cái bọn sư sãi ấy toàn sống an nhàn trên những bậc đá cao, chẳng biết thế nào là vất vả nên tự nhiên dạn mồm hẳn lên anh nhỉ. Ðến như chú tiểu nhóc con này mà cũng ngoác mồm nói chuyện thiên hạ đấy... Ôi, ngả cái đầu qua một chút... ngả qua một chút nào!...Không nghe lời là ta cho một nhát đấy, biết không? Chảy máu đấy!
- Ðau quá! Ðừng có làm mạnh tay thế chứ!
- Nếu có chừng này mà cũng không chịu nổi thì làm sao thành nhà sư được?
- Cháu đang là sư đây mà.
- Chẳng phải chú mới chỉ là tiểu tăng sao?... Cái ông Taian hồi đó, làm sao mà chết thế hả chú?
- Nhưng mà ông Taian có chết đâu nhỉ?
- Không chết à? Lạ thế! Tôi cứ tưởng ông ta phải chết rồi kia chứ?
- Ông Taian sau chuyện đó thì rất tức giận, đã bỏ đến chùa Daibai ở Rikuzen chuyên tâm tu hành. Bây giờ có lẽ đã giác ngộ rồi. Cũng là một chuyện hay đấy chứ.
- Chuyện gì hay? Dù có là một nhà sư như thế nào đi nữa, nếu mà ra đi một cách vụng trộm ban đêm thì chẳng có gì là tốt đẹp. Chú phải hết sức cẩn thận đấy. Dù sao thì cũng là một người đàn bà có vấn đề... Nói đến đàn bà mới nhớ, cái cô dở người ấy vẫn còn đến chỗ hòa thượng phải không?
- Cháu chưa từng nghe nói đến cô dở người nào cả.
- Chú chẳng hiểu gì cả, đúng là chỉ biết chuyện bếp núc thôi. Cô ta có còn đến nữa hay không hả?
- Cô dở người nào thì cháu không biết, nhưng cái cô ở Shihoda thì có đến.
- Dù hòa thượng có tụng niệm thế nào cũng không khỏi được đâu. Chắc chắn là cô ta đã bị người chồng trước nguyền rủa.
- Cô ấy là một người tuyệt vời. Sư phụ hay khen cô lắm.
- Khi người ta leo những bậc đá để lên dốc thì cái gì cũng bị đảo ngược cả, chẳng đúng sự thật tí nào. Hòa thượng có nói gì thì dở người vẫn cứ là dở người thôi...À, xong rồi đấy. Chú về nhanh đi, kẻo hòa thượng lại mắng cho bây giờ.
- Ồ không, cháu sẽ đi chơi thêm một chút để được sư phụ khen.
- Mặc chú! Ðúng là một con quỷ nhanh mồm!
- Ðồ bẩn thỉu!
- Nói gì đấy?
Cái đầu cạo nhẵn đã lách qua tấm màn treo ở cửa, biến nhanh vào làn gió mùa xuân.