18. Một Cái Giá Của Tự Do (Trần Văn Hương)

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Một Cái Giá Của Tự Do

Trần Văn Hương

29 tháng 9 năm 1983

Bốn ngày trước, vùng đất mang tên Bà Rịa, một chiều định mệnh họ bỏ hết tất cả và quê hương thân yêu để đi tìm đất mới.

Bốn ngày sau, một con thuyền và sáu mươi lăm người bồng bềnh trên một đại dương bao la.

Bốn ngày qua thể xác và tinh thần họ đã trải qua những giây phút cực kỳ sôi động trong đời họ. Đến lúc đó sức khỏe thể xác và tinh thần họ đang dần dần hồi phục sau những ngày khổ nhọc ấy. Niềm vui thoát khỏi nguy hiểm của vòng vây Cộng Sản và niềm hy vọng tràn trề nơi đất mới tràn ngập tâm hồn họ.

Giờ đây họ mới có dịp làm quen nhau. Họ kể cho nhau nghe đêm vượt biên phải trải qua bao nhiêu đoạn đường lo sợ, họ núp sau những lùm cây sậy và đã bị muỗi chích những mấy chục mũi, bằng cách nào họ dành dụm tiền để có mà đi. Họ đã đi vượt biên hụt mấy lần. Họ đã biết mấy thuyền đi êm xuôi. Và những mẩu chuyện thật lý thú như thế để quên đi cái cảm giác mênh mông chơi vơi giữa biển cả. Đám “căn me” (những người biết được có thuyền vượt biên thì canh giờ mà leo lên đi chứ không trả một đồng “tiền vé” nào cả) thì không dám nhất cử nhắt động vì sợ bị làm khó dễ.

Mải mê trò chuyện cho tới khi ánh nắng của những ngày cuối tháng chín mất hẳn. Trong khi mọi người đang chuẩn bị cho một ít gì để ăn tối thì bầu trời như có điều gì lạ. Quả thật vậy, hồi chiều sau khi hoa tiêu bẻ lệch hướng để tránh những con tàu đánh cá Thái Lan vì họ sợ hải tặc (hải tặc Thái Lan có tiếng trên tuyến đường này) thì thời tiết đã có gì thay đổi.

Đến lúc này thì bầu trời xám xịt. Gió mạnh thổi tới. Sóng gió nổi dậy. Con thuyền bắt đầu nhào lộn với sóng gió. Nó tự do cuốn theo những khối nước khổng lồ của đợt sóng. Nước biển bắn lên văng tứ tung làm mọi người ướt như chuột lột. Trong những hầm của con thuyền dài không hơn mười hai mét và chiều ngang vẻn vẹn có ba mét, sáu mươi lăm người chen chúc nhau và la hét om xòm. Những khuôn mặt tái xanh đầy nét sợ hãi. Mọi người trấn an nhau qua những lời nói chan chứa nét lạc quan. Thêm vào đó nữa là những câu Kinh nguyện với Thượng Đế. Sau mấy canh trường nhào lộn với sóng gió, thiên nhiên đã nhường phần thắng cho con thuyền. Ai nấy lại hoàn hồn với một hơi thở thả. Hú vía!

Ngày thứ năm cuộc hành trình gói ghém một ít câu hỏi với hoa tiêu về thời gian và khoảng cách còn lại trước khi thuyền cặp bến. Họ đã được giải đáp thích đáng: trễ thì hai ngày nữa còn không thì sáng mai thôi. Ngoài ra là sinh hoạt bình thường. Họ tiếp tục kể cho nhau nghe những câu chuyện bỏ dở chen thêm vài mẩu chuyện gẫu để giết thì giờ. Mọi người mong đợi...

Hai ngày sau...

Bảy ngày trôi qua. Ngày thứ tám với những bắt đầu thắc mắc: tại sao họ chưa thấy đâu là bến bờ, tại sao kể từ ngày tránh tàu đánh Thái Lan đến hôm nay họ không mảy may gặp một con thuyền hay một tàu lớn nào khác nữa? Đại dương, bầu trời, con thuyền và họ mà thôi. Chẳng lẽ hoa tiêu chấm sai tọa độ? Hoa tiêu thoái thác với lý do không vững. Đầu óc họ nhen nhúm ý nghi ngờ. Hoa tiêu vớt vát: Bà con hãy yên tâm. Thôi, đổ thêm dầu vào, thế nào rồi chiều nay cũng có dấu hiệu thôi. Can dầu cuối cùng đã trút gọn vào bình chứa.

Chiều đã đến nhưng họ cũng chưa thấy một dấu hiệu gì gọi là đảo hoặc đất liền. Chẳng những vậy mà họ còn có cảm giác đang ở một nơi nào đó thật xa xôi với bến bờ. Đêm đến... rồi gần sáng. Tiếng máy thuyền nổ đều đều đang ru họ vào những giấc ngủ chập chờn miên man bỗng sục sặc vài tiếng rồi tắt hẳn.

“Hết dầu.” Tiếng nói của một người nào đó.

Hết dầu!? Mọi người chồm dậy ngỡ ngàng.

Hết dầu? Hết dầu?

Như sét đánh bên tai. Rồi làm sao thuyền chạy được? Rồi làm sao vô bờ được? Rồi... Rồi…

Nỗi kinh hoàng hiện rõ trên những nét mặt ngơ ngác như chưa muốn tin những gì mình vừa nghe. Làm sao có thể như vậy được? Hoa tiêu, anh có điều gì muốn nói không!?

“Bà con hãy bình tĩnh. Tuy dầu hết nhưng chúng ta chắc chắn cũng đã gần một hòn đảo hay đất liền nào đó. Thế nào rồi cũng có tàu thuyền phát hiện ra chúng ta. Hơn nữa chúng ta còn có nhau.”

Vậy là hết dầu thật. Lạy Chúa. Lạy Phật, xin cứu chúng con ra khỏi cơn hoạn nạn.

Ngày thì vắng vẻ đêm thì cô quạnh.

Chín ngày qua tai họ đã nghe quen với tiếng máy nổ đều dều, nay âm thanh đó không còn nữa, họ như thấy thiếu một cái gì đó. Họ thấy lẻ loi hơn. Ngày đầu họ thả neo và trông đợi tàu thuyền nào đó biết được sẽ đến cứu. Ngày thứ hai qua đi, rồi ngày thứ ba... Họ không thấy một vật gì ngoài trời và biển. Thế là họ quyết định kéo neo lên để cho con thuyền trôi. Nó trôi, trôi đi đâu? Biển cả bao la, đâu cũng là đâu. Lương thực, nước uống chẳng còn được bao nhiêu. Họ lo mạng sống của họ sẽ ra sao? Họ trôi qua từng ngày dài, đêm dài. Ngày sóng gió mệt lả, ngày nắng gió chói chang, nhưng không một tia hy vọng. Đêm xuống, đêm làm cho không gian bao la thêm tĩnh mịch. Đêm chơi vơi, đêm vô bờ bến. Một ngày đi qua là một vết tấy lên bức tranh hy vọng của họ. Một ngày mới là một thách đố tâm trí trước mắt họ. Thế là hết, những ước vọng, những bức tranh đẹp nơi chân trời mới ấy đâng dần dần nhạt phai. Họ miên man về quá khứ. Chỉ hai tuần trước thôi họ chưa thấy những gì đang xảy ra. Hôm nay họ tự đặt câu hỏi với chính họ: Cái giá phải trả cho miền đất hứa là gì đây!? Tại sao lại xui xẻo đến vậy, tại sao nhiều thuyền đã vượt qua êm xuôi vậy?... Họ quay cuồng với những thắc mắc và số mạng của họ.

Đã hơn một tuần qua con thuyền của học cứ trôi dạt đi đâu đó. Thỉnh thoảng, xa xa trong đêm tối hay giữa ban ngày họ thấy được những con tàu buôn thật lớn. Ba chữ “SOS” và ánh lửa heo hắt trên biển cả không đủ lớn để diễn tả được hoàn cảnh hay những con tàu kia cứ dửng dưng coi như đó là một bữa tiệc vui nên không muốn tham dự. Một lần nọ, có một con tàu thật lớn chạy rất gần, gần rất độ tưởng như đâm vào mũi con thuyền bé nhỏ. Nhiều người như cố ý mừng thầm rằng nó là một trong những con tàu đi vớt người vượt biển, nhưng không, nó không giảm tốc độ mà cứ tiến thẳng. Tia hy vọng chưa kịp lóe lên đã bị dập tắt. Một cú điện thoại hoặc dăm ba chục lít dầu thôi thì biết đâu họ đã vô bờ bến sau một vài ngày và đã cứu được bao nhiêu mạng sống. Họ tiếc rằng sao con tàu buôn đó không bố thí cho họ chừng ấy phúc đức!? Tới hôm nay họ đã mệt mỏi lắm rồi. Lửa củi cũng đã hết. Cuộc hành trình đang trôi nổi vào khoảng ngày thứ hai mươi, hai mười mốt... thì lương thực hết, nước uống hết. Vài cá nhân có mang theo được một ít nhưng cũng chỉ lâu hơn vài ngày. Cũng vì người còn người hết nên đã có nhiều chuyện ẩu đả nhau vì miếng ăn xảy ra. Mà có những chuyện thật vô duyên. Như: “Ông ơi cho con miếng sữa để con đắp vô chỗ chảy máu, thằng X nó đánh làm đầu con tét ra nè.”

Cơn đói khát đang dằn vặt họ.

Chẳng còn ai còn lại một miếng ăn hoặc một giọt nước nào. Ba bốn ngày qua họ không có gì để ăn uống. Họ cảm thấy mình thật khổ sở, vô dụng. Làn nước biển trong xanh như ngọc nhưng không uống được làm họ thêm điên dại. Họ đãi miệng cho nhau những món ăn họ đã thưởng thức ở nhà hàng này, nhà hàng kia khi còn ở Sài Gòn. Đà Lạt... Sơn hào hải vị cứ thế mà bày ra đầy rẫy trong khối óc của họ. Họ ăn uống thật ngon, họ thư giãn gân thịt để cho những hương vị đậm đà đó thấm dần vào trí tưởng tượng của họ. Họ ăn bằng tâm trí. Tâm trí họ thì no đầy còn bao tử thì trống rỗng. Xót xa. Ba ơi con đói quá, mẹ ơi con khát quá. Tiếng khóc xé trời giữa biển cả vì đói khát của những em bé chưa đầy một tuổi đời cứ vang vọng như âm thầm xé nát tâm can của những người làm cha mẹ. Bao dòng nước mắt khô héo vàng vọt không e thẹn não nề rơi trước cảnh đời đói khát của trẻ thơ. tiếng khóc tiếng than nhỏ dần, nay chỉ nghe được tiếng rên rỉ.

Ngày thứ hai mươi bảy…

Sáng nay trời trong, biển yên, ông mặt trời đang dần trồi lên cuối chân trời biển, những cơ thể rời rạc và tâm trí mơ màng đang giằng co với đêm bao la mộng mị. Bỗng một giọng thất thanh hét lên phá vỡ sự yên lặng tĩnh mịch đó:

“Thằng A chết rồi, thằng A chết rồi bà con ơi.” Mọi người giật tỉnh. Họ xôn xao vây quanh một thanh niên vào khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi nằm dài trên boong thuyền. Tấm thân anh ta nguyên đã gầy guộc thêm vào nhiều ngày không ăn uống nên khi nhìn tưởng là bộ xương ngụy thêm lớp da mỏng. Qua mọi cách có thể được họ thử xem người kia đã chết thật chưa? Sau một lúc, họ không nghi ngờ gì nữa. Thế là một cái chết. Tâm trí họ không giấu nổi sự hoang mang dù biết trước sẽ có ngày này. Tuy thế, họ không ngờ cái chết đầu tiên lại sớm như vậy, vì nếu chỉ không ăn uống ba, bốn ngày thì cũng chưa đến nỗi phải chết. Họ nghĩ có lẽ vì anh ta không chịu được sóng gió nên từ bấy lâu nay anh không ăn uống được nên đã không còn sức mà chịu đựng. Lời Kinh cầu vang lên giữa đại dương bao la. Họ cầu xin Thượng đế cho linh hồn anh ta được về nơi an nghỉ tốt lành. Ngày dài lê thê trôi vào đêm đen. Đêm đến, đêm đen hơi hám cõi âm tới ám ảnh tâm trí họ. Họ nghe được những âm thanh văng vẳng từ bên kia thế giới trồi lên là đà trên mặt biển. Những tiếng kêu vang thống thiết trầm bổng bi thương bao bọc lấy con thuyền. Lại có người kể rằng họ nghe được tiếng hát bi ai ở một nơi xa xôi nào đó. Những giấc ngủ chập chờn trôi vào cơn mê man.

Đêm man rợ đi qua. Xác anh “A” còn nằm đó. Họ bàn tán nên phải làm sao với xác anh ta. Giữ lại thêm vài ngày nữa hay thủy táng anh? Một lúc sau họ thì thầm thêm vài lời Kinh cầu. Kính cẩn long trọng nói với anh ta mấy lời từ biệt rồi quyết định “thủy táng” anh. Họ không muốn giữ lâu vì họ sợ tinh thần bị khủng hoảng khi cái chết cứ lù lù nằm đó. Biển hôm nay cũng khá êm nên xác anh không trôi vội, cứ như muốn bám theo con thuyền. Nhưng rồi cứ từ từ xa dần. Mọi người nhìn theo. Họ nghĩ tới số phận của họ. Từ ngày đó họ như sợ đêm tối hơn.

Vài ngày nữa đi qua. Cơn đói dữ dội hơn, cơn khát lại càng làm cho họ hoang mang. Một số người gỡ gỗ thuyền ra gặm như con sóc gặm hạt trái cây, như để an ủi cái bao tử xấu số đang “thất nghiệp”. Làn nước trong xanh thật quyến rũ, đã nhiều lần họ định nhắm mắt uống thử, nhưng lại thôi. Bữa nọ, một người một người thấy được trong làn nước xanh một đàn cá con cứ bám theo bên hông thuyền mà bơi như để tránh sóng. Thế là họ nghĩ cách để vớt cá. Mảnh lưới được cắt ra và làm thành những cái vợt nho nhỏ. Họ đồng ý hễ vớt được bao nhiêu thì chia đồng đều cho mọi người nhưng cũng có vài người tìm cách giữ lấy riêng cho họ.

Những con cá nho nhỏ chừng nửa ngón tay út bị họ bỏ tỏm vào trong miệng nhai một cách ngon lành. Có một thanh niên nọ vừa cầm được con cá, mừng quá nên anh ta hối hả đưa ngay lên miệng. Chú cá mới bị bắt vẫy vẫy và chui tọt ngay vào trong họng. Vì cái đuôi vào trước nên khi nó tuột tới cổ thì hai cái vây đâm dính vào đó. Anh ta đau đớn trợn cả mắt hai tay quờ quạng cầu cứu. Một thanh niên đứng bên nhanh tay bóp miệng người bị hóc và thọc ngón tay vào cổ tìm cách móc con cá ra hoặc đẩy nó vào trong. Sau một phút, chú cá tuột hẳn vào ruột và miệng anh ta lép chép máu.

Nhiều người không dám ăn hết nguyên phần một lần tuy một phần chỉ được hai ba con cá nhỏ. Họ cắn một nửa, nhai từ từ. Nhai đến khi miếng cá nhừ nhuyễn họ mới cẩn thận nuốt. Có một gia đình nọ, dành dụm được vài ba chục con. Người cha xâu thành một giây cột lại như một cái chuỗi đeo vào cổ cẩn thận an toàn. Có một số người hùn cá lại cũng khoảng vài ba chục con. Họ kiếm một cái lon đổ nước biển vào để muối. Họ chia giờ giấc để canh giữ cái lon quý ấy, thế mà cũng có lúc nghe phong phanh rằng có ai đó “hớp” đi một miếng, đàn cá luẩn quẩn thêm được mấy ngày rồi bỏ đi. Đã có nhiều người nghĩ rằng anh “A” dắt đàn cá đó tới với họ. Họ cầu mưa để có nước uống, nhưng mưa vẫn không rơi. Những giọt sương đêm lấm tấm dính lên mảnh kính của cabin thuyền đều được họ lè lưỡi ra liếm mỗi sáng. Tạt nước biển vào mặt, nhảy xuống tắm. Đó là cách tốt hay không nhưng họ đã làm chuyện đó. Đến hôm nay thì đã có nhiều người không chịu nổi sự quyễn rũ của làn nước biển, họ đã cố nhắm mắt nuốt một hớp. Sau một lúc họ quằn quại trong cơn xót xé ruột của chất muối. Miệng họ thở ra những hơi thở thối nghẹt mũi. “Bà con ơi, ai có nước cho con tôi một hớp tôi xin biếu cái nhẫn hai chỉ đây.” “Ôi ông trời ơi xin cho mưa xuống, tôi nguyện sẽ đi tu suốt đời khi tới được bến bờ.” Ấy là những lời cầu xin của những bậc làm cha làm mẹ.

Ngày thứ ba mươi ba...

Bến bờ vẫn mịt mù. Thuyền tàu đâu chẳng thấy. Sáng hôm nay một người mẹ đang khóc nức nở. Đứa con gái chưa đầy một tuổi duy nhất của cô ta đã chết. Nó chết từ lúc nào không ai hay biết. Thân thể của đứa bé được cuốn gọn trong mảnh vải đơn sơ khiêm tốn như muốn nói lên cuộc đời bạc phước ngắn ngủi của em. Hai tay ôm chặt xác con, dòng nước mắt giã rời buông, miệng cứ lẩm bẩm những gì nghe không rõ. Từ ngày đó trở về sau, cô ta vẫn thường nói chuyện với chính mình như người không hồn. Sau vài lời Kinh nguyện, mấy lời chia tay thì em bé đã nằm lại trong lòng đại dương bao la. Bây giờ họ mong, họ ước, họ trông đợi phép lạ xảy ra và đưa con thuyền dạt vào một nơi nào đó. Nhưng chuyện họ mong ước không xảy đến. Những ngày dài cứ trôi qua. Hoa Tiêu là người kế tiếp về với biển, và liên tục những cái chết âm thầm cô đơn. Chết ngồi, chết nằm, chết dựa vào mạn thuyền. “Than ôi! Thằng con thứ hai của tôi cũng chết rồi.”... “Bà con ơi tôi lại mất thêm cháu nữa!”... “Trời ơi! Anh, em tôi cũng chết rồi!”

Có những dấu hiệu mà họ nghĩ họ đang ở một nơi nào đó rất gần bến bờ. Bữa nọ có con chim gì đó như chim én cứ bay lượn quanh rồi lúc sau đó đậu trên mũi thuyền. Chim lạc bầy chăng bởi trông nó có vẻ mệt lắm? Nhiều người dè dặt bảo không nên đụng nó vì họ tin điềm xui xẻo sẽ tới. Nhưng con chim cũng chẳng tránh khỏi số mạng. Nó bị vặt lông và đã bị họ ăn tươi nuốt sống. Rồi một lần kia họ thấy được vài khúc gỗ bám đầy con hào nho nhỏ như con ốc gạo. Họ cũng vớt lên và gỡ chúng ra bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Lại có lúc họ thấy mờ mờ xa xa như những rặng núi. Đã có lần có người bám theo phao và bơi về hướng đó nhưng một lúc sau anh ta bỏ cuộc.

Một ngày nọ, sau khi cơn đói khát giết đi một số người thì trời lại trở gió. Sóng gió vẫn thường xảy ra nhưng hình như có điều gì lạ hơn những lần trước. Quả thật vậy bầu trời chuyển mình nhanh như một tay phù thủy cao phép biến thành con rắn độc. Từng lớp sóng cuồn cuộn đưa con thuyền lên trời cao rồi lại dập vùi nó xuống vực sâu. Có những ngọn sóng lớn đi qua như muốn nuốt gọn nó vào trong lòng của khối nước khổng lồ. Ít người tin rằng con thuyền sẽ vượt qua được cơn thịnh nộ của biển cả. Trong khi tất cả mọi người đang nhừ tử thì trời đổ cơn mưa xuống. Mưa rơi!

Mưa trút xuống như liều thuốc tiên tiêm vô cơ thể mọi người. Họ bật dậy ngửa cổ hứng những giọt nước mát ngọt ngào của thiên nhiên. Rồi từng nhóm ba bốn người kiếm một mảnh ni lông ngồi chụm lại cố bám vào mạn thuyền để hứng nước. Họ vừa hứng vừa uống. Từng giọt nước mưa mát như ngọc thấm vào làm sống lại một phần cơ thể của họ. Họ đang loay hoay với cái lọ cái bình thì bỗng một ngọn sóng lớn ập tới kế đó là một tiếng: “Bùm!”. Những cặp mắt lảo đảo đưa và họ thấy một thiếu niên đang cưỡi trên đầu ngọn sóng lớn. Nhiều người chưa kịp phản ứng thì một thoáng qua, một khoảng khắc thời gian rất ngắn, họ thấy một bóng người phóng theo thiếu niên kia. Một ngọn sóng nữa ập tới. Hai bóng người đã xa con thuyền với một khoảng cách không thể cứu vãn được nữa.

Nửa phút trôi qua. Xa xa thấp thoáng hai cánh tay chới với giơ lên như muốn nói lời “từ giã”. Những cặp mắt bất lực trước hoàn cảnh đau thương nhìn theo ngậm ngùi cho số phận. Từ vài ngày đầu của chuyến vượt biên khi thiếu niên và thanh niên kia gặp nhau họ đã trò chuyện và mến nhau từ đó. Hai người đã kết nghĩa anh em và thề sống chết có nhau. Trong khoảng khắc không tính toán lợi hại trước tai nạn, phản ứng của anh là lao xuống cứu người em kết nghĩa, nhưng anh ta không có thì giờ để thấy được hậu quả, hay là anh đã coi thường sức mạnh của ngọn sóng. Dù sao nữa, anh đã ra đi và để lại trong lòng mọi người niềm xúc động tha thiết và sự kính nể đối với nghĩa cử của anh. Nghĩa cử đó là niềm khích lệ và cũng là cú đánh vào lương tâm cuộc sống hỗn độn của tiểu cộng đồng đó.

Ngày thứ bốn mươi bốn...

Chiều đã xế tà. Xa xa cuối chân biển thấp thoáng những cụm mây đan thành từng dãy núi. Mặt biển lao chao sóng. Con thuyền đã trôi tới đâu? Những lời cầu Kinh rời rạc vẫn thường phá vỡ sự chơi vơi và cô đơn giữa biển trời tuy lòng tin và sự phó thác nơi đấng siêu nhiên như đã phai mờ trong tâm chí họ. Hình như có nhiều người không phân biệt tiếng động của vật chất hay tiếng động của ảo giác gây ra nữa. Họ nghi ngờ với chính thính giác và thị giác của họ. Lúc này bóng đêm đã xuống. Thân xác họ vẫn cứ giằng co với cõi âm, bỗng có tiếng động cơ nổ đâu đó. Quả thật vậy, tiếng động cơ cứ lớn dần và khi chẳng còn ai nghi ngờ ở tai mắt mình nữa thì một con tàu đánh cá xuất hiện. Nó đã dừng hẳn với khoảng cách mười lăm, hai chục mét. Đèn pha đã chiếu sáng. Bên tàu kia dăm bảy bóng người nhấp nhô đang thì thầm với nhau những gì đó. Còn con thuyền xấu số thì cứ lao nhao như người sắp chết đuối chụp lấy được cái phao. Họ quỳ gối lạy lục xin cầu cứu và những lời van xin thống thiết cứ não nề hiện rõ và tuôn ra từ miệng họ. Họ vứt ngay xuống biển một xác chết đã tắt thở tự lúc nào mà họ chưa kịp đọc vài lời Kinh siêu thoát trước sự chứng kiến của con tàu nọ. Sau một lúc lao nhao với bối cảnh đó thủy thủ tàu kia quăng sang một ít gói lương thực và quơ tay như diễn tả một tín hiệu gì đó rồi rú ga quay mũi phóng đi. Sau đít tàu in chữ “Taiwan” thật rõ. Một ít mì ăn liền, dăm bảy lon nước ngọt và chừng một chục trái cam. Bốn mươi mấy người chia nhau từng ấy lương thực. Tia hy vọng mỏng manh sẽ được cứu thoát lại hé chiếu trong tâm trí họ tuy nhiều người tiếc rằng sao con tàu kia không cứu họ. Con thuyền tiếp tục lênh đênh.

Buổi sáng bắt đầu ngày thứ bốn mươi chín…

Bốn mươi chín ngày qua con tàu không để lại một dấu vết nào trên con đường nó đã đi qua ngoài những xác chết được thả xuống biển. Không biết họ có kịp thời giờ để chìm vào lòng đại dương hay là đã làm mồi cho cá biển. Chơi vơi với mê man chập chờn, họ luôn tự nhủ với chính mình chớ bao giờ để cơ thể ngủ say vì có thể chẳng bao giờ thức dậy nữa. Tuy mấy ngày qua họ đã có một ít đồ ăn nhưng chừng ấy không đủ và không kịp tới sớm hơn nên cũng đã có thêm vài người nữa đi vào lòng biển cả. Họ đã mệt mỏi mong đợi bến bờ như họ đang mệt mỏi đợi chờ cái chết.

“Con tàu kia trở lại.” Giọng thất thanh của một người nào đó.

Quả vậy! Con tàu đánh cá họ đã gặp cách đây chừng một tuần trở lại. Ánh mặt trời đã chiếu sáng sau đêm tối. Con tàu kia trở lại là ánh đèn chiếu vào nỗi tuyệt vọng của chuỗi ngày sống trong nỗi kinh hoàng ghê sợ. Họ cho chúng tôi mấy can dầu, thêm ít lương thực như lần trước và còn thêm vài gói thuốc lá, lửa và một vài chai rượu gì đó. Họ ra dấu hiệu chỉ cho phương hướng rồi rú ga quay mũi bỏ đi. Con tàu đã chạy được một khoảng xa thì những cái vái lậy và cử chỉ cảm tạ mới ngưng dần.

Họ bắt đầu quay. Một lần, hai lần, nhiều lần. Máy không nổ. Nguyên ngày hôm đó họ cố lau chùi và sửa máy. Một ngày nữa lại qua đi.

Ánh mặt trời nóng dần. Họ tiếp tục với việc bỏ dở từ tối qua. Xác một thiếu niên vừa tắt thở nằm kia. Có nhóm người đang xì xào điều gì đó. Một “cuộc họp” bất chợt được điều động. Mặt trời đã đứng bóng. Nét mặt nhiều người đượm vẻ đăm chiêu. Nhát dao dựa đầu tiên cắm vào người thiếu niên kia. Kế tiếp là tiếng cắt tiếng chặt vang động khắp con thuyền. Họ múc nước biển, gỡ ván thuyền và nấu. Thịt chín kèm theo một ngụm rượu. Họ nâng chén xin tha lỗi cho nhau. Làn khói thuốc mơ hồ mỏng manh như ẩn hiện cưu mang nặng trĩu sự dã man cho mọi người.

Quay, quay, và quay. Mồi lửa vào! “Bịch... bịch... bịch...”

Mọi người ngưng ngay lời cầu nguyện nhìn nhau trừng trừng không nói được lời nào. Miệng lem nhem những vết máu thâm, họ ôm nhau hôn hít như điên. Cơ thể họ như được Thượng Đế thổi hơi sống vào. Tiếng la hét nổi lên. Những cử chỉ và hành động của họ lúc đó là của những người điên. Họ trấn tĩnh nhau. Vài phút trôi qua. Con thuyền nhồi mũi lên và phóng về hướng mà con tàu đánh cá kia đã chỉ dẫn. Tiếng máy nổ như tiếng kêu gọi đàn cá khổng lồ tới. Chúng xếp thành hai hàng và phóng trước mũi thuyền như dẫn dắt nó tới bờ bến. Có phải một con cá là một linh hồn đã ra đi của con thuyền.(?)

Họ trông mong dấu hiệu bến bờ.

Trời đã tối. Họ nấu tiếp “phần ăn” còn lại. Con thuyền mò mẫm tìm bến bờ trong đêm tối. Nó miệt mài. Nó không tìm được bến bờ nhưng nó tìm được mười giờ và lúc này xa xa những chấm sáng hiện ra. Tọa độ được chỉnh và trực chỉ hướng đó. Sáng dần, sáng dần. Khi chẳng ai phủ nhận đó là dàn khoan thì tiếng la khóc của mọi người là lời diễn tả vui mừng đích thực nhất của họ trong lúc đó. Một số người đã được trực thăng đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay khi thuyền vừa được vớt. Hành trang của họ còn lại là những miếng “thịt” đêm qua. Họ cố chập chững vịn thành lan can của dàn khoan ngó ra biển khơi. Mỗi người cho nhau một cái nhìn. Hình như tất cả đều có một cảm giác nợ nần những linh hồn đã ra đi theo biển cả. Bao bóng hồn quá vãng là đà trên mặt biển. Có lẽ chúng tôi mang ơn họ nhiều lắm. Con tàu lớn đang kéo con thuyền bé con và chợt dưng nó phóng nhanh. Con thuyền từ từ ngắc ngoải chìm vào lòng đại dương. Nét khổ ải kiên nhẫn miệt mài nay đã trở về với biển cả. Tuổi đời của nó chỉ vẻn vẹn có một năm nhưng dù sao nữa sứ mạng của nó đã hoàn thành. Xin cám ơn một vật vô tri.

Chúng tôi đã vào đất liền và được hội Hồng Thập Tự chăm sóc. Phải hơn một tháng sau mọi người mới tạm bình phục, và một tháng sau nữa mọi người mới có mặt trên đảo Pulau Bidong, Malaysia. Chân họ đang đứng trên mảnh đất tự do những miền đất hứa thực sự đang chờ đợi họ.

Kể từ đây họ bắt đầu cuộc sống tỵ nạn.

* Tôi không muốn nêu rõ tên thật của những người tôi đã viết về họ. Nếu có ai cùng đi chung thuyền tôi đã đi, đọc được bài viết này xin hãy coi đây là một cái nhìn của một thiếu niên mười lăm tuổi lúc bấy giờ.

Trần Văn Hương

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3