20. Đẹp Mãi Mùa Xuân (Từ Khắc Nguyên)

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông

Đẹp Mãi Mùa Xuân

Từ Khắc Nguyên

* Nhân vật chính trong truyện “Đẹp mãi mùa xuân” chính là cô em dâu trong gia đình.

Hiện nay cô đang làm chủ nhà hàng Thanh Thảo tại Porltand, Oregon.

Lần đầu tiên tại thành phố Portland (Oregon), Hội Mỹ Thuật Việt Nam Hải Ngoại có tổ chức một buổi triển lãm tranh của năm họa sĩ Việt Nam, hiện nay đang định cư tại Hoa Kỳ. Riêng họa sĩ Tô Hải mới đặt chân lên đất Mỹ vài năm nay. Vì trục trặc về lí lịch, giấy tờ nên sau một đợt thanh lọc cuối cùng ở một trại trên hòn đảo tại Nam Dương, anh mới được đi. Hải đã trải qua thời gian mười năm trong cảnh cùng cực, nhưng với túi đồ nghề anh mang theo trong lúc vượt biên, chỉ với cây cọ và một số màu sắc, anh đã ghi lại hình ảnh của biển khơi và một số màu sắc, ghi lại mây trời và núi biếc xung quanh anh như một an ủi, một niềm vui.

Hải lại là một họa sĩ thích vẽ về biển. Từ con tim và trí óc cùng với niềm say mê vẻ đẹp, tư tưởng anh trong khi vẽ hình như bay bổng và chan hòa vào cõi mênh mang của biển cả, mây cao và núi non hùng vĩ ngút ngàn. Anh cũng muốn vẽ làm sao cho ngọn sóng dâng trào, như nghe được tiếng vỗ vào mỏm đá, vẽ làm sao cho cánh buồm no gió mà hình như nghe đươc tiếng gió hú, đánh bạt được cả cánh chim biển ngoài khơi. Người họa sĩ khi vẽ không phải chỉ là người chỉ biết chụp lại cảnh vật mà thực sự là một “tiểu tạo hóa”. Bởi vì một bức tranh có giá trị nghệ thuật phải do chính con tim và khối óc tác giả tạo nên, trong đó họa sĩ, có quyền thêm chỗ này một chút, bỏ bớt chỗ kia đi và thêm màu sắc cho cảnh trí được hoàn chỉnh và tươi đẹp hơn.

Trong phòng triển lãm, khách vào thăm mỗi lúc một vắng đi. Bỗng có một người đàn bà ăn mặc sang trọng, tóc cắt ngắn, mang gọng kính vàng, tuổi độ trung niên, nhưng còn giữ được nét đẹp và trẻ trung bước gần đến họa sĩ Hải và hỏi:

- Xin lỗi, ông có phải là họa sĩ Tô Hải không ạ?

- Dạ phải.

- Tôi muốn mua bức tranh “Thù Biển” ở đằng kia, ông tính bao nhiêu?

Hải lưỡng lự một chút rồi trả lời:

- Thưa bà bức tranh đó không bán chỉ để tặng một người. Bà có thể mua các bức họa khác về biển như: Biển Đỏ, Biển Động, Biển Giận, Khóc Biển...

Người đàn bà sau khi nghe Hải nói, hơi cau mặt, nhưng sau đó lại mỉm cười:

- Người được ông tặng bức tranh chắc phải rất đặc biệt đối với ông?

- Vâng, đó là người đã tạo nên một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời họa sĩ của tôi.

Người đàn bà không nói về bức tranh nữa mà hỏi anh Hải:

- Sau này tôi muốn liên lạc thì địa chỉ của ông ở đâu?

- Bà có thể tiếp xúc với văn phòng Hội Mỹ Thuật ở đây.

Người đàn bà cám ơn rồi vội bước ra cửa. Trong khi đó Hải nhìn theo và tự nghĩ không biết người đàn bà này là ai? Ngoài khung cửa, Hải nhìn thấy ánh nắng chiều sắp tắt lịm và ánh đèn đường đã bắt đầu bật sáng, khiến anh lại nhớ đến buổi chiều được đặt chân lên dàn khoan dầu trong hải phận Nam Dương vào một buổi chiều năm ấy.

Hải nhớ rõ cuộc hành trình đi tìm tự do hơn mười năm về trước. Chiếc ghe máy trở gần bảy mươi người, kể cả tài công, hoa tiêu và thợ máy âm thầm rời bến thuộc ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi đó thật là thuận buồm, xuôi gió như ước nguyện của mọi người. Họ lênh đênh trên biển cả suốt năm ngày đêm, chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào mạn ghe và ngửi thấy mùi mặn chát của nước biển. Có lúc họ nhìn thấy tàu buôn của một vài nước, họ đánh tín hiệu cầu cứu, nhưng không một tàu nào đáp lại. Họ hiểu rằng lòng nhân đạo đối với thuyền nhân trong những năm gần đây đã bắt đầu mệt mỏi rồi. Thế mới biết yếu tố thời gian thật cay nghiệt. Trước ngày 30-4-1975, chỉ vì trễ mất mấy phút bận bịu với vợ con, con tàu Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã rời bến ra đi vĩnh viễn mà anh phải trả giá quá đắt: bị ở tù Cộng Sản gần chục năm, vợ con trách móc vì cuộc sống đói khổ, nhưng chỉ bốn năm sau đó, vợ con anh đã vượt biên cùng gia đình bên ngoại và hiện nay sống tại Mỹ. Khi ở tù về, dù có bạn bè níu kéo anh vào những hội nghệ thuật này, hội nghệ sĩ kia, anh cũng quyết tâm ra đi. Một người bạn đã nói với anh:

- Anh chỉ có vẽ thôi, có làm chính trị, chính em hay làm cho nhà nước gì đâu mà sợ!

Hải Trả lời ngay:

- Không đơn giản như vậy đâu bạn. Như anh đã biết, chính sách của Đảng và nhà nước là tất cả đều phục vụ cho một chế độ, nhất là văn hóa và văn nghệ. Trong thời gian tôi bị tù ở miền Bắc, có dịp tiếp xúc với một số phạm nhân, trước đây là những cán bộ Cộng Sản. Có anh cán bộ (bị tù về tội kinh tế) khi gặp tôi đã hỏi đùa: “Kẻ chiến thắng và người bại sao lại gặp nhau ở đây?” Người khác lại hỏi tôi: “Anh làm gì?” - “Tôi chỉ là một họa sĩ.” Bọn họ rú lên cười và nói: “Cứ vẽ linh tinh là vào tù mọt gông đấy cậu ạ.” Rồi họ kể cho tôi nghe câu chuyện này: Năm 1960-1961, miền Bắc bị hạn hán, mất mùa, “nhà nước” đưa ra chiến dịch “chống hạn” và mỗi người, mọi người đều phải tham gia. Nhà thơ thì có câu “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Một anh Họa sĩ ở tỉnh Hải Hưng thì vẽ một bức tranh, hai người đàn bà xắn quần trên đầu gối, đang tát nước bằng gầu dây từ một ruộng lúa thấp lên một thửa ruộng cao, đang trồng ngô, đất thì nứt nẻ và ngô thì đang héo, sắp chết. Ông họa sĩ này phải đi cải tạo hơn mười năm đấy!

Hải nói với họ như một câu hỏi lại:

- Đâu có dễ gì đi cải tạo như vậy?

Rồi một người trong bọn họ giải thích như sau:

- Đảng rất sáng suốt và lại đa nghi nữa. Này nhé! Ông hạo sĩ vẽ như vậy làm cho “ĐỒNG khô cạn” mà lại có ý đồ “Cứu sống chế độ nhà NGÔ”. Như vậy đi tù là đúng thôi!

Hải đã tranh luận với đám bạn bè và đưa ra những bằng chứng cụ thể để quyết định cuộc ra đi, nhưng lý do chính đáng nhất vẫn là được đoàn tụ với vợ con trên một đất nước tự do. Trong khi Hải còn đang miên man nghĩ tới những chuyện đâu đâu, mặt trời ở phía tây trên biển rực cháy lúc nào, nay đã ngả sang màu xám. Một ngày nữa lại qua đi, những người trên ghe đã thấm mệt và niềm thất vọng như bóng tối vây quanh đang bắt đầu ụp xuống thật nhanh trên niềm tin, niềm hy vọng của mỗi người. Lúc đó, có tiếng la của một người đàn bà làm cho những người khác chợt tỉnh dậy như từ cõi hôn mê:

- Trông kìa! Có tàu ở đằng kia. Làm sao họ cứu chúng ta?

Tiếng người trong ghe bỗng nhao nhao lên nhìn theo hướng ngón tay chỉ của một người đàn bà, trẻ, mặc bộ bà ba đen. Người điều khiển chiếc ghe đã cố gắng hết sức cho ghe chạy thật nhanh về hướng có cột sắt cao và đèn điện sáng, nhưng khi đến gần thì nó chỉ là một giàn khoan dầu trong hải phận Nam Dương. Trong lúc mọi người yên lặng, không biết xử trí ra sao, thì Hải đề nghị với những người có trách nhiệm trên ghe đánh tín hiệu S.O.S và cho một số thanh niên khỏe mạnh bơi giỏi nhảy xuống biển. Họ đã làm như vậy và từ giàn khoan đã có tàu ra cứu những người tị nạn này.

Khi những thuyền nhân may mắn này đang cảm thấy quá vui vẻ, tràn đấy những hy vọng vì được đặt chân lên một nơi an toàn, đầy đủ, không một ai bị tai nạn hoặc bị chết thì chỉ một lúc sau, người phụ nữ trẻ, mặc bộ bà ba đen, người đã nhìn thấy giàn khoan đầu tiên, lúc này mặt biến sắc, chạy tới, chạy lui và hỏi hết người này đến người khác:

- Chống tôi đâu rồi? Ai có biết chồng tôi ở đâu không? Cả gia đình tôi đã lên hết trên này rồi mà!

Người vợ và năm đứa con nhớn nhác chạy đi tìm, cuối cùng họ đã phát hiện ra đôi dép của người mất tích nằm trên bậc thang, nơi tiếp giáp với mặt biển. Những người làm việc trên giàn khoan đã tìm đủ cách để tìm kiếm người mất tích, nhưng vô hiệu. Họ cho rằng cá mập đã mang người đàn ông vắn số này ra biển khơi và không để lại một dấu tích gì. Niềm vui được cập bến của gia đình anh An chưa được bao lâu, thì nỗi đau khổ vì mất người chủ gia đình ập đến như một tai nạn kinh hoàng, làm sửng sốt trong nỗi tiếc thương của những người cùng đi chuyến này.

Sau này Hải được biết rõ, anh chị An có năm con, cả gia đình chỉ sống bằng mấy mẫu ruộng. Chính quyền Cộng Sản đã sát nhập ruộng của anh vào Hợp tác xã Nông nghiệp. Nhà chỉ có hai lao động thì cuộc sống thật thê thảm. Cuộc vượt biên của anh chị An đúng là đi tìm một “sinh lộ” chứ anh An chỉ là một Hạ Sĩ Quan trong QLVNCH, bị đi học tập có ba ngày thì có đáng ngại gì. Chị An như kẻ mất hồn giữa bầy con nheo nhóc mà đứa nhỏ nhất cháu Lệ chỉ chưa đầy hai tuổi. Rồi cuộc sống sẽ ra sao nơi đất khách quê người? Trước hoàn cảnh này, với tấm lòng bao dung của một nghệ sĩ, Hải thực sự thương cảm và giúp đỡ gia đình chị An những gì có thể giúp được.

Sau đó, gần bảy mươi người đi tìm tự do đã được đưa vào một hòn đảo thuộc Nam Dương.

Trong cùng hoàn cảnh khó khăn, người ta thường dễ làm quen và dễ thân thiết với nhau. Chị An hầu như không muốn ăn uống gì và các con chị thì khóc lóc thương cha, Hải đã lại gần chị An và an ủi:

- Chị phải ăn để có sức khỏe và còn lo cho các cháu nữa.

Chị chỉ lắc đầu trong khi nước mắt tràn xuống đôi gò má:

- Tôi không muốn sống mà làm gì nữa khi mà tôi và các con không có anh ấy trên những nơi xa lạ như thế này.

- Chị còn trẻ, các con chị sẽ lớn lên và tương lai chúng nó mới là cần thiết.

Chị nói như tuyệt vọng khi ôm bé Lệ vào lòng:

- Cỡ này thì bao giờ mới có tương lai...

Nói rồi chị An lại gạt nước mắt, nghẹn ngào không nói được gì nữa. Thấy vậy, Hải cũng không muốn nói gì thêm, bởi trong tâm hồn chị là cả một bầu trời đen tối, mưa bão đầy hãi hùng, trong khi đó gia đình chị lúc này như một căn lều sơ sài, trơ vơ, dựng trên cát mà không có một cây cột chắc chắn để nương tựa... Cứ mỗi buổi chiều, khi mặt trời trên biển bắt đầu chìm xuống giữa lòng đại dương là chị An bế cháu Lệ ra đứng cạnh một gốc dừa nhìn ra biển. Đằng sau chị là bốn đứa con trai và gái chỉ hơn nhau một cái đầu. Chị đứng yên lặng như một tượng đá, vẻ mặt buồn bã nhưng lại hằn lên nét căm hận, suối tóc dài của chị rối tung trong gió, lộ rõ chiếc cổ trắng ngần và cao trong bộ bà ba đen hình như mỗi ngày một rộng ra.

Trước cảnh đầy xúc động như thế làm sao Hải lại không ghi lại trong một bức họa? Nhất là Hải lại là một họa sĩ thích vẽ về biển. Khi chị An phát hiện ra Hải đang vẽ mình, chị đòi xem, Hải chị trả lời:

- Chỉ khi nào bức tranh hoàn chỉnh, tôi sẽ tặng chị, chứ không được xem trước.

Chị An nói với giọng thân thiện hơn:

- Anh khó quá à! Đến bao giờ mới xong? Tôi nghe người ta nói nghệ sĩ như các anh lúc nào hứng thì làm, không thích thì bỏ đấy. Chắc là đến “Tết Công Gô” mới xong!

Mà quả thật trước mùa xuân năm đó Hải vẫn chưa vẽ xong bức tranh. Bởi Hải cứ ám ảnh... cảnh chị An bế con đứng cạnh gốc dừa nhìn ra biển, tóc rối tung bay trong gió, có phần não nùng hơn hình ảnh Khánh Ly đứng trên mỏm đá bờ biển hát bài “Hòn Vọng Phu”, tóc cũng tung bay trước gió, nhưng lại mượt mà hơn...

Trước Tết âm lịch năm đó, Hải được tin vì hoàn cảnh đặc biệt của chị và nhất là anh An có phục vụ trong QLVNCH trước đây, nên gia đình chị được ưu tiên cứu xét và được đi Mỹ sớm nhất. Vào buổi chiều, trước ngày gia đình chị An rời đảo, một mình chị đến nơi gốc dừa, nơi mà thường ngày chị đến đây với các con để nhìn ra biển. Chị muốn gặp Hải để nói câu từ giã và cám ơn. Nét mặt chị có phần vui hơn, nhưng lại có phần lo lắng. Lần đầu tiên từ khi quen Hải, chị nắm lấy cánh tay anh và nói:

- Gia đình chúng tôi cám ơn anh nhiều lắm, đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian qua... Chúng tôi không có gì để đền đáp lại... Sau này nếu mà...

Nói tới đây chị An quá xúc động, không nói lên lời, suối nước mắt lại tràn xuống đôi gò má, lúc này lại có vẻ hồng lên đôi chút. Hải nhẹ nhàng quàng cánh tay anh qua bờ vai của chị và kèo đầu chị vào ngực anh. Chị khóc sụt sùi và bờ vai rung lên từng tiếng nấc. Chị khóc như chưa bao giờ được khóc với ai. Hải đứng yên lặng cho chị An khóc, nước mắt làm ướt sũng áo sơ- mi của anh. Năm ngón tay anh lùa qua mái tóc của chị và gỡ những lọn tóc còn rối vào nhau. Trong khi đó mặt trời trên biển đã tắt, nước thủy triều dâng lên và gió mạnh thổi mạnh từ ngoài khơi. Sau những giây phút yếu mềm, chị An như sực tỉnh đẩy Hải ra và nói như cố lấp đi sự thẹn thùng:

- Anh cho tôi coi bức tranh được chưa?

Hải lắc đầu và nói:

- Chưa xong. Sau này dù ở đâu, tôi sẽ tìm cách trao tận tay chị bức tranh này.

Chính vì lời hứa trên mà đã không bán bức “Thù Biển” cho người đàn bà sang trọng kia.

Hải đang chìm đắm trong vùng ký ức mà quên đi thời gian phải đóng cửa phòng tranh. Anh bỗng sực tỉnh khi nghe người bạn nói:

- Thôi thu dọn mà về thôi! Hay có bà nào đẹp lại lấy mất con tim của bạn rồi?

Mà quả đúng như vậy, bao nhiêu câu hỏi, thắc mắc cứ lởn vởn trong đầu óc anh từ khi gặp người đàn bà đòi mua bức tranh đó mà chưa một giải đáp nào thích đáng. Sau cuộc triển lãm ở đây, anh và một số họa sĩ khác sẽ có những cuộc triển lãm tranh ở một số tiểu bang như Hawaii, Florida, Texas... những tiểu bang có nhiều người Việt ở, có bạn bè và một số tổ chức, đoàn thể nâng đỡ. Cuối cùng là cuộc triển lãm tại California, nơi gia đình anh sinh sống và có nhiều người Việt định cư nhất tại Mỹ.

Tất cả những cố gắng và giúp đỡ từ nhiều phía cho những cuộc triển lãm trên đã không thành công như ý muốn của những người gắn bó với hội họa. Bởi ngày nay, với kỹ thuật phim ảnh và ấn loát ngày càng hiện đại, tinh vi thì ngành hội họa đã bị phủ trùm đi, chẳng khác nào những tòa nhà cao tầng ngày nay đã che khuất ngành kiến trúc vàng son thủa nào. Hải sống không đầy mấy năm trên đất Mỹ mà đã nhận thấy bao nhiêu bẽ bàng, cay đắng. Anh cảm thấy quả xa lạ và cô đơn trong chính “gia đình Mỹ-hóa” của anh.

Có lần vợ anh đã nói với anh trong giọng tức giận:

- Những ông cải tạo như anh sao mà khùng quá à! Không lo kiếm việc đi làm, còn mơ mộng, hội hè, đình đám gì nữa?

Còn các con anh hình như không có một chút tình cảm gì với anh, bởi lúc nhỏ chúng đã không ở gần anh, chúng lại được giáo dục trong chế độ Cộng Sản. Khi lớn lên một chút, chúng lại được giáo dục ở một nước mà chỉ có vật chất mới đánh giá trị con người. Bởi vậy có lúc anh đã so sánh: Dù trong hoàn cảnh khó khăn mà phải chia nhau từ mẩu khoai, củ mì - gia đình lại đoàn kết và thương yêu lẫn nhau, chắc chắn là vẫn hạnh phúc hơn khi trong gia đình có ba, bốn xe hơi đời mới, có quần áo và thức ăn thừa thãi lại cãi vã lẫn nhau, mỗi người đi một hướng và không còn tôn trọng lẫn nhau. Hải cảm thấy như một người thừa trong gia đình, như một người miền Thượng du về thành phố. Anh biết làm gì đây giữa một “nước Mỹ lạnh lùng” này? Bạn bè thì tất bật làm ăn, những thân nhân, họ hàng thì có phần xa lánh, còn vợ con anh thì như mỗi người sống trong “một ốc đảo” riêng, bởi thời gian đã làm thay đổi tất cả, thay đổi cả tình yêu thương, cả tình con người.

Vào một buổi sáng đầu xuân, trong khi gia đình Hải đang đón một cái tết nữa xa quê hương thì Hải nhận được thiệp chúc tết của một số bạn bè và thân nhân xa gần. Anh cẩn thận đọc những lời chúc tốt đẹp của mỗi người với lối viết khác nhau. Bỗng anh phát hiện ra một lá thư từ văn phòng Hội Mỹ Thuật gửi tới, anh vội vàng mở lá thư ra đọc. Nội dung như sau:

“Portland ngày... tháng...năm…

Thưa anh Hải,

Chắc chắn khi đọc lá thư này anh rất ngạc nhiên. Sau khi phòng triển lãm tranh của các anh rời đi tiểu bang khác, em không biết rõ anh ở đâu, nên em đã gửi lá thư này đến Hội Mỹ Thuật để chuyển đến anh. Em xin nói ngay rằng người hỏi mua bức tranh “Thù Biển” hôm nào, chính là chị An cùng với các con trên bức tranh đó. Đọc đến đây là anh nhớ rõ và hiểu tất cả. Quả là anh đã giữ lời hứa “chỉ để tặng em mà không bán”, dù giá trị của nó thật cao. Em khâm phục tài năng, lòng trung thành và sự quảng đại của những tâm hồn nghệ sĩ như anh. Dù không gian có bao la ngàn dặm, dù thời gian có dài bao năm tháng và hoàn cảnh có nhiều đổi thay chăng nữa, em tin rằng tâm hồn anh vẫn đẹp như màu sắc của bầu trời, của lớp sóng biển và núi non mà anh vẽ trên tranh.

Em mong rằng anh sẽ tặng em tận tay bức tranh đó như anh hứa. Về phần em, không phải là một cuộc mua bán, đổi chác với anh mà thực tình em muốn gửi đến anh một cái “check” năm nghìn đô la như một sự yểm trợ cho sinh hoạt Hội Họa của anh trên đất Mỹ này. Hiện nay em làm chủ nhà hàng Thanh Vị tại Dowtown Portland, một trong những nhà hàng Việt Nam có tiếng ở đây, nên mức thu hoạch hàng tháng rất khá. Anh có còn nhớ buổi chiều em từ giã anh để qua Mỹ không? Em đã nói “Sau này nếu mà...”. Câu nói bỏ lửng đó cũng là một lời hứa với anh. Nếu không có anh bên cạnh trong những ngày tuyệt vọng đó, thực sự em và các con chỉ muốn “nhào xuống biển để theo anh An tất cả”. Gia đình em có được ngày hôm nay dĩ nhiên phải có công lao của anh.

Mùa xuân sắp đến, chúc anh và gia đình vui vẻ và gặp nhiều may mắn.

Nguyễn Thị Lan (vợ anh An)”

Đọc xong lá thư, Hải thấy niềm vui hiện trên nét mặt, không phải là số tiền anh nhận được mà là lời hứa anh sẽ làm tròn, và nhất là gia đình chị An đã tìm thấy cuộc sống ấm no trên đất nước này. Bỗng anh cảm thấy hình như anh không còn lạc lõng nữa giữa một “nước Mỹ lạnh lùng”, tâm hồn anh như có một luồng gió xuân ấm áp thổi vào, có cả tiếng hót của một loài chim đánh thức anh dậy. Hải đứng lên, đi tới bên cửa sổ, anh kéo tấm màn cửa ra cho ánh sáng tràn vào phòng khách. Không có gì đẹp bằng mùa xuân. Không có gì vui hơn Tết. Nhưng niềm vui của Hải sáng nay không phải mùa xuân mang đến, không phải bên ngoài mang vào tâm hồn anh, mà lại chính từ tâm hồn anh tỏa ra trên cảnh vật chung quanh. Tâm hồn anh như một cành đào trơ trụi, khẳng khiu trong sương tuyết từ lâu, chỉ chờ một tia nắng ấm mùa xuân rọi đến là nở tung những bông hoa màu tươi thắm. Chính cái đó mới thực sự đẹp hơn mùa xuân bên ngoài.

Từ Khắc Nguyên

* Tên và bút hiệu: Từ Khắc nguyên.

* Tên hiện nay: John T. Nguyen.

* Ngày sinh: 20 tháng 3 năm 1942 tại Hưng Yên.

* Trình độ văn hóa: Cao Học Luật Khoa, Đại Học Sài Gòn.

* Trước năm 1975: Tại Việt Nam đã từng cộng tác với một số tờ báo tại Sài Gòn và hiện đang cộng tác với tờ báo Chính Luận (Seattle, WA) Tạp Chí Văn Nghệ Tiền Phong (Arlington, VA) và các báo tại địa phương.

* Năm 1992 đến Mỹ và hiện nay cùng sống với gia đình tại thành phố Portland, Oregon.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3