24. SOS (Dạ Châu)
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
S.O.S
Dạ Châu
Đã hơn mười mấy năm im lặng bây giờ tôi mới viết về một đề tài mà mỗi khi hồi tưởng, không riêng tôi mà cả đồng hành, đồng cảnh, đồng bào tôi, vẫn thấy xúc động bàng hoàng.
Viết lên để loài người trên trái đất này biết được một chuyện tưởng như hoang đường nhưng lại có thật ở thế kỷ hai mươi mốt này. Để những ai còn có tình quê hương, tình người, tình yêu, tự do phải đọc, phải biết lưu truyền cho hậu thế. Tôi không hề viết cho những kẻ không tim, thủ phạm đã gây ra cảnh này, mà từ lâu không ai coi họ là người.
Phải tự hào rằng dân tộc Việt nam có tinh thần tự do cao nhất. Vì mấy ai dám lìa bỏ quê hương, đánh đổi mạng sống của mình trên đại dương mênh mông, nguy hiểm để không biết được bến bờ xa lạ nghìn trùng và chẳng mảy may hy vọng được gặp lại người thân yêu.
Sau nhiều năm ở trại tù cải tạo về, tôi bị thôi thúc đi vùng kinh tế mới dù địa phương này là nơi tôi đã sống mấy chục năm qua. Tôi trở thành một kẻ vô thừa nhận, không có quyền công dân, không hộ khẩu, và buộc lòng phải về Bà Rịa sinh sống.
Một chòi tranh nhỏ, một cây đàn guitar cũ, và một chiéc võng đong đưa tôi hướng về rừng sâu và nghe bạn xưa thì thào: Phục quốc! Thế là tôi ngược xuôi xục xạo như con sói cô đơn muốn tìm về bầy để mong cầm lại súng gươm xưa mà chùng tôi đã bị ép uổng buông bỏ một cách tức tưởi nghiệt ngã. Tôi đỏ mắt tìm không thấy một mặt trận nào, ngoại trừ vài chiến hữu tuyệt vọng trở về.
“Tự Do hay là Chết”, ý tưởng này đưa tôi vào đường vượt biên. Tôi lần mò từ ngã ba Vũng Tàu, Ấp Mới, Ngọc Hà, Phú Mỹ, Ông Trịnh, Láng Cát, Phước Hòa, Chu Hải, Bến Súc, Rạch Dừa, Sao Mai, rồi Vũng Tàu, Long Hải, Phước hải, Phước Tĩnh, Long Sơn. Với đủ các nghề: đạp xích lô, công nhân lậu, đưa đò, khuân vác, chùi rửa ghe giả cào... Tôi lân la, tiếp cận để tìm dường vượt thoát.
Suốt tám năm trời ròng rã, tôi tham dự hai mươi hai chuyến từ Nam ra Bắc, từ đường bộ đến đường biển, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, nguy hiểm tù đầy, mất trắng tiền bạc gom góp của gia đình vốn đã kiệt quệ. Mãi đến năm 1988, tôi vừa bể một chuyến tổ chức hết sức ngoạn mục tại bãi Sao Mai - Vũng Tàu, ngay trước mũi đồn công an biên phòng, làm chúng ngơ ngác và dân địa phương khâm phục sự can đảm cao độ, tính toán tinh vi của chúng tôi.
Được tin nhà nhắn ra, tôi vội vã về Sài Gòn để kịp chuyến thứ hai mươi ba do một đàn em của tôi tổ chức. Bản doanh đặt ngay nhà tôi, một quán ăn ven xa lộ 1A. Chúng tôi thuê một chiếc ghe dài mười ba mét, ba máy lốc xanh của trường Thủy Sản thành phố Hồ Chí Minh ra Bà Rịa chở mì khô về Sài Gòn. Thủy thủ đoàn gồm một áp tải trưởng ghe, một tài công, và một thợ máy. Phía chúng tôi gốm một áp tải và ba nhân công khuân vác, tất cả đều có võ nghệ.
Ghe ra đến sông cái, chúng tôi rủ rê bày tiệc rượu trên cabin. Rượu được pha thuốc ngủ cho chúng uống nhưng vì mua nhầm thuốc dỏm nên chúng tôi phải ra tay áp đảo và trói gô cả bọn lại trong khi chúng ngạc nhiên đến tức cười. Mỗi tên được ngậm một trái chanh, quấn kín băng keo, và nhốt xuống khoang. Phe ta thanh thản lái đến điểm hẹn kịp đúng kế hoạch. Trong khi đó, trên bộ xe gắn máy gom khách từ nhiều điểm hẹn rải rác giao cho hai xe lớn của Công An Bộ Nội Vụ 2, hai xe hộ tống qua trạm xa lộ Đại Hàn và trạm ngã ba Vũng Tàu một cách an toàn, rồi đến bãi đáp là tại nông trường Bộ Nội Vụ 2 thược ấp Quảng Phú, xã Phú Mỹ. Toàn bộ khách hàng xuống êm thắm và đi hàng một ra bãi. Cùng lúc các xuống nhỏ chở hai hoặc ba người từ các ngả len lỏi qua rạch ngòi chằng chịt để đến điểm hẹn hội tụ.
Ghe xuất phát từ trùng điệp chà là, tràm, đước của khu rừng Sát mênh mông, khi nắng chiều nhạt dần về phía tây núi Thị Vải. Máy Ghe nổ êm đưa ghe đi chầm chậm, vượt từng thước nước như ngập ngừng e ngại trong sự hân hoan lẫn lo sợ của mọi người.
Chu Hải, Láng Cát chỉ còn là một vệt mờ dài nhạt nhòa rồi đen thẫm dần trước khi lẫn vào màn đêm đang nhàn nhã buông xuống. Hướng Long Sơn vài ánh đèn nhỏ nhoi, lẻ tẻ, từ các dàn đáy hoặc từ các ghe xuồng về muộn nhấp nháy làm thành một cảnh sắc rờn rợn đến lạnh người.
Tôi kéo cao cổ áo khoác khi hơi gió lạnh trườn đến từ cửa biển xa, miệng đắng nghét thèm hơi thuốc lá, định tìm bao thuốc Vĩnh Hảo thì chợt nhớ ra mình đang “hành quân”! Một sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến tai họa to lớn vô cùng!
Con sông thị vải như trải rộng ra khi thủy triều dâng lên. Đằng sau tàu sắt tuần duyên biên phòng đi áp tải yểm trợ vẫn lầm lì giữ một khoảng cách vừa phải.
Nhìn thấy ánh đèn quét dài của ngọn hải đăng từ núi lớn Vũng Tàu, tôi lâm râm khấn niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cầu mong ngài tế độ cho chúng tôi vượt thoát êm xuôi giây phút căng thẳng này: Ghe đang vượt trạm.
Tôi quay đầu lại nhìn ánh đèn hải đăng lần nữa để thầm nói lời giã biệt. Gió từ cửa biển càng lúc càng thổi mạnh vào, máy ghe gầm lên, phóng nhanh dần bỏ lại những hàng đáy giăng giăng. Bỗng bên kia cửa biển, trạm kiểm soát nháy đèn pha gọi vào. Sóng đã quyết, chúng tôi tăng ga phóng đi xuyên vào đêm đen.
Đến gần cửa biển, tàu yểm trợ nhả ra một ca nô nhỏ chạy cặp sát ghe chúng tôi để đón tài công sông trở lại bờ. Tay lái được trao lại cho tài công biển... dỏm.
Hai bên chúc nhau bao nhiêu lời tốt lành. Chúng tôi chút hết tiền Hồ vào gần đấy chiếc nón lá tặng cho K... người tài công lão luyện đã tài tình luồn lách đưa ghe ra đến đây.
Sóng gió bắt đầu nhồi xóc ghe. Tôi vào ca-bin nằm xuống, tự nhiên khóe mắt ứa ra hai dòng nước mắt, dù sung sướng đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, lòng chạnh nghĩ đến phải dứt áo giã biệt gia đình và quê hương thân yêu ra đi mà không biết bao giờ được gặp lại!
Tiếng máy ghe vẫn tiếp tục gầm rú, chúng tôi phải chạy nhanh tối đa.
Về người tài công biển, trước là sĩ quân hải quân nên được tuyển chọn nhưng không ngờ y không phải là hải hành nên vừa nhận tay lái là y nôn thốc nôn tháo rồi nằm lăn ra một đống! Do đó chúng tôi phải nhảy ra thay phiên nhau lèo lái chiếc ghe. Do thiếu kinh nghiệm nên gây ra tai họa về sau.
Ghe chạy miệt mài mấy ngày đêm thì một giàn khoan hiện lên từ xa xa. Mọi người hầu hết ói mửa, nằm ngồi la liệt. Chúng tôi hội ý khẩn cấp và đặt ống nhòm, không thấy hiệu kỳ nên đoán mò là giàn khoan... Mã Lai, bèn quyết định cho chĩa mũi ghe vào. Khi cột giây neo rồi mới tá hỏa là giàn khoan Việt Xô!
Ba tên VC được chúng tôi nhân đạo không giết và cho đi lại tự do trên ghe liền lớn tiếng kêu cứu. Tức thì họ thả xuống một thang dây có lưới, kéo ba tên VC kia và những ai muốn lên.
Một người nói tiếng Việt qua loa phóng thanh: “Ghe các người đã bị bắt. Chúng tôi đang liên hệ với Đặc Khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tàu sắt công an biên phòng sẽ ra dẫn độ tất cả về thụ lý.”
Mọi người lại hội khẩn cấp, rồi quyết định: tìm cách chặt dây neo đi tiếp, chứ để sa vào tay chúng cũng như chết mà thôi. Nhưng ai là người dám làm công việc đầy nguy hiểm này?
Tôi khẳng khái lãnh nhận. Bất chấp những tiếng la vọng xuống từ trên giàn khoan hoặc khả năng có thể bị bắn chết, tôi từ từ bò ra, tay nắm chặt con dao inox nhỏ. May mà sợi dây neo bện bằng sợi dây cước chỉ cỡ cườm tay thế mà sau khi ráng hết sức cắt đứt nó, bàn tay tôi cũng trầy trụa đầy máu.
Ghe đã nổ máy sẵn và chỉ đánh nhẹ một vòng cung hướng mũi ra khơi, mọi người đều vui mừng.
Chạy thêm một đêm, máy ghe bắt đầu khục khặc. Người hùng thứ hai xuất hiện là anh H, thợ máy... xay lúa! Anh và vài người lục lọi tìm nhưng thùng đồ nghề không cánh mà bay. Sau nhiều giờ loay hoay, anh H cũng cho máy nổ lại được trong tiếng reo hò vui mừng của cả ghe.
Chạy thêm vài giờ nữa thì ghe chết máy luôn. Do mùi khét lẹt bốc ra chúng tôi lại đoán mò là hệ thống giải nhiệt hỏng nên máy nóng quá.
Thoạt đầu chúng tôi dự trù là sáu mươi người kể cả hải hành đoàn nhưng thực tế thì số khách bị gia tăng lên gần một trăm ba mươi người do phía công an gởi gấp đôi số giao ước, bãi gởi một số, các ghe nhỏ tại thấy ghe lớn nên nhảy đại lên đi, cộng số người canh me nhảy lên, dù đã bỏ bớt một số ở giàn khoan, ghe vẫn còn khẳm nên khi chết máy chúng tôi phải cắt đặt cho những người khỏe mạnh luân phiên nhau tát nước.
Lúc này ghe đang ở hải phận quốc tế, chúng tôi có thể nhìn rõ cả hàng ria mép, chùm lông ngực vàng hoe của thủy thủ những tàu chạy sát ghe của chúng tôi. Tàu gồm kỳ hiệu của những quốc gia khác nhau, chỉ không thấy cờ Mỹ và Pháp. Khi nhìn thấy chúng tôi, họ liền đổi hướng dù chúng tôi kêu cứu bằng mọi hình thức như phất cờ S.O.S... đốt khói, hoặc đàn bà con nít nằm la liệt trên boong vẫy gọi kêu cứu để đánh động tình thương của họ nhưng đều không hiệu quả. Sau này chúng tôi được biết việc cứu trợ vớt ghe vượt biên gây ra phiền hà cho quốc gia của họ vì họ phải cưu mang, cho định cư. Ôi thật bất hạnh! Lòng nhân đạo của con người đã đến ranh giới cuối cùng rồi!
Sang tuần thứ nhì, nước uống và thức ăn được chia ít dần. Chúng tôi bắt đấu lâm cảnh đói khát. Lúc đầu là đói, rồi càng về sau chỉ thấy khát. Bầu không khí trong ghe im lặng đến rợn người.
Chỉ còn tiếng sóng đập vào mạn ghe và đêm đêm có tiếng cầu kinh vọng từ dưới khoang lên đều đều, buồn bã. Thỉnh thoảng ai đó la hét hãi hùng trong cơn ác mộng.
Tôi chập chờn trong giấc ngủ nhọc nhằn trên cabin chật chội hôi hám, nghe rõ tiếng nhạc trỗi lên từ biển chen lẫn tiếng hát vọng về từ cõi ma quái nào đó. Âm thanh của những oan hồn uổng tử bỏ mình trong lòng đại dương hay ảo giác chập chờn của đầu óc một con người vật vờ trôi dạt giữa hai cõi âm dương?
Nhiều đêm khát quá, tôi len lỏi lách ra nằm ở bìa khoang để hưởng chút hơi sương mát lạnh. Ban ngày thì nhảy xuống nước bơi lội. Song về sau tôi không còn đủ sức nên chỉ nhìn ra trùng dương vời vợi, ước mơ giông bão mang nước mưa đến cứu nguy.
Một hôm tôi bỗng nảy ra sáng kiến lấy nước biển cất lên như cất rượu để làm ra nước ngọt. Chúng tôi thừa dầu cặn vì máy ghe không hoạt động, cho nhóm bếp trên nóc cabin 24/24 giờ chia nhau luân phiên làm việc. Những giọt nước cứu tinh bắt đầu được phân phối trước sự vui mừng của những đôi mắt mệt mỏi, thẫn thờ. Mỗi ngày cất được non một lít nước, chia cho mỗi người hai lần, mỗi lần một nắp khóen nhỏ nhoi. Song nhờ đó cầm cự, chưa xảy ra chết chóc.
Cơn đói khát dày vò ngày đêm, nhiều người bị mê sảng, bị ói mửa, hoặc bị nứt môi, chảy máu cam, máu mũi và cả máu răng, máu lỗ tai. Có người còn bị giật lé cả mắt.
Người chết đầu tiên là một em bé! Chúng tôi đặt thi hài bé trên boong, xúm xít cầu kinh, rồi thủy táng. Xác bé trôi bập bềnh theo mạn ghe một lúc rồi mất tăm khi ánh nắng chiều nhạt nhòa cuối chân mây.
Khuya hôm đó, biển chuyển mình. Mưa thoạt đầu lắc rắc sau lớn dần. Cả ghe choàng tỉnh khi cơn mưa ào ạt đổ tới xối xả. Mọi người gọi nhau ơi ới, căng vải bạt nilon ra hứng nước mưa chia nhau uống thỏa thích, và chứa vào các can nhựa đựng dầu cặn đã được xúc vội vàng sơ xịa.
Như một phép lạ. Mọi người xầm xì hay là hồn oan em bé chết lúc ban chiều đã linh ứng gọi mưa về giúp đỡ chúng tôi chăng?
Đêm đêm từng nhóm cầu kinh tùy theo tôn giáo của mình. Tất cả các vị thần, Chúa, Phật... đều được thiết tha réo gọi.
Có đêm trong mộng mị, tôi mơ thấy một hàng ly nước cam, màu vàng rộm, hơi lạnh rịn thành dòng đọng ở thành ly vô cùng hấp dẫn. Tôi ham hố uống từng ly một cho đến hết sạch, rồi thoải mái nhảy ùm xuống lòng đại dương mát lạnh!
Có đêm tôi mơ thấy ghe dạt vào một hoang đảo, bèn nhẩy ùm xuống nước, bơi vào bờ cát, trườn lết đến một cánh rừng thưa. Như phép lạ, cơ thể tôi hồi sinh nhanh chóng, tôi vươn vai đúng dậy, chạy nhanh vào rừng sâu. Tìm được lạch nước trong veo chảy ra từ khe núi, tôi kê miệng uống, uống một cách thỏa thích, rồi ăn trái cây rừng ngọt lịm do chim nhả xuống cho đến khi bụng căng cứng. Tôi gối tay ngủ một cách ngon lành trong cổ họng còn đọng đầy chất ngọt, đến khi tỉnh giấc thì cổ họng nóng rát lạ kỳ.
Chúng tôi cầu mong biển động mãi để chúng tôi chịu đựng hãi hùng giông bão mà có nước uống, là cơ may sống còn, nhưng biển vẫn êm đềm một cách oan nghiệt, nỗi mong chờ được tàu khác cứu vớt hầu như tiêu tan trong tuyệt vọng.
Đêm đêm trong nhóm chúng tôi, nước mưa dự trữ do tôi phụ trách cất giữ được lén lút chia nhau một cách ích kỷ hèn mọn để duy trì sự sống cho riêng mình.
Chiếc ghe vẫn trôi hờ hững như một chiếc quan tài nổi! Chúng tôi bàn nhau kết một tấm buồn nhỏ bằng mọi vật liệu thu nhặt được trên ghe để tăng thêm sức đẩy của gió dù không biết sẽ trôi dạt về đâu.
Cứ thế, có nước thì sống, hết nước là xảy ra chết chóc. Nhất là sau khi tên H, và một số người trên ghe còn tương đối khỏe mạnh làm cuộc lật đổ ban tổ chức chúng tôi để dành lấy độc quyền nguồn nước cất, nhiều cái chết xảy ra dồn dập. H, là cha vợ người tổ chức chuyến đi, có nhiệm vụ lo khâu lương thực và nước uống, đã lén lút cất dấu dành riêng cho cả gia đình y, chỉ đem ra một ít để mua chuộc bọn người a dua kia.
Những lần thủy táng đầu còn có một số người xúm lại cầu kinh, về sau mọi người chỉ nằm, quá kiệt quệ không kinh kệ gì nữa. Không phải chúng tôi chai đá, nhưng chết chóc giờ đây xảy ra quá thường, ai cũng nghĩ trước sau rồi cũng đến lượt mình. Như cảnh tượng người cha với tay vớt con sứa trôi trên mặt nước biển, sô sẩy rớt xuống, vùng vẫy yếu ớt, rồi trôi xa dần trong cái nhìn hờ hững, vô hồn của vợ con. Chúng tôi có ném theo một can nhựa trống không xuống như một ân huệ sau cùng.
Một sớm bình minh, cơn giông bất ngờ ập đến mang mây đen cuồn cuộn, sấm chớp và mưa gió. Mọi thân thể khô kiệt còm cỏi lại bừng tỉnh, hồi sinh. Mọi người bật dậy sau những cơn đói khát rát cháy cổ họng lẫn ruột gan.
Ghe lâm nạn nhiều ngày trên biển thường xảy ra chuyện ăn thịt người! Ghe chúng tôi trôi bốn mươi hai ngày đêm nhưng không tệ hại như vậy. Ngay từ đầu một bà đề nghị lấy tim gan người chết đầu tiên nấu cháo cứu đói cả ghe. Tôi cứng rắn từ chối và tuyên bố: “Ai còn nêu ý kiến như thế sẽ bị ném xuống biển ngay!” (Khi lên đến đảo Palawan tôi mới biết hai ghe cùng xuất phát từ Bến Tre, một chiếc ba mươi mốt ngày, một chiếc ba mươi ba ngày đều ăn thịt người cả. Họ không những ăn thịt xác chết mà ăn cả những người yếu đang còn sống. Họ đã đè xuống sàn ghe một thanh niên để làm thịt, giữa tiếng la hét cầu cứu trước mắt người em trai đồng hành. Hình ảnh kinh khiếp đó làm cho cậu thanh niên kia hóa điên khi đến đảo, thường đi lang lang không kể mưa nắng đói no. Sau này em được định cư ở Pháp.).
Thế rồi ngày thứ bốn mươi hai đến! Ngày cứu tinh cho tám mươi lăm sinh mạng còn sống sót sau chuỗi ngày tận cùng đau khổ.
Sáng đó biển êm như mặt hồ, mặt trời chiếu vàng rực vùng biển. Một tàu đánh cá lớn của Phi xuất hiện rồi chạy thẳng về hướng ghe chúng tôi cặp vào. Thủy thủ Phi mặc quần áo sặc sỡ nhanh nhẹn như thiên thần xuất hiện. Họ nhảy qua ghe, chớp nhoáng cột dính ghe vào tàu, và nói tiếng anh: “Tất cả được cứu thoát.” Mọi người từ từ qua tàu họ. Đàn bà, trẻ con được thủy thủ Phi dìu dắt, bồng bế đưa sang. Riêng tôi quá kiệt lực không bước nổi qua dù hai mạn ghe và tàu đã cặp sát nhau. Tôi cố sức la: “Help me. Help me, please.” Một thủy thủ nhẹ nhàng xốc nách dìu và đặt tôi xuống boong tàu. Nằm úp mặt xuống sàn tàu vững trãi bằng an, tôi ôm đầu bật khóc nức nở như trẻ thơ.
Sau cơn chấn động sinh tử đó, tôi mở mắt ra, thấy bạn đồng hành kẻ nằm người ngồi la liệt. Ai nấy gầy gò trơ xương, dơ bẩn hôi hám nhưng ánh mắt hân hoan tột độ. Các thủy thủ căng bạt che mưa nắng cho chúng tôi. Đúng là đã từ địa ngục lên thiên đàng.
Khi biết trước lúc được cứu chúng tôi đã vội vàng thủy táng một nạn nhân cuối cùng, vị thuyền trưởng liền ra lệnh cho hai thủy thủ lao xuống nước vớt ngay xác chết lên khâm liệm rồi dùng ca nô đưa vào bờ, quan trong nhà thờ địa phương, có lễ nghi chôn cất đàng hoàng.
Thấy chúng tôi quá tả tơi, tất cả thủy thủ đoàn của con tàu cứu tinh kể cả thuyền trưởng gồm bẩy người, đều cởi áo quần đang mặc cho chúng tôi, có vị chỉ còn mỗi quần đùi. Mọi người được vào phòng vệ sinh tắm rửa. Nhìn gương, tôi kinh hãi vì gương mặt mình xấu xí, dị hợm đến khôn cùng.
Rồi mỗi người được uống một ly sữa nóng và cứ vài tiếng được phát cháo loãng. Do đói khát lâu ngày nên ai cũng kèo nài xin thêm nhưng đều được nhã nhặn từ chối. Sau này khi hiểu rằng ăn nhiều vào lúc đó sẽ nguy hiểm cho tính mạng, chúng tôi thật sự biết ơn họ, những người dày kinh nghiệm cứu người.
Trong toán thủy thủ trên tàu Phi, tôi làm quen với một cậu bé tên Boys mà lúc hai tàu cặp vào nhau, tôi đã gọi: “Boy, may help me!” không ngờ lại đúng tên cậu ta. Boys kể hai hôm trước họ thấy khói bốc lên từ ghe chúng tôi, họ nghĩ rằng ghe bình an và đang nấu nướng. Hôm nay lại thấy ghe, thuyền trưởng bèn đặt ống nhòm quan sát kỹ mới thấy một lá cờ là một áo thun trắng viết chữ S.O.S. Ông ra lệnh bỏ lưới giăng cá, cấp tốc đến cứu. Ông cho biết chúng tôi thật may mắn vì chỉ mỗi tàu ông đi về hướng này, vì đây là phía sau, còn mọi tàu bè khác đều ra phía trước đảo. Ngoài ra hơn hai ngàn đảo lớn nhỏ của Phi làm thành hình cánh cung, nếu ghe chúng tôi ra khỏi lãnh hải cánh cung kia thì sẽ ra ngoài đại dương bao la và không có cơ may sống sót.
Còn vùng san hô muôn sắc rực rỡ lộng lẫy mà ghe trôi vào là một vùng rộng lớn, ghe thuyền nào lỡ lạc vào đây thì coi như đã đi vào một tử địa. Lúc nước rút tàu ghe sẽ bị lật nghiêng hoặc úp mà chết kẹt trên đỉnh rừng san hô. San hô ỏ đây có cạnh sắc như lưỡi dao, nguy hại vô cùng.
Tàu tiếp tục ra khơi đánh cá, hai ngày sau họ mới đưa chúng tôi vào hải đảo Limiancong, vì thế chúng tôi mang ký danh “Group 84 limiancong”. Hôm sau, tất cả được đưa xuống thuyền nhỏ do Cao Ủy thuê mướn, đưa chúng tôi về một đảo khác, có đường bộ để di chuyển về trại tị nạn chính thức Palawan Camp.
Đây là chuyến vượt thoát thứ hai mươi ba thành công của tôi, song đâu ngờ lại là chuyến đi gian nan, hãi hùng đến vô cùng, bằng bốn mươi hai ngày đói khát lênh đênh trên một chiếc ghe chết máy sau ba ngày đêm kể từ thời điểm xuất phát, trôi dạt đến bến bờ Phi Luật Tân.
Với cái giá phải đánh đổi quá đắt: hai mươi mạng rưỡi người đắm mình vào lòng đại dương lạnh lẽo oan khiên. Sở dĩ có chữ rưỡi, vì có một thai nhi còn trong bụng chết theo người mẹ do thiếu nước uống trầm trọng rồi băng huyết qua đời.
Dạ Châu
Tên thật: Nguyễn Tri Châu.
Sinh ngày: 21-03-1935 tại Huế, Việt Nam.
Học lực: Trung học (lớp 12).
Tác phẩm đã in: Tập thơ “Mây Dạt Quê Người” (1990).