29. Trên Đường Tìm Tự Do (Nguyễn Hữu Bào) - Phần 1
Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông
Trên Đường Tìm Tự Do
Nguyễn Hữu Bào
Sau ngày mất nước, 30-4-1975, tôi cũng như đa số dân Sài Gòn thường xuyên theo dõi đài phát thanh Việt Ngữ của đài BBC và VOA. Hôm nào thời tiết xấu, nghe không rõ, tôi cảm thấy bực tức khó chịu. Nhưng không lo, trong số bạn hữu, bà con nghe lén đài ngoại quốc thế nào cũng có người nghe được phần phát thanh Việt Ngữ của đài BBC và VOA. Tôi cũng không mất công đi dò hỏi. Nếu có tin gì phấn khởi hoặc liên quan tới Việt Nam thì thế nào cũng có người kể lại cho nghe. Những tin hay ít nhất tôi cũng được nghe hàng chục người kể lại. Nhiều tin tôi biết rồi, nhưng nghe bà con kể đi kể lại nhiều lần mà tôi vẫn thích thú, chăm chú nghe thực sự chứ không phải vì xã giao lịch sự.
Trong một bài bình luận về vấn đề “boat people” đài BBC có một câu như sau: “Trong số những người Việt Nam vượt biển năm mươi phần trăm bị Cộng Sản bắt cầm tù, hai mươi lăm phần trăm chết trên biển cả, hai mươi tư phần trăm bị hải tặc cướp của, đánh đập, hãm hiếp... chỉ có một phần trăm hoàn toàn may mắn đến bờ bến tự do bình an”. Mặc dầu tìm tự do vô cùng nguy hiểm, đến đất tự do phải trả một giá quá đắt như vậy nhưng đồng bào kẹt lại vẫn liều lĩnh phiêu lưu. Đồng bào quan niệm: “Thà chết trên biển cả còn mát mẻ sung sướng hơn sống trong ngục tù Cộng Sản”.
Đúng lắm. Kể từ khi Việt Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ, các trại cải tạo là nhà tù nhỏ, còn toàn quốc là nhà tù lớn. Người có khả năng phiêu lưu dù có bỏ mình trên biển cả cũng còn sung sướng hơn những con chim trong lồng chạy quẩn chạy quanh.
Sau nhiều lần tổ chức vượt biên không thành, cuối cùng tôi được anh Nguyễn Duy Chính giới thiệu tôi với anh Đỗ Thanh Tròn. Gặp được người cùng tư tưởng anh Tròn mừng lắm. Anh Tròn mua được chiếc thuyền chạy trên sông của một dân chài tên Sáu Lá. Chiếc thuyền này dài chín mét, rộng hai mét năm mươi. Tôi không hiểu ai giới thiệu anh Tròn quen một xưởng mộc chuyên đóng tàu, xưởng trên bờ kinh xã Lương Hòa thuộc tỉnh Long An.
Chiếc thuyền được đưa đến xưởng mộc này nhờ tu bổ. Nhóm của chúng tôi gồm có gia đình anh Đỗ Thanh Tròn, hai vợ chồng và năm đứa con nhỏ, anh Nguyễn Duy Chính và tôi. Năm đứa con nhỏ của anh Tròn tôi không nhớ rõ tên, tôi chỉ biết chị Tròn tên Phó Thị Gương. Như vậy nhóm chúng tôi gồm có chín người. Gần đến ngày khởi hành thêm anh Nguyễn Duy Xuân, chú ruột anh Nguyễn Duy Chính, vượt ngục từ trại cải tạo về tham dự. Như vậy nhóm của chúng tôi vừa tròn mười người, bốn đàn ông, một đàn bà và năm trẻ nhỏ.
Chúng tôi đều cư ngụ tại Sài Gòn. Ngoài chiếc thuyền mua của anh Sáu Lá. Anh Tròn còn có một chiếc thuyền nhỏ gọi là taxi. Chiếc taxi này dùng để chạy đi chạy lại liên lạc từ bến Hàm Tử đến Lương Hòa, chuẩn bị xăng, dầu, dụng cụ, lương thực,... cho cuộc ra đi. Trong thời gian di chuyển trên sông chúng tôi đều dùng giấy tờ giả.
Ngày 11-6-1979, anh Tròn cùng anh Sáu Lá và tôi dùng chiếc thuyền taxi giả dạng dân chài đi đánh cá để tìm đường ra biển. Hồi sáu giờ chiều cùng ngày chúng tôi ra đến Cửa Đại thuộc Vàm Láng, gặp công an biên phòng vẫy vào. Trong lúc đó tụi công an đang bắt giữ một chiếc tàu lớn, trên tàu lố nhố đàn bà con nít rất đông. Chúng tôi bị công an hỏi giấy tờ, khám xét thuyền, hạnh họe đủ điều rồi sau đó cho chúng tôi đi. Thoát nạn, chúng tôi mở máy cho thuyền chạy ra biển đánh cá. Quay đầu lại nhìn lá cờ đỏ màu máu tôi không khỏi rùng mình.
Ra khơi, chúng tôi tập sự quăng lưới đánh cá. Mấy tiếng đống hồ chúng tôi kéo lưới mệt phờ người mà không được con cá nào. Hôm sau chúng tôi trở về. Tránh đồn công an bên bờ này, chúng tôi đi sát bờ bên kia. Nhưng bên bờ kia cũng như bên bờ này đều có đồn công an kiểm soát. Trở về, chúng tôi chỉ bị xét giấy qua loa chứ không bị hạch hỏi lôi thôi lắm. Nắm vững tình hình hai bên bờ Cửa Đại đều có tụi chó săn canh phòng, anh Tròn khoái trí nói: “Đêm tối, ra biển chúng ta cứ đi ra giữa biển cả là yên chí và chắc ăn nhất”.
Về Sài Gòn, chúng tôi họp nhau quyết định khởi hành từ Lương Hòa hồi năm giờ chiều ngày 15-6-1979. Chúng tôi không có thì giờ theo dõi tin tức khí tượng. Chúng tôi, người là công chức, người là giáo chức, người là quân nhân. Không ai có một chút gì về kinh nghiệm đi biển, không ai có chút gì hiểu biết về máy tàu. Chúng tôi là bọn người điếc không sợ súng.
Buổi sáng ngày khởi hành, mười người trong bọn chúng tôi có mặt đông đủ trên chiếc thuyền định mệnh. Thuyền của chúng tôi chạy bằng máy Yamaha F10 và trang bị thêm một máy đuôi tôm. Suốt cả buổi sáng bận rộn nhưng chỉnh lại các hệ thống máy móc, hệ thống bơm nước, trữ nước ngọt trên thuyền, bơm mấy cái ruột xe làm phao... Chương trình khởi hành hồi năm giờ chiều. Nửa đêm thuyền tới cửa biển là tốt nhất. Đúng giờ khởi hành, anh Tròn mở máy không chạy. Cả bốn người đàn ông cùng xúm lại hết tháo cái nọ mở cái kia, nhưng máy vẫn không nhúc nhích. Cầu cứu mấy người thợ mộc cũng chẳng ai biết gì về máy tàu. Trời tối. Anh Chính đành phải về Sài Gòn đón thợ máy xuống. Ông thợ máy, chúng tôi thường gọi là ông Thà, chú họ anh Chính, đối với chúng tôi rất tốt. Chúng tôi chờ thợ máy chả khác nào bệnh nhân đang cơn ngặt ngèo chờ thầy thuốc. Mãi đến chín giờ đêm anh Chính với ông Thà mới đến. Ông Thà mở con heo dầu, lau sạch sẽ, rồi ráp vô. Công việc rất giản dị, dễ dàng, chỉ vài phút là xong. Sau đó máy nổ ròn. Nghe tiếng máy nổ chúng tôi vui mừng còn hơn nghe pháo Tết.
Đúng mười hai giờ đêm thuyền nhổ sào. Hai bên bờ rạch dừa nước mọc um tùm. Thuyền của chúng tôi như con cá sấu luồn trong bụi cây rập rạp từ rạch ra sông. Chúng tôi dự tính đi lòng vòng đánh cá trên sông, chờ nửa đêm 16-6 ra biển. Suốt ngày anh Tròn cho thuyền chạy trên nhiều con sông tôi không nhớ hết tên. Gặp những khúc sông vắng chúng tôi quăng lưới đánh cá. Chúng tôi bơi lội cho thỏa thích. Anh Chính và tôi lặn xuống lòng sông bốc được mấy nắm đất bùn. Chúng tôi lấy bao nylon gói nắm đất quê hương mang theo đến chân trời xa lạ.
Hồi bốn giờ chiều ngày 16-6, chúng tôi đi trên Vàm Kỳ Ôn. Gặp chiếc ghe bán đồ ăn chúng tôi vẫy lại. Trên ghe có nhiều đồ ăn như dừa tươi, lạp xưởng, khô mực, bánh kẹo, thuốc lá... Có bao nhiêu chúng tôi mua hết. Chúng tôi muốn xài hết những đống tiền của chế độ mà chúng tôi ghê tởm. Trúng mối, cô bán hàng cười như hoa. Bất thần, cô hỏi:
- Các anh đi bao giờ về?
Chúng tôi chột dạ nhìn nhau. Anh Tròn nhanh trí trả lời:
- Chúng tôi đi đánh cá ít ngày rồi trở về.
Nói rồi, anh Tròn nháy mắt nhắc anh em:
- Chúng ta đi là vừa.
Con thuyền của chúng tôi vừa đi được một phút thì thuyền công an đuổi theo. Anh Xuân cầm lái. Anh Tròn hối thúc:
- Mở hết ga! Chạy hết tốc lực!
Thuyền của chúng tôi lao vun vút trên Vàm Kỳ Ôn. Thuyền công an phóng vun vút đuổi theo. Gặp những ghe nhỏ tròng trành muốn đắm. Bà con văng tục chửi thề om xòm. Ra đến sông Tiền thay vì quẹo trái ra biển, chúng tôi chạy thẳng lên Mỹ Tho đánh lạc hướng bọn chó săn. Tiền giang rộng mênh mông, thuyền xuôi ngược khá nhiều. Trời nhá nhem tối. Thế là chúng tôi thoát khỏi cuộc rượt đuổi. Hú vía! Nếu chúng tôi bị bắt trên Vàm Kỳ Ôn thật là lãng nhách.
Chừng tám giờ tối, anh Tròn bảo anh Xuân cho thuyền rẽ về trái, tìm đường ra biển. Vào khoảng mười giờ đêm chúng tôi thả neo gần Cồn Phụng, miền đất của ông đạo Dừa. Anh Tròn bàn tính:
- Ra cửa biển chúng ta phải phóng hết tốc lực mới thoát được.
Anh Chính góp ý:
- Như vậy chúng ta phải cho máy đuôi tôm chạy phụ với máy lớn.
- Đúng lắm.
Nói rồi anh Tròn lấy tay quay mở máy đuôi tôm. Anh quay cả chục lần máy không nổ. Mở máy ra thấy bên trong đầy bùn đất. Anh Tròn cằn nhằn bọn thợ mộc làm ẩu, đánh rớt máy xuống sình rồi cứ để y nguyên như vậy ráp lên thuyền. Anh Tròn cũng tự trách mình ỷ i máy mới không chịu chạy thử. Chúng tôi rọi đèn pin, mở máy lau bùn đất. Trong khi chúng tôi sửa máy, tàu công an tuần tiễu đi qua. Chúng tôi chỉ liếc nhìn chứ không ngừng lại. Hú vía! Lau máy sạch rồi, hết anh tròn đến anh Xuân, anh Chính quay máy vẫn không nổ. Máy đuôi tôm loại lớn nên quay khá nặng. Tôi nín thở, dùng hết sức quay, máy nổ được vài cái rồi tắt. Thấy tôi có sức khỏe tương đối hơn anh em một chút nên anh em khuyến khích tôi cố gắng thêm lần nữa xem sao. Nghỉ vài phút lấy lại sức, tôi cố gắng quay lần nữa. Máy nổ bịch... bịch... vài cái rồi im lặng. Tôi cố gắng quay thêm vài lần nữa không kết quả. Máy đuôi tôm đánh bỏ không sử dụng.
Sông nước đen ngòm. Xa xa vài ánh đèn leo lét của ghe thuyền qua lại. Thuyền của chúng tôi đậu gần bờ, bên cạnh những bụi cây đen thẫm bí hiểm. Đặc biệt có vài bụi cây rất nhiều đom đóm, tưởng như mỗi cái lá có một hai con đom đóm khiến cây rực sáng. Những cây này giống như những cây thông khổng lồ trang trí đén màu trong đêm Noel.
Máy đuôi tôm không chạy. Chúng tôi chỉ có một máy Yamaha F10. Theo kinh nghiệm trong chuyến đi dò đường, anh Tròn bảo anh Xuân lái thuyền giữa sông và chạy thẳng ra giữa bờ biển.
Thuyền không đốt đèn. Máy nổ khá lớn. Đêm khuya thanh vắng tiếng máy nổ càng lớn hơn. Trống ngực chúng tôi cũng hòa nhịp cùng với máy nổ. Thuyền đang chạy ngon trớn, bất thần khựng lại. Anh Tròn hét lên:
- Tắt máy! Thuyền mắc cạn!
- Nguy rồi!
Anh Xuân kêu lên, đồng thời tắt máy. Mọi người ngơ ngác, nhớn nhác.
Tôi nhảy xuống mực nước chưa tới bụng. Trăng hạ tuần nhô lên, tuy ánh trăng không sáng lắm nhưng cũng soi rõ chiếc thuyền của chúng tôi đậu lù lù giữa biển rộng mênh mông. Đèn pha từ đồn công an phóng ra, nhưng không nghe tiếng máy nổ nên không lo lắm. Anh Tròn bảo tất cả mọi người nhảy xuống đẩy thuyền. Còn anh đứng ở mũi thuyền dùng sào đẩy phụ.
Cồn cát mịn, cứng phẳng như xa lộ. Chúng tôi ghé chân chèo dùng hết sức đẩy thuyền. Tay đẩy thuyền nhưng mắt vẫn không rời ngọn đèn pha từ đồn công an. Đẩy thuyền đi đến hơn năm trăm mét mới thấy mực nước sâu dần. Anh Tròn kêu mọi người lên thuyền và nổ máy tiếp tục chạy. Gió biển đêm khuya mát rượi, mọi người khoan khoái hít căng lồng ngực.
Yêu quê hương nhưng tôi mong xa quê hương, xa bờ biển sớm chừng nào đỡ lo chừng ấy. Hai tư tưởng trái ngược trong ý nghĩ khiến tôi buồn ray rứt. Nhìn những bụi cây cứ nhỏ dần, mờ dần, tôi không khỏi nghẹn ngào rơi lệ. Gạt nước mắt, tôi thì thầm: “Quê hương ơi! Xin chào tạm biệt!” Tôi không dám nghĩ đến hai chữ “vĩnh biệt”. Hai chữ “tạm biệt”vừa thốt ra khiến cho tim tôi se lại, lòng tôi thổn thức, hai hàng nước mắt ròng ròng.
Đến mười hai giờ trưa, thuyền đã đi được một đoạn đường khá dài. Nhìn lại, tôi không thấy bến bờ quê hương đâu nữa. Chúng tôi thả neo, thuyền tạm ngừng để thay chân vịt. Vì đụng cồn cát nên chân vịt bị cong bắt buộc phải thay. Việc làm này nếu ở trên sông hay trên bờ biển có đất đứng thì dễ. Còn chỗ biển sâu tôi phải vừa bơi vừa ôm chân vịt ráp vô nên hết sức khó khăn. Loay hoay hơn tiếng đồng hồ không ráp xong chân vịt tôi đâm lo. Lúc ráp được chân vịt tôi thở phào. Mừng quá! Chúng tôi gói cái ống nhòm và cái hải bàn trong mấy lớp bao nylon rồi dấu dưới hầm máy, giờ mới dám lấy ra. Gói kỹ như vậy không ngờ nước vẫn vô. Ống nhòm hư hoàn toàn. Hải bàn còn dùng được. Dưới hầm máy nước lên đến bụng. Anh Tròn mở máy bơm nước nhưng máy bị hư. Anh Tròn phân công anh Xuân và anh Tròn thay nhau lái thuyền. Anh Chính coi hải bàn, hải đồ nhắm hướng. Còn tôi tát nước. Gàu múc nước là cái mũ sắt nhà binh cũ. Còn chị Tròn trông nom lũ con nhỏ ở ca-bin. Việc tát nước vô cùng vất vả, cứ tát cạn thì hai phút sau mực nước phòng máy lại đầy như cũ.
Suốt ngày nắng đẹp. Biển tốt.
Sáu giờ chiều. Bỗng nhiên bầu trời mây kéo đến bao phủ phút chốc tối đen. Gió nổi lên mỗi lúc mỗi mạnh hơn rồi biến thành bão. Trời tối thật nhanh. Nhìn chung quanh không một ánh đèn. Anh Tròn bảo anh Xuân cho thuyền chạy theo sóng. Tôi thầm phục anh Tròn. Thuyền quá nhỏ nếu chạy ngược song sẽ bị lật mất.
Tôi tát nước mỏi rời cả tay. Tôi kêu một bạn nào xuống hầm máy thay tôi. Nhưng anh Tròn, Xuân và Chính cả ba đều không chịu được mùi dầu máy, các anh cứ xuống hầm máy là khó chịu nôn mửa. Công việc tát nước của tôi không ai thay thế. Để quên mệt nhọc tôi vừa tát vừa nhẩm đếm. Mỗi tay múc năm mươi gàu rồi lại đổi tay kia. Dần dần quá mỏi mệt mỗi tay tôi chỉ múc được ba mươi gàu rồi hai mươi gàu đã phải đổi.
Đêm hãi hùng bão tố trôi qua. Ngày hôm sau gió vẫn tiếp tục thổi mạnh. Màu nước tím đen. Biển chỗ đó chắc là sâu lắm. Thuyền vẫn tiếp tục lướt theo sóng. Khi thuyền leo lên đỉnh sóng tôi thấy bốn bề như những dãy núi trùng trùng điệp điệp đến chân trời vô tận. Thuyền lao xuống chân sóng, tôi có cảm tưởng đang trong thung lũng nước tím đen.
Bất thần thuyền nghiêng. Hải bàn bị ném xuống. Từ đó chúng tôi không định được hướng nữa.
Bão cứ thổi liên tiếp hết ngày đến đêm, hết đêm sang ngày. Sau này tôi mới hiểu thuyền đi theo sóng là đuổi theo cơn bão. Nếu thuyền đi ngược sóng hoặc chéo sóng thì gió sẽ nhẹ dần.
Tôi tát nước xuốt ngày đêm không dám nghỉ đến một phút. Hai cánh tay tôi mỏi rời, hai bàn tay tôi sưng mà vẫn phải làm việc như cái máy.
Thuyền thử thách với bão tố ba ngày đêm. Mãi đến đêm 18 tháng 6 chúng tôi mới gặp một tàu lớn. Tàu dài như dãy nhà lầu, Tàu ba, bốn tầng đèn sang trưng. Thấy tàu đậu, chúng tôi mừng khôn xiết, con tàu khổng lồ ngăn sóng. Hai bên sườn tàu mặt biển phẳng lặng như mặt hồ. Chúng tôi chớp đèn, kêu cứu. Con tàu phớt tỉnh rồi từ từ rẽ song ra đi. Thất vọng, chúng tôi buồn chán vô cùng.
Sang ngày 19 tháng 6 các thùng xăng trong hầm máy đổ ngổn ngang. Vì quá mỏi mệt và tuyệt vọng nên không ai lái tàu nữa. Chín bạn đồng hành nằm ngủ mê mệt. Tôi có cảm tưởng mọi người nằm ngủ để chờ chết. Tôi cũng quá mệt nhưng không dám ngủ, vì tôi chỉ ngừng tay tát nước là phòng máy ngập liền. Trong lúc chờ đợi sự chết tôi không sợ hãi chút nào. Điều ao ước cuối cùng của tôi là được mặc một bộ quần áo khô ráo, nằm trên giường, nhìn thân nhân một lần cuối trước khi từ giã cõi đời, thế là tôi hài lòng, mãn nguyện lắm rồi. Mọi người ngủ ngon lành, say sưa. Chỉ có một mình tôi cắm cúi làm việc. Tôi cố gắng kéo dài sự sống của con thuyền được giờ nào quý giờ đó. Đau lưng vô cùng, tay mỏi rã rời, tôi thả cái nón sắt xuống khoang thuyền, đứng thẳng người vươn vai cho giãn cốt. Phóng tầm mắt nhìn chung quanh tôi vô cùng sung sướng thất cột buồm nhô lên đằng xa. Tôi hét lên đánh thức mọi người: “Dậy mau lên! Có tàu lớn tới! Có tàu lớn tới!” Mọi người lồm cồm ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở, hỏi dồn:
- Đâu? Tàu đâu? Tàu đâu?
- Kia kìa!
Nhìn theo tay tôi chỉ, ai nấy đều mừng hớn hở. Anh Tròn cầm áo trắng vẫy lia lịa. Anh Xuân đề máy rồi thẳng hướng cột buồm phóng tới. Tôi lại tiếp tục công việc cố định tát nước và tát nước. Bây giờ tôi làm việc hào hứng và quên cả mệt mỏi. Tuy cặm cụi làm việc nhưng tôi không quên ngắm cái cột buồm đáng yêu cứ mỗi lúc lại gần con thuyền của chúng tôi. Rõ ràng là tàu đang đậu. Nửa giờ sau chúng tôi đã đến con tàu đáng yêu. Con tàu rất lớn. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau tin tưởng, mừng rỡ. Nhưng hỡi ơi! Khi thuyền chúng tôi đến bên hông con thuyền vĩ đại thì nó từ từ rẽ sóng phóng đi. Họ cố tình làm lơ, mặc dù chúng tôi kêu cứu đến khan cả tiếng. Thất vọng ê chề, ai nấy buồn rũ. Không còn hứng thú làm việc, tôi buông rơi cái mũ sắt xuống khoang thuyền.
Đang thất vọng chán nản bỗng có con tàu khác lừng lững tiến đến gần chúng tôi. Rút kinh nghiệm, Chúng tôi bàn nhau lái thuyền chặn đầu con tàu. Khi tới gần, thuyền chúng tôi ngừng hẳn. Thủy thủ đứng lố nhố trên boong. Chúng tôi gào thét kêu cứu. Một thủy thủ dùng loa phóng thanh nói gì chúng tôi nghe không rõ. Sợ bị bỏ rơi lần nữa chúng tôi bàn nhau đâm thuyền vào sườn tàu. Thuyền vỡ, thế nào họ cũng phải cứu. Chúng tôi tin luật hàng hải như vậy. Chả hiểu có đúng không? Anh Xuân bẻ lái hỏi ý:
- Tôi cho mình đâm chéo vào sườn tàu thì mình đỡ nguy hiểm hơn là đâm vào thẳng góc.
- Đúng! Đúng lắm! Ba bốn người đồng thanh nói như vậy.
Anh Tròn, anh Chính cùng đếm: “Một! Hai! Ba!” Rầm! Đầu tôi gần đập vào cái mỏ neo vĩ đại! Hoảng hốt tôi nhảy xuống biển giữa sườn tàu và thuyền. Tôi lặn sâu xuống nước qua đáy con thuyền và nhô lên ở sườn bên kia. Rất may tôi lặn sâu, nếu lặn sát đáy thuyền tôi đã bị chân vịt chém làm nhiều khúc. Lõm bõm bơi quanh thuyền, mãi tôi mới vớ được cái đuôi tôm nắm lấy leo lên. Mũi thuyền bể nát. Đúng là trứng chọi với đá. Phòng lái bay xuống biển, ván nổi lềnh bềnh. Tôi không có thì giờ nhìn kỹ con thuyền tang thương thê thảm. Trên tàu thả thang dây xuống, chúng tôi kẻ trước người sau bàm lấy leo lên. Năm cháu nhỏ không đủ sức leo, được ngồi trong lười kéo lên như kéo vó bắt cá. Bọn chúng tôi được cứu sống đầy đủ mười người. Lên boong tàu tôi nhìn xuống con thuyền đã đầy nước, đang từ từ chìm. Hành trang mất hết, tôi rất tiếc. Tôi tiếc nhất nắm đất quê hương.
Chúng tôi được các thủy thủ tiếp đãi niềm nở, lịch sự, săn sóc chu đáo. Chúng tôi được uống cà phê, ăn bánh. Chúng tôi được tắm nước ấm và được tặng quần áo thay. Mấy cháu nhỏ bị trầy sát được băng bó cẩn thận.
Tắm xong, mặc quần áo khô ráo thơm tho tôi vô cùng khoan khoái dễ chịu. Anh em thủy thủ mời chúng tôi vào phòng ăn. Chúng tôi được ăn cơm với những món ăn quen thuộc như cánh miến, đậu xào, thịt kho, cá chiên. Bữa cơm thật ngon. Trong khi ăn, bốn người đàn ông còn được uống bia, đàn bà trẻ con được uống nước ngọt. Ăn xong chúng tôi ngồi nhâm nhi tách cà phê. Hút thuốc lá thơm.
Sau một đêm ngủ ngon lành, sáng dậy tinh thần tỉnh táo, sảng khoái. Chờ chúng tôi ăn điểm tâm xong, thuyền trưởng mới cho mời hai người đại diện nhóm chúng tôi lên văn phòng nói chuyện. Chúng tôi cử anh Xuân và anh Chính lên tiếp xúc với vị thuyền trưởng. Chừng một giờ sau hai anh trở về, nét mặt lo lắng, thong thả tường thuật cho chúng tôi nghe. Thuyền trưởng cho biết tàu của ông trở hàng từ Hồng Kông đi Thái Lan rồi đến Singapore. Hãng tàu ra lệnh cấm cứu người vượt biển. Trái lệnh tất cả thủy thủ đoàn sẽ bị sa thải hết. Ông nói nếu thuyền không bị vỡ, nếu không có đàn bà con nít thì mọi người không được cứu. Thuyền trưởng yêu cầu chúng tôi đừng tiết lộ tên con tàu của ông. Hai anh đại diện năn nỉ thuyền trưởng cho chúng tôi đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới tự do. Nguyện vọng của chúng tôi bị từ chối. Ông khẳng định không thể đưa chúng tôi đến đất liền được. Lý do tàu của ông sợ bị lộ việc cứu người vượt biển. Thuyền trưởng chỉ giúp chúng tôi bằng cách tặng một cái bè và thả chúng tôi trên Vịnh Thái Lan. Chúng tôi miễn cưỡng đồng ý. Hiểu chuyện, chị Tròn cằn nhằn anh Xuân, anh Chính.
- Tại sao hai chú nhận cái bè? Đi như vậy nguy hiểm lắm. Tôi sợ biển lắm rồi!
Anh Xuân phân trần:
- Người ta đã nói rõ lý do không thể đưa mình tới đất liền được, mình không nên làm phiền người ta quá nhiều.
Chị Tròn không chịu:
- Tại sao chúng ta không ở lì trên tàu? Không có lý do họ quăng chúng ta xuống biển – Chị Tròn dằn mạnh từng tiếng – Cứ ở lì trên tàu, họ phải đưa chúng ta vào bờ.