Tứ hoàng tử - Chương 05 - 06

Chương 5: Thuyết phục Tống thái y

Trong cung Khánh Đô, Tống thái y quỳ gối dập đầu với Lý Thụy:

“Vi thần đa tạ ơn cứu mạng của tứ hoàng tử”.

Lý Thụy vội vàng đỡ hắn dậy, đương nhiên sức hắn cũng không nâng được Tống thái y, chính là Tống thái y cũng không rề rà. Thấy tứ hoàng tử muốn đỡ sợ làm bị thương hắn, vội vàng đứng dậy.

Lý Thụy cho toàn bộ cung nhân lui ra. Lại mời Tống thái y vào phòng ngủ. Tống thái y lúc này vẫn đang bế Tống Nghi, Lý Thụy ra hiệu đặt cô bé lên giường. Xong liền quỳ xuống. Tống thái y hoảng sợ không hiểu tứ hoàng tử bỗng dưng sao lại quỳ, vội vàng đỡ hắn nhưng Lý Thụy nhất định không chịu đứng lên.

“Tống thái y, ngài nghe ta nói. Ta có việc muốn cầu ngài”. Lý Thụy chắp hai tay, thần sắc nghiêm túc, giọng nói rành rọt.

“Tứ hoàng tử, người cứ đứng lên đã rồi nói. Người có ơn cứu mạng Nghi nhi, chỉ cần phân phó vi thần nhất định tận tâm mà làm”. Tống thái y lại muốn đỡ Lý Thụy đứng dậy.

Lý Thụy đã có ý cầu tình, sao muốn đứng dậy. Cơ thể hắn là một đứa bé quỳ trước người hơn mình mấy chục tuổi cũng không tính là mất mặt. Hơn nữa liên quan đến việc có giữ được tính mạng hay không, giữ được bao lâu đều phụ thuộc vào vị thái y trước mặt; Lý Thụy cảm thấy nhất định phải quỳ. Lại dập đầu với Tống thái y một cái mới nói:

“Tống thái y, ta không phải là hoàng tử, ta là công chúa”.

Tống thái y đang định quỳ, hoàng từ quỳ ông ta sao có thể đứng, cũng không cứng rắn ép Lý Thụy đứng lên được, chỉ đành quỳ xuống. Còn chưa kịp quỳ nghe hai từ “công chúa” kinh ngạc mở to mắt. Lý Thụy nói tiếp:

“Ta muốn ngài giúp ta che giấu thân phận”.

“Tứ hoàng tử… công chúa, người… chuyện này… sao lại thế này?”. Tống thái y đầu óc rối bời, miệng cũng lắp bắp. Nghĩ nghĩ rồi lại khuyên: “Nếu người là công chúa, chỉ cần tâu lại sự thật với thái hậu, hoàng thượng. Người nhỏ tuổi, hoàng thượng có lẽ sẽ không trách phạt…”.

“Tống thái y”, Lý Thụy ngắt lời, “ngài hẳn cũng đã nghe câu “quân vô hí ngôn”, phụ hoàng đã ban chiếu bố cáo thiên hạ ta là tứ hoàng tử. Nay hoàng tử trở thành công chúa, thể diện của bậc quân vương, của hoàng thất sẽ vứt vào đâu? Mà ta cho dù nhỏ tuổi nhưng tội khi quân há có thể nói miễn là miễn?”.


Tống thái y giật mình nhìn Lý Thụy thật kĩ. Đứa trẻ trước mặt so với nữ nhi của ông cũng chỉ lớn hơn một chút. Mà ánh mắt đó, phong thái chững chạc đó, những lời nói đó… lại là của một đứa bé năm tuổi ư? Tống thái y nhất thời không thể giải thích được, đành nghĩ đến nội dung những lời Lý Thụy nói. Vị công chúa này muốn ông ta giấu giếm thân phận, nếu chuyện bại lộ không chỉ tính mạng của ông, mà thê nhi cũng đều sẽ bị liên lụy. Tống thái y thử thương lượng:

“Chuyện này có thể từ từ tìm cách giải quyết. Tuyệt đối không thể lừa gạt hoàng thượng được. Đây chính là tử tội!”.

“Ta hiện tại chẳng lẽ lại không phải chính là đang khi quân phạm thượng hay sao? Bây giờ lừa gạt hay sau này lừa gạt thì có gì khác? Tống thái y, không còn cách giải quyết nào khác. Giờ ta nói thật với phụ hoàng, thể diện hoàng thất vẫn sẽ mất đi, mà tội danh của ta cũng sẽ không thể xóa bỏ được”. Lý Thụy thấy Tống thái y phân vân khó xử thì tiếp tục nói:

“Ta biết ta thế này không phải với ngài, chuyện này vốn là ta nên tự làm tự chịu. Nể tình ta và tiểu muội muội cùng chung hoạn nạn, cầu ngài giúp ta che giấu thân phận”. Lý Thụy không lấy ơn cứu mạng ra ép buộc đối phương, mà muốn đối phương giúp hắn vì không thể không giúp. Nếu không sẽ hổ thẹn với lương tâm. Ở thời đại của hắn, hiếm khi có chuyện ai cứu mạng ai, cho dù có cũng là cảm ơn rồi dùng vật chất báo đáp. Không có chuyện dùng mạng đổi mạng. Nhưng hắn biết, ở cổ đại này, ân nhân rất quan trọng. Có ơn báo ơn là chuyện đương nhiên. Mà Lý Thụy hắn hiện tại, cũng nên tính là tiểu ân công đúng không?

“Vi thần không phải không muốn giúp người. Nhưng chuyện này nghiêm trọng, nam nữ hữu biệt, sao có thể che giấu cả đời?”. Tống thái y đi qua đi lại.

“Không cần cả đời. Ta chỉ cần ngài giúp ta che giấu thân phận mười lăm năm. Có y thuật của ngài, ta lại cẩn thận nhất định không để ai phát hiện. Ta sẽ xin hoàng tổ mẫu để ngài làm thái y chuyên phụ trách chăm sóc ta”. Lý Thụy nói rồi lại dập đầu một cái.

Tống thái y vội đỡ hắn dậy, lần này ông ta cương quyết nâng Lý Thụy không cho hắn tiếp tục quỳ:

“Người đứng dậy rồi nói, đứng dậy rồi nói. Người nói là mười lăm năm sao? Vì sao?”.

“Tống thái y, ta vào cung là bất đắc dĩ. Mẫu phi vì sinh ta mà qua đời, mẹ nuôi vì bảo hộ ta mà mất đi. Trong thôn bị giặc phỉ giết sạch không còn một ai. Già trẻ lớn bé một mạng cũng không chừa. Ta chỉ là đứa bé năm tuổi, có thể đi đâu?”. Lý Thụy giọng nói lộ vẻ đau đớn, sợ hãi.

Mà Tống thái y nghe hắn nói mẫu phi qua đời khi sinh con cảm thấy thương xót, lại cũng nghe qua chuyện các thôn làng bị giặc phỉ cướp giết. Trong đầu lóe lên ý nghĩ, có phải vì quá kinh hoảng nên bị chấn động, công chúa mới trở nên khác người hay không?

Tống thái y cẩn thận suy nghĩ lại mọi chuyện. Công chúa có ơn cứu mạng Nghi nhi, điều này không thể chối cãi. Chỉ là có thể thay đổi thân phận được sao? Lại nhớ đến từng lời nói, biểu hiện của đứa bé trước mặt. Thông minh như vậy, nếu như cẩn thận thì không phải không được. Chỉ là… chuyện này quá mức nghiêm trọng. Tâm trạng ông vì chuyện hỏa hoạn vẫn còn rối loạn. Nhất thời không biết phải quyết định thế nào.

Lý Thụy lúc này mới tung “đòn sát thủ”:

“Tống thái y, chỉ cần ngài đồng ý giúp ta. Trong thời gian ta ở trong cung, sẽ cung cấp bạc để ngài mua dược liệu, hành y cứu giúp dân chúng. Hiện nay phía Bắc hạn hán, phía Nam có nguy cơ lũ lụt, mà giặc phỉ lại hoành hành ngang ngược, chém giết khắp nơi. Dịch bệnh bùng phát, dân chúng đói nghèo. Ốm đau không được cứu chữa. Ta biết ngài là bậc lương y, có lòng nhưng không đủ sức, ta nguyện ý giúp ngài. Tuy ta hiện tại không có bạc, nhưng tương lai nhất định sẽ có. Mỗi năm ta sẽ cung ứng cho ngài một trăm vạn lượng. Tống thái y biết con số này có nghĩa là gì không? Chính là mỗi năm chúng ta có thể cứu được hàng ngàn bách tính. Ngài đừng thấy ta hiện tại không có gì mà nghi ngờ, ta có thể nói được những lời này thì cũng sẽ có bản lĩnh kiếm được bạc. Hơn nữa, ngài ở thái y viện muốn lập y quán, đi khắp nơi chữa bệnh miễn phí e là không thể. Triều đình sẽ không cho ngài từ quan. Mà nếu ngài hành y từ thiện đến một lúc nào đó, dân chúng cơ khổ nhất định sẽ xem ngài như thần phật. Hoàng thượng vì bảo vệ uy quyền, không trừ bỏ ngài không được. Mà ta có thể thay ngài mở y quán, có thể bí mật cùng ngài cứu giúp bách tính”.

Tống thái y hoàn toàn bị chấn động. Nếu những lời này là thật, những điều đó có thể thực hiện, chính là nguyện vọng cả đời của kẻ làm đại phu như ông. Lại nhìn kĩ đứa bé trước mặt, cảm thấy tạo hóa quá mức thần kỳ. Đây không phải là vì kinh sợ do nhìn thấy cảnh chém giết mới trở nên chững chạc, mà chính là sinh ra đã như vậy. Vị công chúa này chính là thiên tài. Là người có thể cứu bách tính. Chỉ cần có thể có hy vọng đó, ông bằng lòng mạo hiểm giúp công chúa che giấu thân phận.

Tống thái y quỳ xuống, dập đầu:

“Vi thần nguyện ý nghe tứ hoàng tử phân phó”.

Ly Thụy thở phào, vội vàng nâng Tống thái y ngồi dậy, khẽ cười nói:

“Ta cũng không phải là kẻ có tấm lòng Bồ Tát, đối với nỗi lòng của thái y dành cho bách tính quả thật cảm thấy bản thân đáng hổ thẹn. Nhưng ngài yên tâm, ta cam đoan những lời hôm nay ta nói, A Thụy nhất định có thể làm được”.

Tống thái y vái hắn một vái dài, ôm Tống Nghi rời khỏi cung Khánh Đô, lại cho đồ đệ đến bẩm cáo thái hậu. Tứ hoàng tử thân thể khỏe mạnh, thái hậu không cần lo lắng.

Hôm sau Lý Thụy đến bái kiến, thái hậu không ngớt lời khen hắn. Muốn thưởng cho hắn. Lý Thụy nói rất thích Tống thái y, muốn hắn phụ trách xem bệnh cho mình. Thái hậu đương nhiên vui vẻ đồng ý. Lý Thụy lại dâng tặng thái hậu một chữ “Thọ”. Thái hậu nhìn tờ giấy trắng, ở giữa có một chữ Thọ viết theo lối chữ Khải. Nét bút sắc sảo lại rất có thần. Liền hỏi Lý Thụy chữ này là ai viết. Lý Thụy cười hì hì nói:

“Đương nhiên là Thụy nhi viết tặng hoàng tổ mẫu. Thụy nhi trước kia không có nãi nãi, hiện tại có phụ hoàng, lại có hoàng tổ mẫu, nhi thần muốn người sống thật lâu thật lâu mới luyện viết chữ Thọ tặng người. Hoàng tổ mẫu có thích không?”.

Thái hậu đương nhiên rất thích. Lại càng đánh giá cao hoàng tôn này. Thái hậu là người yêu thích viết chữ. Mà chữ Thọ này của Lý Thụy tuy lực tay không đủ; điểm hoạch, kết thể, thần vận lại không thể chê được. Hoàng thượng nói không sai, đứa trẻ này lớn lên nhất định là một nhân tài.

Thái hậu nhân lúc hoàng thượng đến thỉnh an, thì vừa kể vừa khen tứ hoàng tử thông minh tài trí, ngoan ngoãn lễ phép, lại có tấm lòng nhân hậu. Hoàng thượng cũng đã nghe qua việc hỏa hoạn. Tứ hoàng tử dùng chăn dày thấm nước bảo vệ cơ thể đúng là rất thông minh, gặp lửa cháy lớn không rối loạn chạy bừa mà tìm nơi an toàn ẩn nấp, mà khó có được là hắn còn cõng theo một đứa bé, gặp nguy hiểm cũng không bỏ người lại lo lấy bản thân. Lại nhìn chữ Thọ trên tay, nhìn chữ thấu người. Người viết chữ này, tuổi nhỏ khí lực không đủ, nhưng đường nét ổn trọng, bố cục hài hòa, lại thể hiện được cái hồn của con chữ. Trước giờ ngoài tam hoàng tử, hoàng thượng chưa từng xem trọng ai như vậy. Nếu mới đầu yêu thích Lý Thụy chỉ vì hắn là con của Khánh phi, thì hiện tại hoàng thượng là thật lòng xem trọng bản thân Lý Thụy. Hoàng thượng muốn nhìn xem tứ hoàng tử về sau sẽ trở thành một hoàng tử như thế nào.

Vì thế không bao lâu sau liền cho mời thái phó và sư phụ dạy võ công tốt nhất đến dạy cho các hoàng tử.

Lại nói, Lý Thụy cuối cùng cũng tạm thời giải quyết những vấn đề trước mắt. Chính thức bắt đầu con đường làm hoàng tử của mình, cũng dần chấp nhận sự thật bản thân chết đi sống lại. Từ đại thiếu gia trở thành tiểu cô nương. Từ tiểu cô nương lại trở thành tứ hoàng tử.


Mà trong vòng mười năm, Lý Thụy cũng không hề thất hứa, giúp Tống thái y thực hiện nguyện vọng cứu bách tính. Hắn biến bản thân thành kẻ “tham tiền, háo sắc, cho vay nặng lãi” trong mắt mọi người, từ hoàng cung đến triều đình, từ quan lại đến dân chúng. Danh xấu nổi như cồn. Sau lưng mỗi năm đều đúng hẹn giao cho Tống thái y một trăm vạn lượng bạc mua dược liệu, lương thực cứu dân. Hắn trước mặt mọi người là giao du với đám dân đen đầu đường xó chợ, suốt ngày rong chơi uống rượu. Bên trong lại âm thầm xây dựng mạng lưới tin tức và thuộc hạ. Chính là những kẻ “lưu manh đầu đường xó chợ” kia. Hắn đến tửu lầu ngoài mặt như ham chơi, thực chất là một mặt thu thập tin tức, mặt khác âm thầm xây dựng y quán bí mật, giúp Tống thái y thu nhận hơn hai mươi đồ đệ. Mà toàn bộ những điều này không một ai nghi ngờ. Ai có thể nghi ngờ một đứa bé mặt mũi non nớt có thể làm ra những chuyện như vậy?

Chương 6: Bái sư học võ nghệ



Hoàng thượng hiện tại dưới gối có năm hoàng tử.

Nhị hoàng tử do Kính phi sinh ra, năm nay chín tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng trên không có hoàng huynh, phía dưới lại có đến mấy hoàng đệ. Nhị hoàng tử hiện tại chính là hoàng tử lớn nhất. Hoàng thượng đương nhiên đối với đứa con này rất nghiêm khắc. Mà nhị hoàng tử cũng không phụ lại sự kỳ vọng của hoàng thượng. Trở thành một hoàng tử mẫu mực, làm gương cho các hoàng đệ.

Tam hoàng tử do Đức phi sinh ra, năm nay tám tuổi. Là hoàng tử lớn thứ hai, hoàng thượng cũng không quá nghiêm khắc với đứa nhỏ này. Nhưng bản thân tam hoàng tử lại tự nghiêm khắc với mình. Cậu ta cực kỳ thông minh, ba tuổi đã nhớ hết mặt chữ, năm tuổi đọc hết Kinh thi, Tứ thư, Ngũ kinh. Sáu tuổi bắt đầu học cầm kỳ thi họa. Bảy tuổi đọc đến binh thư, học cách bày binh bố trận, học đạo trị nước. Tám tuổi đã nắm rõ vị trí sông ngòi, hiểu rõ sách lược trị thủy, đắp đê chắn lũ. Tam hoàng tử so với nhị hoàng tử học được hơn không chỉ một phần hay mười phần mà là không tính được hơn bao nhiêu phần. Bởi vì dù lớn dù nhỏ, phàm là con người, khả năng ghi nhớ có hạn. Nhị hoàng tử không phải không đủ thông minh, tuy nhiên học một biết mười thì khi học đến một trăm biết đến một nghìn cũng sẽ quên đến mất năm, bảy phần những gì học được. Học càng nhiều quên càng nhiều. Nhưng tam hoàng tử đã xem qua gì sẽ nhớ, đọc qua gì sẽ nắm rõ, hiểu được những gì cổ nhân viết trong sách chưa đủ, cậu còn tự mình lĩnh ngộ và quan sát thực tế rồi dùng kiến giải riêng của mình để nắm vững mọi thứ. Nếu nhị hoàng tử là nhân tài, tam hoàng tử lại chính là thiên tài. Trong hàng vạn người mới có một người như thế!

Ngũ hoàng tử vốn là tứ hoàng tử, sau khi Lý Thụy vào cung chính thức nhận sắc phong thì các hoàng tử nhỏ tuổi hơn sẽ được gọi lại theo thứ bậc. Ngũ hoàng tử là con của Thục phi. Năm nay bốn tuổi. Về sau thường xuyên theo tứ hoàng tử ra vào khắp hoàng cung. Lý Thụy thích tính cách thật thà, dễ bắt nạt của ngũ hoàng tử ưu ái gọi hai tiếng “Tiểu Ngũ”, bình thường hay bắt nạt cậu bé, nhưng trong lòng lại luôn quan tâm bảo vệ. Mà ngũ hoàng tử đối với các hoàng tử khác không mặn không nhạt, riêng đối với tứ hoàng tử lại xem như ca ca ruột thịt, đối xử chân thành. Ngũ hoàng tử không nổi trội về tài năng, mà quý bởi tấm lòng nhân hậu thật thà.

Lục hoàng tử là hoàng tử bé nhất, chỉ mới ba tuổi, do Hòa tần thân sinh. Vì sinh thiếu tháng, cơ thể yếu ớt, còn nhỏ đã thường xuyên ốm đau, trong cung là hoàng tử không nổi bật nhất.


Mà hoàng tử vào cung sau, danh tiếng lại nhanh chóng nổi như cồn. Chính là tứ hoàng tử. Mẫu phi là Khánh phi đã sớm qua đời. Tứ hoàng tử vào cung lúc năm tuổi. Mặt mũi kháu khỉnh, môi hồng răng trắng. Lúc mới vào cung ngoan ngoãn, thật thà khắp các cung viện không ai không yêu thích. Không hiểu vì sao về sau càng ngày càng “biến chất”, dù được thái hậu, hoàng thượng khen thiên tư thông minh lại không hứng thú đến việc đọc binh thư, cũng chả ngó ngàng gì đến cái gì trị quốc rồi trị thủy, càng không nói đến cầm kỳ thi họa. Ngay đến Thái phó trước kia là thầy dạy của hoàng thượng, sau lại được hoàng thượng gửi gắm việc dạy dỗ các hoàng tử; nhìn thấy tứ hoàng tử cũng lắc đầu thở dài không thôi.

Việc đọc sách, viết chữ, hoàng thượng giao bốn hoàng tử lớn nhất cho Thái phó đại nhân. Cùng một thầy dạy, có thể tiến bộ được bao nhiêu là do bản thân mỗi hoàng tử tự cố gắng.

Việc dạy võ lại có vấn đề.

Có ba vị được mời đến. Một người được gọi là Thanh Vân sư phụ, một người là Hoa Thiên sư phụ, người thứ ba tên chỉ có một chữ Hàn. Cũng chẳng biết Hàn này là tên hay họ.

Thanh Vân sư phụ võ công cao nhất. Giỏi về cưỡi ngựa, bắn tên. Chưỡng lực mạnh mẽ, nội lực thâm hậu.

Hoa Thiên sư phụ không có gì là nhất, cũng lại không có gì là không biết. Chính là ngươi muốn học cái gì ta sẽ dạy ngươi cái đó.

Hàn là một nam nhân ngũ quan xấu xí, mày rậm mắt nhỏ, má trái có vết sẹo, tuổi trên dưới ba mươi. Sở trường: phóng ám khí.

Việc dạy võ này không như dạy chữ. Học võ phải dựa vào thân thể khỏe mạnh, tư chất thông minh, quan trọng nhất là có hứng thú muốn học hay không. Cho nên hoàng thượng đã phân phó, các hoàng tử muốn học gì, muốn học ai cứ tự mình lựa chọn rồi bái sư. Bình thường buổi sáng các hoàng tử sẽ cùng đến phòng học ở Văn Viện nghe thái phó giảng dạy. Buổi chiều sẽ tự ở trong cung của mình có sư phụ đến dạy.

Cho nên hiện giờ các hoàng tử đều nhìn ba vị trước mắt để chọn sư phụ.

Nhị hoàng tử muốn bái Thanh Vân sư phụ làm thầy. Rất đơn giản, Thanh Vân sư phụ võ nghệ cao nhất, gương mặt lại nghiêm nghị đường hoàng. Học cưỡi ngựa, bắn tên rất thích hợp để làm đại tướng quân cầm binh đánh giặc.

Ngũ hoàng tử cảm thấy bản thân không giỏi cái gì, cũng không biết nên học gì mới tốt. Liền cảm thấy mình và vị Hoa Thiên sư phụ quả thực trời sinh một đôi… sư đồ. Lập tức dập đầu bái sư rất nhanh chóng.


Tam hoàng tử chỉ để lại một câu, không có hứng thú với võ công, rồi cầm sách đi thẳng về tẩm cung của mình.

Tứ hoàng tử nhướn mày nhìn vị Hàn “thúc thúc” kia. Hắn vẫn có thể bái Thanh Vân sư phụ hay Hoa Thiên sư phụ rồi cùng học với nhị hoàng tử hoặc ngũ hoàng tử là được. Nhưng Lý Thụy cảm thấy Hàn thúc thúc này rất thú vị. Thanh Vân sư phụ tự cho mình là người chính đạo, hết nói nguyên tắc lại nói đạo lý. Lý Thụy ghét nhất chính là loại người vô vị như vậy. Hoa Thiên sư phụ gương mặt có vẻ hiền hòa, chỉ có điều hắn không đặc biệt giỏi cái gì cả, không hợp khẩu vị của Lý Thụy. Hàn thúc thúc toàn phân vận y phục màu đen, ánh mắt rất bình thản. Nhưng lúc Thanh Vân sư phụ lớn tiếng nói chuyện, Lý Thụy để ý trong một thoáng, vô tình nhìn thấy Hàn thúc thúc nhếch môi rất chi là trào phùng. Lý Thụy đối với người này nảy sinh hứng thú, cuối cùng chọn đi theo hắn học… phóng ám khí.