Tứ hoàng tử - Chương 26 - 27

Chương 26: Tô Châu

Điểm đến đầu tiên Tứ Thụy đặt chân tới là Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Đây không phải vùng chịu thiệt hại hạn hán nghiêm trọng nhất. Ngược lại, cả tỉnh Giang Tô vốn là địa phương có nền kinh tế rất phát triển. Địa hình nơi này không chỉ giáp biển, có hai sông lớn chảy qua, mà trên toàn tỉnh còn có gần ba trăm hồ lớn nhỏ. Nhưng đến nơi rồi mới thấy tình hình không khả quan như Tứ Thụy mong đợi. Hắn còn hi vọng có thể nhờ Giang Tô cứu trợ cho các tỉnh khác, giờ xem như không có khả năng đó rồi.

Tri phủ Tô Châu là Ngô Giang, cũng được xem là một vị quan tốt. Ông ta sau khi đón tiếp tứ vương gia cùng đoàn khâm sai, sắp xếp chỗ ở cho đoàn người xong liền theo lệnh Tứ Thụy đem toàn bộ tình hình báo lại.
Tứ Thụy càng nghe mày càng nhíu chặt. Nguyên do chung gây hạn hán là mùa đông năm ngoái lượng mưa quá ít, tuyết rơi nhẹ khiến nguồn nước dự trữ bị thiếu hụt. Tuyết đọng không dày làm đất thiếu độ ẩm, mọi người đều chờ mùa hạ năm nay sẽ có mưa bù, chẳng ngờ lượng mưa so với năm trước không những không tăng mà còn giảm. Nước đã thiếu lại càng thiếu. Riêng tỉnh Giang Tô tuy có nhiều sông, hồ nhưng phần lớn lại bị các đầm lầy chia cắt, số đất canh tác gần sông không đáng kể. Cả một vùng rộng lớn trước nay lại chỉ dựa vào tự nhiên, không chú trọng mở rộng kênh, rạch. Tứ Thụy biết tầm quan trọng của hệ thống kênh nhân tạo, nhưng mười năm qua hắn không hề tham dự triều chính. Tam vương gia có hiểu biết trị thủy, xong anh ta ở xa không nắm được hết tình hình các địa phương trong cả nước. Các quan lại bên dưới thì ai lo việc người nấy, không muốn ôm vào người cái khổ đào kênh hao tốn nhân lực vật lực.
“Ngô đại nhân, tình hình lương thực cụ thể thế nào?”.
Ngô Giang nghe hắn hỏi vội đứng dậy, lo lắng nói:
“Bẩm vương gia, lương thực trong thành có thể duy trì cho dân chúng trong hai tháng tới. Nhưng nếu mở kho lương, chỉ giải quyết được cái khó trước mắt. Mùa vụ sau sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Hai người đi cùng tứ vương gia lần này một người là Lý Ngư, người còn lại là Quách Hà. Lý Ngư quay sang Tứ Thụy đề nghị:
“Hạ quan thấy trước tiên phải nắm rõ tình hình cả sáu tỉnh chịu hạn hán lần này. Biết được cần bao nhiêu lương thực mới có thể đưa ra phương án bổ cứu chuẩn xác nhất”.
Tứ Thụy cũng có ý này, liền gật đầu.
“Ta sẽ viết thư cho các quan lại địa phương. Lý đại nhân, Quách đại nhân! Hai vị đem theo thư, thay ta điều tra tình hình các vùng khác. Đợt hạn hán này diễn ra trên diện rộng, không thể chậm trễ nữa!”.
Ngô Giang thấy tác phong làm việc của vị khâm sai này nhanh gọn thì trong bụng cũng thấy yên tâm hơn. Lúc đầu thấy hắn đến hai tay không, chẳng mang lương thực thì còn thất vọng không nhỏ. Nhưng ông ta cũng biết, lương thực từ kinh thành muốn chuyển tới cũng không dễ dàng. Hơn nữa, chỉ e là có phân tới rồi chia cho từng vùng cuối cùng chẳng còn được bao nhiêu.
Tứ Thụy viết xong mấy phong thư, đóng dấu rồi giao cho Lý Ngư và Quách Hà. Sau mới cười nhẹ trấn an Ngô Giang.
“Ngô đại nhân mời các quan viên trong thành đến cả đi, chúng ta bàn bạc chi tiết. Ngài đừng chỉ trông chờ vào lương thực cứu trợ của triều đình. Tô Châu không phải mảnh đất yếu ớt, lại có Ngô đại nhân ngài ở đây. Ta cùng mọi người đồng tâm hiệp lực, tuyệt đối không để dân chúng phải chịu đói”.
Ngô Giang đi tới trước mặt hắn, vái một cái thật sâu.
“Hạ quan cùng dân chúng Tô Châu xin đa tạ vương gia”.
Hắn suy tính rồi nói với Gia Luật Sảo và Minh Ỷ đứng bên cạnh.
“A Bình, ngươi đi cùng Quách đại nhân. Tiểu Lục Tử đi giúp Lý đại nhân. Ở đây có ta lo liệu. Mang Tiểu Hắc theo, đi nhanh một chút”.
Huynh muội Gia Luật Sảo không hỏi nhiều, theo lời hắn cưỡi Tiểu Hắc, Tiểu Nhung đi giúp hai vị quan kia.
Ba ngày sau đó, Tứ Thụy cùng quan lại lớn bé của thành Tô Châu bận đến đầu tắt mặt tối. Nếu ngồi một chỗ đợi lương thực cứu trợ, rồi lại ngửa cổ ngóng mưa thì cho dù hạn hán qua đi, vấn đề nan giải vẫn còn đó, chịu khổ vẫn sẽ là dân chúng. Dựa vào người khác hay dựa vào ông trời, không bằng dựa vào chính mình!
Tối ngày thứ ba, Tứ Thụy ở trong thư phòng đến tận giờ Sửu. Sử Tĩnh mang đồ ăn khuya đặt lên bàn, choàng thêm áo cho hắn. Nàng vừa giúp hắn mài mực vừa ôn tồn hỏi:
“Chàng đã vất vả mấy ngày liền rồi, tình hình không khả quan sao?”.
Hắn lắc đầu thở dài.
“Tình hình cụ thể sáu tỉnh, hai vị đại nhân báo về ta đã nắm được. Kế hoạch khôi phục kinh tế sau cơn hạn, ta cũng nghĩ xong. Ngày mai sẽ dâng tấu cho phụ hoàng phát chẩn lương thực. Chỉ là… không phải thành nào cũng có thanh quan. Ta ở đây xem như thuận lợi, còn Lý đại nhân và Quách đại nhân lại có không ít kẻ muốn gây khó dễ cho bọn họ. Chúng ta phải nhanh chóng đi Hồ Bắc một chuyến”.
Sử Tĩnh đặt tờ giấy đã kín chữ trước mặt hắn sang một bên, đem bát mì tới, dịu dàng nói:
“Ta tin chàng có thể xử lý mọi chuyện ổn thỏa. Nhưng chàng cũng phải chú ý sức khỏe bản thân mới được”.
Hắn vuốt tóc nàng, mỉm cười.
“Ta biết rồi”.
Sáng hôm sau, Tứ Thụy gọi quan viên trong thành tới. Vừa nghe nói hắn muốn rời đi, bọn họ liền đứng ngồi không yên. Nhưng biết khâm sai đại nhân không thể ở mãi nơi này, các vùng khác so với Tô Châu, so với Giang Tô đều chịu thiệt hại hơn hẳn. Mà mấy ngày vừa rồi, Tứ Thụy hết lòng hết sức vì dân chúng, bọn họ đều thấy rõ. Chỉ có Ngô Giang vẫn lo lắng tình hình vụ mùa sau, nhìn Tứ Thụy với vẻ mặt ngập ngừng.
Tứ Thụy đem bản kế hoạch đã viết chi tiết, đưa cho ông ta, dặn dò.
“Ngô đại nhân cứ yên tâm mở kho, cho dù tình hình khó khăn thế nào cũng không được tăng giá lương thực. Đừng để nông dân đói đến mức phải ăn lúa giống. Ta vốn định tự mình đi gặp thương nhân trong thành thuyết phục bọn họ góp lương thực, nhưng giờ chỉ có thể phiền các vị ở đây thay ta vất vả. Trong này ta đã viết đầy đủ những việc cần làm để phát triển nông nghiệp Tô Châu sau cơn hạn. Tin tưởng các vị đại nhân sẽ hoàn thành tốt”.
Hắn dựa trên tình hình đặc thù của mỗi vùng mà đề ra những phương án thay đổi khác nhau. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề không chỉ phân phát lương thực cứu đói là đủ. Mà phải làm cho nông nghiệp cả nước phát triển, đồng thời các ngành công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ cũng cần một bước tiến mới. Năm năm trước lẫn hiện nay, hạn hán vốn không đáng sợ lại có thể uy hiếp tới vận mệnh đất nước là do triều đình không đủ quan tâm, quá phụ thuộc vào cái gọi là “ý trời”. Đúng là mưa nắng do trời, thế nhưng chỉ cần kinh tế phát triển thì hạn hán cũng không gây ra được nhiều hệ lụy đến vậy.
Về nông, khu vực phía Bắc rộng lớn vốn có điều kiện thuận lợi để canh tác. Nhưng quá nhiều thứ làm chưa tốt, quá nhiều thứ lại bị bỏ qua. Ví như chuyện đào kênh dẫn nước để tưới tiêu bị xem nhẹ. Hay trồng không đủ vụ mùa, không đúng giống cây. Chiêm Thành có một loại lúa gạo chịu hạn, thích hợp trồng ở nơi thiếu nước. Mà triều đình lại chẳng có lấy một người tìm hiểu những việc như vậy. Hình thức ruộng đồng cũng không có phân chia cụ thể. Vùng núi thích hợp làm ruộng bậc thang, vùng ven biển thích hợp làm ruộng cát, vùng đầm lầy cũng cần khai thác theo cách khác. Vậy mà từ trước đến nay, dân chúng không hề biết, quan lại "phụ mẫu" không hề để tâm. Thậm chí nông cụ cũng thô sơ, nếu cứ như thế mỗi mùa thu hoạch đều chỉ đủ ăn trong năm. Lấy đâu ra dư dả?
Về thương nghiệp hầu như chỉ chú trọng buôn bán giữa các vùng trong nước. Trong khi tài nguyên khoáng sản, tơ lụa, lá trà là những thứ “hái ra tiền” nếu có thể mở rộng giao thương với Liêu quốc và Tây Hạ. Chỉ cần thương nhân có thể được quan tâm hơn, kinh tế sẽ không trì trệ đến mức một vương gia như Tứ Thụy muốn bọn họ góp sức cũng thấy khó thành.
Cả thủ công nghiệp, hàng hải, giao thông… Tứ Thụy đều cảm thấy triều đình đang rất thiếu trách nhiệm! Quan lại chỉ nhìn thấy cái lợi riêng, cái lợi trước mắt. Hắn tự hỏi, tam hoàng huynh tài trí hơn người, đáng lẽ phải nhìn ra những điểm ấy. Tại sao anh ta lại chẳng đoái hoài gì tới?
Hắn không muốn tranh giành, cũng không muốn thể hiện tài năng gì cả. Nhưng mắt nhìn dân chúng đáng ra nên được hưởng cuộc sống sung túc, lúc này lại đang vì mất mùa thiếu lương thực mà ăn chẳng đủ no. Hắn sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ?
Ngô Giang cầm xấp giấy hai mặt kín chữ, nét bút mạnh mẽ mà cẩn thận, thông tin ghi trên đó lại càng khiến ông ta vui mừng khôn xiết! Tứ vương gia không chỉ có tài mà còn có tâm. Ngô Giang có lòng, nhưng hiểu biết lại không đủ sâu. Nay có bản kế hoạch này của Tứ Thụy, mọi chuyện sẽ không như trước kia nữa. Tay ông ta run run. Nếu có thể hoàn thành những việc Tứ Thụy giao phó, không chỉ Tô Châu mà cả vùng phía Bắc vốn cằn cỗi nhất định sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng, kinh tế sẽ phát triển gấp hàng chục, hàng trăm lần, không hề kém cạnh Giang Nam!
Ngô Giang quỳ gối dập đầu hô lớn:
“Hạ quan nhất định không phụ tín nhiệm của vương gia!”.
Các quan lại khác cũng quỳ theo, sau bao ngày lao tâm khổ tứ vì hạn hán, cuối cùng bọn họ đã có thể nhìn thấy hi vọng. Dân chúng được cứu rồi!
Tứ Thụy đỡ đám quan lại dậy, dặn dò lời cuối.
“Vài ngày nữa lương thực của triều đình sẽ được phát xuống. Ngô đại nhân, ngài liên lạc với tri phủ các thành khác, kiểm soát tốt tình hình. Việc của Giang Tô, ta giao lại cho các ngài”.
Thu xếp xong, hắn cùng Sử Tĩnh tới Hồ Bắc hội họp với Lý Ngư và Minh Ỷ. Mà tình hình Hồ Bắc, lại hoàn toàn trái ngược so với Tô Châu. Lữ Hách - tri phủ Hồ Bắc có thể xem là người của nhị vương gia! Kẻ như vậy sao có khả năng ông ta một lòng phối hợp với Tứ Thụy? Cho dù trước mặt phục tùng, sau lưng nhất định sẽ giở trò gây khó dễ…

Chương 27: Hồ Bắc

Trên đường phố của Kinh Châu, mỗi đợt gió thổi qua lại cuốn theo đám bụi đất bốc lên mù mịt, không có lấy một người để tâm quét dọn. Ngay cả các hàng quán ven đường cũng đóng cửa kín bưng giống như nơi này đã bị bỏ hoang hàng năm trời. Không phải không có người, nhưng những thân ảnh chậm chạp lê bước trên đường chả khác gì đám u linh vất vưởng. Bọn họ không phải khất cái, cũng chẳng phải nạn dân lưu lạc đến đây. Tất cả những người này đều là dân chúng của Kinh Châu. Chỉ là quang cảnh nơi này nào có dáng vẻ một thành thị lớn của Hồ Bắc? Dân chúng trong thành từ già đến trẻ ai nấy mặt mũi tái xanh như mắc phải ôn dịch, ánh mắt lờ đờ như người chết.

Minh Ỷ nghiến chặt quai hàm, tức giận đấm mạnh vào bức tường bên cạnh.

“Chúng ta không thể cứ khoanh tay đứng nhìn thế này được. Cứ để ta đi giết quách cái tên họ Lữ khốn kiếp kia đi”.

Qua mấy ngày đồng hành, Lý Ngư không còn ngạc nhiên với bộ dạng dễ nổi nóng của tiểu thái giám bên cạnh. Ông ta cũng ít nhiều đoán ra được, tiểu thái giám này cũng không phải là một tiểu thái giám bình thường. Nhất định là người thân tín của tứ vương gia. Lý Ngư cau mày, lắc đầu nói:
“Cứ cho là ngươi có bản lĩnh đó, cũng không thể hành động khinh suất như thế được. Tội của Lữ Hách không thể không trừng trị, nhưng lúc này giết hắn thì bách tính vẫn phải hứng chịu tai ương”.
Minh Ỷ không đồng tình. Từ lúc nàng cùng Lý Ngư đến đây, tri phủ của Hồ Bắc là Lữ Hách ngoài mặt giả vờ giả vịt, ngược lại ở trong tối giở trò ngăn không cho bọn họ nhúng tay điều tra tình hình thực trạng nơi này. Để một kẻ như thế nắm quyền quyết định thì dân chúng sớm muộn cũng chết đói hết cả.
“Hắn chính là nguyên do khiến những người này lâm vào cảnh đói không còn hạt thóc, cả một hộ gia đình chia năm xẻ bảy một cái bánh nướng sống qua ngày. Hắn chết rồi, bọn họ sẽ không còn bị ức hiếp nữa. Đợi triều đình phát xuống lương thực thì nạn đói sẽ chấm dứt. Ngài không cho ta đi giết hắn, vương gia đến, ta phải ăn nói với ngài ấy thế nào đây?”.
Lý Ngư không phải không tức giận. Thân là mệnh quan triều đình lại chỉ có thể trơ mắt nhìn dân chúng đói khổ. Nhưng chính vì nghĩ cho những bách tính này, ông ta càng không thể hành động lỗ mãng. Lữ Hách là kẻ không dễ đối phó. Tên cáo già đó ngoài mặt vẫn làm ra vẻ vô tội, thực chất lại không xem đám người Lý Ngư bọn họ ra gì. Còn lấy lý do tình hình hạn hán diễn ra nghiêm trọng, không cách nào đón tiếp chu đáo. Đừng nói ngày ba bữa, ngay cả chỗ ở còn không hề bố trí thu xếp cho họ. Bản thân Lý Ngư thế nào cũng xong, nhưng ông ta mang thư tay của tứ vương gia mà đến, ấy vậy lại bị đối xử như thế này. Chẳng khác nào Lữ Hách cáo mượn oai hùm, muốn tỏ rõ thái độ xem thường tứ vương gia.
“Ta tin vương gia nhất định có biện pháp giải quyết. Chúng ta nên đợi lệnh của ngài ấy. Hiện tại ngươi đi giết Lữ Hách, những kẻ khác sẽ nhân cơ hội xóa sạch chứng cứ. Lương thực cứu trợ từ kinh thành không đủ để phân phát cho tất cả, chỉ là hạt muối bỏ bể mà thôi. Mà lương thực muốn đến được cũng mất không ít thời gian. Hơn nữa…”.
Minh Ỷ càng nghe càng sốt ruột, vội giục Lý Ngư nói tiếp:
“Hơn nữa thế nào? Ta vẫn cứ cảm thấy giết Lữ Hách mới là cách giải quyết vấn đề nhanh nhất”.
“Ngươi có biết dân chúng trong thành này vì sao lại đói không?”.
“Còn không phải vì hạn hán nên thiếu lương thực ư?”.
Lý Ngư lắc đầu.
“Hạn hán chỉ mới diễn ra. Những thành trấn chúng ta đi qua không có nghiêm trọng như ở đây. Dân chúng Kinh Châu là bị cướp nên mới đói. Thương nhân bị cướp sạch vốn liếng, tiền của. Bọn họ muốn tiếp tục mở cửa buôn bán cũng không có cái để bán. Nông dân bị cướp trắng lương thực, lúa giống. Cho dù bây giờ trời lập tức ban mưa xuống cũng không cứu được những người dân này”.
Minh Ỷ trợn mắt hô lên:
“Tại sao bọn họ không báo quan?”.
“Ý ngươi bảo bọn họ chạy đến kêu oan với chính những kẻ vừa cướp của mình?”.
Minh Ỷ lập tức hiểu ra. Kẻ cướp bóc dân chúng không phải tặc, không phải phỉ, mà là quan lại phụ mẫu của bọn họ. Cho dù bọn họ có đánh trống kêu oan cũng không có ai đứng ra bênh vực bảo vệ, thay những người này đòi lại công đạo. Tiếng than khóc của dân chúng ở xa không đến được tai hoàng thượng, khung cảnh ảm đạm chết chóc nơi này không chỉ vì cơn hạn mà hơn hết là sự tuyệt vọng của bách tính bần cùng. Quan lại Hồ Bắc kéo bè kết cánh, ỷ thế làm càn. Minh Ỷ lo lắng nhìn Lý Ngư:
“Lý đại nhân, chúng ta cứ để yên cho đám người Lữ Hách như vậy sao?”.
Thấy tiểu thái giám không còn nóng nảy mà đã hiểu ra vấn đề, Lý Ngư thở phào. Người này không ngốc, chỉ là có chút nóng tính mà thôi. Ông ta thấp giọng nói:
“Trước khi chúng ta đến, bọn chúng đã ra tay rồi. Của cải lương thực cướp được từ bách tính đã bị Lữ Hách mang đi giấu, không ai khác biết được tên lang sói đó giấu lương thực ở đâu. Thế nên ta mới không cho ngươi đi giết hắn. Muốn cứu bách tính Kinh Châu, bắt buộc phải tìm ra nơi cất giấu số của cải bị cướp. Vương gia sắp đến rồi, ta tin ngài ấy nhất định có biện pháp”.
Nhớ đến người kia, Minh Ỷ liền cảm thấy yên lòng. Phải, nếu là nhị ca của nàng, huynh ấy khẳng định sẽ cứu được bách tính, trị tội đám tham quan coi trời bằng vung. Chẳng qua chỉ là một tên họ Lữ, cậy thế của nhị vương gia. Minh ỷ hừ lạnh, nói không chừng chính nhị vương gia hạ lệnh cho bọn Lữ Hách gây khó dễ, muốn một lần nữa làm hại nhị ca. Khiến huynh ấy không hoàn thành chức trách, bị đám quan lại trên triều hạch sách. Còn số bạc lấy từ xương máu của bách tính, ai cũng dễ dàng đoán ra được, phần lớn sẽ chui vào túi của nhị vương gia. Nàng tuyệt đối không để kẻ khốn kiếp kia được như ý. Nếu Lữ Hách đã là tay chân của nhị vương gia, nàng sẽ chặt phăng cánh tay thối này đi. Đòi lại mối hận ở bãi săn lần trước.
Lý Ngư nhìn sắc mặt người bên cạnh lúc tức giận, lúc đắc ý mà cảm thấy toát mồ hôi. Chỉ là “tiểu thái giám” này có vẻ vô cùng tin tưởng vào năng lực của tứ vương gia. Lý Ngư dõi mắt về phía cổng thành, ngay cả ông ta cũng không kiềm được sự mong đợi. Chính tứ vương gia đã cho người đưa thư, ngài ấy rất nhanh sẽ đến đây, dặn ông ta không được bứt dây động rừng. Tứ vương gia muốn quăng một mẻ lưới duy nhất hốt trọn không chừa sót con cá nào.
“Mọi người sẽ không phải đợi lâu nữa đâu”. Lý Ngư lẩm bẩm.