Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 02 - Phần 2
Quan ra. Cả nhà tang đã đứng hai bên cổng chờ, vái lấy vái để. Trên sân, lễ tế vong long trọng diễn ra bài bản, gần giống như tế thần ở đình làng. Các lĩnh xướng vẫn cao giọng. Người bên này “Hương...”, người đối diện phía bên kia đáp “Bái...” Đến chữ “Phủ phục!” thì người đứng trên chiếu sụp lễ 5 lần. Chiêng trống liền chuyển sang nhịp điệu lễ.
Cuối lễ tế, bao giờ cũng có mục đọc canh(1). Người được chọn đọc phải có giọng to, cao lanh lảnh, ngân nga vừa như hát vừa như than:
“Nhớ xưa, Người tích đức tu nhân, tạo dựng cơ đồ, giáo huấn cháu con. Đối với dân thôn,Người rủ lòng thương độ lượng...”
Cứ dứt một đoạn, khi người đọc hạ giọng và kéo dài bằng âm thanh ai oán thì chiêng trống đàn nhị sáo tiêu lại rền lên một hồi đồng điệu, hòa với tiếng con cháu đồng loạt khóc rộ lên.
“... Nay Người phải về chốn cửu tuyền lo hầu tiên tổ, để lại một trời vô hạn tiếc thương...”
Tiếng khóc vừa rộ lên, bỗng nín bặt, vì ở khu vực con cháu xảy ra sự cố. Bà Quỳnh ngất xỉu, mặt tím tái, sùi cả bọt mép. Bà được gia nhân khiêng xuống phòng riêng. Các em dâu rể xúm lại xoa đầu, lay gọi hồi lâu mà bà vẫn bất động. Pháp sư bước vào, xua tay:
- Hôm qua lúc hồn cụ thoát xác, chạm phải thần khí của bà, làm lệch tả biên, sinh ngơ ngẩn từ lúc ấy. Giờ thì hết cách, không thuốc nào hồi được đâu. Để đấy, tôi kêu âm phù mới giải được – Thầy đốt một nắm hương to, thư(2) lên mặt bà và niệm chú:
- Hấn la la, oẳn la bà. Âm phù thỉnh, âm phù thỉnh. Hồi thần khí, hồi thần khí. Hấn la la, oẳn la bà...(3)
______________________________________________________________
(1) Bài văn tế ca ngợi thần hoàng hoặc vong linh.
(2) Thư hương: huơ hương thành những vạch lằng nhằng.
(3) Câu niệm trong nghiệp pháp sư có thần năng khống chế tà lực.
Thầy niệm một hồi, rồi đặt hương xuống để bắt quyết. Và kì lạ thay, bà Quỳnh từ từ mở mắt, sắc mặt trở lại bình thường. Bà ngồi dậy, vớ khăn xô đội lại, rồi xăm xăm trở lại chỗ phục tang. Thầy gọi ông Bá ra chỗ khác, nói nhỏ:
- Do thần khí chạm vào hồn thân phụ nên bà chị nhà ông suốt đời bị mất trí. Bù lại, bà được ban thần năng. Ngày đầu tháng nếu có người âm về, bà nhìn thấy và trò chuyện được. Sau này thác đi, nếu đặt mộ đúng cổ hoàng xà thì bà đại thiêng đấy, không tà khí, hung thần nào bén mảng nhà ta. Trong nghiệp phả pháp sư Tầu còn ghi: Đời Tần, ở tỉnh Hắc Long cũng có một người như bà chị của ông.
Ông Bá ngẩn người ra nghe thầy Tầu phán, từ lúc ấy đến rạng sáng, nếu không quá mệt thiếp đi, thì cảm giác bàng hoàng vẫn chưa hết. Ồ vậy ra dưới gầm trời này chỉ có hai người là thần sống, trong đó một là chị ruột của ông.
Ông thấy vừa kiêu hãnh vừa lo lắng. Rồi đây, trong nhà luôn có một sinh thần, vừa là thần vừa là chị, mình phải ăn ở cư xử sao cho phải đạo.
Vị pháp sư phù thủy này đã cầm nhiều đám, trong đó có đám nhà quan tổng đốc, thảy đều mát tay, các nhà đều ăn nên làm ra, tiến chức thăng quan cả. Nhưng vị ấy bảo chị mình sẽ thành ngẩn ngơ mất trí, thì còn phải chờ hạ hồi, khó mà tin ngay được!
Ông Bá làm gì cũng lấy sự tiền hoạch định và lường trước các tình huống làm trọng. Trong đời ông, kể cẩ những việc phải làm theo thời biểu ấn định hằng năm, lần nào cũng như lần nào, chẳng hạn việc giỗ phụ mẫu, cũng được ông lên kế hoạch trước. Cho nên việc nào cũng đạt hiệu quả cao, nếu không muốn nói là mỹ mãn. Cái gọi là đại sự của nam nhi ông đã hai lần trải qua, cách nhau chỉ có một năm. Lần đầu: Lý trưởng, lần sau: Chánh tổng. Chức sắc có hai loại: một bỏ tiền ra mua, loại kia nhờ có năng lực. Ông thuộc loại thứ hai, loại do quan trên bổ nhiệm, nghĩa là vừa có danh lại có cả thực; còn chức mua thì hữu danh vô thực. Ông ý thức sâu sắc về dòng họ thế nào thì đối với chức sắc ông phấn đấu cũng ở mức tương đương. Ông cho không nên để đời này cũng như đời sau, người ta lẫn ông vào nhan nhản các ông lý, ông tổng khác. Trong họ có thêm một người được thiên hạ trọng vọng thì dòng họ được thêm niềm kiêu hãnh. Có nhiều người được trọng vọng, dòng họ được quý tộc hơn, vĩ đại hơn. Khi ấy, nghĩ về họ Đào, gặp người họ Đào, người đời phải biểu lộ sự kính nể. Lúc đầu, uy danh mới được tạo dựng ở thôn xã, sau ắt sẽ phải lan ra huyện, tỉnh, cứ đà ấy rồi cả nước biết đến họ Đào làng Mây.
Từ cách đặt vấn đề như thế, sau mấy tháng ngồi ghế chánh tổng, ông đã thuê một lái ngựa có thâm niên cùng ông lên miền ngược lùng tậu cho được một con ngựa, mà theo ông, khi cưỡi lên uy danh của ông được tôn lên trông thấy. Con ngựa ấy màu trắng như tuyết, bờm lại hồng, dáng vừa trường, vừa cao, mông nảy, ức phẳng, bốn chân lông xồm như xỏ bít tất xù vậy. Quả thực khi ông mặc áo gấm đỏ, quàng súng trường ngồi trên mình ngựa đi đôn đốc các thầy lý hộ đê, thì không một con mắt nào không dán vào. Ông cho ngựa đi nước kiệu để người ta nhìn ngắm ông được rõ, được lâu. Những thợ gặt ở phía cuối đồng, xa gần hết tầm mắt ngừng tay hái tay liềm, đổ mắt lên đường cái quan, nơi có “áo choàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng nhu là tuyết in”. Từ khi có ngựa, ông mới thấy câu thơ ấy thật là tuyệt vời.
Con ngựa do anh Vầu – một gia nhân đảm trách nhiệm chăn nuôi. Trong kỳ tang chế này, ông không giao thêm cho anh việc gì, cốt để việc chăn ngựa không bị sao lãng. Ông vẫn nghĩ, ý nghĩ này quả thật phản ánh đúng tính cách của ông: “Tuy là con vật, nhưng khuyển mã chi tình. Con vật có tình với người thì khác người là mấy. Hơn thế, nó tôn thên uy danh cho ta. Trong tổng này có ai đi bên ta lại tôn được uy danh của ta lên? Vậy không thể xem nhẹ, coi thường nó!” Gần một tháng phục tang, ông phải tạm nghỉ việc làng việc nước. Như vậy nó không được gần ông. Nó nhớ ông thật sự, thấy ông từ xa đã hí vang, giậm bình bịch, cào móng liên hồi lên thành chuồng. Vầu phát hiện ra liền cho ông Bá biết. Để xem nhận xét của Vầu có đúng không, ông cố ý xuất hiện trong tầm nhìn của nó thì quả thấy là đúng. Ông rảo bước tới cửa chuồng. Con bạch mã cuống quýt mừng, cứ nhảy sang phải sang trái như làm trò trong rạp xiếc, luôn mõm hít những hồi dài. Ông lại gần, vỗ về, xoa nó một lúc, nó mới đứng yên.
- Đúng là khuyển mã chi tình! – ông gật gật với nó – chịu khó ở chuồng nhá. Hồi này tao bận lắm.
Quay ra, ông lệnh cho Vầu:
- Từ hôm nay, mỗi ngày nấu cho nó hai ống gạo tám xoan. Ăm cơm chóng tiêu hơn ăn gạo sống. Nghe chửa?
Vầu khoanh tay, cúi rạp:
- Thưa ông, vâng ạ.
Nhà táng đã xong. Ông rất hài lòng về trình độ tạo hình của hơn ba chục thợ mã. Khung nhà cứng cáp, các hình long ly quy phượng đều rất sinh động và hình nhân ông hộ pháp thì không chê vào đâu được: mặt vuông đen sì, mắt trợn lồi, long đao chĩa chếch về phía phải, lúc nhá nhem tối, ai bấc thần bắt gặp thì thế nào cũng giật bắn mình và lùi lại mấy bước. Trông hệt như người thật vậy! Tuy vậy ông cũng tìm ra thiếu sót:
- Nhà cao thế này chui qua cổng thế nào?
- Dạ thưa ông, nóc làm rời. Thân nhà vừa vặn qua được, sau mới đến nóc. Ra đường rồi chụp nóc lên ạ.
Ông không nói gì, nhưng thầm khen phường mã có đầu óc biết nhìn trước trông sau, chứ không như nhiều kẻ khác cứ hùng hục làm như trâu lăn, làm xong đem dùng mới thấy dở, phải đâm đầu vào sửa chữa. Ông thấy phường mã có phong cách làm rất giống ông, nên có cảm tình:
- Xong việc, có lót tay cho các giai. Còn còn cầm cập, tôi không thấy?
- Dạ đây – trưởng phường lật tấm vải phủ - Thưa ông, nếu mở ra thì cả đám kéo đến xem, không làm ăn gì được.
Gọi là “con”, nhưng người dưới gầm trời chẳng thể nào có hình thù gớm ghiếc như thế này: Đầu to bằng cái thúng nhưng lại có hai cái sừng, mũi tẹt đỏ hoẻn, răng trắng ởn nhe ra nhọn như răng bừa, hàm có thể ngậm há theo tay người điều khiển. Đầu con cầm cập nối với cái áo thụng đen vải sa tanh. Một người chui vào trong áo điều khiển. Đây là sáng kiến của anh Dịp – lông – mũi đề xuất cho việc đưa tang trên đường. Mới nghe, ông gật ngay, tuy chưa đem sử dụng, đã thấy hiệu quả rất cao.
Khâu quan trọng cần kiểm tra là ngặt phường đòn. Phường đang tập dượt lần cuối ở gốc đề, nơi dùng làm bãi tạm giam trâu đám.
- Trưởng phường đâu, múc cho 10 bát nước đầy gần miệng, đặt thành hai hàng ở hai biên trên tấm thượng.
- Thưa vâng.
- Thế... được rồi. Nào khiêng lên đi một vòng quanh sân đình.
Trưởng phường cầm nhịp “tùng cắc” cho đòn tiến lui theo bài bản. Khi đòn hạ thổ, ông nhìn thấy một ít nước thấm ra tấm thượng:
- Thế này cắt nghĩa thi thể bên trong quan tài bị nhồi lắc mạnh. Các giai có biết hậu họa gì có thể đến?
Không ai trả lời được, người nọ đưa mắt chờ người kia. Chỉ có trưởng phường đáp bằng giọng yếu ớt và thiếu tự tin:
- Thưa ông, linh cữu không yên được ạ.
- Nói như thế thì thằng chưa ráo máu đầu cũng biết. Tao hỏi hậu họa gì cơ mà? Chúng mày chỉ đánh chén là giỏi. Tao không đến xem xét thì chúng mày tiếp tay hung thần báo hại nhà tao! Hậu họa đấy chứ còn ở đâu xa!
- Con xin ông tha tội – trưởng phường khoanh tay cúi rạp – Chúng con đâu dám thế ạ. Chúng con nhờ lộc ông mới được thế này. Chúng con xin luyện tiếp đến khi thuần thục mới thôi ạ, để... để ông bằng lòng ạ.
- Thôi được, đúng nửa đêm nay, tao đến xem xét lại. Chúng mày còn ông gà bà vịt như vừa rồi thì tao bỏ tù cả lũ.
Ông vờ gia hạn để răn đe thôi chứ làm gì còn thời giờ mà kiểm tra nữa. Ngày kia đưa tiễn thân phụ ra đồng rồi, mà còn bao nhiêu việc ông phải để mắt tới.
Hôm sau, tù tờ mờ sáng, có tới cả trăm gia nhân được ông Bá vời đến, nhộn nhạo con đường từ cổng ra trang viên dẫn tới huyệt. Đó là phường chữa đường cho lễ đưa tang. Họ thắc mắc:
- Đường phẳng như cánh phản thế này, sao phải chữa nhỉ? Đi đưa ma chứ có phải ngủ ở đây đâu mà...
- À, thì để đi cho êm chân.
- Ôi dào, bày vẽ quá.
- Nghe nói nhà táng to gần bằng cái nhà tao đang ở. Nhà táng như thế, phường đòn luyện kĩ như thế, lễ tế quy củ như thế, thì con đường đưa đám cũng phải thế nào, cho hỏi bên trọng bên khinh.
- Người ta bảo “ma chê, cưới trách” mà đám này phải nói ngược lại “ma khen...”
Trưởng phường sau khi trao đổi với ông Bá, ra hiện trường cắt công việc:
- Anh em nghe tôi nói này. Lòng đường chữa cho bằng, tức là phải bạt hết chỗ mấp mô, san đất xuống hố thấp, phải nhặt sạch các cục đất đá gạch rơi vãi. Khi mặt đường bằng phẳng rồi, lấy đầm đầm mịn mặt. Tối trước hôm đưa ma, trồng cỏ tươi hai bên vệ đường.
- Sao phải để đến tối, đứt đuôi con nòng nọc ngay bây giờ đi, về ngủ mới yên giấc được.
- Không được. Sát nút đưa ma trồng, cỏ mới giữ được tươi. Sáng sớm mai tưới cỏ cho đẫm. Đưa ma từ sáng cho đến quá trưa cơ đấy, không tưới đẫm nó héo mất. Làm đúng như tao nói sẽ được ông Bá thưởng hậu, bằng không, tao cắt công hết chúng mày. Chúng mày thích đằng nào?
Cả phường túa lên:
- Thưởng hậu!
- Chó làm sao chê cứt?
- Ông bảo bọn cháu là chó?
- Không. Tao nói câu tục ngữ thôi. Chúng mày đừng nghĩ ngợi làm gì. Lo làm tròn phận sự đi. Tao cũng phải nhờ chúng mày mới được thưởng chứ, đúng không? Thôi, không lời qua tiếng lại nữa. Mó tay vào cuốc xẻng đi!
*
* *
Và ngày trọng đại nhất đã đến.
Gà gáy lần thứ nhất, ba hồi chiêng trống rùng rùng cất lên.
Đó là dự lệnh cho toàn bộ tang gia: Con cháu dậy hết, lo chỉnh đốn tang phục. Phường nào phường nấy đều sẵn sàng ở vị trí của mình. Tiếp đó, pháp sư yểm bùa, niệm chú, thư hương và bắt quyết trước bàn thờ vong.
Dân làng sở tại và các xã bạn, không ai rủ ai, tề tựu bên ngoài trang viên, ngóng đợi. Không ít dân từ Áng Sơn, Kiến An cũng đến kịp, cốt để xem một cuộc đại trình diễn. Thế là bên trong cũng như bên ngoài trang viên đều chật cứng người. Nội viên chủ yếu là con cháu, họ hàng; ngoại viên có một số khách rất thân với gia chủ, nhưng không lách vào được, còn lại toàn là “khán giả”.
Tờ mờ sáng, chiêng trống rền vang lần thứ hai, là lệnh cho các phường có liên quan đến việc đưa tang xem lại còn khâu nào cần phải chỉnh đốn không.
Trời đã sáng bạch. Thường vào lúc này, gà kéo ra rợp sân đợi thóc, chim câu một phần đậu rợp mấy mái nhà, phần đông phởn chí bay thành bầy rợp bóng trang viên, hôn nay chúng tiếp tục phải chịu cảnh giam hãm trong chuồng như suốt một tháng qua.
Giờ Mão đã điểm. Phường đòn với bộ đòn sơn mài màu đen có chạm rồng ở các đầu sơn son thiếp vàng cùng năm chục giai tề tựu trước cổng. Sau ba hồi chiêng trống, linh cữu đã trên vai mười giai lực lưỡng trong trang phục đồ đen. Trong lúc pháp sư tập trung vào niệm chú và bắt quyết thì vai các giai phải gồng lên hết cỡ để có thể chịu được sức nặng của linh cữu. Chắc không nhẹ hơn 5 tạ vì quan tài làm bằng gỗ vàng tâm mỗi tấm dày đến 10 phân, gấp đôi quan tài thường thấy. Cỗ hậu sự trang trí bên ngoài là hoa văn mây trời, rồng phượng cũng sơn son thiếp vàng, được đóng bởi thợ lành nghề và kê ngay cạnh giường cụ đã 10 năm nay. Chừng 10 phút trôi qua cho pháp sư tiến hành các thủ tục tối thiết và để các giai nghiến răng chịu đau trên vai mình.
Sau khi linh cữu được đặt trên đòn, phường nhà táng hoàn tất rất nhanh việc lắp ráp. Lúc này con đường dẫn đến huyệt đã được trải đầy chiếu hoa mới toanh, còn thơm mùi cói, chẳng ai để ý có tự bao giờ. Lúc đầu không ai dám xéo lên chiếu, thứ để trải giường cũng không có nữa là. Sau, người xem quá đông, xô đẩy nhau, thế là không thể rụt rè được nữa, ai cũng phải liều giẫm lên. Người nêm kín đường thế này thì linh cữu di chuyển thế nào đây, một số người lo lắng tự hỏi.
Một hồi trống chiêng nữa dóng lên. Tiếp đến tiếng dùi gõ vào tang trống:
- Cắc! – năm chục giai nhân nhất loạt mó tay vào đòn.
- Cắc! – Đòn được nâng lên ngang ngực.
- Cắc! – Đòn đã lên vai hết.
Trưởng phòng đòn trút hơi thở đánh “phù” như vừa thoát qua cửa tử. Việc lo đến đái ra máu đã được giải tỏa. Đọng tấc này không được đồng nhất từng li thì đòn bị nghiêng, nhà táng và linh cữu có thể bị lộn xuống, đấy là thảm họa khủng khiếp. Thế là đầu xuôi, đuôi hẳn lọt thôi! Phường trưởng ấn cả miếng trầu vào miệng nhai ngấu nghiến, nuốt quết(1) ừng ực như uống nước giải khát. Trầu ngấm vào ruột gan khiến mặt ông đỏ gay như say rượu. Ông ngước nhìn nhà táng uy nghi như một lâu đài, rồi liên tục gõ dùi vào không khí, lộ vẻ hết sức tự tin cho việc cầm trịch cho các bước tiến lùi của phường ông xảy ra ngay sau đây. Pháp sư đứng trước linh cữu thư hương, lia lịa bắt tới dăm cái quyết, quay người sang các hướng đông tây nam bắc, rồi hô phông hoán vũ một hồi. Đúng giờ Mão, pháp sư phất tay về phía trước ra hiệu xuất cữu. Trưởng phường phát 3 tiếng trống, cả phường đòn tiến lên 3 bước.
__________________________________________________________
(1) Nước trầu màu đỏ.
- Cắc! – Dừng lại.
- Tùng tùng! – Thoái 2 bước.
- Tùng tùng tùng! – Tiến 3.
- Cắc! – Dừng.
- Tùng tùng! – thoái 2.
Như vậy đã có 5 tùng 1 cắc thì linh cữu mới nhích được 1 bước. Nhưng linh cữu vẫn không sao tiến được, vì người xem đứng chặn mất đường. Có người đã nghĩ đến việc phải huy động vài trăm người khỏe mạnh ra để giải tỏa. Thôi, không phải lo! Đã đến lúc cái mẹo vặt của Dịp được đưa ra để thể nghiệm: con cầm cập!
Nó vừa chạy hầm hập cái hàm phô ra hàm răng trắng bừa như đang nhai ngấu nghiến cái gì, kèm tiếng kêu “hực hực” như tiếng kêu yêu tinh thần nữ vẫn hiện hồn trên ngọn cây đa bên bờ giếng đình. Người lớn thấy nó chạy lại phía mình cũng ghê cả người huống hồ trẻ em. Chốc lát nó xua được hết người xem ra bên vệ đường và những cánh ruộng bên cạnh. Nhờ vậy, phường đòn đã tiến lui nhịp nhàng, trôi chảy.
Ông Bá trong quần áo thụng trắng, khăn xô, lăn trước linh cữu để biểu lộ lòng chí hiếu với cha, tiễn cha về cõi niết bàn. Ông sẽ phải lăn trên suốt con đường chừng một cây số tới huyệt. Mấy trai sửa đường giờ đã hiểu dụng ý họ làm suốt hôm qua.
Đã sang giờ Ngọ, cuộc đưa tang vẫn chưa hoàn tất. Còn cách huyệt chừng 200 thước nữa, vậy mà người tham gia đưa đám đứng ở sân sau vẫn chưa nhích được ra khỏi cổng. Nói không ngoa, từ cổ chí kim, ở huyện này, chưa có đám ma nào đông đến mức ấy. Ngay như đến nhà quan tổng đốc tỉnh nhà, số người đi đưa và xem cũng thua xa, chỉ hơn khía cạnh có nhiều người ăn mặc quần áo Tây.
Gần đến giờ Mùi linh cữu mới tới huyệt. Nghi thức hạ huyệt cũng không kém phần trọng thể. Toàn thể con cháu quì mọp quanh huyệt, trong khi một đoàn tăng ni chừng ba chục vị tụng kinh Phật. Tiếp theo là công việc của pháp sư phù thủy Tầu. Ngoài những động tác ông làm như lúc xuất cữu, còn thêm việc yểm phù xuống đáy huyệt, trên mặt ván thiên. Trong lúc đó, tiếng khóc của mọi lứa tuổi hòa trộn nhau, ở cách 5 chục bước nghe như tiếng ồ ồ của nước thoát mạnh qua cửa cống lớn. Và cuối cùng là hóa nhà táng. Ngọn lửa rừng rực cùng với khói và tàn lửa ngùn ngụt bốc lên như một đám cháy nhà thực sự. Anh Dịp ước tính giá trị nó tương đương cái nhà tre 5 gian. Nhà táng đã vậy, cộng thên các khoản khác, nhất là cỗ bàn, sẽ là bao nhiêu đây? Mới ước đoán đã thấy rùng mình rồi! Quả là một đám tang kỉ lục, mà gần nửa thế kỉ sau vẫn còn nguyên giá trị.