Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 27 - Phần 3

Bỉnh đã đọc đến chữ cuối. Anh vẫn cầm bản di chúc trên tay, nhìn đau đáu vào, nhưng cái anh thấy lại không ở các dòng chữ. Một đêm sau khi từ Trường Công an về, anh tiếp kiến ông nội, đã tự đặt cho mình một câu hỏi: “Đến khi nào cháu mới hiểu được và tự đặt tên cho bản chất đích thực của ông?” Chưa giải đáp được câu hỏi cũ, giờ anh lại phát hiện thêm một bản chất nữa của ông. Người đời khi biết mình sắp phải từ bỏ cuộc sống, sẽ không tránh được hoảng loạn, tuyệt vọng và suy sụp, và cái họ luôn nghĩ đến là bãi tha ma. Với ông, những gì ông nghĩ đến, lo lắng tới, hơn thế còn đề ra kế hoạch đạt tới, lại là cuộc sống của con cháu, của họ hàng. Đấy là trách nhiệm do ông tực giác khoác lên mình. Người đời khi phú quí cao sang, tức đang sống ở đoạn đời tràn trề hi vọng, thường muốn thể hiện trách nhiệm với thân nhân, với đồng loại, song lại đem lợi ích riêng gắn vào, dù chỉ một chút vinh hạnh cỏn con. Ở ông, trách nhiệm chỉ đơn thuần bao hàm ý nghĩa nội tại của chính từ đó, nên nó là cái đích thực, trong vắt, mà có lẽ chỉ ở ông, hoặc lác đác trong lịch sử nhân loại mới có. Ở vào thời khắc đã cầm chắc cái chết, ông vẫn lo lắng cho người khác đến cháy lòng, thì ở thời kỳ huy hoàng trước đó, sự lo lắng ấy ắt phải là một cái gì siêu phàm, mà ở bất cứ ai cũng khó thể sánh.

Thấy cháu đứng mãi, ông Hân nhắc:

- Đọc tiếp đi.

- Dạ, hết rồi.

- Thế cụ không viết cất vàng ở đâu à? - Dịp nhanh nhảu.

- Không. Cũng hơi lạ. Hay ông quên - Bỉnh phân vân.

- Quên thế nào được, điều hệ trọng số một đấy. Lật trang sau xem - ông Hân tỏ sự hi vọng.

- A, đây rồi, ở trang sau thật: “Di sản ở sau lưng tôi” - Bỉnh đọc rồi ngớ mặt ra nhìn mọi người.

- Câu này bắt ta phải luận - ông Tân gợi - Kiểu như ngày xưa ông trạng nói món “mộc tồn” là “cây còn”, là “con cầy”, là thịt chó. Hay là chỗ giấu cụ gắn sau tấm ảnh. Cạy thử ra xem sao.

- Không làm thế được - Hoan vội ngăn - Xà cừ khảm từng miếng, cạy ra sẽ nát ảnh ông còn gì! Cái tráp mất ảnh ông thành vô nghĩa. Có lẽ ông cài sau cái gương. Khả năng này có vẻ lô gíc.

Dứt lời, Hoan vớ cái thìa bẩy nó ra. Cái gương rơi xuống lòng tráp kèm một tờ giấy gấp tư. Hoan mới nhìn qua đã reo lên:

- Đúng rồi!... Nhân phán như thần linh! Sơ đồ giấu di sản đây! Chôn ở ngay sau lăng con Lu. Ông lại nhờ con Lu trông giùm. Đa năng thật: vừa là trợ thủ, là lính gác vừa là tay hòm chìa khóa cho ông.

Ông Hân gọi:

- Mấy giai già ơi, Lông-mũi, Tanh-tách, Bạch-tạng, Hãm-phanh, cả Khóa-tay, đã đến việc của các giai già rồi. Kiếm mai cuốc để đưa kho vàng lên.

Thì ra vào cái hôm an táng con Lu, đã khuya rồi mà ông vẫn ở đó hì hục làm gì, chính là ông tự mình chôn vàng.

Trong khi nhóm khai quật làm việc giữa vòng trong vòng ngoài người xúm quanh, bà Jeanette được cụ Giáo cùng Bỉnh, Bính và Hoan đưa đi chiêm ngưỡng cảnh quan của trang viên.

- Những đồ thờ này - Cụ Giáo bằng giọng nuối tiếc - nguyên lúc nào cũng được duy trì bóng nhoáng. Cải cách ruộng đất người ta xung công gọi chúng là “quả thực”, đem chia cho các nông dân. Nói chung họ không biết dùng làm gì, vứt lay lắt. Sau khi con chị về xây lại từ đường, gọi thu mua lại mọi thứ “quả thực”, phải chấp nhận xấu nước vậy còn hơn bàn thờ trống trơn. Cái hoành phi treo sát mái kia và những câu đối trông lở loét quá chừng. Chỗ của hoành phi là treo trang trọng trên cao, câu đối phải gắn vào cột, họ lại đem dùng vào chỗ phân tro, bùn đất thì tránh sao được hư hại. Ít hôm nữa, mình sẽ rước nghệ nhân về phục chế toàn bộ.

Rồi cụ giải thích ý nghĩa của tháp thiên đăng:

- Hàng năm, chú về trang viên nghỉ hè, cách 3 - 4 ki-lô-mét nhìn thấy nó, lòng đã bồi hồi, muốn bay ngay tới nhà. Ban đêm, chú nhìn lên, ngọn lửa cho chú thêm đức tin vào sự trường tồn và hưng thịnh của dòng họ.

Bằng ngôn từ thật súc tích và ấn tượng, Bỉnh thuật lại qui mô của trận phản công độc nhất vô nhị đã khai tử đảng cướp năm xưa mà công lớn thuộc về ông nội.

- Trời đất! Có mầu sắc của trận Waterloo thời Napoléon - Mẹ Hoan kêu lên như từ miệng người thắng trận.

Trừ 5 người đang vãng cảnh và ôn cố tri tân, còn lại đều xúm quanh lăng con Lu. Việc khai quật đang ở lúc khẩn trương nhất vì đã dò thấy điểm đặt vàng. Cảnh ấy ở ngay trước mắt, nhưng Madame Dupont không hề để mắt tới, mọi giác quan của bà đang dồn hết vào câu chuyện để có thể hiểu và hình dung được các tình tiết. Khuôn mặt của bà nói lên điều đó: mắt mở to gần như không chớp nhìn vào xa xôi và cũng đầy ắp tư lự. Bỉnh khép câu chuyện lại:

- Thế là, thay vì vào xúc thóc gánh về, bọn chúng phải khuân các “liệt sĩ” và “thương binh” ra góp phần thu dọn chiến trường.

Tiếng huyên náo từ chỗ khai quật kéo bà về hiện thực. Bà nhìn sân một lượt như thể xem còn chút di vật nào sót lại không. Bà lẩm bẩm như chỉ để cho mình nghe:

- Ôi, vừa dễ hiểu vừa bí ẩn, vừa hiện thực lại vừa huyền thoại!

Song Bỉnh vẫn nghe thấy, anh tiếp lời thím bằng lời của người tâm đắc:

- Vâng. Mảnh đất này đúng như thím đã nhận xét. Cháu nghĩ mãi vẫn chưa tìm được một từ ngắn gọn để đặt tên cho nó.

- Thím nghĩ ông không truy đuổi em thằng Sình là đòn hiệu quả hơn nhiều so với giết nó. Quả là một nhà chính trị thâm thúy, đồng thời một nhà tham mưu, một vị tướng…

- … Chưa qua đào tạo một trường võ bị - tướng nghiệp dư.

Hoan cũng đang nghĩ về ông, nhưng theo một mạch khác. Trên thực tế, băng cướp gồm toàn những người nghèo từ gốc. Nếu họ vẫn đứng ở bên này cái ranh giới vô hình, họ vẫn là những người nghèo lương thiện, được người đời cảm thông. Nhưng họ đã bước qua, thế là tự nguyện trở thành quỉ dữ. Ông đã tiêu diệt quỉ dữ mà không hề giết một người nghèo lương thiện, và nhờ hành động quả cảm ấy mà không chỉ trang viên được bảo toàn. Chẳng lẽ việc trừ ác quỉ lại đồng nghĩa với sát hại dân nghèo? Nhu cầu đòi giải đáp câu hỏi trong anh trước đây chỉ như nhu cầu đòi nước của một cánh đồng lúa gặp hạn. Đến hôm nay, cái bản di chúc, cái bức chân dung trên mặt tráp và cái kho báu đột ngột đẩy cái nhu cầu ấy lên thành bức bách, khác nào áp suất trong nồi hơi đang ở độ cực đại, cần ngay một bàn tay mở van xả.

*

*      *

Kho báu đã được đưa lên. Đó là cái vại xưa vẫn đựng thuốc lào. Sát đáy là vôi bột, có lẽ từ vôi củ tở ra, trên đó là lớp bông dầy rồi đến các lá vàng, trên vàng lại là bông, rồi đến giấy xi măng và trên cùng là vôi cũng đã tở hết thành bột. Nắp đậy được chít xi măng kín và kiên cố đến mức phải mở bằng cách chọc thủng.

Hai trăm lá vàng sáng lòa dưới ánh sáng của nắng chiều, được nâng niu xếp lên hai mâm, lá nào cũng có dập nổi chữ Đại Tín bằng cả chữ quốc ngữ và chữ nho. Không ai bảo ai, đặt mâm lên bệ lăng, đợi cụ Giáo vào thắp hương khấn xin con Lu. Dù thế nào nó cũng có công kiên trì canh giữ hai chục năm qua. Đã từng có những bài học đắt giá về sự quan hệ với con Lu: tự tiện xâm phạm bất cứ thứ gì trên mảnh đất này, đều gặp phải rắc rối với nó. Các “chủ” đến đây chưa nóng chỗ, đã phải bán xới để cao chạy lên tận Lào Cai đấy thôi. Cụ Giáo còn cho bưng một mâm cỗ nguyên, như là phần thưởng cho nó. Ông Cuộc liên tưởng đến vụ cái Quài nhớn bị con Lu xé rách đũng quần, cụ Bá can không nổi, mãi đến lúc ông được cụ nhắc lấy món thưởng cho nó, con Quài mới được giải thoát. Ông mủm mỉm:

- Cả mâm cỗ cũng không bằng khúc ruột non nhồi thịt, trông y như cái ngọc… tỏi. Con Lu khoái chén cái của độc ấy hạng nhất đấy…

Ông chưa dứt lời, các gia nhân cũ bỗng phá lên cười, khiến người ta sinh ngơ ngác vì không hiểu cái ngầm ý vừa cù được họ xong. Chỉ ai chứng kiến cụ Bá huấn luyện con Lu đớp vào chỗ kín địch thủ thế nào thì mới hiểu được. Tận dụng chi tiết ấy, Bỉnh tô đậm tích cách của ông mình:

- Thím Jeanette ơi, nếu hiểu được lí do nào các vị này vừa cười ngặt ra thế, thím sẽ được thấy thêm một nét lạ nữa của ông cháu.

- Lí do gì vậy? Kể vắn tắt được không?

- Vắn tắt sẽ không lột tả được. Hoan, tình tiết này em có đưa vào truyện của em không?... Có hả. Về Pháp, thím đọc sẽ thấy. Cháu đảm bảo dù thím cố nín vẫn phải phì cười, kể cả lúc ấy thím chỉ có một mình.

- Đành phải nén nỗi bồn chồn từ phút này tới lúc về đến Paris vậy thôi. Ra khỏi sân bay, tôi sẽ đến hiệu sách trước khi về nhà.

- Thím cũng có óc hài hước không kém - Bỉnh rướn mắt thích thú vì sự phát hiện của mình.

- Cảm ơn. Nhưng không thể sánh người họ Đào nhà các cháu.

- Đào hoa, đào tiên, nghe cũng hay hay. - Bỉnh được dịp, cao hứng. - Chứ đào tranchée, đào mả thì nghe mà nẫu ruột…

Madame Dupont bật cười thành tiếng, tiếng cười duy nhất được nghe, kể từ lúc bà có mặt.

- … Còn đào mỏ nữa. Làm trai mà phải đào mỏ để sống thì thà đâm đầu vào váy đàn bà mà chết còn hơn.

- Sao đào mỏ lại là việc xấu?

- Nghĩa bóng, thím ạ. Tức yêu vờ để có điều kiện bòn rút tiền của con gái giầu.

Bà bật cười lần thứ hai, nhìn chéo sang Bỉnh, lắc đầu mấy cái kèm theo một nụ cười thán phục.

Tuần nhang trong lăng đã cháy trọn. Hai mâm vàng được bưng vào từ đường, đặt lên ban thờ để gia tiên, ông bà chứng giám. Hương lại được thắp và đốt trong lư đồng. Mùi trầm ngào ngạt lan xuống cả nhà ngang. Khói mỗi lúc một dầy, bay dật dờ trong ánh sáng mờ ảo của mấy chục ngọn nến, tạo cho từ đường một vẻ huyền ảo, âm u và lạnh lẽo, khiến người ta liên tưởng tới khung cảnh của âm cung vẫn được mô tả trong các truyện cổ tích.

Trưởng tộc Bỉnh đang quì trên thềm từ đường, lầm rầm khấn, đại ý xin phép các bậc tổ tiên từ “cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, cao cao tổ khảo, cao cao tổ tỉ” đến “cô di dĩ muội, thúc bá đệ huynh” được xử lí di sản theo di chúc.

- Thưa ông Giáo, cháu đã khấn xong. Giờ đến công việc quan trọng, xin mời ông ạ.

- Tôi thấy nếu cụ Bá ủy nhiệm cho họ ta bàn định để xử lí di sản này thì mới là việc phải quan tâm. Còn đây, chỉ có việc phân phối theo di chúc thì không có gì phức tạp. Chỉ còn việc đề cử nhà Mấm làm thừa tự theo gợi ý của Người, xin cả họ cho ý kiến… Vâng, thế là nhất trí hết, cho thấy ý tưởng của Người cầm lái và của thủy thủ đoàn là một - điều kiện tiên quyết để đưa con tầu họ Đào tới bến. Còn một việc nữa, nhưng giờ phải để cho nhà Mấm có vài lời với họ đã. Ông thừa tự của họ đâu, đứng lên nhậm chức đi.

Ông Mấm đứng dậy tới vài phút rồi mà chưa biết nói gì, các ngón tay đan chặt vào nhau ở trước ngực như sắp vái ai.

- Không cần nói dài dòng, hoa mĩ gì cả. Vài câu hứa hẹn là đủ. - Cụ Giáo khích lệ.

Nhưng ông Mấm muốn nhân dịp này trút được bằng hết niềm u uất, nỗi oan khuất đè nặng lên tâm tư kể từ ngày cải cách. Không chỉ những người trước kia sống cùng ông ở trang viên, mà cả làng này lên án tẩy chay, ghẻ lạnh gia đình ông, còn bị tai tiếng sang cả các thôn khác. Các bà em ông Bá thời ấy đã hả hê khi thấy vú Tàm tự trầm mình, còn bảo nhau: “Sao trời không vật chết cả thằng chồng luôn thể, cái quân bạc ác, phản thùng!” Và đâu phải người ta chỉ nói với nhau, còn nói vỗ thẳng vào mặt ông những câu không khác nào mũi tên xuyên vào óc. Ông biết hơn ai hết chỉ cần đưa cái tráp ra công khai là tiếng oan được rửa sạch ngay tức khắc, có nghĩa ông tự chứng tỏ từ khi còn trong nước sôi lửa bỏng, mình vẫn một lòng một dạ bảo vệ đến cùng di vật cho cụ Bá. Nhưng nếu làm thế thì mình thành người phản bội cụ. Giữ được thứ này thì bị mất thứ kia, chi bằng chịu tiếng với đời, chịu nhục vậy. Cốt vong linh cụ hiểu cho là được… Định bụng cởi toang nỗi lòng như thế, nhưng ông không đủ khả năng diễn đạt, chỉ thốt được vẻn vẹn:

- Thưa cả họ, đến giờ vợ chồng tôi mới được giải oan, thì bà Tàm đã vội bỏ chồng con đi theo cụ Bá mất rồi.

Không khí bỗng trầm hẳn xuống, gần như chết lặng. Người ta giật mình trong hồi tưởng. Bấy nay rất nhiều người yên trí rằng cái chết của vú Tàm là đáng đời đối với một con người “độc ác” như vú. Nhưng từ lúc cái tráp được đưa ra ánh sáng, trong tâm thức người ta, cái định kiến chết người ấy bắt đầu lung lay, đến giây phút này đã hoàn toàn sụp đổ. Thay vào là con người đích thực của vú hiện ra: Người đàn bà suốt đời chỉ biết sống chân thật, trung hậu, như thể tâm hồn của vú chỉ do hai đức tính ấy làm chất liệu tạo nên. Lòng căm hờn, nỗi oán hận dành cho vú có hồi ngùn ngụt như những đám cháy, giờ trong khoảnh khắc bỗng lụi đi và thay vào là lòng thương xót bao la. Người ta quay sang tự giận thân đã nông nổi đánh giá lầm một con người đức độ suốt 9 năm ròng. Và điều ân hận hơn hết là sự lầm lẫn ấy đã đẩy vú đến điên dại rồi thiệt thân. Vì cần phải trung thành với dòng họ mình mà ông ấy phải ngậm ngùi gà trống nuôi con.

Mọi sự nhạy cảm của cả họ dù chân thành đến mấy cũng không sánh được nỗi đau đến tan nát trái tim Hoan lúc này. Chao ôi, liệu có phải định mệnh không mà khi ta trở về cội nguồn, được gặp tất cả, trừ ông nội và mẹ nuôi? Những người đã cho ta, tuy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, một kí ức luôn tiềm ẩn tính thiêng liêng và một siêu năng lúc nào cũng đánh thức được cội nguồn của ta. Ít hôm nữa phải rời Việt Nam, ta không thể không xin chú Mấm bọc quần áo ta mặc hồi nhỏ đưa về Pháp, để thỉnh thoảng tưởng niệm người mẹ nuôi, ta lại mở nó ra, khấn cầu mẹ sang trò chuyện, dù chỉ trong tâm tưởng.

Cụ Giáo sau nghe lời ông Mấm hàm ý vừa oán trách vừa than vãn, cũng lặng đi một lúc. Cụ cũng thấy thật tội cho nhà Mấm! Vợ chồng nhà nó là những nạn nhân oan uổng thật sự. Cần phải có sự đền bù của cả họ cho công bằng.

- Thôi, chuyện đã cũ rồi, nghĩ ngợi nhiều cũng chẳng gỡ lại được. Tôi đại diện cho cả họ xin long trọng xác nhận sự mất mát to lớn của vợ chồng nhà Tàm cùng con cái. Về mặt công khai, đội sửa sai đã thừa nhận những sai lầm do cải cách phạm phải mà bằng chứng là đội Xảo đã bị khai trừ khỏi Đảng, sau đó bị đuổi về địa phương. Việc ấy có thể coi là lời minh oan cho vợ chồng nhà Tàm. Tôi đề nghị cả họ nên suy nghĩ nghiêm túc việc này. Ta thử giả thiết cái tráp bị giao cho đội Xảo hoặc bị hủy đi vì sợ bị Đội phát giác, thì bản di chúc thiêng liêng này cũng theo cụ xuống dưới 3 thước đất. Chuyện này lát nữa ta sẽ bàn riêng. Còn về để cho nhà Mấm nói vài câu về nghĩa vụ thừa tự.

- Thưa cụ, vâng. Con xin cảm tạ cụ Bá đã cắt cử con. Con xin thay mặt cả họ thờ phụng tổ tiên ông bà chu đáo.

- Thôi được. Thế là cả họ có thể yên tâm chuyện thờ phụng. Giờ nói đến 100 lạng vàng cụ Bá dành để dựng lại trang viên. Nhưng cháu Hoan đã thực hiện việc đó trước khi biết ý cụ. Vậy số vàng đó trao cho cháu là hợp cả tình lẫn lí, phải không ạ?

Hoan vội thưa thay cho mọi ý kiến bàn bạc:

- Dù ông cháu có dành số vàng đó cho việc xây dựng lại trang viên thì công việc cũng đã hoàn tất. Vả lại ý nguyện của cháu là muốn được góp phần, ở góc độ một thành viên của dòng họ. Hơn nữa ông cháu không dặn trao số ấy cho cháu, nên cháu đâu dám nhận ạ.

- Vậy ý cháu xử lí thế nào?

- Dạ thưa, có lẽ cũng nên dùng cho việc phục vụ dòng họ thôi, như việc thờ cúng, việc phục chế đồ thờ, trồng lại vườn cam, xây dựng lăng tẩm, gây lại đàn chim câu… Cháu xin đề đạt trao cho chú Mấm quản lý và sử dụng.

Cụ Giáo đoán trước thế nào thằng cháu cũng nói ra ý đấy, điều cụ chờ đợi để nhân thể gắn cái ý tưởng đền bù cho nhà Mấm lúc nãy lóe ra trong óc cụ:

- Theo tôi, cả họ nên trích số đó ra một phần gọi là thưởng công cho nhà Tàm có lòng và có gan bảo vệ di vật cho dòng họ. Hai chục lạng, được không ạ?

Nhất trí tuyệt đối. Thế là toàn bộ bản di chúc đã thành hiện thực. Hương hồn cụ Bá lúc này nếu còn ẩn hiện đâu đây, hẳn đang mỉm cười mãn nguyện. Và đó chẳng phải là lời phỏng đoán nữa. Nhân phán như thần linh: Hãy nhìn vào bát hương trong từ đường kia: chân hương đang dậy hỏa phừng phừng… Người đầu tiên trông thấy bà Loan. Bà reo lên:

- Ôi trời! Cha tôi vui rồi, mọi người ơi! Cha vui, lây sang cả con đây. Nỗi buồn trong lòng con tan biến cả rồi.

Và bà đang giàn giụa lệ vui, vừa ngắm ngọn lửa đang nhẩy múa vừa nhích dần đến sát bát hương. Đó là hiện tượng toàn bộ chân hương trong bát tự bốc cháy, hiện tượng có vẻ hết sức thần bí, nhưng lại không gây sự sợ hãi cho con cháu hoặc các đệ tử.

Chỉ có bà Mận cảm thấy tâm đắc với ngọn lửa đang cháy trên miệng bát nhang kia, vì nó không có gì xa lạ nữa. Bà khoe với mấy người ngồi gần:

- Bát nhang cụ Quỳnh bên nhà tôi cũng hay hóa như thế. Khi ấy tôi kêu cầu cụ việc gì là cụ phù hộ độ trì ngay. Cách đây chục hôm thằng cún nhà tôi nóng như hòn than. Vợ chồng nhà tôi lo cuống cuồng thắp hương kêu cụ. Chưa nhai dập miếng trầu thì bát nhanh cứ bốc cháy bùng bùng. Đợi lửa tắt, tôi xúc tàn hòa nước mưa cho cháu uống, lúc sau cháu hạ nóng ngay. Hôm sau, cháu chạy đi chơi được. Vợ chồng tôi thờ cụ đã 7 năm. Ông Mấm này, cứ để bát nhang thờ cụ ở bên tôi để chúng tôi nhang khói, rước về làm gì cho lách cách ra. Khi có giỗ chạp, bên này khấn là cụ bay sang ngay thôi mà.

Trong các lần giỗ cụ Hội, hầu như bát nhang đều hóa, có lần chỉ ngún thành lửa đỏ, lần khác bốc ngọn rất cao. Ở các đền đài, đình miếu, mỗi lần hiện tượng tương tự xuất hiện là một lần tính thiêng liêng của các vị thần thánh được tô đậm thêm. Do vậy, nơi thờ phụng nào mà bát nhang không hề hóa là bất thiêng. Vì vậy hiện tượng sinh ra bởi hồn thiêng, bởi thần linh ấy dù xuất hiện vào giữa đêm khuya thanh vắng, vẫn được xem là bình thường. Chỉ có Madame Dupont thấy quá khó hiểu. Đã là người tu hành thì tin vào thần phật, vào phép mầu là điều tất nhiên, nhưng bà chưa được Việt kiều ở Pháp nói đến bao giờ. Bà nhờ anh Bính giải thích.

- Hồn thiêng hóa phép cho bát nhang phát hỏa để biểu lộ niềm vui hay nỗi buồn tột độ cùng người dương thế kèm theo cả sự linh báo nguyên nhân. Trường hợp bát nhang đang hóa trong từ đường, ai cũng được linh báo hồn đang vui do di chúc của hồn được thực hiện toàn vẹn. Cứ trông vẻ mặt mọi người đang rạng rỡ là ta biết thôi. Còn khi thấy vẻ mặt con cháu đong đầy lo lắng, ấy là sự linh báo hồn đang có chuyện buồn. Tương tự, bên Bungari, một cô gái có khả năng kì lạ: mắt bị bưng kín, thò tay qua cái lỗ vào cái hòm gỗ chứa vô số mảnh vải đủ mầu sắc khác nhau. Bảo lấy bất cứ mầu nào, cô ấy đều nhặt ra chính xác. Khoa học nào giải thích được ngón tay lại có thị giác?

- Thành thử - Bỉnh chen vào - Nếu không giải thích được thì chớ nên chê bai, báng bổ đức tin: thần, phật, chúa, trời, ma, quỉ… Như việc đốt giấy tiền cho người âm tiêu chẳng hạn, người tin cũng đúng và người không tin cũng chẳng có gì sai và phía này cũng không nên xem phía kia là đối nghịch. Cũng như hiện tượng mắt và ngón tay đều biết nhìn, được chấp nhận là hai thực thể tồn tại song song, con mắt và ngón tay không hề phủ định nhau. Mọi thứ tồn tại trên đời đều có cái lí riêng. Thế nên, chớ võ đoán phế bỏ bất cứ thực thể nào.

Cụ Giáo thấy đã đến lúc phát biểu ý kiến như một lời tổng kết:

- Nhân danh em ruột người quá cố, tôi không thể không bầy tỏ niềm sung sướng trước mọi ý nguyện của anh tôi được biến thành hiện thực. Tôi cảm thấy Người đang thúc giục tôi chuyển đạt lời Người: Giờ đây trang viên đã hồi sinh sau 9 năm ngộ nạn. Mời các bà Bá trước đây phải sơ tán khỏi trang viên, nay trở lại sống như khi nó chưa bị tàn phá. Trang viên sống lại không phải chỉ thấy ở mấy ngôi nhà, mà chủ yếu dưới mái nhà có ai ở. Mong các chị dâu hiểu cho việc quay lại trang viên không đơn thuần là thay đổi chỗ ở, mà là dòng họ mình có đủ trí lực và tâm lực cưỡng lại được một toan tính cố công phủ định chúng ta. Đấy là danh dự, có thể anh tôi cũng đánh giá nó cao hơn kho báu mà Người để lại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3