1.4. Hannibal Barca - Kết thúc của một huyền thoại
“Chúng ta sẽ tìm ra một con đường, hoặc tạo ra nó!” – Hannibal Barca.
Mặc dù chịu nhiều tổn thất khủng khiếp như vậy, nhưng người La Mã cho thấy họ là những con người rất kiên cường và mau hồi phục. Một thời gian ngắn sau trận Cannae, khi Hannibal không mở thêm cuộc chiến nào, dân La Mã lại ra lệnh động viên nhập ngũ. Các binh đoàn mới tăng lên, đa số là lính nghĩa vụ, gồm cả những tầng lớp công dân mà các cuộc tuyển mộ trước đây không đả động đến. Sau thảm bại tại Cannae, người La Mã đã học được một bài học đắt giá nên nay họ thay đổi chiến thuật lẫn bố trí đội hình linh động hơn, tránh rơi vào vết xe đổ của những binh đoàn cũ. Cuối cùng, tại trận Zama ở Bắc Phi năm 202 TCN, một cuộc đụng độ lớn đã xảy ra giữa hai đại tướng tài ba là Scipio Africanus và Hannibal – nói đúng hơn, là một Hannibal đã quá mệt mỏi do không được những người đồng hương Carthage của mình ủng hộ. Kết thúc trận chiến là Hannibal hoàn toàn đại bại, kết thúc của Hannibal cũng đồng thời là kết thúc của quê hương Carthage của ông, từ đây kẻ thù nguy hiểm nhất của La Mã ở vùng Địa Trung Hải đã chấm dứt.
Cũng phải kể thêm rằng, Scipio Africanus vốn là con một vị tướng, ông đã thoát chết trong trận Cannae nên không có gì khiến ông nắm vững chiến thuật của Hannibal hơn là từng trải qua cơn ác mộng ở đó. Trong trận Zama Hannibal chỉ bổ sung thêm 80 voi chiến thì Scipio đã thay đổi hoàn toàn chiến thuật. Tính đến trận Zama thì Hannibal là bất khả chiến bại.
Năm 146 TCN, thành Carthage của Hannibal đã bị người La Mã tiêu hủy hoàn toàn, một nửa dân cư ở đây bị tàn sát, bản thân đất nước này bị thôn tính và các điều khoản nặng nề được áp đặt lên người Carthage.
* * *
Một câu chuyện về Hannibal được kể tới ngày nay là cuộc gặp gỡ sau chiến tranh giữa ông và đại tướng Scipio Africanus, người đã hạ gục ông tại trận Zama, trước sự hiện diện của nhiều người. Một cuộc gặp đầy lịch sự và diễn ra trong tinh thần ngoại giao hữu hảo giữa những vị tướng lớn.
Tại cuộc gặp này, Scipio đã hỏi Hannibal một cách chân thành rằng người chỉ huy vĩ đại nhất trong mắt Hannibal là ai? Hannibal đã trả lời một cách đơn giản: “Đương nhiêu là Alexander Đại đế của Macedonia.”
Scipio gật gù đồng ý rằng Alexander Đại đế là danh tướng số một, rồi Scipio hỏi Hannibal tiếp rằng danh tướng thứ hai trong mắt Hannibal là ai? Đó là Pyrrhus, Hannibal nói, vì theo ông sự quyết đoán là phẩm chất quan trọng nhất của chiến binh. Scipio có phần tự ái vì không nghe Hannibal xếp mình vào hàng ngũ nào, nhưng ông cũng không bao giờ hỏi về vị trí danh tướng thứ ba, trong thâm tâm ông cho rằng ít nhất ông cũng xứng đáng với vị trí ấy.
Hannibal lại nói thêm rằng: “Về phần tôi, khi còn trẻ tôi đã chinh phục Hispania và băng qua Alpes cùng với một đạo quân, lần đầu tiên sau Hercules. Tôi đã xâm chiếm Italy và gây kinh hoàng cho tất cả người La Mã các ông, và thường xuyên đặt các ông vào tình trạng nguy hiểm cao độ.”
Scipio cười dí dỏm và tò mò hỏi tiếp rằng: “Vậy ông đặt mình vào vị trí nào hả Hannibal, nếu ông không bị thất bại dưới tay tôi?!”.
Hannibal bình thản nói: “Trong trường hợp đó, tôi sẽ đặt mình trước Alexander Đại đế!”
Một sự tự đánh giá về bản thân rất chính xác, Hannibal đã không thể nào chiến thắng được tại trận Zama, trong một hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo về knh tế, đặc biệt là sự cản trở của giới cầm quyền quê hương ông, nhưng thiên tài quân sự của ông và vị thế của ông trong lịch đã hoàn toàn được xác lập, như đại tướng Norman Schwarzkopf của ngàn năm sau đã tuyên bố: “Công nghệ chiến tranh có thể thay đổi, vũ khí đang thay đổi phức tạp một cách đương nhiên, nhưng những nguyên tắc chiến tranh từ thời Hannibal vẫn còn áp dụng đến tận ngày nay.”
Nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của lục quân Hoa Kỳ là George Smith Patton vì quá hâm mộ đại danh tướng Hannibal mà luôn tâm niệm rằng mình là kiếp sau của ông.
Nhà sử học quân sự Theodore Ayrault Dodge đã khái quát về công lao của nhà đại chiến thuật Hannibal Barca như sau: “Hannibal đã thành công với tư cách là một nhà chiến thuật. Không một trận chiến nào trong lịch sử lại là ví dụ đơn giản nhất về chiến thuật như trận Cannae. Ngoài ra, Hannibal còn thành công là một nhà nghệ thuật và tổ chức hậu cần siêu việt. Không một người chỉ huy nào từng di chuyển giữa nhiều đội quân tốt như ông, cũng như có nhiều phẩm chất gan dạ và khéo léo hơn ông. Không một người đàn ông nào từng kiểm soát lâu dài cũng như chống chọi một cách nhanh nhẹn những sự chênh lệch tốt như Hannibal. Liên tục chiến thắng những đội quân với những người lính tinh nhuệ hơn và được chỉ đạo bởi những tướng lĩnh đáng kính, đôi khi là là những tướng lĩnh siêu việt, Hannibal đã khuất phục mọi cố gắng đẩy lùi ông ra khỏi đất Italy trong thời gian một nửa thế hệ. Ngoại trừ trường hợp Alexander Đại đế và một vài trường hợp hy hữu khác, tất cả các trận chiến tính tới chiến tranh Punic 2, được quyết định một cách rộng lớn, nếu không nói là toàn vẹn bởi những chiến thuật chiến trận, khả năng nghệ thuật bao hàm trong một mức độ nhỏ bé, những đội quân chỉ đơn giản là hành quân tiến tới nhau, chiến đấu theo những mệnh lệnh của chỉ huy, và kẻ chiến thắng áp đặt những điều khoản lên kẻ chiến bại. Ngoài ra cũng có vài sự khác biệt với quy tắc đó như là là phục kích hoặc dùng mưu kế, chiến tranh như vậy có thể bắt đầu bằng việc tránh chiến đấu, và rằng kết quả chiến thắng có được là bằng cách tấn công vào hệ thống thông tin liên lạc của kẻ thù.”
… Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, chúng ta thấy hai vị đại tướng tránh đối đầu nhau, chiếm giữ những cứ điểm vững chắc trên những đỉnh cao, áp sát sườn của đối phương để chiếm lấy những thành phố, chiến tranh tiêu hao làm giảm binh lực của đối thủ bằng những trận chiến nhỏ, và hiếm khi mạo hiểm vào một trận chiến có thể gọi là thảm họa – tất cả những việc đó nhằm mục đích mới mẻ là đặt đối thủ của mình vào một vị thế bất lợi chiến thuật… tất cả những điều đó được dạy bởi Hannibal.”
Tự nhiên vốn vĩ đại, con người đứng trước tự nhiên thường thấy mình nhỏ bé và yếu ớt, nhưng đã từ rất lâu rồi, có một bộ óc thông minh và sắc sảo đã dám đương đầu với những thử thách mạo hiểm, ông đã dẫn cả đạo quân hùng hậu của mình vượt qua dãy núi Alpes để thực hiện một cuộc chiến khẳng định cho danh dự của đất nước ông, chúng ta hãy im lặng một chút để lắng nghe xem, Hannibal Barca đang tuyên bố với binh sĩ của mình hay ông đang chỉ ra một triết lý cho toàn nhân loại: “Chúng ta sẽ tìm ra một con đường, hoặc tạo ra nó!”