Giết Con Chim Nhại - Chương 11
Chương 11
Khi chúng tôi còn nhỏ, jem và tôi giới hạn những hoạt động của mình trong khu phố phía Nam, nhưng khi tôi học lớp hai được ít lâu và việc chòng ghẹo Boo Radley trở thành lạc hậu, khu vực kinh doanh của Maycomb lôi kéo chúng tôi thường xuyên đi ngược về thị trấn qua khu đất của bà Henry Lafayette Dubose. Không thể xuống thị trấn mà không đi ngang qua nhà bà trừ khi chúng tôi muốn đi bộ vòng thêm cả dặm. Những cuộc chạm trán nhỏ trước đây với bà không để lại cho tôi khao khát được gặp lại bà nữa, nhưng Jem nói tới lúc nào đó tôi phải lớn lên.
Bà Dubose sống một mình nếu không kể một cô gái Da đen phục vụ thường xuyên, cách nhà tôi hai căn, trong một ngôi nhà có những bậc thềm dốc phía trước và một lối đi có mái che nối giữa hai khu nhà. Bà rất già; hầu như cả ngày bà nằm trên giường và sau đó ngồi trên xe lăn. Người ta đồn rằng bà giữ một khẩu súng lục CSA 1 giấu trong mớ khăn choàng vai và khăn quấn cổ.
Jem và tôi ghét bà. Nếu bà ngồi ở hàng hiên khi chúng tôi đi qua, chúng tôi sẽ bị soi mói mọi chỗ bởi cái nhìn phẫn nộ của bà, bị thẩm vấn thẳng tay về cách cư xử của chúng tôi, và được cho một dự đoán u ám về tình cảnh chúng tôi sẽ rơi vào khi lớn lên, vốn luôn luôn chẳng ra gì cả. Từ lâu tụi tôi đã từ bỏ ý tưởng đi ngang nhà bà ở phía bên kia đường; việc đó chỉ khiến bà cao giọng lên và cho cả khu phố cùng biết.
Không thể làm gì để bà vui lòng. Nếu tôi vui vẻ nói với bà, "Hê, bà Dubose," tôi sẽ nhận câu trả lời., "Đừng có nói hê với ta, đồ con gái xấu xa! Cháu phải nói xin chào, bà Dubose!"
Bà hung dữ. Có lần bà nghe Jem gọi bố chúng tôi là "Atticus" và phản ứng của bà cứ như sắp đột quỵ. Ngoài việc bảo chúng tôi là những đứa đần độn láu cá nhất, xấc xược nhất từng đi ngang qua nhà bà, bà còn bảo rằng thật tội nghiệp cho chúng tôi vì bố Atticus không tái hôn sau khi mẹ tôi mất. Một quý cô dễ thương hơn người mẹ quá cố của chúng tôi thì chưa hề có trên đời, bà nói, và thật đau lòng khi thấy cái kiểu Atticus Finch để cho con cái của cô ấy sống buông tuồng. Tôi không nhớ về mẹ mình, nhưng Jem thì có - đôi khi anh kể cho tôi nghe về mẹ - và anh giận điên người khi bà Dubose bắn cho chúng tôi thông điệp này.
Jem, đã sống sót sau vụ Boo Radley, vụ con chó điên, và những nỗi kinh hoàng khác, đã kết luận rằng thật hèn nhát khi dừng ở bậc thềm trước nhà cô Rachel và đợi, nên đã ra lệnh rằng chúng tôi phải chạy đến tận góc phố bưu điện mỗi chiều để đón bố Atticus đi làm về. Rất nhiều tối bố Atticus thấy Jem tức tối vì những điều bà Dubose phát biểu khi chúng tôi đi qua.
"Đừng chấp, con trai," bố Atticus thường nói. "Bà ấy đã già và còn bị bệnh. Con hãy ngẩng cao đầu và hành xử như một quý ông. Cho dù bà ta nói gì với con đi nữa, việc của con là không để cho bà ta làm con phát điên lên."
Jem thường cãi bà ta chẳng ốm yếu gì lắm, vì bà ta cứ hò hét như thế. Khi bố con chúng tôi đến gần nhà bà, bố Atticus thường nhấc mũ ra, ân cần vẫy tay và nói, "Chào buổi tối, bà Dubose! Tối nay trông bà như một bức tranh."
Tôi chưa từng nghe bố Atticus nói bà giống như bức tranh vẽ cái gì. Ông thường kể cho bà nghe tin tức ở tòa án, và nói thêm ông hết lòng hy vọng bà sẽ có một ngày mai tốt đẹp. Rồi bố đội mũ lên, kiệu tôi lên vai ngay trước mặt bà, và chúng tôi về nhà trong bóng chiều chập choạng. Những lúc như thế tôi đã nghĩ bố tôi, người ghét súng ống và chưa hề dự cuộc chiến nào, là người đàn ông can đảm nhất trên đời.
Ngày sau hôm sinh nhật thứ mười hai của Jem, tiền của anh cứ như đang bốc cháy trong túi, vì vậy tụi tôi vào thị trấn lúc đầu giờ chiều. Jem nghĩ anh có đủ tiền mua một động cơ hơi nước thu nhỏ cho anh và một cây gậy thể dục dụng cụ cho tôi.
Từ lâu tôi đã để mắt đến cây gậy đó: nó ở cửa hàng V.J.Elmore, được tô điểm bằng những hạt cườm lấp lánh và kim tuyến, đề giá mười bảy xu. Hồi đó tham vọng cháy bỏng của tôi là lớn lên và múa gậy với ban nhạc Trung học hạt Maycomb. Sau khi phát triển tài năng đến độ tôi có thể tung một khúc cây lên và hầu như chụp được nó khi rớt xuống, tôi đã khiến Calpurnia cấm không cho vào nhà mỗi khi bà thấy tôi cầm một cây gậy trên tay. Tôi cảm thấy mình có thể khắc phục khuyết điểm này với một cây gậy thể dục thực sự, và tôi nghĩ Jem thật hào phóng khi mua cho tôi một cây gậy như thế.
Bà Dubose đã trụ ở hiên nhà khi chúng tôi đi ngang.
"Hai đứa đi đâu vào giờ này hả?" Bà la to. "Chắc là trốn học chứ gì. Ta sẽ gọi điện cho ông ta biết!" Bà đặt tay lên bánh xe lăn và bày ra khuôn mặt thật hoàn hảo của mình.
"Ô, hôm nay là thứ Bảy, bà Dubose," Jem nói.
"Thứ Bảy thì có gì khác đâu," bà nói một cách bí ẩn, "ta tự hỏi không biết ba tụi bay có biết tụi bay đi đâu không?"
"Bà Dubose, tụi cháu đã tự đi xuống thị trấn từ hồi tụi cháu cao cỡ này," Jem giơ bàn tay ở khoảng sáu tấc cách mặt lề đường.
"Tụi bay đừng có nói dối ta!" Bà gào lên. "Jeremy Finch, Maudie Atkinson nói với ta sáng nay cháu làm sụm giàn nho của cô ấy. Cô ta sẽ méc ba cháu, rồi cháu sẽ ước gì mình không bao giờ thấy ánh sáng ban ngày nữa! Nếu cháu không bị tống tới trường cải huấn trước tuần sau, thì tên ta sẽ không phải là Dubose nữa!"
Jem, vốn chưa hề đến gần dàn nho của cô Maudie từ mùa hè rồi, và cũng biết cô Maudie sẽ không nói lại với bố Atticus nếu anh có làm gãy, đã đưa ra những lời phủ nhận chung.
"Đừng có cãi ta!" Bà Dubose hét lên. "Còn cháu..." Bà chỉ ngón tay bi viêm khớp vào tôi - "cháu làm gì trong bộ áo liền quần đó? Cháu phải mặc váy với áo lót, quý cô ạ! Lớn lên cháu sẽ làm bồi bàn nếu không có ai đó thay đổi cung cách của cháu - một đứa nhà Finch làm bồi bàn ở quán cà phê O.K- à ha!"
Tôi kinh khiếp. Quán cà phê O.K là một cơ sở âm u ở phía Bắc quảng trường. Tôi nắm lấy tay Jem nhưng anh lắc tay tôi buông ra.
"Xem kìa, Scout," anh thì thào. "Đừng thèm chú ý đến bà ta, cứ ngẩng cao đầu và làm một quý ông coi."
Nhưng bà Dubose không buông tha chúng tôi, "Không chỉ là một đứa nhà Finch làm bồi bàn mà còn là một Finch trong tòa án bênh vực họn mọi đen!"
Jem cứng người. Phát đạn của bà Dubose đã trúng đích và bà ta biết điều đó.
"Đúng vậy đó, thế giới này đi đến đâu khi một người nhà họ Finch chống lại người nuôi dưỡng nó? Ta sẽ cho mấy đứa biết!" Bà ta đặt tay lên miệng. Khi bà rút tay xuống, nó kéo rê một sợi nước dãi dài màu bạc. "Ba mấy đứa không hơn gì bọn mọi đen và thứ cặn bã mà ông ta phục vụ!"
Jem đỏ mặt. Tôi kéo tay áo anh, và một bài diễn văn đả kích về sự thoái hóa đạo đức của gia đình tôi đuổi theo chúng tôi dài theo vỉa hè, và tiền đề chủ yếu là cho rằng phần nửa nhà họ Finch đều ở trong nhà thương điên, nhưng nếu mẹ chúng tôi còn sống, chúng tôi chắc sẽ không đi đến một tình trạng như thế.
Tôi không chắc Jem phẫn nộ cái gì nhất, nhưng tôi tức tối trước sự đánh giá của bà Dubose về vấn đề sức khỏe tâm thần của gia đình tôi. Tôi hầu như đã quen nghe những lời thóa mạ nhắm vào bố Atticus. Nhưng đây là lời thóa mạ đầu tiên đến từ người lớn. Trừ những nhận xét của bà về bố Atticus, cuộc công kích của bà Dubose chỉ là thường lệ. Có phảng phất một dấu hiệu mùa hè trong không khí - trong bóng râm khí trời mát mẻ, còn nắng thì ấm, có nghĩa là thời kỳ thoải mái đang tới gần: không phải đi học và có Dill.
Jem đã mua động cơ hơi nước và chúng tôi đến cửa hàng Elmore mua cây gậy cho tôi. Jem không vui trước món đồ anh mới mua; anh nhét nó vào túi và lặng lẽ đi về nhà cùng tôi. Trên đường về nhà tôi suýt va phải ông Link Deas, ông nói, "Cẩn thận, Scout!" khi tôi lỡ mất một cú tung gậy, khi chúng tôi đến gần nhà bà Dubose cây gậy của tôi đã bị lem luốc vì rơi xuống đất quá nhiều lần.
Bà không có trên hiên nhà.
Nhiều năm sau, đôi khi tôi tự hỏi cái gì đã khiến Jem làm điều đó, cái gì đã khiến anh phá bỏ sự trói buộc của câu "Con là một quý ông, con trai," và cụm từ về sự chính trực tự giác mà anh vừa mới nhập vào. Jem có lẽ đã chịu đựng nhiều lời đồn đại ngốc nghếch về việc bố Atticus đã biện hộ cho bọn mọi đen như tôi đã chịu đựng, và tôi đương nhiên cho rằng anh đã kiềm chế - anh có tính khí trầm tĩnh tự nhiên và là một ngòi nổ chậm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó tôi nghĩ cách giải thích duy nhất cho hành động của anh là anh chợt nổi điên trong vài phút.
Những gì Jem đã làm và việc tất nhiên tôi cũng sẽ làm nếu tôi không bị bố Atticus cấm, mà trong đó tôi cho là có cả việc không gây gổ với những bà già khó ưa. Chúng tôi vừa tới cổng nhà bà thì Jem chộp lấy cây gậy của tôi và chạy vung loạn xạ lên những bậc thềm vào sân trước nhà bà Dubose, quên hết mọi điều bố Atticus đã nói, quên rằng bà ta có cất một khẩu súng lục dưới đống khăn choàng, quên rằng nếu bà Dubose bắn hụt, thì có cô hầu gái Jessie của bà chắc chắn không bắn hụt.
Anh không bình tĩnh lại được cho đến khi đập gãy ngọn mọi bụi hoa trà của bà Dubose, cho đến khi mặt đất đầy những nụ và lá xanh. Anh kê cậy gậy của tôi vào đầu gối, bẻ làm hai và ném nó xuống đất.
Lúc đó tôi là hét ỏm tỏi. Jem nắm tóc tôi, nói anh không quan tâm, anh sẽ làm lần nữa nếu anh có cơ hội, và nếu tôi không câm họng anh sẽ nhổ từng sợi tóc tôi ra. Tôi không im miệng và anh đá tôi. Tôi mất thăng bằng và té dập mặt xuống đất. Jem nâng tôi dậy một cách thô bạo nhưng trông có vẻ anh đã hối lỗi. Không có gì để nói.
Chúng tôi không đi đón bố Atticus về nhà vào tối đó. Chúng tôi lẩn trốn trong nhà bếp cho đến khi Calpurnia xua chúng tôi ra. Bằng những phép thuật nào đó mà dường như Calpurnia biết hết mọi chuyện. Bà không thực hiện được vai trò là thuốc giảm đau hữu hiệu, nhưng bà cho Jem một cái bánh bơ nướng nóng mà anh bẻ chia tôi phân nửa. Nó có vị như quả bông.
Chúng tôi đi ra phòng khách. Tôi cầm lên một tờ tạp chí bóng bầu dục, tìm ra một ảnh chụp Dixie Howell, chỉ nó cho Jem coi và nói, "Tay này trông giống anh." Đó là điều hay ho nhất tôi nghĩ ra để nói với anh, nhưng chẳng có tác dụng gì. Anh ngồi cạnh cửa sổ, khum người trong chiếc ghế đu, cau có, chờ đợi. Ánh sáng ban ngày nhạt dần.
Hai kỷ địa chất sau chúng tôi mới nghe thấy tiếng đế giày của bố Atticus trên những bậc thềm trước nhà. Khung cửa lưới đóng sầm, một khoảng yên lặng - bố Atticus đang ở chỗ giá treo mũ trong tiền sảnh - và chúng tôi nghe ông gọi, "Jem!" Giọng ông giống một cơn gió mùa đông.
Bố Atticus bật ngọn đèn trần trong phòng khách và thấy chúng tôi ở đó, người cứng đờ. Một tay ông cầm cây gậy của tôi; núm tua vàng bẩn thỉu của nó kéo lê trên thảm. Ông chìa tay kia ra; trên đó là những búp hoa trà căng tròn.
"Jem," ông nói, "con là thủ phạm vụ này phải không?"
"Vâng, bố."
"Tại sao con làm vậy?"
Jem nói lí nhí, "Bà ta bảo bố biện hộ cho bọn mọi đen và lũ rác rưởi."
"Con làm chuyện này vì bà ta nói vậy à?"
Đôi môi Jem động đậy, nhưng câu, "Vâng, bố," hầu như không nghe được.
"Con trai, bố chắc chắn con đã bị những người xung quanh gây khó chịu về việc bố biện hộ cho bọn mọi đen, như con nói, nhưng làm một việc như thế này với một bà già bệnh tật là không tha thứ được. Bố thật lòng khuyên con bước ra ngoài và đi nói chuyện với bà Dubose," bố Atticus nói. "Rồi về thẳng nhà ngay."
Jem không nhúc nhích.
"Bố bảo đi ngay."
Tôi theo Jem ra khỏi phòng khách. "Quay lại đây," bố Atticus bảo tôi quay lại, tôi quay lại.
Bố Atticus cầm tờ Mobile Press lên và ngồi vào chiếc ghế đu Jem vừa rời đi. Dù cố gắng đến mấy, tôi cũng không thể hiểu làm sao ông có thể thản nhiên ngồi đó và đọc báo trong khi đứa con trai duy nhất của mình có nguy cơ bị giết bởi một di vật của quân đội miền Nam. Dĩ nhiên đôi khi Jem chọc giận tôi đến độ tôi muốn giết anh, nhưng rốt cuộc anh là tất cả những gì tôi có. Bố Atticus có vẻ không nhận ra điều này, hoặc nếu có nhận ra ông cũng không quan tâm.
Tôi ghét ông vì điều đó, nhưng khi gặp rắc rối bạn dễ thấy mệt: chỉ lát sau tôi đã rúc đầu vào lòng bố và đôi tay ông ôm lấy tôi.
"Con lớn quá hết ru được rồi," ông nói.
"Bố không quan tâm đến những gì xảy ra cho anh ấy," tôi nói. "Bố chỉ bắt anh ấy qua để nhận một phát đạn trong khi anh ấy chỉ làm một việc là bênh vực bố."
Bố Atticus kê cầm của ông lên đầu tôi. "Chưa đến lúc phải lo," ông nói. "Bố không hề nghĩ Jem là đứa mất bình tĩnh trước chuyện này - bố cứ nghĩ sẽ phải gặp nhiều rắc rối với con cơ."
Tôi nói dù sao tôi cũng không hiểu tại sao tụi tôi phải giữ bình tĩnh, không ai tôi quen biết ở trường phải giữ bình tĩnh về bất cứ chuyện gì.
"Scout," bố Atticus nói, "đến hè con còn phải giữ bình tĩnh trước những điều còn tệ hại hơn... vậy là không công bằng cho cả Jem và con, bố biết vậy, nhưng nhiều khi mình phải cố làm tốt trong mọi chuyện và cả trong cách chúng ta ứng xử vào những lúc khó khăn... Ồ, bố chỉ có thể nói là, khi con và Jem lớn khôn, có thể con sẽ nhìn lại chuyện này với lòng nhân hậu và cảm xúc nào đó rằng bố đã không làm con thất vọng. Vụ kiện này, vụ của Tom Robinson, là một chuyện đánh vào cốt lõi của lương tâm con người - Scout, bố không thể đến nhà thờ và thờ phụng Chúa nếu bố không cố giúp anh ta."
"Bố Atticus, bố hẳn là sai..."
"Sai thế nào?"
"Hầu hết mọi người có vẻ nghĩ rằng họ đúng còn bố sai..."
"Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho ý kiến của họ," bố Atticus nói, "nhưng trước khi bố sống được với người khác bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người."
Khi Jem trở về, anh thấy tôi vẫn nằm trong lòng bố Atticus. "Sao, con trai?" Bố Atticus nói. Ông nhấc tôi dậy đặt xuống đất và tôi bí mật dò xét Jem. Anh có vẻ vẫn còn nguyên vẹn nhưng mặt anh có nét kỳ cục. Có lẽ bà đã cho anh một liều thuốc xổ.
"Con đã dọn dẹp sạch sẽ cho bà và nói con rất tiếc, nhưng con không hối tiếc, rồi con nói con sẽ trồng lại chúng kể từ thứ Bảy và cố chăm sóc cho chúng lớn lại."
"Thật vô nghĩa lý khi con nói rất tiếc mà con không thấy hối tiếc," bố Atticus nói. "Jem, bà ấy đã già lại bệnh. Con không thể buộc bà ấy chịu trách nhiệm cho những gì bà ấy nói và làm. Dĩ nhiên bố thà để bà ấy nói điều đó với bố hơn là với hai đứa con, nhưng mình đâu phải lúc nào cũng được quyền chọn lựa."
Jem có vẻ bị mê hoặc bởi một đóa hoa hồng trên tấm thảm. "Bố Atticus," Jem nói, "bà ấy muốn con đọc cho bà nghe."
"Đọc cho bà nghe?"
"Vâng. Bà muốn con đến mỗi tối sau giờ đi học về và mỗi thứ Bảy để đọc to cho bà nghe trong hai giờ. Bố Atticus, con nên làm không?"
"Chắc chắn rồi."
"Nhưng bà ấy muốn con làm vậy trong một tháng."
"Vậy con sẽ đọc trong một tháng."
Jem đặt ngón chân cái vào ngay giữa đóa hồng và ấn xuống đó. Cuối cùng anh nói, "Bố Atticus, ngoài vỉa hè thì không có gì nhưng bên trong thì...nó tối thui mà ớn da gà lắm. Có bóng đen với đủ thứ trên trần..."
Bố Atticus mỉm cười và cương quyết. "Điều đó sẽ hấp dẫn trí tưởng tượng của con. Cứ xem như con đang ở trong nhà Radley."
Chiều thứ Hai sau đó Jem và tôi trèo lên những bậc tam cấp dốc trước nhà bà Dubose và bước đến trước cửa. Jem thủ sẵn cuốn Ivanhoe và mớ kiến thức đầy đủ, gõ cánh cửa thứ hai bên trái.
"Bà Dubose?" Anh gọi.
Jessie mở cánh cửa gỗ và mở chốt cửa lưới.
"Em hả, Jem Finch?" Cô hỏi. "Em còn dẫn em gái theo nữa à. Tôi không biết..."
"Cho cả hai đứa vô đi, Jessie," bà Dubose nói. Jessie cho tụi tôi vào rồi bỏ đi xuống nhà bếp.
Một mùi ngột ngạt phả vào chúng tôi khi chúng tôi bước qua ngưỡng cửa, một mùi tôi gặp nhiều lần trong những ngôi nhà xám xịt mục nát vì mưa, nơi có những ngọn đèn dầu, những cái gáo múc nước, và vải trải giường nội hóa ố màu. Nó luôn khiến tôi sợ, chờ đợi, và cảnh giác.
Trong góc phòng có cái giường bằng đồng, bà Dubose đang nằm trên đó. Tôi tự hỏi không biết có phải những hành động của Jem đã khiến bà phải nằm đó không, và trong giây lát tôi cảm thấy tiếc cho bà. Bà nằm dưới một đống chăn mền và trông rất thân thiện.
Có một cái bồn rửa tay mặt đá cẩm thạch cạnh giường bà; trên đó có một cái ly và cái thìa để trong ly, một ống bơm thụt, một hộp bông thấm nước, và một đồng hồ báo thức bằng thép có ba chân bé xíu.
"Vậy là cháu đưa theo cô em gái bẩn thỉu của cháu đó hả?" Đó là lời chào hỏi của bà.
Jem nói lặng lẽ, "Em cháu không bẩn thỉu và cháu không sợ bà," dù tôi thấy hai đầu gối anh run.
Tôi đang chờ đợi một bài diễn văn chỉ trích, nhưng bà ta chỉ nói là, "Cháu bắt đầu đọc được rồi đó, Jeremy."
Jem ngồi xuống chiếc ghế mây và giở cuốn Ivanhoe ra. Tôi kéo một chiếc ghế khác và ngồi cạnh anh.
"Lại sát đây," bà Dubose nói. "Tới cạnh giường nè."
Chúng tôi kéo ghế tới. Đây là lần đầu tiên tôi tới gần bà đến thế, và điều tôi muốn làm nhất là kéo ghế trở lại.
Bà thật khủng khiếp. Mặt bà có màu áo gối bẩn, và khóe miệng bà loáng nước, nó chảy dần dần như một con sông băng xuống những nếp nhăn hằn sâu bao quanh cằm bà. Những vết tàn nhanh của tuổi già lấm tấm trên hai má, và đôi mắt đã mờ đục của bà có hai đồng tử đen nhỏ xíu. Hai bàn tay bà nổi u cục, những lớp biểu bì trùm lên các móng tay. Hàm răng giả của bà không nằm trong miệng, và môi trên của bà nhô ra; thỉnh thoảng bà kéo môi dưới lên tới hàm trên và kéo theo cái cằm. Việc này làm nước dãi chảy nhanh hơn.
Tôi không nhìn bà nhiều quá mức cần thiết. Jem lại mở cuốn Ivanhoe ra và bắt đầu đọc. Tôi cố theo dõi truyện anh đọc, nhưng anh đọc quá nhanh. Khi đến những chữ anh không biết, Jem bèn bỏ qua, nhưng bà Dubose thường phát hiện được và bảo anh đánh vần chúng. Jem đọc có lẽ được hai mươi phút, trong thời gian đó tôi nhìn vào bệ lò sưởi ấm bồ hóng, nhìn ra ngoài cửa sổ, bất cứ nơi đâu để không phải nhìn bà. Khi anh đọc tiếp, tôi nhận thấy những lần bắt lỗi của bà ít dần và khoảng cách thưa hơn, và Jem thậm chí đã bỏ lửng một câu. Bà không còn lắng nghe nữa.
Tôi nhìn về phía giường.
Có chuyện gì đó đã xảy ra với bà. Bà nằm ngửa, chăn đắp tận cằm. Chỉ thấy được đầu và vai bà. Đầu bà lắc chầm chậm từ bên này sang bên kia. Thỉnh thoảng bà há to miệng và tôi có thể thấy lưỡi bà giật giật nhẹ nhẹ. Nước bọt đọng lại trên môi bà; bà sẽ nhép chúng vào; rồi lại há miệng ra. Miệng bà như có sự tồn tại riêng của nó. Nó hoạt động riêng rẽ và tách khỏi phần còn lại của cơ thể, thò ra thụt vào, giống như một cái hang của bọn trai sò lúc thủy triều rút. Thỉnh thoảng nó lại thốt ra, "Pt," giống như một thứ chất sền sệt đang sắp sôi.
Tôi kéo tay áo Jem.
Anh nhìn tôi, rồi nhìn vào giường. Đầu bà lắc đều đặn về phía chúng tôi, và Jem hỏi, "Bà Dubose, bà ổn không?" Bà không nghe anh.
Đồng hồ reo lên và chúng tôi sợ cứng người. Một phút sau, thần kinh vẫn căng thẳng, Jem và tôi đã trở ra vỉa hè và hướng về nhà. Chúng tôi không bỏ chạy, Jessie tiễn chúng tôi về: trước khi đồng hồ hết dây thiều, cô đã vào phòng và đẩy Jem với tôi ra khỏi đó.
"Suỵt," cô nói, "hai đứa về đi."
Jem do dự ngay cửa.
"Đã đến cữ thuốc của bà," Jessie nói. Khi cửa đóng mạnh sau lưng chúng tôi, tôi thấy Jessie đi nhanh về phía giường bà Dubose.
Khi chúng tôi về đến nhà mới có ba giờ bốn mươi lăm, vì vậy Jem và tôi đã bóng qua lại ở sân sau cho đến giờ đi đón bố Atticus. Bố Atticus có hai cây bút chì màu vàng cho tôi và một tờ tạp chí bóng bầu dục cho Jem, mà tôi cho rằng đó là phần thưởng thầm lặng cho buổi đầu tiên chúng tôi ở bên bà Dubose. Jem kể cho ông nghe những gì xảy ra.
"Bà ấy có làm tụi con sợ không?" Bố Atticus hỏi.
"Không, bố," Jem nói, "nhưng trông bà ấy tởm lắm. Bà ta bị động kinh hay cái gì đó. Bà chảy nước dãi tùm lum."
"Bà không ngăn được chuyện đó. Khi người ta bệnh đôi khi người ta trông không được vừa mắt lắm."
"Bà ta làm con sợ," tôi nói.
Bố Atticus nhìn tôi qua cặp kính. "Con biết là con không phải đi với Jem mà."
Chiều hôm sau ở nhà bà Dubose cũng y như chiều hôm đầu, và ngày kế tiếp cũng vậy, cho đến khi dần dần hình thành một trình tự: mọi thứ sẽ bắt đầu một cách bình thường-nghĩa là, bà Dubose sẽ hành Jem về các đề tài ưa thích của bà, những bông hoa trà của bà và xu hướng thân mọi đen của bố chúng tôi; bà sẽ dần dần im lặng, rồi quên mất chúng tôi. Đồng hồ báo giờ sẽ reo, Jessie sẽ đưa chúng tôi ra, và những giờ còn lại trong ngày là của chúng tôi.
"Bố Atticus," một tối tôi nói, "chính xác thì kẻ yêu bọn mọi đen nghĩa là gì?"
Mặt bố Atticus nghiêm lại, "Bộ có người gọi con vậy hả?"
"Không, bố. Bà Dubose gọi bố như vậy. Mỗi chiều bà ta khỏi động bằng việc gọi bố như vậy. Giáng sinh rồi Francis cũng gọi bố như vậy, đó là lần đầu con nghe từ đó."
"Đó là lý do con nhảy xổ vào nó chứ gì?" Bố Atticus hỏi.
"Vâng, bố..."
"Vậy tại sao con hỏi bố nó nghĩa là gì?"
Tôi cố giải thích với bố Atticus rằng những gì Francis nói không làm tôi nổi sùng lên bằng cách nó nói câu đó. "Giống như nó nói mũi thò lò hay cái gì đó."
"Scout," bố Atticus nói, "kẻ-yêu-bọn-mọi-đen chỉ là một trong những từ ngũ không hàm ý gì cả-giống như mũi thò lò vậy. Nó khó giải thích... những người ngu dốt, kém hiểu biết dùng nó khi họ nghĩ một ai đó ưa thích người Da đen và trên cả họ. Nó trở nên thông dụng với một số người như chúng ta, khi họ muốn có một từ ngữ phổ biến, xấu xí, để gán cho ai đó."
"Vậy thực sự bố không phải là kẻ-ưa-bọn-mọi-đen đúng không?"
"Chắc chắn bố là thế. Bố cố hết sức để yêu thương mọi người...Đôi khi bố cảm thấy khó khăn... bé con, không hề là sự xúc phạm khi bị gọi là thứ gì đó mà người ta nghĩ là một cái tên xấu. Nó chỉ cho con thấy người đó tội nghiệp làm sao, nó không làm tổn thương con. Vì vậy đừng để bà Dubose làm con xuống tinh thần. Bà ấy đã có đủ rắc rối riêng của mình rồi."
Một tháng sau vào một chiều khi Jem đang khó nhọc đọc Sir Walter Scout 2, như anh gọi ông ta, và bà Dubose đang sửa cho anh từng chút một, thì có tiếng gõ cửa. "Vào đi!" Bà gào lên.
Bố Atticus bước vào. Ông bước đến giường bắt tay bà Dubose. "Tôi đi làm về không thấy bọn trẻ," ông nói, "tôi nghĩ chúng còn ở đây."
Bà Dubose mỉm cười với ông. Dù có gắng đến mấy tôi cũng không thể hình dung ra làm sao bà có thể nói chuyện với ông khi bà có vẻ ghét ông đến thế. "Anh biết mấy giờ rồi chứ, Atticus?" Bà nói. "Chính xác là năm giờ mười bốn phút. Đồng hồ reo được định giờ là năm giờ ba mươi. Tôi muốn anh biết điều đó."
Bất chợt tôi nhận ra rằng mỗi ngày chúng tôi ở lại nhà bà Dubose lâu hơn, rằng đồng hồ reo này báo giờ trễ thêm vài phút mỗi ngày, và rằng bà đã động kinh được một hồi vào lúc nó reo. Hôm nay bà làm Jem tức tối gần hai tiếng vì không hề tính chuyện động kinh gì cả, và tôi cảm thấy mình bị mắc bẫy một cách tuyện vọng. Đồng hồ báo giờ là dấu hiệu cho sự phóng thích chúng tôi; nếu một ngày nào đó nó không reo, chúng tôi biết làm thế nào?
"Tôi có cảm giác rằng số ngày đọc của Jem đã hết," bố Atticus nói.
"Tôi nghĩ còn hơn một tuần nữa," bà nói, "đế đảm bảo..."
Jem nhỏm dậy, "nhưng..."
Bố Atticus giơ tay ra và Jem im lặng. Trên đường về nhà, Jem nói rằng anh chỉ phải làm chuyện này một tháng và một tháng đã hết và thế là không công bằng.
"Chỉ một tuần nữa thôi, con trai," bố Atticus nói.
"Không," Jem nói.
"Có đây," bố Atticus nói.
Tuần sau chúng tôi trở lại nhà bà Dubose. Đồng hồ báo giờ đã ngừng reo, nhưng bà Dubose phóng thích chúng tôi với câu, "đủ rồi", lúc chiều muộn tới độ hẳn bố Atticus đã ngồi đọc báo khi chúng tôi về tới nhà. Dù những cơn động kinh của bà đã biến mất, nhưng bà đã trở lại như trước ở mọi mặt khác: khi Sir Walter Scott sa đà vào những đoạn mô tả lê thê về những đường hào và các lâu đài, bà Dubose thường phát chán và quay ra chỉ trích chúng tôi:
"Jeremy Finch, ta đã bảo rằng cháu sẽ sống để hối tiếc về việc đã phá nát vườn hoa trà của ta. Giờ cháu đang hối tiếc, đúng không?"
Jem nói chắc chắn anh hối tiếc.
"Cháu nghĩ cháu có thể giết cây hoa Tuyết-trên-đỉnh-núi của ta, đúng không? Jessie nói ngọn của nó đã mọc lại. Lần sau cháu sẽ biết cách phá nó đúng cách, phải không? Cháu sẽ nhổ rễ nó lên, phải không?"
Jem thường nói chắc chắn anh sẽ làm vậy.
"Cháu đừng có lầu bầu với ta, nhóc! Hãy ngẩng cao đầu và nói vâng thưa bà. Dù sao ta cũng không nghĩ cháu sẽ thích giữ đầu cao với những gì bố cháu làm."
Cằm Jem đưa ra, và anh nhìn bà Dubose với khuôn mặt hoàn toàn không oán hận. Qua nhiều tuần anh đã trao dồi một cách thể hiện mối quan tâm vô tư và lịch sự, và anh sẽ trình ra cho bà để đáp lại những lời đặt điều kinh hoàng nhất của bà.
Cuối cùng ngày đó đã đến. Khi một chiều nọ bà Dubose nói, "Đủ rồi," bà nói thêm, "Vậy là xong. Chúc cháu ngày tốt lành."
Thế là xong. Chúng tôi phóng xuống vỉa hè trong niềm hân hoan cực độ, nhảy nhót và rú lên.
Mùa xuân đó thật tuyệt: ngày dài hơn và chúng tôi có thời gian chơi nhiều hơn. Đầu óc Jem hầu như chỉ đầy những thống kê quan trọng về từng cầu thủ bóng bầu dục đại học trên cả nước. Mỗi đêm bố Atticus sẽ đọc cho chúng tôi những trang báo thể thao. Năm nay bang Alabama có thể lại đi đến chung kết ở sân Rose Bowl, đánh giá qua những đội có triển vọng đoạt giải, không có cái tên nào trong số họ mà chúng tôi xác nhận được. Một tối nọ khi bố Atticus đang đọc đến chuyên mục của Windy Seaton thì chuông điện thoại reo.
Ông trả lời, rồi đi ra giá mũ ở tiền sảnh. "Bố sẽ sang nhà bà Dubose một lát," ông nói, "không lâu đâu."
Nhưng bố Atticus ở mãi bên đó tới quá giờ đi ngủ của tôi khá lâu. Khi ông về mang theo một hộp đựng kẹo. Bố Atticus ngồi xuống, đặt cái hộp xuống cạnh sàn ghế ông ngồi.
"Bà ấy muốn gì vậy?" Jem hỏi.
Chúng tôi đã không gặp bà hơn một tháng. Bà không còn ngồi ở hàng hiên khi chúng tôi đi qua.
"Bà ấy chết rồi, con trai," bố Atticus nói. "Bà chết cách đây vài phút."
"Ô," Jem nói. "Tốt."
"Tốt là đúng," bố Atticus nói. "Bà không còn phải chịu đau đớn nữa. Bà bệnh lâu rồi. Con trai, con không biết những cơn động kinh của bà là gì à?"
Jem lắc đầu.
"Bà Dubose là người nghiện Moóc-phin," bố Atticus nói. "Bà đã dùng nó như thứ thuốc giảm đau trong nhiều năm. Bác sĩ đã khuyên bà như thế. Bà đã dùng nó suốt quãng đời còn lại của bà và chết mà không đau đớn lắm, nhưng bà quá trái khoáy..."
"Sao bố?" Jem nói.
Bố Atticus nói, "Ngay trước khi xảy ra trò phá phách của con bà đã gọi bố đến làm di chúc cho bà. Bác sĩ Reynolds nói bà chỉ còn vài tháng nữa thôi. Công việc kinh doanh của bà đã được thu xếp chu đáo nhưng bà nói, 'vẫn còn một việc chưa thu xếp được'."
"Đó là chuyện gì?" Jem bối rối.
"Bà nói bà sẽ rời khỏi thế giới này mà không mắc nợ cái gì với bất cứ ai. Jem, khi con bị bệnh như bà, việc dùng bất cứ thuốc gì để nó dễ chịu hơn thì cũng được thôi, nhưng bà không muốn vậy. Bà nói bà muốn giải thoát bà ra khỏi nó trước khi chết, và đó là việc bà đã làm."
Jem nói, "Ý bố là việc đó đã gây ra những cơn động kinh của bà hả?"
"Phải, chuyện là vậy. Trong hầu hết thời gian con đọc sách cho bà bố đã nghi không biết bà có nghe lời nào của con không. Toàn bộ tâm trí và cơ thể bà tập trung vào chiếc đồng hồ báo giờ. Nếu con không rơi vào tay bà, thì bố chắc cũng bảo con đến đọc cho bà nghe. Nó có thể là một cách tìm quên. Còn một lý do nữa... "
"Vậy là bà đã chết thanh thản?" Jem hỏi.
"Như không khí trên núi," bố Atticus nói. "Hầu như bà đã tỉnh táo đến phút cuối. Tỉnh táo," ông mỉm cười, "và gắt gỏng. Bà vẫn phản đối kịch liệt những việc làm của bố, và nói chắc bố sẽ dành phần đời còn lại còn bố để cứu con khỏi nhà tù. Bà bảo Jessie đưa con cái hộp này..."
Bố Atticus thò xuống cầm hộp kẹo lên. Ông đưa nó cho Jem.
Jem mở hộp. Bên trong, bao quanh bởi mớ bông ẩm để chèn, là một bông hoa trà trắng, tuyệt hảo, bóng như sáp. Nó là một đóa Tuyết-trên-đỉnh-núi.
Jem trợn tròn mắt. "Bà già xấu xa chết tiệt, bà già xấu xa chết tiệt!" Anh rú lên, vứt nó xuống. "Sao bà ta không để con yên?"
Trong chớp mắt bố Atticus đã đứng dậy đến bên Jem, Jem vùi mặt vào ngực áo bố Atticus. "Sh-h," ông nói. "Bố nghĩ đó là cách bà nói với con - mọi việc giờ đã ổn, Jem, mọi thứ đều đã ổn. Con biết đo, bà là một quý bà vĩ đại."
"Quý bà?" Jem ngẩng đầu lên. Mặt anh đỏ bừng, "sau tất cả những điều bà ta nói về bố, vậy mà bà ta vẫn là một quý bà?"
"Đúng vậy, bà có quan điểm của riêng bà về mọi thứ, rất khác quan điểm của bố, có lẽ... con trai, bố đã nói với con rằng nếu con không mất bình tĩnh, bố cũng sẽ bảo con đến đọc cho bà. Bố muốn con thấy được điều gì đó ở bà, bố muốn con thấy lòng can đảm là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông có khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù cho có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng, nhưng đôi khi con cũng thắng. Bà Dubose đã thắng, tất cả bốn mươi sáu ký của bà. Theo quan điểm của bà, bà đã chết mà không mắc nợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Bà là người can đảm nhất bố từng biết."
Jem nhặt hộp lên và ném nó vào lò sưởi. Anh nhặt đóa hoa trà lên, rồi khi lên giường tôi thấy anh vuốt ve những cánh hoa nở to của nó. Bố Atticus vẫn đọc báo.
--------------------------------
1 | Confederate States of America (Liên hiệp các tiểu bang Mỹ) tên gọi chính thức của phe miền Nam trong Nội chiến Mỹ. |
2 | Cách đọc trại tên Sir Walter Scott, tác giả tiểu thuyết Ivanhoe |