Tam sinh tam thế Chẩm thượng thư - Phần II - Chương 02 - Phần 1
Chương 2
Ngày hôm sau, mới sáng sớm Phượng Cửu đã đến tông học, muốn hỏi đồng môn phu tử rốt cuộc có tên húy là gì. Nàng quả thực không ngờ muốn xu nịnh người khác lại khó khăn như vậy, hơn nữa tên của vị phu tử này lại bị giấu kỹ hơn cả khuê danh của các tiểu thư. Trong tông học, nửa năm nay, ngoài Yến Trì Ngộ, Phượng Cửu chỉ giao hảo với nhị hoàng tử Tương Lý Manh, nhưng khi đến chỗ Manh thiếu gia hỏi thăm, ngay Manh thiếu gia cũng không thể nào biết được tôn húy của lão phu tử.
Giờ Mão (từ năm giờ đến bảy giờ sáng), trên trời một vầng trăng đơn độc tỏa ánh sáng trong trẻo, thông thường lúc này chỉ có mấy học trò con nhà quan nghèo chuyên cần dùi mài kinh sử, nhưng hôm nay từ xa đã nghe thấy tiếng ồn ào trong tông học, tiếng nói tuy không to, nhưng âm thanh như vậy không phải một, hai người có thể tạo ra được. Phượng Cửu lờ mờ cảm thấy có trò hay để xem, lập tức hết buồn ngủ, rảo bước đi đến lòng thầm nghĩ, chim dậy sớm có sâu ăn, hôm nay ngủ ít một canh giờ quả không thiệt.
Không biết ai đã hiến mấy viên dạ minh châu, cả học đường rộng lớn sáng trưng, Phượng Cửu lặng lẽ lẻn vào từ cửa sau, ngước mắt thấy đa số đồng môn đều có mặt, hơn nữa còn tấp nập qua qua lại lại, hình như đang bố trí cạm bẫy ngầm gì đó quanh học đường.
Người chống eo cầm tờ sơ đồ rách chỉ huy mọi người chính là đường muội (em họ) của Manh thiếu gia, quận chúa Khiết Lục.
Phượng Cửu đứng bên cạnh một lúc, trong thời gian đó có hai, ba đồng môn đi vào, có mấy người giao hảo với Khiết Lục bước lên thăm dò, Phượng Cửu nghe được đại khái.
Thì ra hôm nay vốn có một tiên quân nào đó ở Cửu Trùng Thiên đến giảng về trà đạo cho họ, chiều qua khi tan học lại nghe phu tử nói tiên quân đó bận việc lần này không đến được, sai một vị tiên bác đến thay, hôm nay chính là ngày vị tiên bác đó đến giảng. Kế hoạch của bọn Khiết Lục là dùng những cái bẫy này đuổi vị tiên bác kia đi, như thế môn trà đạo không có ai giảng, có thể vị tiên quân trên trời biết bọn họ tha thiết mong chờ ngài như vậy sẽ đích thân đến giảng bù cho họ. Phượng Cửu cảm thấy họ nghĩ như vậy quả thực quá ư ấu trĩ, ngây thơ.
Phượng Cửu đến tông học này chưa lâu, chỉ nghe nói vài lời đồn về vị tiên quân này. Trong những lời đồn ấy, mọi người do cung kính đều không nhắc đến danh hiệu của vị này, hình như là một bậc tiên giả vô cùng tôn quý. Vị tiên tôn quý đó nghe nói có địa vị rất cao ở Cửu Trùng Thiên, Phật duyên cũng rất dày, nhưng xưa nay chưa từng nạp đệ tử, nghe đâu năm xưa Thiên Quân có ý đem thái tử Dạ Hoa đến cầu vị đó nhận làm đệ tử cũng bị từ chối. Tóm lại, đó là một nhân vật lớn rất lợi hại, một nhân vật lợi hại như vậy lại coi trọng bộ tộc Tỷ Dực Điểu bé nhỏ này, bằng lòng đến giảng dạy ở tộc của họ, mặc dù mười năm mới đến một lần, hơn nữa mỗi lần cũng chỉ lưu lại nửa tháng, một tháng, cũng khiến cả bộ tộc cảm thấy vinh hạnh. Điều duy nhất đáng tiếc là bộ tộc này xưa nay không giao du với bộ tộc khác để đến nỗi vinh hạnh chói lọi đó bị bưng bít trong cốc, không có chỗ tỏa sáng, khiến người ta không khỏi thấy tiếc.
Khi Phượng Cửu mới nghe nói về vị tiên kia, trong đầu liền điểm qua một lượt những vị thần tiên nàng biết ở Cửu Trùng Thiên, chọn ra được hai người, một là Đông Hoa, hai là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn trong Tam Thanh Tứ Ngự(*), còn gọi là Thái Thượng Lão Quân. Từ chối không nhận Dạ Hoa làm đệ tử quả thực là chuyện Đông Hoa có thể làm ra, nhưng lại nghĩ Đông Hoa không phải là người thích gây rắc rối cho bản thân, đến đây giảng bài trong khi nơi này có nhiều nữ đệ tử phiền phức như vậy, trước đây chẳng phải chính vì chàng sợ bị các nữ tử của Ma tộc đeo bám mới từ bỏ Ma đạo sao? Trái lại Thái Thượng Lão Quân của cung Đâu Suất có vẻ là một ông lão rất thi vị, nhưng Lão Quân lại có nhiều người ở Phạn Âm Cốc ngưỡng mộ như vậy là điều Phượng Cửu không ngờ tới.
(*) Tam Thanh Tứ Ngự chỉ ba vị thiên thần có địa vị cao nhất trong Đạo giáo là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn và bốn vị đại đế là Bắc Cực Đại Đế, Trường Sinh Đại Đế, Thiên Hoàng Đại Đế, Hậu Thổ Hoàng Địa Chi.
Trời rạng dần, có thể nhìn thấy ngoài cửa sổ những ngọn núi như được đẽo gọt mà thành, sương mù trên đỉnh núi tan đi, cây cối xanh ngắt, lộ ra chút sinh khí trong gió tuyết.
Các đồng môn đã bố trí xong cạm bẫy ngầm, đang giải lao đứng thở thì Manh thiếu gia lặng lẽ đi vào, nhìn thấy cảnh đó sững ra một lúc. Phượng Cửu thấy bộ dạng chàng ta như định khuyên đường muội điều gì, liền nhích về phía họ hai bước dỏng tai ghe.
Manh thiếu gia quả nhiên thở dài nói với quận chúa Khiết Lục: “Bản thiếu gia biết muội có tình ý rất sâu với vị đó, nhưng người ta biết được bao nhiêu, có từng bận tâm đến muội không? Luận tuổi tác vị đó xứng là lão tổ tông của lão tổ tông của lão tổ tông muội, muội như vậy có khi còn làm phiền người ta, từ đó người ta không đến tộc ta giảng bài nữa”. Lại thở dài lần nữa: “Thực ra chuyện đó với ta thì không sao, nhưng mẫu quân sẽ trị tội muội rất nặng, lúc đó có khi muội lại trách ta không nói đỡ cho muội. Vả lại, mấy ngày trước ta nghe nói ở Cửu Trùng Thiên vị đó đã tìm được hiền thê, mặc dù chưa bái thiên địa nhưng đã đối xử như với phu nhân của mình, nghe đồn ngài rất coi trọng rất cưng sủng nữ tử đó, thậm chí hai người còn tắm chung ngủ chung với nhau… Này này này, muội khóc cái gì, đừng khóc nữa…”.
Quận chúa Khiết Lục nói khóc là khóc luôn, không chút nể mặt đường huynh (anh họ) của mình. Tiếc là Manh thiếu gia có bộ dạng phong lưu nhưng lại không biết ứng phó với nước mắt của nữ nhân, ngây người không biết làm gì.
Phượng Cửu quay người đi, giơ tay khép lại cái quai hàm vừa rồi ngạc nhiên quá rớt xuống, chống tay vào bàn từ từ ngồi xuống tự rót cho mình cốc trà lạnh uống cho bớt kinh ngạc: Ở Cửu Trùng Thiên người phong lưu nhất phải kể đến tam hoàng tử Liên Tống của Thiên Quân, nhưng ngay Liên Tống cũng chưa thấy bị đồn đại chưa bái thiên địa đã tắm chung, mà cho dù có làm chuyện đó cũng nên bưng bít cho kín, vậy là mình đã xem thường Thái Thượng Lão Quân rồi. Chà chà, thì ra Thái Thượng Lão Quân không hề ăn chay, ngài quá thẳng thắn, quá lợi hại, quá xuất chúng.
Phượng Cửu đang cắn ngón tay út thầm khâm phục cảm thán, lại nghe thấy quận chúa Khiết Lục nức nở nói: “Huynh cố tình, huynh thầm yêu đế cơ Thanh Khâu mà không có được nàng, mới mong thiên hạ ai cũng cả đời cô quả như huynh, tôn thượng ngài thanh cao như vậy sao có thể dính dáng tới tin đồn thế tục. Những gì huynh nói về ngài, muội không tin một chữ nào”. Nói xong giậm chân bỏ đi.
Phượng Cửu ngước nhìn thấy sắc mặt Manh thiếu gia như tái nhợt, bốn chữ “đế cơ Thanh Khâu” mà Khiết Lục vừa nói nàng nghe rất rõ, đầu tiên là hơi ngạc nhiên, sau đó bàng hoàng. Lòng thầm nghĩ cô cô của mình mặc dù đã xuất giá vậy mà tiếng thơm vẫn không kém năm xưa, ở một nơi xa xôi thế này vẫn có chàng thiếu niên bị cô cô làm cho hồn xiêu phách lạc, thật là làm cho nhà họ Bạch nở mày nở mặt. Nhưng Manh thiếu gia quá non so với cô phụ, cho dù chàng ta có cơ duyên đến trước mặt cô cô, cô cô chắc chắn cũng không để mắt đến chàng ta. Phượng Cửu nhìn Manh thiếu gia đang đứng ngơ ngẩn phía xa, vô cùng thông cảm lắc đầu, đúng lúc chàng ta ngoái lại liếc về phía nàng, hai ánh mắt gặp nhau.
Hai người nhìn nhau một lát, Manh thiếu gia cầm bản sơ đồ rách quận chúa Khiết Lục cầm lúc trước, vẫy nàng đến: “Cửu Ca, lại đây, việc bố trí cạm bẫy công chúa thạo nhất, ta thấy sơ đồ này của Khiết Lục có nhiều chỗ chưa ổn, nàng ta đã muốn làm bẫy này, tốt nhất là để vị tiên bác đến giảng thay kia rơi vào bẫy hai, ba ngày cũng không ra được, không thể giảng bài thay thì tốt. Công chúa xem nên bố trí lại thế nào?”.
Tiếng “Cửu Ca” này Phượng Cửu biết là đang gọi nàng, ở Phạn Âm Cốc, nàng mượn thân phận cửu công chúa của bộ tộc Dạ Kiêu, khuê danh của cửu công chúa chính là Cửu Ca. Manh thiếu gia đúng là một người anh họ tốt, bị em họ chế giễu như vậy mà vẫn nghĩ cho nàng ta, thật là rộng lượng. Phượng Cửu bê cốc trà lạnh ghé lại nhìn sơ đồ trong tay chàng ta, chẳng qua chỉ là mấy trò đơn giản sơ sài, có thể hại vị tiên bác xúi quẩy đến giảng bài lần này bị dính ít nước, ngã mấy cái, ăn ít vôi mà thôi, theo kinh nghiệm đấu trí nhiều năm của nàng với các phu tử thì thật chẳng đáng kể.
Phượng Cửu giơ tay chỉ vào học đường: “Những chỗ khác nên dỡ đi, chỗ này dùng pháp thuật làm một cái giếng sâu thông với sông Tư Hành ở ngoại thành rồi dùng phép che mắt, đảm bảo vị đó một khi giẫm lên là “rầm” một cái rơi xuống, chắc chắn mười ngày nửa tháng không thể xuất hiện trước mặt hai chúng ta”.
Manh thiếu gia suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Như vậy có ác quá không? Nếu vị tiên bác đó quay lại trách tội…”.
Phượng Cửu uống ngụm trà: “Hoặc cũng có thể xem xét đào một cái hố sâu ở chỗ này, bên dưới cắm đao nhọn truyền đầy thần lực, đợi ông ta rơi xuống, “xử” ông ta luôn, thế là xong. Đương nhiên so với cách trước thì việc vứt cái xác hơi phiền phức một chút”.
Manh thiếu gia cầm bản sơ đồ hồi lâu: “... Ta thấy cách ban đầu tốt hơn”.
Đỉnh núi Phù Vũ đá sừng sững, rừng rậm rạp, mặc dù đã vào đông, nhưng cây cối vẫn chưa nhuốm màu khô héo, cây lá vẫn rậm rạp tỏa bóng, chỉ loáng thoáng lộ ra vài mảnh trời xanh be bé. Thinh không vẳng qua tiếng hạc tiên lảnh lót cùng với tiếng vỗ cánh vun vút, vừa nhìn đã biết là một ngọn tiên sơn không bình thường.
Trọng Lâm, vị tiên trông coi sổ sách của cung Thái Thần đứng ở trước vách đá của Phạn Âm Cốc, vô cùng lo lắng thở dài. Bắt đầu từ hơn hai trăm năm trước khi Diệu Nghĩa Tuệ Minh Cảnh hỗn loạn không yên, cứ mười năm Đế Quân lại mượn danh nghĩa dạy học vào Phạn Âm Cốc một lần, khử sạch khí đục tam độc từ Tuệ Minh Cảnh tràn ra. Đế Quân bí mật đến đây, lần nào cũng do ông đi theo, lần này không có ông, không biết Đế Quân ngài sống ở đó liệu có quen.
Sự tồn tại của Diệu Nghĩa Tuệ Minh Cảnh ngoài thần sáng thế thời thượng cổ, không có mấy người biết, mặc dù mang một cái tên của nhà Phật, thực ra nó không phải là nơi đất lành. Ngay từ thuở hồng hoang, sau khi thiên địa như quả trứng gà vỡ vỏ hóa ra mới có tứ hải lục hợp bát hoang để chúng tiên, ma sinh sống, và rất, rất nhiều năm sau sinh ra hàng tỷ Đại Thiên Phàm thế. Phàm thế là nơi con người sinh sống, nhưng con người bản tính phàm tục đã gieo mầm nghiệp, chưa quá trăm năm, vô vàn Phàm thế đã tích tụ bao nhiêu khí đục do ba thứ độc tham, sân, si kết thành. Bị thứ khí độc nặng nề này quấy nhiễu khiến các Phàm thế lễ giáo băng hoại, chiến loạn triền miên, sinh linh lầm than, có cơ diệt vong. Để bảo vệ Phàm thế, Đông Hoa đã bế quan bảy đêm tạo ra một thế giới khác trong thiên địa để thu hết khí đục từ tam độc mà các giới không thể chịu đựng, đó chính là Diệu Nghĩa Tuệ Minh Cảnh sau này. Mấy chục vạn năm vụt trôi như bóng câu qua cửa, do Tuệ Minh Cảnh như chiếc vại lớn chứa hết tam độc mà thế gian không thể chứa đựng, thiên địa mới trở nên thanh bình.
Nhưng đến một ngày nếu Diệu Nghĩa Tuệ Minh Cảnh sụp đổ sẽ là đại nạn của cả con người và thần tiên.
Trọng Lâm trộm nghĩ, điều bất hạnh là cái ngày đó thực ra đã đến từ ba trăm năm trước, nhưng may thay, Đế Quân bỏ chút thời gian sửa chữa nó, khiến các vị thần tiên tránh được kiếp nạn mà không hề hay biết. Bất hạnh hơn là sự cứu vãn của Đế Quân thực ra chỉ là kéo dài thêm thời hạn sụp đổ của nó, rốt cuộc có thể kéo dài được bao lâu không ai biết. Vả lại, hơn hai trăm năm nay, khí đục tam độc trong Tuệ Minh Cảnh bắt đầu lan dần ra ngoài, may có Phạn Âm Cốc vẫn là nơi đất sạch không bị vẩn đục bởi hồng trần đặc biệt thu hút khí đục phát tán, mới khiến Đế Quân không cần phí nhiều công sức gom chúng lại bèn có thể một lần tịnh hóa chúng, cũng may là bộ tộc Tỷ Dực Điểu có thể chất đặc biệt, khí đục tam độc này không gây hại cho họ như khí đục hồng trần.
Trọng Lâm chống vào tảng đá thở dài lần nữa. Rất nhiều người lầm tưởng Đế Quân ở trong cung Thái Thần là ẩn dật hưởng phúc, đương nhiên, phần lớn thời gian ngài quả thực là đang hưởng phúc thanh nhàn, nhưng vào lúc quan trọng này, Đế Quân vẫn rất hữu dụng, rất đáng tin cậy.
Có điều, hôm nay Trọng Lâm đứng đây thở dài không chỉ vì những đại sự của thiên địa này, hôm nay Đế Quân có vẻ bất thường khiến ông hết sức băn khoăn. Do tối qua Phật Đà ở Tây Thiên Phạn Cảnh đại giá, bề ngoài là luận đàm kinh Phật với Đế Quân thực chất là bàn về Tuệ Minh Cảnh. Là một tiên bộc trung thành và tận tâm, Trọng Lâm cảm thấy đại sự can hệ đến sự tồn vong của thiên địa, hai vị tôn thần tất phải đàm luận cân nhắc rất lâu, vậy thì hôm nay chuyến đi đến Phạn Âm Cốc giảng bài vốn đã định của Đế Quân có lẽ phải hoãn lại. Trước đó cũng từng có chuyện vào ngày đã định Đế Quân lại có việc khác và đều cử một vị tiên bác khác đi thay, thế là ông vừa trung thành vừa tinh ý chuyển lời đến Phạn Âm Cốc, tạm thời có một tiên bác thay Đế Quân đến giảng bài. Hôm nay ông cùng với một tiên bác trong cung rất am hiểu trà đạo cưỡi mây đến đỉnh núi Phù Vũ, lại đã thấy Đế Quân dáng tiên như ngọc đứng trên đỉnh Phù Vũ, đang giơ tay vạch một đường huyền quang, theo đường huyền quang đó đi vào Phạn Âm Cốc.
Trọng Lâm cảm thấy, mặc dù Phạn Âm Cốc quả thật kỳ quái, chỉ có mỗi năm trong vòng hai tháng bắt đầu từ Đông Chí, một vị tiên pháp lực cao cường dùng ngoại lực mở cốc mới không khiến nó nhuốm khí đục hồng trần, mà hôm nay là ngày Đông Chí, là ngày đầu tiên an toàn mở cốc nhưng cũng không cần phải vội. Hơn nữa, Đế Quân xưa nay không phải là người vội vàng, hai tháng liền sau ngày hôm nay ngài có thể tự do ra vào cốc. Nhưng ngài lại bỏ mặc Phật Tổ vẫn đang làm khách ở cung Thái Thần, bất chấp vạn dặm xa xôi bay đến núi Phù Vũ, lẽ nào chỉ vì có thể lập tức vào cốc giảng bài cho cái tổ Tỷ Dực Điểu con đó hay sao. Đế Quân ngài có tư tưởng tình cảm cao sang thuần khiết đến thế ư?
Trọng Lâm băn khoăn nghĩ mãi không hiểu căn nguyên, đành chặc lưỡi nghĩ bụng cứ cho là hai năm nay tư tưởng tình cảm của Đế Quân ngày càng cao sang thuần khiết đi, liền cùng vị tiên bác cùng đến cưỡi mây quay về cung Thái Thần.
Tông học của Tỷ Dực Điểu cho đến nay đã có lịch sử rất lâu đời, nghe nói do một vị tiên cao minh kiến tạo, không chỉ địa thế đẹp, cảnh trí trong trường cũng rất đặc sắc. Trong khuôn viên rộng thênh thang với mười thư trai bao bọc xung quanh này còn có một dòng suối trong trẻo rất thi vị. Nước suối chảy theo địa thế cao thấp từ phía đông khuôn viên sang phía tây khuôn viên, từ địa thế cao thấp không đều đục thành những bậc thang lát đá xanh, phía trên hoặc dưới bậc thang đều trồng hòe xanh và cây tùng già, mùa hè soi bóng nước, cảnh sắc phảng phất ý Thiền. Mùa đông như lúc này bị tuyết phủ kín, khoác trên mình bộ đồ màu bạc, trông chúng có vẻ thi vị thanh tịnh cô liêu mà khoáng đạt.
Phượng Cửu vốn rất thích cảnh sắc ở đây, thường đến đây dạo chơi, hôm nay lại không có hứng, chỉ mang theo mấy cuộn kinh thư chép tối qua, nàng cau mày men theo dòng suối đi xuống.
Một canh giờ trước, Phượng Cửu bỏ buổi học trà đạo, trốn ra ngoài tìm Tế Hàn phu tử, bởi nghe nói trước giờ học chiều, phu tử sẽ tuyên bố danh sách những người được vào vòng trong năm nay. Nàng vốn định thực thi sách lược mưa dầm thấm lâu, từ từ gây thiện cảm với phu tử, nhưng thời gian quá gấp, đành dùng một liều thuốc mạnh, dứt khoát bỏ học đi lấy lòng phu tử, có thể phu tử thấy nàng lấy lòng một cách chân thành sẽ cảm động. Thực ra nàng cũng rất muốn chứng kiến cảnh tượng vị tiên bác được Thái Thượng Lão Quân phái đến rơi xuống bẫy, cho nên trước lúc ra ngoài còn thầm thì với Yến Trì Ngộ dặn chàng ta lúc về kể mọi chi tiết hay ho cho nàng nghe.
Nàng cứ tưởng hai việc đó đều sắp xếp ổn thỏa, ai dè Tế Hàn phu tử thường ngày hành tung luôn ổn định, hôm nay lại tìm mãi không thấy bóng dáng. Bên ngoài gió tuyết lớn như vậy, Phượng Cửu chạy tứ phía tìm kiếm, đã càng ngày càng mất hứng, lại mỗi lúc một lạnh thêm. Nhìn về phía học đường, không biết vị tiên bác kia đã bị sập bẫy chưa, nếu vị đó có đầu óc, không mắc bẫy, bây giờ mình quay lại học đường có thể tránh gió, nhưng cũng không tránh được tội trốn học, nhất định sẽ bị trách phạt. Nghĩ trước nghĩ sau, cảm thấy vẫn nên ở bên ngoài, vừa đợi vừa nghĩ nếu không phải nịnh Tế Hàn phu tử, lúc này đốt mấy cuộn kinh thư trong tay áo mà sưởi thì tốt biết mấy. Nhưng mình chép những mười cuộn, đốt một cuộn chắc cũng không sao nhỉ?
Phượng Cửu đang ngồi xổm dưới một cây tùng già, tay nhấc ống tay áo đắn đo suy nghĩ thì bị ai đó vỗ vai, ngoái đầu lại thấy Tiểu Yến tráng sĩ tay cầm một con dao nhọn ướm vào gương mặt nõn nà của mình xoay ngang xoay dọc, sắc mặt thâm trầm nói với nàng: “Muội xem, mỗ nên rạch một đường thế này, hay một đường thế này, hay là rạch đường thế này trước rồi mới rạch đường thế này sau? Theo ý nữ nhi các người, nên rạch như thế nào để khuôn mặt của mỗ trông anh tuấn hơn?”.
Phượng Cửu tỏ vẻ cao thâm giơ tay vẽ một chữ “vương” (王)(*) lên trên trán chàng ta: “Muội thấy vẽ thế này sẽ anh tuấn hơn”.
(*) Giống ba vạch trên trán hổ. Người Trung Quốc có tục vẽ chữ “vương” lên trán trẻ con với mong muốn đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, dũng mãnh như hổ.
Tiểu Yến sát khí đằng đằng nhìn nàng một hồi, ảo não quẳng dao đi, cũng ngồi xổm dưới cây tùng cạnh nàng: “Muội cũng cảm thấy vạch hai nhát dao trên mặt thực ra cũng không được coi là đặc biệt anh tuấn ư?”. Nói đoạn rầu rĩ thở dài: “Vậy muội thấy mỗ để râu thì sao, râu quai nón hình như rất hợp với kiểu mặt của mỗ...”.
Những lời tào lao của Yến Trì Ngộ lọt tai Phượng Cửu vào tai trái ra tai phải, nàng mừng vì cuối cùng Tiểu Yến đã ngộ ra các thiếu nữ không thích chàng ta là bởi khuôn mặt chàng ta quá đẹp, nhưng đồng thời từ tận đáy lòng cũng cảm thấy nếu có ngày Tiểu Yến thực sự để râu quai nón, trên trán còn khắc chữ “vương”, tạo hình như thế thực ra không hề được các thiếu nữ thích thú hơn bộ dạng chàng ta bây giờ.
Trên cây có hai đám tuyết đọng đè gẫy cành cây, Phượng Cửu hắt hơi, ngắt lời Tiểu Yến: “Trên đường đến đây huynh không nhìn thấy phu tử à, không biết hôm nay ông ta rong ruổi nơi đâu, làm người ta tìm mãi không được”.
Tiểu Yến quay phắt lại kinh ngạc nhìn nàng: “Muội không biết à?”.
Phượng Cửu giật nảy mình, lùi lại một bước, lưng dán vào thân cây: “Cái... cái gì, muội phải biết cái gì?”.
Tiểu Yến bực bội gãi đầu: “Mỗ thấy muội ở đây vừa buồn vừa chán, còn tưởng tan học được một tuần hương, Manh huynh đã đến báo với muội chuyện đó rồi”. Gãi đầu nói tiếp: “Cũng không phải chuyện gì lớn, đối với muội thực ra là buồn vui lẫn lộn, muội xem mỗ dùng thành ngữ này có chuẩn không? Muội đừng sốt ruột, mỗ sẽ từ từ kể cho muội nghe, buồn là cái bẫy mà muội đặt ra, người cần sập thì không sập, nhưng vị phu tử muội đang cần tìm… đây là phần vui này, khi phu tử dẫn vị nào đó đi vào, không để ý giẫm lên đó, sa vào bẫy của muội...”. Tiểu Yến dừng lại đợi nàng phản ứng, nói tiếp: “Manh huynh đoán có lẽ phu tử là người bản địa thông thạo thủy lộ ở đây, cũng không cho muội thời gian chạy trốn, nửa canh giờ đã từ dưới sông Tư Hành bò lên, còn tuyên bố sẽ lột da muội. Theo phân tích của Manh huynh về sắc mặt của phu tử lúc đó thì rất có thể ông ta sẽ làm vậy thật”. Nói đến đây lại hoảng hốt nhìn nàng: “Mỗ còn thấy lạ là muội đã biết chuyện này sao không lập tức trốn đi, còn ngồi đây chờ gì nữa, một khắc trước mỗ đã thầm nhận định muội là một anh hùng hảo hán, hóa ra là do muội chưa biết tin”.