Tuyển tập truyện ngắn của Mạc Ngôn - Truyện 03 - Lửa thiêu Hoa Lam Các
Ở giữa thành phố yên tĩnh có một cái hồ thật đẹp, sóng biếc lăn tăn.
Giữa hồ có hòn đảo nhỏ tên là Hoa Lam, quanh năm bốn mua đều toả hương hoa, khi thoang thoảng khi nồng đậm. Trên đảo đã sáu lần xây dựng lầu gác, cột kèo chạm trổ, nhưng đều bị thiêu rụi sau khi xây dựng được ba tháng. Theo điều tra, nguyên nhân vì sét đánh hoặc đốt pháo, đương nhiên cũng có một vài cách giải thích đượm sắc thái thần bí theo kiểu dân gian.
Xây dựng lầu gác trên đảo Hoa Lam là sự theo đuổi cố chấp đến bệnh hoạn của hết vị thị trưởng này đến vị thị trưởng khác của thành phố. Những cố gắng của họ bao giờ cũng được đón nhận bằng một vụ cháy lớn. Hy vọng xây dựng lầu gác tắt ngúm trong sự tàn phá của lửa dữ, song con đường làm quan của họ bao giờ cũng hanh thông sau khi hoả hoạn được giập tắt.
Thị trường nhậm chức gần đây nhất là tiến sĩ kiến trúc, tướng mạo rất cổ quái. Trước khi tới nhậm chức ở thành phố này, ông từng chủ trì xây dựng tám công trình kiến trúc lớn của tỉnh và thành phố, tiếng tăm vang dội xa gần. Lời đồn nói ông sắp sửa nhận một chức vụ quan trọng của ngành kiến trúc trên trung ương nhưng cuối cùng không hiểu sao lại về làm thị trưởng ở thành phố nhỏ hẻo lánh, nhân khẩu chưa tới bốn mươi vạn dân này.
Buổi tối ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, ông đem theo cậu thư ký cũng tốt nghiệp cử nhân khoa kiến trúc, lẳng lặng tới bên bờ hồ. Sau này ông viết trong nhật ký:
"Dạo bước ven hồ nửa giờ chợt nảy ra ý muốn lên đảo xem sao. Hỏi cậu Ngũ thư ký: "Lúc này còn có thể tìm được thuyền lên đảo không?". Chỉ một loáng, cậu thư ký đã chạy trở về, phấn khởi nói: "Thị trưởng, thật là may quá! Bến Thanh Diệp đằng kia vừa hay có chiếc thuyền đánh cá". Mình lên thuyền. ông chài chống sào vào đám bùn ven hồ, đẩy thuyền từ từ ra chỗ nước sâu. Thuyền càng xa bờ, tiếng mái chèo và tiếng nước óc ách càng rõ trong đêm trăng tĩnh mịch. Đêm càng khuya, trăng càng sáng, giơ tay lên nhìn thấy cả đường chỉ trên tay. Lại nhìn tới đám hoa đinh hương ven bờ thì lúc này đã thành từng đám mù sương, chỉ còn ngửi thấy mùi hơi nước trong mát thuần tuý. Khi lại thấy mùi hoa đinh hương bay tới thì hòn đảo giữa hồ Hoa Lam đã ở ngay trước mặt.
Mình và thư ký theo con đường nhỏ rải sỏi đi vào giữa đảo. Chỉ một loáng đã lên tới nơi cao nhất, cũng là nơi liên tiếp sáu lần xây dựng Hoa Lam Các. Nơi này rộng khoảng hai sân bóng rổ, cao hơn mặt hồ khoảng sáu chục mét. Đứng ở đây nhìn ra bốn phía, quả thật tinh thần sảng khoái, lòng dạ thảnh thơi. Nếu xây ở đây một lầu gác cao chừng năm chục mét rồi lên tận trên cùng mà trông ra xa thì bốn mặt của thành phố và bóng núi phía xa đều thu vào tầm mắt. Chỗ này quả thật cần có một toà lầu.
Xem ra đống lầu gác đổ nát vì bị hoả thiêu đã được dọn dẹp. Từng đống gạch, ngói, đá được xếp ngay ngắn xung quanh khu đất. Bên cạnh đống đá còn có đống gỗ xếp vuông vắn, đều là gỗ thông đỏ loại một, toả mùi thơm gắt của dầu thông. Mọi thứ trước mắt cho thấy đây là một công trường xây dựng, muốn khởi công lúc nào cũng được, chứ không phải là đống đổ nát của toà lầu vừa bị cháy.
Mình ngồi trên một phiến đá, cúi đầu có vẻ như trầm tư, nhưng thực ra chẳng nghĩ ngợi gì cả. Từng đợt hương hoa phả tới khiến mình váng cả đầu. Thư ký hỏi khẽ: "Thị trưởng có hút thuốc không?". Mình rút điếu thuốc từ trong bao, thư ký bèn đưa chiếc bật lửa óng ánh vàng với ngọn lửa màu xanh lá cây tới bên miệng mình. Mình nhìn bộ răng cậu ta được đốm lửa chiếu sáng, bảo: "Cậu kể cho tôi nghe những chuyện về Hoa Lam Các đi!". "Vụ cháy gần đây nhất là vào tối ba mươi. Lúc ấy, cả thành phố đang đốt pháo. Em ngồi trong phòng làm việc xem tiết mục liên hoan Tết thì nghe thấy cậu Tôn - thư ký của Tần Thị trưởng - la to trong hành lang: "Cháy rồi, cháy rồi!". Mặt hồ quanh đảo Hoa Lam được lửa rọi sáng như gương, làm cho đèn thành phố mờ hẳn đi. Em nghe cậu Tôn đứng cạnh thở ra một hơi rồi lẩm bẩm nho nhỏ: "Cuối cùng đã cháy rồi!". Em liếc mắt nhìn cậu ta, phát hiện cậu ta đang run rẩy cả người, không biết vì quá xúc động hay vì lạnh." "Lúc cháy cách lúc xây xong bao lâu?" - mình hỏi. "Vừa vặn ba tháng, không thừa một ngày, không thiếu một ngày!" - thư ký đáp. "Còn Tần Thị trưởng?" "Tần Thị trưởng ăn Tết ở thành phố Minh Dương. Gia đình thị trưởng ở đấy. Mọi người đứng trên gác thượng xem cháy, xem toà Hoa Lam Các đang bốc lửa, cho đến khi cả toà lầu sụp đổ đánh rầm một cái, bấy giờ mọi người mới như trút được món nợ, thong thả đi xuống." "Lẽ nào dân chúng không kéo ra xem hay sao?" - mình hỏi. "Đông lắm chứ. Người đứng kín quanh hồ. Hầu như tất cả mái nhà đều có người đứng đầy" - thư ký nói. "Dân phản ứng ra sao?" "Em nghe bạn gái em nói, dân bảo rằng trên đảo Hoa Lam có một ổ hồ ly, chính bọn chồn ấy đã châm lửa thiêu rụi toà lầu." "Tôi không hỏi chuyện ấy, tôi hỏi phản ứng của dân đối với vụ này như thế nào kia!". Thư ký lúng túng đáp: "Dường như dân chẳng có phản ứng gì... Hình như dân đã quen đi rồi. à mà đúng, em nghe cha bạn gái em là thầy giáo tiểu học đã nghỉ hưu, một người rất nghiêm túc, nói Hoa Lam Các xây trên hoả địa nên bốc cháy là chuyện bình thường, không cháy mới là chuyện lạ. ông ấy còn nói, thành phố chúng ta nếu muốn phát triển thì cứ cách mấy năm phải có một lần cháy. Lửa năm nay cháy rất đúng lúc, đêm ba mươi cháy có nghĩa là năm tới ắt sôi nổi, thịnh vượng. Còn mẹ bạn gái em chỉ là nội trợ, không có văn hoá cao, thì nói cháy cũng tốt, từ ngày xây lên chỉ mong cho cháy, lần này có thể ăn ngon ngủ yên được vài ba năm".
Mình cay đắng cười thành tiếng. Cậu thư ký rụt rè nói: "Thị trưởng, xin anh đừng bực tức. Em là người thật thà, có sao nói vậy". "Không hề gì, cậu kể tiếp đi!" - mình nói. "Lần cháy thứ năm xảy ra cuối năm 1999. Thời gian cụ thể hình như đêm trước đêm Chúa giáng sinh. Lúc ấy em tốt nghiệp chưa được nửa năm, thực tập ở ban xây dựng thành phố. Đêm hôm xảy ra hoả hoạn em bị cảm. Uống mấy viên thuốc an thần nên em ngủ rất say. Trời sáng mẹ em mới bảo Hoa Lam Các vừa mới xây xong hai tháng rưỡi đã cháy rụi rồi. Mẹ em còn nói: "Lại có người thăng quan đây!". Mẹ em cũng chỉ làm việc nội trợ, trình độ rất thấp. Em mặc quần áo lông ra hồ xem. Đi lại trên đường ra hồ đều là những người xem xong trở về và những người mới ra xem. Trời lạnh giá, vẻ mặt mọi người rất thờ ơ. Em tới bên hồ, vừa hay nhìn thấy một chiếc thuyền máy cặp bờ, trên thuyền có hơn mười người, trong số đó có chủ nhiệm ban xây dựng của em và còn Thị trưởng họ Mã nữa. Xem ra họ mới từ đảo trở về. Em thấy thị trưởng nghiêm mặt lên khỏi thuyền, còn các quan chức đi theo thì ai nấy tỏ vẻ vui mừng. Tối hôm ấy, thị trưởng có phát biểu trên đài truyền hình, tự phê bình chưa chăm nom thật tốt Hoa Lam Các rực rỡ, huy hoàng vừa mới xây xong, được dân toàn thành phố quý trọng. Sau đó ông nói, trong nhiệm kỳ có hạn của mình, ông nhất định phải chuẩn bị sẵn vật liệu xây lại Hoa Lam Các cho thị trưởng khoá sau. Chưa được bao lâu, Thị trưởng Mã được chuyển lên làm Bí thư Thị uỷ thành phố Ninh Ba. "Nguyên nhân cháy là sao?" - mình hỏi. "Sét đánh - thư ký nói - Đài trưởng đài khí tượng thành phố dành một buổi để giải thích bằng lý lẽ khoa học: Trên đài truyền hình tại sao trong mùa đông tháng giá còn xảy ra hiện tượng sét đánh". Lần cháy thứ tư xảy ra vào một đêm mưa gió sấm sét tháng bảy năm 1995. Sấm nổ vang nhưng mưa không lớn. Thị trưởng khi đó là Phương Hồng Mô. Ngay sau đêm xảy ra hoả hoạn, Thị trưởng Phương nhận được giấy điều lên làm Phó Giám đốc Sở Giao thông của tỉnh. Lần cháy thứ ba xảy ra một đêm ánh xuân rực rỡ tháng ba năm 1992. Thị trưởng lúc bấy giờ là Triệu Kính Nghiêu. Mười ngay sau vụ cháy, ông được thăng chức làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch của tỉnh. Vụ cháy lần thứ hai thiêu rụi Hoa Lam Các vào tháng sáu năm 1989, Thị trưởng khi đó là Hàn Trung Lương. Một tháng sau khi cháy, nhiệm kỳ chưa hết, ông đã được điều lên làm Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Sư phạm của tỉnh. Vụ cháy lần thứ nhất xảy ra tháng bảy năm 1987, cũng thiêu rụi Hoa Lam Các. Thị trưởng khi đó là Tưởng Phong Niên, ông cũng học kiến trúc mà ra. Trong thời gian nhậm chức, dưới sự lãnh đạo của ông, khu thành cũ được cải tạo, đường cái được mở rộng, bùn lầy hàng trăm năm ở đáy hồ được nạo vét; ông còn cho xây dựng bảy khu dân cư, giảm bớt rất nhiều khó khăn về nhà ở của dân thành phố. ông liên tiếp làm hai khoá thị trưởng của thành phố này, rất có uy tín. Sau khi Hoa Lam Các được xây lên, uy tín của ông đạt tới điểm đỉnh. Toà lầu bị cháy, dân cũng không khiển trách ông nhiều, nhưng ông rất lấy làm đau khổ. Nghe ông nói đứng trên đống đổ nát rỏ nước mắt thề rằng nhất định sẽ xây lại Hoa Lam Các, nhưng hai tháng sau, ông được điều lên làm Viện trưởng Viện Thiết kế xây dựng của tỉnh". "Tôi quen đồng chí này, phẩm cách tốt lắm, nghiệp vụ cũng giỏi" - mình nói".
Trong một tháng sau đó, thị trưởng mới liên tiếp nhận được thư quần chúng gửi tới. Thư toàn yêu cầu xây lại Hoa Lam Các, tên ký phía dưới đều là những hoá danh thường thấy như Chúng Thanh, Quần Tâm, Dân ý và cũng có những nặc danh hầu như rất quang minh chính đại như "Bảy cán bộ nghỉ hưu", "Tám đảng viên kỳ cựu", "Năm bà mẹ" v.v... Lại còn có thư liên danh "Sáu trăm thầy trò trường tiểu học ven hồ", những chữ ký vụng về, non nớt của đám trẻ nhỏ dày đặc cả mấy trang giấy trắng. Lúc đầu thị trưởng còn chăm chú đọc, nhưng chẳng bao lâu ông thấy ngán. ông bảo thư ký báo cho phòng tiếp dân, nếu có thư về việc xây lại Hoa Lam Các thì họ cứ việc xử lý theo quy định, không cần chuyển tới ông nữa.
Mãi mà thị trưởng cũng không có thái độ rõ ràng về việc xây lại Hoa Lam Các, nhưng ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi ông nhậm chức, ông gửi một lệnh xuống các đơn vị hữu quan, bảo họ trong vòng một tuần, chuyển hết số vật liệu xây dựng trên đảo Hoa Lam, trả lại cho bên bán với giá bằng một nửa giá mua. Những người được giao việc đều tỏ vẻ khó xử nhưng thị trưởng cười nhạt một tiếng, thế là họ ngượng ngùng tháo lui.
Ngày đầu tiên của tháng thứ ba sau khi nhậm chức, thị trưởng triệu tập hội nghị văn phòng thị trưởng lần đầu tiên tại phòng họp nhỏ của Uỷ ban thành phố. Vấn đề chủ yếu được thảo luận tại hội nghị là xây lại Hoa Lam Các. Về mặt tạo hình và kết cấu, Hoa Lam Các cũ và mới không có gì khác nhau lớn. Khác nhau lớn nhất là ở vật liệu kiến trúc. Hoa Lam Các mới dùng gạch là gạch chịu lửa, ngói là ngói chịu lửa, tất cả cột, kèo, đầu đao, cửa ra vào, cửa sổ đều dùng thép hoặc đồng đúc. Thị trưởng nói, trừ phi dùng nhiệt độ cao tới 3.000 độ nung chảy chúng ra, nếu không, lịch sử xây mấy lần, cháy mấy bận của Hoa Lam Các tới đây là kết thúc. Thị trưởng nói xong, thấy vẻ mặt khó hiểu của cấp dưới thì bật cười có ý vị sâu xa, nói: "Lẽ nào mọi người còn mong Hoa Lam Các cháy đến lần thứ bảy nữa hay sao?". Hôm sau, bản thiết kế Hoa Lam Các mới được công bố đàng hoàng trên báo của thành phố. Nhưng tuyệt đại đa số dân chúng tỏ ra phản cảm, phản cảm nhất là với những vật liệu chịu lửa.
Tối hôm ấy, lòng buồn bã, Thị trưởng ngồi trong văn phòng viết nhật ký (trang thứ 62 kể từ ngày ông nhận chức) trong đó có một câu như sau: "Lẽ nào dân chúng muốn có hoả hoạn?"...