28. Hai Bà Văn Tế Tướng Thực Dân

HAI BÀI VĂN TẾ TƯỚNG THỰC-DÂN

Nói đến cụ Nguyễn-Khuyến tức Tam-Nguyên Yên-Đổ, chúng ta hẳn không còn lạ gì cái tài làm văn và làm thơ trào phúng của cụ.

Từ những câu đối bảy chữ, những bài thơ tứ tuyệt đến những bài văn tế tràng giang đại hải mà không một bài nào cụ không lợi dụng đưa vào trong đó những ý kiến trào lộng để đả kích những thói xấu của xã hội đương thời, nhất là đối với những tên cõng rắn cắn gà nhà và những kẻ theo đóm ăn tàn, thừa nước đục thả câu như những hạng thân làm người Việt, tay ôm chân Pháp, mà trớ trêu thay lại còn cho đó là một cái vinh dự ở đời.

Trong số các nhà phê bình, sau khi đọc qua văn thơ cụ, có người đã lên tiếng cho rằng thơ cụ chỉ có bất mãn và thụ động, chớ kém phần tranh đấu và xây dựng.

Lời nhận xét ấy kể ra cũng đúng một phần nào.

Song trong hoàn cảnh xã hội, tất cả miệng lưỡi thiên hạ đều bị kìm khóa bởi chế độ thực dân và phong kiến mà có những bài thơ, bài văn như của cụ, mặc dù tuy kém phần tranh đấu, và xây dựng trong quan niệm ngày nay, song với đương thời, chúng ta phải nhận là có những tác dụng không nhỏ, bằng cách đã lột trần ra được những cái mặt nạ của những quân cướp nước và bán nước, cho mọi người đều thấy rằng đây là những trái tim đã đen vì tiền, và cả những con mắt đã mù vì lợi trong khi cả nước đang rên siết ở dưới gót xâm lăng cùng bè lũ của chúng.

Lối thơ trào phúng của cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ không những chỉ đả kích bọn quan lại hèn yếu theo voi ăn bã mía, mà cho đến cả những tay chúa trùm thực dân, cụ cũng không nể và sợ gì.

Tục truyền : Sau khi tướng Pháp là Ngạc-Nhi (Francis Garnier) bị quân Cờ Đen giết chết, rồi vì việc ký hòa ước Việt Pháp, các quan ta tại Hà-thành mới tổ chức một cuộc lễ truy điệu. Để làm cho ra vẻ long trọng, quan Tổng-đốc Hà-nội là Trần-Đình-Túc, người sợ Tây khét tiếng, cử cụ làm một bài văn tế. Cụ phải nghe lời, vì đây dù sao đi nữa cũng là lệnh của cửu trùng. Nhưng ta hãy nghe bài văn tế của cụ viết ra và tuyên đọc trước công chúng :

Cái mắt ông xanh,

Cái da ông đỏ,

Cái tóc ông quăn,

Cái mũi ông lõ,

Đít ông cưỡi lừa,

Miệng ông huýt chó.

Lưng ông đeo súng lục liên,

Chân ông đi giày có mỏ,

Ông ở bên Tây,

Ông sang bảo-hộ,

Ông dẹp Cờ Đen

Để yên con đỏ.

Nào ngờ :

Nó bắt được ông

Nó chặt mất sỏ,

Cái đầu ông kia,

Cái mình ông đó,

Khốn khổ thân ông,

Đù mẹ cha nó.

Tôi :

Vâng lệnh quan trên,

Cúng ông một cỗ.

Này chuối một buồng,

Này rượu một hũ,

Này xôi một mâm,

Này trứng một rổ,

Ông có linh thiêng,

Mời ông xơi hộ,

Ăn uống no say,

Nằm cho yên chỗ,

Ới ông Ngạc-Nhi ơi !

Nói càng thêm khổ.

Bài văn tế này rất ngắn, nhưng rất lạ, nhất là thoát hẳn với các thể tài văn tế khác xưa nay kể cả nội dung lẫn hình thức, và rất sát với thực tế. Lời văn thiệt bình dị mà mỉa mai chua chát. Bảo rằng là tế, nhưng thật là gọi ra mà chửi, nhất là lại bảo ăn no uống say để rồi nằm cho yên chỗ. Thì có khác nào như bảo lũ chó chết.

Bài văn này tuy sau không mấy sách báo nào in lên vì sợ thực dân Pháp. Song còn được là do sự truyền tụng của đồng bào. Đồng bào đã thích, đã đọc, đã ham mê thì có trời mà cấm…

Tuy thế, lúc đó quyền lực của người Pháp cũng chưa là mấy, vì chính sách của chúng còn đang trong giai đoạn mua chuộc. Người ta bảo cụ dám làm như thế là vì quyền cai trị của người Pháp chưa vững, thế lực của triều đình hãy còn, vả lại, cụ là một bực đại khoa có uy tín chẳng những đối với các quan lại, các sĩ phu mà ngay với cả các từng lớp khác trong quảng đại nhân dân.

Theo sự nhận định của tôi, cái đó cũng chỉ là những điều kiện phụ thuộc trong hoàn cảnh, mà chính là do tư tưởng căm thù và ghét bọn theo giặc.

Bởi thế sau này đến phiên Toàn-quyền Bôn-Be (Paul Bert) chết. Với danh nghĩa Tam-nguyên cụ phải buộc lòng ra tế và đọc bài văn tế cho các quan « Annam » ở Hà-thành khóc đấng quan thay đầu sọ Pháp.

Bài văn tế này, người ta tưởng đâu cũng sẽ có những tiếng ô hô và những câu có vần, có điệu đối nhau. Nhưng đến khi đọc, té ra chỉ là một bài thơ tập Kiều :

Trời Tây đằng đẳng bóng vàng,

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong.

Ngoài ngàn dặm chốc ba đông,

Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang.

Bây giờ sự đã vẹn toàn,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.

Khí thiêng khi đã về thần,

Hồn còn theo đám mây Tần xa xa.

Cúi đầu quỳ trước sàn hoa,

Thác là thể phách, còn là tinh anh…

Bài thơ tập Kiều này có ý nói Bôn-Be từ bên Tây qua đây, sắp đặt công việc bình định xong thì chết mà chết ở bên đây là chết đường chết chợ, không về được quê hương xứ sở. Hai câu « Khí thiêng khi đã về thần, hồn còn theo đám mây Tần xa xa » là chỉ vào việc đó. Còn hai câu kết là ngụ ý nói móc các quan « Annam » đã ra quỳ gối ở trước bài vị một tên đi cướp nước để hưởng những cặn bã, ôi nhục ôi là nhục !

So với bài văn tế Ngạc-Nhi, bài tế Bôn-Be kém hơn về kỹ thuật, nhưng nội dung có phần tế nhị, đả kích bọn người chủ trương nhiều hơn và nói kín đáo hơn.

Người ta bảo thơ cụ Yên-Đổ kém phần xây dựng. Song nói đến như thế mà bọn người như thế vẫn cứ trơ gan, dày mặt, không biết gì vinh nhục, thử hỏi làm sao mà xây dựng.

Thơ của cụ, tuy có bất mãn và thụ động nhiều thật, nhưng so với hàng khoa bảng và các hàng sĩ phu đương thời, cụ là một nhân vật nổi bật lên trong số những người được nhân dân kính trọng ở chỗ không cộng tác với giặc, không tham tiền của giặc và không sợ uy quyền cùng thế lực của giặc.

Đọc văn thơ cụ, tuy chúng ta không đồng ý ở chỗ cụ kém phần tranh đấu, xây dựng, nhưng phải học ở cụ, cái tinh thần cao cả đáng phục của nhà nho chân chính.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3